*





Bông hồng là bông hồng là bông hồng (3) 

If you sit long on the bank of the river, you may see the body of your enemy floating by.

Cách ngôn Trung Hoa (Joseph Brodsky trích dẫn trong bài viết "Collector's Item") 

[Ngồi lâu bên bờ sông, có thể thấy xác kẻ thù trôi ngang qua....] 

[On finit toujours par voir passer le cadavre de son ennemi] 

Virtue, after all, is far from being synonymous with survival; duplicity is.

J. Brodsky: "Collector's Item" 

(Sống sót do nhập nhằng, không phải bởi đạo hạnh).

 

Kiều, khi tái ngộ Kim Trọng, nói, của tin còn một chút này... Sau cuộc bỏ chạy tán loạn, may lại thoát ra ngoài, dù quá trễ, của tin còn lại, may mắn làm sao, không có một bài phê bình, điểm sách, tiểu luận, biên khảo, nghiên cứu nào. Tập truyện ngắn, mỏng dính - dấu vết độc nhất đánh dấu những ngày bắt đầu lớn, nhớ Hà Nội, mê Sài Gòn, mê gái, mê viết - lanh chân lẹ tay, ra ngoài này trước tác giả của nó. Gặp lại cố nhân, mừng mừng tủi tủi, "tưởng là cả tao lẫn mày đều chết, mày trong lò lửa, tao trong lò cải tạo, rồi!". Cũng phải cám ơn anh lái sách, xuống thuyền vượt biển còn cố mang theo, làm sao mà anh ta lại biết rằng, mấy thứ này vẫn còn có người mua?

 Chắc chắn chỉ vì cái tên, Những Ngày Ở Sài Gòn.

 Sài Gòn, Sài Gòn, những ngày làm quen thành phố, vào lúc vừa mới lớn, nhận ra cái gọi là libido của con vật cựa quậy ở bên trong con người. Những ngày đọc Võ Phiến.

 Tôi đọc Võ Phiến rất sớm, một phần là do ông anh rể, Nguyễn Hoạt. Ông lúc đó cùng bạn bè chủ trương tờ nhật báo Tự Do, và sau đó, còn làm nhà xuất bản, nơi đã từng in cuốn Kể Trong Đêm Khuya (?) của Võ Phiến. Tôi đọc VP trước đó ít lâu, khi ông anh mang về nhà mấy tờ báo mỏng dính, in ấn lem nhem, như tự in lấy, tờ Mùa Lúa Mới, phát hành đâu từ miền Trung. (1) Tôi chỉ nhớ cái thuở ban đầu làm quen những nhân vật của ông, không còn nhớ đã từng viết về ông, một phần là do, thời gian sau đó, tôi mải mê, ngấu nghiến đọc những tác giả, mà tôi hy vọng họ giúp tôi giải thích tại sao sinh ra, tại sao sống, tại sao chết, tại sao có cuộc chiến khốn khổ khốn nạn đó...

 Những tác giả, thí dụ như Camus, mà câu văn sau đây không thể nào gỡ ra khỏi ký ức, kể từ lần đầu tiên đọc nó, khi mới lớn, trong Sài Gòn...

 Tôi lớn lên cùng với những người của thế hệ tôi, cùng những tiếng trống của Cuộc Chíến I, và lịch sử từ đó, không ngừng chỉ là sát nhân, bất công, và bạo lực...

 [Nguyên văn câu tiếng Tây, hình như là như sau đây,  tiếc rằng, không làm sao tìm lại được "nguyên con", để so sánh: J'ai grandi avec tous mes hommes de mon age, aux tambours de la première guerre, et l'histoire depuis, n'a pas cessé d'être meurtre, injustice, et violence..]

 Chỉ một phần thôi...

  Lý do tôi không đọc Võ Phiến nữa, chính là nhờ ông, tôi lần ra một tác giả khác, giải quyết giùm cho tôi, một số câu hỏi mà những nhân vật của Võ Phiến không thể vượt qua được. Đó là  Stefan Zweig....

  Nhân vật của Võ Phiến rất giống nhân vật của Zweig. Tôi không hiểu ông đã từng đọc Zweig, trước khi khai sinh ra những Người Tù,  Kể Trong Đêm Khuya, Thác Đổ Sau Nhà... với những con người phàm tục, bị cái libido xô đẩy vào những cuộc phiêu lưu tuyệt vời, khi thoát ra khỏi, lại nhờm tởm chính mình, nhờm tởm cái thân thể mình đã dính bùn, sau khi bị con quỉ cám dỗ.... Nhân vật của Zweig cũng y hệt như vậy, trừ một điều: họ đều muốn lập lại cái kinh nghiệm chết người khủng khiếp đó. Và cú thử thứ nhì, lẽ dĩ nhiên là thất bại, nhưng nhờ vậy, họ vẫn còn là người, vẫn còn đam mê, vẫn còn đủ sân si... (2)

  Cái đòn thứ nhì này, tôi gọi là đòn gia bảo, gia truyền, không thể truyền cho ai, bất cứ đệ tử nào, như trong Thuyết Đường cho thấy, Tần Thúc Bảo không dám dạy La Thành cú Sát Thủ Giản, mà La Thành cũng giấu đòn Hồi Mã Thương...

