18

“Anh có thật? Ngày chủ nhật kia có thật? Ngôi chùa gió lộng có thật? Ngôi nhà trong đêm thơ mộng khủng khiếp nhớ đời có thật? Em hỏi em hoài chừng ấy và hoang mang không thể tưởng.

Những tiếng nổ ở phi trường buổi sáng em đi thì chắc chắn có thật. Chúng nổ inh trong tai em, gây rung chuyển hết thẩy. Những nụ hôn chia biệt cũng có thật, còn như hằn rát hai bên má em, không biết bao giờ phai.

“Nhớ anh, trí tưởng rũ liệt không bay thoát những ảnh tượng chẳng thể phân biệt thực hư. Anh là con yêu tinh thật mà. Anh hớp hồn em rồi. Mọi người lăng xăng về chuyến đi của em, còn chính em thì lơ là chẳng thiết. Gia đình nghĩ em bị xúc động vì chuyến đi xa sắp tới. Cũng may, đỡ bị tò mò tìm hiểu.

“Chiều nay Sàigòn đổ trận mưa đầu mùa. Trên ấy đã mưa chưa? Anh vẫn ngồi quán cà phê buổi chiều? Anh có lên uống rượu ở P? Anh có trở lại quán S, với ai lần nào không? Sắp đến kỳ thi. Năm nay em không có mặt để nhìn trộm anh đi đi lại lại trong phòng, mặc quân phục, đeo súng một cách kỳ cục. Anh có đội thêm nón sắt không? Năm đầu tiên em gọi anh là con Gấu. Hỗn như Gấu, đối với bọn nữ sinh viên. Em đâu có ngờ anh là Yêu Râu Xanh.

“Tuy nhiên, em muốn gặp lại con Yâu Râu Xanh lần nữa. Ý nghĩ làm em sợ hãi, nhưng không dừng được. Có lẽ em rồi cũng thành tinh mất. Em sẽ trở lên gặp Yêu Râu Xanh một lần nữa trước khi đi, sống lại một ngày chủ nhật, nhìn lại những nơi chốn khó quên. Nếu anh cho phép. Can ngăn hay khuyến khích em? Không cần dài dòng, chỉ cần một bức điện của anh vỏn vẹn chỉ một chữ thôi: Thuận hay không.

“Trông tin anh”

“Oanh”. 

Thư Oanh viết cuối tháng Năm, gửi về Viện Đại Học. Nàng ước tính sớm nhất một tuần lễ thư mới bò lên đến nơi. Một tuần lễ nữa cho việc chuyển thư đến tay Kiệt.  Nàng cẩn thận thêm ngoài bì mấy hàng chữ đóng khung: KHẨN – xin chuyển giúp gấp – Đa tạ. Nàng hy vọng thư không bị bỏ nằm trên bàn giấy của nhân viên văn phòng cho đến khi đã sang niên khóa mới. Thư có thể đến tay Kiệt sớm hơn, trong trường hợp chàng ghé Viện hỏi công việc. Muộn nhất là vào kỳ thi các phân khoa, Kiệt phải nhận được.

Oanh tức mình đã không chú ý đến số nhà Kiệt, đã không hỏi chàng địa chỉ chỗ làm việc.

Nàng cố tưởng tượng phản ứng của Kiệt khi nhận thư. Chàng sẽ chạy ngay ra bưu điện, gửi cho nàng bức điện. Trời mưa tầm tã. Một ngày bão rớt. Nhưng chàng hát. Chàng sẽ lên ngồi ở P, chỗ hai người đã ngồi, để suy nghĩ. Chàng kéo dài những giây phút suy nghĩ hết buổi. Vẫn người khách ngoại quốc râu xồm ngồi đánh dương cầm sau lưng chàng. Có thể chàng sẽ kéo dài những phút ấy sang buổi sáng hôm sau, ngày hôm sau. Chàng đắn đo khi đặt bút viết bức điện trước khi giao cho người thiếu nữ nhân viên ty bưu điện.

