*

 


alt


Bản nhạc này đúng là thần sầu!

Nỗi đau mù lấp trên tuổi thơ!

Đúng cái ý của Brodsky, về thơ Akhmatova, về 1 điều mà nhạc sến cũng có thể làm được:

Ở đỉnh cao của thời Khủng Bố Stalin, nhà thơ Nga Anna Akhmatova - đã là một tiếng nói mãnh liệt của thế hệ của bà - bắt đầu trước tác một vòng thơ tang mà bà gọi là Kinh Cầu. Tuy luôn sống trong nguy hiểm, và bị cấm in thơ, nhưng bà từ chối rời nước Nga. Kinh Cầu được đọc thầm, từ tai người này qua tai người khác, cho tới khi được xb tại Munich vào năm 1963, nhà thơ không biết điều này. Tuy chỉ là kể lại những nỗi đau đớn cá nhân, tiếp theo sau cái chết của chồng, và con trai bị cầm tù, nhưng đây là một trong những bài thơ chứng tích vĩ đại nhất của thế kỷ.

Nhà thơ Joseph Brodsky đã viết về Kinh Cầu: "Ở vào một vài giai đoạn của lịch sử, chỉ có thơ mới có thể chơi ngang ngửa với thực tại, bằng cách nhét chặt nó vào một cái gì mà nhân loại có thể nâng niu, hoặc giấu diếm, ở trong lòng bàn tay, một khi cái đầu chịu thua không thể nắm bắt được. Theo nghĩa đó, cả thế giới nâng niu bút hiệu Anna Akhmatova."

[Kinh Cầu được "Thư Viện Công Cộng New York" coi là một trong 100 tác phẩm của thế kỷ, bản in 1996, nhân dịp kỷ niệm 100 năm của thư viện này. Trên đây là bản dịch lời giới thiệu của Thư Viện nói trên]

Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn
Chợt nghe mùa thu bay trên trời không
Còn ai giữa mênh mông đời mình
Nỗi đau mù lấp trên tuổi thơ... 

Phố vẫn hoang vu từ lúc em đi
Rồi trong mưa gió biết ai vỗ về
Bàn tay nào đưa em trong lần vui
Bằng những tiếng chim non thì thầm
Cho ngày tháng ưu phiền em quên...

Tình trong cơn ngủ mê
Rồi phai trên hàng mi
Chợt khi mình nhớ về
Mộng thành mây bay đi
Còn gì trên đôi tay
Nên thầm hờn dỗi mình
Cho tình càng thêm say 

Tiếng hát ru em còn nuối trên môi
Lời nào gian giối cũng xin qua rồi
Để lỡ ngày sau khi ta cần nhau
Còn nuôi chút êm vui ngày đầu
Cho mình mãi gọi thầm tên nhau...!

Tks. NQT
 
Cuộc đời như dòng sông, sông có khúc, người ta có lúc...
nhưng cuối đời là cái quan trọng nhất.
 
Và NS Trường Sa được cuối đời như lời ông nói như vậy,
đó là điều ai cũng mơ ước cho chính mình.
 
 
 

        Nhạc sĩ Trường Sa và niềm Hạnh Phúc cuối đời

                                                                   Tuần San TV

alt


Nhiều người – trong số có cả các con ông – đã tỏ ra mừng cho tác giả của những ca khúc tình cảm nổi tiếng như Rồi Mai Tôi Đưa Em, Một Mai Em Đi, vv... khi được biết ông đã tìm được người chia sẻ buồn vui mà ông cho là niềm hạnh phúc cuối đời của mình, 11 năm sau khi người vợ đầu và là mẹ của 4 người con với ông qua đời trong một tai nạn thảm khốc tại Việt Nam, sau hơn 3 năm được qua đoàn tụ với ông và các con.

