Một Chủ Nhật Khác

9

Rất hiếm khi Kiệt thức giấc sáng chủ nhật ở trại. Chàng không thích bắt đầu ngày nghỉ từ trong trại nhà binh.
Thường ngày, sau hồi kèn báo thức sáu giờ, hai chiếc loa sắt trên nóc tòa nhà Quân Sự Vụ phát oang oang các bài hùng ca xen những bài dân ca nhún nhẩy. Sinh viên sĩ quan tập thể dục chạy rầm rập hô đều. Muời đại đội chạy đi chạy lại trên quảng trường hai ba lượt. Kế tiếp những chiếc xe rống máy trên bãi đậu, hết chiếc này đến chiếc khác. Các sĩ quan ứng chiến ra về. Phòng Kiệt nằm, thấp, cách chân bãi xe đậu khoảng hai chục thước, chàng quen ngủ mở hé cửa sổ dù là mùa đông, và chàng thức cùng những tiếng động bên ngoài. Nhiều hôm chàng còn thức sớm hơn. Phòng đối diện của ông thượng sĩ già giữ chức thường vụ đại đội ứng chiến cứ điểm. Buổi tối, đó là nơi các toán gác, kích tới nhận lãnh súng ống đạn dược, máy truyền tin và các tiêu lệnh đặc biệt trong đêm. Sáng tinh mơ, đèn phòng thủ chưa tắt, lính đã lục tục kéo về trả súng ống, máy móc. Chưa dứt giới nghiêm, ông thượng sĩ đã thức truyền lệnh, thúc hối vang hành lang. Ông cần rời trại sớm hơn mọi người trên chiếc xe lambretta cọc cạch để chạy ra lò bánh mì ngoài chợ, chở mấy chục ổ bánh về cho bà vợ kịp bán buổi sáng. Vợ chồng ông thượng sĩ có gian hàng nằm trong khu chợ nhỏ dưới chân dốc của đường vào trại, mở quán nấu cơm tháng cho bọn lính độc thân vô gia đình.
Chủ nhật, sinh viên sĩ quan không tập thể dục. Tiếng hát hò lải nhải trong loa sắt vắng bặt. Ông thượng sĩ và những chiếc xe trên bãi đậu về từ sớm, lúc Kiệt ngủ say. Tỉnh giấc, Kiệt gặp sự yên tĩnh bất ngờ.
Hồi đêm về đến phòng, Kiệt lăn ra giường ngủ ngay lập tức chẳng kịp giăng mùng. Giấc ngủ đầy kín không mộng mị. Cơn say rượu còn mạnh hơn cả liều thuốc ngủ tốt.
Buổi sáng thường đối với Kiệt là những giờ khắc quý nhất. Dù sau một đêm trắng, Kiệt vẫn thức dậy như thường lệ và chỉ ngủ bù khi đã qua những giờ đầu tiên của ngày. Không biết từ bao giờ Kiệt mắc tật thức sớm. Chàng không thể ngủ trễ. Không may hôm nào chàng thức dậy lúc trời đã nắng, nhất là ở thành phố nhiệt đới như Sàigòn, hôm ấy chàng chán đời, rũ rượi vô tả.
Cùng với sự hồi sinh của tạo vật, Kiệt hồi sinh. Buổi sáng chàng ra khỏi những căn nhà, đi ngoài trời và thấy mình hoàn toàn phiêu diêu trống trải không bợn cặn. Thuở nhỏ chàng chạy ra đồng, lên bờ đê, sung sướng dẫm chân lên những đám cỏ ướt. Lớn hơn, chàng yêu phố xá quạnh quẽ với những chuyến tầu điện, những chuyến xe ra bến thắp đèn soi những khoang không người. Ở ngoại quốc, chàng đi trong những thành phố còn dơ bẩn xám ngoét chưa quét dọn. Không cần phải biển, phải núi, phải rừng, chỉ nội bầu trời lúc rạng ửng mới mẻ của bất cứ mùa tiết nào cũng đủ làm Kiệt ngây ngất thống khoái. Những lúc ấy chàng thật sống, đơn sơ trong máu chảy và hơi thở.
