XÔNG ĐẤT NHÀ HOÀNG PHỦ
19.02.2008 22:13
Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà
thơ Ngô Minh (đứng)
Tôi có thói quen cứ sáng mùng Một Tết
bao giờ cũng dành thời
khắc đầu tiên đi thăm những người bà con bạn bè bị ốm và đi thắp nhang
cho
những người quen đã mất. Sáng mùng Một Tết Mậu Tý, gia đình đầu tiên
tôi xông
đất là nhà vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ. Mặc
dù thầy
địa bảo Tết năm này xuất hành hướng Đông và hướng Nam là cát, hỉ, nhưng
tôi lại
đi về hướng Tây. Thế mà lại gặp nhiều chuyện vui đến cảm động…
Đến nhà (số 08, kiệt 280 đường Phan
Bội Châu) lên tầng hai,
nơi anh Tường ngoạ lạc, đã thấy nhà văn áo quần nghiêm chỉnh, ngồi xe
lăn tươi
cười chào khách. Bên cạnh là một dãy bàn bày biện đủ thứ mứt, bánh,
rượu cuốc
lủi, rượu vang, trà, hoa. Tôi bắt tay chúc tết Hoàng Phủ rồi rút phong
bao lì
xì. Anh cầm phong bao chớp chớp mắt, tỏ vẻ cảm động. Cầm đồng tiền
polime
10.000 đồng ngắm đi ngắm lại, rồi anh hốt hoảng nói: "Lì xì chi mà đến
một
vạn đồng ri, còn tiền mô nữa mà tiêu!". Tôi và Lâm Thị Mỹ Dạ không nín
được cười. Thì ra, nằm bệnh một chỗ 10 năm nay, không bao giờ cầm đến
đồng
tiền, nên anh cứ nghĩ thời giá đồng tiền như hơn mười năm trước, thời
lương anh
mấy ngàn đồng. Vì thế khi thấy tờ một vạn đồng thì khiếp quá, anh không
biết
rằng mười ngàn đồng sáng mùng một Tết ngày không đủ để ăn bát bún Huế
ngoài
phố. Mỹ Dạ vừa bụm miệng cười vừa kể thêm, hồi sáng, cô bé Ly (cô phục
vụ chăm
sóc Hoàng Phủ hằng ngày) lì xì anh 500 đồng để "ông Tường lấy hên".
Anh Tường gọi Mỹ Dạ đến bảo: "Bé Ly lì xì đến năm trăm đồng, nhiều qúa.
Mình chỉ nhận một ít thôi, đưa lại cho nó để mang vể cho mẹ !". Trước
Tết
khoảng tháng, Hoàng Phủ tự nhiên bảo vợ: " Em lấy cái ví rồi để vào đó
cho
anh ít tiền để anh cất, để mình cũng có tiền như ai !". Thế là Dạ bỏ
vào cái
ví tờ 50.000 đồng đưa cho anh. Anh lục ví coi tờ tiền, rồi bảo: "Ri là
nhiều lắm rồi". Nói xong giấu cái ví xuống gối…
Ôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường bây giờ là
người đã thoát được ra
ngoài cuộc đỏ đen cuộc đời. Anh không hề hay biết từ khi anh bị đột quỵ
ở Đà
Nẵng đến nay, đồng tiền đã mất giá hàng ngàn lần, nghĩa là con người
phải đánh
vật với cơm áo gạo tiền khổ gấp ngàn lần trước…
Tuy không biết thời giá đồng tiền,
nhưng Hoàng Phủ Tết năm
nào cũng kiếm được hơn chục triệu tiền nhuận bút báo Tết. Tết Mậu Tý
này, lật
chồng báo biếu trong Nam ngoài Bắc gửi về, tôi thấy có tới 13 tờ in bài
Hoàng
Phủ Ngọc Tường. Từ những báo lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao
động, Tiền
Phong, Nông thôn ngày nay, Nhà đẹp,… đến các báo tỉnh như Thừa Thiên
Huế, Sông
Hương, Du lịch Đà Nẵng... Có cả những đặc san không trả tiền nhuận bút
bao giờ
như cuốn Tình Quê của đồng hương Quảng Trị ở Đà Nẵng, năm nào Hoàng Phủ
cũng
đóng góp bài vở. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cho biết các báo trả bài Tết từ
một, hai
triệu, có báo trả đến 4 triệu một bài, nên cũng giúp gia đình trang
trải nhu
cầu Tết.
Đa số bài là do các báo đặt viết từ
trước Tết. Báo nào đặt
Hoàng Phủ cũng đáp ứng. Có tờ tạp chí lần đầu tiên tôi biết tên là Đàn
ông,
cũng đặt bài Tết Mậu Tý với Hoàng Phủ. Bài ký kể chuyện cu Tít, người
dân tộc
Tà Ôi khoẻ mạnh cùng đơn vị với Hoàng Phủ ở chiến khu A Lưới xưa bị toà
án
kháng chiến xử vì quan hệ với nhiều chị em, là một bài viết độc đáo,
đọc cười
ra nước mắt. Hỏi tại sao lại quan hệ với nhiều chị em như vậy, cu Tít
hồn nhiên
bảo: "Mình không bắt buộc họ. Họ ưng. Họ nhờ mình mà. Họ nhờ thì mình
cho.
