Một Chủ Nhật Khác
Tiểu
thuyết
Thanh Tâm Tuyền
2.
Mỗi tối trước khi vào trại Kiệt ghé về qua nhà một lúc.
Ngôi nhà Kiệt đang ở trong cư xá Hỏa Xa là của một người bạn làm ở Bộ
Công Chánh cho ở nhờ. Nhà đủ đồ đạc, tiện nghi khóa cửa bỏ đấy, trong
một năm chỉ vào dịp hè hoặc Giáng Sinh mới có người lên nghỉ lưu trú
một hai tuần là cùng. Mặc dù được chủ nhân trao cho xâu chìa khóa toàn
quyền sử dụng, Kiệt chỉ chiếm ngụ một phòng, với phòng tắm rửa phụ
thuộc, có cửa vào riêng quay về hướng Đông. Khu cư xá cất trên đồi
trông xuống nhà ga, nhà cửa rải rác cách nhau những đám cỏ hoang rậm
bên những con đường đất đã hư hỏng hoặc bị cỏ lan phủ. Trên khoảng đồi
trồng nhiều thông, lá xanh um.
Chỗ ở tịch mịch hợp ý Kiệt. Nhiều nhà trong cư xá chẳng rõ có người trú
ngụ hay không.
Hồi mới đổi lên, Kiệt mướn phòng trong một nhà trọ. Phòng thuộc tầng
dưới mặt đất, chật hẹp, ngộp thở. Thời ấy quân đội Đồng Minh còn nhiều.
Khách ở phòng cho thuê hầu hết là các cô gái lấy Mỹ hoặc Đại Hàn, họ
sống xô bồ, ồn ào vô tư nhiều lúc dễ ghét nhưng có lúc thấy tội. Thùy
không bằng lòng cảnh chung đụng hỗn tạp. Nàng kiếm cho Kiệt một chỗ
khác: gia đình người em họ xa Thùy bằng lòng nhường Kiệt một căn phòng
trên lầu trong ngôi nhà của họ. Chỗ sau này bất tiện vì khuất nẻo, kém
an ninh, nhà lại đông trẻ.
Kiệt đến chỗ hiện nay đã trên một năm, cũng khoảng tháng tư tháng năm
năm ngoái, su buổi tình cờ gặp người bạn cách mặt lâu ngày những vẫn
còn giữ vẹn mối giao tình. Hắn thành thật mời chàng, rồi khi chàng nhận
lời hắn đùa bảo:
- Cũng là cách tôi lợi dụng bạn. Bạn trông nhà dùm tôi. Nhà có hơi
người đỡ mốc hư. Gia đình tôi có kéo nhau lên nghỉ, tôi có bạn ở chung
hoặc cả gia đình bạn thì tôi cũng được vui. Tình thực mà nói, mình đưa
gia đình đi nghỉ là vì bổn phận, chứ cứ lên chơi trên này với bạn hay
với người tình là nhất.
Có lẽ Kiệt đã chú tâm nhiều đến điệu gió mỗi khi về ngôi nhà này.
Mỗi tối Kiệt sung sướng bước vào gian nhà.
Khu cư xá tối tăm lạnh lẽo. Vhàng bật ngọn đèn sáng ngắm khuôn phòng
luôn luôn bề bộn. Chàng dọn dẹp bâng quơ, chồng sách, đống giấy trên
bàn, những bộ quần áo bẩn treo máng trên mắc, trên thành giường, giấy
dép, vỏ bao thuốc, mẩu tàn thuốc dưới gạch. Chàng thay quần áo hoặc mặc
thêm áo, vào phòng tắm đánh răng rửa mặt như sửa soạn đi ngủ - mặc dù
sau đó chàng lại đốt thuốc hút. Rồi nằm lăn trên chiếc giường sắt lò so
kiểu cổ, rộng thênh - mùa lạnh bốn năm người nằm nagng cũng vừa - lơ mơ
nhìn đèn hay đọc vài trang sách. Hoặc chàng ngồi ôn đàn tập dượt hát
ngâm nga (trong những tháng học quân sự ở Thủ Đức, Kiệt đã mua cây Tây
Ban Cầm và một quyển sách dạy đàn, tự học trong những buổi tối rảnh
rang).
Thảng hoặc Kiệt mở cánh cửa thông sang phòng khách, bước vào chỗ ngồi
nhất định ở đầu ghế dài nhìn các đồ đạc thiết trí không phải của mình
và cũng không có lấy một dấu tích rõ rệt nào là của mình, trừ hai ba
dấu giầy trên thảm bụi, một vài mẩu thuốc trong gạt tàn và vết chũng
trên ghế đã phủ vải che. Các phòng khác Kiệt không hề đụng tới.
