Nói về
bản dịch 'Người dưng'
[1/2]
Trần
Thiện Đạo
Chúng
tôi xin được phép xía
vô cuộc tranh cãi giữa hai ông Trần Hinh và Dương Tường về bản dịch
cuốn
L’Etranger của nhà văn Pháp Albert Camus (1913-1960), tuy biết rõ rằng
mình
chẳng là gì so với vị thế của hai ông.
Trần
Hinh là giảng viên văn
học Pháp ở ĐHKHXHNV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; còn Dương Tường thì,
theo
lời một nhà quan sát văn học sở tại, là nhà báo, dịch giả, nhà phê bình
văn
học, nhà phê bình mỹ thuật, nhà phê bình âm nhạc, nhà phê bình sân
khấu, nhà
thơ...", nghĩa là một nhà trí thức quán triệt mọi lãnh vực văn hóa và,
riêng về ngành dịch thuật, cứ theo lời các tác giả tập biên khảoNhững
người
dịch văn học Việt Nam, ông "đã dịch trên 50 cuốn sách của nhiều tác giả
lớn của các nền văn học Pháp, Anh, Nga, Mỹ, Liên xô (cũ), Đức, Áo, Hy
lạp, Nhật
bản, Nam Phi, Brazil, Ailen (không kể một số tác phẩm văn học Việt Nam
dịch
sang tiếng Anh và Pháp)", nghĩa là một dịch giả rành rất nhiều ngoại
ngữ.
Coi đó,
thì tác giả bài này,
vốn không có lấy một sự nghiệp sư phạm hay văn hóa nào đáng kể, quả là
kẻ điếc
không sợ súng, nên mới cả gan múa rìu qua mắt thợ như vậỵ. Khổ nỗi là
hễ thấy
có việc gì không thể đừng thì, dầu tài hèn sức mọn tới đâu, cũng chẳng
làm sao
câm được miệng hến, nhứt là khi việc này có cơ khiến cho bàn dân thiên
hạ và
độc giả hiểu sai và biết lầm. Nhưng, ngược lại, cũng được cái khác là,
trong
trường hợp này, mình có quyền giới hạn tiếng nói trong một địa hạt
không vượt
quá tầm sức của mình: nhận xét của Trần Hinh về cách dịch của Dương
Tường trong
Người dưng và phản ứng của dịch giả.
Nhận
xét của Trần Hinh
Thật ra bài báo Trần Hinh
viết để tưởng niệm Albert Camus nhơn dịp 90 năm ngày sanh của nhà văn
Pháp.
Trong bài, sau mấy dòng sơ lược trình bày diễn biến kỹ thuật và cốt
truyện của
loại hình tiểu thuyết (hơi tiếc một điều là, trong ý hướng đó, tác giả
chừng
như bỏ quên mấy khái niệm mà giới phê bình văn học Pháp gọi là
autofiction hay
tự sự hư cấu và romanquête hay điều tra tiểu thuyết đang được các nhà
văn nổi
tiếng ứng dụng trong tác phẩm mới của mình), Trần Hinh bàn thẳng ngay
tới văn
phong dị biệt của Albert Camus. Ông khẳng định rằng hình thức và nội
dung mấy
tác phẩm nòng cốt của nhà văn này luôn luôn ăn khớp với nhau, hình thức
giải mã
nội dung, nội dung uốn nắn hình thức, tạo nên bầu khí đặc thù cho phép
nhà văn
kín đáo chuyển tải, một cách hết sức tự nhiên và không gò bó, tư duy
triết học
mình muốn gởi tới độc giả.
Qua đó,
Trần Hinh nhắc tới
bản dịch cuốn truyện nguyên tác tiếng Pháp là L’Etranger do Dương Tường
chuyển
thành Người dưng. Ông cho đây là "một bản dịch rất ‘lạ". Ngay chính
nhan đề L’Etranger chuyển thành Người dưng xét ra quá ư "giản đơn. Rõ
ràng
từ Người dưng đến L’Etranger là một khoảng cách rất xa.", nghĩa là dịch
giả "đã gần như không chú ý đến hệ thống tư tưởng của tác giả (...)".
Hay nói một cách huỵch toẹt hơn, dịch giả không thông hiểu nội dung tác
phẩm và
thiếu thận trọng trong công trình dịch thuật.