Nhạc sĩ Trường Sa đã chính thức ra mắt niềm hạnh phúc nhỏ nhắn và dịu dàng mang tên Võ Thị Nguyệt của ông vào ngày 24 tháng 8 năm 2007 trước một số thân hữu bằng một bữa tiệc thân mật và ấm cúng tại Montreal. 

Trong một lần nói chuyện với người viết, ông đã tâm sự về cuộc đời bồng bềnh trôi nổi của mình, một thiếu tá trong binh chủng Hải Quân Việt Nam Công Hòa. Từ những ngày thơ ấu cho đến khi lập gia đình. Từ những chuyến vượt biên gian truân đến khi đặt chân lên mảnh đất Canada tự do. Từ “những thu qua một mình ta” để kết thúc bằng niềm “hạnh phúc hôm nay” của ông (1)...

Nhạc sĩ Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn, sinh năm 1940 tại Ninh Bình. Năm 12 tuổi, ông theo chân bố, lúc đó phục vụ trong quân đội, đi đó đây. Vì vậy việc học vấn không được liên tục. Đến khi về tới Thanh Hóa, thân phụ ông gửi ông ở trọ nhà một người quen ở Điền Hộ để tiếp tục rong ruổi cuộc đời chiến binh. Trong khi đó thân mẫu ông lại về sống với gia đình bên ngoại. 

Tại Điền Hộ, ông theo học một trường Công Giáo. Và với trí thông minh sẵn có, ông đã hấp thụ được thêm nhiều kiến thức, đặc biệt là căn bản âm nhạc từ một thầy Năm của giáo xứ này. Trong thời gian học nhạc, Trường Sa luôn được ông thầy Năm khen ngợi là một học sinh giỏi. 

Hình như ông có một năng khiếu bẩm sinh đặc biệt về âm nhạc nên đã khiến thầy dạy rất ngạc nhiên với với khả năng xướng âm rất chỉnh. Ngay cả khi lên giây đàn guitar, ông cũng không cần bấm để thử mà chỉ cần nghe cũng đủ. 

Đến năm 1954, do lời nhắn của ông bà nội, Trường Sa đã đi bộ trên 30 cây số từ Điền Hộ để về nhà ở ven sông Đáy. Về đến nơi, ông được bà nội nói lên gặp bố gấp ở Ninh Bình. Thế là ông lại vất vả đi bộ thêm 20 cây số để tìm bố. Cũng may, ông tìm ra được nơi thân phụ ông đóng quân. Bố con mới gặp nhau hôm trước, hôm sau cả hai đã phải dắt díu nhau theo Sư Đoàn 2 Dã Chiến ra Hải Phòng để lên tầu vào Nam sau thời gian đất nước bị chia đôi.

Thoạt đầu, hai bố con đặt chân tới Nha Trang. Sau đó, cùng di chuyển theo đoàn quân, tới nhiều nơi ở miền Trung khác như Khánh Hòa, Hòn Khói, vv... và cuối cùng là Đà Nẵng vào năm 1957, cũng là năm thân phụ ông được giải ngũ. Cũng tại thành phố này, ông đã gặp lại mẹ khi bà lần mò vất vả ngược xuôi để đi tìm bố con ông từ năm 1954. 

Cũng nên biết trong thời gian ở Đà Nẵng, Trường Sa đã từng dạy nhạc cho một số trẻ em ở đây, trong số có Vũ Thái Hòa, một nhạc sĩ kiêm họa sĩ nổi tiếng hiện cư ngụ tại Paris. Sau khi được đoàn tụ, gia đình ông xuôi nam, vào sống ở Thủ Đức. Nhưng Trường Sa cũng không được sống gần bố mẹ lâu, vì mẹ ông phải theo chồng xuống tận Cà Mau cùng với một người con trai vì bố ông xin được việc làm ở Sở Thú Y. 

