*


















29/07/2011 | 06:53

Bữa cơm với ông Nguyễn Cao Kỳ bên chùa Quảng Bá

Bữa cơm cuối năm ấy là cuộc gặp đầu tiên trong đời tôi với ông Kỳ, trước sự chứng kiến của một vị tướng an ninh Việt Nam.

Đã 6 năm trôi qua kể từ lần gặp ấy, vị tướng an ninh của chúng ta nay cũng đã về nghỉ hưu, còn ông Kỳ vừa mới qua đời lúc mờ sáng 23.7 tại Malaysia sau một cơn đau phổi cấp tính.

Đấy là vào một tối cuối tháng Chạp năm Ất Dậu 2005, qua sự giới thiệu từ người con trai của Bác sĩ Trần Duy Hưng- cựu Chủ tịch UBND Hà Nội, tôi đã có cuộc gặp với ông Nguyễn Cao Kỳ. Địa điểm gặp gỡ được chọn là tại nhà của một hoạ sĩ trẻ nổi tiếng, một biệt thự nhỏ nằm sát kề bên chùa Quảng Bá, không xa những vườn đào Nhật Tân đang ủ nụ, giữa xao xác gió đông bắc Hồ Tây.
 

Một tâm trạng thật khó tả lúc ban đầu, nhưng cuối cùng thì cuộc gặp đã diễn ra đầm ấm và thú vị. Đầm ấm vì tất cả coi nhau như bè bạn vong niên, thú vị vì trong đời làm báo, tôi chưa từng bao giờ gặp một nhân vật nào như thế. 

Trước 1975, tôi và ông ở hai bên chiến tuyến. Ông là tướng ngụy, chúng tôi là bộ đội giải phóng. Sau 1975, tôi và đồng đội của tôi là những người chiến thắng. Ông và quân lính của ông là những kẻ chiến bại. Từ ngày ấy, suốt hơn 30 năm ròng, chúng tôi cùng đồng bào mình đổ mồ hôi, sôi nước mắt hàn gắn những vết thương chiến tranh, những vết thương có một phần do chính ông gây ra. 

Từ ngày ấy, cũng suốt 30 năm, sau một cuộc di tản cấp tốc sang Hoa Kỳ, ông lầm lũi định cư tại California xa xôi. Ông ở đó bên những người Mỹ và người Việt di tản, nhạt nhẽo và nhàn tản bóc từng tờ lịch đếm những ngày cuối của cuộc đời xa xứ tha hương. Những tưởng, sẽ chẳng bao giờ chúg tôi gặp lại ông. 

Nhưng rồi , đạo lý cao cả của người Việt Nam mình, chính sách khoan hồng và nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, đã đem lại cho ông Phó Tổng thống chính quyền cũ Sài Gòn một cơ may được trở lại quê hương, để rồi tối ấy, được cùng chúng tôi gặp nhau giữa đất Hà Thành. 

“Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm ...”
 

Người Việt Nam mình có một cách giao tiếp thật hay. Ngồi bên mâm cơm, người ta dễ nói những chuyện khó nói nhất. (“ Chung bát đũa ấy là gia đình đấy”, nhà thơ của dải Trường Sơn thời đánh Mỹ Phạm Tiến Duật từng có lần nhận xét thế, tài tình hay cực đoan?). Năm ấy, ông Kỳ 75 tuổi. Trông ông quá trẻ so với tuổi của mình. 

Tóc muối tiêu cắt cao, áo phông Pháp, quần ka-ki Nhật, trông ông vẫn còn tráng kiện lắm. Mâm cơm được vợ chàng hoạ sĩ dọn ra toàn những món ăn dân tộc: đậu phụ, canh cua, cà pháo, cá rô kho. Ông Kỳ dường như đột ngột trở lại tuổi thơ xưa. Ông bảo “đậu phụ rán là phải chấm mắm tôm mới ngon, chứ madi, xì dầu thế này là chưa đúng kiểu Bắc Kỳ”. 