Oanh không thích chàng suy nghĩ. Nếu có sự chậm trễ một hai ngày sau khi nhận thư mới đáp ứng chỉ bởi chàng còn muốn kéo dài những phút tưởng tượng mơ mộng nơi chàng. Chàng xếp đặt cuộc tái ngộ và cũng là vĩnh biệt.

Oanh cũng nghĩ cả đến trường hợp tệ nhất là bức điện tín chỉ vẻn vẹn có một chữ Không, hoặc rõ ràng hơn: Đừng lên, kèm lời giải thích. Không, đừng lên nữa. Chúc em lên đường anh lành nhiều may mắn. Nhớ em mãi. Đừng lên. Hãy quên đi. Đừng lên, con Yêu Râu Xanh đã chết, em không gặp nó đâu. Đừng lên, vô ích. Chúc em… Đừng lên, ngày chủ nhật ấy đã qua rồi. Không. Không còn gì, đừng mất công…

Nàng không tin trường hợp ấy xẩy đến. Bức điện tín thoái thác nhắm trêu chọc. Kiệt  nói nghịch ý chàng. Kiệt nghĩ đến nàng, không muốn gây thêm phiền phức. Kiệt hoang mang, đau đớn. Chàng tuyệt vọng, trốn núp. Chàng không thể làm khác, trong hoàn cảnh của chàng. Chàng chịu đựng để nàng đi. Nhưng chàng lầm, nàng nghe rõ cả. Chàng lầm, chàng không hiểu làm như thế chàng bắt nàng khổ hơn. Chàng không hiểu khi đến với chàng, nàng bị xô đẩy bởi một sức mạnh ghê gớm và nàng chấp nhận hết thẩy. Tout le mal est merveilleux… câu hát ấy nàng đã hát, chàng chẳng nhớ sao?

Mặc, Oanh vẫn lên. Nàng chỉ cần bức điện tín như sự xác nhận Kiệt còn đấy. Nội dung bức điện là phụ. Nó chỉ như nốt nhạc dạo dẫn vào nhạc khúc. Thê lương hay nồng nàn? Mặc.

Oanh đợi bức điện của Kiệt. Rốt cuộc nó không đến. Chẳng bao giờ đến.

Một tuần lễ sau khi bức thư gửi đi, Oanh bắt đầu ngóng. Nàng cười mình nóng ruột vô lối nhưng nàng không thể không thấp thỏm. Nàng không để địa chỉ nhà, không muốn tiết lộ dấu tích của chuyến đi. Nàng có thể trở về và cũng có thể đi biệt. Tại sao không? Làm sao biết nổi? Mặc dâu biết tin tức chưa thể đến nơi, Oanh vẫn ghé bưu điện, quầy thư lưu trữ, để hỏi. Khi được trả lời không có gì, nàng an tâm vui vẻ trở về.

Tuần lễ thứ hai, Oanh đến bưu điện cách nhật. Nàng biết chưa thể có gì cho nàng cả. Tuy nhiên, mỗi lần nhân viên ở quầy thu thẻ căn cước, vào phòng lục thư, cũng như lúc cô trở ra, nàng vẫn hồi hộp

Tuần lễ thứ ba ngày nào Oanh cũng đến bưu điện một lần. Có ngày nàng đến cả sáng lẫn chiều. Nàng đợi giờ mở cửa, bước vào quầy phát thư lưu trữ đầu tiên hoặc cuối giờ vắng người, hy vọng nhân viên rảnh rang có thì giờ lục tìm kỹ lưỡng. Đó là một bức điện, một tờ giấy gấp nhỏ, dễ bị lẫn giữa các bao bì. Đang ở nhà nằm dài trong buồng riêng, nàng kiếm chuyện ra phố ghé qua bưu điện. Trong tòa sảnh lúc nào cũng đông như chợ, Oanh đi mau, cắm cúi, không nhìn ai, đến đứng tựa bên quầy, đặt thẻ căn cước, xếp hàng đợi, quay mặt ngó chỗ khác. Nàng ngó chiếc đồng hồ lớn trên bức tường cao cuối phòng, những người chen chúc trước các ô quầy, những người vây quanh các máy điện thoại. Nàng đợi trả thẻ căn cước, lại cắm cúi trở ra, lẫn trong đám đông.

