TÌM
TRONG “ ĐÔI BẠN ” NHỮNG THỨ... SẮP BẮT
ĐẦU!
Cao
Thoại
Châu
Mười ba tuổi tôi đã có “thâm niên” lang thang ở Hà Nội đựơc 4 năm. Sống
xa nhà, xa vòng kiềm toả của một đại gia đình phong kiến giàu có thuộc
một vùng quê biển, lại thêm trời Hà Nội những buổi vào thu cứ mơ màng
đến nỗi không ai dám nói lớn sợ kinh động một giấc ngủ cần có sự êm
đềm,những lúc chớm đông lại cứ như ép người ta quay trở ngược vào
trong, thanh lịch và yên tĩnh thì không đâu bằng, nên một lúc nào đó
tôi chợt nhận ra trí tưởng tượng của mình bỗng nhiên có đôi
cánh...Nhưng mãi năm mười sáu khi vào lớp đệ Tứ ở Sài Gòn, đôi cánh ấy
mới thực dài ra trông thấy, ấy là lúc chúng tôi được tiếp xúc với văn
chương Nhất Linh, không phải sự tiếp nhận từ công chúng văn chương , mà
từ chính trường học. Nhất Linh có hai tác phẩm được dạy trong nhà
trường cho lớp tuổi mà nay đã trên dưới bảy mươi. “Đôi Bạn” ở đệ tứ,
“Đoạn Tuyệt” khi ngồi lớp đệ nhị ( 9 và 11 ngày nay).
Trước
hết, trong cách dạy văn ở Sài Gòn, tác phẩm được đặt cao hơn là tác
giả. Học sinh chỉ biết say mê theo nhân vật, theo những câu văn tuyệt
vời mà không nhập tâm nhiều thứ về tác giả.Chỉ biết vỏn vẹn có hai chữ
“Nhất Linh” mà không ấn tượng gì nhiều về “Nguyễn Tường Tam” người sinh
ra tác phẩm ấy.
Bị cuốn hút bởi những câu văn như chỉ có trong mơ và về sau đọc “Đôi
Bạn” như một người tìm kiếm, với vỡ ra nhiều điều.
Năm 1937 Nhất Linh viết “Đôi Bạn” khi ông 32 tuổi, một trí thức Tây học
sống vào buổi giao thời giữa cũ - mới, nho phong - tây học, một xã hội
đang có những lớp băng tan dưới chân lớp nho sĩ nhưng cũng chưa thật sự
chấp nhận nội dung mới.Vì thế, có thể thấy “Đôi Bạn” là một tiểu thuyết
xã hội, bởi nó đề cập đến nội tình một xã hội với sự bất công và nhất
là tính phi lý của tầng lớp giàu. Nhân vật Dũng con một ông tuần phủ
bắt đầu nhận ra “chàng nơm nớp lo sợ sự giàu sang là cái hàng rào ngăn
không cho các bạn yêu mình”. Từ bao đời, nghèo giàu vẫn có một khoảng
cách nhưng Nhất Linh là người đầu tiên đưa ra ánh sáng với tư cách một
nhà văn mang cảm quan của tầng lớp trí thức về cái nhục của tầng lớp
quan lại. Thật đáng cảm phục ông, và thế hệ trẻ thời trên nửa thế kỷ
trước, khi học “Đôi Bạn” đã không ít người nhói lòng đau cho những số
phận nghèo chính là nhờ một chàng Dũng: “Sự giàu sang đối với mình bấy
lâu sao lại như là một sự nhục”. Dũng - hay là Nhất Linh, hay là lớp
trẻ thành thị dạo đó- cũng chỉ mới dừng lại ở đấy. “Đôi Bạn” là truyện
của những cái sắp bắt đầu, như những cái mầm sắp nhú, là phác thảo
những chuyển dịch của xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc có những
thanh niên cấp tiến muốn thoát ly những thành kiến hủ lậu, độc đoán đã
trói buộc cả một lớp thế hệ thanh niên. Dũng yêu Loan, cô gái nghèo
hàng xóm, biết là gia đình sẽ không cho lấy nhưng vẫn cứ yêu, gia đình
ép Dũng lấy một tiểu thư xinh đẹp con một ông quan to, Dũng không chấp
nhận sự gò ép, chàng phản đối tiêu cực, lẳng lặng cùng một người bạn
thân trốn sang Tầu dấn thân vào cuộc đời mà chính chàng cũng chưa có
kịch bản. Con nhà quan, nhưng khác với anh em trong nhà, chàng xấu hổ
vì giai cấp quan lại của mình, bạn bè chàng toàn là những người nghèo
khó, nhiều người dấn thân làm cách mạng.
