Notes
Souvenir
Souvenir
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
1 2 3 4 5
|
Kỷ
Niệm
Số 545
3 March 2002
Hạt nhớ tháng ba
1. Gabriel García Márquez:
Chuyện Nghề.
Lời người giới thiệu: Cuộc
phỏng vấn dưới đây, do tờ Điểm Sách Paris thực hiện, chú trọng vào công
việc
sáng tác, và có tên chung là "Nhà văn khi làm việc" (Writers at
Work). Được thực hiện trong ba buổi tối, mỗi buổi hai tiếng đồng hồ, và
được in
trong The Paris Review Interviews, Writers at Work, 6th series. Mặc dù
thông
thạo tiếng Anh, nhưng García Máquez gần như chỉ sử dụng tiếng Tây Ban
Nha trong
khi nói chuyện, và hai người con trai của ông chia nhau việc dịch
thuật. Khi
nói chuyện, ông thường đưa người tới phía trước, hoặc lui về phía sau.
Hai tay
thường làm những cử chỉ nho nhỏ, quyết định, nhằm nhấn mạnh một điểm
nào đó,
hoặc để cho thấy, một sự chuyển hướng trong suy nghĩ của ông.
Nhan đề bài dịch, mượn Nguyễn
Tuân.
JT
*
Người phỏng vấn: Ông cảm thấy
thế nào, về việc sử dụng máy ghi âm?
García Márquez: Vào cái lúc
mà bạn biết cuộc phỏng vấn được ghi âm, thái độ của bạn thay đổi. Với
ai không
biết, riêng tôi, lập tức lui về thế phòng ngự. Là một ký giả, tôi cảm
thấy
chúng ta vẫn chưa biết làm cách nào sử dụng máy ghi âm để thực hiện một
cuộc
phỏng vấn. Cách tốt nhất, theo tôi, là đôi bên cứ nói chuyện thoải mái,
và tay
ký giả không cần ghi chú. Về nhà, nhớ gì ghi gì, nhớ sao ghi vậy, theo
cảm nghĩ
của mình, không cần đúng y chang những từ được sử dụng trong lúc nói
chuyện.
Còn một cách nữa, cũng được, theo tôi, đó là ghi chú, và đôi khi ngắt
lời, cốt
sao chân thật (loyal) với người được phỏng vấn. Cái máy ghi âm, nó làm
người bị
phỏng vấn bực mình, chính là do tính "không chân thật" của nó. Không
chân
thật, bởi vì nó ghi lại và nhớ y chang, ngay cả một khi người hỏi bị
hố! Đó là
lý do tại sao, khi có máy ghi âm, tôi biết mình đang bị phỏng vấn, còn
khi
không có, tôi cảm thấy thoải mái hơn.
-Ông làm tôi áy náy, khi xài
nó vào lúc này, nhưng tôi nghĩ là cái kiểu phỏng vấn như vầy phải có nó.
Nói gì thì nói, nãy giờ, tôi
muốn đẩy bạn về thế phòng ngự, có vậy thôi.
-Như vậy là không bao giờ ông
dùng máy ghi âm khi phỏng vấn?
Là một ký giả, tôi chưa hề
dùng tới nó. Tôi có máy ghi âm, nhưng chỉ dùng để nghe nhạc. Vả chăng,
khi làm
ký giả tôi chưa hề thực hiện phỏng vấn. Tôi có viết phóng sự (reports),
nhưng
chưa hề làm phỏng vấn, theo kiểu hỏi, và trả lời.
-Thế còn cuộc phỏng vấn trứ
danh người bị đắm tầu?
Nó không phải là những câu
hỏi và trả lời. Người được hỏi kể cho tôi nghe những cuộc phiêu lưu của
anh ta,
và sau đó tôi viết lại, cố gắng sử dụng những từ ngữ của chính anh ta,
với nhân
vật xưng "tôi". Khi xuất hiện trên mặt báo, loạt bài ký tên người thủy
thủ, không phải tôi. Chỉ sau đó ít lâu, khi được xuất bản thành sách,
thiên hạ
mới biết tôi là tác giả. Chẳng nhà xuất bản nào nghĩ, đây là một bài
viết tốt,
cho tới khi Trăm Năm Cô Đơn ra đời.
-Trở lại với nghề ký giả, sau
bao nhiêu năm viết văn, ông có còn cảm thấy mình vẫn còn là một ký giả?
Ông có
nghĩ khác đi, hoặc nhìn khác đi, cái nghề này?
Tôi luôn luôn tin tưởng, tôi
là một ký giả. Và đây là nghề nghiệp thực sự của tôi. Điều tôi ngán
ngẩm, trước
đây, là những điều kiện hành nghề. Bây giờ, sau khi làm tiểu thuyết
gia, và có
được sự độc lập về tài chánh, như là một tiểu thuyết gia, tôi có quyền
chọn lựa
viết điều mình thích, và hợp với mình. Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn
khoái có
được dịp may, cho ra lò một mẩu trứ danh, thuộc về báo chí.
-Thế nào là "một mẩu trứ
danh" (a great piece), thuộc về báo chí, theo ông?
Hiroshima, của John Hersey, đúng một tuyệt tác.
-Hiện nay, có chuyện báo chí
nào, ông muốn dành mắt xanh cho nó?
Nhiều chứ. Một vài chuyện,
tôi đã viết. Như về Bồ Đào Nha, Cuba, Angola,
và Việt Nam.
Tôi rất mê, nếu có dịp viết về Ba Lan. Tôi nghĩ, nếu mình có thể diễn
tả đúng,
những gì thực sự xẩy ra ở đó, thì chắc chắn đây sẽ là một chuyện hay.
Nhưng lúc
này, ở đó lạnh lắm. Tôi là tay ký giả khoái những tiện nghi của mình.
-Ông có cho rằng, tiểu thuyết
có thể làm được một số điều mà báo chí không thể làm được?
Chẳng có gì. Tôi chẳng nghĩ
có sự khác biệt giữa hai thể loại này. Nguyên liệu (sources) như nhau.
Chất
liệu (material) y hệt. Tài nguyên, ngôn ngữ cũng y chang. Nhật Ký Năm
Dịch (The
Journal of the Plague Year) của Daniel Defoe là một cuốn tiểu thuyết
lớn, và Hiroshima
là một tác phẩm
lớn thuộc về báo chí.
-Ký giả và tiểu thuyết gia
liệu có trách nhiệm khác nhau, khi gia giảm (cân bằng: balancing) mức
độ
"sự thực chống lại giả tưởng"?
Trong ngành báo, chỉ cần một
sự kiện bị làm thành dởm (false), bất cứ vì lý do gì, là toàn bộ tác
phẩm kể
như tiêu. Ngược lại, trong tiểu thuyết, chỉ một sự kiện thực, đủ bảo
đảm tính
xác thực (legitimacy) cho toàn bộ tác phẩm. Đó là sự khác biệt độc
nhất, và nó
hệ tại ở sự dấn mình (commitment) của người viết. Một tiểu thuyết gia
tha hồ
bầy, bất cứ trò gì mà anh ta muốn, chừng nào độc giả còn tin.
-Cách đây vài năm, trong một
cuộc phỏng vấn, khi phải nhìn lại thời gian hành nghề báo, ông đã tỏ ra
sửng
sốt, sao hồi đó mình viết nhanh như thế.
Tôi cảm thấy khó viết hơn
trước, ở cả hai nghề làm báo và viết văn. Khi làm việc với những nhật
báo, tôi
không hoàn toàn ý thức, về từng từ mà tôi viết ra, như là bây giờ. Khi
làm việc
với tờ El Espectador ở Bogota,
tôi thường viết ít nhất là ba chuyện trong một tuần, hai hoặc ba mẩu
bình luận
(editorial notes) mỗi ngày, ngoài ra còn những bài điểm phim. Và tới
tối, khi
mọi người về hết, tôi ở lại viết tiểu thuyết. Tôi mê tiếng máy in, như
tiếng
mưa rào. Nếu nó ngưng, là tôi thấy bị rơi vào im lặng, và không thể làm
việc.
Bây giờ, viết chỉ được một tí. Vào một ngày làm việc ra trò, từ chín
giờ sáng,
hay từ hai giờ chiều, nhiều lắm tôi có thể viết được, là một mẩu đoạn,
chừng
bốn hoặc năm dòng, mà tôi thường xé bỏ, vào ngày hôm sau.
-Chắc là do bây giờ nổi
tiếng, hay là do vai trò dấn thân chính trị của ông?
Do cả hai. Tôi nghĩ, cái ý
nghĩ, mình viết cho biết bao con người, mà mình chưa từng tưởng tượng
nhiều như
thế, một trách nhiệm tổng quát, đại cương nào đó, chắc là phải có, và
nó là văn
chương cũng như là chính trị. Có cả niềm tự hào nữa, khi tự nhủ, đừng
ngã ngựa
quá sớm.
-Ông khởi sự viết như thế
nào?
Bằng cách vẽ. Hí họa. Trước
khi biết đọc biết viết, tôi thường vẽ hí họa, ở trường hoặc ở nhà. Thú
vị nhất
là, bây giờ nghĩ lại, khi học trung học, tôi nổi tiếng như là một người
viết,
trong khi sự thực, khi đó tôi chưa hề viết. Khi vào college, vốn liếng
văn học
của tôi khá tốt, nói một cách tổng quát, so với bạn cùng lớp. Tại đại
học
Bogota, tôi khởi sự làm quen một số bạn bè mới; họ giới thiệu tôi một
số nhà
văn đương thời. Một tối, một người bạn đưa cho tôi mượn một cuốn truyện
ngắn
của Franz Kafka. Khi về phòng, tôi mở ra đọc Hóa Thân. Dòng đầu tiên
hầu như
đánh tôi văng ra khỏi giường. Tôi quá đỗi ngạc nhiên. Dòng đầu như sau:
"Buổi sáng hôm đó, khi Gregor Samsa thức giấc sau một đêm mộng mị, anh
thấy mình biến thành một con bọ khổng lồ ở trên giường...". Khi tôi đọc
dòng chữ, tôi nói với tôi, mình chưa từng biết một người nào được phép
viết
những điều như vậy. Nếu biết, tôi đã khởi sự viết từ đời nảo đời nào
rồi. Thế
là tôi khởi sự viết truyện ngắn. Những truyện ngắn hoàn toàn trí thức,
bởi vì
tôi viết chúng bằng kinh nghiệm văn chương của tôi, và chưa tìm ra sợi
dây nối
kết giữa văn chương và cuộc đời. Chúng được in trên phụ trang văn học
của nhật
báo El Espectador ở Bogota, và gây chút tiếng vang vào thời gian đó –
có lẽ bởi
vì chưa hề có ai ở Colombia viết truyện ngắn trí thức. Nội dung truyện
hầu hết
là cuộc sống ở đồng quê và cuộc sống xã hội. Khi tôi viết những truyện
ngắn đầu
tiên, người ta nói là có ảnh hưởng của Joyce.
-Ông đã đọc Joyce, khi đó?
Chưa. Và tôi khởi sự đọc
Ulysses. Theo bản Tây Ban Nha, bản độc nhất tôi có thể kiếm được. Sau
này, khi
đọc Ulysses bằng tiếng Anh, cũng như một bản tiếng Pháp rất tốt, tôi
nhận thấy
bản tiếng Tây Ban Nha đọc lúc đầu rất tệ. Nhưng tôi học được một điều
thật hữu
ích cho việc viết trong tương lai: kỹ thuật độc thoại nội tâm. Sau tôi
thấy nó,
khi đọc [nhà văn nữ người Anh] Virginia Woolf; tôi mê cách bà sử dụng
kỹ thuật
này, còn điệu nghệ hơn cả Joyce. Tuy nhiên, người phát minh ra kỹ thuật
độc
thoại nội tâm là một nhà văn ẩn danh, tác giả cuốn Lazarillo de Tomes.
-Ông có thể cho biết một số
ảnh hưởng, khi mới vào nghề?
Những người thực sự giúp tôi
rứt ra khỏi thái độ trí thức ở trong những truyện ngắn đầu tay là những
nhà văn
Mỹ thuộc Thế Hệ Bỏ Đi [the American Lost Generation: chữ của Gertrude
Stein, nữ
văn sĩ Mỹ, và được Hemingway, một trong những kiện tướng của dòng văn
chương
hậu chiến Mỹ, sống lưu vong ở Pháp, dùng làm đề từ cho cuốn Mặt Trời
Vẫn Mọc
của ông: "Tất cả lũ chúng ta là một thế hệ bỏ đi"]. Tôi nhận ra rằng
văn chương của họ có một liên hệ với cuộc sống, trong khi những truyện
ngắn đầu
tay của tôi đã không có. Và rồi một sự kiện xẩy ra, nó rất quan trọng
nếu nhìn
dưới nhãn quan trên. Vào ngày 9 tháng Tư năm 1948, tại Bogotazo, một
nhà lãnh đạo
chính trị, Gaitan, bị bắn chết, và dân chúng Bogota gần như phát khùng
đổ xô ra
ngoài đường phố. Tôi đang ở nơi trọ học, và sắp sửa dùng cơm trưa thì
nghe tin.
Tôi chạy ra nơi xẩy ra vụ việc, nhưng Gaitan đã được đưa lên xe tắc xi
chở đi
nhà thương. Trên đường trở về nơi trọ học, dân chúng lúc này đã chiếm
giữ đường
phố, biểu tình, đập phá cửa tiệm, cướp đồ, đốt buildings. Tôi nhập vô.
Chiều
về, đêm xuống, tôi nhận ra cái xứ sở mà tôi đang sống, và những truyện
ngắn đầu
tay của tôi thật chưa đáng là rác rến, trước một xứ sở như vậy. Khi tôi
bị buộc
trở lại Barranquillla vùng Caribê, nơi tôi trải qua thời thơ ấu, tôi
nhận ra,
đây là thứ cuộc đời tôi đã sống, hiểu, và muốn viết về nó.
Một biến cố khác cũng đã ảnh
hưởng nhiều đến cách viết của tôi. Đó là vào khoảng năm 1950 hoặc 51,
mẹ tôi
kêu tôi đi cùng với bả tới Aracataca, nơi tôi chào đời; bả tính bán căn
nhà nơi
tôi trải qua những năm còn con nít. Vừa nhìn thấy căn nhà, tôi bị cú
sốc, bởi
vì lúc đó tôi đã hai mươi hai tuổi, và tôi rời căn nhà khi tám tuổi.
Chẳng có
gì thực sự thay đổi, nhưng tôi cảm thấy, rõ ràng là, không phải tôi
đang nhìn
căn nhà, cái làng, nhưng mà là, tôi đang kinh nghiệm (experiencing),
đang đọc
nó. Như thể tất cả những gì tôi đã nhìn thấy, đều đã được viết ra, và
tất cả
những gì tôi phải làm, là ngồi xuống và viết lại (copy) tất cả những gì
tôi
đang đọc. Tất cả bầy ra đó: những gì liên quan tới công việc viết lách,
theo
mục tiêu mang tính thực hành của từ này: những căn nhà, những con
người, những
hồi ức. Tôi không chắc, vào thời gian đó, tôi đã đọc Faulkner hay là
chưa,
nhưng bây giờ, tôi hiểu rõ điều này: kỹ thuật độc nhất để mà sử dụng
vào nơi
chốn, con người, hồi ức như vậy, chính là kỹ thuật của Faulkner, chỉ có
nó mới
có thể giúp tôi viết ra những gì đang nhìn thấy. Không khí, vẻ tàn tạ,
cái nóng
tại ngôi làng thật chẳng khác gì mấy, so với những gì tôi cảm nhận ở
Faulkner.
Đó là một đồn điền trồng chuối, và cũng là nơi cư ngụ của cả lố người
Mỹ thuộc
công ty trái cây: đâu có khác gì khung cảnh một Miền Nam Sâu Thẳm của
Faulkner.
Những nhà phê bình đã chỉ ra ảnh hưởng của Faulkner ở nơi tôi, nhưng
đây là một
sự trùng hợp thì đúng hơn: Tôi tìm ra chất liệu văn chương để mà đánh
vật với
nó, cũng cùng một cách mà Faulkner đã tìm ra và xử sự, với chất liệu
tương tự.
Sau chuyến đi thăm ngôi làng
thời thơ ấu trở về, tôi bắt đầu viết Bão Lá, cuốn tiểu thuyết đầu tay.
Điều
thực sự xẩy ra đối với tôi, sau chuyến đi tới Aracataca kể trên, là tôi
nhận ra
rằng, tất cả những gì có mắc míu tới tuổi thơ của tôi đều có một giá
trị văn
học, mà cho tới bây giờ tôi mới ngửi ra được. Vào đúng lúc kết thúc
những dòng
cuối cùng của cuốn tiểu thuyết đầu tay, tôi gật gù với mình, "tớ"
muốn làm một nhà văn, và chẳng ai cấm cản nổi chuyện này; và cái điều
độc nhất
còn lại mà "tớ" cần phải làm, đó là, cố trở thành nhà văn số một trên
thế giới. Đó là năm 1953, và phải đợi tới năm 1967, tôi mới sờ tay vào
những
đồng tiền đẻ ra từ năm, trong tám cuốn sách đã xuất bản.
-Theo ông, liệu đây là nét
chung ở những nhà văn trẻ: từ chối thời thơ ấu và những kinh nghiệm
riêng của
mình, và khởi sự viết văn, theo kiểu "làm dáng trí thức", như trường
hợp của ông?
Không phải nét chung đâu.
Tiến trình "vào nghề" thường diễn ra theo một cách khác. Nhưng nếu
phải "gà" những người viết trẻ, với tôi, sẽ như sau: hãy viết một
điều gì đã xẩy ra cho mình, hay đã nghe kể, hoặc đã đọc. Pablo Neruda
có câu:
"Thượng Đế giúp tôi, khi đang hát, bằng cách phịa giùm [những lúc tôi
bí]". (Tạm dịch câu thơ: "God help me from inventing when I
sing"). Câu thơ "thú" thiệt, đối với tôi. Nó cho thấy, lời khen
vĩ đại nhất mà tôi được tưởng thưởng, là nhờ tưởng tượng ban cho, trong
khi
thực tế mà nói, chẳng có lấy một dòng, từ những gì tôi viết ra, là dựa
trên cơ
sở đời sống, thực tại. Tôi nói rõ ra vấn đề, ở đây: Thực tại vùng đất
Caribê
giống (resembles) sự tưởng tượng hoang sơ, man dại nhất. Trí tưởng
tượng càng
đẩy bạn tới đâu, thực tại của vùng đất theo tới đó.
-Theo quan điểm đó,
"bạn" là ai ở đây? (nguyên văn: nhìn từ quan điểm đó, ông viết cho
ai?). Ai là độc giả của ông?
Bão Lá được viết cho những
người bạn của tôi, những người đã cho tôi mượn những cuốn sách của họ,
và họ
rất hân hoan, thích thú những gì tôi viết ra. Nói một cách chung chung,
tôi
nghĩ rằng, người ta viết ra, là để cho một người nào đó đọc. Trong khi
tôi
viết, tôi cứ nghĩ rằng, người bạn này sẽ thích dòng này, người bạn kia
sẽ thích
đoạn đó, hay chương nọ. Tôi luôn nghĩ tới những con người đặc thù,
những tri âm
tri kỷ, thí dụ vậy. Nói cho cùng, mọi cuốn sách được viết ra, là để cho
những
bạn bè của mình đọc. Nhưng sau khi Trăm Năm Cô Đơn ra đời, tôi bắt đầu
hoảng.
Vấn đề là: trong số hàng triệu người đọc cuốn sách đó, ai là những tri
âm tri
kỷ, mà tôi viết cho họ? Điều này làm tôi "bực mình". Nó ức chế tôi.
Theo kiểu, có cả triệu con mắt chú mục nhìn bạn, và bạn chẳng biết một
mảy may,
họ đang nghĩ gì?
-Nghề báo ảnh hưởng như thế
nào tới nghề văn ở nơi ông?
Tôi nghĩ, đây là một ảnh
hưởng hỗ tương, giữa làm báo [nói láo ăn tiền] và viết văn [tưởng tượng
ra sự
thực]. Tiểu thuyết giúp làm báo, bởi vì nó đem đến giá trị văn chương.
Làm báo
giúp tiểu thuyết, vì nhờ nó mà gần gụi với thực tại.
-Liệu ông có thể cho biết,
bằng cách nào ông tìm ra văn phong của mình, hãy cứ bt đầu, từ cuốn
tiểu
thuyết đầu tay, Bão Lá, rồi tiếp đó, cho tới lúc bắt vào Trăm Năm Cô
Đơn?
