Ai cũng biết rằng chó là
con vật chẳng sạch sẽ gì. Chó Việt Nam thì lại càng... chẳng sạch. Ngày
trước, ở nông thôn chưa ai biết có chuyện phải kế hoạch hoá gia đình là
gì, nhà nào chẳng nhung nhúc trẻ con, tưởng tượng ra một cảnh em bú
chị, cháu bú bà mà... khủng khiếp. Nhưng cũng chẳng nhà nào nghĩ đến
chuyện phải sắm một cái bô, một cái chậu làm quái gì cho rách việc. Vì,
người ta chỉ việc nuôi một chú Vằn, một chú Vện, một chú Đốm, hoặc một
chú Vàng, một chú Mực... là đâu vào đãy cả. Từ chó lớn đến chó con, chó
nào mà chẳng ăn c..., vậy mà lúc âu yếm nhau, anh có gọi em là con chó
con của anh thì em cũng chẳng nói gì.
Có khi em lại càng thích. Mèo mướp, mèo mun, mèo vàng, tam thể, nhị
thể..., mèo nào thì cũng lười chảy thây. Ngủ ngày. Ăn vụng. Nằm bếp.
Và, đã bậy bạ, đã giấu như mèo giấu c... lại còn hơi tí là giơ nanh,
giơ vuốt cắn, cào người ta đến toạc da, chảy máu. Nói chung là mèo toàn
tính xấu và lại còn ăn chuột, ăn gián, kinh bỏ xừ... Nhưng nếu anh ôm
em vào trong lòng rồi nói nựng rằng em là con mèo con của anh thì em
lại gừ gừ, lim dim mắt tỏ vẻ khoái chí lắm.
Em là con chuột con của anh. Chuột con nào? Chắc không phải loài chuột
chui lủi dưới cống rãnh hay tung hoành trong các nhà xác ở các bệnh
viện, loại chuột to đùng mà đến mèo nếu trông thấy cũng phải cao chạy
xa bay đâu anh nhỉ? Chắc cũng không phải loại chuột chuyên rúc riếm nơi
các bụi rậm hoặc kiếm ăn ngoài bãi tha ma. Cũng không phải là các loại
chuột chù, chuột hôi, chuột chít, chuột nhắt..., không phải là các loài
chuyên phá hoại và chứa chấp mầm mống căn bệnh dịch hạch khủng khiếp
phải không anh? Vậy thì, con chuột con của anh trên đây liệu có phải là
con chuột bạch? Chuột bạch đẹp đã đành, nhưng cái chính là nó còn cực
kỳ có ích trong nghiên cứu khoa học. Người ta nuôi chúng để sử dụng
trong các phòng thí nghiệm, và khi một loại dược phẩm nào đó như thuốc
bổ, thuốc bệnh, thuốc kháng sinh, thuốc tăng lực, thuốc viginia... được
tung ra thị trường thì trước hết nó phải được tiêm hoặc cho chuột bạch
uống thử trước đã. Không! Nếu thế thì cũng chẳng phải đâu anh ạ! Em chỉ
là con chuột con của anh. Thế thôi. Em nguyện làm một con chuột rất
đáng yêu.
Em có thể là con ngỗng của anh. Ngỗng trời thì là thiên nga phải không
anh? Vậy thì, nếu anh gọi em là con thiên nga của anh thì em lại càng
thích. Đã vài lần em được nhìn thấy những con thiên nga trắng tinh lững
thững bơi trên mặt hồ rồi. Những con thiên nga đẹp tuyệt vời. Em lại
còn nghe nói, hình như là có vở ballet Hồ thiên nga nữa hay sao
ấy anh nhỉ... Mà, đúng rồi, còn hình như gì nữa, có lần em đã được xem
vở ấy trên ti vi rồi, màn cái chết của con thiên nga ấy cảm động thật
đãy anh ạ.
Sóc, thỏ là những con vật hiền lành và đáng yêu. Vậy nên, em là con thỏ
con của anh. Hoặc em là con sóc nhỏ. Nhím, có xù lông một tí, đừng ai
dại mà để lông nhím chọc vào tay vì rất dễ nhiễm trùng. Nhưng, em vẫn
có thể là con nhím con của anh. Em có thể là con chồn. Những con chồn
với những cái đuôi dài trông rất dễ thương ăn trứng chim, nhền nhện
hoặc sâu bọ. Em có thể là con cáo. Hình như cáo lông đỏ thì không biết
bắt gà hay sao ấy anh ạ. Có thể, em cũng là con sói. Nếu là con sói con
của anh thì em không hèn hạ suốt đời bám đuôi bọn hổ báo hòng mong kiếm
chút thịt vãi xương thừa.
