NGUYỄN KHẢI
Hồi kí của Nguyễn Đăng Mạnh
Nguyễn
Khải khác hẳn Nguyên
Ngọc. Thiết thực, không phiêu lưu mạo hiểm, không muốn chết, không muốn
đi tù.
Anh tự nhận luôn là thằng hèn cho người ta khỏi phải bàn tán lôi thôi.
Sau cuộc hội nghị nhà văn
đảng viên, bản đề cương (1) của Nguyên Ngọc bị Tố Hữu đánh, Nguyễn Khải
vốn
nhất trí với Nguyên Ngọc trong vụ này, nên sợ quá. Anh nói thẳng với
Nguyên
Ngọc : "Tao nhát lắm, chưa đánh đã khai. Cho tao chạy đi thôi, mày
thông
cảm, đừng khai tao ra nhé".
Nguyễn Khải rất thiết thực và
tỉnh táo, vậy mà cũng có lúc mê muội. Tôi gọi là dại - tôi đã viết như
thế về
Nguyễn Khải trong bài Dại khôn Nguyễn Khải. Mới biết cái danh, cái lợi
cũng dễ
mê hoặc lắm. Hồi được gọi ra Hà Nội để chuẩn bị Đại hội nhà văn lần thứ
tư
(Trần Độ, Nguyễn Văn Hạnh dự định sắp đặt Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc làm
chánh,
phó Thư kí Hội Nhà văn). Nguyễn Khải xem ra cũng hăng hái lắm. Anh nói
với tôi
y như là sẽ làm Tổng thư ký đến nơi : Anh phẩy tay " Nguyễn Đình Thi,
Chế
Lan Viên thì phế cả đi ! Còn về lý luận phê bình thì anh phụ trách cho
tôi. Nhưng
ta phải khôn khéo, đổi mới nhưng phải khôn khéo. Trần Độ cứng quá, cứ
ỉa ra đấy
cho người ta phải dọn. Chính trị ghê gớm lắm, không đùa được đâu ! Nếu
cần quỳ
xuống lậy, ta cũng phải quỳ ".
Trong bài viết về Nguyễn
Khải, tôi có nhắc đến chi tiết này, cho là một cái dại của anh và hạ
một câu :
" Bây giờ nghĩ lại, xấu hổ chết được ! ". Tôi tưởng anh giận tôi, hoá
ra anh lại thích thú. Thích vì thấy hiểu mình quá. Tôi rất quý cái
thành thực
ấy của Nguyễn Khải. Có một cô nghiên cứu sinh tên là Tuyết Nga làm luận
án về
Nguyễn Khải. Cô tìm gặp anh để tìm hiểu. Anh đưa cô xem bài viết của
tôi, nói
là cứ đọc bài này là hiểu anh. Và anh cầm bài viết đọc luôn cho cô ta
nghe. Đến
chỗ " Bây giờ nghĩ lại xấu hổ chết đi được ! ", anh đỏ bừng mặt và
cười hô hố - Cô nghiên cứu sinh kể lại với tôi như vậy.
Trong bài viết nói trên, tôi
có nói đến một bậc đàn anh trong nghề dạy tôi phải đào nhiều hang. Ta
là con
chuột, lấp hang này, ta chui hang khác. Đó là Đinh Gia Khánh. Ở bài
này, tôi
dẫn câu Nguyễn Khải nói, có một nhà văn, trước 1975, chẳng có tư tưởng
gì cả.
Đấy là Nguyễn Minh Châu. Đúng là trước 1975, tiểu thuyết Nguyễn Minh
Châu cũng
chỉ là minh hoạ đường lối, tư tưởng của đảng. Sau 1975 mới có tư tưởng.
Tư
tưởng Nguyễn Minh Châu đặt ở nhân vật Khúng trong Khách ở quê ra và
Phiên chợ
Giát. Tôi cũng dẫn lời anh chê một nhà thơ viết hồi ký, đọc lúc đầu có
không
khí, sau chẳng thấy có tư tưởng gì. Đó là A. T. (Hồi ký Từ bến sông
Thương)(2).
Tôi còn dẫn ra câu anh nói về một giáo sư danh tiếng mà đọc (hồi ký)
cũng chả
thấy có tư tưởng gì. Đó là Đ.T. M. (2).
