Một
Chủ Nhật Khác
14
Như
đã báo tin hồi đầu tháng năm, Thùy lên thăm Kiệt ở lại
với chàng một ngày thứ bẩy và về Sàigòn sáng chủ nhật. Thứ ba, nàng đi
Thái Lan
rồi Nhật Bản, công tác cho sở trong nửa tháng. Bọn nhỏ nàng gửi về bên
ngoại
nghỉ hè.
Gặp
Kiệt, nàng sửng sốt kêu:
-Anh
sao vậy?
-Sao?
Kiệt giả ngây. – Anh vẫn như thường.
-Anh
xanh mét.
Tháng
sáu, mùa hè đang rộ. Trời nắng. Ban ngày có thể mặc sơ
mi trần, đêm đắp chăn đơn. Thùy khoẻ khoắn, hồng hào. Nàng mang lên nửa
chục
xoài thơm đầu mùa, một hộp bánh ngọt, một hộp bánh lạt, một hộp mứt do
nàng
làm. Nàng đưa Kiệt hai chục ngàn. Kiệt ngượng vì thói phung phí của
chàng. Từ
khi nhập ngũ, chàng thường phải lấy thêm tiền của vợ tiêu. Chàng chẳng
lo được
gì cho gia đình, con cái.
Trong
bữa trưa, Kiệt có cảm tưởng mình đang trong thời kỳ
dưỡng bệnh. Thùy ép chàng ăn uống, nhắc nhở chàng những nguyên tắc dinh
dưỡng
căn bản. Kiệt cười cười, trêu vợ:
-Để
chiều anh mời em ăn cơm Hội Quán xong rồi em sẽ thuyết
trình về chế độ dinh dưỡng….
-Em
không nói về người khác. Em chỉ muốn nói về anh kìa.
-Anh
sao?
-Anh
cần giữ sức khỏe. Chẳng phải Kiệt không nghĩ đến chuyện
ăn uống.
Độ
rày chàng còn nghĩ nhiều nữa là khác. Lúc nào chàng cũng
thấy đói, thiếu ăn, thèm thuồng món ngon một cách bần tiện. Ngồi ở bàn,
ở Hội
Quán hay ngoài phố, nhìn bữa ăn chàng đã ứ, nuốt không vô. Nhiều bữa
chàng ăn
phở, hoặc vài cái bánh croissant, hoặc dĩa xôi trừ cơm. Trong ngày
chàng uống
cà phê mỗi khi nghe bụng trống.
Không
bao giờ Kiệt ngờ có lúc mình uống nhiều cà phê đến như
thế. Dạo mới về nước, chàng ngạc nhiên về thói uống cà phê một cách bừa
bãi của
dân Sàigòn. Quán cà phê nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm. Từ ông già bà
cả, chí
đến con nít lên năm lên sáu cũng uống ngon lành chất nước kích thích.
Uống bất
kể giờ giấc. Chàng mệnh danh dân Sàigòn là “dân cà phê”. Chàng cũng đã
trở
thành dân cà phê. Cơ thể chàng quen lậm với tình trạng tỉnh thức, nôn
nao.
-Ờ.
Để anh noi gương thằng cha Đại Úy On. Chắc em hài lòng.
Tên
này có cả một lý thuyết về dinh dưỡng ứng dụng cho hoàn
cảnh. Cơm gạo không đủ chất bổ dưỡng, không ăn cơm. Mỗi bữa ăn tính đủ
số lượng
calôri cần thiết. Hàng bữa hắn gọi phần ăn riêng biệt. Với khả năng của
nhà
bếp, và với khả năng của chính đương sự, mỗi bữa của On, sáng cũng như
chiều,
gồm một ổ bánh mì lớn, một đĩa xà lát trộn, một miếng phó mát cỡ 30
gram, cộng
thêm hoặc ba bốn chai coca, hoặc năm sáu hũ yaourt hoặc hai chai la de
lớn, ba
chai la de nhỏ hoặc hai trái chuối. Ngồi thẳng lưng, đeo chiếc khăn ăn
quanh
cổ, sử dụng dao nĩa, On ngửng mặt thẳng khi nhai và như không thấy
quanh cảnh
chung quanh. Khi được phỏng vấn về cách ăn uống, đương sự thuyết giảng
nghiêm
chỉnh, không cười. Chẳng hạn, coca nhiều sinh tố, chống tê thấp. Yaourt
là sữa
thuộc chất béo nhưng dễ tiêu. Lade là lúa mạch bổ dưỡng. Một trái chuối
tiêu
tương đương với 500 gr thịt bò…
Chẳng
hiểu On học ở Mỹ bao lâu nhưng quả hắn là quái thai
đặc sắc nhất giữa nơi tập trung khá nhiều dân ngoại quốc về. Nhơn nhơn
một mình
một cõi, sống như trên cung trăng, chẳng ai rõ hắn nhìn ngoại cảnh bằng
con mắt
nào và ai nấy đều mặc nhiên coi gã là một tên điên khùng, kể cả những
kẻ vẫn bị
coi là gàn dở cũng nghĩ về hắn như vậy.
