|
Một Chủ
Nhật Khác
Tiểu
thuyết
Thanh Tâm Tuyền
4
Nằm trong đêm,
Kiệt chờ giấc ngủ.
Chàng nghe lại những đoạn nhạc, nhìn lại những ảnh tượng.
Chàng thấm nỗi tang thương vật vã của khúc nhạc ngoài mọi kỷ niệm.
Chàng lặng
trong ánh lửa bên triền núi tưởng đến một tảng đá bị nung đốt. Một lúc,
những âm
thanh tán loạn dượt đuổi nhau như những chấm sáng bay mù tít theo nhịp
nở dãn
riêng không sao kiềm chế, kết hợp. Để trấn áp, Kiệt tập trung tư tưởng,
gợi nhắc
một vài ảnh tượng liên quan đến Beethoven. Ngôi nhà ẩn náu lúc cuối đời
của nhạc
sĩ, chàng đã tới chiêm ngưỡng ở Heiligenstadt.
Chàng tưởng
tượng nếu như mình điếc đặc hay mù tịt. Rồi chàng
mơ màng mường tượng ngọn đại thụ trơ vơ giữa cơn giông tố. Một con dị
điểu tên
găm đầy mình lao vút, ngã đâu trên chín tầng trời thanh thản. Và chàng
hát
trong đầu, đề nhạc thiết tha của Hòa Tấu Khúc số 9, những lời trào dâng
không rứt
của khúc Hoan Ca.
Mắt Kiệt thao
láo, tim nện thình thịch trong tai áp trên gối.
Giây thần kinh căng thẳng, tê dại nửa thân. Kiệt nghĩ, chỉ vì cốc cà
phê tai hại
uống vào giờ chót. Chàng bấm nút đèn đọc sách đặt trên ghế sát đầu
giường, nằm đợi
cơn kích động trôi qua, Ánh đèn xoá dần những âm thanh, những hình bóng
cuồng
loạn.
Kiệt rất sợ
mất ngủ. Đêm ít ngủ là cả ngày sau không thể làm
gì và ngại nhất là tâm thần bất an, vui buồn thất thường. Những ngày êm
tĩnh khó
tìm lại được. Biết thế, nhưng Kiệt không sao dỗ nổi giấc. Buổi tối vừa
qua, và
cả buồi chiều nữa, khuấy rộn những nghĩ tưởng không sao ngăn chặn, dập
tắt.
Chàng lại thấy
mình ngồi trên tảng đá lớn bên sườn ngọn núi
cao nhất vùng có hàng điện thu hút mắt chàng mỗi đêm. Chàng ngồi đó, buổi sáng mùa
xuân năm ngoái, nhìn xuống thành phố nhỏ ly ty xa tít. Chàng cố tìm vị
trí của
ngôi trường, muốn thấy bãi đậu xe nơi chàng vẫn đứng. Nhưng chàng chỉ
thấy
gió lùa ướt díu mắt.
Chỗ chàng ngồi là một quãng nghỉ trước khi lên đỉnh. Con đường
mở cho xe hơi lên đến chỗ ấy ngoặt ngang, chạy một đoạn bằng, men theo
khấc núi.
Ngang tầm bãi cỏ nơi Kiệt ngồi, những thân cây khô bị hạ nằm ngổn ngang
trên mặt
đất bên kia con đường và bên này, những cây thông xanh và bờ bụi mọc
bám trong
các kẽ núi sâu. Ở đây có một đài tiếp nước bằng gỗ kẻ khẩu hiệu bằng
sơn đen: Hãy
ngơi nghỉ. Những chiếc xe lên đài viễn thông đến đây tắt máy đậu trước
khi leo
nốt đoạn dốc gay go cuối cùng. Trên vách đá nguệch ngoạc vài câu khẩu
hiệu hòa
bình. Một câu đặc biệt: Bạn sắp lên tới Thiên Đàng. Tất cả viết bằng
tiếng Mỹ.
Mùa xuân năm
ngoái Kiệt theo chân lớp Tân Khóa Sinh trong cuộc
chinh phục ngọn núi cao. Chàng rớt ở quãng ấy cùng một ông Trung Tá
già. Trong
khi Kiệt ngồi bệt trên tảng đá, ông Trung Tá xuống kẹt núi hái lan đất.