Sau khi viết Bão Lá, tôi
quyết định, rằng, viết về ngôi làng và tuổi thơ của mình đúng là một
cách chạy
trốn, không phải đối diện trực tiếp với thực tại chính trị của xứ sở
tôi. Tôi
có một cảm tưởng sai lầm, rằng, tôi đã chúi mình vào trong cõi hoài nhớ
như thế
đó, thay vì đụng đầu với những điều mang tính chính trị đương thời. Đây
là thời
kỳ đang xẩy ra những cuộc tranh luận gay gắt giữa văn chương và cuộc
đời, và
tôi thì cố gắng lấp bằng cái hố ở giữa. Ảnh hưởng của tôi lúc đó là
Faulkner,
và bây giờ là Hemingway. Tôi viết Chẳng Ai Viết Thư Cho Ngài Đại Tá,
Giờ Quỉ
(The Evil Hour), Đám Táng Bà Má Vĩ Đại, tất cả được viết gần như cùng
một thời
gian, và có nhiều điểm chung. Những chuyện này được đặt để tại một ngôi
làng
khác với ở trong Bão Lá và Trăm Năm Cô Đơn. Đó là một ngôi làng chẳng
có điều
kỳ diệu ở đó. Đây là thứ văn chương báo chí. Nhưng khi viết xong Giờ
Quỉ, tôi
nhận ra mọi quan điểm của tôi đều vẫn sai. Tôi nhận ra rằng, sự thực
là, những
gì tôi viết về thời thơ ấu của mình, nó nhiều tính chính trị và nó mắc
míu với
xứ sở của tôi nhiều hơn là tôi tưởng. Sau Giờ Quỉ, trong vòng năm năm
tôi chẳng
viết gì. Tôi có một ý tưởng về điều tôi luôn luôn muốn làm, nhưng có gì
thiếu ở
đó, và tôi không rõ, cái thiếu này là cái gì, cho tới một ngày, tôi
khám phá ra
cái giọng đúng y chang của nó (the right tone); giọng điệu này, sau
cùng tôi sử
dụng ở trong Trăm Năm Cô Đơn. Nó dựa trên cách của bà tôi, khi kể những
câu
chuyện của bà. Bà kể những câu chuyện có vẻ hoang đường, kỳ quái nhưng
bằng một
giọng hết sức tự nhiên. Khi kiếm ra giọng điệu, tôi ngồi xuống bàn,
trong mười
tám tháng, và làm việc ngày ấy qua ngày khác.
-Làm thế nào bà kể một cách
tự nhiên, chuyện hoang đường kỳ quái?
Điều quan trọng nhất, là vẻ
mặt của bà lúc đó. Bà chẳng hề thay đổi vẻ mặt mỗi lần kể, và mọi người
đều
ngạc nhiên. Trong những rọ rẫm khởi đầu, khi bắt vào Trăm Năm Cô Đơn,
tôi đã
thử kể, mà không tin. Sau tôi nhận ra, điều tôi phải làm, là chính tôi,
tôi
phải tin ở câu chuyện, và rồi viết nó, theo đúng cách mà bà tôi kể.
Cũng một vẻ
mặt như vậy, một khuôn mặt tỉnh bơ giống như một viên gạch.
-Đây có vẻ như là kỹ thuật và
giọng điệu của một nhà báo. Bạn diễn tả những biến động có vẻ kỳ quái,
với từng
chi tiết thật là chi ly, từ đó, nó có được cái vẻ thực. Đây là điều ông
nhặt
được, khi hành nghề báo chí?
Đúng là ngón nghề của mấy tay
làm báo, nhưng bạn có thể áp dụng cho văn chương. Thí dụ, nếu bạn nói,
có những
con voi bay trên trời, sẽ chẳng ai tin. Nhưng nếu bạn nói, có 425 con
voi đang
bay trên trời, sẽ có người tin. Trăm Năm Cô Đơn của tôi đầy những
chuyện theo
kiểu như vậy. Đây đúng là kỹ thuật mà bà tôi đã dùng. Tôi còn nhớ như
in,
chuyện một anh chàng bướm vàng bu đầy người. Khi tôi còn bé tí, có một
người
thợ điện tới nhà, tôi hết sức tò mò khi nhìn thấy anh ta đeo ngang hông
một sợi
dây, nhờ vậy có thể leo và treo lơ lửng người trên những trụ điện. Bà
tôi kể,
cứ mỗi lần anh ta tới nhà ai, là nhà người đó đầy bướm. Nhưng khi tôi
viết về
chuyện này, tôi nhận ra rằng, nếu tôi không viết những con bướm vàng,
người đọc
sẽ không tin. Khi viết tới đoạn Người Đẹp Remedios bay lên trời, tôi
loay hoay
hoài, làm sao cho người đọc tin nổi đây. Bữa đó, tôi ra vườn và thấy
người đàn
bà vẫn thường tới lo việc lau chùi, quét dọn; lúc đó bà ta đang phơi
những tấm
khăn trải giường, và đang năn nỉ gió: "mày đừng thổi bay tứ tung những
tấm
khăn của tao nhe!" Thế là tôi vớ ngay lấy, và sử dụng những tấm khăn
đang
phất phơ trong gió kia, như là cái thang cuốn, nhờ đó Người Đẹp cùng
bay lên
trời với chúng. Đó là cách tôi làm cho độc giả tin. Đối với bất cứ một
nhà văn,
vấn đề là, độ khả tín. Bạn có thể viết bất cứ điều gì, chừng nào còn
tin được.
-Nguồn gốc của trận dịch mất
ngủ, ở trong Trăm Năm Cô Đơn, ông moi ở đâu ra vậy?
Khởi đầu, là từ Oedipus. Tôi
luôn luôn quan tâm tới những trận dịch. Tôi nghiên cứu cả lố, những
trận dịch
thời trung cổ. Một trong những cuốn sách ruột của tôi: Nhật Ký Năm Dịch
của
Daniel Defoe, và một trong những lý do tôi mê cuốn này: Daniel Defoe là
một ký
giả, và ông ta làm ra vẻ, những gì ông nói ra là hoàn toàn hoang tưởng.
Trong
nhiều năm, tôi nghĩ, Defoe đã viết về trận dịch ở London như ông đã
quan sát
nó. Nhưng rồi tôi nhận ra, đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết, bởi vì
Defoe chưa
đầy bẩy tuổi, khi trận dịch xẩy ra. Dịch là một trong những đề tài tái
đi tái
lại, ở trong những cuốn sách của tôi, nhưng theo nhiều hình thức khác
nhau.
Trong Giờ Quỉ, những cuốn sách mỏng là những trận dịch. Trong nhiều
năm, tôi
nghĩ, bạo động chính trị ở Colombia có những mấu chốt siêu hình giống y
chang
những trận dịch. Trước Trăm Năm Cô Đơn, tôi đã sử dụng một trận dịch để
giết
hại tất cả những chim chóc trong một câu chuyện nhan đề là Ngày Sau
Ngày Thứ
Bẩy (The Day After Saturday). Trong Trăm Năm Cô Đơn, tôi sử dụng trận
dịch mất
ngủ như là một ngón nghề mang chất văn học, kể từ khi nó được coi như
là đối
nghịch với trận dịch ngủ. Nói cho cùng, văn chương là gì nếu không phải
là một
trò thợ mộc.
-Ông có thể giải thích thêm
chút xíu, cái ẩn dụ vừa nói đó: làm văn là làm mộc?
Cả hai đều trầy da sất vẩy.
Viết thật trần ai, đâu thua chi làm một cái bàn. Với cả hai, bạn đều
phải đánh
vật với thực tại, một chất liệu cứng chẳng thua gì gỗ. Cả hai đều đầy
những
ngón nghề, những kỹ thuật. Cơ bản mà nói: phần mê thuật thì ít, phần
lao tâm
khổ tứ thì nhiều. Và, nói theo Proust, tôi nghĩ, cái phần hứng khởi
(inspiration) chỉ có 10%, còn 90% là trầy da sất vẩy. Tuy chưa từng
đóng vai
ông thợ cả, nhưng tôi ái mộ nghề mộc nhất, đặc biệt là, bởi vì bạn
chẳng thể
nào kiếm ra người làm việc này cho bạn.
-Thế còn trận sốt chuối, ở
trong Trăm Năm Cô Đơn? Chắc là dựa trên những gì mà công ty trái cây
(the)
United Fruit Company đã làm, nhưng là bao nhiêu phần trăm?
Trận sốt chuối dựa rất nhiều
vào thực tại. Lẽ dĩ nhiên, tôi chơi bùa (nguyên văn: sử dụng những ngón
nghề),
thật khó mà kiểm chứng bằng lịch sử. Thí dụ, trận tàn sát ở công trường
là
thực, nhưng khi làm việc với những hồ sơ, chứng liệu, tôi không thể nào
biết
được, bao nhiêu người đã chết trong trận tàn sát đó. Con số ba ngàn
người tôi
đưa ra lẽ dĩ nhiên là quá đáng. Nhưng một trong hồi ức ấu thời tôi vẫn
còn giữ
lại được, là cái cảnh một thằng con nít đắm đuối nhìn theo con tầu, dài
ơi là
dài, chở đầy chuối, rời khu đồn điền. Như vậy con số ba ngàn người chết
là dám
tới lắm, tất cả sau cùng được đùn xuống biển. Ngạc nhiên thay, bây giờ,
ở Hạ
Viện, hay ở trên những tờ nhật báo, người ta cứ tự nhiên nói về "ba
ngàn
người chết". Tôi ngờ rằng, cả một nửa lịch sử của nhân loại, là được
làm
ra theo kiểu như trên. Trong Mùa Thu Của Vị Trưởng Lão, nhà độc tài
nói, mắc mớ
gì chuyện, bây giờ điều đó là thực, bởi vì vào một lúc nào đó, trong
tương lai,
điều đó sẽ là thực. Chẳng chóng thì chầy, người ta sẽ tin tưởng ở nơi
nhà văn
nhiều hơn là ở nơi chính quyền.
-Nếu vậy, nhà văn coi bộ có
thớ quá đi chứ.
Đúng như thế, và tôi cũng
cảm
thấy thế. Nó khiến tôi cảm thấy trách nhiệm của mình cũng nặng nề không
kém.
Điều mà tôi thực sự mong ước, là viết được một mẩu báo chí, thực như
đếm, nhưng
lại mang một cái vẻ rất ư là hoang đường kỳ quái, như Trăm Năm Cô Đơn.
Càng
thêm tuổi đời, nhớ lại những điều đã xẩy ra trong quá khứ, tôi càng
nhận ra một
điều, báo chí và văn chương thật là gần gũi.
-Thế còn cái xứ sở nhượng
biển cả của nó cho ngoại quốc để gán nợ, như ở trong cuốn Mùa Thu Của
Vị Trưởng
Lão, thì sao?
Thì đúng như vậy đấy, sau
cùng chuyện đã xẩy ra y chang. Nếu đã xẩy ra một lần, thì sẽ còn xẩy ra
nhiều
lần. Mùa Thu Của Vị Trưởng Lão là một cuốn sách hoàn toàn có tính lịch
sử. Vạch
ra những điều có thể xẩy ra, từ những sự kiện thực, là công việc của
anh làm
báo và của anh viết tiểu thuyết. Và đây cũng còn là việc làm của nhà
tiên tri.
Phiền một nỗi, rất nhiều người cứ gán cho tôi là một nhà văn của những
chuyện
hoang đường, trong khi tôi là một con người hết sức thực tế, và viết
những gì
mà tôi tin là chủ nghĩa hiện thực xã hội thứ thiệt.
-Vậy là không tưởng?
Tôi không chắc từ không
tưởng
nghĩa là cái thực hay là cái lý tưởng, nhưng tôi nghĩ, ở đây, là cái
thực (the
real).
-Những nhân vật trong Mùa
Thu
Của Vị Trưởng Lão, thí dụ những nhà độc tài, như đều được lấy mẫu từ
những
người thực, và có gì giông giống với những Franco, Peron và Trujillo?
Trong mọi tiểu thuyết, nhân
vật đều là cắt dán, trộn trạo, lắp ghép từ nhiều nhân vật khác nhau mà
bạn đã
biết, hay nghe nói, hoặc đã đọc. Tôi đọc mọi thứ mà tôi vớ được về
những nhà
độc tài vùng Mỹ Châu La Tinh, thuộc thế kỷ vừa rồi cũng như đầu thế kỷ
này [thế
kỷ 20]. Tôi cũng đã gặp gỡ, nói chuyện với nhiều người đã từng sống
dưới chế độ
độc tài. Ít lắm thì tôi đã làm những điều kể trên trong vòng mười
năm.Và, khi
tôi đã hình dung ra được nhân vật của mình bộ dạng như thế nào, ăn nói
ra làm
sao... tôi bèn cố gắng quên đi mọi chuyện tôi đã đọc hoặc đã nghe nói,
như vậy
tôi mới có thể bịa đặt, mà chẳng cần phải dựa vào bất cứ một điều kiện
thực,
nơi chốn thực đã xẩy ra câu chuyện. Nhưng rồi tôi nhận ra, mình chưa
từng sống
dưới chế độ độc tài, và nghĩ, hay là mượn đỡ không khí, đất nước Tây
Ban Nha
của nhà độc tài Franco, làm nơi dựng truyện; nói rõ hơn, hay là thử tới
đó
sống, và viết cuốn sách ở Tây Ban Nha, để "được" ngửi rõ mùi độc tài,
[theo cái kiểu đi thực tế của bà con người Việt mình]. Nhưng rồi tôi
nhận ra,
không khí Tây Ban Nha dưới sự ngự trị của Franco rất khác chế độ độc
tài vùng
Caribê. Thế là cuốn sách đành chết cứng, không làm sao ló đầu ra được,
trong
vòng một năm. Có gì đó còn thiếu, và tôi lại không rõ, thiếu là thiếu
cái gì.
Thế rồi, sau một đêm trằn trọc, tôi quyết định, tốt nhất là mình quay
trở lại
Caribê. Và gia đình tôi bèn chuyển về Barranquilla thuộc Colombia. Tôi
đưa ra
thông báo dành mấy ông bạn nhà báo, họ lại tưởng tôi nói chuyện tiếu
lâm. Tôi
nói, tôi trở lại bởi vì không làm sao nhớ, mùi trái ổi nó ra làm sao.
Đúng ra
là tôi không làm sao kết thúc nổi cuốn sách, và thực sự cần cái mẩu
chót đó.
Tôi làm một chuyến đi từ đảo này qua đảo khác trong vùng Caribê, tìm
những gì
còn thiếu.
-Ông thường xoay tới xoay
lui
đề tài sự cô đơn của quyền lực.
Càng có quyền sinh sát, càng
khó biết ai hết dạ trung thành, ai tính đâm sau lưng (nguyên văn: ai
thực, ai
dối). Khi bạn đạt tới mức quyền lực tuyệt đối, mọi liên lạc với thực
tại kể như
không còn, và đây là mức tệ hại nhất của sự cô đơn. Chằng chịt chung
quanh một
con người đầy quyền lực, một nhà độc tài, là những dây mơ rễ má liên
quan tới
quyền lợi, và xúm xít chung quanh ông ta, là một mớ người mà mục đích
sau cùng
của họ là tách ông ta ra khỏi thực tại; mọi chuyện như vậy đều nhịp
nhàng,
"ăn giơ" với nhau, như một bản hòa tấu, để cô lập ông ta.
-Thế còn nỗi cô đơn của một
người viết? Chắc là khác, hay cũng xêm xêm?
Nói tới sự cô đơn của quyền
lực thì cũng giống như chuyện dài nhân dân tự vệ vậy. Toan tính của
người viết
- quyết miêu tả thực tại - thường dẫn tới một cái nhìn méo mó về nó.
Trong khi
cố gắng xê dịch (transpose) thực tại, cuối cùng nhà văn lại thấy mình
ngồi
trong tháp ngà, nghĩa là mất mọi liên lạc với nó. Đó là lý do tại sao
tôi cố
bám lấy nghề làm báo, bởi vì nó giúp tôi lúc nào cũng gần gụi với thế
giới
thực, đặc biệt là ba thứ báo chí hoặc những gì liên quan tới chính trị.
Nỗi cô
đơn hành hạ tôi sau Trăm Năm Cô Đơn không phải là nỗi cô đơn của một
nhà văn;
nó là nỗi cô đơn của danh vọng, còn thê thảm hơn - tôi muốn nói - nó
quá giống
nỗi cô đơn của quyền lực. May là có những người bạn bè chống đỡ giùm;
họ lúc
nào cũng có đó để mà ra tay ra tay nghĩa hiệp.
-Ông nói thế, là thế nào?
Bởi vì tôi luôn luôn kiếm đủ
mọi cách, để đừng xẩy ra cái cảnh giầu đổi bạn, sang đổi vợ. Tôi luôn
luôn làm
sao có tất cả những người bạn trong đời của tôi, đừng để sẩy người nào.
Họ là
những người đã kéo tôi xuống mặt đất; họ là những người chân vững như
bàn
thạch, bởi vì họ chẳng phải là những con người nổi tiếng.
-Vạn sự khởi đầu nan, ông có
thể cho biết về nỗi gian nan này? Một trong những hình ảnh trở đi trở
lại, ở
trong Mùa Thu Của Vị Trưởng Lão, là đàn bò ở trong dinh. Đây có phải là
một trong
những hình ảnh của thời kỳ vạn sự khởi đầu nan?
Tôi có một cuốn album và sẽ
đưa ông coi liền đây. Như tôi đã nói một đôi lần, thoạt kỳ thủy của tất
cả cuốn
sách của tôi, luôn luôn có một hình ảnh. Cái hình ảnh rất "nhất" đó,
với Mùa Thu Của Vị Trưởng Lão, là một ông già, rất già, ngồi trong một
dinh cơ
tuyệt vời tráng lệ, tuyệt vời sang trọng, và đàn bò thì đang ùa vào gậm
những
tấm thảm. Nhưng hình ảnh đó chỉ trở thành cụ thể, khi tôi nhìn thấy nó,
ở La
Mã, tại một tiệm sách, nơi tôi tới để tìm kiếm và sưu tập những cuốn
sách hình.
Vừa nhìn thấy là tôi ưng liền, vì nó thật tuyệt hảo. Tôi biết, có được
tấm hình
là có tất cả. Bởi vì tôi không phải là một nhà trí thức lớn, cho nên
đành tìm
những kẻ đi trước mình, những tiền lệ, từ cái thường ngày, hay cái mỗi
ngày,
trong đời thường, chứ không phải từ những đại tác phẩm.
-Tiểu thuyết của ông có khi
nào trải qua những bước ngoặt bất ngờ?
Thoạt đầu, có. Trong những
chuyện đầu tiên, tôi có được cái phong thái chung chung, nhưng tôi
thường để
cho vận may trổ tài, và để cho nó dẫn dắt. Nếu bỏ qua lời khuyên tốt
nhất mà
tôi đưa ra lúc nãy đối với những người trẻ tuổi lăm le bước vào nghề,
làm việc
theo kiểu của tôi cũng tốt thôi, bởi vì khi còn trẻ, tôi có cả một cái
giếng
sâu đầy ứ những hứng khởi. Nhưng tôi lại nghe nói, rằng nếu tôi không
học lấy
một thứ kỹ thuật, thì sau này tôi sẽ gặp rắc rối, bởi vì giếng sâu cỡ
nào thì
cũng sẽ có ngày cạn, tới lúc mà hứng khởi rũ áo ra đi, thì phải có kỹ
thuật
thay thế. Nếu tôi bỏ qua cái việc học cho mình một thứ kỹ thuật, thì
bây giờ
tôi không thể nào mường tượng trước, cuốn sách tương lai của mình sẽ có
một cấu
trúc như thế nào. Cấu trúc của một cuốn sách là một vấn đề hoàn toàn
thuộc về
kỹ thuật, và nếu bé không học, lớn không thể trở thành nhà văn! Bởi vì
bạn sẽ
chẳng bao giờ học được nữa. Học ở đây, là theo nghĩa, cố tạo cho riêng
mình một
kỹ thuật viết.
-Như vậy kỷ luật là một điều
bắt buộc, và thật là quan trọng, theo ông?
Tôi không tin, bạn có thể
viết một cuốn sách cho ra hồn, mà không ép mình vào một thứ kỷ luật.
-Viết văn, ngoài chuyện hứng
khởi ra, liệu có cần tới những "kích thích nhân tạo" (artificial
stimulants)?
