...Ngôn ngữ lấp lánh ánh
sáng tâm cảm và ngoại gới, trầm tư và huyễn mộng. Hình ảnh chập chờn,
ngôn từ lảo đảo, như những tiếng dương cầm đuổi bắt nhau, chưa kịp
tương phùng đã muôn đời vĩnh quyết...
Tuệ Sĩ,
điệp khúc dương trần
Đặng Tiến
Trước đây, mạng Diễn Đàn có giới thiệu
tập thơ song ngữ Những điệp khúc cho dương cầm – Refrains
pour piano – của Tuệ Sĩ, do bà Dominique de Miscault dịch ra tiếng
Pháp, và minh họa trang nhã. Lúc đó, tác phẩm vừa mới in xong.
Hôm nay, tập thơ đã được phát hành và ra
mắt dưới dạng một buổi tọa đàm tại Thành Phố Hồ Chí Minh, khách sạn
Legend, ngày 27-9-2009, với sự hiện diện của tác giả và dịch giả.
Ngoài ra, chúng tôi được biết sách hiện
có bày bán nhiều nơi tại Paris, giá 10 €uros.
Vậy xin trở lại, giới thiệu thi phẩm căn
cơ hơn :
Tuệ Sĩ là bậc danh sĩ cao tăng, đã trọng
nhiệm nhiều chức vụ trong hàng giáo phẩm Phật giáo Việt Nam. Trong và
ngoài nước nhiều người biết danh và ái mộ, qua những trầm luân mà ông
chịu đựng non nửa thế kỷ, chúng tôi không nhắc lại nơi đây, vì ai muốn
truy tìm thì rất dễ.
Tuệ Sĩ còn là nhà thơ, nhiều người biết
danh, nhưng ít người được đọc, vì thơ ông ít được phổ biến. Mới đây,
trong nước, nhà xuất bản Phương Đông đã ấn hành tập thơ Những điệp
khúc cho dương cầm, song ngữ Việt-Pháp đối chiếu, do Dominique de
Miscault, nữ họa sĩ người Pháp, chuyển ngữ và trình bày, minh họa, bà
gọi là « biểu cảm đồ họa » (expressions graphiques).
Trang bên trái là văn bản Việt-Pháp nối tiếp, trang bên phải là hình
cách điệu nhà sư đang lướt ngón tay trên phía dương cầm.
Sách gồm 23 bài thơ ngắn, trình bày trên
53 trang, khổ vuông 21 x 21 cm, giấy tốt, in đẹp và trình bày trang nhã.
Điều đáng mừng là độc giả Việt Nam và
thế giới có dịp tiếp cận với thơ Tuệ Sĩ, trong niềm đồng cảm nhân loại,
qua thi ca và nghệ thuật. Trong lời tựa, bà De Mícault kể lại :
« Tôi
được hạnh ngộ với Tuệ Sĩ và người thân từ mùa xuân 2003.
Chúng tôi
đã học tập phơi trải và trao đổi hai thế giới, diễn dịch những cảm xúc,
đồng thời là dấn thân. Tôi không phải phật tử cũng không phải kẻ tu
hành, lại không biết tiếng Việt, nhưng thơ Tụe Sĩ thì đã gặp đâu đó tại
châu Âu già cỗi. Đó chẳng phải là những khoảng hư không mà các tác gia
thần bí đã trải nghiệm ? Kinh nghiệm phiêu du trong bóng đêm và
tĩnh lặng, cũng như những tâm hồn khắc khoải, vô vọng truy tầm lời giải
đáp cho những hy sinh, dù tự nguyện hay cưỡng chế ? »
Bà tiếp xúc với thơ Tuệ Sĩ nhờ việc lược
dịch của một người Pháp được Tuệ Sĩ duyệt lại.