Rồi ông
viện dẫn câu đầu
thiên truyện để chứng minh nhận xét của mình. Nguyên tác câu này như
vầy:
"Aujourd’hui, maman est morte. Ou peut-être hier, je ne sais pas", được
Dương Tường chuyển
thành: "Mẹ tôi tịch hôm nay. Hoặc có thể là hôm qua cũng nên, tôi chả
biết
nữa". Trần Hinh chỉ trích việc dịch giả dùng động từ tịch, cho rằng từ
này
không thích hợp với lời nhơn vật thốt ra trong đầu khi đọc điện tín báo
tin mẹ
mình từ trần. Ông viết:
"Ai lại
có thể tin được
một người xưng hô với mẹ mình là maman, trước cái chết của mẹ lại có
thể nói
năng buồn cười như thế được: mẹ tôi tịch...".
Tóm
lại, duyệt xét bản dịch
Người dưng, Trần Hinh nhận thấy dịch giả đã chuyển không sát nguyên tác
nhan đề
thiên truyện,không thông hiểu phong cách diễn đạt giản dị của tác giả,
khiến cho bản dịch "thật
sự (...) xuyên tạc tư tưởng Camus » và ngay câu đầu đã « làm hỏng toàn
bộ tác
phẩm". Phản ứng của Dương Tường
Như để
tiếp máu đón trước cho
các luận cứ của mình, phản bác mấy nhận xét của Trần Hinh, Dương Tường
dõng dạc
tuyên bố ngay như sau:
"Năm
lần đọc đi đọc lại
đủ cho tôi thấy ra được một trong những nốt chủ âm của tư tưởng tác
phẩm nằm
ngay trong cái đầu đề: cảm giác xa lạ đến tuyệt vọng, xa lạ giữa một xã
hội chỉ
một mực kết tội và lên án, xa lạ với tất cả, với mọi người kể cả bản
thân
mình."
Nghĩa
là ông thông hiểu rạch
ròi, tường tận tư duy triết học tiềm ẩn trong tác phẩm, chớ không ngu
ngơ như
Trần Hinh lầm tưởng. Đó là một.
Còn vì
sao ông cố tình chọn
từ Người dưng để chuyển nhan đề L’Etranger, thì đây: ông biết rõ rằng
người ta
đã dịch là Người xa lạ và, theo ông, "người mới học tiếng Pháp cũng có
thể
dịch" được như vậy; riêng ông thì khác, ông "không thích ăn
sẵn", ông muốn bản dịch nào do ông thực hiện đều phải mang "dấu
ấn" của mình. Vả chăng, theo ý ông, thì "người dưng và người xa lạ là
hai từ đồng nghĩa" và "bình đẳng" với nhau. Đó là hai.
Rồi ông
tiếp tục phản bác
Trần Hinh đã chỉ trích câu đầu thiên truyện do ông dịch (xem trích đoạn
thượng
dẫn trong phần Nhận xét của Trần Hinh, nói tới việc Dương Tường dùng
chữ tịch).
Ông bẻ:
"Chẳng
lẽ ông Trần Hinh
không biết chữ tịch là tiếng nhà Phật ? Giả sử (...) ông Trần Hinh đến
thăm lại
một ngôi chùa, hỏi thăm về vị sư trụ trì ông đã gặp lần trước và được
trả lời:
"Sư cụ tôi tịch tháng trước", liệu ông có mắng người ta "nói
năng buồn cười" không nhỉ.» Đó là ba.
Riêng
về từ maman trong
nguyên tác, thì ngược lại với Trần Hinh, ông cho rằng thốt ra trong
miệng nhơn
vật Meursault, "con người dửng dưng tuyệt đối này", nó không còn là
tiếng gọi mẹ thân thiết, mà "chỉ là cách nói theo thói quen, chứ không
mang biểu hiện âu yếm nào ở Meursault đối với mẹ trên ngần ấy trang
sách.
Meursault hoàn toàn dửng dưng với mẹ, với cái chết của mẹ". Đó là bốn.
Mấy
luận cứ trên đây được
Dương Tường nêu ra để đạp đổ các nhận xét tiêu cực của Trần Hinh về bản
dịch
Người dưng.
Ý kiến
của chúng tôi
Ngay
đầu bài, chúng tôi đã cố
tình tránh dùng từ tranh luận, mà lấy chữ tranh cãi để chỉ định vụ
việc. Vì
trên thực tế, không, hay chưa hề có tranh luận giữa hai ông Trần Hinh
và Dương
Tường. Mà chỉ có một bên, là Trần Hinh, đã mạnh dạn đưa lên giấy trắng
mực đen
nhận định không mấy tốt lành về bản dịch Người dưng và, bên kia, là
Dương
Tường, người bị phê phán, đã kịch liệt lên tiếng cãi lại Trần Hinh.