Tôi rất mê câu nói này của
Hemingway: viết văn giống như đánh bốc (đấu quyền Anh). Ông lo lắng tới
sức
khỏe, độ bền của mình. Faulkner vốn nổi danh là một bợm nhậu, nhưng
trong bất
cứ một cuộc phỏng vấn, ông nói, đừng hòng mong, dù chỉ một dòng, khi
ngà ngà,
ngoắc cần câu khỏi nói. Hemingway cũng nói như vậy. Những độc giả tồi,
thường
hỏi tôi, có làm quen với Cô Ba (chơi thuốc phiện, ghiền), khi viết một
số cuốn.
Điều này cho thấy, họ chẳng hiểu một tí gì về văn chương, hay là ma
túy. Muốn
là một nhà văn tốt, bạn phải rất ư là minh mẫn (tuyệt đối minh mẫn)
đúng vào
cái lúc đang ngồi viết đó, và, phải ở trong tình trạng sức khỏe tốt.
Tôi
"hơi rất bị", nghĩa là không chịu nổi, quan niệm của mấy ông thuộc
trường phái lãng mạn, cứ nhai nhải, rằng, viết là hy sinh, là hiến mình
cho
nghĩa cả. Và càng đói bao nhiêu (hoàn cảnh kinh tế càng tệ hại bao
nhiêu), càng
viết hay bí nhiêu. Theo tôi, bạn phải ở trong tình trạng tinh thần
thoải mái,
kinh tế nếu không rồi rào thì cũng đường được, chỗ ăn chỗ ngồi tàm
tạm... tức
là ở vào một hoàn cảnh bạn thực sự hài lòng, câu văn mới dễ tuôn ra.
Trực giác
cũng rất cần cho công việc viết giả tưởng (tiểu thuyết). Nó giúp bạn
ngửi ngay
ra, "cái đó thực đấy", mà chẳng cần viện tới những hiểu biết mang
tính khoa học, hoặc bất kỳ một tri thức có tính đặc biệt nào khác.
Những định
luật về trọng lực thật dễ dàng cảm nhận, bằng trực giác hơn là bằng bất
cứ điều
gì khác. Đó là cách thu nhập kinh nghiệm mà chẳng cần trầy trật. Với
tiểu
thuyết gia, trực giác là thiết yếu. Cơ bản mà nói, nó ngược với vụ trí
thức. Và
chủ nghĩa trọng trí thức là cái mà tôi thù ghét nhất trên cõi đời này –
theo
nghĩa: thế giới thực được thu gọn vào trong một lý thuyết bất động.
Trực giác
hơn lý thuyết, bởi vì, hoặc nó có thể đưa đến lý thuyết, cũng tốt, hoặc
không,
cũng vậy thôi. Đừng ở bầu mà cứ nghĩ là vuông, ở ống mà muốn cụt thun
lủn.
-Như vậy là ông không mặn mà
gì với mấy tay lý thuyết gia?
Đúng như vậy. Chủ yếu là do
tôi thực sự không hiểu họ. Chính vì vậy, tôi thường giải thích hầu hết
sự vật
qua giai thoại (anecdotes), do không đủ khả năng đẩy chúng tới trừu
tượng. Đó
cũng là lý do những nhà phê bình thường chỉ trích tôi, không phải là
một tay có
văn hóa: ông ta lười trích dẫn, hoặc trích dẫn chưa đủ "đô".
-Ông có nghĩ là những nhà
phê
bình đã đánh giá, xếp hạng ông quá "gọn, nhẹ"?
Phê bình, đối với tôi, là
một
thí dụ hiển nhiên cho thấy cái gọi là chủ nghĩa vụ trí thức. Trước hết,
họ có
một cái rọ (một lý thuyết), và sau đó, mọi thứ viết lách trên đời phải
như thế
này này, thì mới được phép gọi là văn chương (thì mới chui vào rọ của
họ được).
Nói rõ hơn, họ cố gắng làm sao cho nhà văn hợp với mẫu mã của họ. Tôi
trả lời
điều này, bởi vì bạn hỏi. Tôi chẳng thèm để ý đến những nhà phê bình
nghĩ gì về
tôi, và bao năm rồi, tôi cũng chẳng thèm đọc họ. Họ tự phong cho họ cái
chức
năng cao cả, là người trung gian giữa tác giả và người đọc. Tôi luôn
luôn cố
gắng là một người viết rất rõ ràng rất chân xác, cố tới thẳng với độc
giả,
không cần xin phép mấy ông trung gian.
-Ông nghĩ sao về những dịch
giả?
Tôi có sự ngưỡng mộ lớn lao,
đối với những nhà dịch thuật, trừ mấy tay dịch giả hay chơi trò tiểu
chú
(footnotes). Mấy tướng này luôn cố gắng giải thích cho độc giả một điều
mà có
khi tác giả thực sự chẳng định nói (như vậy). Và bởi vì những tiểu chú
cứ sờ sờ
ra đấy, thành thử độc giả cũng bị mắc hỡm. Dịch thuật là một việc làm
trần ai
khoai củ, không phải bất cứ ai vướng vào nghề này cũng được tưởng
thưởng, và
thường là được trả một giá rẻ mạt. Một bản dịch tốt luôn luôn là một
tái sáng
tạo, bằng tiếng mẹ đẻ của người dịch. Chính vì vậy mà tôi rất nể
Gregory
Rabasa. Sách của tôi đã được dịch ra hai mươi mốt thứ tiếng, và Rabasa
là người
dịch độc nhất chưa hề hỏi coi có điều gì cần phải làm sáng tỏ, và cần
đưa vào
tiểu chú. Tôi nghĩ, tác phẩm của tôi đã hoàn toàn được tái sáng tạo,
bằng Anh ngữ.
Có nhiều phần trong sách thật khó theo dõi, nếu nói về mặt văn chương.
Người
đọc có cảm tưởng, người dịch đọc cuốn sách, rồi viết lại nó, theo hồi
tưởng của
mình. Đó là lý do tôi rất nể mấy ông dịch thuật. Họ tin theo trực giác
hơn là
trí thức. Không những bị ông chủ nhà sách thí cho đồng tiền chết đói,
ngay
chính họ, họ cũng không tin, mình là những sáng tác gia. Có một số tác
phẩm tôi
rất thích, tự mình dịch sang tiếng Tây Ban Nha, nhưng làm việc này cũng
mất bộn
thì giờ, chẳng thua gì viết chính những cuốn sách của tôi, lại chẳng
kiếm được
đủ tiền.
-Ông thích dịch những tác
giả
nào?
Toàn thể tác phẩm của
Malraux.Tôi còn muốn dịch Conrad, Saint Exupéry. Khi đọc, tôi thường có
cảm
tưởng, giá mà dịch cuốn này thì thích nhỉ. Kể cả những tác phẩm lớn,
tôi thích
đọc một cuốn qua bản dịch tồi, hơn là cố đọc chúng bằng nguyên tác. Tôi
chẳng
bao giờ cảm thấy thoải mái, khi đọc qua một ngôn ngữ khác, bởi vì ngôn
ngữ độc
nhất mà tôi cảm thấy ở trong nó, là tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, tôi
nói được
tiếng Ý cũng như là tiếng Pháp, và tôi hiểu tiếng Anh khá ngon lành,
nên mới tự
cho phép tự đầu độc mình bằng tuần báo Time trong hai mươi năm.
-Liệu bây giờ, Mexico có thể
coi như nhà của ông? Ông có cảm tưởng, mình là một phần trong cộng đồng
lớn,
những người viết?
Nói chung tôi không đánh bạn
với một người, bởi vì người đó là nhà văn hay là nghệ sĩ. Tôi có rất
nhiều bạn,
ở đủ thứ ngành nghề khác nhau, trong số họ có văn sĩ, có nghệ sĩ. Theo
một cách
nói chung chung, tôi cảm thấy mình là một người bản xứ, của bất cứ một
xứ sở
thuộc vùng Mỹ Châu La Tinh, nhưng không thể ở một nơi khác. Những người
thuộc
vùng Mỹ Châu La Tinh cảm thấy Tây Ban Nha là xứ sở độc nhất mà họ được
đối xử
tốt, nhưng cá nhân tôi, tôi không cảm thấy, tôi là từ đó mà ra. Tại Mỹ
Châu La
Tinh, tôi cảm thấy không có biên cương hay bờ cõi. Tôi ý thức những dị
biệt, từ
xứ này qua xứ khác, nhưng trong đầu, trong tim tôi, tôi cảm thấy tất cả
như
nhau. Với vùng Caribê, tôi thực sự cảm thấy là nhà, cho dù đó là một
vùng
Caribê nói tiếng Pháp, tiếng Hòa Lan, hay là tiếng Anh. Tôi luôn bị ấn
tượng,
khi, lên phi cơ tại Barranquilla, một phụ nữ da đen trong chiếc áo dài
xanh sẽ
đóng mộc tờ thông hành của tôi, và khi rời phi cơ, tại Jamaica, một phụ
nữ da
đen, trong chiếc áo dài xanh, sẽ đóng mộc, bằng tiếng Anh. Tôi không
tin, ngôn
ngữ đã tạo nên tất cả những sự khác biệt, nhiều như thế. Nhưng ở bất cứ
nơi nào
khác trên thế giới, tôi cảm thấy mình như một người ngoại quốc, một thứ
cảm
nghĩ, theo đó, nó lấy đi của tôi cảm giác an toàn. Chỉ là một cảm nghĩ
cá nhân,
nhưng tôi luôn luôn cảm thấy như vậy, mỗi lần đi du lịch. Thân phận
nhược tiểu,
đại khái như vậy.
-Theo ông, những nhà văn Mỹ
Châu La Tinh cần sống ở Âu Châu một thời gian, và đây là một điều quan
trọng
đối với họ?
Có lẽ nên đi giang hồ một
thời gian, để có một cái nhìn từ phía bên ngoài. Tuyển tập truyện ngắn
mà tôi
dự định viết là về những người Mỹ Châu La Tinh qua Âu Châu. Tôi đã nghĩ
về nó
trong vòng hai mươi năm. [Bài phỏng vấn này được thực hiện năm 1981,
sau đó,
tác giả có cho xuất bản một tập truyện ngắn, nhan đề là Mười Hai Truyện
Ngắn Về
Những Con Người Lang Thang]. Nếu bạn có thể rúr ra được một kết luận
sau cùng
về những truyện ngắn này, thì có thể sẽ là: Những người Mỹ Châu La Tinh
thật
khó mà sống ở Âu Châu, nhất là người Mexico, và tốt nhất, đừng cố nấn
ná ở lại.
Tất cả những người Mexico mà tôi đã từng gặp, chỉ sau một tuần là cuốn
gói.
-Ông nghĩ sao về hậu quả của
cuộc Cách Mạng Cuba đối với văn chương Mỹ Châu La Tinh?
Cho tới bây giờ, chưa thấy
gì. Nhiều nhà văn, tự coi mình là những nhà văn dấn thân theo nghĩa
chính trị,
thường cảm thấy bị bắt buộc phải viết, không phải những câu chuyện mà
họ muốn,
nhưng mà là những câu chuyện mà họ nghĩ chúng phải như vậy. Điều này đẻ
ra một
thứ văn chương tính toán, và nó chẳng mắc mớ gì tới kinh nghiệm hay
trực giác.
Lý do chính của điều này, là Mỹ Châu La Tinh luôn chống lại ảnh hưởng
văn hóa
từ Cuba. Chuyện này xẩy ra ở ngay tại Cuba, và một kiểu mẫu văn chương
hay nghệ
thuật mới có vẻ như muốn ló dạng. Nhưng cần tới thời gian. Ảnh hưởng
văn hóa quan
trọng của Cuba đối với Mỹ Châu La Tinh, là nó được sử dụng như cây cầu
chuyên
chở loại văn chương đã từng hiện hữu tại vùng này trong nhiều năm. Theo
một
nghĩa nào đó, sự bùng nổ một nền văn chương Mỹ Châu La Tinh ở Hoa Kỳ,
là do
cuộc Cách Mạng Cuba gây nên. Tuổi thọ của bất cứ một nhà văn Mỹ Châu La
Tinh
thuộc thế hệ này, là hai mươi năm viết đều đều, nhưng những nhà xuất
bản Âu
Châu hay Hoa Kỳ đều tỏ ra ít quan tâm tới họ. Khi cuộc Cách Mạng Cuba
bùng ra,
thế là bất thình lình có một sự quan tâm lớn lao tới Cuba và Mỹ Châu La
Tinh.
Cuộc Cách Mạng biến thành những bài viết, những bản văn để mà tiêu thụ.
Mỹ Châu
La Tinh trở thành một món thời trang. Thế là người ta khám phá ra rằng
những
cuốn tiểu thuyết ở cái vùng này cũng được đấy chứ, nghĩa là chúng khá
tốt để mà
được dịch, và được để ý tới, trên toàn thế giới. Điều thê thảm, từ đó
suy ra:
chủ nghĩa thực dân ảnh hưởng lên văn hóa tại khu vực này, khủng khiếp
tới độ,
những con người Mỹ Châu La Tinh chính hiệu không thể nào tin được rằng,
bản
thân họ, lại có thể đẻ ra một thứ văn chương cho ra hồn, cho đến khi
những
người ở bên ngoài bảo cho họ biết, họ đã làm được điều này đấy!
-Có người nào trong số những
ít được biết tới, mà ông đặc biệt ngưỡng mộ?
Tôi sợ rằng chẳng có ai. Ảnh
hưởng của cuộc bùng nổ một nền văn chương Mỹ Châu La Tinh ở Hoa Kỳ làm
cho
những nhà xuất bản luôn đưa con mắt cú vọ của họ ra để săn tìm những
con mồi
vừa xuất hiện, không bỏ lỡ một Cortaza mới nào hết. Thê thảm hơn, những
nhà văn
mới mẻ của chúng ta lại thường quan tâm tới danh vọng, hơn là chính tác
phẩm
của họ. Một giáo sư Pháp ở Đại Học Toulouse chuyên về văn chương Mỹ
Châu La
Tinh đã nhận được rất nhiều thư của những nhà văn trẻ, họ phàn nàn, ông
sao cứ
viết mãi về cái tên García Márquez, trong khi ông ta đâu cần tới nữa,
ông ta
lừng danh rồi, chúng tôi mới cần tới Ngài! Họ quên một điều, ở vào tuổi
họ, tôi
chẳng hề được những nhà phê bình để mắt tới. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở
đây, là:
những nhà văn trẻ này đã hoang phí thời giờ của họ, khi viết thư năn nỉ
những
nhà phê bình, đúng ra, họ nên dành thời giờ cho tác phẩm của chính họ.
Quan
trọng là viết chứ đâu phải mong được người ta viết về mình! Điều thật
là hiển
hách, đối với riêng tôi thôi, đó là ở vào quãng nửa đời người của mình,
nghĩa
là bốn mươi tuổi, tôi vẫn chưa sờ được vào đồng xu thứ nhất đẻ ra từ
những cuốn
sách của mình, mặc dù lúc đó tôi đã có bốn cuốn được xuất bản!
-Ông có nghĩ danh vọng,
thành
công sớm, là một "vận rủi", đối với một nhà văn mới vào nghề?
Ở vào tuổi nào nó cũng là
"vận rủi". Tôi vẫn thường tụ nhủ thầm, giá mà mình được biết tới, khi
đã chết rồi, ít ra là ở những xứ tư bản, nơi mà những tác phẩm biến
thành những
món hàng.
-Ngoài những tác giả ông ưa
thích, ông còn đọc gì, những ngày này?
Tôi đọc những gì kỳ cục
nhất.
Tôi đọc hồi ký của Muhamad Ali, mới đây thôi. [Ác quỉ] Dracula của Bram
Stoker
cũng là một cuốn lớn, đây là cuốn mà trước đây nhiều năm tôi sẽ không
đọc, vì
cứ nghĩ là sẽ mất thời giờ. Nhưng tôi thực sự chẳng bao giờ để ý đến
một cuốn
sách, ngoại trừ một người nào mà tôi tin cậy, nói nên đọc. Tôi không
còn đọc
tiểu thuyết nữa. Tôi đọc rất nhiều hồi ký và tài liệu, ngay cả thứ được
ngụy
tạo. Và tôi đọc lại những tác phẩm ruột. Đọc lại như vậy thật có cái
lợi, là
bạn có thể giở bất cứ trang nào, và đọc đoạn thực thú. Tôi đã mất đi
cái quan
niệm thiêng liêng, là chỉ đọc cái gọi là "văn chương". Tôi sẽ đọc bất
cứ thứ gì. Tôi cố lúc nào cũng cập nhật. Tôi đọc hầu như tất cả những
tạp chí
thực sự quan trọng từ khắp nơi trên thế giới, mỗi tuần. Kể từ khi có
thói quen
đọc trên máy tê lê týp, tôi luôn luôn tìm cách có thật nhiều tin tức.
Nhưng sau
khi đọc đủ thứ tin tức quan trọng, bà xã tôi là người cung cấp những
tin tức mà
tôi chưa nghe nói tới. Khi tôi hỏi đọc ở đâu, bà cho biết, ở tiệm sửa
sắc đẹp.
Vậy là tôi đọc luôn báo thời trang, và đủ thứ báo dành cho phụ nữ, và
luôn ba
thứ báo lá cải với những câu chuyện ngồi lê đôi mách. Và tôi học được
nhiều
điều, chỉ nhờ đọc chúng. Nhờ vậy tôi luôn luôn bận rộn.
-Tại sao ông cho rằng danh
vọng thì thật là tai hại cho một người viết?
Trước hết, nó xâm phạm đời
tư. Nó "chôm" thời gian đáng lẽ dùng cho bạn bè, thời gian dùng để
làm việc. Nó kiếm cách cô lập bạn, với thế giới thực. Một nhà văn nổi
tiếng,
nếu muốn tiếp tục viết là luôn luôn phải tìm cách tự bảo vệ, chống lại
danh
vọng. Tôi thực sự không muốn nói điều này, bởi vì nghe ra có vẻ không
được
thành thật, nhưng tôi cầu mong những cuốn sách của tôi được xuất bản
sau khi
tôi đã chết, chỉ có vậy mới là một nhà văn nổi tiếng mà không bị danh
vọng ròm
rỏ. Trong trường hợp của tôi, ích lợi của việc nổi danh, đó là tôi có
thể sử
dụng nó cho mục đích chính trị. Ngoài ra, nó hoàn toàn không được thoải
mái.
Vấn đề là, bạn nổi tiếng 24 tiếng đồng hồ trong một ngày, và bạn không
thể nói,
"Okay, ngày mai thì được, bữa nay tôi không muốn nổi tiếng!"
-Ông có dự cảm, Trăm Năm Cô
Đơn sẽ là một thành công khác thường?
Tôi biết nó sẽ là một cuốn
sách làm bạn bè tôi hài lòng, hơn hẳn những cuốn khác của tôi. Nhưng
khi nhà
xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha cho biết, sẽ in tám ngàn cuốn, tôi sững
người,
bởi vì mấy cuốn kia chưa hề in quá con số bẩy trăm. Tôi bảo ông ta, cứ
nhẩn
nha, ông cho biết, ông tin tưởng là cuốn này sẽ ngon cơm, và tám ngàn
ấn bản sẽ
tiêu thụ hết trong khoảng giữa tháng Năm và tháng Chạp. Sau cùng, tất
cả đều
bán sạch, trong vòng một tuần lễ, ở Buenos Aires.
-Có vẻ như ông "rẻ
rúng" nó?
Tôi là một nhà phê bình rất
dở, về chính những tác phẩm của mình. Một trong những lời giải thích
tôi nghe
nhiều nhất, nó là một cuốn sách viết về đời tư của những con người Mỹ
Châu La
Tinh, và đây là một cuốn sách từ bên trong (viết ra). Giải thích này
làm tôi
ngạc nhiên, bởi vì thoạt đầu tôi tính đặt tên cho nó là Căn Nhà. Tôi
muốn trọn
sự phát triển của nó chỉ ở bên trong căn nhà, và bất cứ chuyện gì ở bên
ngoài
sẽ là một đụng độ với căn nhà. Sau đó, tôi bỏ cái tên Căn Nhà, nhưng
một khi
cuốn sách chọn được cho nó một thành phố có tên là Macondo, thế là nó
không
muốn đi đâu nữa. Một giải thích khác mà tôi nghe được, đó là, mọi độc
giả đều
có thể làm bất cứ điều gì mà người đó muốn, đối với những nhân vật ở
trong
truyện, và biến chúng thành những nhân vật của mình. Tôi không muốn
cuốn sách
được quay thành phim, bởi vì có thể người coi sẽ nhìn thấy một bộ mặt
mà người
đó không nghĩ rằng nó sẽ như vậy.
-Liệu có lý thú gì, khi đưa
lên màn ảnh?