Mới
đến trường, hắn ngạc nhiên, đặt câu hỏi với mọi người;
tại sao không chịu tích cực làm việc? Không mà việc, nước làm sao phát
triển?
Làm sao chống Cộng Sản? Tinh thần trách nhiệm đâu? Tại sao biết có
khiếm khuyết
không đề nghị sửa đổi? Không thảo luận dân chủ? Vân vân và vân vân.
Những câu
hỏi thoạt tiên chọc giận, lầu dần thành chọc cười. Nhiều người ban đầu
không rõ
On, tìm cách trả lời các câu hỏi của đương sự, giải thích tình trạng
chung
trong nuớc và đụng phải bức trường thành chân lý sừng sững do hắn bầy
ra không
thèm đếm xỉa đến thực tế. Chẳng hạn, không làm sao nói cho hắn hiểu
rằng bánh
mì hắn ăn mỗi bữa pha chế nhiều bột gạo qua một ngày là cứng như củi
đập lủng
đầu. Yaourt ở đây làm bằng sữa đặc, thứ sữa hộp quá hạn quánh như kẹo
mạch nha
do Quân Tiếp Vụ thải….
Hắn
làm việc hì hục suốt ngày, đánh máy lóc cóc đến mười hai
giờ đêm – không ai hiểu việc gì - gõ cửa các phòng lân cận yêu cầu
người khác
giữ yên tĩnh, đừng đánh bạc. Hắn làm đơn tình nguyện xuất tiền túi trả
tiền
điện dùng mỗi tháng – hắn ở luôn tại phòng làm việc – sau khi có một
buổi họp
thông báo biện pháp tiết kiệm điện của trường vì mức xài đã vượt quá
ngân khoản
được chuẩn cấp hàng năm, hắn xin được nêu gương cho người khác noi theo.
Mỗi
lần chẳng may bị On xà vào ngồi chung bàn, bị hắn cật
vấn, Kiệt chỉ còn nước mau mau đứng dậy, bỏ đi chỗ khác.
Nằm
trên giường, Thùy nghe sự bất thường của nhiệt độ trông
thân Kiệt. Kiệt cũng thấy. Da dẻ Thùy mát rượi.
-Anh
bị kích động. Kiệt bào chữa.
Ít
nhất nửa năm hai vợ chồng không gần nhau. Trong yêu
đương, Thùy luôn luôn nồng nàn quấn quýt từ trước đến sau. Sự xa cách
lâu dài
khiến cho nàng thêm thiết tha.
-Anh
thấy không? Anh yếu hẳn đi.
Nhận
xét của Thùy tự nhiên, đượm vẻ âu yếm. Tuy nhiên, Kiệt
ân hận, cơ thể chàng có bề suy nhược vì cuộc khủng hoảng.
Chưa
lần nào lên Thùy được thoải mái như lần này. Ngày tạnh
ráo, đêm không lạnh. Hơi thở của nàng đều hòa, ngực nàng phơi trần nhẹ
nhõm
dưới chăn.
Buổi
chiều hai vợ chồng dạo quanh hồ. Mọi lần Thùy co ro rút
trong nhà khó rủ được nàng ra ngoài. Thùy mặc áo sơ mi sắn tay, quần
tây, tóc
cắt ngắn ôm quanh khuôn mặt bầu bĩnh. Nàng đòi Kiệt thuê thuyền đạp
nước. Giữa
hồ rộng, thuyền bập bềnh trôi theo sóng, Thùy ngả đầu tựa vai Kiệt, nắm
tay
chàng, mắt đắm đuối.