Riêng
chúng tôi thì chỉ là kẻ
đã có dịp đọc kỹ vừa nguyên tác L’Etranger của Albert Camus, vừa bản
dịch Người
dưng của Dương Tường, vừa hai bài báo của Trần Hinh và Dương Tường. Dầu
không
phải là nhà giáo chuyên ngành văn học Pháp và chắc cũng khônh chuyên về
Albert
Camus nữa như ông Trần Hinh, và cũng không phải là nhà dịch thuật đã có
hơn năm
mươi văn phẩm thế giới chuyển ra tiếng Việt như ông Dương Tường, chúng
tôi cũng
xin mạn phép mạo muội trình bày ý kiến của mình về vụ việc này qua hai
tiêu đề
lần lượt kể sau:
i) Nhan
đề Người dưng,
ii)
Trình độ thông hiểu tiếng
Pháp xét qua bản dịch.
Nhan đề
"Người
dưng"
Chúng
tôi hiện có trong tay
năm bản dịch cuốn L’Etranger, lần lượt kể sau theo thứ tự thời gian
xuất bản:
(1) An-be Ca-muy, Người xa lạ, Võ Lang dịch, NXB
Thời Mới, Sài Gòn, 1965;
(2) Albert Camus, Kẻ xa lạ, Dương Kiền và Bùi
Ngọc Dung dịch, NXB Ngày Nay, Sài Gòn, 1965
(3) Albert Camus, Kẻ xa lạ, Lê Thanh Hoàng Dân và
Mai Vi Phúc dịch, NXB Trẻ, Sài Gòn, 1973;
(4) Albert Camus, Người dưng, Dương Tường dịch,
NXB Văn học, Hà Nội, 1995;
(5) Kẻ xa lạ, Nguyễn Văn Dân dịch, in trong phụ
lục tập khảo luận Văn học phi lý của Nguyễn Văn Dân, NXB Văn hóa -
Thông tin và
Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2002.
Nhìn
trùm nhan đề các bản
dịch vừa nhắc tới trên, chúng ta nhận thấy ngay rằng Người dưng rõ ràng
là con
ruột của Dương Tường, nó mang dấu ấn của ông, ông không ăn sẵn của ai
hết, đúng
in quan điểm dịch thuật của ông. Đây không phải là chỗ khảo xét quan
niệm đặc
biệt này, mà là chỗ bắt chúng ta buộc phải đặt một câu hỏi chủ chốt:
Người dưng
có thật sự lột được nguyên ý nhan đề L’Etranger hay không ?
Chúng
tôi nghĩ rằng Người
dưng chẳng những không lột được nguyên ý của nhan đề tiếng Pháp lồng
trong bối
cảnh tư duy triết học của Albert Camus, mà còn có cơ khiến cho người
đọc hiểu
sai và biết lầm. Bởi vì nhơn vật Meursault, trong tác phẩm, không thuộc
loại
người mà ta gọi là người dưng nước lã không cùng máu mủ với ta, không
có gốc
gác với làng xóm của ta. Mà là kẻ ở ngoài quĩ đạo, ở ngoài sự đời, ở
ngoài lề,
đứng bên rìa, cách biệt, xa lạ, ngoại cuộc hay nói theo tiếng Anh/Mỹ là
the
outsider, tiếng Y-Pha-Nho là el extranjero hoặc tiếng Đức là der
Fremde, cho
nên chúng tôi không thể cùng một ý kiến với Dương Tường khi ông quả
quyết rằng
người dưng và người xa lạ đồng nghĩa với nhau.
Vả
lại, trừ nhan đề Người
dưng, ngay chính Dương Tường cũng không hề sử dụng thẳng từ này để chỉ
nhơn vật
Meursault, mà còn hay lặp đi lặp lại mấy từ xa lạ và dửng dưng (xem các
trích
đoạn thượng dẫn trong phần Phản ứng của Dương Tường: ba lần xa lạ, hai
lần dửng
dưng). Chừng như ông cũng mang máng nhận thấy rằng nhan đề Người dưng
có chút
gì không ổn.
Trình
độ thông hiểu tiếng
Pháp
Trong
bài phản bác, cãi lại
nhận định của Trần Hinh, Dương Tường bảo nhỏ chúng ta rằng "từ hồi 5, 6
tuổi (... tôi đã) bắt đầu được luyện giao tiếp bằng tiếng Pháp". Chúng
ta
chẳng có lý do chánh đáng nào mà không tin ông, lại còn mừng ông đã tận
dụng
được một lợi thế đâu phải ai cũng có trong tay. Và chắc nhờ vậy mà ông
sành
tiếng Pháp, cứ vin theo lời ông kể trên, tới mức khó có ai bì kịp, nói
chi một
Trần Hinh.
