Tư tưởng Lịch sử
27.10.2008
Phan
Chính
Hồ Hữu
Tường - Những ngày
cuối đời
Hồ Hữu
Tường với tư thế một
đại thụ trên lĩnh vực báo chí và văn học còn là một nhà chính trị độc
lập nổi
tiếng ở miền Nam
trước năm 1975. Cuộc đời ông có cái duyên nợ với mảnh đất La Gi - Hàm
Tân (Bình
Thuận) như một tình cờ, nhưng với tôi lại có những điều đáng nhớ. Tập
Kể chuyện
(Huệ Minh xuất bản 1965) gồm 9 câu chuyện kể, viết cùng Nguiễn Ngu Í,
một nhà
văn nhiều giai thoại và cách tân chữ viết, quê ở Hàm Tân. Như một định
mệnh, Hồ
Hữu Tường có những ngày cuối đời sau 70 năm thăng trầm khổ ải rồi dừng
lại ở
đây.
Trên
một số website ở nước
ngoài đều ghi rằng sau những năm cải tạo, Hồ Hữu Tường được trả tự do
và mất
tại Gia Định. Có trang viết một cách mập mờ là “Hồ Hữu Tường - một
người chết u
uẩn”, có gì đó ám chỉ về chế độ lao tù. Nhưng đều chính xác ngày mất
của Hồ Hữu
Tường là ngày 26.6.1980. Thời gian này tôi đang làm việc tại Bệnh viện
huyện
Hàm Tân (tỉnh Thuận Hải, năm 1992 trở lại tên Bình Thuận) phụ trách
Phòng Y vụ,
một bộ phận trực tiếp với Giám đốc về chuyên môn. Đây là cơ sở cũ,
trước ngày
giải phóng 23/4/1975 là Bệnh viện Phối hợp Dân Quân y tỉnh Bình Tuy mà
tôi cũng
từng làm việc ở đây dưới lớp áo Quân y Việt Nam Cộng hoà.
Năm 1980, bệnh viện này là
tuyến huyện với 120 giường, tình trạng trang thiết bị hầu như tận dụng
lại
những gì đã có, tiếp tục hư hỏng ngày càng nhanh và nhếch nhác. Số bác
sĩ cũ
không còn, một số có trình độ trung cấp, sơ học được sử dụng lại, gọi
là lưu
dụng, nhưng lần lượt bị loại dần do lý lịch… bù vào số cán bộ từ khu
về, từ
miền Bắc chi viện. Ngoài năm hay sáu bác sĩ còn lại, rất nhiều chức
danh y sĩ
(xếp ngang trình độ trung cấp y tế sau này), được quyền mang ống nghe
khám bệnh
kê đơn, giữ các chức vụ Bệnh viện phó, Trưởng khoa, nhưng các tên thuốc
Tây
trên toa thuốc chỉ viết bằng phiên âm theo cách đọc. Trong khi đó cán
sự điều
dưỡng học 4 năm chỉ xếp là y tá trung cấp, thực hiện chỉ định của y sĩ.