Trường Sa được bố mẹ giao cho người bác là chị của mẹ ông coi sóc để được tiếp tục con đường học vấn. Sau khi học hết trung học đệ nhất cấp ở trường bán công Thủ Đức, ông lên học trường Nguyễn Văn Khuê ở Sài Gòn. Do đó ngày nào cũng đi đi về về giữa hai nơi. Cũng trong thời gian này, Trường Sa càng ngày càng tỏ ra say mê âm nhạc, lúc nào cũng không rời bộ sách hướng dẫn về lý thuyết âm nhạc, phối âm và sáng tác “Traité Dubois” để nghiền ngẫm. 

Do đó, ông đã tập tễnh viết nhạc phẩm đầu tiên ngay từ năm 1957 với tựa đề Mây Trên Đỉnh Núi theo điệu Tango. Lúc đó ông chưa dùng tên Trường Sa mà đề tên một người xướng ngôn viên của đài phát thanh Đà Lạt mà ông rất có cảm tình. Nhưng vài năm sau đó, khi lớn lên ông đã nhận ra nhiều điều ông cho là ngây ngô của nhạc phẩm đầu tay của mình...

Tuy nhiên Mưa Trên Đỉnh Núi cũng từng được xuất bản và được trình bầy bởi tiếng hát Thanh Lan mà nay chính Trường Sa cũng không còn giữ một dấu tích gì về ca khúc đầu đời này.

Sau khi đậu Tú Tài 2, Trường Sa ghi tên theo học Đại Học Khoa Học. Nhưng cũng đúng vào thời kỳ đó, lệnh động viên được ban hành. Biết rằng chẳng bao lâu nữa cũng sẽ đến lượt mình lên đường nhập ngũ, nên Trường Sa bỏ học ngang để xin đi dạy học ở Kiến Hòa, tại trường trung học bán công do linh mục Phạm Bá Nha làm hiệu trưởng, nhờ sự quen biết của một người họ hàng xa...

Đến năm 1963, Trường Sa tuy được nhận vào trường Sĩ Quan Đà Lạt, nhưng cuối cùng đã quyết định chuyển qua thi vào khóa 12 Hải Quân tại Nha Trang.



Trường Sa, thời kỳ phục vụ trong binh chủng Hải Quân VNCH

Tính cho đến lúc đó Trường Sa vẫn chưa viết thêm được nhạc phẩm nào, ngoài việc dành thì giờ còn lại cho việc nghiên cứu về lý thuyết âm nhạc và phối âm. Ông chỉ âm thầm học lấy một mình. Nhờ năng khiếu bẩm sinh nên học đến đâu hiểu đến đó không lấy gì làm khó khăn.

Trong thời gian đầu tiên theo học khóa 12 Hải Quân Nha Trang, tình cờ Trường Sa gặp Mỹ Lan, người sau đó trở thành vợ ông, qua một chương trình văn nghệ tổ chức giúp vui cho các khóa sinh. Một trong những nghệ sĩ trình diễn hôm đó là Mỹ Lan, một thành viên trong ban vũ thiết hài Nguyễn Thống, rất được yêu thích vào thời đó... Hai người gặp nhau và “thế là dính luôn!”, như ông nói, để đi đến quyết định chung sống với nhau.

Với lon thiếu úy trừ bị sau khi ra trường vào tháng 4 năm 74, Trường Sa cùng Mỹ Lan mướn một căn nhà trên đường Nguyễn Duy Dương, gần chợ An Đông, ở chung. Khoảng gần một năm sau, hai người mới chính thức trhành hôn. Tiệc cưới được tổ chức tại nhà hàng Đồng Khánh với sự tham dự của một vài anh chị em nghệ sĩ, với sự chứng kiến của song thân ông và người bác. 

Cho đến lúc đó, Trường Sa vẫn chưa tiếp xúc nhiều với giới nghệ sĩ. cho đến lúc ông phổ biến nhạc phẩm Một Lần Xa Bến do Nhật Trường thu thanh trên đĩa nhạc của hãng Việt Nam. Từ đó, ông mới có được sự liên lạc rộng rãi hơn. 

