Kiệt mở rộng cửa, đón nắng, khu cư xá trong ngày cũng giữ vẻ
biệt tịch. Chỉ nghe tiếng xe chạy ngang dưới đường ga hoặc những tiếng
động
dưới lòng chảo, họa hoằn mới có tiếng xe hay tiếng người qua trên dải
đường
trong cư xá. Ở nhà, khi nào Kiệt cũng để ngỏ cửa, không ngại bị dòm
ngó. Ánh
trời, bóng nắng, gió, bóng cây lá - những trận mưa nữa – tuôn vào tới
bàn lớn
bề bộn sách vở, giấy má, vật dụng lặt vặt kê giáp hai cạnh vào tường.
Chàng nằm
dài trên giường, ngủ quên thoải mái như phơi mình ngoài trời. Một buổi
sáng chủ
nhật, chàng ngủ quên như thế, chừng tỉnh dậy thấy mất hai cây vợt và
chiếc máy
thâu thanh. Thủ phạm chắc là một kẻ trộm thời cơ, ngẫu nhiên lạc bước
qua cửa,
không trở lại lần thứ hai.
Gian phòng nguyên như buổi tối thứ sáu
trước khi Kiệt rời
nhà vào trại. Cây đàn bỏ trên bàn. Tập sách nhạc mở ở bài Sonatine của
Beethoven Kiệt đang tập. Tập sách có chữ của Thùy đề tặng sinh nhật
chàng. Em
mãi mãi ở bên anh, hãy bình tâm. Dấu vết ngày thứ bẩy là mặt nệm, chiếc
gối xô
lệch và bộ quần áo thay vắt cuối chân giường. Kiệt xoá các dấu vết trên
mặt
nệm, ném bộ binh phục vào trong phòng tắm. Như người xa lâu trở về nhà,
Kiệt
ngồi xoay ngang trên ghế ngó làm quen lại với nơi chốn.
Đang lúc ấy Oanh nhô lên, giữa bờ cỏ
cao, nàng vẫn theo lối
cũ từ dưới đường thấp leo lên những bực đá.
Oanh thắt tóc thành hai dải bím, mặc
váy và áo chẽn bó mầu
hồng đào. Cách trang phục làm nàng nhỏ bé thêm. Nàng như bị vây giữa
đám lá cỏ,
tàn cây cao và những hoa nắng ngả ngớn. Nàng ngỡ ngàng như lạc lối. Có
vẻ như
nàng không chủ tâm tới, nàng dạo chơi, vui chân bị cảnh vật dẫn dụ.
Kiệt không hơn. Tuy chàng đã qua khỏi
trạng thái mất bình
tĩnh, nhưng bây giờ chàng bất động u ám. Sự xuất hiện của Oanh khuấy
nhộn chàng
quá lắm và chàng chống lại bằng vẻ điềm nhiên tọa thị.
Oanh vào tới trước sân. Mặt đất đầy
những cành lá và các quả
thông khô. Nàng nhìn các phía, rồi chạy mau lọt vào trong cửa. Nàng
đứng tựa
lưng, ngả đầu vào tường, hai cánh tay xuôi thẳng, bàn tay áp trên mặt
tường như
chống đỡ cho khỏi khụy. Nàng khép mắt thở dồn, rồi từ từ hé mắt mỉm
cười.
Lúc ấy giống như thể một dàn nhạc đại
hòa tấu ùa lên tở mở
trong một ouverture. Ánh sáng tắt hết trong thính phòng và rực rỡ tụ
hội trên
sân khấu. Lúc ấy giống như Kiệt là một diễn viên phải ra sân khấu,
trong một
thoáng trút lốt hàng ngày, bước tới trong điệu bộ bị điều động bởi âm
thanh,
ánh sáng, và khán trường.
Lúc ấy mọi thứ đều hư ảo, mờ nhạt. Chỉ
có im lặng bao trùm
hiển hiện.
-Xin lỗi, em đến chậm.
Kiệt ôm đầu Oanh vào ngực. Hai người
đứng thẳng cứng nhắc.