Em là con nai của anh. Cái cảnh một con nai rừng ngơ ngác đạp trên lá
vàng khô trông mới dễ thương làm sao phải không anh? Dê rừng với dê nhà
có gì khác nhau đâu, nhưng anh là con dê rồi, còn em là con sơn dương
của anh. Em là con hươu sao, cổ em rất cao và những cẳng chân em rất
thon. Nhưng, nếu không thế cũng chẳng sao. Em là con hoẵng chỉ biết ăn
quả trám.
Những lúc em hiền lành, anh có thể gọi em là con sư tử của anh ơi thì
em cũng vẫn ngọt ngào vâng dạ như thường. Em là con gấu con của anh. Em
là con báo. Em là hổ, là chúa sơn lâm và chúa cuộc đời anh.
Em là con gà công nghiệp chẳng biết gì của anh. Em là con gà Tây ngờ
nghệch. Em là con gà gô... Em gà lắm!
Em là con chim của anh. Nhưng mà em thích anh cụ thể và vì thế mà tế
nhị hơn anh ạ. Em là con bồ câu của anh. Em là con sơn ca. Em là con
hoạ mi. Em là con sáo sậu. Em là con chích chòe. Em là con chào mào. Em
là con công, con phượng... Vâng! Em là con vẹt của anh.
Rồi đến một lúc nào đó em sẽ là con trâu, con bò của anh. Nhưng bây giờ
em hãy còn là con nghé, là con bê bé bỏng của đời anh.
Em là con sông êm ái chảy qua đời anh. Em là dòng suối hiền hoà. Em là
đại dương bao la. Em là mặt nước hồ thu yên ả của anh... Nói chung, em
là những gì rất mát mẻ. Em là ngọn gió của anh. Gió xuân, gió hè, gió
thu..., ngọn gió nào cũng hết sức trong lành.
Nhưng khi mùa đông đến thì em lại không còn là gió nữa. Có là tuyết
chăng thì em cũng là những bông tuyết đầu mùa của anh. Hình như những
bông tuyết đầu mùa trắng tinh, xôm xốp lơ lửng bay trong không trung
chưa kịp mang đến cho người ta cái cảm giác lạnh lẽo. Còn khi giá rét
thực sự tràn đến thì em là ngọn lửa sưởi ấm cuộc đời anh.
Em là mặt trời ấm áp mà không hề gay gắt, là vầng thái dương dịu dàng
của anh. Em là mặt trăng hiền hoà, là Hằng Nga dịu dàng của anh. Em là
sao Mai, nhưng nếu trời đẹp quá thì anh lại gọi em là bầu trời đêm thơ
mộng của anh.
Em là ánh bình minh trong lành và mát mẻ của anh.
Em là những giọt mưa phùn mùa xuân ấm áp, những gọt mưa rào mùa hè mát
mẻ... Em là những giọt mưa êm đềm mùa thu của anh.
Em là cây phong non của anh. Em là cây thông non. Em là cánh rừng bạch
dương của anh. Em là khóm trúc, em là cành liễu của anh.
Em là bông hồng của anh. Em là hoa phong lan. Em là hoa cẩm chướng. Em
là hoa cúc, hoa huệ, hoa đào, hoa ngâu, hoa sói... Em là hoa hướng
dương, là cả cánh rừng hoa rực rỡ và thơm ngát của anh.
Em là trái đào non của anh. Em là những trái anh đào chín mọng. Em là
quả táo đỏ... rung rinh đầu cành chờ tay anh đến hái.
Em là nhà ga của anh. Em là hải cảng, là bến tàu... Em là bến đợi của
anh.
Nhưng em cũng là con tàu của anh. Con tàu trắng nhỏ trên sông hay con
tàu vạn dặm trên đại dương mênh mông.
Em là cuốn tiểu thuyết của anh.
Em là bài thơ của anh. Trong tất cả các thể loại thơ, lục bát, tứ
tuyệt, bát cú, thất ngôn, ngũ ngôn, tự do, hiện đại, tân hình thức...,
em là bài thơ nào dịu dàng nhất của anh.
Em là bản trường ca không có chương đầu, chương cuối của anh.
Em là bài ca dao của anh.
Em là bài hát ru của anh. Em là con cò bay lả bay la, con cò lặn lội bờ
sông của anh. Em là con gà cục tác lá chanh, là con mẻo con meo, con
mèo hay hát...
Em là bài ca của anh. Em là những bài ca không tên, những bài ca không
quên... những bài ca năm tháng của anh.
Em là bản nhạc của anh. Em là những nốt nhạc, từ những nốt rất trầm
không thể nghe thấy được đến những nốt lanh lảnh rất cao vỡ cửa kính...
của anh.
Em là men say của anh. Men rượu. Men bia. Men tình ái...
Em là tương lai của anh. Tương lai gần. Tương lai xa. Tương lai vời
vợi...
