24

Cờ bay… theo ngọn cờ bay…
Nhạc báo thức trổi lên trong khu trung đoàn sinh viên sĩ quan. Tiếng hát vang qua loa sắt choe chóe. Ngày quân trường bắt đầu, một tuần lễ mới cũng bắt đầu.

Sáu giờ trời vẫn nhá nhem mù sương. Hồi gần sáng đã đổ mưa. Mưa lạnh lẽo, tuy nhỏ mà hạt đều, báo hiệu tiết tháng bẩy mưa dầm. Mưa chỉ mới dứt cách nửa giờ. Sau trận mưa, sương ngút tỏa, lấp kín từ lũng thấp đến rừng cao.

Giữa bãi cỏ trên quảng trường, sinh viên sĩ quan chỉ huy trung đoàn hô tập họp. Hiệu lệnh được truyền đi qua các sinh viên chỉ huy đại đội đứng ngoài đường trước các tòa nhà dùng làm trú phòng. Trung đoàn đồng loạt quần áo thể dục trắng tập họp chạy từng đại đội trong khoảng chưa đầy năm phút. Rồi khởi diễn cuộc chạy bộ mười lăm phút vòng quảng trường từ phạn xá tới cổng chính doanh trại. Tiếng hô nhịp luân chuyển đều đặn vang trong ban mai thiêm thiếp.

Toán kích gồm năm người nằm tại ngã ba rừng thông lối ra sân bắn vào đến cổng trại lúc đại đội sinh viên đầu tiên đang vòng sang con đường song song chạy trở vào. Nhóm binh sĩ, do một trung sĩ còn trẻ làm trưởng toán, dáng điệu uể oải, mặt mũi phờ phạc. Họ vừa qua một đêm nhọc nhằn căng thẳng mất ngủ. Đợi một quãng hở giữa hai đại đội sinh viên, họ lần lượt băng qua, tản mác lầm lũi mỗi người một lối, và mất hút vào trong các tòa nhà.

Gã trung sĩ trưởng toán là người duy nhất chậm chạp bước men một bên rìa đường tò mò trông các đại đội sinh viên chạy qua.

Gã xách bên tay mặt túi đựng mìn claymore, tay trái ôm chiếc poncho ướt đầm, lưng đeo túi quân trang, vai đeo khẩu carbine M1, đi trên bãi cỏ ở đầu tòa nhà thứ nhất phía bên trái nhìn từ cổng vô. Bãi cỏ dầy sũng nước có một lối mòn dẫn đến cửa gian hầm phía sau tòa nhà.

Gian hầm tụt sâu dưới đất là chỗ chứa vật liệu xây cất dư thừa đã được biến thành hàng quán bán lén lút vào buổi sáng sớm. Lối xuống quây ba mặt bằng bao cát chồng chất trông như một trạm gác. Gã trung sĩ đứng lại trên bực đất cuối cùng, còn ở ngoài sáng, nhìn xuống gian hầm mờ tối trước khi khom mình tiến vào.

Một thiếu phụ đang nhóm bếp dầu đặt dưới đất ngay bên lối cửa ngửng nhìn khách mỉm cười. Hàm răng chị trắng đều. Chị trông có vẻ bề xề, một phần vì sinh nở nhiều lần, một phần vì mặc độn nhiều áo nhưng khuôn mặt thanh tú duyên dáng, đôi mắt và miệng cười trẻ trung, tươi tắn.

Người khách đầu ngày trút bỏ đồ đạc đeo mang, ngồi nghỉ trên đống cây dài xếp sát một bên mé vách khuất tối. Lửa bếp chỉ vừa bắt đầu cháy xanh, ấm nước chế cà phê đặt trên. Trong gian hầm kín ẩn, xa với đường, nghe văng vẳng thấp thoáng tiếng hô nhịp chạy vọng lại khi một đại đội vượt quá tòa nhà và vòng sang đường bên kia.

-Tối qua anh đi kích ở ngoài? Thiếu phụ hỏi, hiểu đó là câu thừa, nói tiếp  – Anh đợi một chút cho nước sôi. 

Gã trung sĩ lặng thinh, mơ màng. Trong tâm thần mê mỏi, gã thanh niên nhớ đến trận mưa thấp thoáng lúc gần sáng và sự nín thinh tứ bề không một tiếng động sau trận mưa như thể đang hiển hiện sừng sững nỗi thâm u cùng tột của rừng núi. Gã giật mình xong lại lặng thiếp trong tưởng nhớ bâng khuâng những ngày nắng chói ở vùng biển hắn rời bỏ.