« Tôi
cố gắng nắm bắt nội dung qua những hình ảnh, và không gian sống của Tuệ
Sĩ như tôi được trông thấy và đã khai thị cho tôi. Tôi chọn những
từ ngữ và ảnh tượng đơn giản nhất, đã giản lược và tát cạn tối
đa thi pháp để tập trung vào cuộc phiêu lưu thần bí của nhà sư mệt mỏi
vì đời sống và những truy tầm vô vọng…
Vô vọng
hay không, vẫn là câu hỏi. Buông thả theo dòng đời.
Dương cầm
và tịch lặng là thần giao giữa hai lục địa giữa chúng tôi.
Nơi đây
không còn là hoài cảm hay xúc cảm, mà là phân tích khô khan cõi dửng
dưng.
Tôi hân
hoan được tiếp tục chia sẻ, và trong dài lâu tính nhẹ nhàng tuyệt đối
của đời sống. »
Bài tựa này đã được Hạnh Viên dịch ở
trang 7, tôi dịch lại để đóng góp.
Một cơ duyên khác, là với kỹ thuật điện
tử hiện đại, toàn bộ công trình của TS – Dominique de Miscault và nhà
xuất bản Phương Đông được đưa lên lưới, để người đọc, Việt hay ngoại
quốc, khắp năm châu bốn biển đều có thể thưởng lãm. Năm mươi trang giấy
không phải là công trình to tát gì, nội dung cũng không phải chuyện
khai sơn phá thạch, nhưng là một sự kiện văn học, như cơn gió bất ngờ
đưa đóa lan rừng ra ánh sáng.
Tuệ Sĩ không phải là người tìm danh
vọng, nhất là bằng thi ca. Ông không tìm độc giả, tìm tri kỷ, tri âm.
Ông thừa nội lực để sống an nhiên trong tịch lặng giữa cõi ta bà. Nhưng
thơ ông xuất hiện như vầng trăng ra khỏi đám mây, như mùi hương bông sứ
chợt thoảng vào vườn khuya, là một niềm vui chung, và cho người lữ
khách ngồi lại bên đường, buổi chiều, « cười với nắng một ngày
sao chóng thế… đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan », câu thơ
ngày xưa của ông mà Bùi Giáng hết lời ca ngợi.
Thơ, thơ gì đi nữa, thì trước tiên phải
là ngôn ngữ. Ngôn ngữ của ai đi nữa thì cũng mang sử tính. Thơ thiền sư
làm bằng ngôn ngữ hàng ngày vẫn vang âm xã hội và lịch sử.
Ví dụ bài cuối :
Giăng mộ cổ
Mưa chiều hoen ngấn lệ
Bóng điêu tàn
Huyền sử đứng trơ vơ
Sương thấm lạnh
Làn vai hờn nguyệt quế
Ôm tượng đài
Yêu suốt cõi hoang sơ.
Ý nghĩa chính xác của bài thơ là gì ta
không nên giải thích chân phương. Nhưng từ ngữ thì rõ ràng là trầm tích
đau thương của con người trong lịch sử. Bà De Miscault dịch hay và
thoát (xem Trên
kệ sách của mạng Da màu). Tôi vẫn táy máy dịch lại xem
như góp một nốt đàn vào bản hợp tấu :
Sur les tombes antiques
La pluie du soir se confond en larmes
Des mythes illusoires
En ruine esseulés,
La bruine givre
Les épaules meurtries de laurier
Serrant la statue
J’aime ô que j’aime les espaces innocents
Trầm tích lịch sử còn dư vang rõ hơn
trong bài này ;
Ngoài biên cương
Cây cao chói đỏ
Chiến binh già cổ mộ
Nắng tắt chiến trường
Giọt máu quạnh hơi sương
Tr. 34
A la frontière
Le grand arbre rougeoie
Le soldat vieillit sur la tombe antique
Le soleil éteint la bataille
Le sang se condense en rosée.
Thơ gì, thơ ai, thơ nước nào, trong ngôn
ngữ vẫn là một thứ ngoại ngữ ; người đọc một bài thơ trong tiếng
mẹ đẻ là đã dịch bài thơ ấy ra ngôn ngữ của riêng mình. Gọi là tiếng
lòng.