Nhưng
chưa thể nói là có điều gọi là “ý thức giai cấp”.Và bởi suy nghĩ của
Dũng chỉ mới ở chỗ bắt đầu - mọi chi tiết khác trong Đôi Bạn đều như
thế cả - cho nên sự “thoát ly” của anh cũng đành là thoát ly ra khỏi
một “sự nhục” mang hoàn toàn một giải pháp cá nhân, một cá nhân lãng
mạn. Khác với những tiểu thuyết khác, cuộc sống được phơi bày nhiều khi
bi thảm, bế tắc, trong “Đôi Bạn”, ngay vào cái đêm ở bên ngoài có những
đứa trẻ nhặt lá bàng trong gió lạnh thì,trong một căn phòng ấm cúng
trước mắt tác giả mới là những trang giấy trắng và để thắng được sự
chần chừ, nhà văn “viết liều một câu” lên đó “Trời muốn trở rét...”
Con trai một ông tuần phủ kết giao với những người bạn làm “quốc sự”
chỉ vì không thể nối tiếp hai người anh (Trường và Đính) như “những
viên đất nhỏ và lũ kiến”, để lại sống một “cuộc sống vô vị và ngày nọ
tiếp ngày kia”.Cuối cùng thì chính Dũng cũng tìm cách sang Tầu ( như là
đi làm quốc sự) nhưng là “Miễn là thoát được”. Thoát cái gì ? Lũ mật
thám ? Không hẳn, “còn phải thoát được hết những dây ràng buộc mình với
đời cũ”! Ở giây phút Dũng và người bạn vốn vô tư lự nhất (Trúc) đã có
mặt ở biên giới vào một chiều gây gây như chiều Hà Nội thì ngay thời
khác đấy khó ai không rung động vì ngòi bút lãng mạn của tác giả:
“Tiếng nhạc ngựa ở đâu vẳng tới, giòn và vui trong sự yên tĩnh của buổi
chiều. Trước mặt hai người, về phía bên kia cánh đồng, ánh đèn nhà ai
mới thắp, yếu ớt trong sương, trông như một nỗi nhớ xa xôi đương mờ
dần...” .Ngoại cảnh thì thế, còn trong lòng “tráng sĩ” tất nhiên là cô
Loan, người Tây học, người hàng xóm, người chàng yêu (và yêu chàng)
nhưng, thêm một lần, như là một tình yêu...sắp sửa ngỏ để rồi im lặng
mà đau khổ! Được đau khổ sung sướng hơn được yêu? Chỉ có những trái tim
thuộc những năm 30, 40, 50 thế kỷ trước mới mưu cầu nỗi đau vô cớ này!
Hai trái tim “Tây”, cô gái lại là người mạnh mẽ, thì rào cản họ không
gì khác hơn là sự lãng mạn không chịu được sự xụp đổ ê chề như Vũ Hoàng
Chương -người cùng thời- viết “Vừa xịch gối chăn mộng vàng tan biến”.
Người
nào đó có thể lãng mạn...cho đến ngày vĩnh viễn ra đi, và nếu có cái
may đọc được một số những tác phẩm “đồng điệu” viết vào thời Tự Lực Văn
đoàn, cũng phải thú thật ít có gặp một thứ văn chương nào nhẹ nhàng, tế
nhị và quyến rũ như văn trong “Đôi Bạn”.
Có
thể không ngoa khi nói “Đôi Bạn” là tiểu thuyết hay nhất trong văn
nghiệp của Nhất Linh. Lãng mạn ở cách xử lý câu chuyện tình, lãng mạn ở
xu hướng thoát ly đi tìm một cái mới chưa thực sự định hình và vô
cùng lãng mạn, trong sáng và trau chuốt ở những câu văn rất bình dị
không cầu kỳ, không Tây.Có biết bao nhiêu câu như câu này trong “Đôi
Bạn”: “nền trời lúc đó,Dũng thấy như một tấm lụa trong; một con bướm
trắng ở vườn sau bay vụt lên cao rổi lẩn vào màu trời. Dũng tự nhiên
nghĩ đến một bãi cỏ rộng trên đó Loan và chàng, hai người cùng đi ngược
lên chiều gió, nàng mặc một tấm áo lụa trắng và gió mát thơm những mùi
cỏ đưa tà áo nàng phơ phất chạm nhẹ vào tay chàng êm như những cánh
bướm”.Hoặc đây là một bến đò vùng quê bình thường : - Bến đò không buồn
lắm, buồn nhất là những cái quán xơ xáx của các bến đò.Mình là những
cái quán ấy, đứng yên trong gió lạnh nhìn cuộc đời trôi qua trước mặt”
Trong “Đôi Bạn” có nhiều đôi bạn, mà tình bạn nào cũng chưa bày ra
thành hiện thực, chỉ mới như nụ hồng hàm tiếu, bởi thế rất trong ngần,
tinh khiết!Những thứ ấy cũng như sự tinh khiết trong ngần và mới mẻ đầy
sức biểu cảm của tiếng Việt mà Nhất Linh đã trau chuốt thành công khi
ông cầm đầu nhóm Tự Lực Văn Đoàn và nhất là với tác phẩm mà chúng ta
đang nói tới. Bản thân người viết, đôi cánh lãng mạn như được mọc dài
ra mãi cho đến nay, dù không có được sự tinh khiết trong ngần của văn
Nhất Linh nhưng ít ra cũng là vươn tới một điều gì như thế trong “Đôi
Bạn”