Mặt Oanh cúi nấp, Kiệt tựa cằm trên tóc nàng, môi ngậm nhấm mấy sợi tóc
phất
phơ. Sau những dồn nén, thiếu nữ bắt đầu xúc động. Sự xúc động nhẹ
nhàng dấy.
Như một diễn viên vụng về, Kiệt không biết xoay xở ra sao, chàng vuốt
ve mái
tóc.
-Em đi chân nên đến chậm.
Nói xong, Oanh khẽ đẩy Kiệt lùi xa.
Trán nàng lấm tấm mồ
hôi. Nàng bước vào giữa phòng quay dòm phía sau. Cửa vẫn mở rộng. Nàng
mỉm cười
hỏi ý Kiệt, nàng không nhận thấy chỗ nào nàng có thể tới trong căn
phòng.
Kiệt đến bên và chàng lại ôm đầu Oanh
vào ngực. Hai người
đứng im tại chỗ. Kiệt ngó mông ra ngoài, tới tận những đám cây xa trên
con
đường còn cao hơn ngọn đồi cư xá. Con đường chạy ngang những dinh thự.
Chàng
trông thấy những dinh thự bám chênh vênh dưới chân con đường ấy. Dường
như Kiệt
không biết làm gì hơn là lập lại những cử động chàng đã làm. Oanh cũng
vậy.
Nàng vẫn cúi nấp đầu nhưng đã bớt hồi hộp. Nàng ở trong vòng tay Kiệt
nhẹ như
thỏi bông.
Kiệt bắt đầu thấy mình kỳ cục, dị hợm.
-Nói một câu gì đi. Kiệt nói.
-Kỳ cục.
Như được xô sau lưng trên dốc trượt,
chàng bật cười vò đầu
Oanh. Chàng nghiêng người, nâng mặt nàng ngửa lên nhìn vào. Không hiểu
sao,
chàng bỏ ý hôn nàng, chàng giữ im nụ cười soi trong đôi mắt thất lạc.
-Kỳ cục thiệt. Kiệt lập lại. – Còn kỳ
cục nữa. Anh đang trở
về, đang trẻ lại. Giống như thể ngồi sau chiếc phi thuyền tốc độ hơn
tốc độ ánh
sáng…
Oanh ngơ ngác. Kiệt giải thích thuyết
tương đối của
Einstein. Chàng nói trôi.
-Em thấy không, anh chỉ muốn đứng,
muốn đứng mãi một chỗ như
thế…
Oanh không thể hiểu ý và điều này thì
chàng không giải
thích. Làm sao giải thích những rung động? Muốn đứng mãi một chỗ như
một thân
cây, một tảng đá, một ngọn núi không chuyển. Và nghĩa là không muố nằm,
không
muốn tan chẩy, không muốn biến.
Kiệt trẻ lại thật. Không tà ý, bay
bổng, chênh chao và khờ
khạo.
Chàng bảo Oanh ngồi xuống chiếc ghế
trống. Nhà có hai chiếc
ghế, một cái vắt quần áo và xếp chồng giấy má. Chàng ngồi ghé mép
giường, đánh
đàn. Chàng cố gẩy một đoạn trong Liên Khúc Số 3 của Bach. Nhạc tràn trề
sinh
lực, cao sang, phúc hậu. Bị vấp, chàng hát nối. Hết Bach, đến Brahms,
Saint
Saens. Chàng mê man như hồi mới lớn buổi tối ngồi trên bao lơn thổi
kèn, tưởng
tượng cô gái nhỏ bên hàng xóm đang rình nghe.
-Anh hát được vọng cổ. Lúc này anh có
thể hát vọng cổ.
Không biết từ lúc nào, mắt Oanh ướt
lệ. Mặt nàng ửng hồng
như tức thở. Kiệt đang vui, chàng không nén cơn vui và chàng tưởng Oanh
cũng
say trong niềm hoan lạc bất thường, quá độ.
