1. Hannah Arendt : Những Nguồn Gốc
Của Chủ Nghĩa Toàn Trị.
Lời Tựa lần xuất bản đầu
(1951).
Weder
demVergangenen anheimfallen noch
dem Zukunftigen. Es kommt darauf an, ganz gegenwartig zu sein.
K. Jaspers
Chớ
đắm đuối hoài vọng quá khứ, hoặc tương lai.
Điều quan trọng là hãy trọn vẹn ở trong hiện tại.
Karl Jaspers. (1)
Hai
thế chiến trong một thế hệ - phân cách nhau là một chuỗi không dứt
những chiến tranh và cách mạng địa phương, tiếp theo sau không hòa ước
cho kẻ thua mà cũng chẳng thảnh thơi cho kẻ thắng – đã kết thúc trong
cảnh thập thò của cuộc Thế Chiến Thứ Ba giữa hai cường lực thế giới còn
lại. Khoảnh khắc thập thò này giống như sự bình lặng dấy lên sau khi
mọi hy vọng vừa chết. Chúng ta không còn hy vọng tái lập thật rốt ráo
cái trật tự thế giới cũ với tất cả truyền thống của nó, hoặc tái phục
nguyên khối quần chúng năm châu, bị ném vào cuộc hỗn mang do bạo động
chiến tranh và cách mạng gây nên, và cuộc hủy diệt dần những gì còn sót
lại. Ở trong những điều kiện phức biệt nhất, những hoàn cảnh dị biệt
nhất, chúng ta theo dõi cùng những hiện tượng cứ thế phát triển: hiện
tượng bán xới trên một qui mô chưa từng có trước đây, và hiện tượng mất
gốc chưa bao giờ tới độ sâu như vậy.
Chưa
bao giờ tương lai của chúng ta lại mập mờ đến như thế, chưa bao giờ
chúng ta lại lệ thuộc đến như thế vào những quyền lực chính trị; chẳng
thể nào tin cậy, rằng chúng sẽ tuân thủ qui luật "lợi cho mình nhưng
đừng hại cho người"; những sức mạnh thuần chỉ là điên rồ, nếu xét theo
tiêu chuẩn những thế kỷ khác. Tuồng như thể nhân loại tự phân ra, một
bên là những kẻ tin ở sự toàn năng của con người (những kẻ tin rằng mọi
sự đều khả dĩ nếu người ta biết cách tổ chức quần chúng thực hiện theo
đường lối đó), một bên là những kẻ mà sự bất lực đã trở thành kinh
nghiệm chủ chốt trong đời họ.
Trên
bình diện kiến giải lịch sử và tư duy chính trị, trội hẳn lên là một
kiểu thỏa thuận chung, [tuy] không được định nghĩa rõ ràng: rằng cấu
trúc thiết yếu của tất cả văn minh
đang
ở điểm đứt đoạn. Mặc dù có vẻ được gìn giữ khá hơn ở một số nơi trên
thế giới so với những nơi khác, chẳng nơi nào nó có thể đem đến cho
chúng ta một sự hướng dẫn, nếu nói về những khả tính - hoặc một phản
ứng tới nơi tới chốn, trước những điều ghê gớm tởm lợm - của thế kỷ.
Một khi [con người] tới gần trái tim của những biến cố như thế, thay vì
một phán đoán quân bình, một kiến giải thận trọng, thì lại là hy vọng
tuyệt vọng, và sợ hãi tuyệt vọng. Những biến động trung tâm của thời
đại chúng ta được lãng quên thật hiệu quả, bởi những người đắm mình vào
một niềm tin, rằng tận thế không thể nào tránh được, hơn là bởi những
người buông xuôi vào một chủ nghĩa lạc quan liều lĩnh.
Dựa
lưng vào một niềm lạc quan liều lĩnh và một tuyệt vọng liều lĩnh, cuốn
sách này được viết trong một bối cảnh như thế đó. Cuốn sách khẳng định:
rằng Tiến Bộ và Tận Thế là hai mặt, của vẫn một huân chương; rằng cả
hai đều là những điều này mục nọ của mê tín, không phải của niềm tin.
Nó đã được viết ra, từ một xác tín, là có thể khám phá những cơ chế ẩn
giấu, theo đó, toàn bộ những thành tố truyền thống của thế giới chính
trị và tâm linh của chúng ta bị tan biến vào một lò cừ, nơi mọi sự
dường như mất đi giá trị đặc thù của nó, trở thành lạ lẫm đối với nhận
thức của con người, trở thành vô dụng cho những mục tiêu của con người.
Một cám dỗ khó đề kháng - chịu khuất mình vào một quá trình thuần túy,
giản dị của sự băng hoại, không chỉ là vì nó khoác lên cho sự vĩ đại hồ
đồ - tức cái gọi là "tất yếu lịch sử" - một bộ áo mã, mà còn là vì điều
này: tất cả mọi sự, ở bên ngoài nó, đều có vẻ như thiếu sống, thiếu
máu, vô nghĩa, và không thực.
Mọi
chuyện xẩy ra ở trên cõi đời này phải "được hiểu" đối với con người,
một xác tín như thế sẽ đưa đến chuyện giải thích lịch sử bằng những
khuôn sáo. Nhưng "hiểu" không có nghĩa là từ chối cái nghịch thường,
hoặc diễn dịch một điều chưa hề xẩy ra bằng tiền lệ, hoặc giải thích
hiện tượng bằng loại suy và bằng tổng quát, khiến con người trơ ra, khi
đụng đầu, và kinh nghiệm thực tại. Thay vì vậy, nó có nghĩa, quan sát,
nghiên cứu, ý thức được cái gánh nặng mà thế kỷ này đã đặt lên chúng ta
– không phủ nhận sự hiện hữu, mà cũng không cam chịu sức nặng của nó.
Như vậy, "hiểu" có nghĩa là giáp mặt thực tại, không tính toán trước,
nhưng chú tâm, và đề kháng lại nó, bất kể nó ra sao.
Theo
nghĩa đó, phải đối mặt và hiểu được sự kiện ngược ngạo: rằng một hiện
tượng nhỏ nhoi như thế (vàchẳng có chi là quan trọng như thế, đối với
chính trị thế giới): hiện tượng vấn đề Do Thái và chủ nghĩa bài Do Thái
lại có thể trở thành tác nhân của, đầu tiên là phong trào Quốc Xã, rồi
sau đó, thế chiến, và sau chót, cho việc thiết lập những xưởng máy của
cái chết. Hoặc, sự sai biệt lố bịch giữa nhân và quả mở ra kỷ nguyên
của chủ nghĩa tư bản, khi những khó khăn kinh tế, trong vài thập niên,
dẫn tới một biến đổi sâu xa tình hình chính trị trên toàn thế giới.
Hay, sự mâu thuẫn kỳ quặc giữa cái chủ nghĩa hiện thực trơ tráo tuyên
xưng của những phong trào toàn trị và sự miệt thị lồ lộ của chúng, đối
với toàn bộ mạng lưới thực tại. Hoặc, sự bất tương xứng nhức nhối giữa
quyền năng thực sự của con người hiện đại (lớn hơn bao giờ hết, lớn đến
mức có thể thách thức ngay cả sự hiện hữu của vũ trụ) và nỗi bất lực mà
con người hiện đại phải sống, và phải tìm ra cái ý nghĩa của cái thế
giới do nó tạo nên, bằng chính sức mạnh năng vô biên của nó.
Toan
tính toàn trị - chinh phục toàn cầu, thống trị toàn diện – là một
phương thức mang tính hủy diệt, nhằm vượt ra ngoài mọi ngõ cụt. Thành
công của nó có thể trùng khớp với sự hủy diệt nhân loại; ở nơi nào nó
cai trị, ở nơi đó hủy diệt bản chất của con người. Hỡi ơi, nhắm mắt
bưng tai, quay lưng lại với những sức mạnh hủy diệt của thế kỷ này thì
cũng chẳng đi đến đâu.
Thực
vậy, đây là nỗi khốn khó của thời đại chúng ta, mắc míu lung tung, đan
xen lạ lùng giữa xấu và tốt, đến nỗi, nếu không có "bành trướng để bành
trướng" của những tên đế quốc, thế giới chẳng bao giờ trở thành một;
nếu không có biện pháp chính trị "quyền lực chỉ vì quyền lực" của đám
tư sản, cái sức mạnh vô biên của con người chắc gì đã được khám phá;
nếu không có thế giới ảo vọng, thiên đường mù của những phong trào toàn
trị, qua đó, những bất định thiết yếu của thời đại chúng ta đã được bầy
ra một cách thật rõ nét, như chưa từng được bầy ra như vậy, thì làm sao
chúng ta [lại có cơ hội] bị đẩy tới mấp mé bên bờ tận thế, vậy mà vẫn
không hay, chuyện gì đang xẩy ra?
