(ảnh nhà văn Bảo Ninh)
Nhấm nháp tự do khi gặp
lại Bảo Ninh và cuốn tiểu thuyết sắp “ra lò”
Nguyễn Việt
Chiến
Có lẽ phải đến hơn 3 tháng sau khi được trả lại tự
do, tôi mới gặp lại nhà văn Bảo Ninh, bạn đồng niên 1952 thân thuộc và
đã cùng nhau một thời quân ngũ gian lao. Hẹn gặp nhau ở quán “cũ” cuối
phố Phan Đình Phùng (Hà Nội), Bảo Ninh nhắn “Tôi mang một chai rượu
chivas ngon đến, các ông chờ tôi…”. Tôi cùng 2 nhà thơ Nguyễn Bình
Phương và Trần Anh Thái ngồi chờ. Một lúc sau, Bảo Ninh đi taxi đến,
tay ôm khư khư chai rượu ngoại. Tóc anh bạc hết cả rồi mà cuốn tiểu
thuyết mới vẫn chưa viết xong (sau “Nỗi buồn chiến tranh” không hiểu
anh viết về “nỗi buồn” gì đây?).
Có người nói như đinh đóng cột, dạo này Bảo Ninh
“kiêng rượu để viết chuyện” nên không hay la cà với bạn bè. Hôm nay,
anh lại cho phép mình uống rượu chắc vì sự có mặt của tôi chăng? Hình
như thế mà không phải thế. Vì nhìn cách Bảo Ninh nhấm nháp rượu mạnh
một cách sành sỏi như một người Tây uống rượu Scot (cứ phải “lim dim”
nhẩn nha ngửi ngắm khá kỹ trước khi nhấp môi) là đủ hiểu anh ngày nào
cũng phải uống cũng như ngày nào cũng phải viết chục trang tiểu thuyết,
phải không Bảo Ninh?
Cuốn sách mới sắp “ra lò” của anh vẫn đang là một bí
mật không những đối với độc giả mà ngay cả với bạn bè văn chương, Bảo
Ninh cũng không tiết lộ. Không hiểu Bảo Ninh viết những gì trong đó,
nhưng trong cuộc rượu ấy, tôi mang máng hiểu ra đây là cuốn tiểu thuyết
“hậu chiến tranh”. Những người yêu mến văn Bảo Ninh và độc giả thời
hiện đại vẫn đang trông chờ ở anh khá nhiều, nhất là sau cái mốc “Nỗi
buồn chiến tranh” (hay Thân phận của tình yêu) đã gần hai chục năm mà
phải chăng tiểu thuyết đương đại Việt Nam vẫn chưa vượt qua được những
trang viết ấy!?.
Thời
gian trước, tôi và Bảo Ninh thường gặp nhau ở tòa soạn báo Văn Nghệ 17
Trần Quốc Toản, cái chất lính vùng “đất thánh” (chỉ những thanh niên
sinh trưởng, lớn lên ở Hà Nội những năm chiến tranh) trong anh vẫn giữ
nguyên như hơn ba mươi năm về trước, vẫn ngang tàng, kiêu bạc và hào
hoa. Cái chất lính- chất văn ấy là nét nổi trội trong phong cách Bảo
Ninh. Trong cuộc đời văn chương của mình, tôi chỉ gặp 2 người như vậy:
nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà văn Bảo Ninh. Họ là hai cái mốc lặng lẽ
chói sáng của cả một chặng đường văn học chiến tranh trong ba thập kỷ
cuối cùng của thế kỷ trước.
Buổi trưa hôm đó, Bảo Ninh hỏi tôi khá kỹ về những
tháng ngày gian truân vừa qua. Anh tỏ ra khá lo lắng cho sức khoẻ của
tôi khi tôi trở lại tiếp tục nghề báo. Anh bảo làm báo vừa thôi, dành
sức khoẻ để viết truyện vì viết tiểu thuyết thuyết như anh là một nghề
“khổ sai” trong một ngàn lẻ một nghề “khổ ải” dưới trần gian này. Bảo
Ninh nói vậy nhưng ngay sau đó, anh lại hỏi tôi về vụ việc “Đập bỏ để
xây mới đền thờ Lý Chiêu Hoàng ở Đình Bảng, Bắc Ninh” để nhân việc ấy,
viết một bài cho báo Văn Nghệ- Hội nhà văn VN về tình trạng “đập bỏ để
xây mới” các di tích lịch sử trong những năm gần đây. Vậy là trách
nhiệm công dân của một nhà báo lại thức dậy trong Bảo Ninh ngay cả khi
anh đang phải hoàn thành công việc “khổ sai” với những trang tiểu
thuyết sắp “ra lò” của mình.
Trong quán “cũ” trưa hôm ấy, cùng ba người bạn ngồi
lai rai “nhậu thơ”, “nhậu văn”, tôi nhấm nháp tự do và chợt cảm thấy
rằng tự do cũng là một thứ rượu mạnh, nhưng phải chăng đấy là thứ rượu
được chưng cất từ thứ nguyên liệu xót xa, cay đắng của số phận một
người cầm bút không may mắn như tôi. Tan cuộc rượu, mấy thằng tranh
nhau trả tiền, Bảo Ninh thì ngay từ lúc mới vào đã khoe mấy trăm ngàn
để phong phanh nơi túi ngực như muốn nói “nhậu thoải mái đi anh em”.
