Một
Chủ
Nhật Khác
Tiểu thuyết
Thanh Tâm
Tuyền
Tuy
mượn khung cảnh thật nhưng các sự vật và nhân vật trong
truyện đều hoàn toàn bịa đặt.
Mọi
trùng hợp giữa việc và người trong tiểu thuyết với việc
và người ngoài đời thật, nếu có, là ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của tác
giả.
1.
Thời tiết đang độ giao mùa. Tháng Tư, mùa xuân rắc mưa bụi.
Trời nguyên vẹn sắc xanh trong. Những đám mưa thưa, viển vông thoáng
chốc. Nắng
mát mẻ, tươi thắm ngay cả khi trời đang mưa.
Những
rừng cây biếc lục trên các triền núi cao phía Tây
thành phố hiện rõ. Những đỉnh trọc phơi mầu đá. Đêm tỏ ngời.
Cuối
tháng tư, gió êm ngát trong ngày thỉnh thoảng nổi cơn
lộng vào ban trưa hoặc ban chiều. Nắng reo vang trên đồi, trong các
rừng thông,
lá rộn rịp và trái khô rụng. Mầu nắng rực rỡ, chất nắng óng quyện như
mật no ứ
gió và phấn thông.
Kiệt
bị ho mất tuần lễ có lẽ vì không khí đầy phấn thông.
Đầu
tháng năm, đôi lúc ban ngày mưa rào nặng hạt, ngắn ngủi,
báo hiệu mùa hè. Đã có sương mù ban đêm. Những buổi sáng trời quang
tạnh, gió
hẩy hẩy đón nắng. Từ đây cho đến ngày đổ những trận giông lấp kín trời
đất, gió
còn ngả ngớn giữa nắng, mưa êm dịu.
Kiệt
êm tĩnh lạ. Êm tĩnh đủ mọi thứ. Những ngày làm việc
trôi chẩy. Thư từ tin tức gia đình đều đặn. Giấc ngủ không bị khuấy
động. Mặc
dù chung quanh không vậy.
Cuối
tháng ba bước sang tháng tư, trận chiến bùng nổ quy mô
khốc liệt tại các vùng giới tuyến. Quảng Trị mất, Kontum, Bình Long bị
uy hiếp.
Đầu tháng năm ấy hoà đàm Ba Lê lại đình hoãn vô hạn định. Hoa Kỳ tái
oanh tạc
miền Bắc, dội bom Hà Nội, Hải Phòng, thả mìn phong toả các hải cảng Bắc
Việt.
Trong
thị xã xuất hiện bóng dân chạy loạn từ Kontum đến, từ
Huế vào. Lính tráng đi ngoài đường đội nón sắt, mang theo vũ khí. Quân
trường,
từng bị đột kích hồi năm Kiệt mới đổi lên, tăng cường bố phòng. Canh
gác, tuần
tiễu gia tăng. Báo động, phòng thủ nghiêm ngặt, có đêm hai ba lần. Các
sĩ quan
giáo sư đều bị huy động vào tiểu đoàn trợ chiến cho tiểu khu, các đại
đội ứng
chiến phân phối cho các cứ điểm thuộc phạm vi trường. Không khí căng
thẳng, xớn
xác.
Vẫn
giữ thói quen riêng lẻ, trong một tuần thế nào Kiệt cũng
ngủ nhà một đêm. Giá của chút tự do ấy là những ngày phạt ghi vào hồ sơ.
Nội
trong tháng tư Kiệt ký lãnh mười sáu trọng cấm, trừ
lương. Kiệt như quen với hình phạt và các thủ tục của nó. Hơn hai năm
về quân
trường này, Kiệt chưa hề thấy một ngày xả trại hoàn toàn. Bình thường
là bẩy
mươi lăm phần trăm, cứ ba đêm ngủ trại một đêm ngủ nhà, và lúc nào cũng
sẵn
sàng tăng lên trăm phầm trăm, hãn hữu lắm mới xuống năm mươi phần trăm
và không
bao giờ lệnh này kéo dài đến hai tuần lễ. Tổng cộng đến đầu tháng năm,
số ngày
thọ phạt của Kiệt khoảng từ bốn đến năm chục ngày.
Kiệt
lỳ.