Hai người chẳng nói chuyện gì ra
chuyện gì. Giống như buổi
chiều hôm trước, họ biểu lộ những cử chỉ thân ái, nói những câu vô
nghĩa đâu
đâu. Những câu nói chỉ nhằm mục đích duy nhất giúp họ gần gũi thêm, kéo
dài
thời gian ở bên nhau.
-Em phải về không?
Oanh lắc đầu.
-Mình ra ngoài cho thoáng.
Buổi trưa đang tới. Nắng gió ào ào
từng cơn như buổi trưa
gần biển. Những buổi trưa như bữa nay khó ngủ. Gió mở trống Kiệt từng
lúc,
chàng cứ thấy mình bị thổi tung bay trên cảnh vật giống như nhân vật
trong
tranh Chagall.
-Sợ không?
-Sợ gì?
-Đi với anh?
Đầu tóc Oanh áp tựa lưng sau. Chiếc xe
lao dốc cao, nổ ầm ĩ,
chậm hẳn. Kiệt nghe vẳng một đề nhạc trong gió ngược. Một đề nhạc đơn
sơ chính
chàng bắt được. Chàng âm ư, sửa đi sửa lại tưởng mình như một nhạc sĩ
tràn trề
cảm hứng.
Họ ghé một nhà hàng xập xệ.
Dẫy quán làm bằng vật liệu chắp vá (gỗ
thừng sữa, nhôm thiếc
mỏng vỏ hộp lade Mỹ...), dựng mau chóng trong một đêm, trên vỉa hè nhỏ
che dẫy
nhà đã có trước cũng chẳng sang trọng hơn. Con phố hẹp, dốc, lồi lõm,
trông như
hàm răng khấp khểnh. Đến đây, thành phố hết nét cá biệt, nó giống bất
cứ thành
phố nào của một xứ đang chịu chiến tranh tàn phá. Cảnh sống chui rúc,
bẩn chật,
tạm bợ, lê lết. Khu vực của lính biệt kích, lính đào ngũ, du đãng, anh
hùng
nhất khoảnh, lúc nào súng cũng có thể nổ, lựu đạn có thể ném vì những
chuyện
không đâu: một cơn say, một cuộc cãi lẫy, một màn tranh giành, thanh
toán…
Quán bán những món bình dân, Kiệt ghé
vào vì thuận đường và
biết chắc không bị ai quấy nhiễu. Gian quán nín thinh. Bên kia ván
vách, có
tiếng chân bước lệt xệt, banh bi-a chạm đụng, phấn vạch trên bảng ghi.
Không
khí nghiêm trang buồn cười.
-Em giống như một ả xẩm.
Cả hai đều không đói. Tuy nhiên họ vẫn
ăn thong thả, mỗi
người một bát bún riêu lót dạ. Kiệt uống một chai bia.
Trong khi ăn, Kiệt bỗng nhớ đến những
ngọn gió bấc cắt da,
những hạt mưa nhọn như kim châm, dúm ớt bột tê môi, chảy nước mắt, bát
chè tươi
bỏng rát lưỡi. Từ bát bún riêu, chàng nói về mùa màng thời tiết, về bầu
trời
sông nước, về đồng ruộng trái quả, về phố phường thắng cảnh và vô tình
chàng
tiết lộ những mảnh vụn của một thời ấu thơ và niên thiếu chẳng hề chàng
nói với
ai.
Oanh mở mắt to chăm chú. Kiệt lại thấy
những giọt nước mắt
rơi. Chàng không còn tưởng là những giọt hoan lạc nữa, chàng nghĩ, đó
là những
giọt sầu. Những giọt sầu chung. Chàng cảm động. Tuy nhiên chàng nói:
-Em dễ bị dụ quá há.
-Em bị anh dụ từ lâu rồi. Oanh cười
nhếch.
-Sợ không? Hỏi vậy, nhưng chính Kiệt
thoáng hãi.
Oanh lắc đầu. Dáng nàng ảo não. Hoặc
giả có thể là mầu mờ
tối của của gian quán nhơ nhớp ánh trên mặt nàng.
-Đến phiên em nói gì đi.
-Anh muốn em nói gì?