Tôi đứng dậy bảo: “Tất cả ngồi yên, tớ hôm nay vừa lĩnh nhuận bút vừa
thơ, vừa văn được dăm sáu trăm ngàn đây. Rượu của Bảo Ninh ngon quá, tớ
vẫn còn một chai như thế ở nhà, hôm nào hẹn gặp lại các bạn!”.
Trước
khi chia tay, Bảo Ninh nói với tôi: “Sau ngày ông bị bắt (12-5-2008),
tôi có viết một bài đăng trên báo Văn Nghệ, bài viết chẳng có gì đáng
nói đâu, ông đưa địa chỉ email cho tôi, tôi gửi cho ông đọc chơi!”. Hôm
nay 29.4.2009, anh mail cho tôi bài viết này, dưới đây là toàn bộ bài
viết của nhà văn Bảo Ninh:
(Sau
"Thân phận của tình yêu" là "thân phận" gì vậy hở Bảo Ninh)
Vừa xảy ra
chuyện gì vậy?
Bảo Ninh
Tôi quen nhà thơ Nguyễn Việt Chiến năm 1991. Nhớ
chắc vậy, bởi được gặp anh lần đầu ngay sau lễ trao Giải thưởng Hội
Nhà văn năm ấy. Nhận được nhiều lời chúc mừng, nhiều cái bắt tay thân
ái, mà tôi không quên cái bắt tay của anh. " Tôi là Chiến, làm thơ, cựu
binh, lính tiểu đoàn 36 tân binh Bãi Nai, chính cái tiểu đoàn mà ông
bạn viết trong cuốn sách ".
Đọc qua sách mà nhận ra nhau, cũng
là một niềm tri kỷ hiếm có vậy, nhờ đời bộ đội. Tuy không cùng tiểu
đoàn và về sau khác Mặt trận, nhưng đúng là tôi đã từng làm " lính
khung" của đơn vị tân binh ở Bãi Nai một thời với Nguyễn Việt Chiến.
Năm 91 ấy đã thời Đổi Mới nhưng toàn thiên hạ vẫn
đang rất nghèo khó và túng bấn, nhà văn nhà thơ lại càng cơ cực. Song
khác tôi, Chiến không ảm đạm u uất, ít nhất là ở vẻ mặt. Không
xu dính túi và vẫn đang vận bộ đồ bộ đội từ đời nào, bạc phếch, vá đắp,
anh như còn nguyên vẹn dáng dấp người lính chiến kỳ
cựu, phong trần, vững chãi của năm xưa. Tính nết dễ gần, nói năng vui
vẻ, thành thật, chí tình, suy nghĩ lạc quan. Đúng là một anh lính trẻ,
dẫu khi đó tuổi đã tứ tuần. Từ bấy đến giờ, thỉnh thoảng gặp nhau, tôi
thấy Chiến vẫn một tâm hồn và tâm tính trong
sáng ấy, dẫu đời sống và công việc đầy gian khó đầy
va đập khiến anh già đi nhanh, sức khoẻ tụt dốc. Bao nhiêu thứ
gian nan khốn khổ đời lính chiến đang trồi dậy trong người.
Sức yếu, khổ nhiều nhưng quen tính lạc quan đời lính
nên vẫn cười tươi. Với lại nhờ những năm qua được sống đời hữu ích,
Chiến bảo tôi thế. Viết hay, viết nhiều, mạnh dạn, can đảm, luôn
ở vị trí mũi nhọn chống tham nhũng của một tờ nhật
báo hàng đầu của đất nước, được đông đảo đồng nghiệp và độc giả mến yêu
và trọng thị, lại làm thơ, bình thơ rất hay, ngày
một hay hơn, Nguyễn Việt Chiến đúng là đang hết mình trong một cuộc
sống tốt đẹp và hữu ích với đời.
Trước 30/4 vừa rồi mấy hôm, Chiến rủ tôi liên hoan
hai thằng với nhau mừng Toàn Thắng. Nhậu, nhưng chỉ mình tôi, Chiến chỉ
cụng ly, không uống. Anh nói mình bị trĩ nặng. Anh vẫn vui vẻ trò
chuyện, song thấy rõ là có tâm trạng. Nhưng tôi lại nghĩ là do vấn đề
sức khoẻ mà sinh thế thành ra lại an ủi anh một cách bỗ bã.
Giờ đây, nghĩ lại hôm ấy, tôi hối vô cùng, sao mình
lại có thể vô tâm, vô tình, thờ ơ, hời hợt đến vậy chứ !
