*






Người đọc sách


Tiểu thuyết của một nhà thơ (Exclusive)

Những câu văn ngay từ đầu cuốn sách này đánh thức trí nhớ tôi đến một câu thơ của Maiakovski:

“Bàn tay vô sản

ghì chặt lấy yết hầu thế giới”

Không chỉ vì và không chỉ là nhịp điệu. Mà bởi cái bên trong cốt lõi của nó: sức thấu thị từ một cái nhìn thơ ca, sức khai mở từ một kinh nghiệm nghệ thuật xuyên qua tâm trí, gây rung động từ các cấu tạo làm bộc lộ chân tướng và ý nghĩa của các sự kiện và con người trong một lịch sử tương ứng, chứ không phải bằng việc tìm kiếm những yếu tố kích thích tình cảm cảm động.

Ở đây là cấu tạo khác thường của tiểu thuyết này: nhiều người kể chuyện, chia làm hai bên - một bên, người viết, một bên là những người can dự và kể lại; bên những người can dự (trong cuộc) lại cũng chia làm hai - một bên là Dưỡng, cựu lính “tàu bò” ngụy binh, người ghi nhật ký, bên còn lại như một hình ảnh thu nhỏ xã hội Hà Nội sau ngày giải phóng năm 1954 gồm những người tác động và chi phối quãng đời biến chuyển kỳ lạ của Dưỡng; những thế phân đôi đó, rất thích hợp và rành mạch, hầu như xoay quanh một cái trục của truyện là cuốn nhật ký của Dưỡng, tuy nhiên trong nhật ký thì bản thân Dưỡng cũng phân thân đối mặt với lương tâm mình và con người nội tâm: Chính mình như một người khác; thêm vào đó, người viết, một mình một bên, lại cũng triển khai những nghĩ ngợi có tính chất đối thoại với nhật ký, với Dưỡng - và hầu như toàn bộ motif của lớp truyện này, như một cặp song tấu giữa người viết và Dưỡng, dựa trên kinh nghiệm nghệ thuật của cả hai về tác phẩm Tội ác và hình phạt của Dostoievski: một kinh nghiệm về lương tâm trước tội lỗi.

Các thế phân đôi này chồng chéo và giao cắt lẫn nhau tạo nên một mạng không gian nhiều chiều hiển hiện: quan điểm, tình cảm, động cơ, lối suy nghĩ và hành động của các nhân vật khác nhau tách biệt rõ ràng không thể lẫn, khác một cách tự nhiên và sinh động đến mức làm bật ra tính chất đối thoại không tránh khỏi, khác trên mặt hiển ngôn của lời nói mỗi người khiến cho câu chuyện thành ra được kể bằng ngần ấy giọng điệu và cách nhìn - mà, theo một nhà phê bình lớn người Pháp, kể bằng cách khác tức là đã nói một điều khác.

Như vậy, cuốn tiểu thuyết độc đáo này đã tạo ra một không gian phức hợp thật sự - và tôi không sợ phải suy diễn rằng, đó là hình ảnh cái không gian phố phường Hà Nội, một không gian đô thị nhiều tầng nhiều lớp, sinh sôi và mở theo mọi chiều kích; quan trọng hơn đó là không gian phức hợp của tâm tư, con người Hà Nội, một thời.

Nhưng có lẽ cần phải nói đến điều này trước: cuốn tiểu thuyết này, được viết ra từ giữa thập niên 1960, đem lại cái có thể xem như một mắt xích còn thiếu trên cây phả hệ văn chương tiếng Việt quốc ngữ, tựa như một hóa thạch sống minh chứng sự liên tục của văn xuôi tự sự từ những Vũ Trọng Phụng đến những người viết tiểu thuyết hiện đại của vài mươi năm lại đây. Bởi, lẽ thứ nhất, từ vựng, đặc biệt từ vựng thị dân cùng lối văn bạch thoại của Trần Dần trong cuốn sách này cho thấy cuộc giao thoa ngôn ngữ thành thị giữa những lời ăn tiếng nói của Hà Nội cũ và từ vựng, diễn ngôn cũng như khẩu khí mới mà cách mạng và chế độ dân chủ cộng hòa đem đến; thứ hai, từ phép đặt câu, hành văn xây dựng các hình ảnh và đối thoại, cho đến cấu tạo tiểu thuyết, cuốn sách này vừa tiếp tục dòng chảy “hiện thực phê phán” đầu thế kỷ vừa nhảy một bước ngoạn mục “vị lai” : các dấu ngắt câu tạo nhịp điệu như thơ, truyện kể nhiều giọng điệu với phức hợp các “hình thức của diễn đạt” - nhật ký, tâm lý, trinh thám, xoay quanh một đoạn đời của nhân vật Dưỡng - và thực ra có thể coi là một tiểu thuyết không cốt truyện với một cái kết mở thênh thang.