Ông dùng
tay cào bới, thở hì hụp mỗi lần leo lên leo xuống. Có lúc ông lẩn biệt
trong các
bụi rậm không nghe động tĩnh. Kiệt đi men bên trên kiếm ông, tưởng mình
sẽ lạc
lõng, một mình trên sườn núi, trên bãi cỏ, trong kẹt núi nếu như ông
Trung Tá biến
mất.
Ý nghĩ dưng
không biệt tích như một cánh chim nhào ngã, như
cây cỏ bỗng bắt cháy, như đám sương tan dưới ánh mặt trời làm Kiệt sung
sướng vô
lý.
Dạo Thùy đã về
nước, mùa
đông Kiệt theo bạn bè đi chơi núi.
Một chiều đẹp, sắc, chàng cùng một cô bạn mới quen rủ nhau tách đoàn
tìm lối lạ.
Hai người lạc, muốn chết cóng, may mắn lần mò được xuống chân núi và
đến một
trang trại không người ngủ qua đêm. Khi đã mót lượm cây gỗ nhóm ngọn
lửa sưởi
trong ngôi nhà hoang, dọn một chỗ nằm sạch sẽ trên sàn, đã ủ người
thiếu nữ xa lạ trong tay, Kiệt hỏi: Mình ở lại đây, Hélène? - Còn đi
đâu nữa. Kiệt hôn nàng, cảm ơn. - Mãi mãi chớ Hélène? - Mãi mãi. Thiếu
nữ nhắm mắt nói. Nàng nghe và đáp câu hỏi của Kiệt như một lời tán tỉnh
vuốt ve. Kiệt rợn rùng trong cơn băng giá của ái ân và trông ngọn lửa
lụi tàn, nghĩ mình lúc nào thình lình trở thành kẻ sát nhân hung bạo.
Đó là
bến bờ hạnh phúc chẳng khi nào chàng đặt chân lên dù chàng có bị
xô
táp tới. Một cô bạn viết thư mách Thùy về chuyến bỏ trốn của Kiệt. Thùy
hiền hậu, trách thói ham hố của bọn đàn ông.
Dưng không đêm nay Kiệt nhớ đến ông Trung Tá. Nhớ xóm làng Thượng tân
tiến nằm dưới chân núi, tám giờ sáng còn chìm ngập trong màn sương
trắng đục. Ở một bãi trống có xác chiếc trực thăng hai cánh quạt. Ông
Trung Tá già và Kiệt đã chui vào trong khoang tầu hư nát quan sát các
vật bỏ lại.
Các khẩu đại bác của trung đội pháo binh bên khu trường cũ bắn những
phát đạn khuấy rối đầu tiên trong đêm. Thường khi Kiệt đã ngủ được một
giấc, có giật mình vì những tiếng nổ xong lại thiếp đi ngay.
Ông Trung Tá mập có vẻ bệnh hoạn. Ông từng bị địch bắt hồi Mậu Thân khi
về quê nhà ăn Tết và vượt ngục trốn thoát sau sáu tháng bị giam cầm
trong rừng gần biên giới. Từ trại An Dưỡng ông được đưa lên làm việc
tại trường và được giao giữ một chức vụ mới đặt riêng cho ông, không có
trong bảng cấp số: thanh tra các lớp học. Ông ngụ trong cư xá độc thân
mặc nhiên trở thành trưởng trại. Gia đình ông ở Sàigòn và ông lủi thủi
một mình không có bạn.
Tiếng ông nói nhanh nghe như lắp bắp, tiếng cười phát ra bất thường và
ngắn ngủi. Nhìn nét mặt ông ngay sau khi tiếng cười vừa tắt, không ai
có thể biết ông đã cười.
Ông chết cách đây mấy tháng. Một trái lựu đạn nhỏ bằng trái chanh đã nổ
trong gian phòng ông ngủ ban đêm. Gian phòng chếch với gian phòng của
Kiệt thuộc khối nhà bên kia quảng trường. Nằm đây bên cạnh cửa sổ kính
dầy, Kiệt chỉ ngó thấy được gian phòng ấy bằng tưởng tượng. Gian phòng
không ai dám ở nữa, lỗ chỗ những mảnh lựu đạn trên cửa, trên tường,
trên sàn.