Kiệt vào trại trễ hơn mọi người, khi những con ngựa sắt, giấy kẽm gai
đã kéo ngăn các cổng.
Chàng chạy xe Lambretta trên đường vắng tanh âm u. Rời nhà vào trại,
chàng nghĩ con người ta cũng chỉ là loài thú quen sống bầy. Chàng rời
chốn ẩn núp lẻ loi đi tìm đồng loại để được che chở an toàn. Phóng xe
qua những quãng thiếu ánh sáng, chàng thấp thoáng nghĩ mình có thể bị
bắn hạ bất ngờ, té ngã giữa lộ đêm giống như con chó bị xe cán.
Kiệt đã sống qua nỗi hoảng kinh của của con thú lạc bầy hồi Tết Mậu
Thân khi bị kẹt trong vòng chiến hai ngày không vào được trại.
Qua khỏi cổng, Kiệt chạy ngang khu cư xá sĩ quan. Đôi ba nhà còn ánh
đèn sau các ô cửa kính. Những chiếc xe díp đậu ngoài sân đất trước các
nhà đã vắng bóng. Kiệt còn phải ngừng xe cho lính gác nhận diện ở trạm
gác đầu khúc quanh vào khu trường cũ. Khu này thiếu đèn đóm gồm những
dãy nhà mái ngói vách ván sân xi măng, lập từ thời còn quân Pháp, bây
giờ dùng làm chỗ trú đóng các đơn vị yểm trợ. Từ khu trường cũ sang khu
trường mới xa lối hai cấy số. Để đi từ ngọn đồi bên này qua ngọn đồi
bên kia phải chạy xuống một lũng thấp. Dưới lũng là trại gia binh, nhà
cửa bằng gỗ lợp tôn lụp xụp. Vượt con dốc trại gia binh, đã nhìn thấy
ánh điện lấp lánh của khu trường mới, trong gió hút tứ bề trông như một
thành phố kỳ ảo. Còn chạy dọc theo vũ đình trường, một bên là mặt cỏ
phẳng tối, một bên là lũng sâu thông mọc xít, Kiệt khoan khoái ngó
những đốm đèn san sát nhiều tầng của những khối nhà hình vành cung.
Mỗi khi vào đến bến đậu xe, bao giờ Kiệt cũng đưa mắt về hướng núi cao
nhất của cao nguyên này, nhìn những ngọn điện phất phơ trên đỉnh. Hàng
điện sáng rỡ, vẽ đường vòng cung giữa trời, hồi quân đội Mỹ còn đặt đài
truyền tin ở đấy, nay đã lặn, chỉ rớt lại vài ba đốm xa xôi mờ nhạt.
Kiệt không về phòng mình. Chàng không thể ngủ sớm, cũng không thể làm
việc. Chàng có vài người bạn kết giao từ ngày lên đây. Chàng tìm gặp
bạn để qua buổi tối.
Những đêm cấm trại trong tình hình nghiêm trọng bày cảnh láo nháo. Bọn
sĩ quan độc thân tụ tập ở Hội Quán đánh bi-a, đô-mi-nô, cờ tướng, hoặc
tán gẫu tranh luận trên trời dưới biển, hoặc họp nhau tại các phòng
khuất, ít bị dòm ngó, bài bạc đến sáng. Câu lạc bộ chật ních, muời một,
muời hai giờ còn người ra vô. Đám sĩ quan cao cấp, già nua, đi lính từ
thời Pháp, qua lại giữa các phòng, các dãy, thăm viếng nhau, cũng có
khi gặp gỡ năm ba người trong một phòng, bàn tán chuyện công vụ, chuyện
thời cuộc, nhân tình thế thái.... Trong hành lang, dưới chân cầu thang,
binh sĩ, hạ sĩ quan trải áo mưa, giăng mùng nằm ngồi la liệt. Các toà
nhà vang động đến khoảng muời giờ. Sau giờ ấy người ta nằm chờ giấc
ngủ, phiên gác, phiên tuần tiễu, kiểm soát hoặc tiếng còi báo động hú
gọi.
Kiệt thường tìm Nghiên rủ đánh một vài ván cờ, nếu bạn không bận soạn
bài, và yêu cầu bạn cho nghe nhạc trong khi chơi cờ.
Nghiêm vốn dân địa phương, lấy vợ địa phương, chỉ rời tỉnh thời gian
theo Đại Học. Đi lính mấy tháng, ra trường đổi ngay về tỉnh nhà. Nghiêm
được trường gửi đi Mỹ học, mới về năm ngoái. Con người lặng thinh, chăm
chỉ, thích làm việc, tận tâm vì tính tự nhiên như vậy. Phong thái điềm
đạm, cung cách nhã nhặn. Cách sống bên ngoài của Nghiêm tầm thường,
hiền hòa nhưng đó là cách của người có một vài ý sống bền chặt không
dời đổi.
