*
Notes

















Nhật Ký Tin Văn

Việt Tide: Bà là người có nhan sắc, có trí tuệ và rất hóm hỉnh...
Dương Thu Hương: ...(cười) À thế à!
Việt Tide: ...và từng tan vỡ gia đình; hiện sống một mình tại Hà Nội, bà có tránh khỏi bị cám dỗ không?
Dương Thu Hương: (thở dài, cười) Nói ra điều này thì nghe rất kỳ cục. Làm gì có điều gì cám dỗ đối với tôi. Chả có gì cám dỗ đối với tôi cả. Cám dỗ lớn nhất đối với tôi là những tư tưởng mà tôi thường suy nghĩ. Tôi thích nhất là ngồi uống cà phê một mình và trước mặt không có ai cả.

Note: Một độc giả TV, đọc mẩu trên, tâm đắc, đồng cảm…  với DTH, gửi bài này.

Re: Kierkegaard
Friday, November 20, 2009 4:27 AM
Bai nay tuyet qua di, toi thich lam... trong bai nay co kho^i tu tuong de khai thac va viet rat hay...
Tac gia Rolheiser thi sa^u sa+c qua mu+c sau sa+c!

Gởi bác Gấu bài Cultivating Loneliness nhé... người phàm tục như tôi phải chờ tan vỡ “mộng” mới quý cô đơn. Người thấy xa, thấy sâu như Kierkegaard thì quý cô đơn ngay từ đầu đời.

