*


















Chính trị và Văn chương

"Văn chương cần cho chính trị, trên tất cả, ấy là khi nó đem tiếng nói đến cho bất cứ cái chi chi chưa có tiếng nói; đem cái tên đến cho bất cứ cái gì chưa có tên, đặc biệt là cho những gì mà ngôn ngữ chính trị khu trục, hoặc toan tính khu trục."
"Văn chương thì cũng giống như cái tai nghe được những thứ quá sự hiểu biết của ngôn từ chính trị; như con mắt nhìn quá cái quang phổ được cảm nhận bởi chính trị."
Italo Calvino: Right and Wrong Political Uses of Literature.

Chưa có tên, theo tôi, chính là cái xã hội Việt Nam hiện tại. Nó "không còn là" xã hội chủ nghĩa, "chưa là" tư bản chủ nghĩa, không còn gì hết và cũng chưa là gì hết.
Bênh nó, hoặc chống nó, bằng những giọng điệu đao to búa lớn, đều không phải là giọng điệu của văn học, vì, cũng trong cùng bài, Calvino viết:
"Nobel văn chương năm này được trao cho Eugenio Montale, [Nobel 1975], (1) nhưng ít người bây giờ còn nhớ, sức mạnh thơ của ông, là nó luôn luôn nằm thật thấp, không nhấn mạnh bất cứ kiểu gì, sử dụng một giọng điệu thực là khiêm tốn, và hồ nghi. Chính vì thế có nhiều người nghe, kéo dài ba thế hệ."
Tôi tin rằng, giọng điệu đó, mới đích thị là thứ mà nhà văn trong nước cần, để gọi tên cái vô danh là xã hội Việt Nam hiện đại, để đem tiếng nói đến cho những người chưa có tiếng nói.


có hẹn với ti vi

Nguyễn Ngọc Tư

Cái quán đá đậu đó chừng mười năm rồi mình không ghé. Một bữa tạt qua với bạn học hồi cấp ba, bật cười nhận ra những cái ghế gỗ xưa hai đứa học trò có thể ngồi chung giờ quá nhỏ nhắn so với những cái mông đàn bà đã chảy nhão, sồ sề. Bạn với mình đã con cái đùm đề. Quán vẫn nằm chỗ cũ, vẫn cách bài trí cũ, bàn cũ, ghế cũ, hương vị cũ... Chỉ những người cũ ngồi đây chiều nay là bị thời gian thể nghiệm sự nghiệt ngã, ráo riết của nó. Tóc hai chị em bà chủ quán đã trắng xóa.
Hồi mình còn học thì hai mái đầu kia chỉ bạc lai rai, đôi lần thấy họ nhuộm. Khi chị, khi em. Những khi tóc một trong hai người đàn bà lỡ thời bỗng trở lại xanh mịt mùng, luôn xuất hiện một ông ăn mặc chải chuốt bắc ghế ngồi gần quầy nước, cười nói rù rì. Mấy đứa học trò tinh quái ó ré lên, kêu  “Tụi bây ơi, Năm sắp lên xe bông kìa”. Và theo sau đó là tiếng nạt nộ sượng trân của người đàn bà đã qua xuân sắc, “đồ con nít quỷ”.
Nhưng hai chị em mãi chưa kiếm được tấm chồng. Cũng đẹp, hiền hậu, giỏi giắn, chỉ chữ duyên là hẹn nay hẹn mai, rồi biệt mù. “Mấy thằng cha đó hả, toàn hứa rồi xách đít đi mất”, bà Hai cười, trả lời câu hỏi của khách cũ rằng mấy ông hồi xưa chàng ràng ở đây, giờ đâu? Miệng bà móm vì mấy cái răng sâu bị rụng một cách mất trật tự, như hậu quả một cuộc cướp bóc thô bạo. Như không phải tự dưng mà chúng rụng. Một lời hứa lấy đi vài ba năm tuổi, ít nhiều hy vọng, lôi tuột thuốc nhuộm ra khỏi tóc, khắc nhì nhằng thêm vài nếp nhăn lên da. Thời gian đã bạc, biết lấy gì nhuộm bây giờ.
“Em ơi lửa tắt bình khô rượu…”, tự nhiên câu thơ của Vũ Hoàng Chương nhảy nhót trong đầu mình, khi thấy bà Hai cặm cụi dọn ly, còn bà Năm túc tắc cầm giẻ lau bàn, và tiếng ho rớt lay lắt nhẹ hều, không đủ sức nảy lên sàn nhà nhiều mảng gạch đắp vá. Chỗ mà mấy ông tán tỉnh xưa ngồi chéo nguẩy, giờ là cái ti vi màu đang chạy chữ giới thiệu chương trình phát sóng buổi chiều. Hai bà già trở nên rạo rực, “không biết bữa nay họ bắt được thằng trời đánh ấy không hen?”. “Ừ, phim gì vô duyên, lòng vòng mấy bữa rày mà thằng ôn dịch đó vẫn chưa đền tội”.
Cái xao xuyến đó khuấy cái không khí chìm nghỉm ù lì của buổi xế trưa lên, mơn man loang qua chỗ tụi mình ngồi. Bạn dẹp mình qua một bên, phụ họa với hai bà già, hồ hởi bàn tán cái phim Đài Loan dài tập chiếu trên đài truyền hình đang vào độ gay cấn nhất. Mình ngạc nhiên khi biết bạn có thể thảnh thơi khóc cười với phim sến rện ngay vào giờ cơm tối, giờ cả nhà xúm về.
- Giờ đó có ai ở nhà đâu mà không rảnh.
Bạn bồi hồi giải thích. Chồng hứa về ăn cơm, nhưng thường hứng chí tạt qua quán nhậu. Con cũng đi chơi bóng rổ sau buổi học thêm. Có bữa cả nhà rủ nhau đi ăn ốc thì cơ quan chồng tiếp khách đột xuất, “thôi để mai…”. Chừng chục cái mai thì mới thành một bữa ngồi quán tiu nghỉu vì nguội thèm, cụt hứng.
Và gốc cột bị mối ăn, bếp dột, một người họ hàng nằm bệnh cần thăm viếng… bạn hay nhận được lời hẹn: mai. Những hẹn hò bẽ bàng, mòn mỏi vì người hẹn nghĩ rằng mình còn nhiều thời gian phía trước.
Chỉ ti vi là đúng hẹn. Rủ mình đứng lên về, bạn nói phải nấu cơm cho xong trước khi kênh Tám chiếu tập năm mươi bộ phim tình cảm, xong xúc tô cơm vừa ăn vừa coi tập mười hai trên kênh Ba, đến tập ba mươi sáu trên kênh Bảy thì đi ngủ là vừa. Hai bà già bán quán gật gù tán đồng. Buổi tối của những người đàn bà này giống hệt nhau.
Lúc mình với bạn chẻ nhau mỗi đứa đi một hướng, mình sực nhớ tụi mình không hẹn lại cuộc sau, mà hai bà già bán quán cũng không đon đả kêu mai nhớ ghé ăn đá đậu, như mười năm trước. Hẹn hò trở nên đầy rủi ro, gây sát thương trong đời sống quá nhiều bất trắc. Về ngang qua ngôi mộ cổ nằm bên đường, tự hỏi cùng với người nằm dưới mộ này, có bao nhiêu lời hứa được chôn theo, có bao nhiêu thời gian của người ở lại bị bạc màu?