Đó cũng là thời gian ông giữ chức vụ hạm phó tầu tuần duyên Trường Sa là tên ông dùng để ký dưới những sáng tác của mình thay cho tên thật mà ông thú nhận là rất bất mãn khi được bà nội đặt theo lối xưa, tức sinh năm nào lấy tên con Giáp năm đó để đặt tên. Ông sinh năm Thìn, ghép với họ Nguyễn thành tên thật là Nguyễn Thìn.

Ông dùng tên Trường Sa lần đầu tiên với nhạc phẩm Một Lần Xa Bến, trong khi đến lúc đó, chính vợ ông vẫn không biết ông là một nhạc sĩ sáng tác. Sau sự thành công của Một Lần Xa Bến, Trường Sa có dịp quen biết thêm với giới nghệ sĩ sáng tác. Trong số có Từ Công Phụng, Châu Kỳ, Thanh Sơn, vv... cũng như ông Đỗ Hiếu Cam, giám đốc hãng đĩa Thiên Thai là hãng đĩa đã thu thanh những nhạc phẩm Xin Còn Gọi Tên Nhau, Chuyện Người Đan Áo của ông. 

Với nhạc phẩm sau, phần trình bầy của Nhật Trường đã làm say mê người yêu nhạc, cũng như với nhạc phẩm Hành Trang Giã Từ thu thanh dười nhãn hiệu Việt Nam. Nhận biết được khả năng của Trường Sa, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã khuyến khích ông hướng về việc sáng tác những nhạc phẩm tình ca, thay thế cho những nhạc phẩm tình cảm đại chúng mang âm điệu Bolero ông viết trước đó...

Thật ra bài tình ca được ông thai nghén đầu tiên là Rồi Mai Tôi Đưa Em. Nhưng lại được tung ra sau vào năm 1969, cùng năm với Xin Còn Gọi Tên Nhau. Bởi lý do ông đã viết Mùa Thu Trong Mưa rất nhanh, chỉ trong vòng mấy tiếng. Trong khi Rồi Mai Tôi Đưa Em viết về một sự liên quan tình cảm của chính mình đã được trau chuốt đến cả 2 năm trời. Qua đến đầu thập niên 70, Trường Sa lại viết thêm một số ca khúc tình cảm khác, trong số nổi bật hơn cà là Một Mai Em Đi. 

Sau khi lập gia đình với Mỹ Lan, Trường Sa đã không để vợ đi trình diễn vũ thiết hài, mặc dù được nhạc sĩ Hoàng thi Thơ mời cộng tác với chương trình văn nghệ của ông tại sân khấu Maxim’s. Hai vợ chồng ông vẫn sống một cách thanh đạm trong một căn nhà mướn tồi tàn, với bề rộng 4 thước và chiều dài 20 thước trên đường Nguyễn Duy Dương. Mặc dù có thời gian làm chỉ huy trưởng đơn vị trong 6 năm, nhưng ông vẫn ở trong căn nhà thuê ghi dấu nhiều kỷ niệm êm đềm đó. Là nơi 4 người con của vợ chồng ông – ba gái, một trai - lần lượt chào đời. 

Như bao sĩ quan trong quân lực VNCH khác, Trường Sa với cấp bậc thiếu tá hải quân, cũng phải đi tù cải tạo sau biến cố tháng 4 năm 75. Mãi đến năm 1984 ông mới được tha về. Trong suốt thời gian bị giam cầm, ông chỉ sáng tác duy nhất một bài mang tựa đề Những Người Tù Hôm Nay, không được phổ biến đến người nghe sau này. Thời gian đó đối với Trường Sa, ông tâm sự đã rơi vào tình trạng chán nản, vô vọng tưởng như sẽ không còn sáng tác nhạc nữa.