Có lúc
chiếc máy X-quang làm chức năng chụp phim chẩn đoán rất hiện đại, đặt
trong
phòng có vách chì cản tia phóng xạ độc hại cho người, lại bị đập bỏ cho
rộng và
chỉ dùng bộ phận rọi (gọi là rọi kiếng), tức xem trực tiếp theo kiểu cũ
cách đó
trên 20 năm. Kết quả thế nào tùy thuộc do nét bút vẽ mô tả của y sĩ
đứng máy,
thay vì có phim như trước đây. Thuốc men thì cũng rất khó khăn, phải
phát động
phong trào Đông Tây y kết hợp. Loại thuốc xuyên tâm liên trị bá bệnh,
tức bệnh
nào cũng uống được, mỗi lần hàng chục viên, đắng đến nỗi… hết bệnh. Trị
sốt
xuất huyết thì có cây cỏ mực sao tẩm nấu thành xi-rô, trị sốt rét có lá
mãng
cầu ta sao sắc uống… Các loại vitamine tiêm thì cao cấp hơn như B1, B6,
B12
được mua hoá chất từng ký, về hòa nước cất, sản xuất tại chỗ, vào
ampule hoặc
lọ pénicillin đã dùng… Dịch truyền loại 5%, 10% cũng vậy. Dây truyền,
kim tiêm
phải luộc đi luộc lại nhiều lần để tiết kiệm, được coi là có sáng kiến
cải tiến
kỹ thuật. Không có băng keo cố định kim tiêm dịch truyền cho bệnh nhân
được
thay bằng sợi dây nang lá buông. Bệnh dù có nặng mấy đi nữa cũng phải
đi theo
hệ thống tuyến xã, huyện, tỉnh, trung ương… cơ quan, đơn vị ở địa bàn
nào cũng
theo con đường đó. Từ bệnh viện huyện muốn chuyển bệnh nhân lên bệnh
viện tỉnh
phải có biên bản tập thể do y bác sĩ các khoa hội chẩn, cho nên có
truờng hợp
bệnh sản đẻ khó mà bác sĩ, y sĩ khoa Nhi hoặc Đông y cũng được tham dự
và cho ý
kiến. Có khi phải xin ý kiến Bí thư Chi bộ, dù anh ta chỉ là cán bộ
chính trị.
Có sự ràng buộc đó cũng vì sự khắt khe quái ác của các chỉ tiêu tử
vong, chuyển
viện… Nhiều quá thì mất điểm thi đua. Như vậy thì không thể nào có bệnh
nhân
được chuyển thẳng về các Bệnh viện ở Sài Gòn, dù biết bệnh tình có ra
Phan
Thiết cũng chào thua.
Trước
đó không lâu, tôi là
một trong những người trực tiếp tiếp xúc với trường hợp đại sứ Đinh Bá
Thi, là
đại sứ đại diện Chính phủ CHXHCNVN tại Liên hợp quốc (tại Mỹ) về nước
công tác
tại Bộ Ngoại giao. Chuyến xe đi mua hàng thực phẩm mỗi sáng sớm của
Trại giam
Z30C chở 4 nạn nhân và 1 trẻ em đến bệnh viện. Ông Thi bị vết thương ở
đầu, lột
cả mảng da tóc khá rộng, còn người vợ bị nhiều chấn thương đã hôn mê.
Người chị
vợ, anh lái xe và đứa cháu ngoại của ông Thi chỉ xây xát nhẹ. Lúc vào
viện, ông
Thi còn tỉnh táo và bảo cố gắng chăm sóc người khác, ông không tự giới
thiệu
mình là ai! May mà anh lái xe còn tỉnh táo, mới cho biết đó là ông Đinh
Bá Thi
trên đường công tác sau đêm ngủ tại nhà khách Uỷ ban Tỉnh ở Phan Thiết,
sáng đi
Thành phố Hồ Chí Minh, đến căn cứ 8 thì bị một chiếc xe tải cùng chiều
ép, làm
cho chiếc Comanca lật nhào mấy vòng. Tôi nhận ra đây là một yếu nhân,
biết
tiếng ông từng là người cùng bà Nguyễn Thị Bình đại diện cho Chính phủ
Cộng hoà
miền Nam Việt Nam tại bàn hoà đàm Paris. Sau này biết thêm, ông trên
đường đi
truyền đạt chỉ thị quan trọng trước sự đe dọa can thiệp của Trung Quốc
dưới
chiêu bài cứu nạn kiều Sài Gòn trong chiến tranh biên giới vừa nổ ra.
Sau mấy
giờ cấp cứu chờ xe 05 của Bệnh viện Tỉnh đưa đội phẫu thuật vào thì ông
Đinh Bá
Thi tắt thở, xác quàn tạm ngay trong phòng mổ chờ ý kiến của tỉnh.