-Đêm qua có chuyện gì thế? Hồi sớm trước khi qua đây tôi nghe dưới trại nói lùm xùm, không hiểu gì hết.

-Tôi cũng không biết. Hình như hồi đêm xe tuần tiễu bắn chết một người. Có đúng không?

-Nghe đâu người bị bắn là ông Trung Úy giáo sư gì... đây này. Thanh toán nhau hả anh?

-Đâu có. Hay chuyện khác tôi không biết. Xe tuần tiễu nổ súng hồi gần ba giờ đêm ở ngoài rừng thông mà. Làm sao có chuyện thanh toán?

-Vậy hả. Vậy mà người ta nói toàn chuyện ly kỳ. Người ta nói ông Đại Úy thù ông Trung Úy dụ ra rừng thông hạ sát…

-Chuyện gì dữ ác?

Gã trung sĩ gốc Bắc di cư học giọng Nam vụng về nhưng có điệu ngây thơ thực thà khiến người nghe không gai.

 Gã mới thuyên chuyển đến hồi sau Tết. Trước gã phục vụ ở trường Hạ Sĩ Quan dưới vùng duyên hải. Không gia đình thân thuộc, gã ăn ở ngay tại phòng sở như một sĩ quan độc thân và lạc lõng lủi thủi không bè bạn sau giờ làm việc.

Lúc nhận lệnh đổi lên trường Võ Bị, gã mừng rỡ hí hởn vì nghĩ đã may mắn quá nhiều: vừa không bị đẩy đi đơn vị tác chiến vừa được đến ở thành phố nổi tiếng nên thơ vẫn nghe ca tụng. Gã đã nghĩ không vào quân đội chắc chẳng bao giờ gã có dịp thực hiển nổi một chuyến du lịch nghỉ mát ở nơi trưởng giả sang trọng này. Nhưng gã thất vọng tràn trề. Thành phố mơ mộng không thấy đâu. Phố xá quanh quẩn, buồn tẻ. Buổi tối hầu như mất biến. Ngày cũng như đêm quay cuồng theo gió. Cảnh vật quạnh hiu, nẫu ruột. Gã ngán ớn cái khí hậu thời tiết vắng ánh mặt trời, ẩm ướt lê mê ít khi khô ráo, nhất là những đêm nằm phơi giữa sương gió hoang vu lạnh lẽo.

Mỗi đêm đi kích về, gã trung sĩ, vốn tính tằn tiện, thường ngày không điểm tâm, đều ghé xuống gian hầm uống một cốc cà phê. Trong quãng thời gian mù mờ ngây ngất sau đêm khổ dịch, gã bước vào đây như con mèo ướt tìm vào gian bếp có lửa ấm. Giờ này chưa thể có ai khác ngoài thiếu phụ vừa dọn hàng đến, có bữa gã về sớm ngồi thu lu một mình chực sẵn, và gã uống cốc cà phê sữa đầu tiên nước còn sôi bỏng.

Trước sáu giờ, chồng thiếu phụ, một trung sĩ gầy gò giữ chân tống thư văn của phòng Chỉ Huy Trưởng, chở vợ sau xe mobylette từ bên trại gia binh qua, rồi phóng ra chợ mua đồ nguội về bán sáng như bánh mì, bánh bao, xôi gói - mỗi bữa chỉ bán một món – vì quán không có bàn ngồi và cũng không có chén dĩa, trừ mười cái ly úp trên một tấm ván mỏng có trải khăn đặt trên một thùng sữa. Khách hàng quen là các sĩ quan giáo sư có giờ sớm và các sinh viên đến lớp học đặt trong tòa nhà trên hầm hoặc tòa nhà kế cận, chỉ xuất hiện vào lúc hơn bẩy giờ - các lớp học khởi sự vào lúc bẩy giờ rưỡi trước giờ làm việc của sở nửa giờ. Người chồng của thiếu phụ chạy mua thức ăn chỉ có thể trở về sau bẩy giờ. Gã trung sĩ thường uống xong cốc cà phê trước đó và đứng lên vẫn còn dư đến cả giờ đồng hồ trước mặt – theo nguyên tắc gã được phép nghỉ bù buổi sáng sau đêm kích nhưng vì ở luôn tại phòng sở không thể trải ghế bố nằm nên gã nghỉ buổi chiều để đi chơi phố chợ hoặc xem hát bóng.