-Nói bất cứ chuyện gì em thích nói.
Kiệt gọi thêm bia.
Oanh im lặng lơ đãng. Chàng tưởng nàng
đắn đo suy nghĩ.
Chừng quay nhìn, nàng nở nụ cười, trong ánh mắt chiếu tỏ ý thoái thác.
-Cười trừ hả?
Tính Kiệt ghét bị truy nã, và cũng
ghét truy nã kẻ khác. Vả
lại sự im lặng của Oanh tràn đầy, không bắt Kiệt phải tưởng tượng đến
gì khác.
Nàng không còn là một cô bé dưới mắt Kiệt. Sự im lặng của nhạc. Sự im
lặng như
hạt nhân ở chàng ngay những lúc chàng ồn ào. Oanh ngồi thẳng trước món
ăn bỏ
dở, nhìn chàng và cười, như thế không đủ sao? Chàng đâu cần biết nàng
từ đâu
tới, nàng sẽ về đâu, trước kia nàng thế nào, sau này nàng sẽ ra sao.
Ích gì?
Nàng ngồi đó, nhả những sợi im lặng mềm mại bao bọc chàng, che chở
chàng trong
cơn lảo đảo không đủ sao? Khi mở bừng mắt, nàng biến mất như bóng chim,
vừa làm
xong chiếc tổ mong manh trên cành bão, vút bay theo cơn giông những
ngày tới.
Chắc thế.
Trong thoáng, dồn ắp sự im lìm của
Oanh biết bao nhiêu ngày
qua trong giảng đường ở cuối tầm nhìn của chàng. Gương mặt thuôn thuôn
ngước
trông lờ lững trong nét cười không hé môi, luôn luôn phảng phất quấn
quanh tia
mắt giúp chàng nhẹ nhõm trôi đi trong tiếng nói của mình.
Bây giờ, sự im lìm tách rời khung cảnh
kề cận trước mắt, như
một đốm sáng lập lòe giữa đêm mịt mùng gọi kẻ lữ hành nhắm hướng. Nơi
đốm sáng
chập chờn kia là gì?
Sau bữa ăn, xong từ lâu nhưng còn kéo
dài nữa nếu Kiệt cứ
ngồi yên, Kiệt như đã vượt một chặng đường dài. Quay nhìn, chàng không
còn thấy
chốn đã khởi đi. Chàng chỉ thấy mình đang trên con đường, trước mặt sau
lưng là
lối trải dằng dặc.
Gần qua buổi trưa trên đồng hồ khi hai
người rời quán. Hai
giờ hơn. Nhưng buổi trưa thực sự, buổi trưa của ngày chủ nhật ở thành
phố nhỏ,
chưa dứt. Người ta còn ở trong nhà, chỉ ra phố sau bốn giờ.
Gió và nắng mướt vàng của ngày hè đang
độ ửng.
Kiệt rong xe trên con đường đẹp nhất
thành phố, cao nhất
thành phố. Hai bên dinh thự, biệt thự và sau lưng các dinh thự, biệt
thự là
lũng sâu. Một bên phố xá, một bên những làng ấp phụ cận. Kiệt thốt
thành tiếng
một ý tưởng thoáng hiện, rồi nghe Oanh hỏi tới từ phía sau:
-Anh nói gì?
-There will be time, there will be
time… Em biết không?
-Không.
-The Love Song of J.
Alfred Prufock. Bản tình ca của chàng…
Kiệt rẽ vào con đường dẫn đến các vườn
mận nằm trên doi đất
cao lọt trong một thung lũng. Cuối đường, một ngôi chùa cất trên một
đỉnh đồi.
Đứng trên chùa trông xuống lũng xanh
rờn. Mận trồng như rừng
bám dài triền vách lũng. Thông rậm tối và cao hơn hơn bên phía thành
phố. Chùa
như dựng cất trên mỏm gió. Gió ào ạt từ dưới lũng sâu bao quanh thổi
lên không
lúc nào ngớt. Tiếng gió rộn ràng say sưa đến chóng mặt.