Có chứ, nhưng người đại diện
cho tôi (agent) đã đưa ra một con số trời ơi, là một triệu đô, để làm
nản lòng
họ. Và khi họ tính chịu giá đó, bà nữ nhân viên của tôi bèn tăng lên ba
triệu
đô. Tôi chẳng lý thú gì cái chuyện đưa cuốn sách lên màn ảnh, và một
khi tôi
còn ngăn cản, thì cuốn sách vẫn chỉ là những chữ. Tôi khoái như vậy,
bởi vì nó
sẽ luôn luôn giữ trọn cho nó và độc giả của nó, mối tình thơ ngây của
thuở ban
đầu.
-Ông có tin, sách có thể
chuyển thành phim, và thành công?
Tôi không nghĩ, phim làm cho
một cuốn sách vốn đã hay sẽ hay thêm lên, nhưng tôi nghĩ, rất nhiều
cuốn phim
hay đã được làm từ những cuốn sách dở như hạch.
-Có bao giờ ông nghĩ, tự
đứng
ra làm phim?
Có thời gian tôi muốn là nhà
đạo diễn. Tôi học đạo diễn ở Rome. Tôi nghĩ phim ảnh là một môi trường
không có
giới hạn, và mọi chuyện đều có thể với nó. Tôi tới Mexico là vì muốn
làm một
phim, không phải với vai trò đạo diễn, mà là một người viết kịch bản.
Nhưng cái
kẹt của phim: nó là một nghệ thuật mang tính kỹ nghệ. Trọn một nền kỹ
nghệ.
Thật khó mà diễn tả điều bạn thực sự muốn nói, với phim ảnh. Tôi vẫn
còn nghĩ
tới, nhưng nó có vẻ như một thứ xa xỉ, và tôi chỉ muốn làm chơi với bạn
bè,
chẳng mong cơ hội tự diễn tả về mình. Tôi càng ngày càng xa với phim
ảnh. Liên
hệ của tôi với nó giống như của một cặp không thể xa cách, nhưng cũng
không thể
sống bên nhau. Giữa chuyện, có một sở phim hay có một tờ báo, tôi chọn
tờ báo.
-Ông đang viết một cuốn sách
về Cuba?
Nó giống như một bài báo
dài,
về cuộc sống bên trong gia đình của những người Cuba lúc này nó như thế
nào, họ
xoay sở ra sao để mà sống qua những cơn khốn khó, thiếu hụt. Điều gây
ấn tượng
mạnh ở nơi tôi, sau những lần thăm viếng Cuba, trong hai năm vừa rồi,
đó là,
việc phong tỏa đất nước này đã tạo ra một thứ "văn hóa của sự cần
thiết", một hoàn cảnh xã hội "có sao sống vậy, ai sao ta vậy, người
ơi". Tôi thực sự quan tâm đến câu hỏi này: một cuộc phong tỏa như thế
sẽ
làm cho tính tình mỗi cá nhân, tình tự dân tộc... thay đổi như thế nào.
Cuba có
thể coi như một nơi diễn ra cuộc xung đột giữa, một bên là xã hội chống
tiêu
thụ, và một bên là xã hội tiêu thụ thuộc loại khổng lồ trên thế giới.
Cuốn sách
bây giờ đang ở ngã ba đường: thoạt đầu tưởng là ngon cơm, dễ nuốt - một
mẩu báo
chí – bây giờ nó đang có khuynh hướng nở bung ra thành một cuốn sách
phức tạp,
dài thòng. Nhưng cũng chẳng sao, bởi vì mấy cuốn sách của tôi là theo
kiểu này.
Và ngoài ra, còn điều này cũng thật là đầy hứa hẹn: cuốn sách sẽ chứng
tỏ, bằng
những sự kiện mang tính lịch sử, rằng thế giới thực, hay là cõi người
ta, ở
vùng Caribê thì thật là hoang đường, quái đản chẳng thua gì những câu
chuyện ở
trong Trăm Năm Cô Đơn.
-Là một nhà văn, ông có đặt
ra cho mình những tham vọng dài hạn, hoặc đã có những tiếc nuối, ân hận?
Tôi nghĩ câu trả lời sẽ
giống
như câu hỏi lúc nãy, về danh vọng. Có lần tôi được hỏi, có quan tâm đến
chuyện
được Nobel hay không tôi nghĩ, nếu được, thì đúng là một đại họa (thảm
họa
tuyệt đối). Danh vọng tới mức đó thì phiền nhiễu do nó gây ra cũng
không thua
gì đâu. [Bài phỏng vấn này thực hiện năm 1981, năm sau ông được Nobel].
Còn nói
về tiếc nuối: tôi chỉ ao ước, giá mà mình có được một cô con gái.
-Ông đang có những dự định
nào ở trong đầu?
Tôi tuyệt đối tin tưởng là
tôi sẽ viết được một cuốn sách lớn lao nhất trong đời, nhưng tôi chưa
biết, nó
sẽ như thế nào, và khi nào thì nó tới. Khi tôi cảm thấy như vậy – như
là lúc
này - tôi thu mình lại như mèo rình mồi, và khi nó thoáng xuất hiện, là
tóm
ngay lấy.
Peter H. Stone (người phỏng
vấn)
Mùa Đông 1981
Jennifer Tran chuyển ngữ và
giới thiệu.
Chú thích:
[Trăm Năm Cô Đơn, lần đầu
tiên xuất hiện, năm 1967, cuốn tiểu thuyết gây một cơn địa chấn tại
Colombia.
Và lịch sử văn học thế kỷ hai mươi từ đó, được chia ra làm hai, một nửa
trước
khi cuốn sách xuất hiện, và một nửa sau đó.
Thường được đặt kế bên cuốn
Don
Quixote của Cervantes, nhưng càng ngày người ta càng nhận ra, đây là
một cuốn
Thánh Kinh, với Sáng Thế Ký, Di Dân, Đại Hồng Thủy, và Tận Thế
(Apocalypse) của
nó. Và José Arcadio có thể coi là Adam, người đầu tiên tạo dựng
Macondo, và
cũng có thể coi như Cain, sau khi giết Prudencio...
Một cuốn Thánh Kinh được
viết
bằng một giọng văn trữ tình, ướt đẫm dục tình (... và những con chữ,
những
trang sách nuốt sạch cái hơi nước nóng hổi đó, giống như những sợi võng
đã
không để sẩy một giọt nào, trong một xen làm tình trong Trăm Năm Cô
Đơn). Chính
vì vậy, khi được dịch và xuất bản ở trong nước, cuốn sách đã bị cắt bỏ
nhiều
đoạn.]
2. Michel Foucault: Nguồn
gốc
vấn đề người Việt tị nạn.
Lời người giới thiệu: Sau đây
là chuyển ngữ, từ bản tiếng Pháp, cuộc phỏng vấn đặc biệt triết gia
người Pháp,
Michel Foucault, đăng trên tạp chí Nhật Bản, Shukan posuto, số đề ngày
17 tháng
Tám 1979. Nhan đề tiếng Nhật: "Nanmin mondai ha 21 seiku minzoku daiidô
no
zencho da." ("Vấn đề người tị nạn là điềm báo trước cuộc di dân lớn
lao mở đầu thế kỷ 21"). Người phỏng vấn: H. Uno. Người dịch ra tiếng
Pháp:
R. Nakamura.
Người phỏng vấn: Theo ông,
đâu là cội nguồn của vấn đề người Việt tị nạn?
Michel Foucault: Việt Nam
không ngừng bị chiếm đóng, trong một thế kỷ, bởi những thế lực quân sự
như
Pháp, Nhật, và Mỹ. Và bây giờ cựu-Miền Nam bị chiếm đóng bởi cựu-Miền
Bắc. Chắc
chắn, cuộc chiếm đóng Miền Nam bởi Miền Bắc thì khác những cuộc chiếm
đóng
trước đó, nhưng đừng quên rằng, quyền lực Việt Nam của Miền Nam hiện
nay, là thuộc
về Việt Nam của Miền Bắc. Suốt một chuỗi những chiếm đóng trong một thế
kỷ như
thế đó, những đối kháng, xung đột quá đáng đã xẩy ra ở trong lòng dân
chúng.
Con số những người cộng tác với kẻ chiếm đóng, không nhỏ, và phải kể cả
ở đây,
những thương gia làm ăn buôn bán với những người bản xứ, hay những công
chức
trong những vùng bị chiếm đóng. Do những đối kháng lịch sử này, một
phần dân
chúng đã bị kết án, và bị bỏ rơi.
-Rất nhiều người tỏ ra nhức
nhối, vì nghịch lý này: trước đây, phải hỗ trợ sự thống nhất đất nước
Việt Nam,
và bây giờ, phải đối diện với hậu quả của việc thống nhất đó: vấn đề
những
người tị nạn.
Nhà nước không có quyền sinh
sát - muốn ai sống thì được sống, muốn ai chết thì người đó phải chết -
với dân
chúng của mình cũng như dân chúng của người – của một xứ sở khác. Chính
vì
không chấp nhận một thứ quyền như thế, mà [thế giới đã] chống lại những
cuộc
dội bom Việt Nam của Hoa Kỳ và, bây giờ, cũng cùng một lý do như vậy,
giúp đỡ
những người Việt tị nạn.
-Có vẻ như vấn đề người Căm
Bốt tị nạn khác với của người Việt tị nạn?
Chuyện xẩy ra ở Căm Bốt là
hoàn toàn quái đản trong lịch sử hiện đại: nhà cầm quyền tàn sát sân
chúng của
họ, theo một nhịp độ chưa từng có, chưa từng xẩy ra, chưa từng đạt tới.
Và số dân
chúng còn lại, lẽ dĩ nhiên, coi như là sống sót, và họ đang sống dưới
sự đàn áp
của một quân đội chỉ lo việc hủy diệt, và tỏ ra tàn bạo. Hoàn cảnh như
vậy
không giống Việt Nam.
Ngược lại, điều quan trọng ở
đây là sự kiện này: trong những tổ chức, lực lượng đoàn kết tương trợ,
được
thành lập trên khắp thế giới, nhằm hỗ trợ những người tị nạn vùng Đông
Nam Á
Châu, người ta đã bỏ qua, không tính tới sự khác biệt về những hoàn
cảnh lịch
sử và chính trị. Như vậy không có nghĩa là, người ta có thể tỏ ra rửng
rưng,
không thèm để ý tới những nghiên cứu lịch sử và chính trị của vấn đề
người tị
nạn, nhưng điều khẩn thiết cần phải làm liền, là cứu những con người
đang gặp
nguy hiểm.
Bởi vì, vào lúc này, bốn chục
ngàn người Việt Nam đang chới với trên biển Đông, trước khi tới được
đảo, cận
kề với cái chết. Bốn chục ngàn người Căm Bốt đang ngột ngạt tại Thái
Lan, và
cũng đang cận kề với cái chết. Như vậy là không kém con số tám chục
ngàn người
đang ngày đêm cận kề với cái chết. Mọi tính toán so đo, về sự cân bằng
tổng
quát những sứ xở trên trái đất, những khó khăn chính trị và kinh tế đi
cùng với
sự cứu trợ người tị nạn – tất cả những so đo tính toán như vậy không
thể nào
biện minh cho việc những nhà nước [trên thế giới] bỏ rơi những con
người, ở
ngưỡng cửa của cái chết.
Vào năm 1938 và 1939, người
Do Thái chạy trốn khỏi Đức Quốc và Âu Châu, nhưng do chẳng có ai đón
tiếp họ,
cho nên đã có những người trong số đó bị chết. Bốn chục năm đã qua, kể
từ đó,
không lẽ bây giờ người ta lại đem cái chết đến cho hàng trăm ngàn người?
-Về một giải pháp mang tính
toàn cầu đối với vấn đề người tị nạn, những quốc gia gây ra tình trạng
này, đặc
biệt là Việt Nam, phải thay đổi đường lối chính trị. Nhưng bằng cách
nào, theo
ông, người ta có thể có được một giải pháp toàn cầu?
Trong trường hợp Căm Bốt,
tình hình bi đát hơn là so với Việt Nam, nhưng lại hy vọng có được một
giải
pháp, trong tương lai gần. Người ta có thể tưởng tượng ra, sự thành lập
một
chính quyền có thể được dân chúng Căm Bốt chấp nhận, và từ đó, giải
pháp ló ra.
Nhưng với Việt Nam, vấn đề phức tạp hơn nhiều. Quyền lực chính trị đã
được tạo
dựng, thế nhưng mà, quyền lực này coi là ngụy (exclure: đuổi, khai trừ)
một
phần dân chúng, và lẽ dĩ nhiên, những con người bị khai trừ này không
muốn điều
đó. Nhà nước đã tạo ra một tình trạng là, những con người bị khai trừ
bắt buộc
phải chọn cái tình thế bấp bênh, hiểm nghèo như là một cơ may sống sót,
tức là
trao thân cho biển cả quyết định, thay vì ở lại Việt Nam. Rõ ràng là
phải tạo
áp lực để cho Việt Nam thay đổi đường lối chính trị. Nhưng "tạo áp
lực" nghĩa là gì?
Tại Genève, trong hội nghị
của Liên Hiệp Quốc về vấn đề người tị nạn, những quốc gia thành viên đã
đưa ra
áp lực đối với Việt Nam, áp lực theo nghĩa đòi hỏi, yêu cầu, hoặc gợi
ý, cố vấn
(conseil). Nhà cầm quyền Việt Nam do đó đưa ra một số nhượng bộ. Thay
vì bỏ rơi
những con người muốn ra đi, trong những điều kiện bấp bênh, và có thể
mất mạng,
nhà cầm quyền Việt Nam đề nghị xây dựng những trại chuyển tiếp, để gom
lại
những người muốn ra đi: những người này sẽ ở đây hàng tuần, hàng tháng,
và hàng
năm, cho tới khi có quốc gia nhận họ.... Nhưng đề nghị này tương tự, lạ
lùng
làm sao, với những trại cải tạo.
-Vấn đề người tị nạn đã từng
xẩy ra nhiều lần trong quá khứ, nhưng, giả dụ như có một khía cạnh lịch
sử mới
mẻ, trong trường hợp những người Việt tị nạn, theo ông, khía cạnh này
mới mẻ
này là gì?
Thế kỷ 20 xẩy ra nhiều vụ
diệt chủng và bách hại sắc tộc. Tôi nghĩ là, trong một tương lai gần,
những
hiện tượng này lại tái diễn, dưới những hình thức khác. Bởi vì, thứ
nhất, những
năm mới đây, con số những nhà nước độc tài cứ tăng lên mà không giảm
đi. Bởi vì
tự do diễn đạt tư tưởng chính trị là điều không thể có được tại những
quốc gia
như vậy, và lại chẳng làm sao có được một lực lượng kháng chiến, những
con
người bị khai trừ bởi chế độ độc tài đành phải chọn cách trốn khỏi địa
ngục.
Thứ hai, trong những xứ sở
cựu thuộc địa, người ta tạo nên nhà nước bằng cách tôn trọng biên giới
như là
đã có từ hồi còn thuộc địa, đến nỗi, những sắc dân, những tiếng nói,
những tôn
giáo cứ thế trộn lẫn vào nhau. Hiện tượng này tạo nên những căng thẳng
nghiêm
trọng. Trong những xứ sở như vậy, những đối kháng ở trong lòng dân
chúng có
nguy cơ bùng nổ, đưa đến tình trạng di chuyển một số lượng lớn dân
chúng, và sự
sụp đổ cơ chế nhà nước.
Thứ ba, những sức mạnh kinh
tế tại những xứ sở phát triển, do cần lực lượng lao động từ thế giới
thứ ba, và
từ những xứ sở đang trên đà phát triển, đã kêu gọi di dân từ Bồ Đào
Nha,
Algérie, hay Phi Châu. Nhưng, ngày nay, những xứ sở này, do kỹ thuật
tiến bộ, đã
không cần tới lực lượng lao động chân tay, và lại tìm cách xua đuổi di
dân.
Tất cả những vấn đề trên đẻ
ra cơn lũ di dân, hàng trăm hàng triệu người. Và thật bi thảm, thật
nhức nhối,
với những người chết, những vụ sát nhân. Tôi sợ rằng, chuyện xẩy ra tại
Việt
Nam không chỉ là một tiếp nối của quá khứ, mà nó tạo nên một điềm báo
cho tương
lai.
Jennifer Tran chuyển ngữ.
Chú thích:
Vào ngày 20 tháng Sáu, năm
1979, Michel Foucault, cùng với Bernard Kouchner - người sáng lập cơ
quan thiện
nguyện Y Sĩ Không Biên Giới, và cũng là người biến đổi con thuyền Đảo
Ánh Sáng
thành bệnh viện, ở ngay trên biển, ngoài bờ đảo Poulo Bidong – và André
Gluckmann, triết gia Pháp, tổ chức một cuộc gặp gỡ báo chí tại Collège
de
France; trong số những người tham dự và được mời vào bàn chủ tịch có cả
Sartre
và Aron. Đây là cuộc họp nhằm hỗ trợ cho làn sóng người Việt tị nạn,
tức những
thuyền nhân (boat people). Và vào ngày 17 tháng Tám, khi tạp chí Nhật
Bản
Shukan posuto làm một phóng sự về "Những Người Cực Kỳ Quan Trọng Ở Trên
Thế Giới", Michel Foucault đã tuyên bố: Vấn đề người tị nạn là điềm báo
mở
ra cuộc di dân vĩ đại đầu thế kỷ 21, qua cuộc phỏng vấn nêu trên.
Nhật Bản là một nước đặc biệt
quan tâm tới Việt Nam, trước cũng như sau cuộc chiến. Mới đây thôi, một
đại học
Nhật đã mời hai nhà văn của hai miền trực tiếp tham dự cuộc chiến là
Phan Nhật
Nam và Bảo Ninh tham dự cuộc hội thảo mà đè tài của nó, một cách nào
đó, có thể
coi như tương tự với đề tài của đại học WJC hiện đang gây sôi nổi trong
và
ngoài nước. Đáng tiếc là Bảo Ninh đã không thể tham dự.
Trong những số tới, người
viết sẽ tiếp tục giới thiệu Michel Foucault, qua những cuộc nói chuyện
với giới
tinh anh Nhật Bản về chủ nghĩa Cộng Sản, về cuộc chiến Việt Nam... nhân
lần ông
ghé thăm đây. Cần nói thêm là tất cả những tác phẩm của Foucault đã
được dịch
ra tiếng Nhật.
3. Hannah Arendt: Sự Dung Tục
Của Cái Ác.
Thế kỷ 20 có thể coi là đỉnh
cao của Cái Ác, nhập thân vào ý thức hệ, theo nghĩa mà Solzhenytsin đã
chỉ ra:
Thành quả của Cái Ác, qua sức mạnh và trí tưởng tượng của những Đại Ác
Nhân của
Shakespeare cùng lắm thì cũng chỉ đếm được trên chục xác chết. Bởi vì
đám khốn
kiếp này không có ý thức hệ, như là một "nghĩa cả" để mà phục vụ...
Nhờ có "ý thức hệ", thế kỷ 20 đã có được cái số phận khốn nạn của nó:
kinh qua Cái Ác ở mức độ hàng triệu triệu tử thi."
("The imagination and
inner strength of Shakespeare’s vilains stopped short at a dozen
cadavers.
Because they had no idology... Thanks to "ideology" the 20th century
was fated to experience evil calculated on a scale of millions.")
Mô phỏng Solzhenitsyn: Nhờ có
những người như Arendt, de Beauvoir, Weil, thế kỷ 20 đã giữ được ngọn
lửa tâm
linh của nó. George Steiner tự hỏi, cho tới nay, liệu có một triết
tưởng nào (a
philosophic imagination), ở trong số những bậc nữ lưu, xứng đáng để kế
bên của
Simone Weil? Ông tin rằng, người ta phải có một chiều sâu tâm lý của
Dostoevsky, và lòng từ bi bác ái của một vị thánh, mới hiểu nổi Weil.
Hai nỗi
đau lớn của bà: thân phận con người, tên nô lệ của con quái vật nhà
máy, và
thân phận người dân xứ thuộc địa, đặc biệt là xứ Đông Dương.
Simone de Beauvoir, qua khẳng
định "Tinh thần không có giới tính" (L’esprit n’a pas de sexe), bà đã
đem quyền bình đẳng tới cho giới tính thứ nhì, tức những người phụ nữ.
Hannah Arendt thì cố gắng tìm
cho ra duyên do cái ác, của thế kỷ hung bạo, trong khi dò tìm những cội
nguồn
của chủ nghĩa toàn trị.