Mẩu tản văn thần sầu!
Làm Gấu nhớ 1 truyện ngắn của Chekhov, cũng một em già như trong hai bà già ở đây, gặp một buổi chiều đẹp trời, bỗng hứng lên, thắng bộ, đi thăm cuộc đời.
Ghé 1 quán, gặp 1 cặp trẻ ngồi cũng khá gần bàn, thấy chúng âu yếm nhau, bà già nghĩ thầm "bồng bồng, đời đẹp thật", cố rỏng tai nghe, thằng bồ nói với em, “đù má” con già, sao không chết đi, coi nó kìa, làm cụt hứng của chúng mình!

Truyện của Chekhov cay đắng hơn, thua cái nhân hậu của Cô Tư!
Tuyệt nhất là câu thơ của ông Thầy của Gấu:
“Em ơi lửa tắt bình khô rượu…"

Tks. NQT

Ðến hẹn với TV [Tin Văn] lại lên, là 1 trong những nét đặc trưng của Miền Nam, thoát thai từ cái thú nghe đọc truyện mà TTT đã từng nhìn ra, qua hình ảnh một đứa bé gái, vào mỗi buổi tối, đốt ngọn đèn dầu, trải tờ nhựt trình ra, và đọc lên một đoạn fơi ơ tông - cái không khí tỉnh lẻ đêm buồn đặc Nam Kít nhờ đó mà văn chương nở rộ - cho bà nội hoặc bà ngoại, và chắc là mấy bà hàng xóm, cùng nghe. Những đoạn ông tả cảnh chợ trên sông, giữa những ghe thuyền, cảnh đi phà, M. Duras [em đầm Nam Bộ, tiền thân của một Linda Lê có thể], cũng rất mê những xen này, nhất là cái cảnh hì hụp húp cháo vịt trên sàn phà… hà, hà!
Vậy mà Gấu, phải đợi đến khi mất Miền Nam, khi Gấu Cái mang mấy đứa nhỏ về quê ngoại, cuối tuần thằng chồng cà chớn về thăm, sáng chú nhật hoặc thứ hai thì mới được hưởng cái thú đi phà đêm, đò đêm, dọc theo 1 con lạch, 1 nhánh sông, ra sông lớn, tới phố thị, lên xe đò về lại Sài Gòn.