-Anh
hát cho em nghe đi.
Thùy
vốn không ưa thói nghêu ngao của Kiệt. Nhiều khi lái xe
chở vợ, Kiệt hát rong ngoài đường bị Thùy chê: cứ tưởng mình còn trẻ
lắm, người
ta nghĩ anh khùng, dòm kỳ quá. Nhưng Kiệt không sao bỏ thói ấy. Nếu
chàng không
hát, chàng có lẽ chàng sẽ gây gổ, phá phách. Khi hát, chàng lấp mình,
quên
ngoại vật.
Kiệt
hát lăng nhăng, vài ba câu bài này, vài ba câu bài nọ.
Toàn những bài thịnh hành hồi hai người mới gặp nhau. Những câu tình tứ
khêu
gợi kỷ niệm. Thùy như trở lại với người thiếu nữ mơ mộng một thời.
-Yên
rồi mình sẽ đi nơi khác sống. Anh thích như thế không?
-Bây
giờ em thích hả?
-Em
nghĩ ở đây không hợp với anh.
-Anh
quen rồi. Cái gì rồi cũng quen.
Nắng
chiếu trên mặt hồ thỉnh thoảng loé chói mắt. Mọi tiếng
động ở xa, trên cao. Kiệt hôn Thùy và rung động.
Mỗi
lần Thùy lên thăm, khi trở về, nàng bỏ lại nỗi trống
rỗng lớn lao trong Kiệt. Thùy không hay, chàng không quen bộc bạch, vả
lại
chàng hiểu hai người không sử dụng chung một bảng tín hiệu. Các tiếng
không còn
đồng nghĩa giữa người phát và người nhận. Kiệt coi sự trục trặc lỗi về
phần
chàng. Chàng rắc rối, tan nát, biến ảo đến chính chàng cũng chẳng hiểu
mình,
sao đòi kẻ khác phải hiểu? Và chàng luôn luôn tự vượt mình tìm về Thùy,
tìm về
sự bình yên, mộc mạc.
Rất
nhiều khi Kiệt tự trách thái độ khép kín của mình đối
với vợ. Dường như chàng ngấm ngầm trông mong, bằng trực giác của người
đàn bà, một
ngày nào, Thùy sẽ thông tỏ những nỗi khó khăn của chàng một cách tự
nhiên như
nàng vẫn tự hào “em đi guốc vào tận tim đen của anh”. Điều chắc chắn là
Kiệt
mong mỏi chàng sẽ biến tướng hoàn toàn, hòa nhập vào một đời khác,
không chân
trong chân ngoài. Cái gì đã qua, qua hẳn, khuất biến cùng năm tháng.
Chàng sẽ
sống như số đông vẫn sống.
Gió
chiều trên đồi thênh thang. Nhiều lúc Kiệt không nghe rõ
lời Thùy. Bên tai chàng nườm nượp những âm thanh huyễn hoặc, mờ mịt.
Thùy
bận tâm với vấn đề sức khỏe của Kiệt. Nàng nói sẽ mua
về cho chàng những thứ chàng cần. Hai cây vợt để chàng trở lại sân
quần, chiếc
radio để chàng nghe nhạc, và thuốc bổ. Chàng cần nghỉ ngơi, ăn uống,
giải trí.
Đừng nghĩ quẩn.
-Kỳ
này trong đoàn đi có cả Nguyên.
-Thế
hả?
-Anh
ngại không?
-Em
ngại không?
-Không.
Anh biết chứ.
-Vậy
tại sao anh ngại?
Nguyên
gặp Thùy trước Kiệt. Hai người đã yêu nhau một thời
gian. Kiệt biết rõ vì chính Nguyên giới thiệu Thùy với Kiệt. Gặp Kiệt,
Thùy đổi
ý. Nàng cắt đứt liên lạc với Nguyên. Kiệt hồi ấy chưa tỉnh hẳn mặc dù
đã ra
khỏi dưỡng trí viện cả năm. Chàng không quyết định. Chàng bảo Nguyên:
quyết
định là việc của Thùy. Và Thùy dứt khoát bất kể đến sự cầu khẩn của
Nguyên. Sau
này, lúc Thùy về nước một mình, Nguyên vẫn còn tìm cách năn nỉ thuyết
phục nàng.
