Bếp Lửa

5

Về Bắc Ninh tôi bị cảm khản tiếng mất một tuần phải nghỉ làm việc. Nhưng buổi sáng mùa đông buồn rầu thêm. Tôi nằm lỳ trên giường không buồn trở dậy. Những tiếng ồn ào từ trong lớp giờ làm việc, ngoài sân giờ ra chơi, bay lên qua một khoảng xa cách lắm, tôi đợi từng bước chân người ngoài hành lang.
Mỗi buổi trưa ông già gác mang lại phòng cho tôi một bát cháo nóng - buổi trưa kèm theo một tờ báo hàng ngày. Tôi lười, thoái thác không xuống phòng ăn. Tôi đọc báo, nhìn cuộc đời bình thản qua như những cuộn mây xám thường ngoài cửa sổ buổi chiều. Và tôi ngủ những giấc ngủ đầy hơi thở nóng và mồ hôi cùng trống ngực.
Linh mục Tân đến thăm tôi hàng ngày khoảng 4 giờ chiều và ở lại phòng tôi chừng mười lăm phút. Nhiên săn sóc tôi vào buổi tối khi những tiê!ng chuông khóa lễ chiều đã im. Nhiên thuờng ngồi nói chuyện. Anh kể về gia đình, về thời thơ ấu, và ơn trên đã kêu gọi anh để được dâng mình cho Chúa, bằng giọng bình thản như đọc một đoạn sách thánh kinh. Bà nội anh muốn có một người con dâng cho Chúa nhưng cha anh là con một. Tiếp theo Nhiên là đứa cháu độc nhất. Đứa cháu độc nhất ấy nghe ở linh hồn mình từ nhỏ âm vang lời kêu gọi của Thiên Chúa và Nhiên mong rằng sẽ làm thỏa mãn khát vọng của những người sinh thành. Trong những lúc ấy tôi ngó lên ngọn điện yếu mỏng chập chờn như muốn tắt.
Đại không sang, những thư từ của tôi được cho vào phong bì lớn dán kín gởi sang trường. Tôi nhận được thư của Francoise trách tôi lười viết, nàng hỏi tôi có nhận được thư của nàng không. Nàng cho biết hiện đang công tác vận động những gia đình có con em chiến đấu ở Đông Dương để làm kiến nghị yêu cầu chấm dứt chiến tranh ở đây. Đồng thời cùng với một nhóm bạn hữu thanh niên, nàng đã được gặp Sartre, chất vấn về vấn đề cộng sản và cách mạng. Nàng bảo nàng hơi đen và gầy hơn nhưng cũng cao hơn. Nàng vừa kỷ niệm sinh nhật thứ muời chín của nàng.
“Pauvre Francoise!”
Hòa tả những trận mưa ở đồn điền dài ba trang giấy mỏng. Và Ngọc:
“Mày ơi!
Mày còn thì giờ để ý đến tao ư? Tao tưởng mày nghĩ đến thân phận mày cũng đã đủ lắm rồi. Thằng Bảo cho tao lãng mạn và chắc rằng chúng mày cũng đồng ý với nhau. Nhưng hỡi ôi! Lãng mạn phải là chúng mày mới đúng. Đau khổ cho nhiều vào, đọc sách cho nhiều vào, xót thương mình chưa đủ rồi xót thương người… để mơ mộng: cách mạng. Ôi chao cách mạng! Cách mạng để làm gì? Những con ngựa bị hành hạ đau quá thì lồng lên hất thằng dô kề ngã mà chạy. Chạy đi đâu? Thằng dô kề nó sẽ túm được, nó đánh đập tàn nhẫn hơn và lại sỏ cương trèo lên.
“Thế nào tao cũng bỏ đất này đi, tao can đảm thú thực như thế, chết ở chỗ khác yên thân hơn. Còn hơn chúng mày lòng tin đã mất mà không dám thú thực, mà vẫn còn cố gắng giả tin.
“Bằng chứng là mày có tự do đâu, thằng Bảo vợ con và cái be nước mắm, mày bỏ trường này rồi cũng đến trường khác. A-men, mày đang tìm về với Chúa đấy.
Cầu Chúa che chở cho cái thằng sâu kiến lúc nào cũng tưởng mình lớn ngang Đức Chúa. Làm dấu Thánh Giá và quì xuống.”
Ngọc
Tôi quên lá thư của Ngọc mở ở bàn đêm đầu giường. Buổi chiều tôi ngủ chập chờn, khi mở mắt Nhiên ngồi cạnh và đã bật đèn. Nhiên hỏi:
“Anh không ăn cháo? Để tôi bổ cam cho anh xơi.”