***
Trong ba thập kỷ vừa qua,
Hannah Arendt ngày càng được nhìn nhận, như một trong những tư tưởng
gia mang
tính chính trị, uyên nguyên nhất của thế kỷ chúng ta (thế kỷ 20). Người
Đức gốc
Do Thái, xuất thân từ một gia đình đã hội nhập, bà chạy trốn nước Đức
của
Hitler vào năm 1933, khi đó bà 27 tuổi, và sau tám năm ở Pháp, tới Mỹ,
như là
một người tị nạn. Bà là một trong những người đầu tiên, nếu không muốn
nói là
độc nhất, đã khái quát hóa cảm nghĩ của chúng ta, về cái gọi là chủ
nghĩa toàn
trị: như là một đe dọa chết người cho thế giới hiện đại, và đưa ra
những chiếu
rọi mới mẻ vào cái cõi man rợ đã được công thức, ý thức hệ hóa, biến
thành một
tổ chức khủng khiếp nhất trong mọi thứ tổ chức, hội kín, mafia, đệ tam,
đệ tứ
quốc tế... gì gì đó.
Được học hỏi, tu luyện theo
truyền thống triết học hiện sinh Đức, bà nhận ra (một cách rõ ràng hơn
tất cả
các môn đệ khác của môn phái này) những giới hạn của nó, và bà cố suy
tưởng
(tái suy nghĩ, rethink) bản chất của hành động chính trị dưới ánh sáng
của kinh
nghiệm thế kỷ 20. Và đây là điểm xoáy (central focus) – sự liên hệ giữa
kinh
nghiệm và hiểu biết mang tính phê phán, critical understanding- của tác
phẩm
của bà, theo Lisa Jane Disch, tác giả cuốn "Hannah Arendt và những giới
hạn của triết học" (nhà xb Đại Học Cornell Press). Theo Disch, Arendt
khẳng định, "kể chuyện" ("storytelling"), chứ không phải
giải thích (explanation), mới là tác phẩm của những lý thuyết gia chính
trị
[khẳng định này làm chúng ta liên tưởng tới một câu nổi tiếng của Marx:
Triết
gia chỉ lo giải thích, thay vì biến cải thế giới]. Kể chuyện là cách
thức mà
Arendt sử dụng để giải quyết (deal) những sự kiện và hậu quả của chúng
vào một
thời đại mà những môn khoa học nhân văn như lịch sử, địa lý, hoặc chính
trị học
đã không còn làm được chức năng "trật tự hóa quá khứ". Có thể Arendt
đã coi (hình thức) kể chuyện như là một giải pháp khả hữu nhất nhằm có
được giá
trị trừu tượng phổ cập, trong những môn khoa học nhân văn. Kể chuyện,
theo bà,
là một kiểu phán đoán thực tại và kinh nghiệm. Đây là suy tưởng không
nệ vào
hình thức của Arendt, khi nhìn ra thế giới, và cũng là quyết tâm nhằm
bảo vệ
tính toàn thể của "kinh nghiệm sống".
Cùng với "truyền
thống", Arendt bắt đầu phát triển một tầm nguyên từ điển nho nhỏ của
riêng
bà về chính trị học, dành quan trọng đặc biệt cho những quan niệm liên
quan tới
đám đông, nơi chôn nhau cắt rốn, tính công cộng... theo nghĩa bật ra từ
cuộc
sống hàng ngày, và mọi chuyện đều "có thể được nhìn và được nghe bởi
mọi
người". Có thời kỳ, Arendt có vẻ như muốn đồng nhất ý nghĩa thực sự của
cuộc sống công cộng với ý niệm "polis", nhà nước Cổ Hy Lạp, hoặc với
những quan niệm nền tảng đưa tới nền Cộng Hòa Hoa Kỳ; tuy nhiên, như
trên cho
thấy, cuộc tìm kiếm của Arendt về một "cõi khác", theo nghĩa, một
không gian công cộng – vừa mang tính đạo đức, văn hóa cũng như là địa
lý hoặc
chính trị – đã mất, cuộc tìm kiếm này bắt nguồn từ thời thơ ấu, từ kinh
nghiệm
của riêng bà về nỗi ăn nhờ ở đậu, vô gia cư, vô địa táng, tức thân phận
của kẻ
lưu vong, bị đá ra bên lề xã hội. và từ đó, là những bài viết của bà về
căn
cước Do Thái, và chính trị học.
Như trên đã viết, bà thuộc
một gia đình Do Thái trưởng giả đã hội nhập ở Konigsberg, và lớn lên
tại thành
phố này. Tò mò triết học nẩy nở ngay từ khi mới 14 tuổi. Đọc "Phê bình
lý
trí thuần túy" của Kant, làm chủ hai ngôn ngữ cổ La Tinh và Hy Lạp, và
năm
16 tuổi thành lập một câu lạc bộ đọc và nghiên cứu văn chương cổ. Trước
khi lấy
bằng tú tài – như thí sinh tự do tại Konigsberg – bà đã theo học cours
của
Romano Guardini ở Berlin, và đọc Kierkegaard. Với bà, triết học trở
thành phiêu
lưu, mạo hiểm. Tại Marbourg (một thành phố nhỏ có một đại học nổi tiếng
vì
truyền thống lâu đời của nó: 400 năm vào năm 1927), Hannah Arendt trở
thành một
mục tiêu quyến rũ của các bạn đồng học, với mớ tóc cắt ngắn, và cách ăn
mặc
đúng "mốt". Những sinh viên tặng cho bà biệt hiệu "Nàng
Xanh" (la Verte), do thường mặc chiếc áo dài lịch sự mầu này. Tại câu
lạc
bộ sinh viên, khi bà cất tiếng nói là những bàn chung quanh như bắt
buộc phải
im tiếng, giản dị là vậy. Người ta nhận ra trong giọng nói, sự kiêu
ngạo, và
luôn cả vẻ rụt rè. Hans Jonas, quen Arendt trong một cuộc hội thảo, và
sau đó
hai người trở thành bạn, kể lại, cô sinh viên này (Arendt) được coi là
một
"khuôn mặt hiếm quí" giữa những bè bạn. Họ nhận ra ở bà, " sự quyết
liệt, bền bỉ, phẩm chất, lòng mong muốn tới được cốt lõi của vấn đề, vẻ
sâu xa
huyền diệu".
Bà trọ học tại một căn phòng
dành cho người làm gần đại học. Đây là nơi gặp gỡ, tiếp đón bạn bè, có
những
người đã từng tham dự những cuộc bàn luận triết học từ thời kỳ ở
Konigsberg hay
Berlin. Có một con chuột nhỏ cùng chia sẻ căn phòng với Arendt, và
thỉnh
thoảng, bạn bè được chứng kiến một cảnh tượng thật dễ thương: chú chuột
rón rén
bò ra khỏi hang, nhận đồ ăn từ tay người bạn chung phòng của nó.
Chính tại căn phòng này đã
diễn ra cuộc gặp gỡ định mệnh, giữa ông hoàng bí mật của tư tưởng, tức
Heidegger, ông thầy người Đức, và cô học trò người Do Thái, Arendt.
Arendt đã nghe nói tới
Heidegger từ thời kỳ còn ở Berlin. Bà sau này nhìn lại, "Thiên hạ đồn
rằng,
le bruit courait, tư tưởng đã trở lại với cuộc sống, rằng những kho
tàng văn
hóa của quá khứ, mà người ta tưởng đã chết, nay tìm lại được lời
nói.... Có một
vị giáo sư...."
Cô học trò đã tiếp ông thầy
của mình tại căn phòng trên, khởi từ tháng Hai năm 1924, và cuộc gặp gỡ
này
được Arendt giữ kín, ngay cả với những người bạn thân nhất. Hai tháng
trước đó,
ông thầy đã tìm thấy "niềm đam mê của đời mình", như ông thú nhận với
vợ, ở cô học trò, khi ông mời cô tới văn phòng, và sau đó, không thể
nào quên
được hình ảnh của cô: "Nàng mặc áo choàng che mưa, chiếc mũ để một mầu
đậm
trên khuôn mặt, và thỉnh thoảng nói thật nhỏ một tiếng "phải" (oui)
hoặc "không phải" (non).
Arendt biết, không thể nào
không bị quyến rũ bởi ông thầy mà nàng kính phục. Ngày 10 tháng Hai,
Heidegger
viết cho Arendt lá thư đầu tiên: "Cô Arendt quí mến." Giữ một khoảng
cách đáng kinh trọng, ông thầy bảo đảm lòng chân thành của thầy, đồng
thời ca
ngợi những đức tính vừa trí thức vừa đạo đức của Arendt, cuối cùng đề
nghị cô
học trò, là thầy sẽ giúp trò luôn trung thực với chính nàng."
Luôn trung thực với chính
nàng. Trong cuốn "Arendt and Heidegger: The fate of the political"
(nhà xb Đại học Princeton), tác giả Dana Villa đã đọc lại cả hai Arendt
và
Heidegger, và đưa ra những ý tưởng mới mẻ, táo bạo, nhằm sửa lại một số
quan
niệm sai lầm của những nhà phê bình, cũng như những người ủng hộ thầy
và trò.
Tác giả cuốn sách cho rằng, Arendt chấp nhận cuộc thách đố, mà
Nietzsche và sau
đó là Heidegger đã chối bỏ, một cuộc thách đố liên quan tới chính trị
học,
"sau" (after) cái chết của siêu hình học; từ đó, vẫn theo Dana Villa,
Arendt đã xuất hiện như lý thuyết gia chính trị "hậu siêu hình, hậu
hiện
đại" đầu tiên đã vượt qua những vướng mắc do đoạn tuyệt với truyền
thống,
mà hậu quả là sự sụp đổ những mối tương quan về giá trị, cứu cánh, lẽ ở
đời của
chúng ta. Từ quan niệm "vô gia cư" (homeless) của Heidegger, Arendt
đã tạo dựng nên tính mất gốc (the kind of rootlessness). Đây là điều
những chế
độ toàn trị đòi hỏi, nhằm hủy diệt thực tại, và có được sự thần phục
hoàn toàn
[của dân chúng]. Bà cũng chịu ảnh hưởng của ông thầy, về những phát
hiện của
ông đối với chủ nghĩa hư vô, kỹ thuật, sự tương phản giữa "thực"
(authenticity) và không thực. Một khi tách triết học của Heidegger ra
khỏi những
quan điểm chính trị của ông, Arendt từ đó có thể khai triển những
nghiên cứu
mang tính hiện sinh của bà, và tránh được tuyệt lộ (cul de sac), tuyệt
lộ này
đã dẫn Heidegger tới với chủ nghĩa Quốc Xã.
(còn tiếp)
Jennifer Tran
Dịch và Cắt
(Ký sự một chuyến đi)
Nguyễn Quốc Trụ
"We come to terms with
and reconcile ourselves to reality, that is, try to be at home in the
world."
(Qua sông lụy đò,
Hãy cố coi đây là nhà).
Annah Arendt
... and when "the
future" is uttered, swarms of mice
rush out of the Russian
language and gnaw a piece
of ripened memory which is
twice
as hole-ridden as real
cheese.
After all these years it
hardly matters who
and what stands in the
corner, hidden by heavy drapes,
and your mind resounds not
with a sepharic "doh",
only their rustle.
Life, that no one dares
to appraise,
like that gift horse’s mouth,
bares its teeth in a grin at
each
encounter.
What gets left of a man
amounts
to a part. To a spoken part. To
a part of speech.
(... Và khi "tương
lai" được thốt ra, những đàn chuột nhắt
ùa ra khỏi tiếng Nga, gậm mẩu
ký ức chín ruỗng, lỗ chỗ gấp
hai lần miếng phó mát thực.
Sau tất cả những năm tháng
đó, đâu hề chi, là ai
hay là cái gì, còn đứng trong
xó, che bởi những tấm màn nặng nề,
và trong đầu bạn bạn vang
lên, không phải một âm "đô" thần tiên, mà chỉ là những tiếng gậm
nhấm.
Cuộc đời mà không ai dám
lượng định,
giống như miệng của chú ngựa
tặng kia
nhe răng cười mỗi lần
gặp gỡ.
Những gì còn lại của một người
dồn
một mảnh. Mảnh ngôn. Mảnh
lời.)
Joseph
Brodsky (A Part of Speech).
Ta còn để lại gì không
Kể non đá lở, nọ sông cát
bồi
.....
Ta van cát bụi bên đường,
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót
này.
Để ta trọn một kiếp say,
Cao xanh liều một cánh tay
vói trời.
Nói chi thua được với đời,
Quản chi những tiếng ma cười
đêm thâu.
Tâm linh đốt nén hương cầu,
Nhớ quê rằng rặc ta sầu đó
thôi
Bao giờ ta trở về ngôi,
Hồn thơ còn lại luân hồi thế
gian.
Một phen đã nín cung đàn,
Nghĩ chi còn mất hơi tàn
thanh âm.
Vũ Hoàng
Chương (Nguyện cầu).
Nhà thơ Nga Joseph Brodsky,
trong cuộc hành trình xuyên qua thế kỷ 20, có thời gian làm nghề cắt xẻ
xác
chết tại một bệnh viện tỉnh. Ông nói với ký giả Mỹ, David Remnick: "Bạn
biết không, tôi lại khoái nghề đó. Thật xấu hổ, khi bỏ nghề".
Ông giải thích lý do bỏ nghề,
trong một lần trò chuyện với Solomon Volkov. "Đó là một bệnh viện địa
phương, và vào mùa hè, họ mang tới một ít trẻ con. Mùa này (lúc đó là
tháng
Bẩy), trẻ con chết bộn, do ăn uống bậy bạ. Bữa đó, một tay bô hê miêng
tới nhà
xác, và tôi (Brodsky) đưa cho anh ta hai đứa nhỏ – hai đứa sinh đôi,
nếu tôi
không lầm. Khi nhìn thấy hai đứa con được cắt xẻ ngon lành, anh ta bỗng
nổi
điên, và, tay cầm dao, dượt đuổi vòng vòng, giữa mớ tử thi. Một cảnh
tượng siêu
thực như thế, nhà thơ, thuộc hàn lâm viện Pháp Jean Cocteau cũng phải
chào
thua!" Sau cùng ông bố tóm được nhà thơ-tên đồ tể, may sao Brodsky vớ
được
cây búa và khiền vào cổ tay cầm dao, ông bố xuội lơ, ngồi bệt xuống, và
cứ thế ôm
mặt khóc. Và nhà thơ cảm thấy có một điều gì đó không ổn...\
Đó là một trong những lý do
ông bỏ nghề.
"Trả đầu ta đây",
hồn ma Quan Công chẳng đã từng lang thang vất vưởng, không thể siêu
thoát, vì
chưa gặp lại cái đầu...
Lần trở lại "nơi một
thời vang bóng", Hà Nội, khi đối diện với đứa con tinh thần được cắt xẻ
gọn gàng, tôi bỗng nhớ tới Joseph Brodsky, và... Quan Công.
Trả đầu ta đây, tôi như nghe
hồn ma "thiếu hụt" của chính mình đang đòi lại, hoặc cố tìm lại, hoặc
cố nhập vào cái phần đời đã mất.
Nguyễn Quốc Trụ.
Ui
chao, lại nhớ đến những ngày
tháng thiên đường ở nơi địa ngục, là nông trường cải tạo Đỗ Hòa, thuộc
khu vực
Cần Giờ, Nhà Bè, Rừng Sát…
Một Miền Nam Sâu Thẳm nhờ VC
giải phóng mà có được!
*
Trên vẹt-xì-tốp-đi-thôi, có
bài viết về Phạm Duy:
Bài
viết cũng
thường thôi.
Tuy nhiên,
nó làm Gấu nhớ tới hai lần được nghe nhạc của ông ở nông trường cải tạo
Đỗ
Hòa.
Cả hai
kỷ niệm đều thuộc loại khủng khiếp, trứ danh, thần sầu, tuyệt cú mèo
cả, và
chúng làm Gấu hiểu ra một điều rất ư thú vị, là, ngay cả một chuyện, dù
rất ư
tình cờ, cũng phải có sự tính toán, sắp đặt của Thượng Đế!
Cái lần
nghe bản Thuyền Viễn Xứ không thể nào có được, nếu thiếu cây
đàn
Tây ban cầm độc nhất của Đội Ba, vật trấn sơn, để tại đỉnh núi Thiếu
Thất, là
Bộ Chỉ Huy Đội.
Để cho Gấu sờ được vô nó, thì, bảnh như… Thượng Đế cũng phải chờ
Gấu Cái lo
cho thằng con lớn - vượt biên bằng đường bộ, bị bắt, bị đưa về khám Chí
Hòa, tất
tưởi lo tin tức, lo thăm nuôi, chờ được tha - xong xuôi, mới có dịp lo
cho Gấu.
Nhiêu khê lắm!
Trong khi đó, Thượng Đế cũng còn phải chờ… Gấu, do bặt tin nhà,
đói quá,
lo quá, bèn vượt trại, bị bắt lại, bị tống vô tổ trừng giới, và khi Gấu
Cái thăm
nuôi lần đầu, Gấu còn ở tù trong tù, nhờ vậy mà gặp được cứu tinh: Cái
anh chàng
cán bộ chuyên khám đồ thăm nuôi của tù tổ trừng giới, rất mê Cronin,
nhà văn y
sĩ Hồng Mao, rất mê cuốn Khách Lạ ở Thiên Đàng do Gấu dịch. Thế
là anh
ta ra tận hiện trường, nơi Gấu đang lao động là vinh quang, lôi về, vừa
đi vừa
biểu Gấu, có mấy trăm bạc ở trong bị gạo, dím liền đi, mấy bữa nữa
tính. Gặp
người thân, tranh thủ ăn, về tổ là chúng làm sạch.
Nhưng bức hình trên đây, cộng
bài viết, chỉ nói được một nửa kỷ niệm.
Phải thêm bức hình dưới đây, nhất là cái bị đeo trên vai Gấu nữa mới đủ
bộ... nhớ!
Cái bị trong bức hình làm Gấu nhớ cái bị đeo trên vai, ngày đầu tiên
hai vợ
chồng Gấu tới được Bangkok, lần bỏ chạy quê hương, đúng cái ngày 16
Tháng Năm,
như ghi trong hình, [tức ngày sinh của Bác Hồ], năm 1989, hoặc 1990.
Chắc là
1990, vì Gấu nhớ là, khi đang trên đường chạy trốn quê hương qua Xứ
Phật, thì
xẩy ra cú Thiên An Môn.
Cái bị này làm nhớ tới cái bị
Gấu Cái đựng gạo thăm nuôi. Một cái bị cói.
Phải bị cói mới được. Và cái
này là doThượng Đế sắp xếp.
Chính nhờ nó mà
bẫy được chuột.
Tôi
cho
mỗi thuyền mười đồng (Mỹ
kim), vừa hết cạn số tiền lẻ có sẵn trong túi. Mấy chú nhỏ được một
đồng, làm
mặt nhăn nhó kêu khóc ầm lên: sao không cho con nhiều, cho một đồng ít
quá! Tôi
quýnh quáng chạy tuốt vào phía trong cửa hàng, để mặc cho chồng tôi
lãnh nốt.
TMT, talawas
Đọc, bỗng lại nhớ đến trường hợp
của Gấu, những ngày ở trại tị nạn Panat Nikhom, truớc khi bị đưa xuống
Trại Cấm
Sikiew, thanh lọc, và chờ công bố kết quả thanh lọc, Gấu cũng được một
đấng bạn
quí bay từ bên Mẽo qua, cùng với một cô bạn ký giả, ghé thăm, và tặng
cho ba
trăm bath, tiền Thái, tức 10 đồng, tiền Mẽo.
Nhớ hoài!
Y chang đấng bạn quí của Gấu, nhớ hoài đã cho Gấu cái áo cộc tay cũ.
Nhưng lại không nhớ Gấu đã
từng biếu anh ta ba ngàn đồng tiền đặt cọc để mua căn nhà ở làng ký giả
Thủ Đức.
Nhờ vậy anh ta mới có nhà ở, không phải ở nhờ nhà ông cụ bà cụ.
Chán hoài!