Sau khi ra tù, tình trạng chán nản vẫn tiếp tục đeo đuổi ông khiến ông sống một cuộc sống ông cho là “chỉ ở nhà nấu cơm cho vợ”, trong khi chị Mỹ Lan vất vả lao đầu vào nhiều công việc tạm bợ để kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình trong một hoàn cảnh rất ngặt nghèo. Nào là mua bao nylon dơ về giặt sạch rồi bán ra, nào là bán radio cũ ngoài chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, vv...

Trường Sa cho biết trong những năm tháng đó, ông không nghĩ đến chuyện gì khác ngoài chuyện tìm đường vượt biên để tương lai các con được sáng sủa hơn. Tuy nhiên dịp may chưa đến với gia đình ông khi từng nhiêu lần vượt biên nhưng bất thành. Đến năm 86, ông lại một lần nữa cùng cô con lớn và cậu con trai vượt biên từ Nhà Bè, nhưng lại bị bắt khi gần ra đến hải phạn quốc tế. Riêng cô con gái bị lạc không lên tầu được nên thoát. 

Ông bị đánh đập tàn nhẫn khi công an khám phá ra ông là một sĩ quan cấp tá, nhưng khai là một người thợ vẽ dưới tên Trường Sa. Người con gái ông vì do đi lạc, không lên tầu được nên thoát về nhà. Còn người con trai bị giam ở một nơi khác, sau đó nhờ vợ ông chạy chọt nên được cho về. Riêng ông bị giải về Mỹ Tho và bị tống giam vào xà lim trong suốt 45 ngày! Mãi 2 năm sau ông mới được tha về từ một trại tù chật chội và dơ bẩn, nơi giam giữ những người bị bắt về tội vượt biên.

Vài tháng sau, Trường Sa may mắn được chấp thuận cho đi cùng 3 người con theo một đường giây tin cậy, để lại vợ và người con gái lớn. Bốn bố con đặt chân lên đảo Pulao Bidong ngày 17 tháng 4 năm 1989, chưa đầy một tháng sau khi lệnh đóng cửa trại tỵ nạn được áp dụng. 

Do đó bốn người lại phải chờ để được thanh lọc suốt 28 tháng trời trước khi được chính phủ Canada bảo lãnh vì Trường Sa có một người em ruột sang đây từ trước. Trong thời gian dài chờ đợi trên đảo Pulao Bidong, Trường Sa chỉ sáng tác được vỏn vẹn 2 nhạc phẩm: Xin Yêu Nhau Dù Mai Nữa và Đưa Em Bên Cầu Nhung Nhớ.

Bốn bố con dắt díu nhau đặt chân tới thành phố Regina, tỉnh bang Saskatchewan của Canada vào ngày 30 tháng 8 năm 1991. Để chỉ vài ngày sau, Trường Sa đã tiến hành thủ tực bảo lãnh vợ từ Việt Nam. Trong khi chờ đợi ngày đoàn tụ, ông xin được việc trong một tiệm làm bánh ngọt nên đã học được nghề này. Hơn một năm sau, Trường Sa được người bạn cũng là một sĩ quan hải quân tên Ngô Sanh rủ về làm cho cơ sở sản xuất nước mắm của ông ở Newfounland. Ông nhận lời qua đó cùng hai người con gái, trong khi con trai ông đã tìm được việc làm ở Tillsonburg, tỉnh bang Ontario, cùng một lúc đi học tại đây. 

Vì cơ sở sản xuất nước mắm của ông Ngô Sanh không có cơ hội phát triển, hơn nữa nhận thấy cuộc sống ở Newfounland quá khó khăm và buồn tẻ nên 6 tháng sau, Trường Sa lại cùng hai con quyết định khăm gói dọn về Tillsonburg. Ông may mắn tìm được việc làm với số lương tương đối khá cho một hãng xe hơi ở đây. Và các con ông lúc đó mới thật sự bắt đầu một cuộc sống mới kể từ khi chính thức ghi tên theo học một cách liên tục. 