Tôi ngồi dạy nói:
“Cám ơn anh, tôi có thể làm lấy được.”
Tôi bổ cam ở bàn, nhìn ra cửa sổ, gió khoan khoái một chút.
Nhiên hỏi:
“Anh cho là có Thượng Đế hay không?”
Tôi suy nghĩ rồi trả lời:
“Câu hỏi ấy chưa bao giờ làm tôi thắc mắc cả.”
Tôi không nghĩ đến nó.
Nhiên lại hỏi:
“Anh có nhận rằng ở đời có một cái gọi là Thiện, một cái gọi là Ác, có công bằng, có tự do, bác ái…"
Tôi trông thẳng vào mặt Nhiên đáp:
“Có chứ tại sao không?”
“Vậy mà anh lại không tin Thượng Đế thì lạ thật.”
“Tôi tưởng những ý niệm ấy họp nhau thành một ý niệm hoàn hảo hơn tất cả là Thượng Đế. Thường thường người ta nghĩ một vài ý niệm khó thỏa hiệp vớ nhau như bình đẳng và tự do, nhưng đạt đến sự hòa hiệp chính là tìm về Thượng Đế rồi còn gì.”
Tôi bước vài bước đắn đo:
“Tôi nhắc lại với anh tôi không suy nghĩ về vấn đề ấy. Theo tôi có những lúc người ta cần giải quyết giữa người với người và Thượng Đế không nên có mặt ở lúc ấy. Có mặt khi không cần thiết, Thượng Đế sẽ bị nhơ nhuốc lây và có thể bị mất ngôi. Mà ngôi Thượng Đế có lẽ cần thiết lúc khác.”
“Thượng Đế sẽ giải quyết được những vấn đề của loài người nếu loài người biết tìm về Người.”
“Không, tôi không tin như thế, Thượng Đế không sống cái sống xác thịt của nhân loại. Khi Thượng Đế nhập thể thành người như Chúa Jésus hay Phật Tổ thì chính ở những người ấy Thượng Đế đã bị lôi kéo vào tấn thảm kịch riêng tư của loài người, và chỉ có thể thoát ra với sự thất bại…”
Những buổi tối tiếp theo, Nhiên thưa sang thăm tôi - Tôi nằm nghe tiếng động ngoài hành lang và lòng mình.

Tôi trả lời Ngọc:
“Ngọc,
Con sâu ở giữa tim giữa hồn, giữa não, mày nhớ không? Đi đâu cũng chỉ là mày – đau khổ và nhục nhã. Mà nào riêng có đất nước này hổ nhục thôi đâu, mọi nơi mắt mày cũng chỉ nhìn thấy như đây. Không trốn được đâu trừ khi mày trốn được lòng này.
Nhưng thôi tao vẫn cầu chúc cho mày đi cho thỏa dồn nén, để ngó thấy ở bất cứ một góc địa cầu nào những điều ghê tởm không muốn ngó, rồi mày sẽ trở lại, tao tin như vậy, nhất định sẽ trở lại. Tất nhiên chán chường hơn nữa, nhưng từ chỗ chán chường cuối cùng ấy tao còn mày hay mất mày vĩnh viễn.
Ngọc ơi! Mày có nhẩy xuống biển ngủ ở dưới ấy không? Con sâu ở giữa tim, giữa hồn, giữa não.
Trước khi đi hãy thư cho bạn mày.
Tâm.”
Lễ Chúa Giáng Sinh đến gần với những ngày rét cóng hơn. Nhà trường vắng ngắt, những giáo sư ngoài như tôi đã về Hà Nội cả. Mặt sân cứng ướt hiu quạnh không cây cối, tôi bước trên sạn vụn theo một cửa ngách sang nhà thờ. Màu đá xám cao và lạnh lẽo thêm.
Những chiếc đen mầu hình ngôi sao, những dây hoa giấy sặc sỡ buồn cười.
Vòm nhà thờ sâu, ánh sáng mờ ảo.
Tôi đi bên những hàng ghế mộc, đến máng cỏ Chúa Hài Đồng. Tôi đứng cách xa ngắm những hình tượng được xếp đặt khéo léo. Vài người đàn bà nhà quê hình như ở chợ rẽ vào, quỳ gối kính cẩn.
Rồi tôi xuống Đáp Cầu cho đến hết buổi sáng.