Thú của Kiệt là thú không thể chia sẻ.
Nhiều hôm ở Sàigòn, lòng đầy hứng khởi trong buổi mai, Kiệt phải mở cửa thoát ra sân trong khi Thùy và các con còn ngủ, bách bộ loanh quanh, ghé quán uống cốc cà phê rồi trở về nhà trước khi vợ con dậy. Chàng không thể đánh thức vợ rủ đi chơi cũng không thể đập cửa nhà bạn vào giờ ấy. Hồi mới sống với nhau ở Âu Châu, Kiệt thường phá giấc ngủ của Thùy, rủ xuống phố lúc mới năm giờ và nàng không thể hiểu những thú vị chàng mô tả để khuyến dụ nàng. Cuối cùng Kiệt đành ra khỏi phòng một mình, dù chỉ để đi một đoạn phố, mang bữa điểm tâm về. Hồi Mậu Thân, sáng mùng hai Tết, Kiệt còn bồng con ngồi ngoài cây đu trước sân, ngóng trời, và mãi khi đứng dậy trông thấy vết đạn xuyên thủng thành lưng đu chàng mới giật mình hiểu nơi chàng cư ngụ lọt trong vòng nguy biến.
Mỗi buổi sáng Kiệt trông rõ mình lủi thủi, trơ trọi, nhưng vào những lúc ấy chàng không buồn bã. Trái lại.
Ở đây, trong khi mọi người vội vàng tìm về ổ riêng, Kiệt thủng thỉnh thả bước trên một đoạn đường vòng, leo một con dốc đến Hội Quán. Cửa Hội Quán thường chưa kịp mở. Chàng đứng chờ ngoài sân. Dải sân viền quanh Hội Quán như dải bao lơn lớn rộng. Chàng tựa thành sắt ngắm phong cảnh mở rộng ra trước tầm mắt. Hoặc chàng lấy xe rời trại theo con đường chính quanh co dưới chân các ngọn đồi, con đường có khu xá của trường xây dở dang ở một bên.
Suốt tháng này, Kiệt hay ngửa cổ theo dõi những vệt khói trắng vạch dài trên nền trời mai trong xanh. Hầu như sáng nào cũng xuất hiện ba chiếc oanh tạc cơ trắng bạc bay cao ngất từ hướng đông vào.
Chủ nhật, Hội Quán tuy mở nhưng không hàng bán. Kiệt không muốn chui xuống hầm đến Câu Lạc Bộ. Hơn nữa, không khí lặng ngắt xung quanh khiến Kiệt chưa muốn ra khỏi giường. Chàng thèm tìm lại sự êm tĩnh của những ngày trước.
Nhưng rồi chàng sực nhớ đến chiếc xe bỏ ngoài đường suốt đêm, vội vã đập cửa phòng Duy. Duy không khi nào dậy nổi trước bẩy giờ. Nhiều bữa, sinh viên bắt đầu tập họp đến lớp, anh chàng mới quáng quàng nhẩy khỏi giấc ngủ. Mỗi lần bị đánh thức, hắn lính quýnh như gà mắc đẻ.
Trong lúc Duy làm công việc vệ sinh, Kiệt đứng ngoài thềm trông xuống Vũ Đình Trường. Dưới lũng, những vệt sương là là chưa tan hết. Gần, xa, tuyệt không tiếng động, không bóng người. Doanh trại bỏ trống, những người hạ phiên đã về và những người thượng phiên chưa tới.
Ngày chủ nhật khô ráo, đẹp trời. Nắng tươi lan thả trải những tấm thảm vàng trên mầu xanh của cỏ lá. Các hồ nước trông lặng mơ màng.