Cuộc điều tra đưa đến kết luận tử nạn vì công vụ, giúp cho vợ con của
ông được hưởng các quyền lợi của một tử sĩ . Cái chết phủ nhiều bí mật
với nhiều dư luận đồn đãi. Đêm trái lựu đạn nổ trong phòng ngủ của ông,
Kiệt có ngủ tại trại nhưng không hề hay biết. Chàng hoảng hồn ngơ ngác
trong buổi sáng tinh mơ đứng trên bãi đậu xe nghe tiếng người la lớn
đối đáp báo tin biến cố đêm hôm.
Kiệt nhìn ánh điện vàng nhòe của ngọn đèn giữa quảng trường chiếu trên
mặt kính. Đêm ấy, ngọn đèn này tắt, Kiệt nhớ.
Chàng ngồi lên trong mùng, ngó quanh quất.
Bữa leo núi, trong khoang chiếc trực thăng, lần duy nhất Kiệt nói
chuyện với người đã chết. Chính ông gợi chuyện. Ông hỏi chàng ở ngoại
quốc bao lâu? Chàng về nước năm nào? Cảm tưởng của chàng những ngày đầu
mới trở về? Kiệt lịch sự trả lời vừa đủ, không dài dòng trong khi hai
người cùng mầy mò quan sát những mối dây điện cao thế bị cắt rời khỏi
các bộ phận đã tháo gỡ. Bỗng không ông nhận xét: buổi tối nằm lại trong
khoang tầu này chắc rét chịu không thấu. Mùa đông vừa qua, ông sưởi
bằng bóng đèn 500 [watts] ngay trong phòng làm việc, bóng đèn giấu dưới
gầm bàn. Rồi ông hỏi: "Tại sao ông lên trên này?". Ngồi trên xe díp
trước khi mở máy, ông ngó chiếc phi cơ nói: "Ông trông nó giống con
voi không? Loài voi có đặc tính kỳ lạ là khi biết mình sắp chết thì tự
động bỏ đàn lánh đến chỗ khuất nằm chờ chết? Các nhà thám hiểm Phi Châu
thường gặp những nghĩa địa voi." Ngưng vài giây, ông nói tiếp bằng
giọng bình thường: "Tôi mới đọc một quyển truyện về voi, thật thích.
Tôi đang cố gắng dịch quyển sách ấy". Kiệt hỏi: "Trung Tá viết sách?"
Ông vội vàng cải chính: "Đâu có. Tôi dịch để gửi về cho mấy đứa nhỏ ở
nhà đọc. Chúng nó không đọc được sách ngoại quốc mà quyển này thì chắc
chẳng có ai mất công dịch, in làm chi. Tại tôi thích... với lại viết
thư cho tụi nhỏ tôi chẳng biết viết gì...". Về đến thành phố giữa
buổi trưa ngà nắng, ông bảo: "Cũng có phần đúng, thành phố này là một
nghĩa địa voi. Nhưng rừng ở đây tuyệt giống voi lâu rồi.... Cái ông bác
sĩ tìm ra thành phố này là một con bệnh ông biết không? Ông ta mắc
chứng kỳ quái...".
Sau buổi ấy, Kiệt không còn dịp nào nói chuyện với ông. Gặp lại chào
ông, được ông đáp bằng vẻ dửng dưng như với mọi người. Cái chết thình
lình lấp kín ông. Đêm nay chàng sực nghĩ đến tập sách dịch của ông,
muốn đọc, chàng quên không hỏi ông về nhan đề quyển sách, tự hỏi chẳng
rõ ông dịch xong chưa, rồi tự đáp, cuốn sách dịch bỏ dở dang. Và không
lý do, chàng kết luận ông tự vẫn.
Xe xung kích tuần tiễu hàng đêm trở về. Những tiếng bước nặng nề qua
ngoài hành lang, rồi khuất.
Kiệt chui ra khỏi mùng, uống cốc nước dư nguội lạnh. Chàng ngồi vào
bàn, châm thuốc, lật một quyển sách. Đêm đã thật khuya lắng. Đầu
óc chàng tỉnh táo, khô ran như đất phơi dưới nắng. Chàng ngồi nghĩ,
ngày hôm sau thứ bẩy, rảnh rang hoàn toàn, không sợ mất ngủ nữa, nhưng
chàng lại sợ những ý nghĩ mê mê mờ mờ, những tư lự, thảng thốt, những
giấc chiêm bao mở mắt.
Kiệt sang phòng tắm, định đánh răng rửa mặt lần nữa. Nước khổng chẩy.