Mỗi
lần bị gọi trình diện phải đứng nghiêm trang hay được
mời ngồi, bị khiển trách nhiếc móc hay được bảo ban khuyến dụ, Kiệt đều
nín
lặng. Mặc. Kiệt mong được đổi đi thoát quân trường, đi thoát thành phố
buồn tẻ
phát ngấy. Nhưng có lẽ vì chàng là giáo sư, người ta còn cần và còn
thương hại
chưa nỡ thẳng tay.
Vào
đầu tháng năm Kiệt đã bỏ không đội nón sắt khi chạy
ngoài phố.
Các
trường sắp sửa nghỉ hè. Ngoài những giờ trong quân
trường, Kiệt dậy một số giờ sinh ngữ tại các lớp buổi tối của Hội Việt
Mỹ và
phụ trách giảng môn Quản Trị Sản Xuất tại Viện Đại Học. Kiệt nghe nhẹ
mình khi
bước vào các lớp trong những giờ cuối cùng của khóa học. Không còn
chiếc nón
sắt úp chụp, đỡ vẻ kỳ cục, và, đã trông thấy một thời gian thảnh thơi
trước
mắt, dù chưa biết sẽ làm gì.
Trong
tình thế nghiêm trọng, Kiệt không còn cách gì về
Sàigòn thăm vợ con.
Mỗi
buổi chiều, Kiệt đều ra phố, uống cốc cà phê, ăn hai ba
cái bánh cam, đọc tờ báo hàng ngày với mớ tin trễ hơn các đài phát
thanh ngoại
quốc ít nhất là 48 giờ. Những bạn đồng nghiệp đồng cảnh gặp nhau ngày
một ngồi
chung bàn bỏ mặc Kiệt trầm ngâm. Thường khi, nếu không bận đến lớp,
Kiệt cùng
vài ba người tản bộ quanh chợ, thẩn thơ bên bờ hồ, rộn ràng những
chuyện lớn
lao và vặt vãnh.
Những
buổi chiều thật đẹp. Gió thấp, gió cao, trùng trùng
như nắng trên những quãng rộng. Kiệt bắt gặp mình mơ màng hắt hiu. Như
thể gió
cuốn bay mọi ý nghĩ ra ngoài trời. Kiệt húng hắng ho khi bất chợt hớp
phải một
ngụm gió lùa.
Riêng
chiều thứ năm và chiều thứ sáu, Kiệt ghé ty bưu điện.
Kiệt
không gửi và nhận thư qua khu bưu chính, tuy dùng địa
chỉ này có thể tiện lợi. Kiệt không hẹn ai vào chỗ làm việc kiếm mình,
trừ các
bạn đồng đội. Kiệt không ở trong cư xá sĩ quan độc thân, cũng không xin
nhà
trong cư xá sĩ quan có gia đình.
Từ
ty bưu điện, Kiệt chạy về khách sạn P, nơi dành cho hạng
du khách sang trọng.
Mấy
lúc này vắng du khách. Từ năm chiến tranh tái phát, thành
phố trở nên bẩn thỉu. Trong gian phòng trà rộng thênh thang, kiến trúc
có những
cột lớn, Kiệt mặc sức ngồi suốt buổi không gặp một ai. Ngoài mặt tiền
lắp kính
trong là hàng hiên trồng hoa, dưới tầm mắt là hồ nước im và đồi cỏ.
Khách sạn
tọa lạc trên triền đồi có đường xe hơi lên tới trước cửa và một lối bực
cấp
bằng đá cho người đi bộ. Quang cảnh chỗ này còn giữ được vẻ thơ mộng.
Ngồi
ngả trong ghế bành mây, Kiệt đọc thư Thùy hoặc ngắm
trời xa trên đồi. Chàng cũng có thể trông thấy bóng núi in hình khuôn
mặt người
đàn bà nằm ngửa. Khi mây mù giăng phủ những chỏm núi ấy, mưa sẽ đến.
Cũng
thường khi, Kiệt tới đây gọi điện thoại về Sàigòn.
Tuần
lễ đầu tiên của tháng năm, Kiệt mới nhận được thư Thùy
viết từ giữa tháng tư. Trong thư Thùy nhắc hỏi Kiệt nhớ ngày gì sắp đến
không.