Mình cho thì họ nhận. Toà án có bắt tù, có xử bắn, họ nhờ mình lại
cho…!".
Thì ra liệt nằm một chỗ, nhưng trong tâm hồn Tường vẫn đàn ông lắm.
Hoàng Phủ
kể: "Đêm qua (tức đêm Giao thừa) mình thấy một người con gái mặc áo đen
chấm trằng, tay xách một giỏ gì nặng lắm, đi qua đi lại trước ban công
nhà, rồi
đi ngang qua chỗ mình nằm ra phía toilet. Mình nhìn thấy thật mà. Nhưng
không
nhận ra ai". Mỹ Dạ bảo: "Lúc đó là một hai giờ sáng rồi, "ông
Tường" kể lại chuyện cô gái áo đen đó làm mình sợ hết hồn, không ngủ
được
nữa". Chỗ ông Tường nằm là tầng hai, ban công hướng ra đường, không có
chỗ
để trèo lên, sao lại có cô con gái xách giỏ vào chỗ Hoàng Phủ? Hay là
ma? Hay
Hoàng Phủ nằm mơ? Dù ma hay mà mơ thì "cô gái" ấy xuất hiện cũng là
chất "đàn ông" của Hoàng Phủ còn tồn tại đâu đó trong vô thức.
Chất đàn ông đó còn thể hiện trong
việc Hoàng Phủ rất thích
tặng sách cho người đẹp. Đến nay, đã có tới hơn hai chục luận văn thạc
sĩ, luận
văn tốt nghiệp cử nhân viết về Hoàng Phủ. Trong đó có rất nhiều nữ sinh
người
Quảng Bình, Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế… viết về tác phẩm
của
Hoàng Phủ. Riêng bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông", ở Đại học Dân
lập Phú Xuân có tới ba sinh viên làm Luận văn tốt nghiệp. Các nữ sinh
xinh đẹp
đến hỏi chuyện để viết luận văn Tường đều rất thích tặng họ sách. Mỹ Dạ
kể, tập
bút ký Miền gái đẹp của Tường, nhà xuất bản chỉ cho tác giả 10 cuốn, Mỹ
Dạ phải
mua thêm 20 cuốn nữa, sách ít nên phải tặng dè dặt. Có người bạn thân
hỏi
"xin", Dạ cũng bảo sách hết rồi. Vì một cuốn sách nhuận bút được hơn
4,3 triệu vì đã trừ thuế thu nhập 10%, tặng nhiều người thì lấy tiền
đâu mà mua
sách. Cho nên tặng sách cũng phải dè sẻn. Nhưng Tường lại không nghĩ
thế. Hôm
qua, có cô sinh viên lên tìm hiểu tư liệu để làm luận văn về Hoàng Phủ,
mới gặp
lần đầu, không quen biết gì, Tường cũng tặng cô ấy một lúc 2 cuốn Người
ham
chơi và Miền cỏ thơm. Dạ bảo, cuốn Miền cỏ thơm đã đề sẵn tặng một nhà
văn rất
thân, chưa kịp tặng, thế mà Tường cũng hăng hái ký tặng luôn cô sinh
viên ấy.
Ông Tường là người không hề biết từ chối!". Rồi Dạ lại bảo: "Cô nào
đẹp đến gặp là Hoàng Phủ mắt sáng lên, có bao nhiêu sách tặng cho bằng
được,
không ai ngăn cản được!". Âu đó cũng là bản tính của đàn ông, của nòi
thi
sĩ, của mối quan hệ tài tử - giai nhân!
Đang nói chuyện Tết, Hoàng Phủ bỗng
nhiên hỏi tôi: "Từ
đường Quốc lộ 1A ra chỗ Tượng Đài các cô gái pháo binh anh hùng Ngư
Thuỷ có xa
không?". Tôi bảo chính đó là làng Thượng Luật của tôi, không xa đâu, từ
đường Một rẽ ra hướng biển 7 cây sô là đến. Thì ra mơ ước thăm quê vợ
Quảng
Bình một chuyến vẫn ám ảnh Hoàng Phủ. Anh bảo chuyến đi Quảng Bình sẽ
ghé ra
quê Ngô Minh thăm Tượng Đài nữ pháo binh. Số là từ khi nhận được giấy
mời Hội
thảo 50 năm Hội Nhà văn Việt nam tại Đồng Hới, Hoàng Phủ Ngọc Tường
hưng phấn
hẳn lên. Anh năn nỉ tôi và Mỹ Dạ cố gắng đi kiếm một chiếc ô tô chở anh
đi họp,
vì lâu ra rồi không đi đâu cả, hơn nữa Quảng Bình lại là quê vợ. Mỹ Dạ
thì bảo
một lần đưa Tường đi là khó lắm. Khó nhất là nơi vệ sinh. Ở nhà chỗ
toilet Dạ
đều đóng tay vin bằng inox, để khi Tường ngồi cầu, một tay giữ. Vô Sài
Gòn ở
nhà Lim, Lip đều có đóng sẵn cái tay vin ấy. Ra Đồng Hới chỉ một đêm,
toilet
khách sạn không có tay vịn, thì làm sao mà Tường đi vệ sinh được. Khi
Mỹ Dạ bảo
"Anh ra đó khó lắm, không ai phục vụ được đâu", thì Tường tiu nghỉu
rồi năn nỉ: "Chỉ đi một lần này nữa thôi, đến cuối đời cũng không đi
nữa.