Oanh trở thành quen mặt với mấy người phát thư lưu trữ. Một cô tươi tỉnh, dễ chịu, khi thấy nàng bảo: “Chưa có, em có để ý nhưng không thấy. Có là em giữ riêng ngay.” Oanh nói: “Chị chú ý hộ. Một bức điện tín, không phải là thư đâu.” Cô phát thư tỏ vẻ ngạc nhiên. Có ai bao giờ ngóng đợi một điện tín? Tuy nhiên cô vẫn chịu khó vào tìm cho Oanh.

Mùa mưa đã đến. Oanh thường bị cầm chân ngoài phố. Có bữa nàng vào rạp chiếu bóng ngồi, về nhà trời đã tối mịt sau bữa cơm. Nàng có sẵn những câu ứng đáp để khỏi bị chặn hỏi mất thì giờ. Nàng bịa chuyện thăm viếng hết người bạn này đến người bạn kia, nàng nói nàng đã ăn với bạn, mặc dù chưa có hạt cơm nào trong bụng, rồi lên phòng riêng để quanh quẩn một mình. Nàng ấm ức nghẹn ngào nhưng chưa thất vọng.

Kiệt vẫn chưa nhận được thư. Thư bị thất lạc. Kiệt phân vân không thể quyết định. Kiệt không còn ở đấy nữa. Kiệt bận công chuyện hoặc đổi đi xa. Kiệt gặp tai nạn, ngã bệnh nằm nhà thương. Năm nay không có Oanh, Kiệt không nhận giờ nào trên Viện. Chàng bỏ không coi thi cuối năm, chỉ ra bài, nhận bài chấm rồi gửi trả, không đặt chân tới Viện, không bao giờ còn đến đấy nữa, và lá thư của Oanh nằm nguyên trong ngăn kéo bàn một nhân viên văn phòng quá cẩn thận và mắc tật đãng trí.

Sự nín bặt của Kiệt khiến Oanh giận dữ. Trong đời nàng, chưa hề bao giờ nàng quỵ lụy đến thế. Lòng kiêu hãnh của thiếu nữ bị xúc phạm dữ dội. Khốn nạn cho Oanh đã không thể rũ bỏ khỏi tâm trí giấc mộng của một ngày điên dại.  Cớ sao nàng không liệng những ảnh tượng ma quái kia vào trong chiếc sọt kỷ niệm? Dù thế nào rốt cuộc cũng chỉ là kỷ niệm. Người ta sống hoài với kỷ niệm được sao?

Oanh muốn sống tới, sống tới.

Sang tháng Bẩy, Oanh nhận được thư của trường đại học chấp thuận đơn và hồ sơ ghi danh của nàng. Niên học bắt đầu vào cuối tháng Mười. Oanh sẽ khởi hành vào đầu tháng Tám. Nàng bận bịu. Nàng cũng đã thất vọng. Tuy vậy, một bữa ghé Bộ Nội Vụ, trở ra còn dư thì giờ, Oanh cũng tạt ngang qua bưu điện. Nàng nghe mình tuân theo một thói quen đã mất. Không hy vọng, nhưng nàng trông sự bất ngờ.

Oanh cũng nghĩ nàng nên viết thêm lá thư thứ hai. Hoặc nàng đánh một bức điện. Hay là nàng lên, tìm kiếm. Nàng nhớ Kiệt nói: Đừng hẹn, mất lãng mạn đi. Chàng đang trông ngóng nàng sau khi nhận lá thư. Nhưng nàng bất động. Không hiểu sao, nàng tê liệt. Có lẽ sự chờ đợi mòn mỏi đã làm nàng thối chí? Nàng thấy mọi cố gắng đều vô ích, vô lý. Nàng sẽ đi xa. Như trên bãi biển chiều, trời đã nhập nhoạng, những con sóng ngoài khơi dìu dặt lùa vào lấp những con sóng cũ, miên man, xóa sạch trên bãi cát dấu chân của đôi tình nhân bị đời chia lìa. Oanh lắng nghe bài hát cũ kia trong quán nước lặng lờ nửa buổi sáng. Nàng ngồi đợi mưa ngớt, tê tái, mờ lệ.