Huyện giao
cho Xí nghiệp Cơ khí gấp rút làm chiếc hòm kẽm có thêm một lớp chứa
được đá
lạnh để giữ tươi thi hài, đem đặt tại hội trường Ủy ban Huyện. Khuya
đêm đó xe
của Văn phòng Đại diện Bộ Ngoại giao phía Nam ra và chuyển vào áo
quan, đem
về Sài Gòn. Nhắc đến sự kiện này để thấy tình trạng nghèo nàn của hệ
thống y tế
dù đã gần 6 năm giải phóng. Nhiều người so sánh, nếu có máy bay cấp
thời chở
ông Thi về Chợ Rẫy, có khả năng ông qua khỏi. Cách bệnh viện chừng 300
mét,
phía sau nhà bưu điện bây giờ, trước giải phóng có một sân bay trực
thăng, bất
cứ đêm ngày có bệnh nặng cần chuyển cấp cứu đều đáp xuống chở ra Hạm
đội 7 hoặc
Bệnh viện Long Bình.
Trở lại
trường hợp Hồ Hữu
Tường, khoảng đầu tháng 6 năm 1980, xe của Trại giam Z30C chở đến với
yêu cầu
điều trị. Trên địa bàn Hàm Tân, xã Tân Minh lúc này có 2 trại giam Z30C
và Z30D
nằm liền kề, còn gọi là trại Thủ Đức, rộng hàng ngàn hec-ta đất rừng
tiếp giáp
Núi Bể và cặp đường quốc lộ I, giáp ranh đất tỉnh Đồng Nai. Tù nhân cải
tạo hầu
hết là thành phần quan chức, sĩ quan tướng tá chế độ cũ và mắc tội
chính trị
chống đối sau này. Nay nhập một gọi là Trại Z30D thuộc Cục Quản lý Trại
giam
(V26) Bộ Công an, xe chạy Bắc - Nam ngang qua thấy trạm xăng Đức Khải
rất bề
thế với màu sắc đỏ mà chủ nhân là người có tên Anh Lâm, trước đây bị án
chung
thân về tội buôn lậu, cũng là tù nhân “đặc biệt” của trại này. Trước
khi đến Trại
giam Z30C, từ năm 1977 Hồ Hữu Tường đã vào tù, từng qua các trại giam
Phan Đăng
Lưu, Chí Hoà và Long Bình… Theo cán bộ canh giữ, ông được giao chăm sóc
vườn
thuốc nam thuộc bệnh xá của Trại. Hồ Hữu Tường cao lớn, cặp vành tai
của tướng
mạo trường thọ, tóc đậm sắc muối tiêu, còn đi đứng được. Trong hồ sơ có
ghi đến
chức vụ của ông tham gia tổ chức phản động là Thủ tướng Chính phủ Cộng
hòa
Trung lập Phục quốc Việt Nam gì đó, tôi nhớ chưa đầy đủ lắm! Chẩn đoán
là xơ
gan cổ chướng, bụng ông to độn lên áo trông thấy rõ. Nhập vào Khoa Nội
2, bác
sĩ Nguyễn Văn Thảo phụ trách. Tên tuổi của Hồ Hữu Tường từng khuấy động
sân
khấu chính trị miền Nam
từ thời Diệm đến thời Thiệu… Mới đó, với danh nghĩa dân biểu Hạ nghị
viện, ông
đã cùng giới báo chí làm cuộc biểu tình “Ngày ký giả ăn mày” (10/1974)
đòi tự
do báo chí. Năm 1926 sang Pháp học Đại học Marseille, đậu thạc sĩ toán
Đại học Lyon… rồi làm chính trị, làm
báo, viết văn…, rồi thời
Pháp thuộc, đến lúc Mỹ sang và sau cùng là Thiệu, tù tội với ông đều
có, Diệm
từng kêu án tử hình và có văn hào Pháp Albert Camus viết thư can thiệp.