Trong nghề dạy học và việc bình luận văn
chương tôi có đôi kinh nghiệm về việc dịch thuật và thông ngôn này. Gặp
những bài thơ Tuệ Sĩ việc giảng luận có phần trắc trở. Ngôn ngữ vẫn là
ngôn ngữ chung là tiếng Việt, nhưng tương quan giữa người nói và lời
nói thì khác nhau. Khi Tuệ Sĩ viết đâu đó « Áo màu xanh không
xanh mãi trên đồi hoang » thì ông không chỉ nói về màu áo,
cũng không nói về ngọn đồi, mà phản ánh tâm linh trong một thế giới
khác. Đưa lời thơ Tuệ Sĩ vào ngôn ngữ thế tục e dễ thành dung tục.
Thơ bao giờ cũng phản ánh ba tính
cách : môi trường xã hội trong lịch sử ; ngôn ngữ trong những
biến chuyển với thời đại ; và tác giả, qua đời sống hàng
ngày ; nhưng ở Tuệ Sĩ đời sống hằng ngày, ý thức và vô thức dường
như đã thăng hoa, thành một siêu thức. Ngôn ngữ do đó cũng siêu thoát,
khó bề lý giải chân phưong và đơn phương.
Đầu thế kỷ XX giới văn học tây phương
đưa ra khái niệm « thơ thuần túy », và nghệ thuật nguyên
chất theo nghĩa của hóa học : thực thể nguyên chất đối lập với
những thực thể tạp chất « impur », có lẫn lộn nhiều ngoại tố.
Nghệ thuật nguyên chất là kiến trúc của ngôn ngữ : một dạo khúc
dương cầm, một tranh tĩnh vật, một bài thơ đẹp. Người thưởng thức không
pha lẫn vào đó những kỷ niệm, buồn vui riêng tư, nhất là những thành
kiến lịch sử, chính trị. Yêu một chân dung phụ nữ không phải vì nó hao
hao giống một người bạn cũ.
Trong nghệ thuật, dân tộc là một tạp
chất.
Tôi nghĩ khi Tuệ Sĩ đặt tên Những
điệp khúc cho dương cầm, và làm những bài thơ mô tả tiếng dương
cầm, là ông muốn cho tiếng thơ mình trong trẻo, thuần khiết « trong
như tiếng hạc bay qua ». Do đó, bình giải thơ Tuệ Sĩ
là tạo cơ nguy gây tạp âm không phải lẽ và không phải lúc. Bài viết này
vẫn mang tạp âm là ngoài ý muốn của chúng tôi.
Lấy một ví dụ ngoài đề, cho thông
thoáng. Nhà thơ Phạm công Thiện, thời trẻ, có lúc tu tại một Phật Viện
Nha Trang. Một hôm anh về chơi với nhà văn Võ Hồng, ở lại mấy hôm, khi
về Chùa, anh có thơ :
Mưa chiều thứ bảy, tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.
Anh tâm đắc thường đọc cho chúng tôi
nghe, và chúng tôi hiểu đại khái, nhưng chưng hửng khi nghe Phạm Công
Thiện, mười năm sau, tự dịch câu thơ ra tiếng Pháp :
Je suis le Retour
Il fait Tard sur le Chemin
Sept jours après la pluie tombe
En haut
du Temple
L’arbre est le
Défleuri
Chúng tôi đã hiểu chung chung : thứ
bảy là trước chủ nhật, cây khế là cây khế, ngọn đồi là ngọn đồi, nhưng
qua bản dịch tiếng Pháp, thì nội hàm câu thơ không phải chỉ có vậy.
Nhưng nghĩ cho cùng, ai làm sao hiểu hết
một câu thơ, kể cả tác giả ?