Và
nếu thực, là, trong những giai đoạn tối hậu của chủ nghĩa toàn trị, một
cái ác triệt để xuất hiện, (triệt để bởi vì chúng không thể suy diễn
ra, từ những động cơ có thể hiểu được, của con người), thì cũng thực,
là, nếu không có chủ nghĩa toàn trị, chúng ta có thể chẳng bao giờ biết
được bản chất thực sự cơ bản, thực sự cội rễ, của cái ác.
Chủ
nghĩa bài Do Thái (không phải chỉ có sự hận thù người Do Thái không
thôi), chủ nghĩa đế quốc (không chỉ là chinh phục), chủ nghĩa toàn trị
(không chỉ là độc tài) – cái này tiếp theo cái khác, cái này bạo tàn
hơn cái kia, tất cả đã minh chứng rằng, phẩm giá của con người đòi hỏi
một sự đảm bảo mới, và sự đảm bảo mới mẻ này, chỉ có thể tìm thấy bằng
một nguyên lý chính trị mới, bằng một lề luật mới trên trái đất này; sự
hiệu lực của nó, lần này, phải được bao gồm cho toàn thể loài người,
trong khi quyền năng của nó phải được hạn chế hết sức nghiêm ngặt, phải
được bắt rễ, và được kiểm soát do những thực thể lãnh thổ được phân
định mới mẻ lại.
Chúng
ta không còn thể cho phép chúng ta giữ lại những cái gì tốt trong quá
khứ, và đơn giản gọi đó là di sản của chúng ta, hay loại bỏ cái gì là
xấu, giản dị coi đó là một gánh nặng chết tiệt mà tự thân chúng sẽ bị
thời gian chôn vùi trong lãng quên. Cái mạch ngầm của lịch sử Tây
phương sau cùng đã trồi lên trên mặt đất, và soán đoạt phẩm giá của
truyền thống của chúng ta. Đây là thực tại chúng ta sống trong đó. Đây
là lý do tại sao mọi cố gắng chạy trốn cái u ám của hiện tại, bằng hoài
vọng một quá khứ vẫn còn trinh nguyên, hay bằng một sự lãng quên có dự
tính về một tương lai tốt đẹp hơn: tất cả những cố gắng như vậy đều là
vô hiệu.
Hè
1950
Hannah
Arendt
NQT
chuyển ngữ.
Chú
thích:
Cuốn
Những Nguồn Gốc Của Chủ Nghĩa Toàn Trị, trước đây, khi dịch ra tiếng
Pháp, đã được phân làm ba. Vì vậy, thiếu Lời Tựa. Lần này, nhà xb
Gallimard đã đem đến cho nó một bản dịch toàn thể; cùng với tác phẩm
"Eichmann ở Jérusalem", cả hai được in chung thành một tập, trong tủ
sách Quarto. Như thế, Lời Tựa lần xuất bản đầu tiên bằng tiếng Anh
(1951), lần thứ nhất ra mắt độc giả tiếng Pháp, trên tạp chí Văn Học,
Magazine Littéraire, số Tháng Sáu, 2002.
Do
tính quan trọng của bản văn, và sự chính xác của nó, chúng tôi có cho
"scan" nguyên bản tiếng Anh và bản dịch tiếng Pháp trên trang Tin Văn,
để độc giả tiện tham khảo.
Tin Văn: http://www.saomai.org/~tinvan/unicode/index.html
hoặc http://saomai.org/~tinvan/unicode/index.html.
2. Chủ nghĩa toàn cầu và tên lưu manh của nó.
Một
trong những vấn đề kinh tế bức thiết của thời đại chúng ta, đó là rất
nhiều "cái được gọi là những nền kinh tế đang phát triển" thực sự không
phải đang phát triển. Dân chúng thuộc những xứ sở dân chủ, kỹ nghệ hóa
Tây Phương đã bị sốc thực sự, khi họ biết, ở những nước như Uganda, hay
Ethiopia, hay Malavi, tuổi thọ của đàn ông hay đàn bà không mong gì
vượt qua con số 45. Hay là ở Sierra Leone, 28% trong số tất cả trẻ em
chết trước khi được "ăn mừng" lên năm tuổi. Hay là hơn một nửa những
trẻ em ở Ấn Độ bị thiếu ăn, suy dinh dưỡng. Hay ở Bangladesh, một nửa
đàn ông, và chưa tới một phần tư đàn bà, là biết đọc và biết viết.
[Những số liệu từ 1999/2000 World Development Report, Table 2].
Điều
này còn nhức nhối hơn nữa: Không hề có một sự tiến bộ nào, ít ra là
trên "mặt trận kinh tế" tại nhiều nơi, nếu không muốn nói là tất cả
những nước nghèo đói nhất trên thế giới, nơi mà mức thu nhập mạt rệp
của người dân thật xứng đôi vừa lứa với sự vô tài bất tướng của chính
quyền trong cái việc tạo nên thảm cảnh trần gian. Trong số 50 quốc gia,
bình quân thu nhập đầu người thấp nhất vào năm 1990, thì 23 quốc gia,
mức thu nhập đầu người năm 1999 thấp hơn năm 1990. Ở 27 quốc gia kia,
mức thu nhập nhỉnh hơn lên, là 2.7%. Với mức độ nhinh nhỉnh như vậy,
phải mất 79 năm họ mới có được thu nhập của Hy Lạp, một trong những
nước nghèo nhất của Hiệp hội các nước Âu Châu.
Quả
thực là một vấn đề nhức nhối, nếu người ta để ý tới những lời tuyên
đoán lạc quan của một số kinh tế gia, vào những năm đầu tiên của thời
kỳ hậu chiến. Có ông tỏ ra rất mừng cho những nước kém phát triển: họ
sẽ không phải trả giá gì hết, cứ việc noi theo đàn anh, nghĩa là những
nước đã có một nền kinh tế phát triển, tránh những vết xe đổ, tránh
những lồi lầm mà đàn anh đã gặp phải. Nobel kinh tế gia Simon Kuznets
nhắn nhủ: sẽ căng lắm đấy, khi khởi sự kỹ nghệ hóa, con số người nghèo
sẽ tăng lên, thâu nhập giữa giầu và nghèo sẽ cách biệt, nhưng dần dần
mọi việc sẽ êm xuôi thôi.
Chẳng
có gì đáng ngạc nhiên, khi nhiều nhà kinh tế hiện nay, đang lao vào
những câu hỏi nhức nhối kể trên, sau những tiên đoán đầy lạc quan như
vậy. Và họ đồng thanh tự hỏi, đâu là nguồn cơn của thảm cảnh trần gian?
Một trong những người đó giơ tay chỉ đích danh tên lưu manh, kẻ khốn
nạn: Quĩ tiền tệ thế giới (IMF).
Có lẽ
kể từ cơn suy thoái xẩy ra vào thập niên 1930, chưa bao giờ như bây
giờ, các nhà tư tưởng trên toàn thế giới đua nhau tấn công mặt trận
kinh tế. Họ tự hỏi, thảm cảnh trần gian như vừa kể trên, là do những
quốc gia mà kinh tế "không phát triển" (chúng ta hãy gọi đúng tên của
nó) đã theo đuổi những chính sách kinh tế nội địa sai lầm? Hay họ là
những nạn nhân ngây thơ vô tội, bị bóc lột bởi cái phần thế giới đã
được kỹ nghệ hóa? Liệu có ích lợi chi, khi đẩy mạnh phát triển kinh tế
mà vờ đi cơ cấu hạ tầng về xã hội cũng như về chính trị, và luôn cả một
thể chế chính trị dân chủ thực sự? Hay là những định chế tốt đẹp như
vậy chỉ có thể tốt đẹp một khi mà mức sống, điều kiện vật chất của
người dân đã đi vào "tương đối" ổn định? Viện trợ từ bên ngoài có thêm
thắt gì không hay là chỉ làm tăng thêm tư bản đỏ, thí dụ vậy, trong khi
người dân vẫn nghèo hoàn nghèo?
IMF
đã có những tiền thân của nó, cả một lô những cơ quan trực thuộc Liên
Hiệp Quốc, được thành lập đúng theo đường lối lạc quan kể trên, nổi bật
nhất là Chương Trình Phát triển của LHQ (UN Development Program), UN
Conference on Trade and Development. Cơ quan Thực phẩm và Nông nghiệp
(The Food and Agriculture Organization) được thành lập vào năm 1945
nhưng sau tách ra khỏi LHQ. Cơ quan lo về sức khỏe (The World Health
Organization (1948). Ngân hàng thế giới cho việc Tái xây dựng và Phát
triển, thường được gọi là Ngân hàng Thế giới, được thành lập vào năm
1944 chủ yếu tái xây dựng Âu Châu bị tơi tả vì chiến tranh, nhưng sau
đó chuyển qua giúp thế giới phát triển, khi mục đích đầu tiên của nó đã
hoàn tất.