Viết đàng hoàng đi...
Độc giả TV

Tks. NQT
*

Nuôi dưỡng tâm hồn cô tịch

18-06-2006
Trong những thế kỷ gần đây, ít ai chạm đến cõi lòng con người một cách sâu xa như triết gia Đan-mạch, Soren Kierkegaard. Có nhiều lý do, một số rõ nét và một số không rõ nét. Rất nhiều người công nhận Kierkegaard là một người thông minh hiếm có
Tuy nhiên lý do chính Kierkegaard có thể chạm đến cõi lòng chúng ta một cách sâu xa và khác thường có lẽ không phải do trí thông minh của ông mà do nỗi đau khổ của chính ông, đặc biệt là nỗi cô đơn. Albert Camus đã từng nói rằng chỉ trong cô độc cô đơn chúng ta mới tìm được mối dây ràng buộc chúng ta lại với nhau trong cộng đoàn. Kierkegaard thấu hiểu điều này và ông đã đi đến tận cùng tâm điểm của nó nên ông nuôi dưỡng một cách tích cực nỗi cô đơn của mình
Khi còn trẻ, ông cũng đã rơi vào lưới tình sâu đậm và, cũng đã có lúc ông dự định kết hôn với một người phụ nữ mà ông yêu say đắm. Tuy nhiên đến một lúc, khi cái giá cảm xúc đối với bản thân mình quá lớn và - (như câu chuyện đời ông đã hé cho thấy) – cái giá cảm xúc đó đối với người phụ nữ kia còn lớn hơn, ông đành từ hôn và quyết định sống độc thân quãng đời còn lại của mình. Lý do của ông là gì?      
Ông cho rằng những gì ông phải cống hiến cho cuộc đời xuất phát nhiều từ nỗi cô đơn của chính mình, và ông chỉ có thể chia sẻ sâu đậm nỗi cô đơn với những người trong cô đơn khi ông cảm nhận được nỗi cô đơn đó. Ông trực cảm, cô đơn sẽ cho ông chiều sâu. Dù quan niệm này có thể đúng hay sai, nhưng ông cho rằng hôn nhân ở phương diện nào đó có thể làm ông chệch hướng hay sao nhãng khỏi chiều sâu đó, dù chiều sâu đó làm cho ông đau khổ.       
Tôi ngờ nhiều người trong chúng ta sẽ cười lập luận của ông. Hôn nhân thì khó là thần dược để trị bệnh cô đơn, và một mình nó, nỗi cô đơn không bảo đảm làm cho tâm hồn có một chiều sâu. Cũng thế, nhiều người trong chúng ta sẽ phê phán điều tưởng chừng là ngụ ý của chuyện này, rằng cách nào đó, về mặt nội tâm, đời sống độc thân cao hơn đời sống hôn nhân, như thể đời sống hôn nhân là chướng ngại cho chiều sâu tâm hồn.       
Tuy nhiên, có một phần nào đó trong tâm hồn chúng ta, trọng tâm huyền bí của chúng ta, mà, tôi ngờ, sẽ hiểu rõ tại sao Kierkegaard làm điều này. Điều Kiergaard hiểu - dĩ nhiên là không hoàn hảo, vì – điều này luôn luôn có phần huyền bí nào đó, - là nối kết giữa nỗi cô đơn và điều huyền bí, nỗi khát khao và tính mật thiết, tình chăn gối.       
Điều này có nghĩa là gì? Bằng cách nào chúng ta nối kết với người khác trong cô đơn, khao khát? Việc chúng ta được nối kết một cách huyền bí với nhau có nghĩa là gì?         
Thánh Tô-ma A-qui-nô đã gợi ý có hai con đường để hợp nhất với một điều gì đó hay một ai, đó là: qua chiếm hữu thực thụ và qua ao ước. Chiếm hữu thực thụ thì dễ hiểu, là tiếp xúc cụ thể, hợp nhất thực sự, nhưng làm sao chúng ta nối kết được với ai hay điều gì qua ao ước?         
Trong cuốn tiểu thuyết đoạt giải Booker, Con đường đói khổ cùng cực (The Famished Road), nhà văn Ben Okri tả một người mẹ Ni-giê-ri-a mắng mỏ đứa con trai quá bất an đã ám ảnh trong giấc mơ của bà: “Bước ra khỏi giấc mơ của mẹ! Đó không phải là chỗ của con! Mẹ đã lấy ba rồi!” Thật là một lời la mắng lạ lùng - rầy la người khác vì họ xuất hiện trong giấc mơ của mình! Nhưng con người huyền bí trong chúng ta hiểu điều này. Trong nỗi bất an và cô đơn, cũng như trong lời cầu nguyện cho nhau, chúng ta thường ám ảnh giấc mơ và tâm trí người khác một cách cũng sâu đậm như khi tiếp xúc qua thân xác.
Hơn thế nữa, khi thấu hiểu nỗi cô đơn của mình, chúng ta sẽ thấu hiểu giấc mơ của người khác. Kierkegaard hiểu điều này và lo ngại rằng nếu hôn nhân gây trở ngại cho nỗi cô đơn của ông thì cũng sẽ gây trở ngại cho khả năng ông đi vào giấc mơ của chúng ta. Dù lập luận của Kierkegaard có thể thiếu sót, chúng ta cũng không thể cãi lẽ với kết quả. Ông thật sự đã đi vào giấc mơ chúng ta và tiếp tục ám ảnh mạnh mẽ tâm thức nhiều người. Lời của ông đã giúp chữa lành, mang lại sức mạnh, đức tin và can đảm cho nhiều người.
Tại sao? Một phần vì nó có tính cách huyền bí và chúng ta cảm nhận nó bằng – trái tim nhiều hơn là bằng trí óc. Có thể hiểu được điều này, dù chỉ một phần: Nỗi cô đơn của chúng ta là phương tiện đặc ân, để qua đó chúng ta đi vào trái tim mình. Lắng nghe nỗi cô đơn của chính mình là cách để chúng ta tiếp xúc tiếp xúc với chính mình. Như cha Henri Noiwen nói, khi thấu hiểu được nỗi khát khao của chúng ta mà ta nhận thấy thì chẳng còn điều gì xa lạ với chúng ta (tầm cao cả, vĩ đại, lòng tham, lòng quảng đại, hụt hẫng, niềm vui, khả năng sát hại, khả năng chết cho người khác, tính ích kỷ, lòng thánh thiện.) Mọi cảm xúc và tiềm năng của con người nằm trong trái tim phức tạp đầy khiếm khuyết của chúng ta. Trong nỗi cô đơn và khao khát, chúng ta bắt đầu nhìn thấy chính mình.
Và khi thấm nhập sâu xa với chính mình thì chúng ta mới thấm nhập được vào người khác. Khi để nỗi cô đơn của chính mình ám ảnh mình thì khi đó chúng ta mới bắt đầu, trong ý nghĩa đẹp nhất của câu này, ám ảnh giấc mơ của nhau. Trong cô đơn và khát khao, lòng cảm thông được sinh ra. Khi không có điều gì xa lạ với mình, thì lúc đó cũng chẳng có ai là xa lạ với mình và lời nói chúng ta sẽ bắt đầu có sức mạnh chữa lành người khác.
Khi được hỏi: “Thi sĩ là ai?” Kierkegaard trả lời: “Thi sĩ là người bất hạnh, người giấu nỗi đau khổ sâu xa trong tâm hồn, nhưng đôi môi được tạo ra để làm sao khi cất lên lời than van hay kêu thét, nó nghe như một bản nhạc hay.”
Cô đơn là những gì làm cho chúng ta trở thành thi sĩ, nhà huyền bí, nghệ sĩ, triết gia, nhạc sĩ, người chữa lành, người thánh thiện.