Nhưng thật tình là nào tôi có ngờ. Chiến không nửa
lời nói cho tôi biết rằng mình sẽ bị bắt giam trong ngày sắp tới vì
những bài báo hồi vụ PMU18
Tuy nhiên, thật vậy, dẫu Chiến có nói thì tôi, như
nhiều người khác nữa, chắc sẽ không tin, chắc sẽ bảo ôi dào ông ơi,
đừng cả lo thế, đang trong thời buổi văn mình đàng
hoàng tử tế chứ có phải thời buổi sơ khai nào đó nữa đâu, làm sao lại
có chuyện hành xử như thế được ? Tôi biết, nếu
Chiến tâm sự, tôi chắc chắn sẽ nói vậy. Thời buổi, chính trị, văn hoá,
luật pháp khiến tôi tin vậy, nói vậy.
Tôi mới thiển cận và hồ đồ làm
sao. Mới nhạt nhẽo và phù phiếm làm sao. Mới ngốc làm sao !
Thật vậy, ngốc nghếch và phù phiếm một cách ích kỷ.
Mới đây, nhân 30 tháng Tư, phóng viên báo Tiền Phong
có phỏng vấn tôi. Trong nhiều câu hỏi, có câu thế này : " Văn chương có
phải là đã mang đến cho ông danh tiếng, tiền bạc và những chuyến xuất
ngoại ? ". Tôi đã mạnh mẽ phủ nhận, tôi nói nghề văn mà chỉ như thế thì
thật phù phiếm và đáng trách. Giờ đây, với vụ bắt hai nhà báo nhà văn
nổi tiếng này, ngẫm lại, tôi thấy phóng viên đặt vấn đề đâu có sai.
Phù phiếm. Đáng trách.
Do hoàn cảnh riêng của cuốn sách được giải thưởng
Hội năm 91, khi gặp gỡ độc giả ở các địa phương trong nước và cả ở nước
ngoài, tôi luôn được hỏi rằng có phải tác phẩm của ông đã bị thu hồi,
bị cấm. Dĩ nhiên điều đó không đúng. Vì vậy tôi phủ nhận. Tôi nói, cuốn
sách bị phê phán và chỉ trích, nhưng đấy là sự bình thường trong văn
học, các cơ quan của Đảng và chính phủ không can thiệp. Tôi có thật
lòng không, có nói lấy được không ? Trước đây, tôi tin mình thật lòng,
vì sự thể của cuốn sách tôi viết có vẻ đúng là như thế thật.
Và vì là nhà văn của một đất nước mà hiện tình văn
học chưa được biết nhiều trên thế giới nên khi ra nước ngoài tôi thường
xuyên gặp câu hỏi, ông có được tự do viết không, và nói chung nhà văn
nhà báo ở nước ông có quyền tự do ngôn luận không. Tôi
bảo rằng có. Tôi dẫn chứng hiến pháp, luật xuất bản, luật báo chí v.v.
Thường là người ta lại hỏi tiếp, cụ thể hơn. Thế,
Chuyện Kể Năm 2000 (tiểu thuyết của nhà văn Bùi Ngọc Tấn) tại sao bị
thu hồi ? Thế, Tuổi 20 Yêu Dấu (tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy
Thiệp), vì sao không được phép xuất bản ? Thậm chí vụ như vụ nhà báo
Hoàng Linh mà ở tận đẩu đâu người ta cũng đặt câu hỏi. Mà có vẻ họ còn
biết rành hơn tôi. May thay cho tôi, thật thế, là
khi ấy Hoàng Linh đã ra tù để tôi có thể nói với tất cả sự thành thật
rằng vụ ấy đã qua, nhà báo đã được trả tự do !
Trên máy bay dọc đường trở về Hà Nội, tôi luôn miên
man tự vấn về những điều mình đã nói ở nước người về Đổi mới đất nước và
đổi mới trong văn học nghệ thuật, đổi mới trong
quyền ngôn luận, quyền tư duy, và quyền con người. Tôi chắc
là mình đúng khi ca ngợi công cuộc Đổi Mới, khi tỏ ra lạc quan về xu
hướng ngày một hội nhập sâu rộng hơn của đất nước vào với thế giới. Tôi
chắc là mình đúng đắn khi đã cố gắng làm khuất đi trước mắt thiên hạ
những điều mà tôi đã gọi một cách điệu đà là những sự chưa hoàn hảo
tất nhiên và khó tránh khỏi trên đường phát triển.
Tuy nhiên, thái độ thì phải đạo thật đấy, song những
lời mà tôi đã nói ấy có đúng đắn và nghiêm chỉnh không ?
Giờ đây, tôi nghĩ là mình đã, chí ít là mặc nhiên
góp phần vào việc bắt giam những nhà văn nhà báo chống tiêu cực.
Lúc này, trên tivi, thấy có một số người đã phát
biểu những ý kiến thẳng thắn đáng ngạc nhiên và đáng khâm phục. Chẳng
hạn họ nói, biết là không đúng mà vẫn ấn nút biểu
quyết tán thành là lỗi của họ trước xã hội, trước mọi người. Đây là
thời buổi nào mà họ lại không dám lên tiếng vì công lý và sự thật…?!
Phan Thảo Hân 16:04 05-05-2009
Câu kết của bác Bảo Ninh, thật là tuyệt cú mèo!