IMF
là kẻ đến muộn nhất. Được thành lập liền sau Ngân hàng Thế giới (1944),
nhiệm vụ đầu tiên của nó là gìn giữ sự ổn định thị trường tài chính
quốc tế, bằng cách giúp những xứ sở, về cả hai mặt, thứ nhất: điều
chỉnh kinh tế khi mất thăng bằng, nghĩa khi không trả được những món nợ
thế giới, và thứ nhì: giữ giá đồng bạc nội địa của họ, theo một chế độ
ổn định thường trực đã được ấn định về tỷ giá hối đoái trên thế giới.
Nhưng
vào đầu thập niên 1970, người ta nhận ra rằng thật khó mà giữ thường
trực ổn định tỷ giá hối đoái, và một kiểu thả nổi đã đi vào thực tế,
trở thành tiêu chuẩn (norm). Hơn thế nữa, những nền kinh tế Tây Phương
ngày càng thêm mạnh, ngày càng có thêm những quốc gia mất thăng bằng
trong cán cân chi thu, gặp khó khăn trong việc giữ cho đồng bạc của họ
được ổn định, và cần ngoại tệ để trả nợ nước ngoài, và IMF ngày càng có
thêm khách hàng. Như là một hậu quả tất nhiên, IMF ngày càng có tiếng
nói, ngày càng liên can (involved) vào vấn đề phát triển kinh tế. Và
như chúng ta đều biết, sự phát triển kinh tế tại nhiều quốc gia cứ tà
tà đi xuống - ngay cả tại những nơi mà IMF đã giữ một vai trò đáng kể –
chính sách cũng như hành động của IMF ngày càng bị lôi cuốn vào trong
cuộc tranh luận: kẻ nào, cái gì đã gây nên nguồn cơn "điêu đứng" như
thế này?
Joseph
E. Stiglitz, trong cuốn "Toàn cầu hóa và những bất mãn của nó"
("Globalization and Its Discontents", nhà xb Norton, 282 trang, $24.95
USD), đã đưa ra những cái nhìn của ông, về cả hai mặt: cái gì đã trật
đường rầy, và cái gì phải làm cho khác đi. Nhưng trọng tâm của cuốn
sách của ông là: ai là kẻ cần phải trách cứ?
Theo
ông, thảm cảnh trần gian tại những nước nghèo đói trên thế giới, là do
một tên lưu manh, một tên ác ôn côn đồ mà ra. Và tên côn đồ lưu manh
này (this vilain) thì thực là đáng ghét. Nó tên là Quỉ (hay Quĩ) Tiền
Tệ Thế Giới (the International Monetary Fund), thường được gọi tắt là
Quỉ (Quĩ, Fund).
Joseph
Stiglitz xứng đáng, và đã từng lãnh Nobel về kinh tế. Nhiều năm trong
nghề, ông đã có những đóng góp thật giá trị trong việc chú giải
"trường" (field) kinh tế trên nhiều lãnh vực, bao gồm thuế vụ, lãi
xuất, thái độ và cách ứng xử của người tiêu dùng, tài chính tổ hợp, và
nhiều lãnh vực liên quan khác. Trong giới kinh tế gia, ông là một tay
khổng lồ vẫn hăng say làm việc. Những năm gần đây, ông lao vào việc
hoạch định đường lối kinh tế, trước hết, trong cương vị thành viên, và
sau đó "chairman", của Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Hoa Kỳ (thời kỳ
Clinton), và từ năm 1997 tới 2000, là "chief economist" của Ngân hàng
Thế giới. Thành thử, trong rất nhiều trường hợp, những dữ kiện ông nêu
ra ở trong cuốn sách của ông, là mới tinh.
Những
vấn đề then chốt mà tác giả nêu ra trong cuốn sách của ông, là chuyện
gì xẩy ra khi chúng ta thiếu những thông tin quan trọng dựa vào chúng
mà quyết định, hoặc khi những thị trường dành cho những loại chuyển
khoản quan trọng, thì không thỏa đáng, hoặc không có; khi những định
chế kinh tế chuẩn mức khác nhằm bảo đảm cho sự suy đoán kinh tế của
chúng ta, thì thiếu vắng hoặc bất toàn?
Theo
ông thị trường tự do, nếu để mặc cho nó tự soay sở, chưa chắc đem lại
lợi nhuận cho người kinh doanh đúng như theo sách vở kinh tế tiên đoán,
theo đó, hễ có đủ thông tin là có thể buôn bán trong một thị trường đầy
đủ và hiệu quả, và có thể dựa vào luật pháp cũng như những định chế
khác. Những nghiên cứu tiến bộ mới đây về kinh tế – mà tác giả có dự
phần – cho thấy, một khi tình trạng thiếu vắng, bất toàn như trên xẩy
ra, sẽ có hậu quả là: "bàn tay vô hình" khi đó hoạt động dở nhất. ["Bàn
tay vô hình" theo nghĩa "của từ trên trời rớt xuống"; đây là một thuật
ngữ để chỉ lý thuyết kinh tế của nhà kinh tế người Ái Nhĩ Lan, Adam
Smith, theo đó, tư lợi khi gặp cạnh tranh, có thể biến thành phúc lợi,
một trong những tư tưởng then chốt của kinh tế thị trường tự do]. Nói
khác đi, cứ theo đúng sách vở kinh tế như IMF đòi hỏi, mà làm, là chỉ
từ chết tới bị thương!
Tác
giả đã "than phiền", rằng IMF đã gây tổn thất nghiêm trọng qua những
chính sách kinh tế của nó, theo đó, những xứ sở phải theo đúng chính
sách, như nó được miêu tả, thì mới xứng đáng (qualify: hội đủ tiêu
chuẩn) là khách hàng vay nợ của IMF. IMF và những tổ chức chân rết,
những viên chức đã bỏ qua những dính líu (implications) của việc thông
tin không đầy đủ, những thị trường không thỏa đáng, và những định chế
kinh tế không có thể sử dụng được (unworkable institutions): tất cả
những thứ này thực là rõ nét ở những xứ sở "đang phát triển". Tác giả
khẳng định, IMF cứ thế cứ thế đề ra những chính sách "phù hợp với những
cuốn sách về kinh tế học, nhưng thật chẳng có một ý nghĩa nào đối với
những xứ sở mà IMF yêu cầu họ phải làm đúng như vậy." Stiglitz, trong
cuốn sách của ông, đã cố gắng chứng tỏ, hậu quả của những chính sách
kinh tế như vậy, đã gây ra những thảm họa, không chỉ theo nghĩa trừu
tượng, qua những con số thống kê, mà đây chính là nỗi đau khổ thực sự
của con người, ở những sứ xở đi theo những đường hướng kinh tế mà IMF
đòi hỏi.
Hầu
hết những chính sách kinh tế mà Stiglitz chỉ trích đều tỏ ra quen thuộc
đối với bất cứ người nào để ý chút xíu tới cơn chao đảo kinh tế gần đây
tại thế giới đang phát triển (trong đó bao gồm cựu Liên Bang Xô Viết,
và những xứ sở cựu vệ tinh của nó hiện đang cố lật ngược tình hình sau
bao thập niên đi theo đường lối sai lầm của kinh tế xã hội chủ nghĩa):
-Xiết
chặt túi tiền:
Một
trong những chính sách tài chính truyền thống và có lẽ nổi tiếng nhất
của IMF là khuyến cáo khách nợ của nó: cắt chi phí chính quyền
(government spending), tăng thuế, hay là cả hai, cân bằng ngân sách và
triệt tiêu nhu cầu vay nợ. Lý do mà nó viện ra, là: chính quyền tiêu
xài hoang phí quá. Stiglitz phản pháo: IMF đã lật ngược lý thuyết kinh
tế của Herbert Hoover, khi đặt để (imposing) những chính sách này tại
những xứ sở đang ở trong cơn suy thoái trầm trọng, khi mà thâm thủng
chủ yếu là do thu nhập cứ thế tuột thang; ông khẳng định tăng thuế chỉ
làm cho sự việc thảm khốc thêm. Ông nhấn mạnh, cắt giảm chi phí chính
quyền trên một số chương trình xã hội – thí dụ như hủy tiền trợ cấp
thực phẩm cho những gia đình nghèo, như Indonesia đã làm theo lệnh của
IMF vào năm 1998 – chỉ đưa đến kết quả là những cuộc xuống đường cướp
thực phẩm.
-Tăng
lãi xuất.
Nhiều
quốc gia chạy tới cầu cạnh IMF chỉ vì họ gặp khó khăn ổn định tỷ giá
đồng bạc nội địa. Một trong những đòi hỏi tiêu chuẩn của IMF là, tăng
lãi xuất, như một cái mồi nhử dân chúng đem tiền đến ngân hàng ký gửi.
Tác giả chứng minh ngược lại: Tăng lãi xuất chỉ làm tình hình càng xấu
thêm, bởi vì sẽ đụng tới "con quỉ" lạm phát, và nạn xập tiệm phá sản
của nhiều công ty.
-Giải
phóng thương mại (Trade liberalization).
