Dịch
thuật
29.9.2002
Nguyễn
Quốc Trụ
Bông
hồng là bông hồng là
bông hồng...
Kể từ
khi diễn đàn Talawas ra
đời (tháng 11.2001), tôi là một trong những người góp bài kể như là
được nhiều
"ưu ái". Bài viết được độc giả/tác giả ở trong nước đáp lời, được một
tạp chí ở trong nước đăng lại. Ðó bài viết về một đoạn văn dịch, trong
cuốn Trăm
Năm Cô Ðơn, của dịch giả Nguyễn Trung Ðức, tờ Tia Sáng đăng lại, có
kiểm duyệt
một câu, và câu này quan trọng đối với tôi. Cũng bài này đã được
Patrick
Raszelenberg đáp lời, và được Talawas chuyển qua tiếng Việt. Nhân đây
xin được
cảm ơn (tuy hơi muộn) nhã ý của tác giả và ban biên tập. Cái câu mà Tia
Sáng
kiểm duyệt là câu Patrick đã nhắc tới, như là một lời khuyên khi kết
thúc bài
viết. Trong một dịp khác, tôi sẽ xin được trình bày ý nghĩ của tôi, khi
nhắc
tới sự kiện lịch sử người Pháp tấn công Nam Kỳ. Cũng như tại sao trong
bản dịch
của Nguyễn Trung Ðức lại có chi tiết lạ thường: tiếng chuông nhà thờ đổ
hồi.
Ngoài
ra, tôi còn được tác
giả Hoặc Ngữ đem những bài viết từ "trang nhà" của tôi, một phụ trang
văn học của tạp chí Văn Học Nghệ Thuật trên lưới, do Phạm Chi Lan chủ
biên, vào
chuyên đề về dịch thuật trên Talawas. Mới đây, những bài viết của Quốc
Việt, Võ
Tấn Phong, Phan Nhiên Hạo cũng đã có nhắc tới tôi.
Viết ra
được đọc, và được góp
ý như vậy, quả là một điều hạnh phúc, tôi thành thực nghĩ như vậy. Mặc
dù lúc
đầu, có ngần ngại, khi trả lời Hoặc Ngữ.
Bài
viết này, vẫn theo tinh
thần tản mạn, gặp đâu viết đấy, nhưng đây là cách viết của tôi, nhằm
tránh,
hoặc tập trung quá mức vào một đề tài, hoặc cố sao cho được như ý của
mình -
thí dụ như để nhằm hạ người khác, coi quan điểm của mình mới là đúng...
Nói tóm
lại, nhằm chống lại tinh thần hệ thống, qui về một mối.
Nhan đề
bài viết được gợi ý
từ một câu của Gertrude Stein, và của một nhà thơ Việt Nam.
Nguyên Sa
đã từng viết một loạt bài về phê bình, "Một bông hồng cho văn nghệ",
trong đó có "ưu ái" gọi nhóm bạn cùng viết của tôi là đám "sa
đích" văn nghệ, nhưng chủ yếu là nhắm vào cá nhân người viết, do một
bài
điểm một tác phẩm của ông trên tờ Văn. Không chỉ ông, mà sau đó, dòng
dã mấy
tháng trời, trên một tờ nhật báo ở Sài Gòn, Duyên Anh liên tiếp lôi
"thằng
NQT là thằng củ c... nào" ra mà chửi. Trong một lần gặp nhau bên bàn xì
tẩy, tôi hỏi, ông trả lời, đó là tinh thần "ê kíp", dù mày không đụng
tao, nhưng đụng đến Nguyên Sa, là tao chửi! Ngoài ra còn vài trường
hợp, thí dụ
với Nguyễn Thị Hoàng, với một nhà văn khác nữa, mà tôi đã nhắc tới
trong bài
viết Một Chuyến Ði, đăng trên báo Văn Học, Cali, sau in trong Nơi Người
Chết
Mỉm Cười (nhà xb Văn Mới, Cali).
[Nhân
tiện ở đây, tôi cũng
xin "thanh minh", là chưa từng viết về Võ Phiến trước 1975, như trong
tiểu chú ở cuối cuốn viết về Võ Phiến, của Nguyễn Hưng Quốc. Tôi đọc
ông rất
sớm, từ khi còn đi học, và rất mê những nhân vật của ông. Trong một dịp
khác,
tôi sẽ kể lại, những nhân vật của ông, nhất là những cô gái, đã ảnh
hưởng như
thế nào ở một đám mới lớn là lũ chúng tôi, mỗi đứa có một cách "kể
trong
đêm khuya", về một thời cơ thể bắt đầu rạo rực của mình. Nhưng chính
những
nhân vật, thí dụ như một Tâm trong Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền, một
Roquentin
trong Buồn Nôn của Sartre, và nhất là, một Meursault, Kẻ Xa Lạ của
Camus, mới
đẩy tôi vào việc viết].
Những
người được nhắc tới ở
trên, Nguyên Sa và Duyên Anh đã mất, Nguyễn Thị Hoàng còn ở trong nước,
(một
món "đồ cổ" cần được bảo quản, theo Nguyễn Quốc Chánh). Người viết
nhắc lại ở đây, trước hết và trên hết, như một hoài niệm những ngày ở
Sài Gòn.
Và sau đó, như một kinh nghiệm, theo kiểu ôn cố, trước khi tri tân.