(Còn
nữa)
Nói về
bản dịch 'Người dưng'
[2/2]
Trần
Thiện Đạo
Cho
nên khi Trần Hinh mở
miệng thốt lên lời chỉ trích chữ tịch trong câu "Mẹ tôi tịch hôm
nay", do Dương Tường dịch từ nguyên tác "Aujourd’hui maman est
morte", thì liền bị ông quật lại ngay. Bảo rằng chữ tịch là tiếng nhà
Phật
ông không biết sao mà dám phê bình. Ơ hay, bà má nhơn vật Meursault có
phải là
ni cô đâu, có phải là sư cụ trụ trì ngôi chùa nào đâu mà lại tịch thế
kia?
Nhưng thôi, dầu gì thì tịch cuối cùng cũng có nghĩa là mất, là chết, là
tắt
thở, là qua đời, là từ trần, là nằm xuống, là hy sanh, là ngoẻo (nghĩa
lóng của
chữ tịch, chắc vì vậy mà Trần Hinh mới cho là buồn cười), là... nhiều
nữa, đúng
như nguyên bản tiếng Pháp morte vậy, thì câu dịch nói trên cũng chẳng
sai mấy,
cứ cho đó là dấu ấn của dịch giả.
Bởi vì,
ngoài nó ra, còn có
biết bao chỗ khác đáng nói nhiều hơn nữa trong cuốn "Người dưng". Chỉ
cần giở lại đoạn đầu gồm vỏn vẹn mấy câu ngắn ngủn cũng đủ để vạch ra
được một
số thí dụ điển hình.
Nguyên
tác:
Aujourd’hui,
maman est morte.
Ou peut- être hier, je ne sais
pas. J’ai reçu un télégramme hier de l’asile : «Mère décédée.
Enterrement
demain. Sentiments distingués». Cela ne veut rien dire. C’était
peut-être hier.
Bản
dịch:
Mẹ tôi
tịch hôm nay. Hoặc có
thể là hôm qua cũng nên, tôi chả biết nữa. Tôi nhận được một bức điện
tín từ
trại dưỡng lão: «Mẹ mất. Mai đưa đám. Trân trọng». Điều đó vô nghĩa. Có
thể là
hôm qua.
Thí dụ
thứ nhứt:
Đây là mấy câu độc thoại nội
tâm mở màn cho thiên truyện, Albert Camus đã dụng công dùng từ maman
hàm nghĩa
má, mẹ, mợ, me, u... nói thầm trong bụng nhơn vật. Chớ không phát thành
tiếng
để gởi tới một đối tượng nào chung quanh, nên nó tuyệt nhiên không mang
ý nghĩa
"một từ gọi mẹ thân thiết" (Trần Hinh) hay một "cách nói theo
thói quen" (Dương Tường): té ra hai ông đã tranh cãi nhau trên một cái
cớ
hão huyền.
Thành
ra khi Dương Tường
chuyển chữ maman thành mẹ tôi thì ngay từ đầu đã trật đường và sai
hướng rồi.
Chữ tôi kèm theo chữ mẹ ở đây tự dưng biến nó thành lời khai mào cho
một câu
chuyện thuật lại cho người khác nghe, chớ không còn là suy nghĩ trong
đầu nhơn
vật nữa. Xóa mất tánh cách độc thoại nội tâm cốt yếu.
Như vậy
là bóp méo văn Pháp
của tác giả.
Thí dụ
thứ hai:
Nghe
tới chữ asile, người
Pháp nghĩ ngay đến chỗ ở do nhà nước hoặc các tổ chức từ thiện lập ra,
dành để
giúp đỡ hạng người cầu bơ cầu bất chẳng nơi nương tựa, như trẻ mồ côi
không mẹ
không cha, như kẻ túi rách áo đơm hay tật nguyền, như người già yếu
không còn thân
quyến hoặc bị con cháu ruồng rẫy...
Bà má
nhơn vật Meursault vô ở
nhà tế bần cách thành phố Alger 80 cây số nằm trong trường hợp này,
cũng hệt
như lão gác cổng - lão lang thang không nhà không cửa, tình cờ tạt vô
nhà tế
bần rồi được giữ chơn gác cổng. Vì vậy mà con trai bà sau này không
ngừng bị
tòa án quở trách đã chẳng trông nom gì đến mẹ, đã bỏ bê bà, đã đang tâm
để bà
về già phải nương thân trong một nhà tế bần.