Ống nước thường hư, nhiều khi cả tuần không nhỏ một giọt. Những lon sữa
Guigoz trữ nước cũng cạn sạch. Trong hành lang gió lùa.
Kiệt vào phòng khoác thêm áo, ra ngoài.
Trời xanh mướt mầu trăng sương. Những bóng núi đen thẫm. Gió lan rì rào
như đang đổ trận mưa bụi đâu xa. Lính gác trốn nép vào chỗ khuất, bó
gối ôm súng, ngủ gục.
Dòm trời đất một hồi hai bàn chân và hai bàn tay giá cóng, Kiệt quay
vào. Bước trong hành lang chênh chao gió luồn, chàng còn hiểu mình chờ
đợi, mong ước gì lúc này.
Tại sao ở đây? Câu hỏi ấy chính Kiệt từng đặt cho mình nhiều lần. Làm
thế nào trả lời xuôi. Phút này, Kiệt như người mắc chứng kiện vong như
hồi mới về nước.
Kiệt sống ở ngoại quốc trên mười năm. Mười tám tuổi đỗ tú tài, ông bố
vận động cho đi du học. Bố Kiệt, một người thức thời, hồi cư về đến Hà
Nội đã bán hết cơ nghiệp mấy đời tạo lập ở Hải Dương, đưa gia đình vào
Sàigòn kinh doanh trước năm 54. Kiệt thật tâm không thích đi xa, mẹ
chàng cũng không muốn rời đứa con độc nhất của bà. Nhưng cả hai không
thể cưỡng ý ông bố. Ông không muốn con trai ông đi lính. Ngày Kiệt đi,
hai mẹ con cùng khóc sụt sùi. Là con một nên từ bé đến năm mười tám
tuổi (bình yên ở nhà quê đã có thể lấy vợ đẻ con rồi) Kiệt chỉ sống
quẩn bên gấu quần mẹ.
Kiệt học cơ khí ở Đức, học Quản Trị ở Mỹ. Việc học hành của chàng tuân
theo sự chỉ dẫn của ông bố. Chàng không hề bầy tỏ ý kiến riêng. Kiệt là
đứa con chí hiếu. Nếu được tự lựa chọn, chắc Kiệt học Canh Nông và Âm
Nhạc. Trong những năm tản cư chạy loạn, chàng thích đời sống rẫy bái.
Còn Âm Nhạc là mối đam mê suốt thời thơ ấu mà chàng phải giấu ông bố.
Chỉ mẹ biết mà thôi. Nhưng người đàn bà ấy, bình lặng đơn sơ như chiếc
bóng bên con, không hiểu gì về những cõi xa xôi ngoài thực tế. Yêu con
nhưng sợ chồng, bà không dám chia sẻ mối đam mê của Kiệt. Ngày nhỏ,
Kiệt chỉ hát khi nhà vắng bố. Kiệt có một cây kèn harmonica, thường
thổi cho mẹ nghe những buổi chiều tối hiu quạnh thui thủi hai mẹ con
với nhau.
Ngày Kiệt đang ở Đức, mẹ chàng mất. Chàng chỉ được bố báo tin sau khi
chôn cất bà xong xuôi. Ông không muốn chỉ vì những lễ nghi hình thức
bắt Kiệt về chịu tang, và dù về cũng chẳng kịp - bà chết vì bệnh cảm
mạo mau lẹ, bất ngờ. Kiệt thương mẹ, lòng cảm thấy bất nhẫn, nhưng
chàng chẳng có lý lẽ nào để chê trách bố. Ông cũng đau khổ chứ?
Ngày ấy, nơi xứ người, lần đầu trong đời, Kiệt một mình dến quán rượu
uống say bí tỉ, khóc mẹ. Cũng lần đầu, trong cơn say, Kiệt thù hận
những lo lắng, tính toán quá sáng suốt lạnh lùng của ông bố. Mẹ chàng
đã đau khổ những năm chàng ở xa, đau khổ hơn nữa, lúc nhắm mắt lìa đời
cũng không được nhìn mặt chàng. Nếu như Kiệt nhất định không chịu rời
mẹ, chàng không đi học nước ngoài?
Cánh cửa phòng Kiệt đã kéo khép, bây giờ gió xô hé. Ánh đèn rọi vệt
sáng nghiêng trên hành lang.
Kiệt mơ hồ thấy một cánh bướm đen bay lạc vào bóng tối cuối hành lang
nơi có những phòng bỏ trống.