Sự sôi
nổi tranh luận tại
Talawas, theo tôi là do, đây là một diễn đàn độc lập, và hơn thế nữa,
một diễn
đàn free. Không những free mà còn vô vụ lợi. Ðây là những lợi thế mà
trước đây,
văn học Việt Nam
chưa từng có.
Trong
trường hợp đụng độ của
tôi với Nguyên Sa, chủ nhiệm tờ Văn lúc đó là ông Nguyễn Ðình Vượng.
Ông là một
người rất có lòng với văn chương, nhưng có lòng hay không có lòng, ông
còn phải
lo bán báo, và muốn bán báo, phải có những người cộng tác, phải giữ
được tình
cảm với ba bề bốn bên. Thư ký tòa soạn lúc đó là Trần Phong Giao, sau
một bài
viết ngắn trong mục tin văn nghệ ở cuối tờ báo, "Bông Hồng hay Bông Cứt
Lợn", đã đành phải ngưng, một phần là do yêu cầu của chủ nghiệm, một
phần
là do sợ (tôi nghĩ vậy, qua những lần trò chuyện sau đó). Sợ bằng cấp,
sợ thế
lực, sợ cả về tài năng, theo nghĩa: một Nguyễn Quốc Trụ mới có bằng tú
tài, một
Trần Phong Giao cũng là một tay tự học, làm sao địch nổi với một giáo
sư đại
học như Nguyên Sa.
Theo
tôi vấn đề là, bạn phải
yêu thích văn chương, quí mến nó, khi bước vào một cuộc tranh luận,
đừng ngần
ngại về trình độ học vấn, hoặc kiến thức...
Sở dĩ
tôi không trả lời những
bài viết của Nguyên Sa và của Duyên Anh, chính là vì không thể nào biết
được,
lúc nào thì mình bị khóa miệng. Ngay ở hải ngoại cũng đã xẩy ra tình
trạng này,
và đây là "nỗi buồn lớn nhất trong đời viết văn của tôi", như một nhà
văn đã từng than thở. Theo tôi với một diễn đàn như Talawas, nếu đừng
đụng tới
những vấn đề tạm gọi là "đạo đức", thí dụ như bới móc đời tư chẳng
hạn, thì tha hồ bạn viết. Bạn tranh luận, bạn cọ sát cho đến tóe lửa
ra, càng
tốt, như trong chủ trương của ban biên tập.
[Ở đây,
có một sự thiếu sót,
theo tôi, là trong ban biên tập phần lớn là người miền bắc, nếu tôi
không lầm.
Chứng cớ là, trong bài viết của tôi ở VHNT và Tin Văn, khi được trích
đoạn
trong bài viết của Hoặc Ngữ, từ "lu bu" của tôi, đã bị sửa lại thành
"lu bù". "Lu bu" và "lu bù", có thể là cùng một
gốc, nhưng ý nghĩa của chúng đã cách biệt khá nhiều. Thí dụ như trong
câu
"Mày chỉ lu bu lo chuyện thiên hạ", thì từ "lu bu" như tương
tự từ "rách việc" của người bắc. Cũng vậy, nếu Phạm Thị Hoài hiểu
được, đối với người miền nam, những từ như sấm (sấm Ðức Thầy, thí dụ
vậy), là
những gì cực kỳ thiêng liêng, nếu không muốn nói, trân trọng, bà đã
không gọi
bản dịch của Phan Ngọc là "sấm Hegel". Gọi như thế, là quá vinh danh
bản dịch. Theo nghĩa này, chúng ta đọc Trầm Tư của một tên tội tử hình,
của Hồ
Hữu Tường, như là sấm ngôn của một tu sĩ sắp sửa đi vào cõi niết bàn,
và nhắn
gửi hậu thế, Ðức Phật sẽ trở lại với thế gian. Vẫn theo nghĩa này, hình
ảnh
"sĩ phu" miền nam, không phải là một nhà trí thức, lúc nào cũng kè kè
bên mình một cuốn sách, mà là ông đạo lăn lưng vào đời.]
Ngay cả
khi Trần Phong Giao
thôi làm thư ký, "ông bạn" của tôi, là Nguyễn Xuân Hoàng thay thế,
trong một số báo đặc biệt về các nhà văn nữ Việt Nam, anh "ra lệnh" mày
cho tao một bài, đến khi đăng, bài cũng bị kiểm duyệt. Anh cho biết, đã
kiểm
duyệt bớt đi, mà vẫn còn bị các bà điện thoại tới mắng vốn.
Bao
nhiêu năm rồi, tôi vẫn
chưa quên một câu văn bị cắt: các nhà nữ Việt Nam đi
từ thành công đến thất bại.
(Tôi cứ tưởng tượng cái cảnh ông bạn của mình bị mắng vốn, và câu biện
minh của
anh, tao không cắt câu văn, sợ mấy bà cắt mày). Không phải tôi viết
sai, viết
bậy. Nhưng cái giọng văn đầy nọc độc như trên thật dễ làm mất lòng
nhau. Một
nhà thơ đàn anh lắc đầu, mày viết đúng về những người không phải là bạn
mày,
nhưng viết sai về những bạn của mày. Lúc đó, đám chúng tôi đang làm tờ
Tập San
Văn Chương. Nguyễn Tường Giang, bác sĩ kiêm quản lý bất đắc dĩ bèn
quyết định,
sẽ đăng lại toàn bài trên báo nhà, nhưng tôi lắc đầu. Hình như đó là
bài viết
phê bình cuối cùng của tôi, tại Sài Gòn, trước 1975.