Rồi cách kho cá, cách nấu canh cua, ông giảng giải chẳng khác gì một lão nông xứ Đoài, chẳng có vẻ gì của một người hơn nửa thế kỷ nay ăn cơm Tây ở nhà Mỹ. Rồi rượu được rót ra những ly gốm Bát Tràng, những ly rượu Vân xứ Kinh Bắc, sủi tăm sóng sánh. Ông Kỳ uống được lắm, chí ít như tôi thấy hôm ấy.
 

Ông bảo nếu không định say, ông uống mấy cũng không say. “Dân pilot là uống thế đó" - ông Kỳ khà khà bảo vậy. Trong không khí như thế, chắc ông cũng muốn ngà ngà đôi chút để mượn rượu mà tâm sự, mà hồi tưởng, mà vượt qua những ngăn cách vô hình không thể nào không có giữa chúng tôi và ông ... 

Tôi giới thiệu với ông rằng ngay bên cạnh chỗ chúng tôi cùng ông đang ngồi là chùa Quảng Bá. Ông chợt sôi nổi hẳn lên khi kể về những rặng ổi Quảng Bá ngày xưa, khi ông và bạn bè trưởng Bưởi (trường Chu Văn An bây giờ), hơn nửa thế kỷ trước đã có những buổi trốn học lên leo trèo hái ổi, chia nhau cũng ở ngay chốn này. 

Rồi ông kể nơi ông sinh ra cũng ở ngay bên cạnh một ngôi chùa, đó là chùa Mía, thị xã Sơn Tây. Hồi đầu năm 2004, khi về quê lần đầu, ông đã tới thắp hương, lễ phật tại chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Thầy. Ông bảo: “Tôi sinh ra bên chùa Mía mà giờ mới lần đầu tiên đến chùa Mía vì tôi rời quê đi từ lúc còn rất nhỏ.” 

Ông Kỳ sinh năm 1930, tuổi Canh Ngọ. Ở thị xã Sơn Tây bây giờ, những người trên 80 tuổi dân gốc còn nhớ ông là con cụ Nguyễn Cao Hiếu. Cụ Hiếu có 3 người con, ông Kỳ là con trai út, trên có 2 chị. Học ở Sơn Tây hết lớp 4 thì cụ giáo Hiếu cho cậu con trai mà cụ cưng chiều nhất về học trường Bưởi Hà Nội. Chính ở trường Bưởi, ông đã lọt vào mắt xanh một cô bạn cùng trường. 

Để rồi, như hôm nay ông kể, trở thành mối tình đầu của ông. “Người ấy” tên là K.N, nay vẫn ở Hà Nội, đã hơn 70 tuổi rồi. Lần này về nước, ông bà có gặp lại nhau. Ông thoáng cười: “Cố nhân” có gặp lại cũng chỉ để mà ôn lại những kỉ niệm, chỉ để mà nhớ lại ngày xưa thôi”. Ông nói vui với người họa sĩ chủ nhà: “Nếu không có chiến tranh, tớ cũng đã chẳng trở thành tướng tá gì đâu, mà có khi lại đi vẽ vời như cậu rồi...
 

Mà ngày trẻ tớ hát hay lắm, đã từng hát và được thâu thanh ở đài phát thanh, thậm chí đã mơ trở thành ca sĩ...”. Cựu Tư lệnh Không lực VNCH Nguyễn Cao Kỳ chợt trầm ngâm: “Ngày xưa, tôi lái máy bay, nhưng có bao giờ được ngắm nhìn đất nước đâu. Ngày trước, bay qua vĩ tuyến 17 là “đất nước” khác rồi. Giờ, một chuyến bay, đất nước liền một dải, vui sướng thật…” 

Đưa ông Kỳ “trở về mặt đất”, tôi hỏi ông thích ai trong các nhà thơ, nhạc sĩ Việt Nam. Ông hào hứng nói ngay: “Văn Cao, Quang Dũng, Hữu Loan”. Ông bảo Văn Cao ngày xưa gọi ông là một “gã ngông Bắc Kỳ”. Ông nhớ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Ông mê lắm “Đôi mắt người Sơn Tây” của nhà thơ đồng hương Quang Dũng. Ai đó trong mâm cao hứng, ngâm nga một đoạn “Đôi mắt người Sơn Tây” cho ông nghe, hình như là vị tướng an ninh của chúng ta thì phải: 

“Đôi mắt người Sơn Tây 

U uẩn chiều lưu lạc 

Buồn viễn xứ khôn khuây...
 

... Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm 

Em có bao giờ em nhớ thương...
 

... Bao giờ ta gặp em lần nữa
 

Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa...” 

Vâng, hôm nay đất nước đã thanh bình nở hoa. Nhưng, tôi như chợt thấy trong đáy mắt ông Kỳ, thoáng “u uẩn chiều lưu lạc”. Chắc chắn không phải chỉ vì rượu, vì thơ? Tôi đột ngột hỏi ông: “Ông nhất định sẽ quay về sống hẳn ở Việt Nam chứ?”. Ông trả lời ngay, như chưa hề bao giờ phân vân, đắn đo: “Nhất định... Nhất định… Tôi sẽ trở về sống ở Việt Nam, ở quê hương mình”. 

“Đứa con xa đã tìm về nhà…” 

Bữa cơm ở Quảng Bá ấy chính là vào cuối ngày ông Kỳ vừa đi Tuần Châu, Quảng Ninh về. Lần về nước đầu tiên vào tháng 1.2004, ông cũng đã đi Tuần Châu. Lần này trở lại Tuần Châu, ông hi vọng "làm được một điều gì đó cho địa danh này nói riêng, cho đất nước mình nói chung”, như lời ông tâm sự . Ông Kỳ và những người bạn doanh nhân cùng đi với ông rất chú ý tới 2 dự án ở Tuần Châu.
 
Đó là dự án xây dựng khu cảng biển lớn nhất Đông Nam Á được Cty Âu Lạc phát hiện tại cửa sông Nam Triệu và dự án xây dựng “thành phố Hạ Long mới” trên diện tích 15.000 ha với các khu đô thị, sân golf, trung tâm thương mại, hội thảo tầm cỡ quốc tế, nhà hát lớn. Lần đi Hạ Long này, bằng sự giới thiệu nghiêm túc và nhiệt tình của mình, ông Kỳ đã góp phần cho ra đời một Cty liên doanh Việt Nam – Hoa Kỳ tại Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu. Cty liên doanh này mang tên “Halong Bay Group”. 

Đối tác phía Việt Nam là Cty TNHH Âu Lạc, phía Hoa Kỳ là Tập đoàn Andy Dye (Florida) và Tập đoàn Tree (Texas), do ông Andy Dye làm Chủ tịch và ông Đào Hồng Tuyển làm Phó chủ tịch. Các bên trong Cty liên doanh đã ký biên bản ghi nhớ việc triển khai 3 dự án đầu tư trị giá gần 1,5 tỷ USD, trong đó dự án xây dựng các công trình mở rộng và hoàn thiện Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu có tổng vốn dự kiến 400-500 triệu USD. 

Việc góp phần cho ra đời và đi vào hoạt động Cty liên doanh nói trên, có thể coi như là một kết quả cụ thể của những dự định về làm ăn kinh tế của ông Kỳ tại quê hương. Trả lời câu hỏi về những tính toán kinh tế cụ thể mà ông dự định tiến hành trong nước, ông bảo: “Tôi đã 75 tuổi rồi, còn làm được gì nhiều đâu. 

May chăng chỉ có thể góp ý (nếu được hỏi) hoặc giới thiệu những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Mình đi ra ngoài nhiều rồi, mình biết những kinh nghiệm làm ăn của người ta thì mình cũng có thể phổ biến lại với người trong nước”. 

Có một người phụ nữ xinh đẹp luôn tháp tùng bên ông Kỳ trong cả 2 chuyến về nước của ông năm 2004. Đó chính là cô Hồng Vân, con gái riêng của bà Lê Kim, người vợ cuối cùng trong số 3 phu nhân Nguyễn Cao Kỳ. 