Và cách tiếp cận thơ Tuệ Sĩ của bà De
Miscault biết đâu là cách hay nhất, như câu tiếng Pháp không biết của
ai « la voix du cœur est la voie au cœur » : lời trái
tim là lối đến con tim.
Đọc thơ Tuệ Sĩ. Bằng trái tim. Nỗi Nhớ
Màu tối mù lan vách đá
Nhớ mênh mông đôi mắt giã từ
Rồi đi biệt
Để hờn trên đỉnh gíó
Ta ở đâu ?
Cánh mộng phù du
Tr. 18
Les ténèbres envahissant les pierres du mur
Immense le souvenir des regards de nos adieux
Et je m’en vais à jamais
Délaissant les chagrins aux cimes de l’ouragan
Où suis-je ?
Frêles sont les ailes de l’éphémère
Tình người :
Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói,
Vẫn yêu người từ khoảnh khắc chiêm bao
Từ nguyên sơ đã một lời không nói
Nhưng trùng dương ngưng đọng cánh hoa đào
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi
Vì yêu người ta vói bắt trời sao.
Tr. 50
Sur mes chagrins enfumés, je revis
L’Amour des hommes à chaque instant de mes songes
Dès l’origine la parole a été retenue
Comme l’océan retient le reflet du printemps en fleur
Des refrains animent mes ailes épuisées
Pour l’Homme, j’ouvre mes mains au firmament étoilé
Trần thế :
Theo chân kiến
Luồn qua cụm cỏ
Bóng âm u
Thế giới chập chùng
Quãng im lặng
Nghe mùi đất thở
Tr. 46
Traces de fourmi
Je faufile entre les herbes
Ténèbres des ténèbres
Les mondes s’amoncellent
Silences entre silences
J’accueille la terre respirante.
Thơ Tuệ Sĩ cô đúc, hàm súc, uyên áo.
Người đọc không quen cho là khó hiểu, vì tác giả không đề cập đến một
đề tài nào chính xác, không miêu tả không tự sự. Ngôn ngữ lấp lánh ánh
sáng tâm cảm và ngoại gới, trầm tư và huyễn mộng. Hình ảnh chập chờn,
ngôn từ lảo đảo, như những tiếng dương cầm đuổi bắt nhau, chưa kịp
tương phùng đã muôn đời vĩnh quyết.
Thỉnh thoảng, người đọc cảm thấy an tâm
trong đôi lời thơ mạch lạc :
Cửa kín chòm mây cuốn nẻo xa
Ngu ngơ đếm chữ, mắt hoa nhòa
Tay buồn vuốt mãi tờ hương rã
Phảng phất mưa qua mấy cụm nhà
Tr. 26
Người Thơ hé mở một thoáng tâm linh,
nhưng hình ảnh vẫn mang tính cách tượng trưng, xa cách, xóa nhòa tâm sự
cá nhân, pha loãng tình riêng vào làn mưa trên mái ngói.
Đôi khi người đọc gặp vài từ ngữ, ẩn dụ
trở đi trở lại như những ám ảnh, tạo nên dăm viên đá cuội trên lộ trình
cậu bé tí hon, nhưng dễ gì tìm được heo hút đường về.
Ngoại giới biết đâu là ảo giác :
Bóng sao đêm dài vời vợi
Thật hay hư, chiều nhỏ ưu phiền
Tr. 10
Và thơ, tập thơ mình cầm trong tay,
những nốt nhạc, những hàng chữ « đen trắng đuổi nhau
thảnh ảo tượng ». Thơ, tất cả thi ca trên cõi trần này biết
đâu chẳng là ảo giác của ảo giác ?
Cần gì để nói thêm về Những điệp
khúc cho Dương cầm của Tuệ Sĩ ?.
Phải chăng là tiếng ve sầu chung thủy,
ưu hoài những mùa hạ đã ra đi ?.
Tiếng ve trở về,
Khóc mùa hè mà khô cả đại dương
Đặng Tiến,
Orleans 17/8/2009.
Cập nhật 02-10-2009