Như vậy là đọc văn hay viết
văn, Nguyễn Khải rất chú ý đến tư tưởng của tác phẩm. Nhưng ở anh, có
một mâu
thuẫn : một mặt muốn phát biểu tư tưởng riêng, vì ý nghĩa của văn
chương là ở
đấy. Nhưng mặt khác lại muốn sống yên ổn với đời nên chỉ có thể mạnh
dạn nửa
vời, mạnh dạn trong một khuôn khổ nào đấy thôi. Chính trị ghê gớm lắm,
không
đùa được đâu, chắc anh luôn luôn tự dặn mình như thế. Vả lại nghĩ đi
nghĩ lại,
anh không thể quên công ơn của cách mạng đối với mình. Từ một cậu bé
con rơi
con vãi, sinh ra đã bị khinh bỉ, bị lăng nhục, sau cách mạng trở thành
nhà văn
có danh, có lợi đủ cả. Cũng phải biết điều một chút chứ !
Thông minh và tỉnh táo,
Nguyễn Khải luôn có ý thức về thân phận của mình, về cái giá trị của
mình đối với
đời. Anh kể chuyện, hồi anh là đại biểu quốc hội, đi ôtô từ Ba Đình về
nhà
khách. Đến chỗ đường tàu, xe phải dừng lại cùng một số đồng bào đi xe
đạp, xe
máy. Anh nhìn xuống, thấy rợn người : có một tay đang nhìn lên anh, cặp
mắt đầy
căm thù. Anh nghĩ mình cũng chỉ là loại nghị gật, vô tích sự, thằng ăn
hại, dân
nó khinh ghét là phải.
Chiến thắng 30.4.1975, anh đi
vào Nam.
Gặp Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh. Anh cảm thấy Ngọc và Oánh nhìn mình
như
muốn nói : " Mình chiến đấu gian khổ bao lâu không thấy mặt nó đâu, bây
giờ chiến thắng rồi, nó vào. Rồi nó sẽ viết nhiều, viết hay hơn mình
cho mà xem
! ". Nguyễn Khải nói : " Biết thân phận thế, tôi cứ ngồi len lén,
không dám nói năng gì ".
Mà cái tài của Nguyễn Khải là
thế thật, có cần đi thực tế gì đâu. Trước 1975, anh chỉ ngồi ở ngoài
Bắc mà
viết về Hoà Vang chiến đấu như thật. Cho nên có ai đó đã làm vè giễu
anh :
Anh đi anh lại về ngay,
Hoà Vang cũng ở ngoài này đó
em.
*
Khoảng đầu những năm 80 của
thế kỉ trước, Nguyễn Khải đưa gia đình vào Sài Gòn. Lúc đầu xem chừng
sinh hoạt
còn khó khăn. Anh ở quận Bốn (448B/9, phường 18, Nguyễn Tất Thành) tôi
có đến
thăm. Nói chuyện với tôi, thấy anh cứ nhấp nhổm chạy ra chạy vào : gia
đình bán
giải khát và cho thuê điện thoại. Có khách đến, phải chạy vội ra phục
vụ. Mấy
năm nay thì khá hơn rồi. Anh có người con (Nguyễn Khải Hoàn) kinh doanh
nhà
đất, kiếm được. Nhưng nhà cứ mua đi bán lại, nên anh cứ phải chuyển chỗ
ở luôn.
Mỗi lần tôi vào Sài Gòn, lại thấy anh ở một chỗ khác. Biết tôi vào Sài
Gòn, thế
nào anh cũng mời đến uống rượu.
Đến Nguyễn Khải, lúc nào cũng
có rượu. Anh nói, bây giờ rượu Tây sẵn, nghĩ thương ông Nguyễn Tuân.
Ngày xưa
mỗi lần họp, thấy ông lấy ra một cái bi đông rượu, rót vào cái nắp, mời
vị này,
vị khác. Nay rượu Tây đầy ra đấy, ông không còn để mà uống.