Mặc dầu nắng sáng, Oanh có vẻ bị thấm
lạnh khi vừa lên cổng
tam quan. Nàng thu nhỏ mình trong vòng tay khoác của Kiệt. Còn Kiệt
hoàn toàn
nhẹ thênh. Chàng ở giữa trận gió rùng rùng, mê hoặc thính giác và thị
giác. Mắt
chàng hoen ướt lòa nhòa. Tai chàng lung bùng tưởng chừng đang nghe một
dàn nhạc
trổ đoạn Allegro.
Ngồi trên bệ gạch trước chánh điện
đóng kín, Kiệt định thần.
Chàng lắng nghe gió dưới xa, xuyên qua những lớp gió gần vây bọc. Chàng
nghe
tiếng gió hòa ca bất tận mấy lời chàng thốt tình cờ trên đường, there
will be
time, there will be time… Rồi chàng nghe lại đề nhạc đơn sơ bắt gặp
buổi trưa,
đề nhạc triển khai bát ngát vọng dưới các đám rừng. Một lát, đề nhạc
rậm rịt,
lạc dần, nhập lẫn với những âm điệu trong ký ức, biến thành đoạn khai
mở bi
tráng của Wagner. Dường như Tristan và Isolde.
Lúc ấy chàng biết rằng chẳng bao giờ là nhạc sĩ như mơ ước, chàng chẳng
biết cách
nào để ghi những tiếng, những nhịp đang bạo hành tâm trí. Chàng bất
lực, thoáng
buồn. Chàng chỉ là đứa trẻ thổi harmonica trong những chiều hiu quạnh,
là người
đàn ông mặc binh phục ôm Tây Ban Cầm dạo vài bài phổ thông trước khi
vào trại.
Oanh sáp lại bên Kiệt. Nàng cầm bàn
tay Kiệt đang buông thõng.
Lần đầu tiên nàng tỏ cử chỉ âu yếm, chủ động, Nàng bóp nhẹ bàn tay, gọi
chàng
tỉnh cơn lơ đãng.
-Buồn không? Kiệt nói chẳng suy nghĩ.
Oanh mỉm cười, lắc đầu.
-Đố biết anh đang nghĩ gì?
Oanh lại lắc đầu.
-Anh muốn có một cây kèn thổi cho em
nghe lúc này.
Oanh ngó lảng ra gốc thông trong sân
chùa. Mấy đứa trẻ từ
dưới ngôi trường tiểu học còn đóng cửa nghỉ hè đang chạy đuổi nhau trên
lối
dốc.
-Chốc nữa về phố anh sẽ mua cây kèn.
-Để làm gì?
-Để thổi cho em nghe. Một bài thật
lãng mạn. Kiệt bắt đầu
cười.
-Khỏi. Em nghe thấy rồi.
-Thật không?
Oanh áp má xuống bàn tay nàng đang nắm
giữ.
Hai người đứng dậy khi mấy đứa trẻ lên
đến trước tam quan.
Kiệt cởi áo khoác của mình phủ lên vai Oanh. Họ bước sang mé gần bờ vực
nơi
trồng những gốc mận. Ở mép sân có một cây lựu thấp, những bụi hồng, cẩm
chướng
và một gốc hoàng lan.
Suốt gần ba năm, mãi buổi chiều ấy,
Kiệt mới cảm nhận được
vẻ đẹp chìm đắm ngây ngất của thành phố. Chàng nghĩ mình có thể sống
quây quần
với gió núi, khí rừng một thời thong dong mà mộng ước không sao phá
quấy, làm
cho chộn rộn.
Kiệt chui dưới những tàn cây lòa xòa,
bứt trộm vài trái mận.