Cô Hồng Vân cũng là một doanh nhân. Vợ chồng cô đã có doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam nhiều năm rồi . Hồng Vân có lần tâm sự: “Cha tôi rất mãn nguyện vì cuối đời đã được về lại quê hương, và càng mãn nguyện hơn nếu ông có thể bắc được những cây cầu đầu tư kinh tế nước ngoài về quê hương...”. 

Trong cả bữa cơm chiều cuối năm ấy, trong suốt cuộc chuyện trò, tôi vẫn có cảm giác rằng ông, sâu thẳm trong đáy lòng, vẫn giữ một khoảng cách nào đó, cho dù câu chuyện là cởi mở, không khí là ấm cúng. Chỉ duy nhất một lần ông không giữ khoảng cách. Đấy cũng là lần duy nhất ông “khoe khoang” tí chút trong câu chuyện, tuy cũng chỉ là chuyện văn nghệ thôi. 

Ông kể, trước năm 1975, nhạc Trịnh Công Sơn bị chính quyền Sài Gòn cấm một thời. Bản thân ông Kỳ cũng không mấy cảm tình với người nhạc sĩ phản chiến ấy. Thế rồi, có một lần, mấy viên phi công của Không lực Sài Gòn cũ, vừa quen biết với nhạc sĩ họ Trịnh, lại vừa là chiến hữu của ông Kỳ, đã cùng bà Mai vợ ông ngày ấy bố trí một cuộc gặp mặt, để ông được gặp Trịnh và nghe nhạc Trịnh. 

Ông biết mục đích cuộc gặp mà mấy viên phi công ấy tổ chức, nhưng ông vẫn cứ gặp. Thế là, cuộc gặp của ông Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hôm ấy đã diễn ra đúng như ý đồ của mấy người bạn kia. Nó đã trở thành một “chứng chỉ hành nghề”, một “giấy phép lưu hành” cho nhữnng bản nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong chế độ Sài Gòn khi ấy. 

Câu chuyện trên chưa được kiểm chứng. Nhưng, nghe ông Kỳ kể, tôi tin. Nhất là khi ông nhắc tới một bài hát của Trịnh Công Sơn, sáng tác vào giữa những năm 60, để tặng cho một người bạn rất thân của ông, một trong số những phi công có mặt trong cuộc ra mắt của Trịnh Công Sơn ngày ấy. Tôi chợt nghĩ đến một câu của bài hát ấy, sao mà hợp với ông Kỳ trong chiều cuối năm bên chùa Quảng này. Đó là câu hát: “Đứa con xa đã tìm về nhà”. 

Tết năm 2004, ông đã “tìm về nhà”. Ông về đón Tết tại quê hương. Ông đã được các vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Chiến Thắng tiếp đón và gặp gỡ. Cũng từ Tết đó trở đi, sự trở về của ông được coi là bình thường, như hàng vạn hàng triệu những đứa con Việt xa nhà mỗi khi xuân về Tết đến lại tìm về quê mẹ… 

Mấy hôm nay, các báo đưa tin gia đình và người thân của ông Kỳ muốn được đưa ông về an nghỉ ở quê nhà như nguyện ước của ông lúc cuối đời. Ông sẽ về “nằm xuống, sau một lần vào viễn du”, ngay nơi quê cha bên chùa Mía ngoài Sơn Tây, hay gần chùa Vĩnh Nghiêm trong Sài Gòn nơi ông từng một thời tung tác? 

Mà thôi, có về đâu trên đất Việt quê mình, âu cũng là “ lá rụng về cội” mà, chắc ông đồng ý với tôi ? Chứ còn nói rằng “cáo chết 3 năm quay đầu về núi”, ở thế giới bên kia, chắc ông sẽ tủi buồn? Mà nói thế, có lẽ cũng phải tội với ông, với “đứa con xa đã tìm về nhà”, cho dù là đứa con một thời lầm lỗi, một thời tội đồ? Phải vậy chăng?

Theo Vũ Hùng

An ninh Thủ đô