Khu trung tâm thị xã phô bầy quanh cảnh của một ngày nghỉ tỉnh lẻ. Trên đồi, người lớn chơi thả máy bay điện, đánh cù, tập lái xe, trẻ con cưỡi ngựa, chạy nhẩy nô dỡn dưới mắt trông nom của cha mẹ. Nhan nhản ở các triền bãi, sói con, hướng đạo họp đoàn, bọn thanh thiếu niên trổ tài cưõi xe gắn máy băng đồng. Trên các vỉa hè hẹp, ngắn, người tuôn nờm nợp, tất cả gần như quen biết nhau. Những khuôn mặt lạ hiếm hoi. Nội buổi sáng quanh quẩn khu chợ, người ta ít nhất đụng nhau dăm ba bận. Đụng đầu trong quán phở, ngoài vỉa hè, trước hàng bán đồ Mỹ, trước rạp chiếu bóng, trước chợ, tại những chỗ đậu xe.
Từ các cư xá, các sĩ quan chở gia đình trên xe díp, xe Dodge, xe scooter, gắn máy ra phố ăn sáng, đi chợ. Người ta đi chợ mua ăn hai ba ngày có khi một tuần. Quãng chín muời giờ phần đông trở về họp quanh bàn mà chược, bàn chắn hay tổ tôm, hay xì phé. Những người có thú giải trí cờ bạc qua ngày chủ nhật mau chóng dễ dàng. Những người không ưa thú ấy chỉ còn mấy đường phố, bờ hồ và đồi cỏ. Đám này đến chiều phải trở ra thị xã thêm lần nữa trước khi về ăn cơm, đọc báo, nghe đài phát thanh, chờ giờ nhập trại.
Ngày chủ nhật đối với Kiệt thật đáng ngại.
Kể từ khi bị trộm mất hai cây vợt và chiếc Radio Zénith, Kiệt không còn ra sân quần và không còn nnhững giờ nhge nhạc một mình. Chàng có thể sắm lại những món đã mất nhưng không sắm. Chàng muốn tránh sân quần, tránh cái xã hội trưởng giả chật hẹp tỉnh lỵ. Chàng cũng thử tập quen sống cảnh bị tước đoạt, xem cuối cùng mình còn gì. Và trong hoàn cảnh độc thân bất đắc dĩ kéo dài, Kiệt thường chẳng biết làm gì cho hết ngày nghỉ. Chàng ngồi quán, đi phố, đọc sách, tập đàn, ngủ, rồi ngồi quán, đi phố....
Thật sự, sáu năm trong quân ngũ, ngày nào đối với Kiệt cũng là ngày chủ nhật. Không công việc rõ rệt hoặc được giao những công việc bất ưng không đòi hỏi nỗ lực chuyên môn. Kiệt nhàn rỗi, long nhong trong trại hay ngoài trại đợi ngày qua. Lên đây, bận bịu một tuần muời giờ dạy học đỡ nản hơn thời ở phòng thí nghiệm kho dầu nhưng vẫn rhừa quá nhiều giờ trống. Việc dậy học không hợp với Kiệt, chàng ghét nói, ghét thuyết giảng. Chàng bị bắt buộc làm việc ấy chỉ vì sinh kế. Cho nên những ngày của Kiệt chẳng bao giờ đầy, tâm trí chàng chẳng bao giờ trụ. Giả như không được xếp vào thành phần chuyên viên, không phải làm việc văn phòng, sống hẳn cuộc đời võ biền có khi tốt hơn, nhiều lúc Kiệt nghĩ vậy. Sống xa lạ giữa một đời xa lạ cùng với cung cách đơn giản thụ động tùy phản ứng, chàng có khi đổi được tâm trí.
Ở đây, Kiệt không quen biết nhiều như Duy để có chỗ lui tới. Vả lại, chàng không thích giao du.