Ai mà
chẳng hồ hởi, khi buôn bán tự do, thoải mái, ngoại trừ người làm ra
những món đồ để đem bán. Hủy bỏ tariff, quotas, subsidies (quan thuế,
cô-ta: hạn ngạch, bao cấp) và những hàng rào khác để tự do buôn bán...
những biện pháp không giúp gì nhiều, bởi vì chúng không ảnh hưởng trực
tiếp đến chuyện tuột thang, khiến những xứ sở phải chạy tới năn nỉ vay
nợ IMF. Stiglitz chỉ ra cho thấy: tự do buôn bán bằng cách hủy bỏ hàng
rào quan thuế... như trên chỉ khiến cho những nước "đang phát triển"
khốn đốn thêm, bởi vì sẽ làm chết những doanh gia nội địa, một khi họ
chưa đủ lực để mà ăn thua đủ với những doanh gia ngoại quốc.
-Giải
phóng thị trường vốn.
Nhiều
nước đang phát triển có hệ thống ngân hàng yếu kém, và có ít cơ hội cho
người dân dành dụm tiến bạc. Như là một điều kiện để được vay nợ, IMF
thường xuyên đòi hỏi, muốn nới rộng nợ, thì phải mở rộng hệ thống ngân
hàng cho những định chế được sở hữu bởi những người nước ngoài, bởi vì
họ sẽ làm tốt hơn việc huy động và sử dụng vốn dành dụm, tiết kiệm của
người dân. Stiglitz khẳng định, những ngân hàng hữu hiệu của nước ngoài
chỉ làm cho những ngân hàng trong nước sập tiệm, và những chủ nhân của
chúng chẳng quan tâm gì lắm tới chuyện móc tiền túi ra cho vay, cho
mượn, đối với những cơ sở do người dân trong nước làm chủ; và chuyện
huy động sử dụng vốn không phải là vấn đề, bởi vì ngân hàng nội địa
cũng có mức ấn định tiền lời rất cao cho người dân.
-Tư
hữu hóa.
Bán
ra cho người dân những cơ sở trước đây do nhà nước làm chủ, như công ty
viễn thông, đường xá, cơ sở sản xuất đường, thép... là một trong những
gợi ý chủ yếu của IMF trong hai thập niên mới đây, cả trong những nước
kỹ nghệ hóa cũng như đang phát triển. Một trong những lý do đưa ra là,
khi để cho tư nhân làm chủ, họ sẽ làm tốt hơn công việc quản lý. Lý do
nữa là, những công ty như vậy có khi do nhà nước bịa đặt ra, công nhân
là những người lãnh trợ cấp xã hội trá hình. Stiglitz khẳng định, tư
hữu hóa cần thời gian và điều kiện chín mùi của nó, nhiều quốc gia chưa
có hệ thống tài chính sẵn sàng đối đầu với việc chuyển nhượng như trên,
và cũng chưa sẵn sàng đưa ra những giải đáp, hoặc đáp ứng cần thiết,
nếu nói về cách ứng xử của một người Việt Nam, một khi đương là công
nhân viên nhà nước, bỗng chốc biến thành người chủ thực sự của, không
phải đất nước, mà là cái nồi cơm của gia đình mình. Thật khó mà biết
được, có bao nhiêu người dân VN đã là nạn nhân thuở giao thời bao cấp
chuyển sang không còn bao cấp nữa, và liệu cái nạn tham nhũng hiện đang
là quốc nạn có phải là hậu quả tất yếu của cái bóng ma thuở giao thời
đó không. Liệu có thể giải thích quốc nạn trên, như là hậu quả tất yếu
của thời gian theo đuổi cuộc chiến - và cùng với nó là bao cấp, là tất
cả cho chiến trường, phần thưởng là chiến thắng - quá kéo dài, thời
gian hưởng thụ lại quá ngắn, đối với thế hệ tham gia...?. Đây chỉ là
những câu hỏi gợi ý của người giới thiệu, nhưng trên thực tế, như
Stiglitz chỉ ra, tại Liên Bang Xô Viết, tư hữu hóa khi chưa chín mùi,
hậu quả là đưa tài sản quốc gia cúng cho đám mafia, một "giai cấp mới".
-Nỗi
sợ mất nợ.
Một
trong những ưu tiên số một trong chính sách của IMF, ngay từ những ngày
khởi nghiệp lưu manh của nó, là, làm sao để đừng bị khách hàng xù, vờ
đi cái chuyện trả nợ, và theo nó, cái chuyện xù đó chỉ là giả tưởng,
nghĩa là không thể có chuyện như thế xẩy ra đối với Bá Kiến tân thời
này, mặc dù không có một Chí Phèo ở trong tay. Như Stiglitz khẳng định,
đây là chuyện "nghiêm túc", IMF luôn luôn lấy được nợ (cộng với lời, lẽ
tất nhiên!): As a formal matter, the IMF always gets repaid. Mỗi khi
khách hàng gặp khó khăn, ngân hàng không thể lấy lại tiền, họ bèn đề
nghị nới rộng món nợ, nghĩa là chấp nhận khách hàng "tự nguyện" tái cấu
trúc nó. Một khi IMF ban cho một món nợ mới (new credit), nhằm tránh
chuyện xù nợ, lãi xuất của nó lẽ tất nhiên cao hơn lãi xuất cũ, và tất
cả lại đổ lên đầu người dân, bởi vì thuế má sẽ tăng thêm lên mãi.
Tất
cả những điều mà Stiglitz chỉ trích IMF như trong bảng liệt kê vừa nêu
ra, thì cũng "xoàng thôi", và nếu chỉ có vậy IMF chưa thể nào xứng đáng
là một Bá Kiến tân thời được. Tác giả cũng biết như vậy, và ông nói,
những chuyện tôi vừa mới tố khổ IMF, là không phải ngẫu nhiên, tình cờ.
Chúng là những câu chuyện thường ngày ở huyện, được IMF thi hành hoài
hoài. Những chính sách kinh tế do IMF đề ra không phải là tình cờ.
Chúng nằm trong một âm mưu lớn, tham vọng lớn, mà tác giả đặt tên cho
nó là "Washington Consensus" (Sự Đồng Lòng, Nhất Trí của Hoa Thịnh
Đốn). Chính cái này mới làm cho IMF trở nên nặng mùi, nếu không nói là,
tởm lợm.
"Khi nhận báo cáo
hàng năm của IMF về nước bạn, bạn nên trả lời, ‘Xin cám ơn quí vị rất
nhiều’, rồi vứt ngay nó vào sọt rác."
J.E. Stiglitz.
The Nation số đề ngày 10 tháng Sáu, 2002.
Trên
Diễn Đàn Forum, số mới nhất (Tháng Bẩy, 2002) có bài viết của Trần Hữu
Dũng về Stiglitz và cuốn sách của ông; sau đây là một vài trích đoạn:
"...
Khoảng chục năm gần đây Joseph Stiglitz có lẽ là nhà kinh tế gây nhiều
sôi nổi dư luận nhất, đặc biệt là trong giới kinh tế tài chính và phát
triển quốc tế. Với quá khứ hoàn toàn ‘chính thống tân cổ điển’ (được
đào tạo rồi trở thành giáo sư thực thụ trẻ nhất ở MIT, sau đó sang
Yale, Oxford, Stanford, và Columbia hiện nay), với con đường thăng tiến
công danh ít ai bằng... Nobel kinh tế năm 2001 - trong mắt của nhiều
đồng sự – [ông] đãõ trở thành một kẻ ‘nghịch thường, bội phản’, và
những tên khác không tiện nói ra đây, đồng thời lại là thần tượng của
đông đảo đã chưa từng nghe tên ông trước đó.... một cuốn sách quan
trọng, mang dấu ấn một tác giả vinh danh Nobel, chắc chắn sẽ là cái mốc
lớn trong những bàn cãi về cơ cấu kinh tế tài chính quốc tế từ rày về
sau."
"Quê
quán tại thành phố thép Gary (bang Indiana) nhiều thất nghiệp, cha làm
nghề bán bảo hiểm, mẹ giáo viên, từ thuở niên thiếu Stiglitz đã quan
tâm đến tình trạng công nhân thất nghiệp, và sự khác biệt giữa nhu cầu
lao động (việc làm, lương bổng) và quyền lợi người bỏ vốn (lợi nhậun,
lạm phát)... Sau khi tốt nghiệp MIT, Stiglitz qua Kenya làm việc nhiều
năm, rõ ràng là những ấn tượng về châu Phi đã ảnh hưởng sâu đậm sự
nghiệp trí thức của ông từ đó đến nay."
"Cốt
lõi lý thuyết kinh tế của S. là triển khai những phân tích về hiện
tượng ‘thông tin không đối xứng’, theo đó, trong các giao dịch kinh tế
giữa hai phe, gần như bao giờ một phe (ví dụ người bán) cũng biết nhiều
hơn phe kia (ví dụ người mua) về những đặc tính của giao dịch đó (chẳng
hạn như chất lượng món hàng). Nhận xét này thực sự bắt nguồn từ quan
sát của S. về cơ chế ‘tá điền’ làm thuê ở Kenya (và đúng ra ở mọi nơi).