Em là hy vọng của anh.
Em là niềm an ủi của anh.
Anh đã từng gọi em như thế? Không! Em chỉ giả định thế thôi. Vì, với
những kẻ đang yêu như em, anh có thể gọi em là bất kỳ cái gì. Nhưng em
có là con cặc của anh không? Em phân vân quá, nên phải hỏi anh, anh
Quốc!
© 2004 talawas
Viết xong bài "...
Và
những thứ con khác",
[1]
tôi cứ bị ám ảnh mãi một điều: tại sao khi thấy Trần Dần văng tục "Nắm,
nắm cái con cặc", tôi lại thấy rất...đã. Ðã, không phải vì nó tục mà
vì...nó hiên ngang, nó hùng dũng, nó...đầy khí thế. Tại sao?
Tôi biết chắc không phải chỉ mình tôi mới có cảm giác ấy. Trong đám bạn
bè tôi, hầu hết là trí thức và một số là phụ nữ, cũng có nhiều người
nói với tôi như vậy. Họ cũng thấy câu văng tục ấy hiên ngang, hùng dũng
và đầy... khí thế. Tại sao?
Tôi sực nhớ một câu chuyện xảy ra hồi cuối năm 2002, lúc tôi về thăm
Việt Nam. Trong một bữa nhậu, một nhà thơ từ Canada về nửa đùa nửa thật
chê một nhà thơ ở Sài Gòn là hay viết sai chính tả. Ví dụ anh nêu lên
là: trong một bài thơ gửi in trong một tuyển tập của những nhà thơ được
xem là tiêu biểu của Việt Nam hiện nay, thay vì viết "cặc", nhà thơ ấy
lại viết "cặt". Nhà thơ ở Sài Gòn nhìn sang tôi như tìm một trọng tài.
Tôi gật đầu xác nhận: "C". Anh không cãi, nhưng lại cố chống chế: "Tôi
nghĩ viết chữ 'cặt' với chữ 't' nghe nó mạnh mẽ hơn. 'Cặc', với chữ
'c', thấy nó cong cong và nghe nó yếu xìu."
Dĩ nhiên là nhà thơ ấy nguỵ biện. Nhưng đằng sau sự nguỵ biện ấy là một
sự thật: anh dùng chữ "cặc" trong bài thơ không phải vì nhu cầu nói tục
mà chủ yếu vì nhu cầu bộc lộ một cái gì đó anh nghĩ là "mạnh mẽ". Ðiều
đó có nghĩa là, với anh, chữ "cặc" không phải chỉ biểu thị bộ phận sinh
dục của đàn ông mà còn biểu thị một thái độ. Mà, nghĩ lại xem, đâu phải
chỉ với anh thôi đâu. Với người khác cũng thế. "Cặc" hay bất cứ từ nào
chỉ các bộ phận sinh dục của nam hay nữ cũng đều bao hàm trong chúng
một thái độ nhất định. Ðiều đó cũng lại có nghĩa là, bộ phận sinh dục
không phải chỉ có tính sinh lý, chỉ trần là xác thịt, mà, cũng giống
như toàn bộ thân thể con người, còn là một ý niệm... văn hoá.
Trước hết là thân thể con người. Trong cách nhìn của giới nghiên cứu
hiện nay, nói theo sự tóm tắt của Janet Lee, "thân thể là một 'văn bản'
của văn hoá, là hình thức biểu trưng trên đó ghi dấu các quy phạm và
các thiết chế xã hội".
[2]
Ở Việt Nam, các học thuyết lớn, vốn được du nhập từ Trung Hoa và Ấn Ðộ,
ít quan tâm đến thân thể, tuy nhiên, trong cách nhìn truyền thống của
người Việt Nam, biểu hiện qua ngôn ngữ, thân thể lại có tầm quan trọng
hết sức đặc biệt: trong tiếng Việt, có hai từ chính chỉ thân thể:
"người" và "mình". Cả hai đều đồng nghĩa với con người nói chung:
"người" vừa là thân thể (ví dụ: người ướt đẫm mồ hôi) vừa là cộng đồng
(ví dụ: người Việt / người Úc) vừa là nhân loại (ví dụ: của chuột và
người); "mình" vừa là thân thể (mình đau như dần) vừa là một cá nhân cụ
thể ("mình" với tư cách ngôi thứ nhất số ít) vừa là một tập thể ("mình"
với tư cách ngôi thứ nhất số nhiều). Trong cả hai hệ thống chuyển
nghĩa, thân thể bao giờ cũng được xem là một trung tâm.