Kiệt thân nhất với Nghiêm ở đây. Thỉnh thoảng, muốn ăn bữa cơm gia
đình, Kiệt đến Nghiêm. Vợ Nghiêm nhỏ tuổi, học trường sơ và bây giờ
dậy tại chính ngôi trường đã đào tạo ra mình. Nàng mặc đúng thời trang,
không lòe loẹt, dáng vẻ nhu mì hơi khác thường giống như một cô tu
xuất. Bên cạnh vợ chồng Nghiêm, Kiệt nhiều khi thấy mình bồng bột, nhộn
nhạo quá.
Buổi tối hôm ấy, đứng trên bãi đậu xe, mắt ngước về hướng núi, Kiệt
bỗng nghe vẻ khác thường trên cảnh vật.
Vẫn những ngọn điện thưa trên đỉnh núi lấp lánh cùng những đốm sao xanh
của một vòm trời thượng tuần trong veo. Đám thông dưới triền lũng gần,
trên ngọn đồi Bắc, khua rào rạt. Lảng vảng đâu đây trải một nền náu im
thăm thẳm. Trên những con đường và sân cỏ chạy giữa hai dãy khối nhà
không bóng người. Đèn trong các phòng vẫn chiếu qua các cửa sổ. Tại đầu
hành lang vào các khối vắng bóng lính gác.
Kiệt sực nhớ bữa nay là thứ sáu.
Hàng tuần vào tối thứ sáu có buổi chiếu phim dành cho sĩ quan và gia
đình. Hạ sĩ quan, binh sĩ không mắc trực gác và cả những đám trẻ dưới
trại gia binh đổ xô vào chật phòng chiếu bóng. Những đêm chiếu bóng
thường không có báo động. Dù sao người ta cũng không thể phá dịp vui
hiếm hoi của gia đình vợ con. Và sau khi đã đưa vợ con về nhà rồi một
mình trở vào trại giữa đêm khuya người ta không nghĩ gì khác hơn là
được ngủ yên.
Nhưng sau khi đã tự giải thích được vẻ bất thường ở xung quanh, Kiệt
vẫn thấy vẻ ấy chưa tan nhòa trong tâm tưởng chàng. Kiệt đứng ngẩn ngơ
bên cạnh chiếc xe đã dựng.
Phải, đúng là thứ sáu. Hồi chiều chàng vừa dậy xong buổi chót tại Viện
Đại Học. Chàng đã nói bài kết thúc và những lời cuối khoá với sinh
viên. Khi dứt lời, chàng nghe sự nín khe trong đầu như thể chàng chưa
nói gì. Có cái gì chưng hửng lan trong không khí của giảng đường. Chàng
ngây người. Thông reo lùa từ xa tới gần ngay bên cửa.
Lúc ấy, Kiệt cũng mất ý niệm về thời gian như lúc này.
Sinh viên lục tục ra khỏi giảng đường. Một cô bé thường ngồi ở giữa
những hàng ghế sau tiến trên lối giữa, gương mặt ngỏ ý muốn gặp chàng.
Kiệt rời khỏi bục. Rồi chàng cùng bước song song với cô ra cửa.
-Em muốn được hỏi thầy vài điều.
Kiệt ngừng ở ngưỡng cửa. Cô bé thụt lui một bước, khuất bên mé tường.
-Chuyện gì thế cô? Kiệt hỏi.
-Thầy cho gặp riêng....
-Cô nói bây giờ đi.
-Em còn phải sửa soạn các câu hỏi.
-Tôi đợi.
-Em xin lại thăm thầy ở nhà.
-Ở nhà tôi? Kiệt nhíu mày.
Chàng nhìn cô bé khép nép cũng như chàng vẫn nhìn trong các buổi giảng,
tìm một chỗ đậu cho tia mắt. Chàng trông thẳng vào gương mặt giống như
khi ngắm một bông hoa cắm trong cốc đặt trên bàn viết.
-Bao giờ cô đến
tôi?
-Em sẽ đến thầy sáng chủ nhật. Được không ạ?
-Sáng chủ nhật.
Kiệt nhắc thờ ơ rồi ngồi xuống bực cấp. Chàng mải ngơ ngác lắng theo
hướng gió.
Trời xẩm xẩm. Tiếng động rời rạc. Con đường nhựa trong Viện rợp cây.
Các sinh viên ra về hết. Kiệt gặp họ tản mác trên đường dốc bao quanh
đồi.