Tôi hỏi chuyện
thầy giáo, ông tên là Trần văn Tư, ông cho biết, từ Tây Ninh sang đây
làm thiện
nguyện; tôi hỏi có phải ông là nhà giáo trước đây không? Ông nói tôi
dạy
“nghiệp dư” thôi. Trường có từ lớp một tới lớp bốn, chủ trương chỉ dạy
cho biết
đọc, biết viết. Tôi không hỏi tiếp về việc dạy nữa. Tôi hỏi các em đang
ăn xin
ở ngoài kia có đi học không? Ông nói, đó là quyền của cha mẹ chúng, ai
muốn cho
con đến trường thì đến, ai muốn cho con ở nhà đi xin thì tùy họ. Ông
cho tôi
biết trường hoàn toàn trông vào tiền của du khách. Tôi đưa cho ông một
số tiền,
không biết là mình có cho đúng chỗ hay không? Nhưng thấy hai mươi em
ngồi trong
đó, cũng hy vọng các em học được một điều gì khác với điều chỉ học ăn
xin ngoài
kia. Khi chúng tôi ra về, các em lại đứng lên nói: Tạ ơn quý khách. Ông
Tư đưa
cho tôi một tấm danh thiệp và nói, nếu tôi muốn giúp đỡ thêm thì gửi
tiền về,
địa chỉ của vợ ông ở Tây Ninh. (Về sau, tôi được những người có kinh
nghiệm hơn
cho biết, ngôi trường này là một cái bẫy du khách vì du khách mua sách
vở, dụng
cụ học sinh ở của hàng nuôi cá sấu đó cho trường, sau khi du khách về
những thứ
đó lại xuất hiện ở cửa hàng.)
TMT, talawas
Trên
blog Phạm Xuân Nguyên
có hình ông Tư:
Cuối năm
1970, một buổi sáng
khi tôi đang ngồi ở chiếc bàn quen thuộc, kê gần một cây cột của café
La Pagode,
ở ngã tư đường Tự Do và Lê Thánh Tôn, Saigon cũ, với Nguyễn Ðình Toàn,
Nguyễn
Quốc Trụ, Huỳnh Phan Anh...
Du Tử Lê
Ui chao, bạn ta nhắc tới ta
một cái làm ta hân hạnh quá!
Hạnh phúc biết là chừng nào!
Ấy là bởi vì sáng nay, cô bạn ngày nào phôn cho Gấu Cái cho biết, mới
đọc bài
viết của thi sĩ DTL, trong có nhắc đến ông Trụ!
Đọc.
Chi tiết đáng tiền:
…. Nhớ là cửa ở đường Lê
Thánh Tôn chứ không phải Tự Do...
Trần
Phong Giao không hề ngồi
Pagode, thành thử cái lời chỉ dẫn của ông coi bộ hơi bị nhảm!
Và cái vụ cả đám hay ngồi ở cái
góc quán, là do Gấu đầu têu!
Ấy là bởi vì Gấu luôn luôn là
người đầu tiên ghé Quán Chùa.
Lý do: đi xuống sở UPI, số 19
Ngô Đức Kế coi có hình radiopho cho cữ 8 giờ sáng , tức O giờ GMT đi
Tokyo.
Thường là không có, vì đã gửi
cữ 6 giờ chiều hôm trước, chỉ trừ trường hợp đặc biệt, trong đêm có xẩy
ra sự cố,
cũng nhiều, nào là nạn nhân mìn, hoả tiễn VC trong đêm, hay hình chiến
trường mới
nhận được…
*
Những buổi
sáng, nếu có Radiophoto, khi
xong việc, hoặc ở lại sở phụ giúp một đồng nghiệp làm ca sáng, chờ tới
trưa coi
UPI có hình cần chuyển, hoặc theo ông Hưng, đồng nghiệp làm cho hãng AP
tới văn
phòng hãng này, ở tầng lầu phía bên trên passage Eden, nhìn bức hình
Huỳnh
Thành Mỹ phóng lớn treo trên tường, uống ly cà phê kiểu Mỹ, nói dăm ba
câu
tiếng Tây với Horst Fass, trưởng phòng hình ảnh, rồi cùng ông Hưng đi
kiếm mấy
cuốn truyện "série noire" của một tay bán sách dạo ở một con hẻm chật
cứng giữa hai bức tường gần bên tiệm thuốc tây trên đường Tự Do. Trường
hợp
không có Radiophoto, thường ngồi trơ cu lơ một mình trong lúc chờ bạn
bè tại một
bàn tại góc quán Cái Chùa, mơ màng tự hỏi không biết sáng nay cô bạn có
giờ học
tại Văn Khoa hay không, mơ màng tưởng tượng chiến tranh rồi sẽ qua đi,
cô bạn
rồi sẽ gặp một người chắc chắn hơn hẳn mi: Một người hoặc không nợ nần
gì cuộc
chiến nên không bị nó hành hạ đến trở thành khật khùng, hoặc thừa thông
minh,
thừa khôn ngoan để cùng cô thoát ra khỏi, cho dù người đó có yêu thương
cô hay
không thì mọi chuyện cũng chẳng liên can chi tới mi.
Xìn
Phóng TPG ghé Quán Chùa hình
như độc nhất chỉ một lần, đi cùng ông Nguyễn Đình Vượng, ra gặp Gấu,
với chiếc
phong bì, sau khi Văn đăng bài đầu tiên của Gấu:
Thời Gian
Hà, hà!
DTL cho
biết thêm chi tiết ‘gần
cái cột’.
Đúng. Nhưng đây là bàn của
DTL, không phải của nhóm ‘tiểu thuyết mới’. Hai bàn cũng gần nhau.
Thường là bàn
của DTL họp hơi bị muộn, và trong khi chờ bạn, DTL ngồi ké bàn của Gấu.
Có thể vì thế,
Gấu không nhớ cái vụ thi sĩ NTN gặp DTL ở Quán Chùa.
Gấu nhớ lần Mai Thảo đang ngồi,
thấy một ông rời Quán Chùa trên đôi nạng bèn rời bàn chạy ra gặp. Sau
Gấu biết,
đó là Huy Tưởng.
Viết ai
điếu khó lắm. Cái chết
là thuốc thử đạo hạnh của kẻ còn sống trên kẻ đã chết, nhà thơ Brodsky
đã từng
cảnh cáo.
Chỉ một sát na sơ sẩy là Cái Ác hiển
hiện, là Cái Tôi Khốn Kiếp lộ ra.
Nhìn như thế đó, cả một nền văn
học hải ngoại, trong những năm đầu tiên của nó, ở những ông bà nhà văn
Miền Nam
trước 1975 may mắn đi thoát liền sau ngày 30 Tháng Tư, đều được viết
như là một
‘ai điếu’, cho những kẻ đã hoặc đang chết dấm chết dúi ở trong trại cải
tạo của
VC!
NQT
*
VỀ
BÀI VIẾT CỦA DU TỬ LÊ
Mặc Đỗ là tác
giả những quyển như Thần nhân và thần thoại Tây phương, tác giả
những
bản dịch như Tâm cảnh (tức Climats của André Maurois),
còn
"anh bạn già Nguyễn Đức Quỳnh" với "Cénacle littéraire" thì
chắc ối bác già già bây giờ còn giữ nhiều kỷ niệm lắm :)
Blog Nhị Linh
Gấu không biết Mặc
Đỗ là tác giả của Thần nhân và thần thoại Tây phương, và cũng
chẳng biết
“Cénacle littéraire” là gì. (1) Không biết có phải NL muốn nói, NDQ là
chủ nhân
của ‘diễn đàn nói’, "chat" trực tiếp, tức những buổi “Đàm trường viễn
kiến” nổi tiếng một thời ở Sài Gòn không?
(1) Từ này, của Thế
Phong, NL cho biết.
TP cũng dùng cả
từ Đàm Trường Viễn Kiến.
Mặc Đỗ dịch Le Grand Maulnes, Anh Môn, và còn là tác giả Siu
Cô
Nương, tiểu thuyết, viết về một số nhân vật sống hiện sinh, đọc
hiện sinh, [nghĩa
là đọc những tác giả như Beauvoir, Sagan, Sartre…] TTT điểm cuốn này,
gọi đây là
những nhân vật “làm dáng”. Mặc Đỗ cay lắm, bèn “phản biện”, những nhân
vật của
TTT trong Ung Thư thì cũng đâu có khác ?
Nguyễn Đức Quỳnh, thuộc nhóm Hàn Thuyên, là sư phụ của rất nhiều đệ
tử, trong
có Nguyễn Tiến Văn. Ông có ông con, như Nguyễn Đình Thi có ông con, nói
vắn tắt
vậy là các bạn hiểu!
Con NDQ làm nghề ký giả, ký là Duy Sinh, hiện ở Mẽo.
"Bạn già", ở đây
là Mặc Đỗ muốn nói tới NDQ.
Vào Nam
ông vẫn tiếp tục viết, nhưng VP, trong VHTQ không biết, và coi ông là
tác giả
tiền chiến. Là tác giả cuốn Ai có qua cầu, ký tên là Hoài Đồng
Vọng. Gấu
đọc lâu quá, từ hồi còn con nít, nhớ đại khái, có tính chính trị. Về
mặt văn
học, ông có cuốn Thằng Kình, bảnh lắm, Gấu đọc cũng từ hồi còn
con nít,
thành ra chịu thua, không dám lạm bàn.
Khi NDQ mất,
TTT đi một đường ai điếu, bằng bài viết:
Bạn đã đọc Thằng Kình chưa?
Và cho biết, đây là một trong tác phẩm gối đầu giường
của ông, khi mới lớn.
Sau này, khi đọc cuốn của Isabel Allende, Gấu mượn lại cái tít này:
Bạn đã đọc Ngôi nhà của những hồn ma chưa?
Bài điểm sách đăng trên tờ báo Tuổi Trẻ, gây
chấn động giang hồ. Đó
là sự thực, đừng nghĩ Gấu phịa, tự thổi. Tay Hoàng Lại Giang, ông trùm
nhà xb
VH, bộ phận phía Nam,
sếp của Gấu, buổi sáng, khi Gấu ghé tòa soạn trình diện, kêu em thư ký,
phát cho
tên Ngụy liền một ngàn đồng VC cho ta!
Lúc đó, Gấu đang sửa lại bản dịch Mặt Trời Vẫn Mọc, cho VH,
dưới quyền
giám sát của ông em trai của Nhật Tiến, là Nhật Tuấn.
Sau này, ra hải ngoại, đọc búa xua, Gấu mới biết thuật ngữ “Bạn đã
đọc”, là rất
quen thuộc của giới giang hồ Tây Phương, cả ở trong viết, và nói.
Thú nhất, một ông bạn lúc đó trông coi một sạp báo, kể cho Gấu nghe,
một số
khách hàng quen của anh, mấy ngày sau, còn nhao lên vì cái bài điểm
sách, ghé
sạp hỏi, này, còn tờ báo đó không ?
NDQ là tác giả câu nói nổi tiếng: VC thì như bát cơm, gạo tám thơm,
trộn thuốc
độc, còn Quốc Gia thì là bát cơm, gạo hẩm, mốc, trộn… kít!
Nghệ
thuật làm dáng
“Chúng
ta luôn có dáng điệu của một kẻ sắp sửa ra đi,” Camus viết như vậy. Một
Dũng của
"Bến Gió", của "sông Đà": kéo cổ áo cao lên một chút, tóc xổ
tung ra, mặc tình cho nó bù xù trước gió! Vũ Khắc Khoan, khi sinh thời
có kể một
huyền thoại về Nguyễn Tuân: Mặc áo gấm, nhảy xuống sông, thi bơi! Khi
Siu Cô
Nương của Mặc Đỗ được trình làng, Thanh Tâm Tuyền, trong một bài điểm
sách, đã
coi, đây chỉ là những nhân vật làm dáng. Mặc Đỗ, sau đó, đã chỉ ra
những nét
làm dáng trong Ung Thư. Ở đây, cứ coi như một "chân lý": không thể có
văn chương, nếu không có làm dáng. Nhưng đấy chỉ là khởi đầu, là thói
quen mút
ngón tay của con nít; sau đó phải là chấp nhận rủi ro, hiểm nguy, là
chọn lựa,
quyết tâm thực hiện thực tại "của những giấc mơ".
Simon Leys, trên tờ NYR May 29, 1997, trong bài điểm sách của Curtis
Cate
(Malraux: một tiểu sử, nhà xb Fromm, 451 trang, 1997), cuốn mới nhất
sau khi
tro cốt của Malraux được đưa vào Điện Chư Thần, Pantheon (Nov 1996), đã
kể một
câu chuyện "làm quà": Trong một buổi thuyết giảng ở một nhà thờ nọ,
cha tinh thần nhận thấy, tất cả các con chiên đều cảm động, rơi lệ, trừ
một người,
mắt khô queo. Hỏi, anh trả lời: "Tôi không thuộc giáo dân địa hạt
này".
Trích
báo Thời Tập của Viên Linh, tục bản tại Cali.
Nói
đến
NDQ là nói đến cả một
thời, ‘và nao nức cả một thời trẻ dại, hỡi ngói nâu hỡi tường trắng cửa
gương’,
của cả một nhóm bạn bè của Gấu. Bây giờ nhớ lại, cũng thấy tiếc, vì đã
không chịu
đi nghe ông diễn thuyết một lần cho biết, khi được một anh bạn rủ.
Anh bạn này với Gấu, cũng có
cả một thiên tiểu thuyết. Mê làm cách mạng lắm, thành ra học hành chẳng
ra gì,
mãi mới có được một cái bằng, và làm nghề dậy học, bị động viên, ra
trường đóng
ở Cần Thơ, khi thằng em Gấu tử trận tại Sóc Trang, trên đường đi lấy
xác em, Gấu
ghé Cần Thơ kêu anh đi cùng. Khi về, Gấu đi máy bay C.130 cùng xác
thằng em, và
cô bạn gái của em, và bà mẹ của cô [cô nói, cái số của cô quá khốn nạn,
cứ quen
ai, tính lấy làm chồng, là người đó chết trận!], anh bạn đi xe đò về
lại Cần Thơ,
tính đi chuyến đầu, may sao nghĩ lại, quay vô tiệm làm tô hủ tíu, vậy
mà thoát
mìn VC.
Anh bạn này là người Gấu nhờ đưa
thư cho BHD, khi bị ông bố của cô cấm cửa.
Nói đến
NDQ là nói đến cả một
thời, ‘và nao nức cả một thời trẻ dại, hỡi ngói nâu hỡi tường trắng cửa
gương’,
của cả một nhóm bạn bè của Gấu. Bây giờ nhớ lại, cũng thấy tiếc, vì đã
không chịu
đi nghe ông diễn thuyết một lần cho biết, khi được một anh bạn rủ.
Anh bạn này với Gấu, cũng có
cả một thiên tiểu thuyết. Mê làm cách mạng lắm, thành ra học hành chẳng
ra gì,
mãi mới có được một cái bằng, và làm nghề dậy học, bị động viên, ra
trường đóng
ở Cần Thơ, khi thằng em Gấu tử trận tại Sóc Trăng, trên đường đi lấy
xác em, Gấu
ghé Cần Thơ kêu anh đi cùng. Khi về, Gấu đi máy bay C.130 cùng xác
thằng em, và
cô bạn gái của em, và bà mẹ của cô [cô nói, cái số của cô quá khốn nạn,
cứ quen
ai, tính lấy làm chồng, là người đó chết trận!], anh bạn đi xe đò về
lại Cần Thơ,
tính đi chuyến đầu, may sao nghĩ lại, quay vô tiệm làm tô hủ tíu, vậy
mà thoát
mìn VC.
Anh bạn này là người Gấu nhờ đưa
thư cho BHD, khi bị ông bố của cô cấm cửa.
*
Hôm
có
tiết này, thầy vào lớp, đố ngay học trò Concierge nghĩa là gì. Trong
lớp có một
trò tên là Nguyễn Phan Long, người Nam bộ, theo cha, là ông phán gì đó,
ra Bắc.
Nguyễn Phan Long rồi sau này là một tay giỏi tiếng pháp, mở báo viết
bằng tiếng
pháp ở Sài gòn. Hắn cũng là một đại địa chủ tối phản động. Thấy thầy đố
chữ khó
quá, cả lớp chịu. Thầy mới giảng là ông dượng. Lúc này Long mới xin
nói, và
giảng là người canh cổng. Chắc ở Sài gòn, Long đã trông thấy người làm
công
việc này. Hai thầy trò cãi nhau về chữ nghĩa, rồi thầy mở tự vị ra tra.
Thầy
nghĩ một lát, rồi khen là Long nói đúng.
Tan học, ở lớp về nhà, Nguyễn Phan Long nói với bạn: "Đù mẹ thằng X,
hôm
nay tao chẳng được gì, còn lỗ vốn mất một chữ!"
Hôm sau, người bạn mách thầy giáo là thằng Long nó chửi thầy. Thầy tức
lắm, đem
việc ấy lên trình ông đốc. Tên hiệu trưởng gọi Long lên bàn giấy, bắt
mang theo
sách vở. Nó phân xử thế nào? Nó cho Long lên học lớp trên! Tây cần
người giỏi
tiếng pháp hơn là cần người biết tôn kính thầy giáo" (tr. 32-33) [sự
việc
khoảng năm 1916].
Chi tiết này cực kỳ đắt giá, chưa thấy ai nêu ra cả :)
Blog NL
Thú vị thật.
Gấu cũng có một
câu chuyện thú vị, na ná chuyện trên, thời gian làm UPI, với ông sếp
Mẽo là Dirck
Halstead, chủ nhân trang net TheDigitalJournalist
Lần
đó, ông chủ
sai Gấu chuyển vô tuyến viễn ảnh, mấy tấm hình chiến trường mới về. Anh
ra lệnh làm thế này, thế này, nhưng do không phải dân chuyên viên, nếu
Gấu làm
đúng
theo, là hư hình hết.
Thế là tự ý làm theo Gấu. Hình chuyển đi OK, đẹp hơn
cả nguyên bản khi xuất hiện trên báo chí Tây phương.
Ông chủ Mẽo xoa đầu tên bồi
Mít, khen một tua, xong, nghiêm nét mặt, ra lệnh:
Nghe đây. Tao là
chủ mày. Tao là thằng chi tiền cho mày. Lần sau, tao bảo sao, làm vậy.
Mày làm
khác đi, tao đuổi!
Chủ
Tây, chủ Mẽo đều hơn chủ
Mít, thật.
Thảo nào độc lập thống nhất, không khá!
Trong
những ông chủ của dân
Mít, chủ VC khốn nạn nhất.
Nhất
nhất, VC Bắc Kít!
Dương
Văn Ba
TỪ TỘI
“PHẢN ĐỘNG”THÀNH TỘI
KINH TẾ
Doanh
nhân sinh 1941 tại Bạc
Liêu. Sống ở TPHCM (2010).
Nguyên
là dân biểu đối lập
thuộc nhóm trí thức và nhà hoạt động xã hội tiến bộ Nam
bộ – hình thành “Lực lượng thứ ba” không theo Mỹ - Ngụy mà cũng không
theo Cộng
sản - chống chế độ Thiệu Kỳ đấu tranh đòi hoà bình độc lập ở miền Nam
trước 75.
Sau đó vẫn ở lại với mong muốn hoà nhập cùng chế độ mới xây dựng lại
đất nước
sau chiến tranh.
Ban đầu
cùng các chiến hữu cũ
(Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung…) tham gia thành lập báo Tin
Sáng
tại TPHCM, phụ trách làm kinh tế cho tờ báo rồi sau đó chuyển về Ban
Biên tập.
Sau khi
báo Tin Sáng bị đình
bản “hoàn thành nhiệm vụ” năm 1981, trở về quê Bạc Liêu (lúc đó thuộc
tỉnh Minh
Hải) hoạt động kinh tế rồi được TPHCM cử làm đại diện hợp tác làm ăn
với Minh
Hải nhận chức Phó Giám đốc Cty Cimexcol do tỉnh thành lập và quản lý có
nhiệm
vụ hợp tác kinh doanh với Lào.
Comexcol
đang phảt triển
thuận lợi (thời này nổi tiếng với việc nhập xe Honda cũ – xe “Cub” -
giá rẻ từ
Lào về bán lại ) thì đùng một cái năm 1987 toàn bộ lãnh đạo Cimexcol và
cả lãnh
đạo tỉnh (cả… Chủ tịch UBND tỉnh!)ø bị Trung ương bắt giam điều tra đến
năm
1989 đưa ra tòa xét xử ở Minh Hải với tội danh kinh tế “tham ô tài sản
xã hội
chủ nghĩa, buôn bán hàng cấm, đưa và nhận hối lộ, cố ý làm trái gây hậu
quả
kinh tế nghiêm trọng cho Nhà nước…” Phiên toà do Toà án Nhân dân tối
cao xử
theo thủ tục đặc biệt hiếm có là xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm luôn
không cho
kháng nghị! Kết quả trong 21 bị cáo thì đương sự là người duy nhất lãnh
án
chung thân nặng nhất.
Sau
phiên toàn rất nhiều dư
luận, ý kiến ngay cả trong hàng ngũ cán bộ cao cấp địa phương lẫn Trung
ương
lúc bấy giờ không đồng tình yêu cầu xử lại vì nhiều lý do như “xét xử
không
đúng người không đúng tội, không đúng pháp luật, không được lòng dân và
xét về
tình tiết, nội dung phán quyết của phiên toà sai trái đến mức nghiêm
trọng làm
tình tiết và bản chất của vụ án thay đổi một cách cơ bản…”. Nhưng tất
cả đều vô
ích.