Trong
hàng chục tác phẩm của Hồ Hữu Tường, tôi chỉ nhớ được một ít tựa sách
và chỉ
đọc đôi quyển như Phi lạc sang Tàu, Phi lạc đại náo Hoa Kỳ, Kể chuyện,
Luận
lâm, Người Mỹ ưu tư… Trong bài tựa của tập Kể chuyện, ông viết: ”Mục
đích của
tôi là lập một cuộc tạ ơn những vị giáo sư đã dạy tôi viết văn nhà quê,
hoang
đường, trào lộng và châm biếm, đặc biệt của nông dân miền Tây Nam bộ
vào đầu
thế kỷ XX này...” Sinh ra ở Cái Răng, Cần Thơ, thấm đậm cái chân chất Nam
bộ, nhưng
ông là con người có tư tưởng xuất chúng hiếm hoi. Ông thật lòng nói,
“thầy dạy
là những người bạn có lúc đồng chí hướng như Phan Văn Hùm khuyến khích
và chịu
khó năn nỉ dạy không công cho tôi viết văn, tôi lại lười biếng"! Nhiều
chính khách nhận xét về Hồ Hữu Tường, rằng ông là con người của chủ
nghĩa dân
tộc, người đề xướng giải pháp trung lập chế v.v… Với những điều đó tôi
hiểu rất
lờ mờ, đơn giản chỉ thấy lay động trước tên tuổi một Hồ Hữu Tường.
Ngay
chiều ấy tôi ghé nhà cậu
ĐĐC - Châu Anh báo tin này vì Châu Anh là bạn Nguiễn Ngu Í, biết Hồ Hữu
Tường
khi làm báo ở Sài Gòn, nhưng cậu ngại không đến thăm. Là tù nhân chính
trị nên
trại cử một anh công an theo canh giữ, không ai dám đến gần bắt chuyện,
dù là
nhân viên y tá trong khoa. Tôi có lợi thế là làm công tác y vụ, tức bộ
phận
quản lý điều hành chuyên môn ở bệnh viện, nên có lý do tiếp xúc với ông
công
khai mà không bị ai dòm ngó. Ông than với tôi rằng chiếc mùng vải xô
của bệnh
viện phát bị thủng rách nhiều chỗ quá, muỗi chui vào cắn không ngủ
được. Thêm
nữa, tôi hỏi ông thèm ăn gì. Ông nói cá, cá… Nhà tôi ở xóm Phò Trì,
cách bệnh
viện 2 cây số, đi làm bằng chiếc xe đạp cọc cạch thường tuột xên, nhà
chỉ có
một chiếc xe này, may là vợ tôi đi dạy học ở một trường nhỏ gần nhà. Vợ
tôi mua
mấy lát cá thu, chỉ tẩm một ít gia vị, chút nước mắm nhạt vì bệnh ông
không
được ăn mặn. Hai lát cá thu vừa đủ trong một hộp nhựa để mang đi kín
đáo. Ông
ăn một cách ngon lành và trông ông hiền từ như ông Phật. Tôi gói mấy
đoạn chỉ
và kim may để ông vá lại các lỗ thủng chiếc mùng. Ông cứ loay hoay vá,
lại vá,
tôi hỏi bác làm gì nhọc vậy. Ông cười, quen rồi đời tôi cũng thế, phải
vá mãi!