Kiệt nhớ vào cuối tháng tư là những ngày kỷ niệm hôn lễ của hai vợ
chồng, sinh
nhật đứa con đầu lòng và đứa con thứ ba. Đúng ngày kỷ niệm của hai vợ
chồng,
Kiệt đã gọi điện thoại cho Thùy, ngỏ ý tiếc không thể về với vợ con
cũng không
thể làm sao gửi quà. Thùy nói hôm trước đi phố nàng có mua một cái tẩu
hút
thuốc định gửi tặng Kiệt, sau nghĩ lại nàng đành cất ở nhà, sợ Kiệt
ngậm ống
điếu chọc cho chúng ghét thêm. Kiệt bảo vợ cứ gửi lên nhưng nàng không
nghe.
Trong
một thư khác, Thùy hỏi ý kiến Kiệt định cho các con
nghỉ hè ở đâu, về bên ngoại hay cùng mẹ lên thăm bố. Nàng sẽ xin nghỉ
phép
thường niên, đi thăm chàng. Kiệt đã trả lời vợ, trong tình hình này đi
lại bất
tiện, vả lại cơn bệnh xuyễn của nàng gặp khí lạnh phát tác sẽ làm khổ
nàng, lý
do nữa, chàng đang bị cấm trại nghiêm ngặt. Kiệt an ủi vợ ráng kiên tâm
chịu
đựng, trận chiến quyết định đang diễn tiến, ngày chàng cởi bỏ quân phục
gần
đến.
Viết
cho vợ nuôi hy vọng về trận chiến cuối cùng nhưng riêng
Kiệt, chàng gạt bỏ ý tưởng ấy trong đầu mình. Bao nhiêu lần Kiệt trông
thấy
những cuộc chiến cuối cùng rồi? Chàng không thiết đến hy vọng.
Kỷ
niệm hôn lễ của hai vợ chồng năm nay là năm thứ tám. Thực
ra đó chỉ là ngày hôn lễ chính thức. Trước ngày đó hai người đã sống
chung với
nhau.
Kiệt
và Thuỳ gặp nhau ở Âu Châu trong năm học cuối cùng của
Thùy. Thùy bị gia đình gọi về khi bà mẹ ngã bệnh nặng hấp hối. Bà cụ
qua khỏi
nhưng lại bị bán thân bất toại và giữ Thùy ở nhà. Thùy gọi Kiệt về.
Kiệt chần
chừ: về để làm gì? Làm gì ở đấy? Em nhìn chung quanh em xem? Sang với
anh. Thùy
đáp: Em không thể bỏ má; anh không thể bỏ em; không phải anh chọn lý
tưởng hay
tổ quốc hay bất cứ thứ gì, anh chỉ chọn em, một mình em và đứa con sắp
chào đời
của chúng ta. Anh không nghe tiếng kêu xốn xang của em sao?
Kiệt
nghe tiếng kêu xốn xang của Thùy. Chàng trở về.
Ban
đầu Kiệt làm việc tại An Hoà Nông Sơn. Sau đó Kiệt bỏ
Sàigòn làm cho một công ty ngoại quốc và rồi bị gọi vô Thủ Đức. Từ ngày
ấy, đã
sáu năm, Thùy thế chỗ Kiệt ở sở cũng như ở nhà. Ra trường Thủ Đức, Kiệt
về quân
nhu, làm trong phòng thí nghiệm tại một kho dầu. Ở trong quân đội, Kiệt
thấy
mình hao mòn sa sút, vô công rồi nghề, Kiệt quyết định với sự đồng
thuận và
khuyến khích của Thùy xin một học bổng du học của quân đội. Chàng được
thuyên
chuyển lên quân trường đợi ngày đi. Nhưng năm ngoái, phút chót đến ngày
làm thủ
tục xuất ngoại, Kiệt đổi ý. Khi có lệnh biệt phái, Kiệt được Bộ Kinh Tế
xin, bị
nhà trường ngăn chặn, trừng phạt tội cãi lệnh khước từ du học.
Bây
giờ Kiệt chỉ thấy con đường duy nhất của ngày về với gia
đình: giải ngũ. Nhưng đến bao giờ?