Ngày chủ nhật nào của Duy cũng đầy ắp chương trình, sẵn sàng hoán thế khi cần. Anh chàng có nhiều nơi để đến. Một gia đình gồm một bà mẹ goá và bốn cô con gái Duy đóng vai chú hờ. Một "người đẹp thôn dã" nhà có vườn mận bát ngát. Một "góa phụ vui tươi" có đứa con gái hai tuổi. Người đẹp ngân hàng, người đẹp xứ Thái, người đẹp lưu trú, người đẹp lò bánh mì, người đẹp mỹ viện... không kể những người đẹp từ phương xa ghé lại và những người đẹp của các quán hàng và những người không rõ xấu đẹp đến gõ cửa phòng Duy ở lại suốt đêm.
Chủ nhật ấy trên xe Duy dự tính sẽ đến thăm mấy cô cháu. Bốn cô gái giống như bốn nhân vật tiểu thuyết theo lời Duy, mỗi người một cá tính. Tương tợ như Little Women. Duy mến cô bé thứ hai đang học năm cuối cùng bậc trung học. Cô ta biết viết văn và làm thơ. Đã lâu không đến, Duy chắc chắn sẽ được mời bữa trưa, như thế đỡ một khoản tiền cơm. Buổi chiều, Duy sẽ về thăm vườn mận. Thiếu nữ ở đây quê mùa, chất phác, nhưng lành mạnh. Nàng sẽ đưa chàng ra vườn, lượm mận rụng cho chàng ăn no bụng. Ăn mận trừ cơm. Khỏe ru. Duy không đả động đến cuộc đi chơi tối qua, anh chàng tỏ vẻ không hài lòng.
Ra đến quán cà phê, chương trình của Duy thay đổi. Gặp người rủ đánh bài, Duy theo liền. Hắn chia tay Kiệt, hẹn chiều gặp lại ở phố với hy vọng sẽ gom tiền thiên hạ làm bữa thịnh soạn.
Còn một mình, Kiệt bắt đầu mất bình tĩnh.
Chàng gọi cốc cà phê thứ hai, ngồi nán thêm. Kiệt không rõ mình sắp đi đâu, đang sửa soạn trò gì trong lúc này. Chàng suy nghĩ nhưng vẫn biết mình rất dở suy nghĩ. Trí tuệ của chàng một khi điều động sẽ dần dần quay theo nhịp của riêng nó, thoát khỏi sự kiểm soát của ý lực. Chàng mất hút trong cuộc quay mù. Tốt nhất là không suy nghĩ, mở mắt bước theo dấy động tùy lúc của ý đột nhập. Như kẻ mộng du. Kiệt tự hỏi: mình đang tìm kiếm gì? Và người khác tìm kiếm gì ở mình?
Bây giờ chàng ngạc nhiên về tình trạng giữa mình và người. Chàng không rõ gì cả về những người đang đến gần chàng và ngược lại cũng thế. Họ có hiểu được rằng chàng hiện như thế nào không? Chàng như một tảng đá cheo leo trong cơn lở núi đang bị rung chuyển tận gốc rễ. Họ phụ lực trong cuộc lay động chăng?

Rồi lúc nào tảng đá bật tung, lao vút, vỡ nát?
Thiệt chàng giống hệt một tảng đá. Je fus homme, je fus rocher. Je fus rocher dans l'homme, homme dans le rocher.... fraternellement seul, fraternellement libbre (1). Chàng lầm lì, thơ mộng hết sức khi lẫm bẩm nhớ mấy câu thơ Eluard của ngày còn đi học. Những người đàn bà đọc thấy câu thơ ấy khắc trên tảng đá là Kiệt chăng? Không biết. Làm sao biết. Lố bịch quá thể.