-Trườg này năm nay chắc phải cúng cô hồn cách sao chớ… Thiếu phụ nói. –Để chi mới từ đầu  năm tới giờ mà đã xẩy ra tới ba vụ chết người lãng xẹt.

-Những ai mà tới ba chị?

-Thì ông Trung Tá Thạch nhé...

-Ông Trung Tá Thạch nào?

-Ờ, ờ tôi nhớ lộn. Ông Trung Tá Thạch bị trước Tết, năm ngoái. Rồi tới vụ sinh viên dỡn súng trước phòng, bây giờ tới ông Trung Úy.

Thiếu phụ vẫn quanh quẩn gần bếp lửa, quay mặt về phía gã Trung Sĩ. Từ trong góc tối không bị nhìn thấy, gã thanh niên trông rõ gương mặt thiếu phụ hiện lộ trong vầng sáng từ trên cửa hầm rọi xuống và ánh lửa chập chờn trên bếp soi ngang thân chị.

Trên đường, xe hơi chạy qua. Các sĩ quan ứng chiến đang lần lượt rời trại. Lúc này không khí doanh trại lại vắng vẻ hiu quạnh. Sinh viên sĩ quan đã về phòng, thay quân phục, soạn cặp sách sắp xuống phạn xá điểm tâm trước khi đến lớp. Trời rạng hơn nhưng còn sương.

-Anh không biết chứ ở đây năm nào cũng có tai nạn, không năm nào không có chuyện.

-Ở đâu cũng thế.

-Anh đợi một chút cho cà phê ngấm mới ngon.

Thiếu phụ chuyền nước qua túi lược cà phê một cách chăm chú. Chị có đôi tay mềm dẻo, khéo léo, cổ tay áo len xắn cao. Sữa trắng mới khui đổ vào lòng ly trong trẻo và nước cà phê đen tuyền um khói. Lúc bấy giờ gã Trung Sĩ mới rời chỗ ngồi, đi vài bước đến gặp người đàn bà nhận ly cà phê. Gã ngồi xuống chiếc ghế đẩu ngay bên chỗ đứng. Trong hầm có bốn năm chiếc ghế bỏ vương vãi để tùy tiện khách muốn đặt đâu cũng được.

-Vừa không?

-Cám ơn chị.

Viên Trung Sĩ ngoáy muỗng chậm rãi, mắt nhìn xa như theo dõi những tiếng động mơ hồ, chúm môi thổi ly nước nóng trước khi hớp một ngụm nhỏ.

-Anh cần thêm sữa không?

-Không. Cám ơn chị.

Thiếu phụ quay gót, vặn nhỏ lửa đặt bình cà phê đã pha lên bếp. Chị ngời trên một cái ghế con, pha một ly sữa.

-Tôi không biết uống cà phê.

-Sao câu lạc bộ còn khiếu nại chị không?

-Họ làm đơn thưa Bộ Chỉ Huy rồi. Nhưng mình cũng nhờ được anh em thông cảm.

-Anh ấy làm trên văn phòng ông Tướng sức mấy ai dám đụng.

-Một phần thôi. Phần khác là tụi tôi chỉ bán cà phê một lúc sáng sớm, đâu phải cả ngày. Bà chủ câu lạc bộ nhất định kiện với Bộ Chỉ Huy. Ông Tham Mưu Trưởng có kêu anh ấy vô hỏi, bây giờ còn đợi trình ông Tướng.

-Bà chủ câu lạc bộ đẹp vậy mà ác ôn…

Viên Trung Sĩ lại nhái giọng Nam và cười, xong liền đó gã đỏ bừng mặt ngượng nghịu về câu nói đùa táo bạo.

Gã Trung Sĩ đã không ra khỏi gian hầm sau khi có khách bước vào. Hắn chỉ rời chiếc ghế đẩu rút vào trong góc cũ trên đống cây như lúc mới vô. Gã vẫn cầm ly cà phê đã cạn rồi thiu thiu lịm đi mất không hay. Gian hầm mỗi lúc một thêm đông đảo, chộn rộn. Người ngồi, kẻ đứng, người đi ra, kẻ đi vào. Trên đống cây cũng có nhiều người ngồi. Thỉnh thoảng viên Trung Sĩ bị xô đụng khi có sự chuyển dịch nới thêm chỗ cho một người, nhưng không tài nào tỉnh. Đêm qua gã chợp mắt được độ hai tiếng đồng hồ là cùng.