Trời tháng Bẩy nhiều buổi dầm dề, hiu hắt. Sắc ngày xám, gió cuộn, nhắc nhở thành phố heo hút. Bây giờ, Oanh trông đến những ngày còn sót lại không chút tơ tưởng. Bức điện đến lúc này sẽ nằm vĩnh viễn trong ngăn hộc của phòng lưu trữ. Nàng không đến nhà bưu điện nữa.

Sinh nhật của Oanh trùng vào dịp này được gia đình tổ chức thịnh soạn luôn tiện như bữa tiệc tiễn hành. Bạn bè thân quyến đông nghịt cả trăm người. Oanh hai mươi ba tuổi. Nàng đứng giữa đám bạn thân, có những đôi mắt thèm thuồng ghen tị, thổi nến, cười, và đọc: Một ông sao tắt, tắt hai ông sao, ba ông sao tắt, tắt bốn ông sao… Tắt một cuộc tình. Nàng cùng các bạn cười rũ. Chưa bao giờ Oanh thấy mình bị bỏ rơi, bị bỏ quên giữa đám đông vui vẻ tưng bừng một cách đáng sợ đến như lúc ấy. Nàng thốt thèm được trở thành đàn bà ngay tức khắc trong đêm hai mươi ba tuổi của mình. Một cuộc tình tắt, tắt một cuộc tình. Nàng cười long lanh với tất cả những người bạn trai tham dự buổi tiệc.

Lần đầu tiên Oanh nhìn thấy gia đình bao quanh mình. Nàng được săn sóc che chở theo kiểu cách nào đó mà bấy lâu nàng không nghĩ. Ba nàng mải mê với công việc của ông, má mải mê với công việc của bà. Các anh chị lớn đều lập gia đình ở riêng, ở xa. Còn lại Oanh lủi thủi trong ngôi biệt thự rộng mênh mông. Từ khi bắt đầu lớn nàng yêu những phòng trọ hơn ngôi nhà của nàng. Ba và má đã chọn ngày sinh nhật mừng Oanh những món quà bất ngờ mà hai người nghĩ sẽ làm nàng vui sướng. Ba tặng một chuyến du lịch một tuần trong nước, ông sẽ cùng đi với Oanh. Má sang với Oanh ngay sau khi thu xếp xong chuyện nhà, bà sẽ ở với nàng những tháng đầu tiên nơi xứ lạ. Nhưng lúc ấy Oanh lại chỉ muốn mình bị bỏ quên.

Cũng trong bữa sinh nhật, người bạn gái học cùng lớp, ở cùng phòng trọ với Oanh suốt ba năm kể với Oanh những chuyện về thành phố cao nguyên như nhắc lại một mớ kỷ niệm đáng nhớ cho Oanh mang theo. Chi nhắc Kiệt. Chi gặp Kiệt trong buổi đi chơi với chúng bạn ở một rừng thông xa thành phố. Ông ta đi với một người đàn bà chắc chắn không phải vợ, trông mùi mẫn du dương không tưởng. Ngay tức thời, Oanh không có phản ứng. Nàng lặp với Chi: Một cuộc tình tắt, tắt một cuộc tình, bởi Chi hiểu Oanh có cảm tình đặc biệt với Kiệt – nhưng không biết Oanh đã gặp Kiệt.

Đêm ấy không biết Oanh khóc mấy trận. Nàng ngỡ đích thực mình đã trở thành đàn bà dù chưa ai đụng chạm. Nàng không còn tưởng đến chuyện gặp lại Kiệt nữa.