Trong cái túi đồ dùng của ông có nhiều thuốc Tây ngoại và ma-gi (xì
dầu) cũng
ngoại, ông nói nhờ các con ở nước ngoài gởi về. Khi ông có chút tin
tôi, ông
mới nhờ tôi nhắn tin cho gia đình. Lúc ấy chỉ có viết thư điện tín ở
bưu điện,
chuyển bằng moọc tích tích te te. Hai ngày sau vợ ông, bà Nguyễn Huệ
Minh, đi
xe than từ Sài Gòn ra đến bệnh viện gần cuối chiều. Hai ông bà ôm chầm
lấy nhau
một cách tự nhiên ở ngay hiên khoa nội, làm ai cũng thấy lạ nhưng thật
bùi
ngùi. Tôi lén lút đưa bà về nhà tôi để tắm rửa và bàn chuyện bệnh tình
của ông
vì sau mấy ngày nhập viện bệnh ông có triệu chứng nặng hơn, theo chuyên
môn
phải chuyển viện, mỗi ngày phải dùng bơm tiêm lớn chọc dò, rút ra cả
lít dịch
axit từ màng bụng ông mới dễ thở. Chỉ báo lại trại Z30C, họ sẽ mang ông
ra bệnh
viện Phan Thiết thôi, là xong. Nhưng ra đó là chết và coi như chết
trong tù,
chôn cất theo tù… Tôi nghĩ đến điều đó phải xảy ra. Tôi không có một xu
hướng
chính trị nào, trước đây cũng vậy, dù cộng sản hay quốc gia, chỉ mong
đợi hoà
bình, bên nào cũng được… Hồi năm 1974, thiếu tướng Nguyễn Xuân Trang,
Tham mưu
phó Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà ký lệnh thuyên chuyển
số 11075
đẩy tôi về Bệnh viện Tiểu khu An Xuyên (Cà Mau) với lý do ghi rõ: "Có
tư
tưởng hành động chống chánh phủ cũng như chánh quyền địa phương”, cho
đến sau
ngày giải phóng tuy còn tiếp tục làm việc với ngành y nhưng không phải
yên ổn
gì, mỗi năm không ít hơn ba bốn lần khai lại lý lịch. Những câu hỏi của
cơ quan
an ninh từ một hồ sơ nào đó trong tàng thư của cơ quan Cảnh sát Việt
Nam Cộng
hoà để lại (sau này tôi biết có phiếu điều tra lý lịch của Ty Cảnh sát
Quốc gia
Bình Tuy lập 5/5/1974) ghi về mối quan hệ anh em giữa tôi với dân biểu
Trần
Ngọc Châu và điệp báo cộng sản Trần Ngọc Hiền (Trần Ngọc Hiền vào Nam
hoạt động
lúc Trần Ngọc Châu làm tỉnh trưởng Kiến Hoà tức Bến Tre và Hiền bị bắt
lúc Châu
là dân biểu Tổng thư ký Hạ viện). Sự thực Trần Ngọc Châu với tôi là anh
em cùng
mẹ khác cha, còn Trần Ngọc Hiền với Châu là anh em cùng cha khác mẹ.
Nhưng lúc
này Trần Ngọc Châu đã bị Tổng thống Thiệu bỏ tù, không liên quan gì.
Với Hồ Hữu
Tường, tôi ngưỡng mộ ông ở văn tài, con người minh triết, chứ tôi không
mê ông
ở phương pháp hành động. Truyện ngắn “Con thằn lằn chọn nghiệp” trong
tập Những
truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta (NXB Sóng, Sài Gòn 1974),
theo bà
Huệ Minh là truyện ông tâm đắc nhất. Phải chăng kiếp con thằn lằn có gì
đó là
hình ảnh của kiếp người ông đang cưu mang? Suốt đời lầm lũi tìm đủ
phương kế
ngăn chặn kẻ cuồng tín, u mê, tự hủy hoại, giết hại nhau… vì một mục
đích hão
huyền, lại cho đó là thiên đường! Chuyện kể trong tù, một hôm có người
tù trẻ
cùng phòng hỏi Hồ Hữu Tường: "Bác Tường ơi, bác biết tại sao từ thời
Pháp
đến Mỹ, rồi cả bây giờ bác cứ ở tù dài dài không?" – Ông nói, "Mày
trả lời giùm tao đi!" Anh ta nhanh nhẩu: "Dễ quá, Bác có tên là Hữu
Tường nên bác 'hưởng tù' dài dài thôi!" Ông trầm ngâm, "Có thể thằng
này nói đúng."