Đại để là, người chủ điền không bao giờ có thể quan sát hành động của
người tá điền từng phút từng giờ. Nói cách khác, người tá điền luôn
biết rõ về hoạt động của mình, cũng như công việc đồng áng hơn người
thuê anh. Trong hoàn cảnh ‘thông tin không đối xứng’ tất cả những lý
thuyết tân cổ điển về lương lao động cần được xét lại..." Với nhiều dè
dặt, S. nhìn nhận vai trò của (1) nhà nước và (2) những thể chế cổ
truyền (gia đình) là có ích cho hoạt đông kinh tế vì nó cung cấp thông
tin (ông đánh giá cao những thể chế ‘ngoại thị trường’ hữu ích trong
hoàn cảnh thông tin thiếu thốn không đối xứng). Chính điểm thứ hai này
là điều khác biệt căn bản giữa những người (chỉ trích kinh tế tân cổ
điển từ bên trong với ý muốn bổ sung nó) như S. và những người cánh tả
hay chống đối buông lỏng thị trường vì lý do bóc lột giai cấp hay tương
tự."
"Nói
cách khác, sự thiếu tin tưởng của S. vào lập luận thị trường dung tục
(theo đó thị trường hoàn toàn tự do sẽ là liều thuốc vạn năng cho mọi
vấn đề) là căn cứ vào những phân tích vượt lên trên và sâu hơn những
người khác, không phải (như mác xít) dựa trên sự bài bác (gần như) trọn
gói căn bản kinh tế thị trường. Chính điều này làm lý luận của S. khó
bị quật ngã bàng những đòn phân tích tân cổ điển sơ đẳng, trình độ đại
học năm thứ nhất."
Trở
lại với bài giới thiệu [lược thuật bài điểm sách của S. trên tờ Điểm
Sách New York, số đề ngày 15 tháng Tám 2002 (cuốn sách của S. được xuất
bản ở Âu Châu trước, theo bài viết của Trần Hữu Dũng), của tác giả
Benjamin M. Friedman, "Toàn cầu hóa: Trường hợp Stiglitz"], S. lập đi
lập lại những lời chỉ trích của ông, rằng những chính sách của IMF
không phải là từ những nghiên cứu và quan sát kinh tế, nhưng từ một
niềm tin ý thức hệ – tin tưởng hết mình vào thị trường tự do, cộng thêm
vào đó, là một thái độ ác cảm với nhà cầm quyền [của những nước là con
nợ của nó]. S. liên tiếp chỉ trích IMF đã vờ hẳn đi những"sự kiện ở
trên mặt đất" tại những xứ sở mà nó đưa ra những mệnh lệnh, khuyến cáo.
Giải phóng thương mại tại một xứ sở chỉ có ý nghĩa khi nền kỹ nghệ tại
đây đã trưởng thành, đủ sức để mà đương đầu với cạnh tranh, đừng đặt
con trâu trước cái cày. Tư hữu hóa những cơ sở thuộc nhà nước chỉ có ý
nghĩa, một khi hệ thống lưu thông, điều chỉnh và những pháp lệnh đã tỏ
ra có hiệu lực, nghĩa là đã đi vào thực tế, chứ không phải trước đó.
IMF đã "vô tư" bỏ qua những sự kiện, yếu tố như vậy, và chấp nhận một
sách lược kinh tế được áp dụng chung cho tất cả các xứ sở chẳng cần
biết tới những hoàn cảnh riêng rẽ của từng quốc gia. Nhưng quan trọng
nhất [tởm lợm nhất], IMF đã đặt để những chính sách kinh tế của nó dưới
cái dù ý thức hệ, và được Hoa Thịnh Đốn "hoàn toàn nhất trí", qua đó,
là một niềm tin mãnh liệt vào thế tất thắng của chủ nghĩa toàn cầu. Và
niềm tin này được coi là như một thứ tôn giáo, nó không cho bất cứ một
ai được phép phản bác, đi ngược lại.
Điều
quan trọng thứ hai, IMF đã từ bỏ cái thiên chức khởi đầu của nó: giúp
đỡ những xứ sở nghèo đói, kém phát triển và trên đà phát triển giữ được
cán cân chi thu của họ, thay thì vậy, IMF đã chỉ làm cho họ đi xuống,
và càng ngày càng có thêm những người thất nghiệp. Không phải là IMF vô
tình độc ác tới độ muốn cho sự tình bi đát đến như vậy, nhưng mà IMF
dựa trên niềm tin, rằng, cứ để cho thị trường tự do hoạt động, tình
trạng thất nghiệp sẽ tự triệt tiêu, và đây là một lầm lẫn, theo S. Hơn
thế nữa, IMF đã không hành động với thiện ý: làm tăng trưởng kinh tế
(tức là làm sao cho mọi người đều có việc làm). Ở đây, không phải IMF
độc địa chỉ muốn túi tiền của mỗi người sẽ nhẹ đi, nhưng mà là nó tin
rằng, có thị trường tự do là có tất cả. Có nó là có tăng trưởng kinh tế.
IMF,
tự nó, phải chịu trách nhiệm về những chính sách kinh tế lầm lạc nhuốm
mùi ý thức hệ mà hậu quả là làm tồi tệ thêm - và trong vài trường hợp,
đã tạo ra - những vấn đề mà nó chiến đấu để chống lại. Thê thảm hơn,
đen tối hơn, đó là thái độ một lòng một dạ của IMF, đối với đám nhà
giầu, những "creditors", không phải với những người công nhân, dân quê,
những người nghèo khổ. Chẳng phải ngẫu nhiên khi IMF sẵn sàng trả nợ
cho những chủ nhà băng, những người nắm cổ phiếu. Những người này,
miệng lúc nào cũng hô to khẩu hiệu thị trường tự do muôn năm, lúc nào
cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để có được những lợi nhuận khổng lồ, nghĩa là
cũng ra vẻ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nhưng họ đều yên trí, đằng sau
lưng còn có IMF, còn có chính quyền của nước họ, lúc nào cũng sẵn sàng
"cứu bồ", khi rủi ro biến thành hiện thực. Chẳng phải tự nhiên khi
những phương sách đầu tiên mà IMF đòi hỏi, một khi khách hàng có nguy
cơ không trả được nợ: cắt trợ cấp người nghèo, phúc lợi xã hội, cúp trợ
cấp thực phẩm... Làm gì có chuyện viên chức IMF đi thăm dân cho biết sự
tình, gặp người nghèo này, công nhân kia, dân quê nọ; người mà nó thăm
viếng phải là những ông chủ ngân hàng, những ông bộ trưởng tài chính...
Stiglitz đưa ra nhận xét: những viên chức đến với IMF, là từ những khu
vực tài chính tư nhân, và khi từ giã IMF, là để trở về những ngân hàng,
hay những cơ sở tài chính khác.
Tuy
nhiên, sau khi nghiên cứu, tác giả gạt bỏ quan điểm, đã có một âm mưu
giữa IMF và đám nhà giầu, nhằm bóc lột tối đa đám nhà nghèo. Đây là một
quan điểm ngày càng nở rộ giữa những người chống toàn cầu hóa. Ông
khẳng định, toàn cầu hóa là... tất yếu, như Trần Hữu Dũng, trong bài
viết của ông trên tờ Diễn Đàn: "Từ trang đầu tới trang cuối, Stiglitz
cẩn thận lập đi lập lại: trên nguyên tắc, tiến trình toàn cầu hóa là
tốt... Hon nữa, kinh nghiệm cho thấy, toàn cầu hóa đã nâng cao chất
lượng đời sống của hàng triệu người, nhất là ở các quốc gia Đông Á và
Trung Quốc." Theo ông, tuy không có âm mưu, nhưng rõ ràng là IMF chỉ
chơi với người giầu, và chỉ vì quyền lợi và ý thức hệ của cộng đồng tài
chính Tây phương.
Sau
cùng, ông cho rằng mắc mứu của IMF như trên còn đưa tới một sự sa đọa
đạo đức: chẳng thèm để ý gì tới người nghèo không phải chỉ là vấn đề
thị trường, nhà cầm quyền... Đây là vấn đề đạo đức, liên quan tới phẩm
giá của con người. Khi cố gắng bảo vệ khế ước với đám nhà giầu, IMF đã
khuynh đảo, làm tan nát cái khế ước đạo đức của xã hội.
Jennifer
Tran giới thiệu.