Tuy
nhiên đến năm 1994 thì
các bị cáo lần lượt được… trả tự do – có đuơng sự –vì điều tra lại thì
quả đây
là một vụ án lớn… xử oan! Bởi chính xác thì Cimexcol chẳng những làm ăn
không
thua lỗ gì cả mà còn… lời nữa. Chẳng qua đây là hậu quả của cuộc xung
đột mâu
thuẫn giữa 2 phe mở cửa và bảo thủ trong thời mới Đổi mới như đánh giá
của
Trường Đảng An Giang: “Quan điểm xét xử không đổi mới , lấy Nghị Quyết
4, NQ 5
xử NQ 6 (đổi mới); lấy cơ chế cũ xử cơ chế mới, lấy tư duy cũ xử tư duy
mới đi
ngược lại NQ Đại hội VI…” Nhưng các kết quả của phiên toà sau 5 năm bị
vô hiệu
hóa một cách tự động như trên đều không có thông báo “minh oan” nào
chính thức
mà chỉ được thực hiện một cách… âm thầm để “né” trách nhiệm!
Ngoài
ra vụ án lớn này còn có
một nguyên nhân nữa là “đánh” vào bản thân DV Ba quy kết vào tội “phản
động” do
nghi ngờ nhân vật “Tư lệnh quân đội” Dương Văn Tư của tổ chức phản động
Hoàng
Cơ Minh lưu vong ở Mỹ đưa quân thâm nhập về VN chống phá chính quyền
Cách mạng
là… em ruột của ông (theo cách đặt tên của dân Nam bộ, tên “Tư” tất là
em của
tên “Ba” rồi)! Ngoài ra còn cho ông là thủ phạm giật dây sát hại một
cán bộ
Minh Hải thuộc quyền nhằm “bịt đầu mối” biết mình là trung gian ở
Cimexcol nhận
tiền Hoàng Cơ Minh gửi về nước âm mưu phá hoại chế độ mới.
Nhưng
sau đó điều tra… không
tìm ra bằng chứng xác đáng vì DVT Tư hơn tuổi DV Ba và lại sinh trưởng
ở miền
Bắc, còn vụ cán bộ thuộc quyền tự tử chết thì chẳng có liên quan gì.
Bởi vậy
mới tìm cách chuyển tội danh DV Ba qua lãnh vực kinh tế gán cho Phó GĐ
Cimexcol
này 3 tội danh kinh tế, xem là “người cầm đầu, chủ mưu, có vai trò quan
trọng
nhất và quyết định nhất trong vụ án”. Cũng vì thế mà phải lấy một vài
cán bộ
lãnh đạo tỉnh làm “vật hy sinh “ ra tòa (lãnh án nhẹ hơn nhiều) để “xử
bọn
kia”!
Hiện đã
rút vào im lặng nhưng
nhờ mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Lào ngày xưa nên còn âm thầm làm ăn
với
nước bạn, được mô tả là sống ở Lào nhiều hơn ở… VN!
Cao Huy
Khanh
Người
đầu tiên dẫn Gấu lên
Xóm là Huỳnh Phan Anh và Dương Văn Ba!
Gấu quen anh qua HPA. Liền
sau khi quen, HPA được tay Trịnh Văn Thanh giao cho làm trang VHNT cho
tuần báo
Mã Thượng. Lãnh nhuận bút lần đầu tiên, là kéo nhau lên Xóm. Cả hai vội
quá,
lên là kiếm em đưa vô phòng liền, bỏ Gấu ngồi ngoài. Gấu lúc đó ngu
lắm,
lại nghĩ
hai đứa chắc là vội đi ị đi đái gì đó. Tới khi bà chủ hỏi, cậu “đi”
không, Gấu
lắc đầu!
Hồi ức
của Gấu chỉ tới đó. Bởi
vì sau này, nhớ lại, Gấu không hiểu tại làm sao hai thằng làm ăn xong
rồi, lại
kéo Gấu ra về, chẳng thèm hỏi han, mày đi chưa.
Chỉ có thể giải thích, tụi nó
nghĩ, Gấu cũng vội như tụi nó!
Nói rõ hơn, cả hai không hề
nghĩ, Gấu chưa từng đi xóm!
Cao Huy
Khanh là nhà phê bình
rất bảnh của Miền Nam
trước đây.
Bảnh hơn Võ Phiến nhiều, vì anh là thứ thiệt. VP, bất đắc dĩ.
Giả như
anh ra được hải ngoại
sớm, chắc đỡ quá!
84 -
Huỳnh Phan Anh
KINH NGHIỆM HƯ VÔ THỰC SỰ
Nhà văn
tên thật Huỳnh Thanh
Tâm sinh 1940 tại Bình Dương. Sống ở Mỹ (2010).
Trước 75 dạy Triết và viết
báo, sáng tác, dịch thuật, từng ra ứng cử Quốc hội ở miền Nam. Sau 75 vẫn
ở lại TPHCM không theo gia đình ra nước ngoài.
Từ đó sống đời quên lãng lang
thang quán xá bầu bạn với giới văn nghệ trẻ đàn em say sưa quên đời.
Bấy giờ
mới đích thực được sống “kinh nghiệm hư vô” như nhan đề một cuốn tiểu
luận đã
viết những năm 60 – “Văn chương và kinh nghiệm hư vô” – lúc ấy vốn mới
chỉ là
một mớ kinh nghiệm lý thuyết ảnh hưởng văn chương viễn mơ phương Tây.
Bất ngờ đến thời đổi mới được
“khôi phục” lại vị trí nhà văn cũ uy tín, bắt đầu dịch và in lại một số
tác
phẩm văn học Pháp. Thế là được cả chính phủ Pháp công nhận là một
chuyên gia về
văn hóa Pháp, được mời đi nghiên cứu dịch thuật ở Pháp.
Mãi đến năm 2002 mới chịu qua
Mỹ đoàn tụ với gia đình song vẫn thường xuyên về nước đi tìm lại dư âm
của bao
thời dâu bể đã qua. Với một quan điểm độc lập: “Tôi xin khẳng định một
điều là
cho dù tôi có sống ở Mỹ một vài năm nay hay trong suốt phần đời còn lại
của
cuộc đời thì tôi cũng khó hội nhập được vào nước Mỹ! Tôi không bao giờ
là một
nhà văn lưu vong. Tôi đã và vẫn sẽ là một người VN… Tôi nghĩ trong khi
chờ đợi
làm nhà văn thì hãy làm người đã. Điều đó cũng có ích cho xã hội.”
Cao Huy Khanh
Tên
thật của HPA là Huỳnh Thành
Tâm.
Sau 75 vẫn ở lại TPHCM
không
theo gia đình ra nước ngoài.
CHK
Không đúng. Sau 1975, HPA
thực tình tin tưởng vào nhà nước mới, thực sự cộng tác, sáng tác.
Gia đình, vợ con vượt biển,
gặp nạn, người sống, người chết.
Qua Mỹ là do cô con gái bảo lãnh.
NQT
*
Nhân nói đến chi tiết, tài
quan sát của nhà văn, và nhân đang đọc về Camus, nhân kỷ niệm 50 năm
ông đi, Gấu
vớ được bài viết của Simon Leys, trong mục
do ông phụ trách trên Le Magazine Littéraire, Mai 2006, đặc biệt về
Camus.
Informations saugrenues [Những
chuyện kỳ cục quái quái]: Từ những chiếc quần lót của Lỗ Tấn tới chứng
say sóng
[mal de mer] của Conrad.
Leys mở
ra bài viết bằng một ‘giai
thoại’: Trong lần gặp vua Phổ, Napoléon chăm chú nhìn cái quần dài của
nhà vua,
và sau cùng lên tiếng, “Thưa Ngài, Ngài ngày nào cũng phải cài tất cả
những nút
quần? Nhưng, xin lỗi tính tò mò của tôi, Ngài cài chúng, từ trên xuống
dưới,
hay từ dưới lên trên?”
Giai thoại tuyệt vời này, giữa
hai đấng vương giả, được lưu giữ trong Hồi
Ký của Louise de Prusse. Claudel chôm một lần, trong Nhật
Ký của ông. Và bây giờ đến lượt tôi [Leys]. Chính ba thứ giai
thoại kỳ cục này làm nên nét quyến rũ của
Nhật Ký của Claudel.
Sau đó, Leys nhắc tới Orwell,
ông này thú nhận: Tôi không thể, không muốn, và chẳng bao giờ từ bỏ cái
nhìn thế
giới mà tôi có được hồi trẻ thơ. Khi mà tôi còn sống là tôi còn mê bề
mặt của
trái đất [la surface de la terre], mê cú đụng chạm, sờ mó lên những đồ
vật cứng
[chérir le contact des objets solides], và chẳng bao giờ bỏ đi cái thú
sưu tầm
những thông tin kỳ cục.
Tôi, Leys. rất chia sẻ với cái
thú thu gom chuyện quái. Đã từ lâu, tôi mơ viết một cuốn về Lỗ Tấn, nhà
văn uyên
nguyên nhất của những nhà văn TQ thế kỷ 20, và trong vòng mười lăm năm,
tôi thu
lưọm được cả một mớ những câu chuyện đủ loại về ông ta….
Một bài viết thật quái. Dưới
entry “Bêtiser”, ông viết: Trong những điều cà chớn, sotties, nói về
Conrad, tôi
thật buồn phải nhắc tới hai tác giả đáng yêu.
Orwell phán: “Trong những dấu
hiệu thật chắc chắn về thiên tài của Conrad, là phụ nữ không mê đọc
ông”. Ở đây,
theo Leys, Orwell muốn nói tới tính ghét đàn bà, ghét hôn nhân của
chính ông
ta.
Nabokov: “Conrad là nhà văn của
đám hướng đạo sinh, boys-scouts”
Leys giải thích, sự thù nghịch
của Nabokov không mắc mớ đến văn chương, mà là do chính trị. Ông của
ông,
Dimitri, bị Sa Hoàng ra lệnh đàn áp sự nổi dậy của những người Ba Lan,
vào năm
1862, còn ông bố của Conrad lại là một trong những thủ lĩnh của đám nổi
loạn. Gần
như toàn thể gia đình Conrad bị tàn sát trong vụ này. Tuy không dám thú
nhận thẳng
ra, nhưng chẳng bao giờ Nabokov tha thứ cho Conrad, về cái chuyện đã
tiên tri
ra được “Cái Ác Niên Xô” [Sans pouvoir l’avouer, ce que Nabokov ne
pardonne pas
à Conrad, c’est sa dénonciation prophétique (et passionnément
européenne) de la
barbarie russe.] (1)
Ui chao, thảo nào đám Bắc Kít
thù Gấu.
Thảo nào Gấu mặt dầy xin cắp rổ theo hầu Sến Cô Nương, vẫn bị đuổi ra
khỏi 'Chợ Cá!’
Hà, hà!
Conrad, Ba Lan. Còn
mi, cũng Bắc Kít. Sao giống nhau?
Cả một miền đất ruột
thịt, gia đình
Conrad làm sao so được?
(1)
Joseph Conrad, sống 17 năm
tại Ba-lan, và tại Russia, lưu vong cùng với gia đình. 50 năm còn lại,
ở Anh,
hay trên những con tầu Anh. Đương nhiên, ông viết văn bằng tiếng Anh,
về đề tài
Anh. Ông bị dị ứng, khi đụng phải những gì có "mùi Nga": dấu vết
Ba-lan độc nhất ở nơi ông. Tội nghiệp Gide, không thể hiểu tại sao
Conrad
"không thiện cảm" với Dostoevsky.
Mùa Thu
Gấu có
nhiều kỷ niệm thật tuyệt
về Dương Văn Ba. Từ từ kể.
Gấu về
lại Sài Gòn, gặp ông bạn
quí, được ông đưa đi gặp DVB, khi đó làm chủ một nhà hàng khiêu vũ nổi
tiếng,
khu Nguyễn Thông. Đại ca Ba [hồi làm Mã Thượng, tụi này thường gọi anh
bằng cái
nick Ba Bù Long, Gấu không dám phiên âm tiếp, cái từ Bù Long này, do bị
cấm dùng
từ thô tục!], lúc này có rất nhiều đệ tử, em út. Gấu nài nỉ, chia cho
thằng bạn
ngày nào một em đi. Mà em nào thật ngon, còn zin thì càng tốt! Ba Bù
Long bật cười,
chỉ một em đẹp ơi là đẹp, ghé tai cho biết giá cả, Gấu quay qua em, xin
cái hẹn…
Thôi, không dám kể tiếp.
Có
mấy Nguyễn Quốc Trụ?
Câu
hỏi này, Gấu cũng thường đặt ra cho mình, và mường tượng ra được câu
trả lời, lần
chạy trốn quê hương, từ thành phố Parksé, Lào, vượt sông Mekong, qua
trạm kiểm
soát Thái bằng giấy tờ dởm, tên Lào, khi, ngồi trên chiếc xe buýt chạy
suốt đêm
từ biên giới, tới thủ đô Bangkok thì tờ mờ sáng, coi cuốn phim Nhật,
thuật đời
đời, kiếp kiếp của một kiếm sĩ, kiếp đầu làm vệ sĩ cho hoàng hậu, và
khi bà này
cởi chiếc… giầy ném cho anh vệ sĩ, chưa kịp trút xiêm y trầm mình xuống
bể tắm,
thì mối tình cuồng điên của cả hai bắt đầu, bắt đầu, kiếp nào cũng chỉ
có bắt đầu,
không hề có kết thúc.
Nhà
vua sai
chôn sống anh chàng
vệ sĩ, chôn đứng, bằng cách đắp bùn phủ kín anh
ta. Bức tượng bùn cứ đắm chìm trong cơn ru mãi ngàn năm, và chỉ tỉnh
giấc, lớp
bùn chỉ vỡ ra, khi chiếc giầy của hoàng hậu ném tới. Trong mỗi kiếp,
anh vệ sĩ,
bà hoàng hậu xuất hiện, qua những nhân vật này nọ, và họ nhận ra nhau,
khi chiếc
giầy xuất hiện, cũng qua những hình ảnh này nọ, có kiếp, chiếc giầy
biến thành
cái xú chiêng của cô con gái, như trong một truyện ngắn của TTT.
*
Đọc Liêu Trai, gặp một truyện tương tự, Gấu suy ra, con người, có rất
nhiều kiếp,
và trong mỗi kiếp, có một việc, gì đó, từ kiếp trước nữa, được lập lại,
và anh
chàng, cô nàng, trầm luân trong vòng luân hồi, như thế, chỉ thoát, chỉ
ngộ, khi
tìm ra được câu trả lời và hành động đúng theo, thì giải được
‘nan đề’, ‘nạn
đề’, hóa giải lời trù ẻo, lời nguyền, cho từng kiếp nhân sinh!
*
Trong Liêu Trai, là câu chuyện một anh chàng có vợ chồn, một bữa được
dự tiệc
cùng mấy cô bạn gái, chồn, của vợ, trong đám có Cô Chín, đẹp tuyệt vời,
anh
chàng tìm cách thả dê, giả đò đánh rớt chiếc ‘đũa cả’, cúi xuống lấy,
và, vừa
mò được bàn tay người đẹp, thì… tan tiệc.
Tiếc hùi hụi, đêm nằm gãi sồn sột, cô vợ thương hại, an ủi, hay là để
tui năn nỉ
cô ta giùm anh, về cùng chung một nhà cho có chị có em! (1)
Sự thực, như trong truyện, cô
vợ chồn nói, số kiếp của anh, nhân duyên của anh,
với Cô Chín chỉ có vậy. Đừng cố cưỡng.
Ngạc nhiên, hỏi, cô vợ chồn nói, kiếp trước, anh là học trò nghèo,
tương tư đến
ngắc ngoải, cô con gái một điền chủ, kiêm chủ nhà máy cưa, nhà máy xay
lúa gì
đó, tiền kiếp của Cô Chín. Trước khi chết, chỉ xin hửi bàn tay người
đẹp, rồi
đi. Cô gái thương tình, cho người mang đến chiếc xú chiêng, hay bikini,
hay
hàng có gân, nhưng hàng vừa tới, chưa kịp hửi, thì đã lìa đời.
Nhân duyên kiếp này, chỉ là hoàn tất lời nguyện của kiếp trước, nghĩa
là chỉ được
hửi thôi, cố cưỡng là mang họa.
*
Trong
Thất Hiền, tức 7 anh em
bạn thời còn đi học trong có C, ông em trai nhà thơ, Gấu thân nhất với
Phạm
Năng Cẩn, và, tất nhiên, có rất nhiều kỷ niệm lên xóm với anh.
Gấu có nick Trâu Nước, do anh ban cho, nói vậy là các bạn đủ hiểu!
Trong Chuyện
hai thành phố, trong “Những ngày ở Sài Gòn”, xb tại Sài Gòn, trước
1975,
Gấu có nhắc tới một cô bạn cùng học của PNC, vẫn thường nhét tiền vô
tập của
anh, vào những ngày phải đóng học phí, vì hồi đó Cẩn sống nhờ ông anh
ruột.
Sau anh bỏ học, nhờ bà cụ C. nói với bà bạn, bà Th. chồng làm hỏa xa,
xin chân
thư ký ga Long Khánh. Rồi anh cũng bỏ nghề thư ký, làm chân thông dịch
viên cho
Mẽo, làm việc mãi tít Pleiku, hình như vậy, cuối tuần đi máy bay, chắc
máy bay
quân sự của Mẽo, về Sài Gòn, hoặc cùng Gấu đi coi một phim mới, hoặc
kéo nhau
vô Chợ Lớn, kiếm một cái phòng, hai thằng quần một em, thường là vậy.
Những ngày bà cụ C bị bịnh, nhà thơ phải về Sài Gòn săn sóc, rồi tới
lượt ông
em về thay ông anh, bạn C có gặp Cẩn, và anh nhờ nhắn, mày nói với
thằng Gấu,
tao cám ơn nó viết về tao, nhưng thật chán quá, tao có một kỷ niệm thật
là
tuyệt vời về cô bạn, nó biết rất rành, vậy mà nó quên kể ra!
Ui chao quả có thế! Cái kỷ niệm đó thật là thần sầu, trên đời chỉ có
một, của
bạn Cẩn, không thể có cái thứ nhì!
Số là, cô bạn học, sau đó đi lấy chồng, trước khi đi, bèn hẹn gặp bạn
Cẩn lần
chót, tại một căn phòng tại… khách sạn!
Tới, gặp. Cô đứng trước một cái gương, cởi đồ, cho bạn Cẩn chiêm
ngưỡng, qua gương,
cái kho tàng tuyệt vời mà suốt đời Cẩn mơ tưởng…
Hưởng
hương hưởng hoa như vậy, là cũng đủ nhớ nhau đời
đời rồi!
Thời
gian Gấu được ông thầy
Nguyễn văn Điều, tổng giám đốc Bưu Điện cho nhà, thì Gấu còn độc thân.
Cho là
cho hai tên đực rựa, Gấu và tay Nhung, cũng cán sự Bưu Điện, để sẵn
sàng
túc trực
lo mấy mạch viễn ấn của AP, UPI, AFP…
Sau khi ông Diệm bị làm thịt,
đám báo chí ngoại quốc đổ xô vô Việt Nam,
đòi
có mạch trực tiếp đánh tin đi từ văn phòng của họ.
Tay Nhung bảo Gấu, tao cần nhà
làm cái gì, cho mày luôn, rồi lo luôn cái đài, tao chuồn về bên quốc
nội.
Đó thời gian Gấu biến căn nhà
của mình thành sòng bài! Trong số khách ghé thăm có Cao Bồi.
Nhiều lắm,
nào
Cung Trầm Tưởng, nào Trần Lê Nguyễn… Có cả Mai Thảo nữa.
Ông tới một
lần, sau
không tới nữa, hỏi tại sao, ông giơ cả hai tay lên trời phán, ăn tiền
của thằng
cha Gấu thấy tội quá!
Nhớ, lần được NDT kéo đi dự tiệc
tại một nhà hàng nổi tiếng ở khu Chợ Cũ, do Lưu Kim Cương khoản đãi,
không biết
tay nào giới thiệu Gấu, một tay chơi xì phé có hạng, ông cười, hỏi,
“mòng” hả?
Gấu, “mòng” nổi tiếng đến độ ông
anh rể Hiếu Chân cũng nghe danh. Một bữa gặp, ông bảo, bữa trước tao
gặp ông bạn nhạc sĩ Phạm Đình
Chương, ông ta nói, ông có ông em nổi tiếng khắp Sài Gòn, tao hỏi lại,
nổi tiếng là sao, ông ta nói,
nổi tiếng hào hoa phong nhã, chuyên mang tiền đến nộp cho các đại gia
xì phé!