Như có cùng một suy nghĩ, bác
sĩ Thảo làm rất đầy đủ bệnh án của một bệnh nhân bị đe dọa tử vong bất
cứ lúc
nào. Bác sĩ Thảo học y khoa Huế trước giải phóng và sau giải phóng mới
tốt
nghiệp, rồi xin về Hàm Tân. Sau này lấy vợ cùng ngành rồi đi theo đường
bảo
lãnh qua Mỹ. Tôi nhanh chóng hoàn tất hồ sơ cho Giám đốc bệnh viện
Vương Xuân
Long ký với yêu cầu Z30C sớm đưa về chữa trị ở Sài Gòn, đây là một
ngoại lệ. Có
sự bàn bạc thế nào đó ở trại giam và họ báo với bà Huệ Minh phải làm
đơn bảo
lãnh xin đưa về Sài Gòn. Sau đó bà Minh về lại Sài Gòn và thay bà là
người em
gái của ông. Mấy ngày sau, Z30C có văn bản của Bộ Công an quyết định
tạm tha Hồ
Hữu Tường để đi điều trị. Có lẽ ai cũng tiên lượng được tình trạng bệnh
tật của
ông đã liền kề cái chết và cũng tránh dư luận xấu về cách đối xử với một nhân vật nổi tiếng nên dễ dàng có một
quyết định như thế. Được biết trước khi ông chuyển về trại Z30C, có
phái đoàn
Ân xá Quốc tế đến thăm hỏi và can thiệp. Có được giấy tạm tha, nhưng
người em
gái của ông, tuổi ngoài 60 chân quê, không tính toán được gì và tôi
phải làm
một cái gì giúp ông. Tôi gặp người bạn Nguyễn Phát Minh, anh có chiếc
xe tải
Daihatsu chở cá ướp đá chạy đường quốc lộ 46 – La Gi, giá xăng xe 200
đồng, để
gấp rút chở ông về Sài Gòn. Xe ghé nhà tôi lấy chiếc nệm giường cá
nhân, lót
lên sàn xe và lên bệnh viện nhận bệnh. Lúc ấy bác sĩ Nguyễn Văn Khánh,
chuyên
khoa răng - muốn về thăm nhà, tôi can thiệp để bác sĩ Khánh nhận làm y
tá
chuyển bệnh. Tôi báo lại cơ quan có việc nhà xin nghỉ phép, về nhà dắt
con gái
Bảo Vy 6 tuổi lên đầu dốc Tân An đón xe chở ông lên. Xe đến Tân Minh
thì trời
mưa tầm tã, phải dừng lại để kiểm tra khi qua mấy trạm quản lý thị
trường, vì
đây là loại xe thường chở hàng hải sản. Chai dịch truyền đong đưa dưới
mui xe
cạn dần và tôi phải tiêm cho ông mấy mũi campho… Xe đến Gia Định khoảng
5 giờ
chiều, hướng về nhà ông ở Đa Kao vì trước đây bà Huệ Minh nói nếu đưa
được ông
về Sài Gòn thì có mấy người bạn thân là bác sĩ Lương Phán, bác sĩ
Nguyễn Thị
Lợi chăm lo. Theo giấy chuyển viện, chỉ được chuyển đến Bệnh viện Chợ
Rẫy thôi,
nhưng tôi chuẩn bị thêm một giấy chuyển viện ký khống để dự phòng, với
ý định
ghé nhà để hỏi ý kiến vợ ông quyết định. Chỉ còn khoảng 100 mét quanh
qua góc
đường Trần Quang Khải là đến nhà, thì Hồ Hữu Tường tắt thở trên xe. Lúc
này
cảnh nhà trống vắng không có ai, mới biết bà Huệ Minh vừa ra Hàm Tân
hồi sáng
nay. Người em gái ông loay hoay cùng tôi và Minh khiêng xác ông vào
nhà. Tôi
chỉ kịp thấy căn nhà lầu bề thế, phòng khách có một bức tranh rất rộng
treo
trên tuờng. Chuyện tiền xe lúc này tôi không dám hỏi để trả cho Minh đổ
xăng
vòng về, nhưng có hỏi thì biết ai. Chúng tôi về Phú Thọ ngủ đêm ở nhà
em tôi và
sáng ghé qua nhà ông, bà Huệ Minh chưa thể về kịp, người em gái ông gởi
lại
tiền xăng cho Phát Minh… Từ ngày đó tôi không còn liên lạc gì, dù nhiều
lần về
Sài Gòn, vì không muốn vương víu đến chuyện nghĩa ơn. Sau này bà Huệ
Minh cho
tôi biết, khi bà từ Hàm Tân về nhà thì tin dữ đến với gia đình. Hồ Xích
Tú,
người con trai đầu của ông bà, bị bắt tại Bến Tre do vượt biên. Trước
giải
phóng, Tú là giám đốc Nha nhân viên Hàng không, nhưng trong những ngày
cuối
cùng Sài Gòn sụp đổ, Tú chần chờ cùng với cha ra đi, nhưng Hồ Hữu Tường
tin
rằng mình là người yêu nước, quyết định ở lại. Sau này nghe nhà báo Lê
Phương
Chi nói, đám ma Hồ Hữu Tường đông lắm, có nhiều người không dám nhập
vào đám
đưa tang mà âm thầm đi trên lề đường đưa tiễn. Anh còn gợi ý tôi viết
lại chi
tiết những ngày cuối của Hồ Hữu Tường, đó là một nhân vật đặc biệt kỳ
tài.