3. Bữa nay mẹ
tôi mất
Kẻ
Xa Lạ của nhà văn Pháp Albert
Camus, thuật câu chuyện anh chàng Meursault, được tin mẹ mất (Bữa nay
mẹ tôi mất. Có thể bữa qua, tôi không biết. Tôi nhận được điện tín từ
nhà dưỡng lão...), đi đám tang, trở lại sở làm, đi chơi với em và giết
người tại bãi biển. Hỏi động cơ giết người, hỏi tại sao bắn thêm bốn
phát nữa vào cái thân thể đã bất động, anh trả lời, tại mặt trời (à
cause du soleil). Vẫn mặt trời ngày chôn mẹ. Tất cả được kể bằng một
giọng văn đều đều, như muốn gạt bỏ mọi tình cảm, mọi phản ứng, trước
bất cứ một "vụ việc". Một thứ văn chương "trung tính" (neutre), "một
cách viết trắng", như Roland Barthes đã từng đọc Camus trong Không
Độ Của Cách Viết. Tại sao một câu chuyện như thế lại quyến rũ không
biết bao nhiêu thế hệ độc giả, nhất là đúng vào tuổi mới lớn?
Với
họ, đây là một thứ sách-thờ (le livre culte), và tác giả của nó, "đẹp
như Bogart, lái xe như James Dean, điếu thuốc lá luôn gắn trên miệng"
(và chỉ bị lấy bỏ, trên con tem tưởng niệm ông!): Một kẻ dẫn đường, một
bậc thầy đạo đức của thế hệ.
Của
nhiều thế hệ?
***
"Tôi
sinh ở Bạc Liêu năm 1958 trong một gia đình có tập quán đối nghịch, là
mẹ Nam, lấy việc làm thay lời nói, và bố Bắc, gần như ngược lại, lấy
lời nói thay việc làm. Tôi không khớp với người Nam bởi một ít máu Bắc,
và cũng không trùng với người Bắc bởi một phần tính Nam. Tôi là sản
phẩm méo mó của cái quan hệ nhùng nhằng đó. Nó ảnh hưởng nhiều đến cách
nghĩ và thái độ của tôi. Tôi hiện sống ở Sài Gòn, và đã in hai tập thơ:
Đêm Mặt Trời Mọc (1990) và Khí Hậu Đồ Vật (1997).
Tôi
bị gọi nhập ngũ năm 1979, và có hai năm đứng trong hàng ngũ đi dép râu,
đội nón cối và bắn vài loạt AK, nhưng cũng may chưa ra trận. Tôi nghĩ,
nếu đánh nhau, tôi dễ trở thành một tù binh, hoặc một hàng binh, hoặc
là người bị bắn đầu tiên. Không lâm trận nhưng cũng bị hai vết thẹo:
một vết loét trong dạ dày vì đói và ăn bậy, một vết thẹo trong tâm lý,
do bị dồn nén từ áp lực của một tập thể luôn bị bơm căng. Trong hai năm
đó, tôi nhận ra tính hiếu chiến gần như bản năng tiềm ẩn trong con
người Việt Nam, và điều đó làm tôi hoảng sợ hơn những cuộc đọ súng
tưởng tượng với Pôn Pốt. Nhưng cũng may, nhờ loét dạ dày tôi được giải
ngũ sớm.
Kẻ Xa
Lạ, Thời Của Kẻ Giết Người, Zarathrustra Đã Nói Như Thế, là những cuốn
sách không chỉ in những dấu ấn, nó còn là cây búa đập vỡ tôi ra. Kẻ Xa
Lạ, Lê Thanh Hoàng Dân dịch của Camus, đọc lần đầu năm 1974, nó đã tác
dụng đến tôi như một trận hỏa, thiêu rụi mọi cái ảo trong trí tưởng về
sự hiện hữu của con người, và thay vào đó, là cái trơ trọi cứ lớn dần
trong cảm thức. Khi còn là sinh viên, tôi vẫn đọc nó, bây giờ, thỉnh
thoảng tôi vẫn đọc lại, và cả về sau, tôi tin, tư tưởng của Camus trong
Kẻ Xa Lạ là nền tảng đạo đức không xa lạ nữa với mỗi người. Thời Của Kẻ
Giết Người, Phạm Công Thiện dịch của Henry Miller viết về Rimbaud, đối
với tôi lúc đó, hơn bất luận một giáo trình tâm lý và mỹ học nào, nó là
tấm gương soi cho những kẻ đồng căn nhận ra tính nguyên sơ của cái đẹp
thấu thị, và tính chất đó chỉ đạt đến trong ý thức nổi loạn.
Zarathrustra Đã Nói Như Thế, Trần Xuân Kiêm dịch của Nietzsche, giáng
vào tôi một khoái cảm điếng người của sự đứt đoạn, sự lìa bỏ, và sự
vượt lên. Nó lắp đặt cho ý thức một cỗ máy tinh xảo để lọc mọi thứ cặn
trong truyền thống cảm xúc ẩm thải ra từ đời sống và từ văn chương.
Những cuốn sách đó đã thiết kế ý thức cá nhân của tôi đề kháng lại cái
môi trường bán khai của qyyền lực tập thể, luôn thấy trong cá tính mối
nguy hiểm cho sự an toàn tạm bợ của nó. Ngoài ra, sự không tưởng về
kinh tế, chuyên chế về chính trị ở Việt nam sau chiến tranh đã gây ra
những tai biến, những xung đột, những xáo trộn khắc nghiệt trong tâm
lý, nên những hình ảnh kỳ dị, những ý tưởng đột ngột trong những câu
thơ, kiểu: súng lục có tóc trắng, ruột gan của đá, không khí là một rễ
cây, đá là cây của những đám mây... tức thì nhập vào tôi như một cơn
gió độc; và thi pháp thơ siêu thực, mặc nhiên biến thành hơi thở, máu
thịt, và làm nên phần chính yếu trong ý thức nghệ thuật của tôi. Vào
thời đó, sách dịch từ Liên Xô độc chiếm trong các tiệm sách, và hầu hết
những cuốn sách đều mặc đồng phục..."
Nguyễn
Quốc Chánh
(Trích
phỏng vấn, do Đinh Linh thực hiện, đăng lại trên diễn đàn Talawas)
***
Tôi
đọc Kẻ Xa Lạ, hình như là vào năm 1958 thì phải, và cơn chấn
động của nó đánh bật tôi ra khỏi giảng đường Đại Học Khoa Học, Sài Gòn.
1974,
Nguyễn Quốc Chánh đọc nó, cũng tại thành phố Sài Gòn của tôi, và như
ông cho biết, nó đã tác dụng tới ông như một trận hỏa...
Hai
người đọc cùng một cuốn sách, trước và sau một cuộc chiến, và gần như
cùng bị chấn động như nhau. Có vẻ như cuốn sách chẳng cần một thời
gian, một biến cố lịch sử nào để mà biện minh. Có vẻ như nó mãi mãi
thuộc về một thời mới lớn, như tác giả của nó, khi viết nó: "Camus ư?
Đây là một tấm hình của ông. Một khuôn mặt đẹp, trầm trọng, một cái
nhìn buồn bã, và dịu dàng của người thức đêm, trông chừng những cơn
mộng của thời mới lớn...".
Và
đây là câu văn mở đầu của một cuốn tiểu thuyết sẽ mãi mãi làm ngỡ ngàng
những người trẻ tuổi:
"Bữa
nay mẹ tôi mất" (Aujourd’hui maman est morte).
· · ·
Camus
rất mê câu thơ của Rilke:
Ở đâu
có nguy hiểm, ở đó có cứu rỗi. (Là où croit le danger, croit aussi ce
qui sauve).
Như
thể ông đã nhìn ra, sau Lò Thiêu, vẫn còn có cứu rỗi?
Và đó
là giá mà Âu Châu phải trả để có được giải phóng, và sau đó, tự do?
Nhưng
như một nhà phê bình Pháp, Bernard-Henry Lévy, trên tạp chí Le Point
(số đặc biệt về Camus, tháng Tám 1993) đã nhìn ra ở ông: Càng ngày
Camus càng muốn đảo ngược câu thơ của Rilke:
Ở đâu
có hòa bình, ở đó có hiểm nguy. (Là où vient la paix, croit aussi le
temps des dangers).
Liệu
có thể áp dụng hai câu thơ trên, cho hai độc giả của Kẻ Xa Lạ,
một trước, và một sau, cuộc chiến Việt Nam?
· · ·
Nguyễn
Quốc Chánh viết, "Khi còn là sinh viên, tôi vẫn đọc nó, bây giờ, thỉnh
thoảng tôi vẫn đọc lại, và cả về sau, tôi tin, tư tưởng của Camus trong
Kẻ Xa Lạ là nền tảng đạo đức không xa lạ nữa
với mỗi người". Chúng ta tự hỏi, đâu là nền tảng đạo đức của Camus?
Trong
một bài viết trên tờ Le Point, là lộ trình của Camus, "Từ Alger tới
Paris, từ thập niên 30 tới ngày 4 tháng Giêng 1960 – ngày ông tử nạn xe
hơi – Camus đi theo những biến động của thời cuộc. Ông cảm thấy thất
vọng, thương tổn, và do đó, thật gần gũi."
