Bếp Lửa

4

Ông Chính vắng nhà như thường lệ. Đại đọc sách bên cốc nước nóng. Vẫn Crime et Châtiment. Giá sách bầy sự lục lọi, điều ấy tôi không ưa. Đại đứng lên nói:
“Cậu đã về?”
Tôi hỏi một câu:
“Ông Chính không có nhà?”
Tôi cởi áo ngoài xoa tay cho ấm và uống một cốc nước. Tôi hỏi:
“Tại sao nhà lại có nước nóng giờ này?”
Đại mỉm cười:
“Cô Thịnh, con ông Chính mới về.”
Tôi ngạc nhiên bước lại xếp giá sách. Đại tiếp:
“Bây giờ cô ấy trông nom cơm nước.”
Tôi nhìn lại hai căn buồng nhỏ khít nhau, với hai cửa sổ, hai bộ phản, và một cái đi văng làm bằng những cái thùng. Cái mắc áo tỏ sự ngăn nắp của bàn tay đàn bà, tôi mang treo áo lên đấy.
Một người đàn bà dưới bếp lên – đó là Thịnh - Chị có tất cả những nét của người đã sống nhiều năm ở vùng kháng chiến. Chị chưa đến ba mươi, quấn tóc và răng đen, mặc một cái áo cánh trắng và một cái áo len xanh mầu mực.
Tôi nói:
“Chào chị.”
Đại thân mật:
“Đây là anh Tâm vừa ở Bắc Ninh về.”
Thịnh cười dễ dàng tay cầm giá đi lại phía thùng dùng làm đi văng mở lấy gạo. Chị nói:
“Vừa may anh về tôi mới lấy gạo. Anh đi đường có nguy hiểm không?”
Tôi im lặng không trả lời. Tôi muốn chị gọi tôi bằng chú hay cậu.
Khi Thịnh xuống bếp tôi hỏi Đại:
“Cô Thanh cần gặp tôi?”
Đại gấp cuốn sách và gật đầu. Rồi Đại nói:
“Tôi đã gặp cô Thanh. Cô ấy có bề ngoài hiền và ngoan. - Đại ngừng một phút nhìn ra ngoài, tôi không trả lời. “Cô ấy có thể là người tốt, rất tốt. Nhưng tại sao cô lại chọn nghề hát? Anh có nghe biết gì không? – Tôi vẫn không trả lời. “Cô bị nhiều điều tiếng, người ta đồn cô không đứng đắn.”
Tôi tháo bỏ cái ca vát cho đỡ vướng cổ, tai tôi nóng bừng. Tôi rót một cốc nước và muốn bỏ ra phố, xong tôi nói:
“Tôi cảm ơn cậu đã cho biết điều đó. – Tôi ngừng lại đến một phút. “Nhưng tôi không hiểu cậu có những ý nghĩ gì về Thanh? Giả sử có thật đi nữa, không phải tôi tán đồng, nhưng tôi không trách Thanh. Làm thế nào ở giữa một xã hội hư hỏng như thế này, bị tước đoạt hết khí giới, bị ném vào vũng bùn? Cậu thử nghĩ nếu tôi và cậu cũng là con gái, chúng ta sẽ làm gì?”
Tôi biết tôi sắp chảy nước mắt, tôi thường như thế mỗi khi bị xúc phạm.
Đại im, tôi nói tiếp:
“Cậu sẽ bảo tôi cậu bỏ ra ngoài ấy. Bỏ ra ngoài cũng là một lối đánh đĩ, đánh đĩ tinh thần mình. Tôi không muốn nghe, không muốn nghe một lời nào. Lẽ ra cậu đừng nói với tôi mới phải.”
Đại giận lắm, hắn lắp bắp:
“Không, tôi định…”
Tôi lấy cái áo choàng trên mắc xuống và ra phố. Tôi lang thang đến chiều tối mới đến nhà Thanh. Minh đang thổi cơm bằng bếp cồn ngay trong buồng. Cái kẹp tóc của Minh làm tôi dịu hẳn. Sau lưng tôi là gian phòng tối ngăn bằng những miếng vải, ngoài nữa là một cửa hàng da có tiếng máy may chạy. Minh quay lại reo mừng:
 “Ô kìa anh Tâm. Lâu lắm em mới gặp anh.”
 Minh treo cho tôi cái áo vào thành ghế và bắt tôi ngồi xuống. Cô gái nhỏ ấy bắt tôi uống nước cho ấm người và bảo:
 “Anh đi dạy học xa phải không? Sao anh ít về Hà Nội thế? Hôm nay anh phải ở đây ăn cơm với em và chị Thanh…”
Tôi ngắt lời:
 “Cô không để cho tôi hỏi cô điều gì cả?”
Minh đứng ngay ngắn:
 “Xin tuân lệnh.”