Nói chuyện với Nguyễn Khải,
tôi không ngờ hồi mới vào Sài Gòn, loại văn nghệ sĩ cỡ Chế Lan Viên,
Nguyễn
Khải mà khổ đến thế : " Vũ Thị Thường nói, đi đường chỉ mong nhặt được
tiền ai đó đánh rơi ". (Hệt như câu nói của Hoàng Ngọc Hiến hồi ấy :
" Đi đường thấy có một đồng xu rơi cũng phải nhặt. Kiếm đâu ra một xu
bây
giờ ! ")
" Chế Lan Viên ở quận
Tân Bình chỉ thèm ăn một bữa ngon, phải ra tận quán bà luật sư Huỳnh
Ngọc Đại
(3) để được bà ấy đãi một bữa cơm Tây. Ai mời, đâu mời cũng đi. Chỉ để
kiếm bữa
ăn thế thôi, và xách về một chai nước mắm hay mấy cân gạo nó cho.
Nguyễn Khải
cùng đi với Chế Lan Viên. Một thằng làm thơ, một thằng viết ký, một ca
sĩ đi
theo hát. Tôi gọi là hai kép, một cô đầu cùng đi kiếm bữa ăn và ngồi
nghe mấy
tay giám đốc dốt nát vào đấy ba hoa. Nó có tiền nên hai nhà văn cứ phải
gật gù
nghe nó dạy dỗ ".
Nguyễn Khải có nhiều ý kiến
rất táo bạo :
" Đảng không bao giờ coi
trọng trí thức, biến trí thức như Hoàng Xuân Nhị thành hèn hạ. Mà bị nó
khinh.
Tôi từng gặp Hoàng Xuân Nhị ở nhà Tố Hữu. Tố Hữu không thèm nói chuyện
với ông
ta, cứ để cho ông ta ngồi một mình. Tóc bạc phơ. Tố Hữu chỉ nói với tôi
là một
thằng còn rất trẻ. Trần Đức Thảo thì bị biến thành một thằng thần kinh.
Sang
Pháp, bao nhiêu Việt kiều mời đến, không đến, cứ ở Đại sứ quán, tuy bị
nó khinh
như chó.
Thuỵ An thì bị tù. Trong tù
đi lao động, ngã vào dây thép gai, bị mù một mắt. Nay vẫn ở Sài Gòn,
sống rất
khổ. Không đi Pháp vì là con gái lớn phải ở lại nuôi mẹ già..."
" Chúng ta thuộc lứa
người bị bỏ phí cả một thời trai trẻ để học theo một cái lý thuyết vớ
vẩn, chả
nghĩ ra được cái gì, chẳng làm ra được cái gì trong giới hạn của chủ
nghĩa Mác
- Lê - một thứ triết học của người cầm quyền. Mà có hiểu Mác - Lê thực
đâu.
Toàn nghe lãnh tụ nói và nói theo. Trong cái khung của một ý thức hệ,
còn ai
nghĩ ra được cái gì nữa. Chủ nghĩa Mác thành ra một thứ tôn giáo. Tin
mà không
hiểu. Bao người hy sinh vì cái lý thuyết vớ vẩn ấy. Chủ nghĩa xã hội
toàn đẻ ra
những con người quái gở như Mao Trạch Đông, Staline, Pônpốt, rồi Nguyễn
Chí
Trung..., toàn lũ điên ".
“ Ta có một thời cứ tin tưởng
ở cái không có. Như tin ở chủ nghĩa xã hội ".
" Chính trị và quan điểm
giai cấp trùm lên tất cả. Con người không có tình bạn. Bạn bè mà có vấn
đề
chính trị là không được quan hệ ".
" Chủ nghĩa xã hội nếu
không thay đổi thì con người thành mọi rợ, rừng rú. Từ ăn, ỉa, mặc,
ở... Sợ quá
! "
Nguyễn Khải nói về uy quyền
ghê gớm của Lê Đức Thọ một thời. Anh chứng kiến Sáu Bắc (Lê Đức Thọ)
tiếp Sáu Nam
(Lê Đức
Anh). Hôm ấy, Thọ gọi một số văn nghệ sĩ đến hỏi chuyện. Thọ đang tiếp
khách.
Bọn Khải phải ngồi đợi ở phòng bên cạnh. Lát sau, khách ra về. Hoá ra
khách là
Lê Đức Anh. Nguyễn Khải thấy Lê Đức Anh đi ra, cứ đi giật lùi, giật lùi
ra mãi
giữa sân mới dám quay đít lại. Thọ tiếp chúng tôi. Đúng lúc ấy thấy
Phạm Hùng
đi sang. Hùng đề nghị gặp Thọ một lát. Thọ phẩy tay : " Để lúc khác
nhé,
giờ đang bận tiếp khách văn chương ". Thọ coi Hùng chẳng là cái gì, tuy
Hùng lúc đó là thủ tướng, thay Phạm Văn Đồng.