Về một phương diện nào đó, trung tâm của thân thể là gì nếu không phải
là bộ phận sinh dục, yếu tố chủ yếu xác định phái tính, từ đó, vị trí
của cá nhân trong cấu trúc xã hội? Ðụng đến bộ phận sinh dục là đụng
đến văn hoá, thậm chí, đụng đến một trong những phần sâu thẳm nhất của
văn hoá. Cả Sigmund Freud lẫn Jacques Lacan đều xem những khoái cảm
sinh lý là nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành nhân cách, đều xây
dựng lý thuyết về dục vọng, dục tính và chủ thể tính của họ trên hình
ảnh của dương vật (hoặc sự thiếu vắng của dương vật), và đều hình dung
lịch sử văn minh của nhân loại như là một tiến trình đè nén và thăng
hoa của bản năng sinh lý vốn chủ yếu gắn liền với các bộ phận sinh dục.
[3] Từ mấy
chục năm gần đây, dưới ảnh hưởng của Michel Foucault, bộ phận sinh dục
hay thân thể con người nói chung, càng ngày càng được nhìn như một cái
gì được tạo thành hơn là có sẵn: nó được tạo thành bởi các hoạt động
diễn ngôn và các quy phạm văn hoá trong những hệ thống quyền lực nhất
định.
[4] Trong ý
nghĩa này, đụng đến bộ phận sinh dục cũng là đụng đến chính trị: những
câu chuyện về các bộ phận sinh dục và các hoạt động của chúng đóng vai
trò quan trọng trong việc định hình đời sống chính trị và đạo đức trong
xã hội, từ đó, góp phần quan trọng trong việc định hình ý niệm bản sắc
cá nhân, và cũng từ đó, làm thay đổi hầu như toàn bộ các mối quan hệ
tương tác giữa người với người.
[5]
Mang tính văn hoá, cặc không phải chỉ là một vật thể mà còn là một ký
hiệu, hơn nữa, một ẩn dụ, tồn tại như một biểu tượng, nghĩa là vừa là
nó lại vừa không phải là nó. Nó là biểu tượng của vô số điều khác nhau:
với các nhà sinh học, nó là biểu tượng của sự truyền giống; với các nhà
đạo đức, nó là biểu tượng của xác thịt và của sự phàm tục, một đối cực
của tinh thần và sự linh thiêng; với các nhà nữ quyền, nó là khí cụ
dùng để trấn áp; với các nhà thẩm mỹ truyền thống, nó là biểu tượng của
sự tục tằn; với các nhà thẩm mỹ theo khuynh hướng cách tân, nó là...
cách mạng, v.v... Tính biểu tượng ấy làm cho "cặc" trở thành từ đa
nghĩa và đa tầng: nó thâu tóm trong nó cả lịch sử nhận thức và lịch sử
thẩm mỹ của một cộng đồng. Người ta đối diện với nó không phải chỉ với
tư cách một cá nhân mà còn với tư cách của một tập thể và một lịch sử.
Cảm giác thích thú hay khó chịu của người đọc khi đọc bài viết này là
một thứ phản ứng có điều kiện, được hình thành dần dần qua thời gian,
với vô số những tác động từ bên ngoài, chứ tuyệt đối không phải là một
cái gì tự nhiên nhi nhiên. Bắt chước cách nói đã thành sáo ngữ, tôi có
thể nói thế này: bạn hãy cho tôi biết bạn có cảm giác như thế nào khi
đọc chữ "con cặc" trong bài viết này, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai.
Là một biểu tượng, "cặc" khác với "lồn".
[6]
Hãy thử để ý đến các câu chửi tục hay văng tục của người Việt Nam. Nói
chung, cách chửi tục và văng tục của người Việt Nam có mấy đặc điểm
chính: thứ nhất, hay nhắc đến các bộ phận sinh dục;
[7] thứ hai, phái nào nhắc đến bộ
phận sinh dục của phái ấy.
[8]
Chính ở điểm thứ hai này, chúng ta có cơ hội nhìn thấy những khác biệt
trong cách nhìn của hai phái nam và nữ về bộ phận sinh dục của chính
họ.
Cứ lấy ngay những câu chửi tục làm ví dụ. Ðiều cần ghi nhận đầu tiên
là, trong tiếng Việt, ở phía nữ giới, hoàn toàn không có từ nào có thể
được xem là tương đương với từ "trỏ cặc" hay "văng cặc" ở nam giới. Rõ
ràng là phụ nữ không "văng" và cũng không "trỏ". Chửi nhau, họ dùng các
động từ khác: bú, liếm, chui, nhét, v.v... Trong khi đó, nam giới thì
khác. Ðã đành là có một số trường hợp, người ta cũng đòi "nhét" của quý
của mình vào miệng đối thủ, nhưng những cách diễn tả như vậy khá hiếm
hoi. Phổ biến hơn, người ta chỉ nói một cách ngắn gọn: "Cặc!" hay "Cặc
tao đây nè!" Vậy thôi.