 Một buổi chiều mưa. Oanh và Chi ngồi trong quán kem sát bên phố đông khu trung tâm. Trong một giây phút mơ mộng, Oanh thấy Kiệt đi qua bên ngoài kính. Không kịp nghĩ ngợi, nàng xô ghế đứng dậy len ra cửa. Trời vẫn mưa, dọc theo vỉa hè có mái che người đứng trú chen chúc. Người đàn ông cúi đầu rảo bước đã khá xa. Oanh hốt hoảng đuổi theo, nàng cất tiếng gọi: Anh, anh Kiệt. Người đàn ông vẫn cắm cúi không nghe tiếng gọi. Bất chợt người ấy dừng chân. Oanh chạy tới kêu: Anh Kiệt. Người đàn ông ngoảnh lại. Oanh chưng hửng. Nàng chết trân trước mắt những người đứng bên hè. Người đàn ông mỉm cười dịu dàng, xong quay hỏi chuyện một người đàn bà quen trong đám người trú mưa.

Oanh lầm lũi trở lại quán nước. Cơn mù quáng tan để lại nỗi bẽ bàng, sượng sùng. Nàng uất ức muốn bật khóc nhưng nước mắt biến mất. Lòng nàng chai cứng. Những tiếng động bên tai ào ạt như tiếng hô hoán, la chộ, sỉ nhục. Đầu tóc, vai áo nàng ướt mem. Chi ngơ ngác đợi nàng trước cửa quán.

-Chuyện gì vậy?

-Tưởng gặp người quen cũ. Ngượng chín người. 

Chi ngó mặt Oanh. Oanh không nói thêm. Có lẽ bấy giờ mình giống như con hóa dại, Oanh nghĩ vậy.

Vào lúc không chờ đợi, Oanh gặp lại Kiệt.
Đó là buổi sáng thứ Năm, đầu tháng Tám. Oanh xuống phố có hẹn với người bạn trai đi xem chiếu bóng. Người bạn quen đã lâu, từ năm nàng còn học trung học, nài nỉ nàng dành cho buổi sáng ấy trước ngày nàng lên đường. Chủ nhật, Oanh đi. Anh ta học quân y, vừa thi ra trường xong và đang chờ ngày chọn đơn vị. Anh ta bảo: Anh có thể ra Quảng Trị, hoặc Kontum, hoặc An Lộc… Oanh cười: Bắt chẹt Oanh quá vậy, để Oanh đi cho yên mà. Nói vậy, nhưng rồi Oanh cũng nhận lời một cách bình tĩnh. Những ngày còn lại quá trống trải, nhàn rỗi.

Tình cờ xui khiến Oanh không xuống taxi ở nơi hẹn trước rạp chiếu bóng mà lại xuống cách hai ba phố xa. Tự dưng nàng nẩy ý muốn đi bộ thong thả một đoạn đường dưới hàng me xanh mướt rào rạt những gió của một ngày ẩm. Nàng hài lòng vì đã nhận lời mời của bạn. Buổi sáng tình tứ, dễ thương. Nếu không có hẹn chắc nàng cũng chẳng thể ở trong nhà, nàng sẽ phải xuống phố một mình hoặc mất công rủ bạn.

Vừa đi vài bước Oanh giật mình vì bàn tay ai thình lình chụp giữ cánh tay đang buông xuôi của nàng. Nàng há hốc, trông Kiệt đứng kế bên.

Nàng như bị trám miệng. Trời đất chông chênh trước mắt. Bao nhiêu phản ứng Oanh thường tưởng tượng nếu chẳng may đụng mặt Kiệt, đều không diễn ra. Nàng lạnh toát như một hình nộm tuyết đắp đang tan rã nhưng đôi mắt lại hoen ấm. Nàng không nghe không thấy gì nữa, bước đi bên Kiệt mặc dù chàng không còn nắm giữ cánh tay.

Sự thay đổi của ánh sáng, mầu sắc, tiếng động bao quanh giúp Oanh hồi tỉnh dần. Oanh rùng mình, rợn ốc. Nàng bắt đầu nghe lọt nửa câu hát nỉ non:… gió lộng gọi mùa sang. Nàng nhìn thấy Kiệt ngồi trước mặt trong một quán nước sâu hoắm. Bên ngoài trời xỉn, xa lắc.