" Nói chung cộng sản coi văn
nghệ sĩ như
rác. Lê Duẩn coi Tố Hữu cũng chỉ như một con hát. Nhưng lại sợ văn
nghệ. Vì chỉ
dùng tuyên truyền, dùng nước bọt mà giành được nước. Chỉ nói, có làm gì
đâu.
Nói đủ cả, chẳng làm gì. Thí dụ, cứ nói phê bình tự phê bình mà chưa
bao giờ
phê bình tự phê bình cả. Có dám nói thật đâu mà phê bình tự phê bình.
Chỉ toàn
đào tạo gia nhân, đầy tớ, bọn nịnh hót. Sợ văn học cũng vì thế. Vì văn
nó nói
sự thật, nó lật tẩy. Rất sợ biểu tượng hai mặt. Chỉ đề cao văn tuyên
truyền, đề
cao vè. Thật ra bọn nhà văn nói chung nhát, không dám chống chế độ đâu
!
".
" Chế Lan Viên một thời,
dựa thế Tố Hữu cũng hách lắm. Tô Hoài gọi là thằng nặc nô của đảng. Hồi
chỉnh
huấn văn nghệ sĩ, Chế Lan Viên làm tổ trưởng, nói với Nguyễn Tuân : ông
tưởng
ông to lắm à ? Tôi phụ trách ông kia mà ! Họp chấp hành, ý kiến Chế Lan
Viên là
quyết định. Thí dụ, ban chấp hành bàn có nên kết nạp Phan Quang không ?
Mọi
người chờ ý kiến của Chế Lan Viên. Chế Lan Viên đi đái vào, nói : "
Thằng
Thép Mới nó còn ở ban chấp hành được thì thằng Phan Quang sao không cho
vào hội
được ! ". Ai cũng gọi là thằng tuốt. Thằng Nguyễn Đình Thi, thằng Tô
Hoài,
thằng Hoàng Trung Thông, chẳng sợ ai cả. Không thể đối đáp kịp mồm Chế
Lan
Viên. Phải về nhà mới nghĩ ra cách bác lại, nhưng hôm sau, không còn lý
do để
tranh cãi nữa, vì lão ấy lại nói chuyện thân mật ".
" Nhưng Chế lan Viên
chết rất khổ. Vũ Thị Thường phục vụ rất mệt. Gần chết hay quát tháo vợ
con. Vũ
Thị Thường nói chỉ thèm được ngủ, khi Chế lan Viên chết, việc đầu tiên
là ngủ
bù một giấc, dạy mới có sức mà khóc ".
Nguyễn Khải có một ưu điểm là
có óc liên tài thật sự. Rất phục người tài. Tôi đã được nghe anh phục
Đỗ Chu
như thế nào khi Chu mới xuất hiện.
Đối với
Nguyễn Huy Thiệp lại càng phục hơn nữa.
Anh nói : " Kim Lân là
con đẻ của đất Kinh Bắc. Đỗ Chu cũng
thế. Trẻ
con có học hành gì đâu mà viết rất hay : Thung lũng cò, Hương cỏ mật...
Vợ nhặt
của Kim Lân thì văn tuyệt hay. Con người Kim Lân rât thích. Hồn nhiên,
chân
thật, tiếp xúc không phải ý tứ gì. Có Kim Lân, mình cũng bớt lố bịch,
cứ lấy
ông ta làm chuẩn. Nguyễn Tuân còn điệu bộ, làm dáng. Tôi rất ghét uốn
éo, điệu
bộ. Rất ghét cái ông Vũ Kỳ bắt chước Cụ Hồ : áo bà ba, đi guốc mộc tiếp
khách.
Muối của rừng, Thiệp viết rất
giỏi. Hemingway viết Ông già và biển cả còn dài dòng. Thiệp viết cực
ngắn. Đi
săn, trang bị đầy đủ. Cuối cùng cởi truồng trở về. Lại còn bị lũ khỉ
giễu cợt.