Họ cùng nhấm nháp xuýt xoa. Kiệt kể cho Oanh nghe về vườn mận ở bên
dưới, không
rõ cánh vườn nào, có người thiếu nữ quen Duy. Theo Duy, cô bé đẹp và
hiền hậu
nhưng tàn tật. Cô bị xe nhà binh tông và bị cưa một bàn chân trái. Nhắc
chuyện
này, Kiệt sực nhận thấy điểm đặc biệt ở bạn mà từ trước đến nay chàng
không chú
ý: những người Duy quen thân đều không tật này cũng chứng nọ. Cô “cháu
gái” thứ
hai trong bốn chị em mắc bệnh phổi, gầy gò yếu ớt. “Góa phụ vui tươi”
có đứa
con trai mắc bệnh tê liệt. “Người đẹp xứ Thái” ngây ngô trẻ nít.
-Anh ta không bao giờ mời được cô bạn
đi dạo phố. Một hai
tuần lóc cóc xuống đây thăm, đi dạo với cô ngoài vườn, lượm mận ăn.
Trước kia
anh cười anh ta lãng mạn lẩm cẩm. Nhưng anh ta thì hài lòng. Mỗi lần
xuống đây
về anh ấy hớn hở yêu đời lạ. Bây giờ anh hiểu. Vào không khí này chẳng
còn cần
đi đâu nữa, phải không?
Khoảng gần bốn giờ nắng đã rút khỏi
thung lũng. Phía thành
phố cây xẫm đen. Trời như đã ngả chiều. Gió vẫn thổi miên man nhưng
mang theo
khí ẩm lạnh. Khu vực này đêm xuống, đàn ông bỏ nhà ra phố ngủ nhờ.
Rời chùa Oanh vẫn khoác chiếc áo ngoài
của Kiệt. Gương mặt
nàng thờ thẫn.
-Có chuyện gì thế? Kiệt hỏi.
-Anh có biết tại sao em đến tìm anh
không? Oanh chậm rãi.
Kiệt khó chịu vì câu hỏi. Chàng nín
thinh.
-Em đến để từ biệt anh. Oanh ngừng,
đợi phản ứng của Kiệt -
Trước khi không còn được gặp anh, em muốn…
Kiệt lặng người. Chàng thủng thỉnh
bước từng bực đất trên
lối từ cổng chùa xuống. Quãng đường đến chỗ dựng xe còn lại quá ngắn
không đủ
để Kiệt tìm một câu hỏi. Bề ngoài Kiệt thản nhiên như không.
-Mình đi đâu nữa? Kiệt hỏi khi đã đứng
bên xe.
-Tuỳ anh. Oanh cúi mặt như kẻ phạm lỗi.
Từ đấy về khách sạn P.
hai người không thốt một lời. Kiệt chăm chú lái xe.
Đầu óc chàng tạnh
ngắt, mờ tối như thể bị một tàn cây lớn che rợp. Gió thổi vù vù bên
tai, phả
trên mặt tê rát. Oanh ngồi thẳng không chạm chàng.
Dựng xe trước bực thềm, Kiệt nói:
-Còn sớm, mình lên đây một chút rồi về.
Oanh tỏ vẻ ngần ngừ. Kiệt nói tiếp:
-Đừng sợ.
Kiệt không tiến vào lối chính qua
phòng tiếp tân mà rẽ sang
bên gõ cửa kính phòng trà kêu người bồi rượu. Chàng ngồi vào cái ghế
quen thuộc
của mình. Trên mấy ngọn đồi và mặt hồ nắng còn phơi. Trời bừng sáng hơn
trong
thung lũng.
-Nào bây giờ em nói đi anh nghe.
Oanh bối rối khốn khổ. Nàng quá nhỏ bé
trong ghế.
-Em hút thuốc nhé? Nàng khẽ hỏi.
Điếu thuốc run trong tay nàng. Kiệt
nhoài người đánh diêm
cho Oanh, nhìn những sợi lông măng trên cánh tay, những đường nẻ trên
vành môi
của nàng. Chàng cười trấn an nàng, trấn an mình. Đợi thức uống mang ra
đâu đấy,
Oanh bắt đầu nói.
Oanh tìm gặp Kiệt là để từ biệt, đúng
hơn, vĩnh biệt. Niên
học tới nàng không trở lên. Trước khi xa Kiệt, nàng muốn gặp chàng một
lần, chỉ
định gặp chàng một lần, cho tỏ rõ….