Gần
đây Thùy báo tin cho Kiệt hay các bạn của chàng ở Bộ
Kinh Tế lại làm thủ tục xin chàng lần nữa. Nàng cũng đã nhờ người thân
trong
gia đình vận động trên Bộ Quốc Phòng và Bộ Tổng Tham Mưu để lần này
việc biệt
phái được êm đẹp. Thùy rất hy vọng, nhưng Kiệt rửng rưng.
Trong
thời gian này, Kiệt cũng nghe mình hờ hững, lạnh nhạt
với vợ con. Chàng vẫn nghĩ tới Thùy, tới ba đứa con nhưng không tha
thiết buồn
khổ lắm. Dường như chàng mải chú ý đến những điều gì mơ hồ đâu đâu.
Nhiều khi
dưng không chàng sực nhớ những chuyện vụn vặt, vô nghĩa, và những nhớ
tưởng ấy
ám ảnh chàng triền miên. Có lúc Kiệt ngỡ ngàng thấy mình đang sống như
một cái
máy. Đầu óc chàng lờ đờ, chậm chạp. Nhưng đồng thời vang vọng ở chàng
một niềm
hoan lạc thầm thì khó dứt. Chàng bắt gặp những phản ứng bất chợt, kinh
ngạc.
Những lúc ấy chàng như tỉnh táo hẳn thấy cảnh tượng trời đất chuếnh
choáng
trong gió hoặc bấp bênh nhẹ bỗng như thiếu khí thở.
Những
trận gió vẫn la đà, mông lung. Tâm trí Kiệt phiêu lãng
quanh những mép vực thẳm, có thể say ngã không hay.
Rồi
cũng qua - Kiệt tự nhủ - cũng qua như lần trước. Chàng
nghiệm hình như cứ đến mùa gió thần trí chàng lại bị lao đao, khốn đốn.
Riết
rồi cũng quen, Kiệt tưởng vậy.
Lần
trước còn học trong Thủ Đức, một chủ nhật được phép xuất
trại, Kiệt không về nhà. Chàng thức giấc lúc trời tối mịt, không đợi xe
buýt,
ra khỏi doanh trại cùng vài người như những bóng ma. Một chuyến xe lam
đưa
chàng về Sàigòn còn đèn thắp ngoài đường. Trên phố vắng vẻ, gió không
lộng như
ngoài xa lộ, nhưng hun hút xào xạc. Kiệt đứng trên hè ngó dãy phố đóng
ỉm cửa,
và như bị nhiếp hồn. Chàng tới bến xe lục tỉnh, bước lên một chuyến xe
lô sắp
rời bến. Chuyến xe đưa chàng tới Mỹ Tho. Kiệt lang thang trong tỉnh lạ,
mướn phòng
ngủ, rỡn nghịch với một lưỡi dao cạo. Vết sẹo trắng, nhỏ như vết cào
xước trên
cườm tay. Sáng hôm sau, Kiệt ngơ ngác lên xe trở lại Sàigòn, bị quân
cảnh bắt
giữ trả về trường.
Kiệt
không sao giải thích được với vợ về sự mất tích trong
suốt một ngày nghỉ của chàng. Sự thật quá kỳ quặc không cách nào bầy tỏ
với
người khác, dù người ấy là Thùy, mà không mang vẻ giả dối, trơ trẽn.
Thùy
tra vấn, Kiệt chối quanh, bịa đặt vụng về. Thùy ghen,
nàng nghĩ Kiệt trốn đi với một người đàn bà.
Cuối
cùng Kiệt đành nhận tội lỗi theo ý muốn của vợ. Chàng
đã gặp người tình cũ, người tình thuở mới lớn. Cô gái đã có gia đình,
lập
nghiệp tận bên Lào, nhân về thăm nhà tình cờ gặp Kiệt. Chủ nhật ấy là
ngày cuối
cùng của cô ở quê hương, sáng hôm sau cô đã lên máy bay rời Sàigòn.
Chàng yếu
lòng, sa ngã, bị quyến rũ. Và chàng thề trên đầu ba đứa con không bao
giờ gặp
lại cô ta nữa.
Thùy
chấp nhận chuyện đó như nàng hướng dẫn, sắp xếp bằng
những câu gạn hỏi, ròng rã hàng tháng. Nàng bằng lòng tha thứ, lần đầu
và cũng
là lần cuối, với đôi chút rẻ rúng khinh nhờn trong thái độ mà Kiệt đành
chịu.