Ngay năm đầu, đặt chân vào giảng đường, Kiệt đã trông thấy Oanh. Sinh viên đặt cho Kiệt biệt danh là "Ông ngưỡng thiên", theo nhận xét của chúng, khi chàng nói chàng không nhìn lớp mà ngước trông trần nhà. Chàng không rõ dáng vẻ của mình trong con mắt cùa chúng hiện ra như thế nào nhưng chàng biết khi nói chàng vẫn trông một vài khuôn mặt, trong ấy có Oanh. Chàng sẽ lúng túng, khổ sở, khó nói năng nếu vắng những khuôn mặt thân thuộc. Chàng cũng thỉnh thoảng gặp Oanh ngoài phố, một hai lần trước rạp chiếu bóng, nhưng chàng chưa bao giờ tỏ dấu muốn nói riêng với nàng lời nào. Oanh chỉ là gương mặt chàng gặp trong giảng đường, hiện lộ như như một mầu sáng giữa đám đông lố nhố Kiệt phải đương đầu hai giờ mỗi tuần.
Đây không phải lần đầu Kiệt có mối liên hệ với một thiếu nữ nhỏ tuổi. Năm trước, khi tưởng mình chẳng ở đây lâu, như du khách muốn biết rõ thành phố, chàng lui tới những buổi hội hè tổ chức trong vòng thân mật kín đáo. Kiệt gặp gỡ bọn thiếu nữ mới lớn, học sinh có, sinh viên các phân khoa có, phần lớn con nhà khá giả trọ học tại các lưu xá. Chúng nhìn Kiệt như người đàn ông từng trải, du học ngoại quốc về, hợp jeu  với lối sống buông thả, phóng túng. Quả như thế. Lúc ấy, Kiệt phô trương kiểu cách (một chút thơ mộng, một chút bất cần, một chút ngạo nghễ vân vân, thứ nào cũng một chút, tùy cảnh tùy người) và Kiệt thành công đến độ nhiều lúc chàng bắt sợ. Bọn thiếu nữ tưởng chừng non nớt thật sáng suốt, bình tĩnh trong cuộc đùa nghịch hơn cả đàn ông. Chúng thản nhiên kinh khủng, và Kiệt sống những ngày phù phiếm.
Kiệt cũng tự hỏi, mình có hiểu lầm ý định đầu tiên của Oanh khi tìm đến? Chàng có lôi cuốn cô bé vào trong cơn lốc thổi qua tâm trí bất định của mình?
Tất cả những câu hỏi, Kiệt đều không trả lời. Chàng phân vân ngần ngại không muốn gặp Oanh. Với đầu óc xáo trộn và lỳ lợm sau một cơn say chưa hả, chàng sẽ bậy bạ. Nhưng chàng không biết lùi theo ngả nào. Chẳng lẽ tới Ly? Câu hỏi của Ly chặn bước chàng: Còn gặp nữa không? Chàng có nên gặp lại Ly? Ly của thời mông lung xa tắp chàng cố quên.
Rời quán cà phê, Kiệt đi phố. Chàng theo chân một tốp đồng nghiệp trong quân trường bước trên vỉa hè như một con hình trong đèn cù tháng tám. Xe cộ, người qua lại rối mắt. Các quán nhạc mở máy hát ầm ầm. Kiệt ghé các quán sách, dòm ngó các kệ. Chàng cố tình đắm vào quang cảnh ngày chủ nhật nhộn nhịp.
Cuối cùng chịu không nổi sự bồn chồn, Kiệt hấp tấp về quán lấy xe. Chàng chạy chậm như vô mục đích, ngấm ngầm ước ao không ai tìm gặp chàng trong ngày hôm nay.
Chàng thật tâm luyến tiếc những ngày lặng lờ bằn bặt vừa qua.

(1) Je fus homme, je fus rocher. Je fus rocher dans l'homme, homme dans le rocher.... fraternellement seul, fraternellement libbre : Tôi là người đàn ông, tôi là tảng đá. Tôi là tảng đá trong người đàn ông... đàn ông trong tảng đá, một mình anh em, tự do anh em [NQT]