--Hôm nay là lần thứ hai rồi. Kiệt
đùa. – Không bao giờ có
hai mà không có ba.
-Không bao giờ có lần thứ ba nữa. Oanh
quả quyết.
-Em còn phải lên thi chứ
-Em không thi.
Oanh nói, nếu nàng còn trở lên, như
những năm trước, nàng
không khi nào đến Kiệt. Mai sáng nàng rời đây, đi chuyến bay sớm nhất.
Oanh đưa
Kiệt xem tấm vé hàng không đã mua. Nàng về Sàigòn lo thủ tục xuất
ngoại. Khoảng
cuối tháng tám đầu tháng chín, Oanh đi.
-Từ giờ đến đó còn lâu. Em có thể trở
lên biết đâu chừng.
-Anh muốn em trở lên lắm sao? Oanh hỏi
nhìn thẳng mắt Kiệt.
Ở bàn xa đám khách lạ ồn ào. Một khách
ngoại quốc râu tóc
xồm xoàm ngồi đàn dương cầm phía trong hàng cột, sau lưng Kiệt. Những
du khách
hiếm hoi của thành phố, Kiệt nói. Chàng hỏi tên Oanh tên những bài hát
quen tai
đang được trình diễn.
-Anh mời em đi ăn tối nay. Rồi anh đưa
em về nhà em cho biết
nhà. Mai anh sẽ đưa em ra phi trường. Đó là chương trình từ biệt.
-Anh muốn đưa em đi đâu em cũng đi
hết. Oanh nói vẻ cố hăng
hái.
-Thật không? Kiệt nheo mắt hỏi đùa đầy
ngụ ý.
-Thật. Oanh quyết liệt như thách thức.
Kiệt cười xòa.
Mặc dầu hơi rượu đã bốc nhưng Kiệt
hiểu không thể có gì xẩy
ra giữa hai người. Chàng thấy mình lố bịch quá sức, Lố bịch không
tưởng. Chàng
đang tự trói mình vào một ám ảnh vu vơ do trí tưởng tượng của gã thiếu
niên
mười sáu tuổi dựng lên. Cô bé hàng xóm thường nghe Kiệt thổi kèn mỗi
chiều tối
năm nào, ốm thương hàn chết một cách quá đột ngột với Kiệt: suốt tuần
lễ Kiệt
không thấy bóng cô nàng và một buổi trưa đi học về chàng nghe tiếng
khóc bên
hàng xóm. Kiệt không thổi kèn từ năm ấy.
Ngày hè thật dài. Kiệt đã gọi cốc rượu
thứ hai, uống cạn
nửa, chiều vẫn còn huy hoắc. Oanh mệt mỏi tựa ghế, hơi thở nhịp nhàng
trên
ngực. Có lúc nàng khép mắt như chợp ngủ. Ly nước ngọt của nàng đá tan
chẩy pha
loãng.
Họ lắng đợi buổi chiều qua.
Một người trong đám khách lạ đi ngang
tiến đến vỗ vai bắt
tay Kiệt. Chàng ngước mắt vẫn dính trên ghế, nhớ mại mại một mặt quen ở
đâu
chẳng rõ. Anh chàng tay bắt mặt mừng chào hỏi mời mọc. Kiệt không muốn
mở miệng
chút nào.
-Một người quen, quên mất tên. Kiệt
nói với Oanh, dù nàng
không hỏi, khi đã thoát nạn.
-Em làm phiền anh không?
-Không.
Rồi Kiệt không thể cứ ngồi quên như
chỉ có mình. Hơi rượu
chất chứa đòi bay thoát. Chàng kiếm chuyện. Chàng nói tỉ mỉ về các thủ
tục, giấy tờ
Oanh sẽ phải làm trong những ngày tới. Oanh đáp mọi việc nàng không
phải lo. Chàng
mô tả lộ trình Oanh đi qua, các trạm ghé, các miền đất lạ, các loại phi
cơ, các
phi trường, nơi nàng đến, ngôn ngữ nàng dùng, ngành học nàng chọn…
Chàng nói,
không cần chú ý xem Oanh có theo dõi không. Những lời tào lao làm Kiệt
vơi nhẹ,
bay đi quên chốn đang ngồi và giúp Kiệt tưởng chàng đang quấn quýt Oanh
ở chốn âm
thầm sâu xa nhất trong nàng. Lời nói như những luồng gió thổi.