-
Em trả tự do cho anh, anh chịu không?
-Anh
đã nói anh không thể thiếu em.
-Nhưng
anh cũng không thể thiếu cô ta. Tình đầu làm sao
quên.
-Anh
đã chẳng kể cho em nghe rồi về cái mối tình ngu ngơ này
của anh từ hồi ấy. Có gì đâu, em biết chứ.
-Có
gì đâu. Mới chỉ có một ngày một đêm em thất điên bát đảo
lùng kiếm anh khắp nơi khắp chốn. Anh chỉ việc về bảo em một tiếng là
anh cần
đi, em sẵn sàng để anh đi. Em đỡ mất công lo lắng. Có gì đâu mà mới gặp
lại đã
quên cả vợ con ngong ngóng suốt tuần ở nhà chờ ngày chủ nhật. Lần sau
gặp chắc
anh đi luôn quá.
-Anh
đã bảo cô ta không còn ở đây. Không bao giờ anh còn
gặp....
-Nghĩa
là nếu cô ta ở đây thì anh sẽ đi?
-Không.
Không bao giờ nữa. Lúc đó anh sa sút tinh thần. Em
phải hiểu.... anh khổ tâm.
-Anh
sa sút thật. Anh sa sút đến em cũng không ngờ.
Kiệt
muốn sa nước mắt sau câu nói của Thùy.
Rồi
một bữa Thùy ngó thấy vết sẹo trên cổ tay trái Kiệt khi
chàng cởi đồng hồ đeo tay.
-Cái
gì đây?
-Em
không biết ư? Kiệt đùa, tưởng chuyện đã xếp từ lâu - Dấu
tích của người tình cũ đấy.
-Sao?
Trò gì vậy?
-Cô
ta vẫn còn hận anh, đòi tự tử chung cùng chết với nhau.
Anh không chịu. Cô ta cầm lưỡi dao cạo cứa anh luôn... Em thấy anh yêu
em biết
là chừng nào.
Mấy
tháng qua, Kiệt vẫn chưa hoàn hồn hẳn. Kiệt cười hềnh
hệch, ngu độn. Sau đó, chàng chợt nghe sự im lặng trầm trọng của Thùy.
Chàng
đành tiếp tục cười, giả dối.
-Vui
dữ hả? Em thật không ngờ.
-Em
không ngờ sao?
-Mấy
người không thấy là mấy người diễn trò dâm loàn, đồi
bại...
Thùy
bật la lên, chụp lấy Kiệt xâu xé. Kiệt chết sững, không
phản ứng. Thùy rít lên: Đồ tồi bại, đốn mạt,
sadique... tu es sadique, không ngờ, không tưởng tượng nổi. Tởm,
tởm quá.
Kiệt chảy nước mắt những vẫn cười nôn.
Khi
nguôi ngoai, Thùy hỏi:
-Có
thật đàn ông các anh ngấm ngầm đều ưa những trò tồi bại?
Có thật anh chán tôi, vì tôi không thể... bước vào khách sạn, hay nằm
ngoài
trời với anh như....
-Đừng bậy. Anh không phải thế....
-Thế
anh là thế nào? Còn vết sẹo kia giải thích thế nào?...
Kiệt
nghẹn lời. Chàng không thể hé môi. Làm cách nào chàng
có thể mở miệng giải thích?
Rồi
cũng qua.
Bây
giờ, Kiệt tự đùa mình: một hôm nào tình cờ người tình cũ
của ta có thể đột ngột xuất hiện chăng? Chàng hơi trợn trước câu hỏi.
Gió
lởn vởn ngoài mặt kính lay những bông mồng gà đỏ trong
khi những bông đại đoá mầu tím nhạt im lìm. Buổi chiều rực rỡ ngoài
đồi. Nắng
vắt ngang thân núi biếc.
Kiệt
ngồi trước cốc bia đã lắng bọt đợi điện thoại liên lạc
Sàigòn.
Chàng
tưởng trước đến tiếng nói của Thùy sẽ nghe thấy. Tiếng
nói điềm tĩnh, dịu dàng lan đến theo bước sóng không bị rối loạn. Trời
thật cao
trong.
Chàng
sẽ bảo Thùy: em lên với anh mau.