Khoảng
tháng sau, tôi nhận
được vài dòng thư của bà Huệ Minh: “Chú Chính, không biết lời nào để
nói hết
được lòng biết ơn của gia đình tôi đối với chú” kèm theo 30 đồng. Tôi
mới nhớ
lại, hôm bà ra chăm sóc ông, đến ngày phải về Sài Gòn bà lúng túng bảo
rằng
không còn tiền và tôi vét được 30 đồng đưa cho bà. Lương tôi lúc đó là
47 đồng,
tiêu chuẩn gạo tháng 13 kg nhưng trên 60% là độn bột mì hoặc bo bo… Nói
đến
chuyện cơm áo thời đó, có khi kể lại thì thế hệ trẻ bây giờ cho là cổ
tích,
hoang đường. Không đâu, có một gia đình, anh chồng làm nhân viên đưa
thư, vợ
nấu bếp cho cửa hàng thương nghiệp mà phải nuôi 6 đứa con. Tiêu chuẩn
mỗi gia
đình chỉ được 2 nhân khẩu lương thực ăn theo. Hai vợ chồng phải đưa
nhau ra tòa
ly dị (tất nhiên là giả) để có thêm tiêu chuẩn lương thực ăn theo! Thời
ấy còn
khổ lắm, những người trước đây sống bằng đồng lương công chức, làm lính
chế độ
cũ đối mặt với sự thay đổi, bị hụt hẫng nên rất sợ lao động ruộng rẫy
và không
có một việc làm nào để sống, lại phải đi vùng kinh tế mới âm u. Mà bám
vào một
tập thể cỡ hợp tác xã hay cơ quan nhà nước thì coi như một cái phao cứu
sinh.
Anh bạn Đỗ Hồng Hùng là dược sĩ Đại học Y Sài Gòn, bị động viên mang
lon trung
úy, nay xin làm xã viên hợp tác xã phân hữu cơ, ngày 4 tiếng đồng hồ
phải gầm
mình xuống Bưng Ngang, đỉa bám vào da, anh trân mình móc từng vốc bùn
trộn tro
rơm rạ chế biến phân bón. Mãi sau này bệnh viện mới nhận anh vào để
“pha chế”
thuốc Đông y. Trong bản lý lịch cá nhân luôn có phần kê khai hai, ba
người bạn
thân nhất, bóp bụng và dẹp sĩ diện lục tìm trong trí nhớ cho được người
bạn nào
đó có thành tích cách mạng, nếu đương chức quyền uy thì càng hay. Nói
đến điều
này, tôi lại tự hỏi mình, có những quan hệ với Hồ Hữu Tường trong tình
cảnh đó
có phải là “liều” lắm không? Trong lòng tôi khi ấy không có gì lưỡng lự
và thật
sự thấy rất nhẹ nhàng. Khi ghi lại những dòng này thì câu chuyện tưởng
mới đây
mà đã trôi qua 28 năm rồi, nghe đâu bà Nguyễn Huệ Minh cũng đã mất. Đời
người
sao ngắn ngủi quá!
La Gi
10/2008
Nguồn
©
2008 talawas