Một lúc, không ngờ - chẳng nhớ đã nói
gì trước đó - Kiệt
nghe mình nói:
-Em đến để em đi. Em đi như thể lúc em
đến. Thật buồn, cũng
thật vui – Mình đang nói xàm, Kiệt nghĩ - … Anh nhớ một câu chuyện của
ông Khái
Hưng đọc ngày nhỏ. Một người đàn ông ngày ngày phóng ngựa trong đồn
điền của hắn,
đón đợi người đàn bà trở lại. Người đàn bà một buổi trước tình cờ dừng
chân ở đồn
điền và chắc đã quên chẳng còn nhớ nơi chốn đã ghé. Nhưng người đàn ông
vẫn cứ
mong ngóng, vẫn hy vọng dù biết là hão huyền. Ngày trước đọc chuyện,
anh thấy vô
lý. Thường người đàn bà chờ đợi chứ sao lại là người đàn ông. Không
phải phóng
ngựa mà ngồi ì một chỗ chờ đợi.
“Anh sẽ ngồi chỗ này trong mỗi buổi
chiều từ giờ cho đến lúc
em đi, nghĩa là hết mùa hè, đợi. Biết đâu ngày nào đó em trở lại”.
Kiệt không nghe mình cười. Rõ ràng như
vừa có trận gió lạnh
từ đáy sâu thổi ào. Chàng rùng mình, uống cạn cốc rượu.
-Trước khi đi em sẽ lên thăm anh. Oanh
mím môi quyết định -
Thế nào em cũng lên. Không bao giờ có hai mà không có ba.
-Đừng hứa hẹn. Sự chờ đợi của anh mất
lãng mạn đi.
Lần này Kiệt cười nhẹ. Rồi chàng thấm
thía như thấy chớm
ngọn gió heo may trên đường phố. Chàng đứng dậy:
… There will be time,
there will time…
…. “And indeed there
will be time
To wonder, “Do I dare ?" and “Do I dare ?”
….. Do I dare ?
Disturb the universe ?
In a minute there is time
For decisions and revisions which a
minute will
reverse.”
Kiệt không ngờ chàng đọc đoạn thơ của
Eliot trơn tru tỉnh
táo đến thế. Oanh chưa kịp thốt câu nói mấp máy trên môi, Kiệt đã xin
lỗi vào
phía trong.
Phòng rửa mặt ở cuối hành lang tận góc
trong. Kiệt phải đi
hết phòng trà theo đường chéo. Chàng vẫn nhìn thấy sàn gạch ô vuông hai
mầu,
chiếc đàn dương cầm gỗ đen đậy nắp, những bộ ghế da đỏ quanh bàn thấp
mầu đá
đen bầy núp dưới các chân cột, mấy tấm sơn mài và sơn dầu rải rác trên
cột
tường. Chàng nhìn thấy quầy rượu, kệ rượu cũnb bằng gỗ bóng, chiếc máy
điện
thoại bỏ trên mặt quầy chàng vẫn dùng liên lạc với Thùy. Chàng nhìn
thấy người
bồi rượu đứng sau tủm tỉm cười với chàng và chàng tủm tỉm cười đáp lễ.
Kiệt không hiểu mình nữa, cũng chẳng
muốn hiểu.
Lúc đi vào đi ra phòng rửa mặt, chàng
bỗng nghĩ rằng một
buổi sẽ tới rồi chàng cũng ngồi với Ly tại nơi này. Chàng chẳng rõ buổi
ấy như
thế nào nhưng chàng chắc chắn nó xẩy tới, đã hiển nhiên trong trí.
Chàng lẩm
bẩm there will time, there will be
time… and indeed there will time, to
wonder “Do I dare ?” and “Do I dare?”…