Cuốn sách này như vậy đã làm thay đổi ngôn ngữ tiểu thuyết của tiểu thuyết Việt Nam ngày đó: từ chương bạch thoại ở đây gần với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng chứ không gần với từ chương văn ngôn tiểu thuyết tâm lý cùng thời như Chu Văn, Đào Vũ hay Nguyễn Huy Tưởng; đáng kể hơn, với sự lược giản những bức tranh-ngôn từ phong cảnh-tâm lý, ngôn ngữ tiểu thuyết này nghiêng hẳn sang biểu hiện hành động, đối thoại và suy nghĩ - và chính đặc điểm đó khiến nó trở nên một mẫu mực văn chương đô thị hiện đại, mà thật hết sức ngạc nhiên khi sau gần nửa thế kỷ từ ngày hoàn thành mới được công bố xuất bản, tiểu thuyết này hiện ra không một chút xa lạ với văn chương tiểu thuyết đương đại, nếu không nói nó vẫn tiếp tục là một bậc thầy vượt trội.

Thể hiện rõ nhất là ở chỗ, vượt trước thời của mình, Trần Dần không xây dựng nhân vật điển hình mà tạo ra nhân vật biểu tượng - từ các nhân vật công an phản gián như “anh Thái”, “ông Trần B”, “ông Đầu bạc”, cho đến cán bộ khu phố “ông Trung trố”, “chị Hòa”, cựu ngụy binh “Tình Bốp”…, và dĩ nhiên là Dưỡng - người ghi nhật ký. Chính là từ Dưỡng mà ta thấy được tính biểu tượng ở các nhân vật còn lại.

Chắc hẳn không chút ngẫu hứng khi tác giả cho thấy Dưỡng thường xuyên lặp lại một ngữ đoạn trong các ghi chép nhật ký: “I như trong thánh kinh,…”, và cho thấy Dưỡng say mê sách trinh thám, cứ rảnh rỗi hay buồn hay bối rối thì đều quay mặt vào quyển sách, đọc Tội ác và hình phạt cũng coi là sách trinh thám cả.

Câu phàm lệ i-như-trong-thánh-kinh của Dưỡng không có bất kỳ một quy chiếu giải thích nào trong tiểu thuyết này. Tuy nhiên, Dưỡng từ sau ngày bộ đội tiếp quản Thủ đô đâm ra suy nghĩ triền miên về tội lỗi và hình phạt - chính là những trường đoạn hình thành nên cặp song tấu, cuộc đối thoại gián tiếp giữa người viết (tức nhân vật kể chuyện hàng đầu) và Dưỡng. Và qua đó, qua sự phơi lộ tâm tư ý thức của Dưỡng, có thể thấy câu phàm lệ về mọi chuyện cứ i-như-trong-thánh-kinh chính là nhận thức của nhân vật này về một biểu tượng lớn phổ quát của văn hóa và tinh thần, một thánh kinh-biểu tượng hơn là theo nghĩa vật chất cụ thể.

Và nhân vật Dưỡng ướm mình vào quy mô đó, cũng như việc anh ta soi mình trong tấm gương lương tâm của Raskolnikov, khiến câu chuyện cá biệt của một “Dưỡng tàu-bò dằn-di” khi kết thúc đã trở nên câu chuyện vượt thời gian, chuyện về trách nhiệm: con người ta có bổn phận day dứt và ngẫm nghĩ, về mình, về các hành động và các hậu quả, về đúng và sai…

Trong tiểu thuyết, sau sự biến họa phúc rủi may khôn lường và lẫn lộn - đúng như cuộc đời là thế - nhân vật Dưỡng không viết nhật ký nữa, hay ít ra truyện kể như vậy. Anh ta trở thành một người lái xe dũng cảm và có vẻ lầm lì ở một tuyến vận tải bị ném bom bắn phá ác liệt - điều có nghĩa anh ta đi vào cuộc sống một biểu tượng khác của thời chiến. Nhưng nhịp điệu văn chương và ký ức - của tiểu thuyết, dĩ nhiên rồi - cho thấy quá khứ không rời bỏ, không mất đi: dòng suy ngẫm về thời gian của nhân vật-người viết nói lên điều đó; tức nghĩa là con người Dưỡng suy tư i-như-trong-thánh-kinh vẫn luôn luôn tồn tại; và anh ta hẳn sẽ còn nghĩ ngợi tranh cãi với Raskolnikov, không ngừng.

Âm hưởng bi hùng sâu xa bên trong con người và câu chuyện: đối mặt với thời đại mình, những nhân vật đó, lại làm tôi nhớ Maiakovski:

“Mắt chim ưng lẽ nào mờ tối

Quá khứ ta bấu víu làm gì

Bàn tay vô sản

ghì chặt lấy yết hầu thế giới

Ngực dũng cảm ưỡn lên đi tới

Cờ rợp trời

phất phới tung bay

Ai đứng kia

chân phải dẫm bây

Trái!

Trái!

Trái!”

Ai cũng biết ông sau đó đã tự sát một cách khó hiểu. Còn Dưỡng tàu-bò cũng như Raskolnikov, vì là các nhân vật văn học, phải đi tiếp con đường bất tận của mình.

Nguyễn Chí Hoan

* Đọc Những ngã tư và những cột đèn, tiểu thuyết, Trần Dần, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2011