Kiệt không quan tâm đến cô bé. Chàng không nhớ cô ăn mặc thế nào. Chàng
cũng không biết tên nữa. Và bây giờ chàng hình dung cô bé trong buổi
chiều như đã xa lắc.
Trước khi đến lớp, Kiệt đã nói chuyện với Thùy, Chàng chưa kịp bảo Thùy
lên với chàng thì nàng báo kỳ nghỉ phép phải tạm hoãn. Sở cử nàng đi
công tác Thái Lan, rồi Nhật bản, vào cuối tháng. Trước khi đi thể nào
nàng cũng lên với chàng một hai ngày. Kiệt nuốt luôn tiếng kêu gọi và
hỏi han về ba đứa nhỏ. Chàng không nói được gì với Thùy ngoài những lời
thông tin chiếu lệ.
Kiệt đã cất bước rời bãi đậu xe bỗng chàng trông thấy một đốm lửa di
động trên một triền núi gần hơn ngọn có điện mắc trên chóp. Thoạt tiên
chàng nghĩ là ánh đèn xe, nhưng rồi mầu đỏ lập lòe giống như đầu điếu
thuốc cháy khiến chàng nghĩ đến một ngọn đuốc thắp soi đường trong
rừng. Chàng dừng chân đứng một chỗ nhìn chăm chú. Đốm lửa khuất thình
lình rực soi những bóng cây trên núi. Đốm lửa không hề di động, chỉ bị
gió lay chuyển rập rờn. Một chốc đám lửa lan thành đám cháy. Những cánh
rừng bám triền núi chìm đắm trong đêm bật hiện. Lác đác trên thảm cây
biếc xẫm vài ba đốm lửa ửng hồng.
Kiệt buộc miệng kêu: A, cháy rừng. Chốc lát nữa, ngọn núi sẽ bốc lửa
tỏa rực một vùng. Chàng ngây sững đón chờ cảnh tượng. Lửa thiêu hủy cây
cối trong đêm sẽ soi tới chỗ chàng đứng. Tàn lửa và tro than, gió cũng
thổi bay tới.
Thêm những đám lửa nhỏ rải rác bập bùng nhưng đám lửa đầu tiên không
lan rộng. Mặc dầu sự mong mỏi của Kiệt, đám cháy trên triền núi không
xẩy ra. Đêm ít gió. Những chùm lửa cách biệt, lơ lửng rồi lụi tàn.
Kiệt đứng như trời trồng.
Hai người từ phòng chiếu bóng ra qua lưng Kiệt trên bãi cỏ. Họ không
chú ý đến Kiệt, bàn tán chê bai cuốn phim xem bỏ dở nửa chừng.
Kiệt tưởng tượng tiếng nổ lách tách của những thân cây khô già khi bị
lửa bám đốt. Trong mắt Kiệt rập rờn bóng lửa trên núi.
Chàng thật cô đơn.
Kiệt sống lại đêm tháng sáu Bắc Âu, đêm mùa hè của miền lạnh lẽo với
mặt trời cháy suốt đêm trên đầu núi. Người ta kéo nhau ra đồng, ăn
uống, ca hát, khiêu vũ, ngắm mặt trời đêm nguyên hình một khối đỏ ối.
Năm ấy Thùy tốt nghiệp, hai người rủ nhau sang chơi Thụy Điển, Đan
Mạch, Na Uy trong dịp hè. Cả hai người đều còn trẻ. Đêm hội mùa hạ, họ
nằm bên đống rơm, ngây ngất trước khối lửa lạ lùng, hôn nhau, và yêu
nhau. Đó là đêm tân hôn.
Kiệt thấm thía nỗi cô đơn. Và Thùy hiểu lẽ yếu đuối cần được phủ ấp. Họ
yêu nhau lần thứ hai lúc nửa đêm. Mặt trời đã lên đỉnh như chiếc bóng
lửa tròn xoay. Hơi ấm gờn gợn giá. Văng vẳng bên tai Kiệt một khúc ca
yêu đời của Grieg. Chàng ghé tai Thùy thì thào:
Flamme seule, je suis seul. (1)
Đêm nay chàng sống lại nỗi cô đơn, trong cảnh trơ trọi.
Còn Thùy? Dường như nàng đã quên bặt khối lửa đêm ấy hoặc nàng chỉ còn
thấy chiếc bóng của nó ghi trong ký ức như thấy hình chụp trên tấm bưu
thiếp giữ làm kỷ niệm.
Nàng quên bẵng sự yếu đuối, nhỏ nhoi, tuyệt vời của nàng.
(1) Ngọn lửa cô đơn, tôi cô đơn.