Tôi vẫn chưa biết nên về Hà Nội hay nên giam mình một tuần lễ trong chuỗi ngày rét mướt ở tỉnh lỵ. Con đường dốc, những sườn núi trơ đất và đá đỏ, gió và hơi nước quyến lấy nhau ở không trung làm khói đặc nặng nề, không một tiếng động ngoài tiếng nổ của động cơ. Chiếc xe hàng đã đổ hết khách ở Bắc Ninh chỉ còn lại vài người. Thị xã tiêu điều những mặt nhà méo lệch. Quán chợ lụp xụp nhớp nháp; chợ còn lại dẫy tường trắng loang lỗ vết tích cũ.
Bữa ăn với vợ chồng Long trong một gian buồng hẹp ấm, mâm bằng gỗ.
Tôi trở về Bắc Ninh gần ba giờ chiều.
Tôi ngồi trong quán nước ở bến xe trong sự náo nhiệt ấm áp của những người xuôi ngược và những người làm xe. Ở đây có những bát nước chè tươi nóng, điếu thuốc lào. Trời mưa bay. Bỗng tôi trông thấy Hạnh, nàng mặc tấm áo dài thâm đi ở ngoài. Nàng chào tôi và ghé vào quán.
Tôi hỏi:
“Cô đi Hà Nội?”
“Vâng.” Hạnh đáp.
Tôi mời nàng uống nước và chúng tôi uống những bát nước chè tươi xanh nóng rộp lưỡi. Hạnh hỏi tôi:
“Anh cũng về Hà Nội?”
Tôi chưa biết trả lời thế nào Hạnh đã tiếp”
“Nếu tiện anh đi xe của em cùng về.”
Nàng nói tự nhiên còn tôi lúng túng. Hạnh lại nói:
“Chỉ sợ anh chê đi xe chở hàng thôi.”
Hạnh đưa tôi ra xe, chiếc xe cam nhông chuyên chở hàng hóa. Sau xe trống, ngoài một thùng đựng ét xăng của nhà binh bỏ không và mấy tấm bao vải.
Tôi và Hạnh ngồi phía trên cùng người tài xế và người phụ xe ở đằng sau. Xe ra khỏi thị xã cùng với hạt mưa dầy hơn. Người tài xế đứng tuổi hai bàn tay khô khan gân guốc chụp trên đầu chiếc mũ cát két dạ. Anh phụ xe trẻ tuổi nói qua lỗ hổng lên với bác tài một câu gì. Hạnh ngồi sát vào tôi và tôi nhận hơi ấm của nàng.
Nhìn thấy ở ngực Hạnh đeo hình thánh giá, tôi hỏi:
“Em theo đạo?”
Hạnh gật đầu trả lời:
“Khi còn ở hậu phương, bây giờ thì thôi rồi.”
Một lát sau, xe chạy đều tốc lực, màu trắng phủ những cánh đồng hai bên đường. Tôi hỏi Hạnh:
“Em còn nhớ về anh xưa hay không?”
Hạnh ngước mắt nhìn tôi rồi trả lời:
“Em nhớ những ngày nghỉ học anh thường đi theo em. Hồi ấy nhà em ở hai nơi, Thị Cầu và Đáp Cầu, nhà anh ở khoảng giữa con đường ấy. Đi về em phải qua nhà anh. Em mặc áo trắng và cặp tóc và em đã được nghe anh nói là em đẹp nhất Thị Cầu.”
Tôi nắm bàn tay nhỏ bé của Hạnh và để vào lòng bàn tay tôi từ lúc nào, rất cảm động.
Hạnh nói tiếp:
“Một lần anh Long và một người bạn nữa đã thách anh đến vuốt tóc em và anh đã làm thật. Ở con đường ra đồng trước cửa nhà một người Pháp có nuôi một đàn ngỗng dữ và em đã về mách nhà anh cái tội trêu trọc em và tôi đứng đó ăn cắp trứng ngỗng.”
Tôi nắm chặt hơn tay Hạnh, có cảm giác hổ thẹn về những hành động ngây thơ táo bạo và tôi đáp:
“Nhưng em cũng biết là bà ngoại anh chẳng bao giờ trị tội anh cả.”
Hạnh gật đầu và cái búi tóc nghiêng xuống vai về phiá tôi. Hạnh hỏi lại tôi:
“Học hết lớp nhất anh đi Sài Gòn? Anh làm gì?”
Tôi nói điềm nhiên và thành thật, ngoài ý muốn:
“Anh đã bán báo, làm thợ, và học nghể chữa ô tô.”
Đến Hà Nội, mưa lớn hơn. Chúng tôi cùng đi ăn cơm với nhau.
Và đêm ấy tôi ngủ với Hạnh ở khách sạn