Sự khác biệt ở đây là gì? Khác, trước hết, ở chỗ: với phụ nữ, chửi chủ
yếu là một cách hạ nhục đối phương, chà đạp lên nhân phẩm của đối
phương, bắt đối phương phải làm những chuyện bị xem là thật đáng xấu
hổ; với nam giới, chửi chủ yếu là một hành động thách thức và khiêu
khích, tự nâng mình lên cao hơn đối phương. Khác, còn ở điểm nữa: trong
cách nhìn của nữ giới, bộ phận sinh dục của chính họ là một cái gì xấu
xa và dơ dáy, nơi dùng để trừng phạt, để đày đoạ và để sỉ nhục người
khác; trong cách nhìn của nam giới, bộ phận sinh dục của họ là cái gì
rất đáng... tự hào, với nó, người ta xác định một thế đứng đầy ngạo
nghễ.
[9]
Thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Ðã đành cả hai đều là những bộ
phận quan trọng nhất trong việc xác định cái giống (sex) của con người,
nhưng trong khi bộ phận sinh dục của phái nam là cái gì lộ hẳn ra
ngoài, bộ phận sinh dục của phái nữ lại nằm sâu hút bên trong, trở
thành một thế giới đầy bí ẩn, có mặt như một sự vô hình, thậm chí, như
một sự khiếm khuyết, một thứ dương vật bị cắt bỏ hay bị lộn ngược vào
trong;
[10] trong
khi bộ phận sinh dục của nam giới có thể bị thiến, bị liệt, bộ phận
sinh dục của phụ nữ không có nguy cơ bị biến mất. Nó có đó và nó sẽ còn
đó mãi. Chính vì vậy, người ta không phải lo lắng đến sự tồn tại của
nó. Người ta quan tâm hơn đến những yếu tố thứ yếu và phụ thuộc: mái
tóc, mí mắt, đôi môi, bờ vai, bộ ngực, cái eo, đôi mông, v.v... Hậu quả
là, thứ nhất, chính vì sự quan tâm ấy, cái đáng lẽ là thứ yếu và phụ
thuộc lại trở thành trung tâm: người phụ nữ có thể bị xem là không có
tính-cái nếu có một mái tóc cụt, một bờ vai ngang, một bộ ngực lép, hay
đôi khi, chỉ cần một giọng nói hơi ồ ề. Thứ hai, được xác định bằng
nhiều yếu tố như vậy, ý niệm về tính-cái dễ lâm vào tình trạng phân tán
và bất nhất: đây chính là lý do khiến cho hình ảnh của người phụ nữ ở
những xã hội và những thời đại khác nhau rất khác nhau. Thứ ba, ở vị
trí trung tâm, các yếu tố vốn là thứ yếu và phụ thuộc ấy đều mang tính
văn hoá: chúng gắn liền với những cách nhìn và cách nghĩ của con người;
chúng đi vào văn học và nghệ thuật; chúng trở thành những biểu tượng và
những giá trị. Trong khi đó, bộ phận sinh dục lại bị quên lãng; và vì
bị quên lãng nên mãi mãi mang tính sinh lý.
Ngay cả khi bộ phận sinh dục cũng như toàn bộ thân thể của phái nữ đã
được "văn hoá hoá" thì, trong cách nhìn truyền thống mang nặng tính duy
dương vật (phallocentric), chúng cũng không có giá trị tự tại đủ để có
thể trở thành một sự tự hào hay thách thức: thân thể phụ nữ giống như
một lãnh thổ tự nhiên, ở đó, cái đẹp thuộc về kẻ khác: chồng họ, người
yêu của họ, hoặc những người đang nhìn ngắm họ. Họ sở hữu chúng nhưng
không thực sự có chủ quyền trên chúng.
[11]
Bộ phận sinh dục nam thì khác. Nó là yếu tố hầu như duy nhất xác định
tính đực của nam giới. Mất nó, dù đẹp trai đến mấy, lực lưỡng đến mấy,
dù râu ria rậm rạp đến mấy, người ta cũng không còn là đàn ông nữa. Bởi
vậy không có người đàn ông nào lại không quan tâm đến bộ phận sinh dục
của mình.
[12]
Không những quan tâm, họ còn, một mặt, lo lắng bảo vệ nó, từ đó, nói
theo Sigmund Freud, nỗi lo lắng bị thiến hoạn (castration anxiety) trở
thành một nét đặc trưng trong tâm lý nam giới, và hơn nữa, của con
người nói chung; mặt khác, họ lại hết sức tự hào về nó: với nó, người
ta được xem là có nam tính, một cái gì khác với nữ giới, hơn nữa, cũng
lại nói theo ngôn ngữ của Freud, còn là điều làm cho phái nữ phải "ghen
tị" (penis envy).