Kẻ xa
lạ, Camus, đến từ mặt trời Địa Trung Hải, đã thất vọng, lần đầu gặp
Paris, và khám phá vẻ nham nhở, xám xịt, mưa, những người gác cổng, và
những vụ tự tử vô danh trong những căn phòng khách sạn, như trong Sổ
Tay của ông, vào năm 1940, khi định cư tại đây: "Đọc Paris Buổi Chiều
và cảm thấy trái tim của thành phố ê hề trên những trang báo, cái tính
đê tiện của một cô thợ khâu.... Nó [Paris] thì thối rữa. Sướt mướt, mỹ
miều, vui lòng khách đến, chốn ẩn trú nhớm nhúa, nơi con người phải cố
mà sống trong một thành phố quá tàn bạo đối với nó."
Cảm
giác đầu tiên và cũng là cuối cùng: Chẳng bao giờ ông có được một từ
dịu dàng với thành phố đó. Ông cảm thấy lạc lõng, xốn xang. Đây là một
con người khốn khổ vì hoài nghi, vì nghĩ rằng mình vô ích, vô tích sự,
và chỉ cảm thấy dịu đi một phần nào, bằng những câu vắn ngắn thật sáng
sủa, chỉ để tố cáo sự bất công của cõi người.
Sự
thực, ông ở đâu đó, không ở chỗ đó: Paris. Ngay cả khi đã nổi tiếng,
sau khi Kẻ Xa Lạ xuất bản, vào năm 1942, chẳng có một câu nào
trong Sổ Tay nói lên niềm vui của ông, mà chỉ là niềm kinh hoàng
(effroi). Ông bị chấn động bởi nỗi khốn cùng, mà ông chứng kiến, khi đi
đi về về trên xe lửa, từ Saint-Étienne tới Chambon-sur-Lignon, nơi ông
phải tới để chữa trị chứng lao phổi.
Và
Camus viết về đạo đức:
"Tôi
đã cố gắng bằng tất cả sức lực của tôi, biết rất rõ những yếu đuối của
mình, để trở thành một con người của đạo đức. Đạo đức, chính nó, giết.
(La Morale tue).
Vào
cái thời cực thịnh của Camus tại miền nam Việt Nam, trên tờ Sáng Tạo
của nhóm, Thanh Tâm Tuyền đã coi Camus muốn làm một kẻ "juste", đứng ở
lưng chừng trời, ngó xuống thế gian... và kết luận: cái chết của Camus
đã nhốt chặt ông vào quá khứ.
Khi
gọi Camus là một "juste", Thanh Tâm Tuyền gợi đến kịch phẩm "Những
người công chính" (Les Justes) của Camus, (bản tiếng Anh dịch là Những
Tên Sát Nhân Chính Trực, The Just Assassins); người viết đọc, vẫn
những ngày đầu, thời mới lớn, trong một thành phố Sài Gòn đang còn
thanh bình, và chỉ còn nhớ mài mại, đây là về một tay khủng bố không
chịu ra tay khủng bố, chỉ vì có những đứa trẻ tại hiện trường.
"Cái
chết đã nhốt chặt ông vào quá khứ." Khi viết những dòng này, Thanh Tâm
Tuyền có vẻ như vẫn còn tin tưởng, về một cuộc chiến bắt buộc phải chấp
nhận, cho dù chẳng hề có huyền thoại Malraux, huyền thoại Lawrence
d’Arabie, huyền thoại Rimbaud, và chẳng thể nào ngông cuồng (hay hèn
nhát) bỏ chạy. Cuộc chiến phải chấp nhận. Tôi không thể giết người,
nhưng "tôi có thể tự tử" (Bếp Lửa). Từ "có thể" của nhân vật
Tâm, đến "có thực" của Trí trong Cát Lầy, tới cái chết lãng xẹt
của Kiệt trong Một Chủ Nhật Khác... đã nhốt chặt những nhân vật
của Thanh Tâm Tuyền trong quá khứ - cuộc chiến Việt Nam, tuy vào thời
điểm đó, nó chưa chấm dứt.
Những
nhân vật của Thanh Tâm Tuyền, một khi từ chối một cuộc chiến phải chấp
nhận, họ đã "không có một căn cước xác định" của Meursault: Anh ta luôn
luôn là anh ta và là một kẻ khác [Nên nhớ, Thanh Tâm Tuyền đã từng để
lên đầu bản thảo cuốn Bếp Lửa, câu của Rimbaud: Tôi là kẻ
khác, nhưng sau gạch bỏ, khi đưa xuất bản.]
Liệu
đến khi cuộc chiến chấm dứt, rồi cuộc bỏ chạy tán loạn ra biển, rồi
ngục tù, trại cải tạo - cả với người miền bắc như một Nguyễn Chí Thiện
trước, và sau, Bùi Ngọc Tấn.... - nhân vật tiểu thuyết Việt Nam mới dần
dần định hình: một kẻ lang thang, lưu vong, cho dù ở trong hay ở ngoài?
Kể từ
lúc: Bữa nay mẹ tôi chết?
Lạ
một điều, nếu coi Mặt Trời Địa Trung Hải là một "bếp lửa" của Camus,
chúng ta sẽ nhận ra tính anh em giữa hai "kẻ xa lạ", giữa Meursault
trong Kẻ Xa Lạ, và Tâm trong Bếp Lửa [Meursault: Mer-Sol: Mer et
Soleil; Tâm: Tim, Bếp Lửa, Hà Nội... ].
Nhưng
"juste", ở đây theo tôi, còn muốn nhắc tới huyền thoại về một con người
công chính tiềm ẩn (the myth of the hidden just man) của dân tộc
Do-thái. Đây là một huyền thoại được nhiều nhà văn sử dụng, như là một
biểu tượng để nói về phận người, (nhất là phận người Do Thái, trong thế
kỷ của Lò Thiêu), thí dụ như trong truyện ngắn Cây Vĩ Cầm (Rothschild's
Fiddle) của Chekhov (đã giới thiệu trên Văn Học Nghệ Thuật trên
lưới do Phạm Chi Lan chủ biên và Việt Báo online, và trên Hợp Lưu).
Hoặc trong cuốn tiểu thuyết "Người Công Chính Cuối Cùng", (của
André Schwarz-Bart, đã được giải thưởng văn chương Pháp Goncourt năm
1959), theo đó, thế giới ngự trị trên 36 kẻ công chính. Kẻ công chính,
le juste, hay lamed-waf, người què gánh tội (waf: with all faults). Tuy
là "những cội rễ nhà trời" (les racines du ciel, chữ của Romain Gary),
nhưng bề ngoài, họ chẳng khác gì những con người bình thường. Giữa họ,
cũng chẳng thể nhận ra nhau. Nhưng chỉ cần một, trong số 36 kẻ công
chính thiếu đi, là nỗi đau khổ của con người làm độc ngay cả đến tâm
hồn của những trẻ thơ, và nhân loại nghẹt thở vì tiếng khóc bi thương
này. Bởi vì "lamed-waf" là trái tim của thế gian, nơi mọi đau khổ đều
đổ xuống đó. Như thể nhân loại có bao nhiêu khổ đau, là có bấy nhiêu
truyền thuyết về "người què gánh tội", bởi vì sự hiện diện của họ là ở
khắp nơi. Vào thế kỷ thứ 7, những người Do Thái thuộc vùng Andalousie,
Tây Ban Nha, đã sùng bái một khối đá mang hình giọt nước mắt, mà theo
họ đây là linh hồn của một "lamed-waf". [Liệu chúng ta có thể hiểu
huyền thoại hòn vọng phu, như là giọt nước mắt, linh hồn người đàn bà
suốt chiều dài dựng nước của dân tộc?]. Và khi một kẻ công chính vô
danh về trời, trái tim của người đó giá lạnh đến nỗi Thượng Đế phải ấp
ủ một ngàn năm trong lòng bàn tay của Người, để sưởi ấm cho nó. Và như
người ta được biết, hầu hết trong số họ, trái tim chẳng làm sao ấm lại
được nữa. Thượng Đế cũng chịu thua. Và Người thỉnh thoảng lại phải vặn
nhanh lên ‘một phút’ chiếc đồng hồ báo Cuộc Phán Xét Cuối Cùng.
Camus
đã từng chịu ảnh hưởng của Simone Weil. Quan điểm đạo đức cũng như
chính trị của ông vẫn bị coi là ngây thơ, giản đơn, nhưng chưa bị coi
là khùng, như Weil. Nhưng đối với một số người, thí dụ như George
Steiner, Weil là một vị thánh: Saint Simone – Simone Weil.
