*





Bác Trụ, 

Đây là câu chuyện nguyên văn trích trong quyển Dieu est là, dehors của linh mục dòng Tên người Ấn Độ Anthony de Mello.

Loại chuyện này thì ai muốn kể sao cũng được..., ông Thiệp kể theo version tất cả sự kiện là do người bên ngoài đưa lại – dân làng cho – và thêm đoạn biến chất đàng sau: ông ta bắt đầu hay cáu gắt, hay văng tục và nói nhảm nhí, ông ta còn uống rượu, đánh người và đuổi theo các cô gái bằng tuổi con mình.

Câu chuyện Giữ cái khố thường được kể trong các dòng tu để nói đến việc đừng tạo thêm nhu cầu để sao nhãng công việc tu tập. Tu là để hoàn thiện con người mình, cứ xây thêm chùa, thêm đình, thêm nhà thờ rồi lấy lý do không có đình chùa thì không cầu nguyện được...

Một mặt khác cũng nói lên khía cạnh có thực mới vực được đạo..., chính nhiều khi trong điều kiện thoải mái như vậy mới giữ được tinh thần của mình, mới giữ được cái khố của mình....

 *

Giữ cái khố

Dieu est là, dehors, Anthony de Mello

Một vị thầy quá ngạc nhiên về tiến bộ thiêng liêng của một đệ tử nên ông thấy không cần hướng dẫn anh này và ông để anh sống một mình trong cái chòi nhỏ bên dòng sông.

Mỗi buổi sáng, sau khi tắm gội, anh phơi cái khố trên dây phơi cho khô.

Đó là gia tài độc nhất của anh!

Một ngày nọ anh đau khổ thấy lũ chuột đến cắn rách cái khố. Vậy là anh phải xin dân làng một cái khố khác. Nhưng rồi lũ chuột lại kéo đến cắn rách cái khố này. Anh xin một con mèo để nuôi.

Hết bị chuộc phá, nhưng bây giờ anh còn phải khất thực để nuôi mèo.

Anh nghĩ cứ đi xin hoài như thế này thì phiền cho dân làng quá, thôi thì nuôi một con bò.

Có bò thì phải có cỏ cho bò ăn.

Thôi thì phải trồng cỏ trên miếng đất chung quanh cái chòi này.

Bò, cỏ... quá nhiều việc, chẳng còn thì giờ để kinh kệ, thôi thì thuê tá điền đến làm việc.

Nhưng quản lý đám tá điền này cũng là cả một công việc lớn lao.

Thôi thì lấy vợ để có người phụ công việc.

 
Sau đó, anh trở thành người giàu nhất làng.

 
Năm tháng trôi qua, một hôm vị thầy có việc đi qua nơi ngày xưa là căn chòi của đệ tử, ông ngạc nhiên thấy căn chòi bây giờ là một lâu đài nguy nga. Ông hỏi các đệ tử đi cùng: “Không phải đây là chỗ ở ngày xưa của anh bạn các con đó sao?”

       Trước khi nghe câu trả lời, ông thấy người đệ tử ngày xưa đang đến chào ông, ông hỏi anh: “Cái gì thế này con?”

"Thầy sẽ không tin con, nhưng thầy ạ, đó là cách duy nhất để con giữ cái khố của con."

 Câu chuyện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong buổi phát thưởng giải Nonino Văn Học ở Ý.

 Ở nơi kia cây cối xum xuê, con người thuần phác có một đạo sĩ rất là thánh thiện. Ông ta ngồi viết văn, dạy trẻ con học và tự mình gieo trồng để lấy cái ăn. Mọi người đều quý mến ông, luôn đến hỏi ý kiến ông về mọi việc và ông thường cho họ những lời khuyên rất chí thánh. Cuộc sống của ông nghèo túng, ông chỉ trùm một cái chăn để che thân người. Khi ngồi làm việc, những con chuột hôi hám, quái ác vẫn thường chạy đến cắn rách cái chăn, chúng làm ông rất khổ sở bực mình. Thấy vậy, có một người đi qua thương tình bèn biếu cho ông đạo sĩ một con mèo để nó bắt chuột. Dân làng vốn thương ông nên thương luôn con mèo, họ vẫn thường mang sữa đến cho con mèo ăn. Một ngày kia, có một bà hành hương giàu có nghe tiếng thơm nhân đức của ông đạo sĩ bèn mang đến tặng cho ông đạo sĩ một con bò sữa để nuôi con mèo. Dân làng thấy vậy mới làm cho con bò một cái chuồng để nó có chỗ ở khi mưa khi nắng.

 - 'Nhưng bò có nhà mà đạo sĩ lại không có nhà! Để thế sao được?' - Dân làng nói với nhau như thế và họ xúm lại làm cho ông đạo sĩ một cái am nhỏ để ở. Từ ngày ấy, ông đạo sĩ không còn nhiều thời giờ để tu niệm và viết văn nữa, ông phải bận rộn để nuôi con bò, con bò lấy sữa nuôi con mèo, còn con mèo đi đuổi lũ chuột. Thấy ông đạo sĩ bận rộn không có thời giờ tu niệm và viết văn như trước, dân làng tốt bụng lại gửi đến cho ông đạo sĩ một người đàn bà để nuôi con bò. Thế là vị đạo sĩ đã có tấm vải che thân, đã có con mèo bắt chuột, đã có con bò cho sữa, lại có cả người đàn bà săn sóc cho cuộc đời mình. Nhà đạo sĩ không còn giữ được sự yên ổn ở trong lòng mình. Ông ta có hết cả rồi, ông ta trở nên đầy đủ như một phú ông. Ông ta lấy người đàn bà làm vợ. Ít lâu sau, ông ta bắt đầu hay cáu gắt, hay văng tục và nói nhảm nhí, ông ta còn uống rượu, đánh người và đuổi theo các cô gái bằng tuổi con mình.

 Con đường hạnh tu của ông đạo sĩ đến đây chấm dứt".

 Qua câu chuyện, nhà văn bày tỏ: "Tôi không hy vọng viết lại được câu chuyện của ông ngoại tôi theo một kết thúc khác nhưng quả thật tôi cũng thích có những vị đạo sĩ vừa viết văn được, vừa có chăn ấm, vừa có mèo, vừa có bò, lại vừa có người đàn bà hạnh phúc của mình. Thượng đế anh minh vẫn ban cho cuộc sống rất nhiều phép màu không ai biết được.