[13]
Ở dạng rút gọn nhất, có thể định nghĩa: đàn ông = con cặc. Ðó là lý do
tại sao ngày xưa, ở Trung Hoa, một trong những hình phạt nặng nề nhất
là... thiến; và cho đến tận ngày nay, ở Việt Nam, một trong những lời
rủa độc địa nhất và quen thuộc nhất là bị chó ăn mất cu hay bị gà mổ
mất dái.
[14] Ðó
cũng là lý do tại sao, cho đến bây giờ, ở nhiều bộ lạc, bọn đàn ông vẫn
còn tròng bộ phận sinh dục của họ vào những cái ống được trang trí thật
lộng lẫy rồi treo ngược lên trên bụng như một biểu tượng của quyền lực.
Vâng, cặc chính là biểu tượng của quyền lực.
Artemidorus, một học giả cổ đại Hy Lạp, trong cuốn
The
Interpretation of Dreams, xem bộ phận sinh dục của nam giới như sự
diễn tả các mối quan hệ chằng chịt nhằm xác định vị thế của cá nhân
trong xã hội: nó nói lên tài sản, địa vị, đời sống chính trị, gia đình,
sức mạnh về thể chất cũng như sự kính trọng trong cộng đồng. Michel
Foucault, trong cuốn
The Care of the Self, tức tập ba của bộ
The
History of Sexuality, sau khi trích dẫn Artemidorus, cho con cặc
nằm ngay ở vị trí giao điểm của các trò chơi quyền lực của các chủ nhân
ông: với nó, người ta tập thói quen tự chủ, tự kiềm chế, không cho phép
mình buông thả theo bản năng; người ta cũng xác định được ưu thế của
mình trên người phối ngẫu bằng khả năng đâm thọc và xuyên thấu; người
ta cũng xác định được thế đứng của mình trong xã hội vì nó gắn liền với
các yếu tố truyền giống và dòng họ, v.v…
[15]
Trong nghệ thuật cổ đại và trung đại, từ hội hoạ đến điêu khắc, trong
khi hình ảnh khoả thân của phụ nữ xuất hiện tương đối muộn và thường
gắn liền với cái nhìn mang dục tính; hình ảnh khoả thân của nam giới
xuất hiện rất sớm, được xem là biểu tượng của sự sinh sản, của cái đẹp
và nhất là của hùng tính. Ðể bảo vệ hùng tính như một đặc quyền của nam
giới, các nghệ sĩ ngày xưa đã tước đoạt của nữ giới một điều mà trên
thực tế họ cũng sở hữu: lông. Trong hầu hết các bức tranh phụ nữ khoả
thân thời trước, bộ phận sinh dục bao giờ cũng trắng ngần, trong veo,
như là ngọc, tuyệt không một sợi lông. Tại sao? Tại người ta cho lông
lá là thuộc tính của phái nam.
[16]
Nam tính, hùng tính, do đó, đồng nghĩa với quyền lực.
Theo một số nhà hậu cấu trúc luận, đặc biệt các nhà nữ quyền, cả nền
văn minh Tây phương - và có lẽ không phải chỉ có nền văn minh Tây
phương mà thôi - được xây dựng trên một cột trụ chính: dương vật. Người
ta gọi đó là một thứ chủ nghĩa duy dương vật (phallocentrism), ở đó,
dương vật được xem như là một quyền lực, một trung tâm, một chuẩn mực,
một thứ hệ quy chiếu được dùng để đo lường và đánh giá mọi sự vật và
hiện tượng khác. Theo cách nhìn duy dương vật, loài người là những kẻ
có… dương vật (bởi vậy "man", đàn ông, mới đồng nghĩa với nhân loại nói
chung, "mankind"); phụ nữ bị xem là những kẻ khuyết dương vật, nói theo
chữ của Simon de Beauvoir, chỉ là "giống thứ hai", hay nói theo Freud,
những kẻ lúc nào cũng sống trong tâm trạng ghen tị và thèm thuồng.
[17] Cấu trúc với
những mở - cao trào - và kết thúc vốn được xem là mẫu mực trong truyện
và kịch truyền thống xuất phát từ kinh nghiệm tình dục của nam giới:
khi họ đạt đến tình trạng sướng ngất cũng là lúc kết thúc mọi "xung
đột" và mọi vấn đề.
[18]
Thậm chí, theo Iris Marion Young, hình ảnh một đôi vú đẹp cũng được quy
chiếu từ hình ảnh của dương vật: chiếc vú đẹp phải giống dương vật,
nghĩa là, phải cao, chắc và nhọn, v.v…
[19]
Ở Việt Nam, biểu hiện có khác nhưng thực chất cách nhìn cũng vậy.
