*





LƯU DÀY VÀ QUÊ NHÀ                                                     

  Tản mạn của Cao Thoại Châu

     Định hình ra cuộc đời một người đàn ông  và lái anh ấy sang những khúc quanh có khi tẻ ngắt, có khi gập ghềnh khúc khuỷu lênh đênh nào đó, than ôi, lại chính là đàn bà (cô gái, phụ nữ...)! Họ hiện đến rồi có thể ở lại suốt đời thành con tàu nằm trên sân ga sét rỉ dần với thời gian ,mà cũng có thể chỉ dừng lại đôi chút để khi con tàu rú còi đi bỗng có một người đàn ông chới với thấy hồn mình vuột theo con tàu đi mất.Thành ra đàn ông chỉ to cái xác nhưng cái hồn thì cũng thật mỏng manh! Cũng may, đàn bà cũng chỉ là một trong những con tàu lướt sóng đi qua! Còn những thứ hớp hồn khác nữa.

      Những năm chập chững đi trên hành lang đại học, cũng không rõ do đâu và vì sao chạm trán với “Lưu đày và Quê nhà” (L’Exile et le Royaume - tiểu thuyết Albert Camus) và “người đàn bà” ấy cuốn mất hồn khi nào chẳng biết nhưng đây không phải người đàn bà mang đến đam mê thụ hưởng mà là những day dứt khôn nguôi.Là lúc ấy, quê nhà - một vùng biển đã bỏ đi từ khi lên tám không bao giờ còn có cơ gặp lại. Sống giữa đô thành của vùng đất phương Nam sôi động, nóng bỏng, nhanh nhạy, không có chỗ cho một đứa mơ mộng.Mọi thứ đều xa lạ, không còn đâu những chiều cuối năm co ro đi học trong cái giá rét, đêm ba mươi chỉ còn là một đêm hơi khác những đêm khác, và cái “chỉ hơi khác” này lại cứ luôn nhắc hai chữ “quê nhà” vốn là thứ để kiêu hãnh tuổi thơ có đất sống và vươn cao thành thực phẩm nuôi một đời người. Đói quê nhà, ngừơi cũng tóp teo như đói cơm áo, nào có khác gì.

Thiếu quê nhà là thiếu những gì vậy nhỉ? Là không được đi chân đất, không được ngửi mùi chợ quê lúc đang phiên và cả lúc người quét chợ đang gom rác rưởi, cái mùi không phải bịt mũi vì thực ra nó sạch lắm, dễ chịu vô cùng vào những phiên chợ tết.Quê nhà in sâu trong trí tưởng của đứa bé làm sao đã có thể là văn hoá làng quê, chỉ sơ khai là cái mùi quê, mà sau mùi chợ quê là mùi khói bếp rất ấn tượng cho cả thị giác và khứu giác,có đi xa ngàn dặm cũng khó kiếm được một thứ mùi thay thế cho nó tương xứng bởi vì nó lặn sâu vào cả tiềm thức rồi.

      Cuốn sách đầu đời không giống như mối tình đầu đời.Tình đầu đời do một cặp xây nên nhiều khi chỉ là nhắm mắt xây càn trên cát biển. nước và gió cuốn đi, ngơ ngác một chút, tổn thương một chút hoặc “bù lu bù loa” một chút rồi cũng thôi, cái đẹp của sự vụng dại đôi khi là cái đẹp thổi phồng, một thứ bong bóng như bong bóng nhà đất hôm nay. Chứ còn cuốn sách chạm trán lúc đầu đời như cái cuốn của Camus (và mỗi người mỗi cuốn) nêu trên thật không khác quốc ấn  đóng trên sắc phong của một đấng minh quân nào đó.Quê nhà luôn nằm trong trí tưởng, nơi cứ tin là có thực và cứ mộng quay về vì chỉ nơi đó mới bình yên, nơi mà vào những hoàng hôn phủ xuống sa mạc, đứng nhìn mà chẳng biết quê nhà phương nào, chỉ biết nó không phải nơi đang đứng! 

Nơi đang đứng mà Camus gọi là chốn lưu đày ,không có cái co ro trong những ngày gió lạnh, không có bãi  lầy phơi ra những buổi chiều nuớc rút , và lũ thông vô tư không ai trồng - thì trời trồng cho-và dãy đồi cát chạy dọc bờ biển không ai đem đất mà đắp - thì trời đắp cho - như bao bọc những xóm nhà phía sau.Về thành  nơi phương xa xứ lạ mất đi cái cảm giác yên ổn này.Lưu đày là thế và bắt đầu như thế. Những ngôi trường, căn nhà, những năm lón lên bầm dập, nhạt nhẽo, lạc lõng tuổi thanh niên, những mối tình thoáng đến rồi thoáng vụt đi như cầm con chim trên tay. Chốn lưu đày không có những sợi dây ràng buộc thiết tha, mọi thứ chỉ ở bên ngoài không lặn đựơc vào trong. Nhân vật Camus một lúc nào đó như chợt hỏi: Sao lại ở dây? Đô thành đất khách quê người những năm leo cầu thang đại học và sau đó leo những chiếc “cầu khỉ” đi tìm cơm áo cũng nhiều lần câu hỏi bị nén chợt bùng lên, trở lại trong tâm tưởng. Và không trả lời được, ngay cả khi cảm nhận điều gì đó bị tổn thương của kẻ lưu đày.Yêu một vài người con gái, giao du rất ít, thân thiết còn ít hơn ,lấy một người nào đó và tháng tháng ký tên vào sổ luơng... cũng hình như là những thứ mà chốn lưu đày trao cho kẻ tha hương! Cả những hệ luỵ xảy cho cũng dường như là xảy cho kẻ lang thang trong những ngày ở tạm.

      Và quê nhà ở đâu, có phải ở một ngừời (cuối cùng?) ngẫu nhiên lướt sóng qua đời, và đi hẳn, tất- nhiên- không-thể-dừng dù chỉ như một trạm nghỉ chân? Bao năm không nguôi được những gì mà cuốn sách đầu đời mang đến như mang cho cái nghiệp.Và bao năm ,cái làng quê vùng ven biển trao cho những năm chập chững để sau đó bước vào cả một cuộc đời không ít hệ luỵ chết người trong chốn lưu đày, hẳn đã không còn nhớ có một đứa con sinh ra từ đấy? Chỉ biết, truyện xưa có Trình Giảo Kim mỗi khi ra trận thua xất bất sang bang lại cầm búa về úp mặt xuống hôn lên đất quê nhà, trở lại chiến trường và thu một trận thắng lớn!

     Nghe tin một cơ quan quốc tế đã chọn quê nhà làm khu bảo tồn sinh quyển thế giới, có ai bảo tồn cho sự bội bạc của một kẻ đi xa không còn khi trở lại quê nhà ? Với Camus, Lưu đày và Quê nhà như một thân phận làm người ?
 

Bản quyền Phongdiep.net