Tôi vỗ vai Minh chỉ xuống ghế nói:
“Minh ngồi xuống. Chị Thanh không có nhà?”
 “Thưa anh không.”
 “Chị đi đâu?”
 “Chị em hát ở đài.”
 “Cô học hành có tấn tới không?”
 “Rất tấn tới nhưng vẫn dốt món anh dạy.”
 Minh đứng lên mở nắp soong, khói bồng lên ấm áp. Ghế cơm xong, Minh nói:
 “Anh có nghe chị Thanh hát không?”
 Minh mở máy thu thanh và với giọng nhỏ nhẻ:
 “Chị Thanh hát hay nhưng em lại không thích nghe. Anh biết tại sao không? – Tôi gật đầu. “Em muốn thôi học và chị ấy thôi hát, nhưng chị không bằng lòng.”
 Làn sóng điện rõ dần và Thanh đang hát bài Trở về mái nhà xưa. Minh ngồi xuống, tôi đốt thuốc lá. Minh bỗng hỏi:
 “Anh Đại là bạn thân của anh?”
 Tôi đáp:
 “Phải. Thì sao?”
 Minh nói rất rõ ràng:
 “Em không ưa anh ấy. Em không ưa cái bộ mặt nghiêm trọng, cái cử chỉ cao thượng, cái giọng nói làm như người trên… Anh ấy hay đến đây nói chuyện với chị Thanh, rủ em với chị Thanh đi phố nhưng em không thích đi cùng với anh ấy.” – Minh tắt máy thu thanh. “Có phải thế không anh?”
 Tôi im lặng hít một hơi dài thuốc lá rồi bảo:
“Em xem cơm coi chừng khê thì đen anh lắm.”
Tám giờ kém mười lăm Thanh về. Nàng phủi những giọt mưa trên vai áo và nói:
“Thiêng thật, đang hát mà em cảm ngay là ở nhà có khách. Em rẽ vào Hàng Mành mua chả cốm đây nhé.”
Minh dọn cơm bảo chị”
“Ban nãy em có mở cho anh Tâm nghe chị hát.”
Không khí gia đình ấm cúng suốt bữa cơm. Thanh đặt cái bếp cồn cạnh chỗ ngồi của nàng đun nước sôi pha cà phê. Tôi hỏi:
“Nhà ai uống cà phê mà có?”
Thanh đáp:
“Không, ăn cơm xong Minh sẽ đi mua cà phê chứ. Anh đỡ phải ra ngoài mưa lạnh.”
Tôi nhìn vào mắt Thanh. Chúng tôi nhắc đến những người thân đã mất. Đã từ lâu chúng tôi mới họp mặt nhau. Minh ra phố mua cà phê. Thanh pha ấm nước sôi vào bình trà và đặt ấm nước thứ hai lên bếp đợi cà phê, tôi đốt điếu thuốc lá thứ ba.
Thanh nói sau khi bơm cho ngọn lửa đều:
“Có phải anh khuyên em nên nhận lời không?”
Tôi gõ tàn thuốc không trả lời cũng không biểu lộ cử chỉ nào khác. Mãi thấy Thanh không nói gì tôi mới hỏi:
“Sao?”
Thanh không ngước mắt nói khẽ:
“Từ hôm ấy không thấy cô Nghĩa nhắc lại chuyện nữa. Chu có đến đây gặp em một lần.”
Thanh trầm ngâm. Thanh tìm cuốn len đan dở và sỏ lại những mũi tuột. Nàng bắt đầu làm việc, tôi nói:
“Ngay hôm cô hỏi ý kiến tôi đã cảm giác là chuyện ấy khó thành, hôm nay tôi có thể nói thẳng ra như thế.”
Thanh ngừng mũi kim ngửng lên hỏi:
“Tại sao vậy anh?”
“Tại vì… khó nói quá.”
“Em không xứng đáng chứ gì.” Thanh nói thẳng, giọng chắc nịch. Tôi thấy tròng mắt nàng rưng rưng.
“Không, không phải thế. Tôi cho rằng những người như Chu không có quyền phán đoán chúng ta. Chu có dám sống như cô bao giờ đâu để mà dám phán đoán cô. Những người như thế…”
“Nhưng… đôi khi chính mình cũng nhận thấy rằng….”
“Mình nhận thấy, phải. Mình là tội phạm và chỉ mình đủ tư cách là quan tòa xét xử mà thôi. Ngoài ra không một ai được quyền cả, kẻ nào dám sống cái thân phận một người con gái không được che chở - mà phải che chở cho người khác – trong một hoàn cảnh xã hội như thế này. Những đứa con gái là lượt tưởng là đoan chính kia đáng lẽ cô được quyền khinh vào mặt họ, nhưng không, đừng để ý đến họ, coi như họ không có mặt giữa chúng ta… giữa cái xã hội đáng tởm này…”
Thanh ngồi lặng người, cúi đầu.