Cho đến lúc đó, Trường Sa mới thấy cuộc sống gia đình cũng như tâm hồn ông tương đối ổn định nên bắt đầu tìm được nguồn cảm hứng trong việc sáng tác. Và nhạc phẩm Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em được coi như sáng tác đầu tay của Trường Sa trên vùng đất mới Canada...

Tưởng rằng cuộc sống gia đình Trường Sa sẽ được tồn tại mãi mãi trong hạnh phúc khi vợ ông được sang đoàn tụ cùng chồng và các con vào năm 1992. Nhưng chẳng may chị Mỹ Lan đã qua đời trong một tai nạn xe hơi thảm khốc trong một lần về thăm Việt Nam vào ngày 17 tháng 3 năm 1996. Vì có hẹn đi chơi với một người bạn, cũng là vợ một cựu trung tá hải quân, nên chị Mỹ Lan không trở lại Tillsonburg theo lời rủ của một người quen khác ở đây. Chị cùng người bạn và con gái của người bạn đó đã gặp tai nạn ngay khi xe của của họ do một người tài xế say rượu điều khiển. Vì không kiểm soát được tay lái nên đã đụng một chiếc xe hơi khác.

Chị Mỹ Lan, năm đó 53 tuổi, và người tài xế chết tại chỗ. Người bạn chị cũng đã tắt thở sau khi được đưa vào bệnh viện. Chỉ còn người con gái của người bạn chi sống sót với rất nhiều thương tích.

Trường Sa cho biết có một điềm lạ là trước khi xẩy ra tại nạn, chị Mỹ Lan đã đưa địa chỉ và số điện thọai của người con gái lớn của chị cho con người bạn, cũng là bạn thân của con chị. Nhờ vậy gia đình Trường Sa đã sớm nhận được hung tin, khiến tất cả đều bàng hoàng, sửng sốt.

Từ sau khi mất đi người vợ thân yêu, Trường Sa kéo dài cuộc sống trầm lặng của mình bên cạnh các con. Cùng một lúc ông đã viết một số ca khúc ghi lại những kỷ niệm êm đềm với người vợ đã vĩnh viễn ra đi như: Sài Gòn Ơi Giã Biệt Từ Đó, Trên Vai Em Nỗi Buồn Mấy Tuổi, Từ Một Ước Mơ, Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó, vv...

Trường Sa cho biết ông chẳng bao giờ nghĩ đến việc bước thêm bước nữa, ngoài cụộc sống đều đặn, ngày ngày đi làm. Chuyện tình cảm ông phó mặc cho số mệnh đẩy đưa cho đến khi được giới thiệu với chị Võ Thị Nguyệt, một góa phụ hiền lành và nhu mì, cũng có 4 con – 3 gái, 1 trai – như ông, sống tại Montreal. Hơn nữa, chị còn là một người phụ nữ siêng năng làm ăn, thích chăm sóc gia đình và không mấy để ý đến những sinh họat văn nghệ. Do vậy trước đó chị cũng chẳng biết Trường Sa là một nhạc sĩ...

Sau lần thăm hỏi làm quen qua điện thoại, Trường Sa lên Montreal gặp chị Nguyệt. Và từ đó hai người quen nhau cùng với sự nẩy nở dần dần tình cảm của cả đôi bên trước khi cùng nhau quyết định chung sống vào năm 2007. Hiện hai người đang hưởng những giây phút thật hạnh phúc và êm đềm bên nhau, khi thì tại Toronto, lúc thì ở Montreal.

Từ đó, Trường Sa cho những gì có được hôm nay là niềm hạnh phúc cuối đời của ông...

Và cũng vì vậy tâm hồn ông trở nên thảnh thơi để dễ có cảm hứng trong công viếc sáng tác...
Cho đến nay Trường Sa đã sáng tác vào khỏang 50 ca khúc. Một số lớn đã được đưa vào một tuyển tập nhạc của ông, mới được phát hành vào năm 2007.

(1) Những chữ in nghiêng trong ngoặc đơn là tựa đề những sáng tác của nhạc sĩ Trường Sa