Nhớ một truyện tiếu lâm ngày xưa: một hôm, một con cọp đến rình rập
quanh một mái nhà tranh lụp xụp cạnh một khu rừng. Nó nghe hai vợ chồng
trong nhà chuyện trò. Người chồng hỏi: "Nghe nói dạo rày cọp hay ra bắt
người lắm, mình có sợ không?" Người vợ đùa, bỗ bã: "Cặc còn không sợ,
sợ gì cọp." Con cọp không hiểu "cặc" là gì nên rất đỗi hoang mang. Nó
nghĩ thầm: đó hẳn là một con vật gì ghê gớm lắm, nhất định là ghê gớm
hơn cả cọp. Từ hoang mang đến sợ hãi, nó lặng lẽ bỏ đi. Trên đường,
tình cờ nó gặp một bà già. Bà già kinh hoàng, ngồi thụp xuống và co rúm
người lại, nhưng con cọp trấn an: "Ðừng sợ. Tôi không ăn thịt bà đâu.
Tuy nhiên, bà phải thành thực trả lời tôi câu hỏi này: con cặc là con
gì mà nghe nói còn ghê gớm hơn cả cọp thế?" Bà già nhanh trí, hiểu
ngay, bèn trả lời: "Ối dào, ông ấy khủng khiếp lắm. Ông ấy cắn tôi một
cái mà đến nay đã mấy chục năm rồi vết thương vẫn chưa lành". Nói xong,
bà lấy tay quẹt vào dưới đáy quần rồi dí vào mũi con cọp. Con cọp ngửi
mùi, phát khiếp, phóng chạy như bay, tự nhủ: "Ðộc thật! Nguy hiểm
thật!"
Lại nhớ, Nguyễn Thiện Kế, nhà thơ trào phúng nổi tiếng vào đầu thế kỷ
20 và cũng là anh rể của Tản Ðà, có hai câu thơ tả cảnh hộ đê ở miền
Bắc:
Trên
đê cụ lớn văng con cặc
Dưới đất thầy cai thượng cẳng tay.
"Văng cặc" là đặc quyền của tầng lớp bên trên. Chỉ có những người có
quyền lực mới được văng cặc. Ðứng trước vua quan ngày xưa, bọn thường
dân mà dám văng cặc thì thế nào cũng bị chặt đầu hoặc chết mòn trong tù
ngục. Ðủ thấy những cái gọi là
taboo - những điều cấm kỵ - cũng
có tính giai cấp: chúng chỉ áp dụng đối với tầng lớp dưới của xã hội mà
thôi. Chính vì thế, việc văng cặc, và từ đó, việc văng tục nói chung,
đã biến thành một hành vi thách thức và khiêu khích mạnh mẽ và táo bạo
nhất: chúng thách thức và khiêu khích với chính quyền lực. Văng cặc, do
đó, trở thành một thái độ phản kháng và một sự nổi loạn.
Nên lưu ý là chính các quy phạm văn hoá cũng là một thứ quyền lực. Nổi
loạn để chống lại các quy phạm văn hoá ấy là một hiện tượng thường xảy
ra không những trong đời sống, đặc biệt ở giới trẻ,
[20] mà còn cả trong văn học, đặc
biệt ở những giai đoạn tính chất cũ kỹ và sáo mòn đã nặng nề đến mức
gần như không thể chịu đựng được nữa.
Chính trong cái không khí ngột ngạt, nặng trĩu những công thức và giáo
điều, những sự mệt mỏi và sợ hãi như thế, một tiếng "cặc" vang lên sang
sảng, nghe rất... đã.
Tuy nhiên, tôi viết bài này không phải chỉ để biện minh cho cái "đã"
ấy. Chắc bạn đọc cũng hiểu.
Melbourne, 12.12. 2003
© 2003 talawas
[1]Ðã đăng
trên talawas và Tiền Vệ.
[2]Janet
Lee, "Menarche and the (Hetero)sexualization of the Female Body", in
trong cuốn The Politics of Women's Bodies do Rose Weitz biên tập,
Oxford University Press xuất bản năm 1998, tr. 82-83.
[3]Xem
Robyn Ferrell (1996), Passion in Theory: Conceptions of Freud and
Lacan, London & New York: Routledge, đặc biệt chương 9 "Desire",
tr. 85-93.
[4]Xem
Alan Petersen (1998), Unmasking the Masculine: "Men" and "Identity" in
a Sceptical Age, London: Sage Publications.
[5]Xem
Sexual Cultures, Communities, Values and Intimacy do Jeffrey Weeks và
Janet Holland biên tập, New York: St. Martin's Press, 1996, tr. 45.
[6]Tôi đã
nghĩ đến khả năng viết tắt các từ này, như nhiều người vẫn thường làm,
tuy nhiên, nghĩ lại, thấy hình như không cần thiết. Trong tiếng Anh,
không ai lại viết tắt các chữ "penis" hay "vagina", "vulva", "cunt". Có
người còn dùng nguyên cả các chữ này để đặt tựa sách cho họ, ví dụ,
Maggie Paley trong The Book of the Penis xuất bản năm 1999.