*
In the mid
1960s, I opened the UPI picture bureau in Saigon.
Vào giữa thập
niên 1960, tôi khai trương
văn phòng hình ảnh của UPI tại Sài Gòn
Dirck Halstead
Dirck
là ông Sếp đầu tiên của
Gấu.
Nhưng có Gấu, như là một UPI radiophoto operator, rồi mới có Sếp của
Gấu!
Sự tình là, khi AP mướn ông Hưng làm người chuyển hình, Nguyễn Thành
Tài, một
nhiếp ảnh viên của UPI bèn giới thiệu Gấu, hiện đang làm việc tại Đài,
cho UPI.
Chừng một, hai tháng sau, Dirck mới từ Mẽo qua, lúc đó mới có văn phòng
hình
ảnh, với anh là trưởng phòng.
Dirck đến Sài Gòn liền sau khi Việt Cộng pháo kích sân bay quân sự Biên
Hoà,
cùng lúc hề Bope Hope tới Việt Nam với bộ sậu tài tử của anh, thực hiện
những
show biểu diễn cho lính Mẽo thưởng thức trong dịp Noel, hình như vậy.
Trong khi
Gấu gửi hình những hố pháo kích trên phi đạo, Bope Hope khen, ui chao
làm sân
golf thì thật tuyệt.
Chỉ đến khi Tướng Râu Kẽm trở về Việt Nam thì lời phán của anh hề
Mẽo mới
trở thành hiện thực
Số
Văn này,
in truyện ngắn Kiếp
Khác,
ấn bản đầu tiên, sau sửa lại, in trong tập truyện
Những Ngày Ở Sài Gòn, sau ra hải ngoại, sửa tiếp,
viết thêm ấn bản thứ
nhì, đăng trên một tờ báo địa phương tại Canada, [nhờ nó, có cái kỷ
niệm vui nhất
trong đời viết văn (1)], sau in
trên net TV
Note:
Cái
quảng cáo "Những
ngày ở Sài Gòn" trên Văn số 161, chuyên đề "Thi sĩ Quách Tấn",
1970
Truyện
"Kiếp khác"
trên Văn số 135, [1969], "tuyển tập văn mới".
*
Tks
again. NQT
9.3.2010
*
1965:
Ăn mìn VC tại Mỹ Cảnh
1967: Thằng em trai tử trận tại Sóc Trăng
1968: Mậu Thân
1969: Viết Kiếp Khác.
Như vậy cô bạn bye bye Gấu đi lấy chồng chắc là cùng năm 1969!
(1)
Gấu gặp lại cô
bạn ngày nào [cô bạn của Cõi Khác], tại xứ lạnh, nhờ vậy mà làm
được mấy
bài thơ. Trước Gấu cứ nghĩ, mình chẳng bao giờ làm được thơ, và khi làm
được
mấy bài thơ, thú quá, và cứ tưởng tượng ra bộ mặt ngạc nhiên của ông
anh, khi
ông nghe Gấu huênh hoang tuyên bố, sẽ viết về thơ của ông, cho số Văn
đặc biệt
dành cho ông.
Mấy bài thơ, sau được in trong tập Lần Cuối Sài Gòn. Khi đó,
không có
địa chỉ của ông anh, phải nhờ một người quen vẫn thường liên lạc với
ông chuyển
giùm.
Qua cô bạn, và có thể, vì cô bạn, nhưng đúng ra, vì quá chán văn
chương, Gấu
bèn học, thi, lấy cái bằng bán bảo hiểm nhân thọ, và phải mặc còm lê,
thắt cà
vạt, chụp cái hình, đi vài đường quảng cáo trên báo địa phương, kèm địa
chỉ, số
điện thoại, và, để kiếm khách, đăng kèm bài viết [tưởng đã thoát, không
phải
viết nữa]
Cô bé sinh viên Bắc Kít đọc Gấu, từ những tờ báo đó, và cũng có số điện
thoại
của Gấu, là do vậy. Thời gian đó, Gấu chưa viết cho báo Cali.
*
Thế rồi bữa đó, cô bé gọi cho Gấu.
Cô nói, cô đọc Gấu. Gấu cũng chẳng hỏi đọc ở đâu, nhưng liền đó, cô nói
giọng
thủ thỉ, đúng cái giọng cô con gái con ông chủ nhà xuất bản, trong
Eva,
người duyệt bản thảo của anh chàng đạo văn [Đọc một cái là rụng rời
chân tay,
“đây rồi, chàng đây rồi, đúng là chàng rồi."], nhưng khác một chút,
trong
giọng thủ thỉ của cô bé, là ước mơ trở thành nhà văn, chứ không phải
trở thành
người yêu của Gấu nhà văn, "ôi chao, làm sao, làm thế nào, ước gì cháu
viết
được như thế, chú viết đúng như là cháu tưởng tượng ra, cháu sẽ viết
như thế…"
Gấu sướng mê tơi, nhưng chợt giật mình, hỏng rồi, hỏng rồi, có cái gì
ngài ngại
ở đây, phải coi chừng, coi chừng…
Vào thời gian đó, có cái trò, mấy bà mượn một cô nào đó, gọi điện
thoại, tán
tỉnh ông chồng của mình, và sau đó, chọc quê đấng lang quân cứ tuởng bở.
Và khi cô bé nói, nhà cô không có điện thoại, phải mượn điện thoại nhà
cô bạn
gọi cho Gấu, Gấu bèn nói, cô có số điện thoại của Gấu, có biết địa chỉ
của Gấu,
bữa nào rảnh, ghé thăm vợ chồng Gấu.
Nghe nhắc đến Gấu Cái, cô bé cúp điện thoại.
Kỷ niệm đẹp nhất trong đời viết văn của Gấu chỉ có vậy.
Rất nhiều đêm, Gấu vẫn được nghe giọng thủ thỉ của cô bé, tiếp tục câu
chuyện
dang dở ngày nào.
Giọng Bắc Kít. Đúng giọng Cô Hồng Con của Gấu. Đúng giọng Bông Hồng Đen
của
Gấu. Đúng giọng tất cả những cô gái Bắc Kít quê hương ngày nào của Gấu.
Sau này, Gấu đoán, có thể cô bé đọc Cõi Khác,
hoặc Ký Ức Còn Mãi. Thời gian đó, Gấu cho đăng, chỉ có hai
truyện đó,
đều viết về cô bạn, nhân gặp lại nơi xứ lạnh, mà viết được, và còn đẻ
ra được
thêm một dúm thơ.
Tất cả là nhờ cô bạn.
Nhờ cô ra lệnh, đọc vậy đủ rồi, viết đi.
Kỷ niệm
V/v
Thuyền Viễn Xứ
PD cho biết:
Trước khi gần một triệu người
sẽ di cư vào miền Nam và ai cũng sẽ đều nhớ tới cảnh vật, sự việc và
con người
của thôn quê miền Bắc, tôi làm quen với một cô em bán vải ở Chợ Bến
Thành tên
là Huyền Chi. Cô ''Bắc Kỳ nho nhỏ'' này có một bài thơ nhớ quê hương cũ
nhan đề
THUYỀN VIỄN XỨ và đưa cho tôi phổ nhạc...
Nhưng
NQT tôi mò net, ra đoạn
sau đây:
Thơ
Huyền Chi [lục bát]
Lên khơi sương khói một chiều
Thùy dương rũ [hay rủ ?] bóng
tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng
giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà Giang
Một lần giạt bến qua ngàn lau
thưa
Hò ơi tiếng hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa
xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước tiếng đời
hoang mang
...
Chiều nay trên bến muôn
phương
Có thuyền viễn xứ lên đường
lại đi
Oh thì
ra bài này cũng là phổ
nhạc chứ không phải của chính Phạm Duy..... hình như mấy băng dĩa không
có ghi
là phổ thơ từ ai. Anyway bài này là 1 trong những bài rất hay. Tên tuổi
của Lệ
Thu cũng gắn liền với bài hát này.
HS
Bài thơ
này, theo Gấu, một cô
“Bắc Kỳ nho nhỏ” không thể làm được. Gấu quan tâm đến nó, vì chi tiết
Đà giang,
ngay lần đầu nghe hát. Sau gặp lại nó trong Trại Cải Tạo.
Nhà thơ người Nga Joseph
Brodsky, trong
bài Chiến Lợi Phẩm, viết về những kỷ niệm ấu thời của ông trong
thành phố
St. Petersburg, đã nhắc đến tiếng hú của người rừng Tarzan, và khẳng
định một
điều, vào những năm đầu thập niên 1950, loạt phim Tarzan đã 'đọc bài ai
điếu cho chủ nghĩa Stalin' (de-Stalinization), còn hơn tất cả những bài
diễn
văn của Khrushchev ở Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên xô, và
sau đó.
Ông viết:
“Nhưng chiến lợi phẩm vĩ đại nhất, lẽ dĩ nhiên, là phim! Nhiều lắm, hầu
hết là phim
Hô ly út thời trước chiến tranh… Đèn [trong rạp] mờ đi. Và trên màn ảnh
hiện ra
dòng chữ 'Phim này tịch thu được, như là chiến tích, war trophy, trong
cuộc
chiến đấu lớn lao bảo vệ đất mẹ', và sau đó, khởi chiếu phim."
Gấu
này vẫn tự hỏi, trong những chiến lợi phẩm 30 Tháng
Tư, liệu có thứ nào có tác dụng "bảnh" như trên [như tiếng hú của
người rừng Tác Dăng Nổi Giận], đối với Miền Bắc?
Có lẽ không phải phim, mà là sách.
Có vẻ như sách Miền Nam,
giống như con chim phượng hoàng, đã tái sinh từ tro than của cuộc phần
thư ngày
nào.
Chứng cớ: Số báo Văn có truyện ngắn trứ danh của Gấu!
Mới được một anh bạn trong nước gửi cho!
Hà, hà!
Một ông bạn văn VC của Gấu đã cho biết, ông đọc Gấu từ trước 1975, trên
con
đường xẻ dọc Trường Sơn, bị sốt rét, bị bỏ lại giữa rừng núi Tây
Nguyên, và giữa
những con sốt rét, đã khám phá ra Những
Ngày Ở Sài Gòn!
*
Đọc lại truyện ngắn Kiếp
Khác, bản ‘zin’, so với bản trong tập truyện ngắn Những Ngày Ở
Sài
Gòn, 1970, đã quá khác, rồi so với bản in trên net, kèm cái ấn bản
thứ nhì,
viết khi gặp lại cô bạn, lại càng khác.
Trong bản dzin, dấu vết thuổng Faulkner quá rõ, nhất là sự lạm dụng
ngoặc đơn.
Gấu sẽ scan, đoạn văn trong Absalon, Absalon!, của Faulkner, từ
đó phát
sinh ra Gấu Nhà Văn, và sau đó, sẽ đi một đường, để "hoành dương" một
chân lý: Không có ăn cắp, không có đạo văn, là đếch có văn chương!
Những thí dụ dùng để minh họa, sẽ là một số trường hợp xuất hiện của
một số nhà
văn Miền Nam
như DNM, NDT so với TTT, chủ nghĩa hiện sinh ảnh hưởng như thế nào đối
với văn
học Miền Nam, và sau đó, sẽ làm một đường kết luận, tại làm sao mà hậu
hiện đại
chẳng đẻ ra một tác phẩm nào, như văn học đưong đại cho thấy.
Số Văn này,
in truyện ngắn Kiếp
Khác,
ấn bản đầu tiên, sau sửa lại, in trong tập truyện
Những Ngày Ở Sài Gòn, sau ra hải ngoại, sửa tiếp,
viết thêm ấn bản thứ
nhì, đăng trên một tờ báo địa phương tại Canada, [nhờ nó, có cái kỷ
niệm vui nhất
trong đời viết văn (1)], sau in trên net TV
PASTERNAK
AUTOBIOGRAPHIQUE
PAR HÉLÈNE HENRY
Tout sera là: ma
propre histoire
Et ce qui vit encore en moi,
Tous mes élans et mes amarres,
Ce que j'ai vu, ce que je vois.
«Les Vagues
", Seconde naissance, 1932
Pour être
conséquent, il faudrait parler, dans cette suite d'années et de
circonstances,
de gens et de destinées que réunit le cadre de la révolution. [ ... ]
II
faudrait [les] décrire de telle façon que le cœur se serre et que les
cheveux
se dressent sur la tête. Postface à Hommes et positions, 1957
Phải viết làm
sao cho trái tim quặn xoắn lại, và tóc thì dựng đứng hết cả lên!
*
Ui chao làm sao viết được như thế, về quê hương, những ngày sau 1975?
Những ngày ở Phạm văn Cội, Củ Chi?
Những ngày ở Đỗ Hòa, Nhà Bè?
Tout sera là: ma
propre histoire
Et ce qui vit encore en moi,
Tất cả câu chuyện của riêng Gấu,
Vẫn còn sống trong Gấu.
NQT
*
As a theme,
death is a good litmus test for a poet's ethics. The "in memoriam"
genre is frequently used to excercise self-pity or for metaphysical
trips that
denote the subconscious superiority of survivor over victim, of
majority (of
the alive) over minority (of the dead). Akhmatova would have none of
that. She
particularizes her fallen instead of generalizing about them since she
writes
for a minority with which it's easier for her to identify in any case.
She
simply continues to treat them as individuals whom she knew and who she
senses
wouldn't like to be used as the point of departure for no matter how
spectacular a destination.
Joseph Brodsky: Anna Akhmatova
Poems' Introduction.
[Như một đề tài,
cái chết đúng là một thứ lửa thử vàng, vàng ở đây là đạo hạnh của một
nhà
thơ.... Cái giọng 'tưởng niệm' rất dễ có mùi trên cao gió lộng (1) của
kẻ sống
sót ngó xuống cõi tối tăm mịt mùng của kẻ nạn nhân, của đa số người
sống đối
với thiểu số ngưòi chết...]
(1) Cái tít Trên Cao Gió
Lộng cũng đã từng được dùng, để dịch Wuthering
Heights [Mỏm Gió Hú], của Emily Bronte, từ cái thời còn Tây, trên
tuần báo
Tiểu Thuyết Thứ Bẩy. NQT
*
Ui chao lại nhớ BHD, khổ thế.
Nhớ cái lần,
sau khi ăn hai trái mìn của VC mà không chết, cảm thấy mình chẳng xứng
đáng một
tí nào so với những giọt nước mắt của em nhỏ xuống vì mình.
Ông bạn quí của Gấu đọc,
nhìn Gấu với cặp mắt quái dị, mi có điên không đấy!
Đêm thứ nhì sau vụ mìn nổ, khi
chàng tỉnh táo, nhận ra những khuôn
mặt thân thương trong gia đình, chàng cố gắng cất tiếng nói nhưng không
thể, và
chàng cảm thấy thật rõ ràng một điều, chàng sẽ chết trong đêm, và trước
khi chết,
chàng sẽ được gặp nàng lần cuối cùng. Trước khi chết, chàng sẽ còn đủ
thì giờ để
nói với nàng, rằng chàng yêu nàng vô cùng, và tình yêu đó chẳng liên
can gì đến
đời sống hoặc cái chết, rằng nó phải như vậy, nếu không đã chẳng thể
nào có
nàng và chàng ở trên đời, và điều chàng ân hận, là chàng đã yêu nàng
nhiều quá,
như một lần chàng đã viết, "Chúng ta không sợ chúng ta không yêu thương
nhau mà chỉ sợ chúng ta yêu thương nhau nhiều quá." Chàng cảm thấy đời
chàng sẽ kết thúc như vậy, và chẳng thể nào khác.
Sáng
sớm hôm sau, khi chàng nhận thấy đã chống cự nổi, và thắng cả thần
chết, đã lừa
dối được định mệnh, đồng thời chàng cũng nhận ra một sự thật thảm
thương, là sự
sống sót của chàng như có một điều chi bất thường, giống như một nốt
nhạc sai, dư,
thừa, bất toàn, một giọng hát lạc giữa một bài ca, sự sống sót của
chàng là một
điều xúc phạm tới tình yêu thiêng liêng: Chàng vẫn sống và nàng đã
chẳng tới được
nhà thương đêm đó.
Trong khi lần hồi sống lại,
trong những lần nàng vào nhà thương
Grall thăm chàng, nghe nàng kể chuyện, khi được tin, nàng đã khóc và
không dám
giụi mắt, vì sợ mắt sẽ đỏ, và người trong nhà sẽ biết. Chàng nghe kể
lại, vừa cảm
động vừa hổ thẹn....
Khu
Rừng Trong Đêm
*
Về già,
gẫm lại, mới giật mình:
Giả như đêm đó, BHD trốn được ông via khắc nghiệt, ghé nhà thương
Grall, thì đâu
còn anh cu Gấu!
*
It seems that
the voice we humans own
Will never sound, never celebrate,
Only a wind from the age of stone
Keeps on knocking at the black gate.
And it seems to me that under the sun
I alone remain-this honor's mine,
Simply because I was the first
Who wanted to drink the deadly wine.
1917
Akhmatova
Có vẻ như cái thứ tiếng
người mà chúng ta có đó
Nó sẽ chẳng bao giờ kêu lên
Chẳng bao giờ ăn mừng
Chỉ là tiếng gió từ thời kỳ đồ đá
Liên tục gõ lên chiếc cổng đen
Và hình như chỉ còn tôi, đơn độc dưới ánh mặt trời
Và đây là niềm vinh quang của tôi
Giản dị, ấy là vì tôi là người đầu tiên
Muốn uống ly rượu độc
Plus heureux que
moi, vous vous êtes résignés à notre poussière natale.
Hạnh phúc hơn ta, tụi mi đành ôm mớ bụi quê hương.
Vous avez, en outre , la faculté de supporter tous les régimes, y
compris les
plus rigides.
Ngoài ra, tụi mi có tài, chế độ nào cũng bợ đít được hết, ngay cả thứ
khốn kiếp
nhất.
Ciroran: Sur deux types de société [Về hai thứ xã hội]
trong Histoire et Utopie [Lịch sử và Không tưởng]
*
"Cái phần đẹp nhất của tôi, thì đã ở đó rồi: Thơ Của Tôi."
Joseph Brodsky
[Cái phần đẹp nhất của Gấu, thì đã ở đó rồi: Những Ngày Ở Sài Gòn].
*
"A real 'wasteland' is much more terrible than any imaginary one".
Czeslaw Milosz: A Treatise on Poetry
Một "hoang địa" thật, thì khủng khiếp hơn bất cứ một hoang địa tưởng
tượng nào.
*
L’individu ne vit pas une tragédie en perdant sa culture d’origine à
condition
qu’il en acquière une autre; c’est d’avoir une langue qui est
constitutuif de
notre humanité, non d’avoir une telle langue.
[Tạm dịch: Cá nhân không sống bi kịch, khi mất văn hóa gốc, nếu có được
một văn
hóa khác. Có được một tiếng nói khác, để tiếp tục làm người]
Todorov: Kẻ Bán Xới [L’homme dépaysé]
*
Tzvetan Todorov gốc Bulgarie. Ông kể chuyện những ngày đầu bỏ chạy quê
hương,
qua Pháp: Tôi tìm đủ mọi cách để hội nhập tối đa. Chỉ nói tiếng Tây,
tránh hết
mọi bạn quí cũ, đồng hương, đồng bào, tôi có thể nhắm mắt, mà vẫn nhận
ra đủ
thứ mùi rượu vang, đủ thứ phó mát khác nhau, của Tây, tôi mê toàn Đầm…
cuối
cùng, có một thằng Bulgarie mất đi, và thêm một thằng Pháp, nhân loại
thì vẫn
vậy: il y aurait eu à là fin de l’opération, un Bulgare de moins et un
Francais
de plus. La solde aurait été nul, sans perte ni gain pour l’humanité….
Cái phần đẹp
nhất của tôi, thì đã ở đó rồi: Thơ của tôi.
Joseph Brodsky
Cái phần đẹp nhất của Gấu, thì đã ở đó
rồi: "Những Ngày Ở Sài Gòn"
Va, petit
livre, et choisis ton monde.
Topffer
Hãy lên đường, cuốn sách nhỏ bé, và chọn lựa cái thế giới của mày
Note: Cái bìa, nguyên là một bức tranh của Nguyễn Đồng. Bọn lái sách
thay bằng
hình Chợ Sài Gòn.
Bìa sau, Gấu nhớ, có một câu thật trứ danh, do Gấu sáng tác:
Những rung động của một tuổi trẻ, của một thành phố, hay chỉ là những
rung động
của những chữ.
|