Không có vua có cái chi tiết bố chồng dòm con dâu tắm. Sợ quá !
Nhưng bây giờ xem ra hết tài
rồi. Viết tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu, rồi truyện võ hiệp, thành ngòi
bút khác
mất rồi.
Ma Văn Kháng là dân Hà Nội,
viết về dân tộc thiểu số cứ xôm cốp bên ngoài thế thôi. Phải viết về
dân tộc
mình, về cái mình thuộc, mình am hiểu chứ.
Tô Hoài thì rất tinh quái,
rất hóm. Nguyễn Đình Thi đẹp trai, hấp dẫn gái, thế mà toàn ăn của
thừa. Mình
phải ăn từ bếp lên chứ ! Này, có lần tôi đến LM gọi cửa mãi, thấy đi
ra, khuy
ngực xốc xếch. Bên trong thấy có Tô Hoài."
Nguyễn Khải cho kết quả của
Đại hội nhà văn lần thứ 7 là tốt : " Ban chấp hành như thế là khác
trước
rồi. Trước đây, vào chấp hành, thằng nào cũng để kiếm chác một cái gì
đó : một
chỗ dựa, một chỗ có tiền, một suất đi nước ngoài... Giờ bọn Vàng Anh,
Hồ Anh
Thái nó chẳng cần gì ! Đừng hòng Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm bảo được
nó. Nó
không nghe đâu ! ".
Nguyễn Khải cho viết văn là
phải có tư tưởng. Vì thế anh chịu khó đọc sách, gần đây hay đọc triết.
Hình như
có một bậc thánh hiền nào đó nói rằng, đọc sách mà không nghĩ thì vô
dụng, nghĩ
mà không đọc sách thì nghĩ lung tung rất nguy hiểm. Nguyễn Khải chịu
đọc và
chịu nghĩ.
Một lần tôi đến anh, thấy anh
đặt trên bàn cuốn Tinh thần pháp luật của Montesquieu. Anh nói : " Lâu
nay
chúng ta chỉ đi bên cạnh nền văn minh nhân loại. Nói thế là đủ hiểu.
Chẳng biết
gì. Phủ nhận tất cả những cái gọi là phi vô sản. Bây giờ mình mới được
đọc
những Montesquieu, Voltaire, Rousseau...
Đọc triết học phương Đông từ
Cao Xuân Huy, Nguyễn Hiến Lê... đến khi đọc bản dịch của Hoàng Ngọc
Hiến, cuốn
Bàn về tính hiệu quả (4), mới ngộ ra được. Phải nhìn từ xa, tuân theo
quy luật
tự nhiên. Gò ép nó, cải tạo nó là hỏng. Liên Xô cứ đòi uốn nó, cải tạo
nó. Cải
tạo sao được con người. Con người không thể cải tạo được. Bây giờ đấy :
đủ cả
mafia rất ghê gớm ".
Hoàng Ngọc Hiến dịch triết
rất hay mà chả thấm được triết. Cứ tức tối, căm thù. Tôi rất quý Hoàng
Ngọc
Hiến, nhưng đọc bài của Hiến (có lẽ là bài trên Talawas) tôi không
thích nữa.
Về điểm này, tôi chưa thật
hiểu rõ ý của Nguyễn Khải.
Tôi nhớ ông Tolstoi già trong
Chiến tranh và hoà bình có luận về tình yêu của con người và tình yêu
của
Thượng đế. Khi yêu bằng tình yêu của con người thì có thể từ yêu thương
chuyển
sang thù ghét, còn tình yêu của Thượng đế thì có thể thương yêu cả kẻ
thù, thậm
chí cảm thấy vui sướng khi thương yêu kẻ thù. Ăngđré Bôncônxki, trong
giờ phút
hấp hối, đã thấy mình bỗng có được tình yêu đó. Anh ta vui sướng khi
thấy mình
thương cả Anatole là kẻ tình địch của mình.
Nguyễn Khải muốn có thứ tình
yêu cao cả đó chăng, mà anh gọi là thái độ triết học ?
Điều đó có phải là một điềm
gở ở anh không ?