"Ông
ta [Camus] nói những điều quá giản dị, quá độ lượng, quá tổng quát",
như cách giải thích cuốn Kẻ Xa Lạ của một nhà phê bình Pháp,
Bernard Pingaud. Nhìn theo cách này, chúng ta có thể hiểu tại sao một
kẻ đứng ở lưng chừng trời [Sartre cũng đã từng gọi Camus như vậy: "Bạn
không ở phía bên phải, bạn ở trên trời", Vous n’êtes pas à droite,
Camus, vous êtes en l’air" [trích từ Thế kỷ của Sartre, trang
470, tủ sách bỏ túi, tác giả Bernard-Henry Lévy], ấy là chưa kể những
từ như: tên du thủ du thực, đá cá lăn dưa miệt vườn (nguyên văn: tên
côn đồ đến từ Alger - trích trong Thế kỷ của Sartre), cuối cùng
lại đáng yêu hơn là những kẻ cố chọn cho mình một thái độ, hoặc tả hoặc
hữu.
Nên
nhớ, Camus đã gia nhập đảng Cộng Sản rất sớm., và cũng rất sớm, từ bỏ
Đảng.
Liệu
chúng ta có thể coi Camus là người công chính cuối cùng của... loài
người?
NQT
4. Tội ác từ hơn
một thế kỷ vẫn còn nóng hổi:
Nước Bỉ chạm trán những quỉ dữ thời kỳ thuộc địa của nó.
Walter
Benjamin, triết gia Đức gốc Do Thái cho rằng, với lịch sử, cho dù chỉ
một chi tiết cỏn con, cũng không bị mất mát, rồi cũng có ngày lòi ra
ánh sáng. Hơn một thế kỷ, kể từ khi Hoàng Đế Bỉ Leopold II biến xứ
Congo thành thuộc địa của riêng mình, một cuộc điều tra hiện nay đang
được mở ra để tìm hiểu về những tội ác đã lâu ngày bị bỏ quên, mà nước
Bỉ, qua Hoàng Đế và quân đội riêng tư của ông, đã đối xử với dân chúng
thuộc địa ở đây. Viện Bảo Tàng do nhà nước quản lý, the Royal Museum
for Central Africa, trước đây được biết dưới cái tên Viện Bảo Tàng
Congo thuộc Bỉ, đã giao cho một số sử gia nổi tiếng nhất trong nước một
nhiệm vụ, hãy đem đến cho dân chúng một điều mà họ bị tước đoạt đã quá
lâu: sự thực.
Những
con số đáng sợ, gây phẫn nộ, thường là từ những tài liệu được nghiên
cứu kỹ càng: rằng trên 10 triệu người Congo đã, hoặc bị sát hại, hoặc
bị buộc làm việc cho đến kiệt lực rồi ngã ra chết, bởi quân đội riêng
của Vua Bỉ; rằng đàn bà đã bị hãm hiếp một cách có hệ thống, rằng dân
chúng, tay chân bị cắt, bị bắt cóc, bị cướp phá, nhà cửa, làng mạc bị
đốt: những tội ác như thế đó đã hơn một thế kỷ chưa từng được đem ra
bàn cãi một cách nghiêm túc tại nước Bỉ, đừng nói đến chuyện xin lỗi.
Rất
nhiều những lời tố cáo trên đây đã được tác giả người Mỹ Adam
Hochschild đem vào trong cuốn sách của ông nhan đề "King Leopold’s
Ghost". Khi cuốn sách được xuất bản vào năm 1999 tại Bỉ, nó đã gây một
sự phẫn nộ tại đây, nhất là khi tác giả đã so sánh con số những người
chết tại Congo thuộc Bỉ với Lò Thiêu, và thanh trừng cải tạo dưới thời
Stalin tại Liên xô. Nhưng cuốn sách cũng không tạo ra được một cái nhìn
nghiêm chỉnh về vấn đề này.
"Chúng
tôi sẽ nhìn vào những lời tố cáo, những con số người chết, những tội ác
đã phạm phải, chúng tôi sẽ điều tra, và vào năm 2004 chúng tôi sẽ cố
gắng đưa ra được câu trả lời cho cuốn sách của Hochschild," Guido
Gryseels, giám đốc Viện Bảo Tàng tuyên bố. "Chúng tôi không thể tránh
né trả lời những câu hỏi này. Nó đã trở thành nhức nhối, một giải pháp
là hết sức cần thiết cho vấn đề. Ai cũng nêu ra câu hỏi, không phải một
chốc một lát, mà hầu như luôn luôn, bất cứ lúc nào, và chúng tôi không
biết ăn nói ra làm sao."
Cuộc
điều tra sẽ bắt buộc xứ sở này chạm mặt với những quỉ dữ thời kỳ thực
dân thuộc địa của nó. Và như vậy là đụng vào một điều cấm kỵ từ hơn một
thế kỷ, tính từ khi nhà thám hiểm Henry Morton Stanley, vào năm 1885,
đã tìm ra xứ Congo cho Vua Bỉ. Một thuộc địa giầu có, với hai mỏ vàng
là cao su và ngà voi, chưa kể mỏ vàng con người, mặc sức mà khai thác.
Cuộc
điều tra được cầm đầu bởi Giáo sư Jean-Luc Vellut, sẽ khởi sự trong hai
tháng tới và sẽ trình bầy những gì mà họ tìm kiếm được vào năm 2004 (kỷ
niệm 100 năm Stanley mất).
Nếu
Congo, nơi xẩy ra những tội ác ghê tởm nhất đã đi vào quên lãng, thì
Viện Bảo Tàng tại Bỉ, được Vua Leopold II cho xây cất bằng tiền lấy từ
Congo, bao lâu nay bị hờ hững, chẳng ai đoái hoài, lại là nơi trưng ra
những tội ác đó, qua những nghệ phẩm hiếm quí, những kỳ hoa dị thảo của
xứ thuộc địa, nơi mà Nhà Vua chưa từng một lần thăm viếng. Nó được dùng
để tưởng niệm những sĩ quan thuộc Lực lượng Công cộng (Force Publique
officers), những người này bây giờ bị buộc tội là dã man. Về sự độc ác,
tàn nhẫn và những đau đớn khổ sở mà nhân dân Congo phải chịu đựng, thì
chưa thấy nói tới.
Chính
là do mong ước hiện đại hóa Viện Bảo tàng đã phát sinh cuộc điều tra kể
trên. Ngoài ra còn là mong ước, kéo nó ra khỏi cái quá khứ một chiều,
sai trái về mặt chính trị.
"Viện
Bảo Tàng đã chẳng thay đổi gì trong vòng 44 năm qua," viên giám đốc cho
biết. "Nó ôm riết lấy cái tinh thần, nếu không muốn nói là cái bóng ma
thực dân thuộc địa ở trong nó. Một khi bước vô là bạn nhìn thấy bức
tượng một cậu bé da đen ngước mắt nhìn lên nhà truyền giáo da trắng,
với hàng chữ "phụ đề" (legend): "Bỉ quốc mang văn minh tới Congo." Đây
là cái thông điệp mà Bỉ cần phải thay đổi, để nó không chỉ phản ảnh cái
nhìn của nước này vào trước năm 1960 (là năm Congo được độc lập). Chúng
tôi cần cả những cái nhìn của người Phi Châu, như vậy những du khách sẽ
thay đổi cái nhìn của riêng họ."
Hơn
một thế kỷ đã qua đi, nhưng nước Bỉ cho tới nay vẫn còn nhức nhối vì
những tội ác mà họ đã phạm phải tại Congo. "Đây là một thực tại đụng
tới cái phần sâu thẳm nhất của linh hồn Bỉ," Vị giám đốc Viện Bảo Tàng
nói. "Chúng tôi vẫn chưa xong với nó, thực sự là vậy. Và những phát
giác đã tới với chúng tôi như một cú sốc. Chúng tôi được nuôi dưỡng,
trưởng thành với ý nghĩ rằng Bỉ đã đem văn minh và điều tốt lành tới
Congo. Ở trường lớp, chúng tôi không hề được dậy bảo, cho biết có những
lời tố cáo, về những điều tàn ác đó."
"So
sánh nó với Lò Thiêu, là một sỉ nhục sự thực," Giáo sư Vellut tuyên bố.
"Chúng tôi cần đưa lịch sử của đất nước chúng tôi lên bàn mổ, nhưng
chúng tôi cũng cần phải hết sức thận trọng".
Ông
cho biết, rất nhiều điều tố cáo có tính đặc thù không thể được bàn tới,
nhưng ông khẳng định rằng, xác định rõ rệt ngày nào tháng nào những
điều độc ác như vậy đã xẩy ra, là một điều quá sức khó khăn. "Những con
số thống kê thời kỳ đó thật khó tin cậy. Người ta cũng không thể nào có
con số chính xác và dân số Congo vào lúc đó. Ngay cả con số những người
Do Thái bị chết tại Lò Thiêu, khi đem so sánh, cũng thay đổi. Ai biết
được, rằng 10 triệu hay là 15 triệu người Congo đã bị giết hại?"
Jennifer
Tran
(Theo
bài viết của Andrew Osborn, phóng viên tại Brussels của tuần báo
Guardian, số đề ngày 18-24 tháng Bẩy, 2002)
|