Vậy mà
Dương Tường lại chuyển
từ asile thành trại dưỡng lão. Ai cũng biết các nhà dưỡng lão, ở Pháp,
chỉ lần
lần được tạo dựng từ sau Thế chiến thứ hai và, muốn được vô đó dưỡng
già, thì
hầu bao của đương sự hay của gia đình cũng phải có bề dầy. Chớ không
thể thuộc
thành phần khốn đốn, nghèo rớt mùng tơi như bà má của nhơn vật
Meursault.
Thí dụ
thứ ba:
Qua bức
điện báo tin mẹ từ
trần, nhơn vật Meursault không rõ là bà tắt thở vào đúng ngày nào: hôm
qua hay
hôm nay. Đọc mấy chữ cụt ngủn ghi trong điện tín, hắn nghĩ thầm trong
bụng:
"Cela ne veut rien dire", được Dương Tường chuyển thành "Điều đó
vô nghĩa".
Đây là
cách dịch từng chữ mà
không lấy ý câu văn làm trọng.
Vậy mấy
chữ ghi trong điện
tín đó có nghĩa là gì? Trong những trường hợp tương tợ, trước những
tình thế
mập mờ, không rõ nét, thiếu mạch lạc, chỉ có thể đoán chừng... (đúng là
trường
hợp của nhơn vật Meursault), thì hầu hết người Pháp đều phản ứng ngay
liền qua
một câu đầu lưỡi: "Cela (hay ça) ne veut rien dire". Cụm từ cửa miệng
này có nghĩa là: không rõ ràng, không rõ rệt, không rành rẽ, không rành
rọt,
không rành mạch... chút nào, hoặc chẳng ra sao cả, sớn sơ sớn sác, chớ
không
phải là (điều đó) vô nghĩa. Nhứt là ở đây, vô nghĩa xem chừng không ăn
nhập bao
nhiêu với mấy chữ ghi trong điện tín.
(Ghi
chú của eVăn: Như vậy,
theo Trần Thiện Đạo thì đoạn văn dịch này có ít nhất ba chỗ đáng lưu ý:
Mẹ tôi
tịch (1) hôm nay. Hoặc
có thể là hôm qua cũng nên, tôi chả biết nữa. Tôi nhận được một bức
điện tín từ
trại dưỡng lão (2): «Mẹ mất. Mai đưa đám. Trân trọng». Điều đó vô
nghĩa. (3) Có
thể là hôm qua.)
Kết
Trở lên
trên là mấy thí dụ
điển hình đáng nói về bản dịch Người dưng, vạch ra từ vài dòng ngắn
ngủi khai
mào câu chuyện. Những lỗi ấy - vốn tinh vi và nghiêm trọng hơn những
lỗi dịch
sai tầm thường khác - nằm rải rác trong bản dịch, chẳng hạn như dans
l’escalier
là ngoài cầu thang thì chuyển thành lên cầu thang, hay glace là nước đá
thì
chuyển thành kem, hay une fois dans la cellule là khi đã vô tới xà lim thì chuyển thành một lần trong xà lim... và
nhiều nữa. Hay những dòng cố tình bỏ qua hoặc vô ý bỏ quên không dịch.
Hay chú
thích lạ lùng nọ, chứng tỏ rằng dịch giả không theo dõi sát sao diễn
tiến câu
chuyện.
Bây giờ
xin mạn phép ngừng
lại ở đây. Thừa dịp thưa rõ thêm một điều.
Thật
tình cực chẳng đã chúng
tôi mới viết mấy dòng trên đây. Đơn thuần vì là việc không thể đừng,
chớ không
vì bạn bè thúc giục - ở Sài Gòn, ở Huế, ở Hà Nội và ở Paris. Cũng không
phải vì
có ý định binh vực Trần Hinh - Trần Hinh cần gì đến tài hèn sức mọn này
để binh
vực ông? Hay có ý đồ sổ toẹt (đương sự) với tư cách là dịch giả, nói
theo chữ của
chính Dương Tường - không lẽ làm công việc châu chấu đá voi và trứng
chọi đá đó
sao?
Thành
thật mong độc giả và
hai đương sự hiểu giùm.
Paris 19/11/2003
Tham
khảo:
Albert
Camus, L’Etranger,
Editions Gallimard, Collection Folio, Paris,
1971.
Albert
Camus, Người dưng,
Dương Tường dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 1995.
Trần
Hinh, Bài học từ tiểu
thuyết Camus, Văn nghệ, ngày 12/07/2003.
Dương
Tường, Đôi điều thưa
lại với ông Trần Hinh, Văn nghệ ngày 10/10/2003.