Tôi châm một điếu thuốc khác.
Trấn tĩnh xong, Thanh hỏi:
“Còn Đại?”
Tôi im khá lâu:
“Hắn định bỏ ra ngoài.”
Minh mua cà phê về, tự tay Thanh pha cho tôi. Tôi uống cà phê và nói chuyện với Minh. Thanh làm việc và lắng nghe. Muời giờ tôi từ giã hai chị em Thanh.
Tôi không về nhà mà thuê xe xuống nhà Bảo dưới Hàng Bột, gần ô Chợ Dừa.
Chiếc xích lô nhịp nhàng ra ngoại ô.
Đường vắng và bóng. Mọi căn nhà đã ngủ trừ dãy nhà điếm quét vôi mầu hồng mắc đèn đỏ chăng dây kẽm gai trên đầu tường. Những bóng người ra vào ở đây lẩn lút, câm nín.
Xe dừng bên đường tàu điện. Tôi bước qua con đường sắt vào ngõ. Nhà Bảo cũng đã không còn tiếng nói, ánh đèn dầu hiu hắt trên bàn.
Tôi gõ cửa và nghe tiếng vợ Bảo:
“Ai đấy?”
Tôi chậm rãi trả lời:
“Tôi.”
Trong khi người đàn lệt xệt guốc trên nền đất ra cửa.
“Anh Tâm đi khuya thế?”
Tôi mang cả luồng gió vào gian nhà. Tôi hỏi với Bảo:
“Hôm nay tôi xuống ngủ với anh.”
Bảo tươi cười hỏi:
“Anh mới về?”
Vợ Bảo thu xếp những hộp gỗ đựng hàng cho gọn cái phản lớn làm nơi ngủ của tôi và Bảo. Gia đình Bảo bán những thứ vặt vãnh cần dùng hàng ngày cho người trong xóm: gạo, nước mắm, củi, xà phòng…
Chị Bảo giăng màn xong nói với chồng:
“Anh mời anh Tâm năm nghỉ không mệt.”
Chị trở về chỗ nằm cũ. Chúng tôi vào màn.
Tôi thao thức rất lâu và cựa quậy luôn.
Gió trên mái và sau nhà. Gần đấy một con chó thỉnh thoảng lại tru lên những tiếng kinh hãi. Chuột rúc trong những xó nhà. Có lẽ vợ Bảo đã ngủ yên, ôm con trong lòng, thằng bé chép miệng luôn.
Bảo chợt quay sang phía tôi hỏi:
“Tâm vẫn còn thức đấy hả?”
Tôi hỏi nhỏ:
“Làm sao?”
Bảo thì thầm:
“Thằng Ngọc xuống Hải Phòng rồi. Nó vừa viết thư cho tôi.”
“Thế à? Lâu lắm tôi không được gặp nó dễ thường đến gần một năm.”
“Nó làm gì anh có biết không? Phu khuân vác bến Sáu Kho.”
“Phu khuân vác?”
“Nó viết thư cho tôi toàn khói nhà máy, khói tàu biển, thợ thuyền, bữa cơm đầu chợ. Nó chờ đợi một chuyến đi xa, đi không trở về cái đất nước nhục nhã này, đi tìm cái chết nơi hải cảng trong quán rượu xa lạ, chết một mình bên chai rượu… Nó lãng mạn quá sức.”
Bảo nói đều đều đủ nghe.
“Lãng mạn.” Tôi lập lại.
“Nó không đủ kiên nhẫn khiến cho mình thêm rúng động. Còn phải sống như thế này đến bao giờ? Bao nhiêu năm nữa? Nó làm cho tôi sợ cái chuỗi ngày thường của tôi, có phải mình đang kiên nhẫn chịu đựng hay mình đang chết đi? Hay đã chết rồi? Nếu thật chết rồi thì cái hành động nổi loạn vô ý thức của nó có nghĩa hơn cái cuộc đời bên cái hàng tạp hóa và vợ con này của tôi.
Tâm cậu nghĩ xem nó thiếu kiên nhẫn hay là mình đã chết rồi?”
Tôi không trả lời, gác một chân ra ngoài chăn. Bảo đã dự trong phong trào Ngũ Xá. Anh bị hư một chân khi trải qua nhà tù Pháp và Việt Minh.
“Tâm, cậu nghĩ xem mình đang cố gìn giữ những hơi thở cách mạng hay mình đang thở hắt ra còn cố lấy vòng hoa cách mạng che mặt?”
Vợ Bảo trở mình trên giường. Con chó đâu đây lại tru lên từng hồi dữ tợn hơn.
Lát sau tôi bảo:
“Nếu anh viết thư cho Ngọc anh bảo nó liên lạc với tôi cho tôi được biết tin tức nó.”