[7]Trong
khi có lẽ dân tộc nào cũng ít nhiều chửi và chửi tục, không phải dân
tộc nào cũng mang các bộ phận sinh dục ra quất vào mặt kẻ thù. Theo
Nicholas Bornoff, trong cuốn Pink Samurai: The Pursuit and Politics of
Sex in Japan, London: Grafton, 1992, đối với người Nhật, bộ phận sinh
dục không phải là cái gì đáng ghê tởm, do đó, họ không dùng để nguyền
rủa hay sỉ nhục người khác (tr. 130).
[8]Xem
cuốn Ngôn Ngữ và Thân Xác của Nguyễn Văn Trung (Trình Bày xuất bản tại
Sài Gòn, 1968; Xuân Thu in lại tại Mỹ, 1989) và hai bài "Chửi" và "Chửi
tục" của Võ Phiến (in trong cuốn Tuỳ Bút 1, Văn Nghệ xuất bản tại
California, 1986, tr. 89-111).
[9]Ðể
tránh ngộ nhận, nhất là từ những nhà nữ quyền, xin lưu ý là ở đây tôi
chỉ ghi nhận sự kiện chứ không hề phát biểu một chủ trương gì nhằm đào
sâu vào sự khác biệt giữa nam và nữ.
[10]Theo
Judith Lorber trong bài "Believing Is Seeing" in trong cuốn The
Politics of Women's Bodies, sđd, đến tận thế kỷ 18, các triết gia và
khoa học gia Tây phương vẫn còn nghĩ chỉ có một giống duy nhất: giống
cái chỉ là hình thức khiếm khuyết của giống đực: tử cung và âm đạo thật
ra chính là dương vật và bìu dái bị lộn ngược vào trong. (tr. 12)
[11]Xem
sự phân tích của Iris Marion Young trong bài "Breasted Experience" in
trong cuốn The Politics of Women's Bodies, sđd, tr. 127.
[12]Liên
quan dến vấn đề này, xin chép tặng bạn đọc bài thơ của Trần Duy Ninh,
sinh khoảng cuối thế kỷ 19 và mất vào khoảng giữa thế kỷ 20. Thơ còn
lại chỉ có bài này:
Hẳn rằng con tạo ý ra răng,
Cặc dái sao mà mọc trước răng?
Lúc nhỏ cần răng thì mọc cặc,
Khi già còn cặc, lại không răng!
Già nua hết thú chèo queo cặc,
Lọm khọm cần nhai rụng quách răng!
Ngán nỗi cho răng, buồn với cặc,
Hẳn rằng con tạo ý ra răng!
[13]Về
những khái niệm như "castration anxiety" hay "penis envy" vốn khá thông
dụng, có thể tìm thấy trong hầu hết các cuốn sách viết của/về Sigmund
Freud hay về phân tâm học nói chung.
[14]Ví
dụ hai câu rủa trích từ cuốn Ngôn Ngữ và Thân Xác của Nguyễn Văn Trung;
tr. 138:
"Mẹ mày, cả nhà mày ra đường bị gà nó mổ mất dái từ già đến trẻ."
"Con khỉ trù, chó nó ăn mất cu, chết đi thành con ma trơi bay dọc đường
xó chợ."
[15]Michel
Foucault (1984), The Care of the Self, London: Penguin Books, tr. 34.
Phần trích dẫn Artemidorus nằm ở trang 33 và 34. Xin lưu ý là trong
suốt cuốn sách (bản dịch tiếng Anh), Foucault luôn luôn dùng chữ
"penis".
[16]Xem
Peter Brooks (1993), Body Work, Objects of Desire in Modern Narrative,
Cambridge: Havard University Press, tr. 17.
[17]Xem
Jonathan Culler (1983), On Deconstrucion, Theory and Criticism after
Structuralism,London: Routledge & Kegan Paul, tr. 165-177.
[18]Xem
bài "Who has the last word in the sex war" của John Powers đăng trên
The Weekend Review tại Úc số ra ngày 1-2, 10, 1994; Nguyễn Hoàng Văn
dịch ra tiếng Việt "Viết, giữa nam và nữ" đăng trên Hợp Lưu số 56
(12.2000 & 1.2001), tr. 30-33.
[19]Iris
Marion Young, "Breasted Experience" in trong The Politics of Women's
Bodies, sđd, tr. 125.
[20]Ở
đây tôi chỉ muốn bàn đến nguyên nhân và ý nghĩa văn hoá của hiện tượng
chửi tục của giới trẻ chứ không hề đặt ra vấn đề đánh giá hiện tượng ấy.