Đáng lẽ Kiệt phải tức tốc bay về khi hay tin mẹ mất dù đã trễ muộn. Dù
bà chẳng còn có thể nhìn thấy mặt chàng và chàng cũng chẳng còn nhìn
thấy mặt bà. Dù chàng có bị giữ lại. Đáng lý chàng phải bay về nôn nả
như sau này chàng đã đáp ứng lời gọi của Thùy. Chàng đã không làm, tại
sao?
Sau khi mẹ chết Kiệt quyết định vĩnh viễn không về nước. Thùy làm chàng
thay đổi quyết định.
Mấy tháng đầu trở lại quê hương, Kiệt lạc mất quá khứ. Đầu mối ràng
buộc chàng với quãng đời mười tám năm ở xứ sở là mẹ chàng đã đứt. Chàng
đến thăm ông bố. Ông đã lập gia đình, có ba đứa con với bà vợ sau. Hai
bố con ngồi với nhau trong phòng khách. Ông mời chàng về ở trong nhà,
chàng từ chối. Ông mời chàng lưu lại dùng cơm tối, giới thiệu chàng với
vợ con ông và tiễn chân chàng tới tận cổng ngoài, bắt tay từ biệt hẹn
tái ngộ. Chàng mời ông đứng chủ hôn lễ của chàng và cảm ơn ông về tất
cả những nghi thức phiền toái ông phải làm vì chàng. Kiệt không hiểu
tại sao bao nhiêu năm trời chàng đã tuân hành theo ý ông chẳng dám thốt
một lời phàn nàn.
Kiệt lạc lõng giữa những kỷ niệm hờ hững của mọi người và những kỷ niệm
lác đác le lói nơi chàng. Chàng chẳng tìm thấy bóng chàng đâu cả. Mẹ
chàng đã mang theo xuống mồ.
Nếu Kiệt không về ngày ấy, chàng đã qua Phi Châu. Kiệt được tuyển làm
chuyên viên trong một tổ chức của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng Kiệt đã về.
Mấy đứa sang cùng chuyến với Kiệt biệt tăm luôn. Chúng sống dễ dàng. Có
công ăn việc làm, lấy vợ đẻ con theo nền nếp dân bản xứ chính cống. Có
đứa làm nên danh phận, có đứa đóng vai lưu vong. Có đứa lêu bêu khốn
khổ. Chẳng đứa nào tơ tưởng đến quê hương, chốn ấy chỉ còn trong kỷ
niệm để nhắc nhở khi gặp nhau. Đến một ngày rồi chúng cũng chẳng cần
thiết nhắc nhở nữa.
Kiệt nhớ đứa cháu họ như là bạn ở phương trời ấy. Hắn phá ngang sống
đời nghệ sĩ. Vẽ tranh, tập sự nghề điện ảnh, làm bài hát, viết truyện
trinh thám ký tên đặc Tây. Và chết vì bệnh lao phổi. Kiệt cũng có thể
sống một đời như thế, tại sao không? Đó chẳng là cách biệt tích ư?
Kiệt hết đứng lại ngồi. Vào giường nằm tắt đèn rồi mở đèn, lui tới
trong khuôn buồng chật. Hút sạch bao thuốc lá. Nhặt những mẩu hút thừa,
hút lại. Miệng khô đắng, ngực cồn cào.
Đêm đứng im không trôi nữa. Nhạc vẳng lên trong đầu. Kiệt chấp chới bay
trôi trên những đề nhạc bi thiết. Chàng như mảnh sao rớt trong cõi nhịp
bất tận. Qua những lớp sóng. Cơn bão táp. Rừng gió mênh mang. Cao độ và
thẳm cùng.
Rồi Kiệt nghe tiếng nước giọt tí tách bên phòng rửa mặt. Chàng mở cửa
bước sang. Qua mặt kính phòng vệ sinh vẫn chỉ có ánh đèn điện từ quảng
trường rọi xuống. Đêm đang chuyển giấc nổi những tiếng động vu vơ. Kiệt
đã mệt muốn nghẹt thở. Đến lúc này tắt lặng mọi âm thanh, mọi hình
bóng, đầu Kiệt như một phòng vách thép đen đúa toả lạnh.
Kiệt vào giường nằm co quắp.
Những khẩu đại bác bên khu trường cũ bắn loạt đạn cuối đêm.
|