*
Tôi gặp Nguyễn Khải lần cuối
cùng ngày 24.7.2007 (cùng với Hồ Quốc Hùng). Tất nhiên khi anh mất rồi
mới biết
đấy là lần cuối cùng : Thật không ngờ ! Tôi cứ tưởng sẽ còn nhiều lần
được gặp
anh. Anh với tôi cùng sinh một năm (1930), nhưng anh còn sinh sau tôi
tới chín
tháng (tôi sinh đầu năm - tháng ba, anh sinh cuối năm - tháng chạp).
Anh đi đâu về. Trông thấy
anh, tôi bấm bụng cười thầm vì chợt nghĩ đến nhận xét rất đúng nhưng
rất tục
của Đỗ Chu hồi nào : " Răng hơi hô,
trông
lúc nào cũng như hớn hở, đi ngực ưỡn, hai tay ve vẩy, trông như con đàn
bà nứng
l. ".
Nhưng bây giờ thì anh có vẻ
yếu rồi, chống ba toong, cao lênh khênh, đi lòng khòng.
Anh vẫn nói nhiều. Nào chuyện
tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, kho tài liệu giúp anh viết về chính quyền
Sài Gòn,
nào chuyện cải cách ruộng đất xoá sạch thành tích cách mạng, chuyện Chế
Lan
Viên chết rất khổ. Khổ mà rất khí khái, không xin xỏ gì hết, tuy Tố
Hữu, Hà
Xuân Trường đến thăm luôn, chuyện Nguyễn Tuân, chuyện Nguyễn Huy Thiệp,
chuyện
Cụ Hồ và tướng Giáp rất giỏi nín nhịn...
Anh nói đang viết một bài gọi
là sự hình thành một bút pháp. Từ thực tế sáng tác của mình mà viết.
Xưa đã
thấy người nông dân cần có tầm mắt nhìn xa vượt ra khỏi sự hẹp hòi của
hợp tác
xã. Nhưng vượt ra bằng cách nào chưa biết. Nay mới thấy có điều kiện :
kinh tế
thị trường giải phóng cho nông dân...
Anh nói rất nhớ Hà Nội. Thèm
không khí Hà Nội. Vào Sài Gòn anh chẳng chơi với một bạn mới nào. Ra Hà
Nội bây
giờ cũng lại chỉ đến những bạn cũ đã già. Không nói chuyện với đám trẻ
được.
" Người ta nói sáu mươi tuổi thì tính năm, bẩy mươi tính tháng, tám
mươi
tính ngày... Tôi muốn sống lâu để xem thời thế ra sao. Lịch sử do con
người làm
ra, làm sao biết trước được ! "
Tôi nhớ lại ngày xưa anh đã
có một câu nói gở rất thiêng về Nguyễn Tuân. Anh khen Nguyễn Tuân đẹp
lão và
nói : " Đẹp lão thế là sắp sửa đấy ! ". Ba ngày sau Nguyễn Tuân qua
đời.
Bây giờ anh nói bẩy mươi tuổi
tính tháng.
Anh nói ngày 24.7.2007.
Năm tháng sau, ngày
15.1.2008, nghe tin anh qua đời.
Đúng là tuổi bẩy mươi tính
tháng.
*
Ngay sau khi Nguyễn Khải mất,
tôi có anh bạn (Hoàng Dũng) trong Nam ra Hà Nội, nói Nguyễn Khải chết
không có
đất chôn.Đúng ra là không được chôn ở nghĩa địa Sài Gòn (tại Thủ Đức),
phải đưa
lên nghĩa địa Củ Chi rất xa. Tiêu chuẩn được chôn ở Thủ Đức, ngoài
những ông
thành uỷ viên hay trung ương uỷ viên không kể, phải có 65 năm tuổi
đảng. Trần
Duy Châu, nguyên hiệu phó Đại học Sư phạm Sài Gòn, khi chết mới có 58
tuổi
đảng, không đủ tiêu chuẩn, phải đưa đi Củ Chi. Nguyễn Khải tất nhiên
cũng phải
đưa đi Củ Chi.
Võ Văn Kiệt thấy thế chắc lấy
làm xấu hổ, nên can thiệp. Ông tuyên bố nhường suất chôn ở Thủ Đức của
ông cho
Nguyễn Khải.
Láng Hạ 23.1.2008.
NGUYỄN ĐĂNG MẠNH
(Trích HỒI KÍ, chương 19)