Trong mớ tiếng động rào rào hỗn độn, lúc tạnh ngắt lặng lờ bao bọc, gã Trung Sĩ lõm bõm nghe qua làn sương mù che phủ trí não một vài mẩu sự kiện xẩy ra trong đêm đang được loan truyền bàn tán. Người bị bắn hạ là Trung Úy. Ông ta đang điều trị tại bệnh viện Tiểu Khu. Tại sao nửa đêm ông lại lang thang ở đấy? Ông Đại Uý khùng, chính ông Đại Úy khùng nổ súng, gây án mạng.

Lúc gã Trung Sĩ choàng thức, gian hầm không đến nỗi ồn ào quá như nghe thấy trong cơn mê mệt. Gã mang trả ly và gặp người chồng lăng xăng bên cạnh vợ. Anh ta đang kể với ba khách hàng sinh viên sĩ quan về chuyện thoát hiểm của mình.

-… Hai trái nổ. Một rớt ở gần cầu Miếu Âm Hồn. Một rớt dưới chân cầu Ông Đạo. Lúc ấy xe tôi đang chạy ở khoảng giữa. Mới đầu tôi nghe uỳnh ở sau lưng, vừa ngoái cổ lại dòm chưa biết nổ ở đâu thì lại nghe uỳnh ngay đằng trước. Quay lại thấy khói trắng còn bốc trên cầu Ông Đạo. Người mình rung rinh, ù tịt. Tối vẫn cứ thế chạy xe tới chẳng nghĩ tìm chỗ núp, chẳng hề nghĩ có thể còn trái thứ ba, thứ tư… Cứ chạy tới, có lẽ lúc ấy mình sợ quá mê đi. Tôi chắc là hoả tiễn. Lúc bẩy giờ hay bẩy giờ kém năm. Hồ thì còn đầy sương nên mắt mình hoa lên. Thiệt hút chết. Bây giờ nghĩ lại mới sợ…. Ông Trung Úy Nghiêm chạy trước tôi một quãng.

-Ở đây nghe nổ cũng lớn. Thiếu phụ góp lời.

Gã Trung Sĩ không hay biết, tự nhủ mình đã ngủ say quá, pháo kích không nghe. Gã nói với người chồng tay cầm túi nylon đựng bánh mì đang lấy đưa cho khách miệng không ngớt chuyện:
-Cho tôi một ổ.

Gã vừa gậm bánh mình vừa lơ đãng nghe chuyện xung quanh. Ba bốn sĩ quan giáo sư ngồi trên mấy chiếc ghế đẩu tiếp tục bàn luận, đặt nghi vấn, về những lý do đưa đến tai nạn giết chết Trung Úy Kiệt. Bọn sinh viên sĩ quan đã rút bớt về lớp, còn lại mất người nói chuyện pháo kích, nhắc nhở mấy trận đã qua nhắm vào trường, kể những điều được nghe thuật về những trận pháo kinh hồn tại mặt trận An Lộc.

Trời trắng nhễ nhại. Dưới các lũng, sương đang tan dần còn những vệt nhỏ phơ phất. Cỏ lá xanh tươi. Ngày hy vọng có nắng. Gã Trung Sĩ chui ra khỏi gian hầm bước lững thững trên quảng trường trống trải lặng lẽ. Các lớp học đã hoạt động.

Trong khi ấy, dưới Vũ Đình Trường nhìn thấy bao quát từ trên bãi đậu xe sau nhà Bộ Chỉ Huy, Đại Úy On mặc nguyên đồ trận, áo ngự hàn dã chiến, quấn khăn đỏ quanh cổ, đang chạy bộ lẽo đẽo một mình. Gương mặt y ngước vác như mải ngắm vòm trời đã sáng bạch.

1972-1973

 

Một Chủ Nhật Khác

Tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền

 

Tranh bìa Thái Tuấn
Khai Hóa in lần thứ nhất

 

Nhà Xuất Bản Khai Hóa

26 Trần Quang Khải Saigon

Chủ trương: Lê Thị Ngọc Sương.

Giấy phép 5356/74/BDVCH/PHBCNT/ALP/TP ngày 09.10.74

In tại 150 Phan Thanh Giản Saigon. Số lượng 3.000 cuốn.

Phát hành .3.1975

 

Phát hành tại 26 Trần Quang Khải Saigon 1