Nguyên chấp nhận, kể cả đứa con của Kiệt, Thùy đang mang. Gặp Nguyên
đôi khi
Kiệt ngượng, trái lại, Nguyên tự nhiên, đóng vai người bạn tốt hoàn
toàn. Cho
đến giờ Nguyên còn độc thân. Cảnh sống mực thước lầm lũi của Nguyên
khiến Kiệt
nhiều lúc động lòng trắc ẩn, thắc mắc, không hiểu có phải là hậu quả
của một
mối tuyệt vọng ghê gớm.
Những
ngày trống rỗng vừa qua Kiệt bắt mùi rượu trở lại.
Trong bữa ăn tối, Thùy cũng nhận thấy Kiệt uống nhiều rượu nhưng nàng
cho rằng
chàng vui. Hồi gặp Thùy, Kiệt không còn uống rượu và từ ngày lấy nhau,
chàng
chưa bao giờ say sưa.
-Ờ.
Mỗi bữa anh nên uống một hai ly rượu chát. Ăn ngon mà
khoẻ.
-Làm
cách nào mỗi bữa anh đến ăn ở đây?
-Anh
có thể mua rượu chai gửi ở hàng cơm.
-Kỳ.
Em nhớ là anh không ăn một mình. Còn người xung quanh.
-Có
những lúc mình phải nghĩ đến mình thôi.
Hai
vợ chồng ngồi quán S. Kiệt
không đổi bàn. Chàng quen với khuôn cửa sổ mở trông xuống lũng tối.
Lần
đầu Thùy trông thấy Kiệt say, nàng thấy lạ. Nàng tiếp rượu
cho chàng. Lòng Kiệt đầy hứng thú và xót xa. Chàng là người đàn ông
không ra gì,
biểu diễn vẻ ngạo nghễ thảm thiết. Chàng giống như tên ăn mày đòi thiên
hạ bố
thí bằng sự sấc xược hỗn hào.
-Anh
xin lỗi em. Anh phải xin lỗi em hoài, suốt đời.
-Chuyện
gì anh?
-Anh
yêu em. Anh yêu em. Em hiểu như thế không?
-Em
hiểu.
-Anh
làm khổ em. Anh không hề mang đến hạnh phúc cho em. Em
chỉ có chịu đựng, em không được hưởng gì từ ngày lấy anh.
Giọng
Kiệt cay đắng, dơ dáng.
-Anh
đừng nghĩ thế.
Kiệt
muốn cười phá bầu không khí do chàng tạo ra. Nhưng chàng
ngó thấy nụ ai oán trên môi Thùy và chàng đành ngậm câm.
Thùy
không chịu nổi sự bất nhất, mâu thuẫn, không thể nhận
nhiều sự thật đối chọi cùng lúc. Kiệt bị ngưng đọng trong nỗi thống khổ
im lìm
phô dưới sự trìu mến cảm thông của Thùy. Trong khi hơi rượu xô đẩy
chàng.
Kiệt,
cười, cố nén không phát thành tiếng. Chàng như con thú
giữ bị giam cầm trong cũi.
Trên
đường về, Kiệt bảo:
-Em
ráng nghe ngoài những điều anh nói.
-Anh
nói gì, anh?
-Anh
nói anh yêu em. Em là người đàn bà duy nhất trong đời
anh. Em tin không?
-Em
tin.
Kiệt
ôm hôn Thùy ngoài sân trước nhà. Chàng đợi Thùy đẩy ra
mới thôi. Thông thường Thùy chẳng chịu một chuyện có vẻ xàm xỡ dù là
giữa vợ chồng.
Vào
đến giường Kiệt ngã xuống cơn say. Trong chập chờn nửa
thức nửa ngủ, chàng yêu Thùy. Chàng yêu Thùy vồ vập, lửng lơ, theo đưa
đầy của
hơi rượu. Đến một lúc, chàng hoàn toàn vô giác, trơ cứng bất thường như
thớt gỗ.