Sao mà khó khăn thế!". Tôi đã điện hỏi khắp nơi hỏi mượn xe con chở ông
Tường ra Đồng Hới, nhưng không thể được. Thế là đành chịu. Tôi hứa với
Hoàng
Phủ sẽ bàn với tỉnh Quảng Bình rồi sắp xếp đi sau. Trong chuyến đi họp
ấy, tôi
và Mỹ Dạ đã bàn chuyện ấy với anh Lương Ngọc Bính, quyền Bí thư Tỉnh uỷ
Quảng
Bình. Anh rất nhiệt tình ủng hộ việc đón Hoàng Phủ ra thăm Quảng Bình
và giao
cho Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Hữu Phương lo cụ thể. Nhà văn Nguyễn
Quang Vinh
(báo Lao Động) bảo với tôi, "anh cứ để chuyện ấy em lo vì anh Tường đối
với em và anh Nguyễn Quang Lập vừa là người thầy vừa là ân nhân". Nhưng
vì
lụt lội, rét mướt, chuyến đi đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được. Rồi
Hoàng Phủ
kể những ký ức cảm động liên quan đến Quảng Bình. Anh kể, hồi chiến
tranh, khi
nhận tin Hoàng Phủ lấy chồng ở Quảng Bình, miền Bắc, mẹ nhà văn mua một
vuông
vải điều, may tấm áo cho con dâu. Còn lại một xấp dài, mẹ ngồi thêu chũ
THỌ rất
đẹp. Chữ Thọ này nối tiếp chữ Thọ khác. Giải phóng Huế, vợ chồng Tường
- Dạ về
Huế, Mỹ Dạ được mẹ trao cho tấm áo đó. Còn tấm vải chữ Thọ khi mẹ mất
vẫn còn.
Nhưng đến khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, không có tiền để đi
biên
giới, Dạ đã bàn với chồng bán tấm vải đó đi!
Rồi chuyện hồi Tường ở trên chiến khu
A Lưới, vào những năm
1970. Có lần Tường đi lang thang trong khu cứ, lạc xuống một vùng đồi.
Cứ theo
đường mòn trong rừng mà đi, Xuống một khe núi. Bỗng phát hiện ra những
ngôi nhà
bộ đội. Thấy Tường anh em bộ đội mời vào. Họ cho biết họ là một Trung
đoàn toàn
giáo viên ở miền Bắc mới vào hành quân vào. Họ mời Tường ăn cơm rất
thịnh soạn.
Mãi tối họ mới chỉ đường cho Tường về lại chỗ cơ quan. Cứ tưởng là thời
gian sẽ
xoá đi những cuộc gặp gỡ vô tình ấy. Nhưng không. Khi Tường ra Quảng
Bình,
trong cuộc tiệc mừng đám cưới Tường- Dạ do cơ quan Hội Văn nghệ tỉnh tổ
chức ở
Đồng Hới, Tường thấy một người rất quen. Người đó cũng cứ nhìn Tường
đăm đăm.
Hai người hỏi nhau, mới biết người ấy chính là anh bộ đội Trung đội phó
trong
Trung đoàn bộ đội giáo viên mà Tường lạc vào năm ấy. Người ấy tên Thao,
một
người bà con bên Dạ…
Năm Mậu Tý này, con gái Bê Lim (Hoàng
Dạ Thi) định cư ở Mỹ
không về ăn Tết, nhưng bù lại là vợ chồng con gái lớn Hoàng Dạ Thư và
hai đứa
cháu kháu khỉnh từ Sài Gòn ra ăn Tết với ông bà nội ngoại. Cu Pong lớn
phổng,
thông minh, nghịch ngợm, còn bé Ô Liu thì múa nhảy rất điệu. Ai bảo sao
Ô Liu
điệu thế thì bé mới hai tuổi đã cười bảo: "Con gái mà…". Ông ngoại
Hoàng Phủ Ngọc Tường nhìn hai đứa cháu như hai đoá xuân nở giữa lòng
mình…
Huế, Mùng 3 Tết Mậu Tý