Chàng toát mồ hôi. Thùy bị lay động cùng tột hai ba lượt và Kiệt vẫn
không thể
phóng thoát. Cuối cùng Thùy ngủ yên, còn Kiệt lịm một lúc rồi giật mình
mở mắt
tráo trân.
Đêm
sâu hoắm. Thỉnh thoảng mới nghe gió nổi xào xạc. Kiệt buồn
bã, sợ hãi. Chàng sống trước những chuyện có thể xẩy tới, sắp xẩy tới,
sẵn sàng
hứng nhận. Mọi chuyện hiển hiện như thực, trong tâm trí cô độc buốt giá.
Chàng
mất hết. Chàng không đau đớn.
Kiệt
ôm Thùy, tìm cảm giác bình yên.
Lúc
Kiệt thức giấc gần tám giờ Thùy đang rửa mặt. Như ngày nào
Thùy đến với Kiệt trong gian phòng trọ, nàng dọn bữa sáng trên giường
không chịu
cho Kiệt ra ngoài sớm. Trời còn đặc sương mù. Họ ăn bánh lạt với mứt,
không cà
phê, nước trà.
-Anh
bớt cà phê, thuốc lá. Mỗi buổi sáng anh uống một ly cam
tươi.
-Anh
uống ở đâu?
-Anh
uống cam hộp cũng được.
-Em
biết anh là kẻ thù của đồ hộp chứ?
Kiệt
cười lúc khúc sau câu nói đùa.
Chàng
liên tưởng đến những ý nghĩ đóng hộp. Thùy đầy thừa những
ý nghĩ giản tiện ấy, đời sống lành mạnh. Hồi gặp nhau, Kiệt vừa qua cơn
bão táp
hung hiểm. Thùy như mảnh đất liền chàng may mắn giạt tới. Bây giờ vẫn
vậy. Nhưng
lần này Kiệt nghe trận cuồng phong rượt đuổi, vây bủa. Đất dưới chân
chàng chòng
chành.
Mười
một giờ Thùy mới ra phi trường. Những giờ còn lại, Kiệt
bị ngập trong sự săn sóc chiều chuộng. Đầu óc chàng hắc ám…
-Việc
đầu tiên là mai anh nên đi khám bác sĩ, xin nghỉ mấy hôm.
Anh nên chiếu phổi.
Họ
ngồi trên khách sạn P. Sương đã tan. Nắng chan chứa trên đồi,
trên hồ, trên những chòm cây xanh. Thùy hớn hở, trẻ trung, yêu đời.
-Em
có biết hiện anh cần gì nhất không?
-Em.
-Đành
rồi. Lúc nào anh chẳng cần em.
-Anh
cần gì?
Thùy
nhắc câu hỏi lần thứ hai: Anh cần gì?
Kiệt
không nhớ mình tính nói gì nữa. Chàng cười cười:
-Em.
-Vớ
vẩn. Thùy sung sướng.
Trong
cơn nắng lộng, Kiệt ớn lạnh, gai gai. Thành phố ngợp
trong mầu lục diệp, đẹp mê mướt, vật vã. Thùy nhất định không để Kiệt
đưa xuống
phi trường.
-Anh
về nhà nằm nghỉ cho khỏe. Chịu khó ăn uống, dưỡng sức.
Mỗi bữa uống một hai ly rượu cho ngon miệng thôi. Đừng uống nhiều như
tối qua cũng
không tốt.
Ngồi
trên xe ca nhìn xuống Kiệt đứng dưới đường, Thùy bỗng ứa
nước mắt.
-Anh
gầy quá, anh.
-Đừng
nghĩ bậy. Đi cho vui vẻ.
-Anh
ráng giữ gìn sức khỏe.
-Yên
chí. Em về anh vẫn còn mà.
Thùy
nghiêm mặt, hờn trách. Nàng đeo cặp kính mát lên mắt.
-Bon voyage. Kiệt
giơ tay khi xe chuyển bánh.
-Em
sẽ về sớm. Sẽ lên với anh ngay.
Lòng
Kiệt bấy giờ bặt không mong mỏi. Chàng như trông suốt
những ngày tới.