  Trong truyện Ngõ Hẻm Dưới Ánh Trăng, anh chồng biển lận khiến cô vợ quá thất vọng bỏ đi làm gái. Anh chồng tìm tới nơi, lạy lục, than khóc, cô vợ mủi lòng quá, bèn quyết định từ giã thiên thai, trở về đời. Trong bữa ăn  từ giã thiên thai, anh chồng không thể quên tính trời cho, tóm tay anh bồi đòi lại mấy đồng tiền tính dư, cô vợ chán quá, bỏ luôn giấc mộng tái ngộ chàng Kim.

  Hay trong Người Chơi Cờ, nhân vật chính, nhờ chôm được cuốn thiên thư dạy chơi cờ, mà qua được địa ngục. Về đời, thần tiên đã căn dặn, chớ có chơi cờ nữa, nhưng làm sao không? Chơi lần sau, là đi luôn!

  Nhân vật của Võ Phiến, sau cú đầu là té luôn, không gượng dậy được nữa. Thí dụ cái cô trong Thác Đổ Sau Nhà, gặp lại Người Tình Trong Một Đêm, bỗng tởm chính mình: Cớ sao lại ngã vào một tay cà chớn tới mức đó!

  Hay nhân vật Toàn (?) yêu cô gái, con một tay công chức (?), thất tình, anh bỏ đi theo kháng chiến, thay cái "libido" bằng "cách mạng", cuối cùng chết mất xác, không thể trở về đối diện với chính mình, với người yêu đầu đời...

  Ông bố cô gái, nếu tôi nhớ không lầm, thường viết thư sai con đưa tới mấy ông bạn cũ, để xin tiền. Lúc rảnh rỗi, hai cha con không biết làm gì, bèn đóng tuồng, con giả làm Điêu Thuyền, bố, Lã Bố...

  Võ Phiến còn một truyện ngắn, không hiểu sau khi ra hải ngoại, ông có cho in lại không, đó là truyện một anh CS về thành, được trao công việc đi giải độc. Giải độc mãi, tới một bữa, anh nhận ra là thiên hạ chỉ giả đò nghe anh lảm nhảm  tố cộng, nhưng thật sự là đang lo làm việc khác... Tôi không hiểu có phải đây là một thứ tự truyện hay không.

  Lần trở lại đất bắc, tôi gặp một ông rất có uy tín, cả trong giới văn lẫn giới Đảng, (đã về hưu). Ông cho biết, vụ VP bị CS bắt là hoàn toàn có thiệt. Nhưng chuyện ông được tha, không phải như Tô Hoài cho rằng mấy anh đưa người ra bắc trong chiến dịch tập kết năm 1954 đã bỏ sót, mà do một tay tỉnh ủy (?) có máu văn nghệ, đã ra lệnh tha, cho về thành....

  Sở dĩ tôi không thể nhớ đã từng viết về VP, một phần là do lớp chúng tôi chờ mong ở ông cái cú hồi mã thương, tức là cái kinh nghiệm ăn ở với người CS của ông, nó ghê gớm ra làm sao. Sau này, chúng tôi đọc, ở những tác giả khác, Koestler chẳng hạn... Có thể, khi giữ trang VHNT cho Tiền Tuyến, do cần bài, tôi đã viết về ông, và sau này, NXH đã đăng lại trên Văn. Nguyễn Hưng Quốc, trong bài viết "Có mấy NQT", trên Talawas, nhận định, ông không coi những bài viết về VP trước 1975 có giá trị [... của Phan Lạc Phúc, Mai Thảo, Ðỗ Tấn, cô Phương Thảo, Huỳnh Phan Anh, Viên Linh, Nguyễn Quốc Trụ, và Nguyễn Ðình Toàn.... tôi không xem các bài viết hay các trích đoạn ấy có giá trị văn chương hay sử liệu gì quan trọng], những tác giả khác, không dám nói, nhưng với của tôi, cái dở đó có thể còn vì  lý do, là VP đã ở ngoài những thắc mắc văn chương của lớp chúng tôi.

  Qua NHQ, bài viết của tôi về VP có tên là "Thế Giới Truyện Ngắn Võ Phiến": Đã có một thời, thời mới lớn, thế giới đó quả đã ám ảnh cả đám chúng tôi... Cái cảnh mà tôi miêu tả, trong truyện ngắn đầu tay, Những Con Dã Tràng, có thể đã được viết dưới ánh sáng của thế giới truyện ngắn Võ Phiến:

  "Một lần tôi vào xóm chơi bời, đi theo một đứa con gái vào một căn phòng nhỏ, hôi hám, chật hẹp. Ngọn đèn dầu le lói chiếu sáng căn phòng đỏ lờ đờ. Khi tôi quay lại nhìn, cô gái nằm trên giường, thản nhiên chờ đợi, chẳng thèm để ý tới tôi. Đúng lúc đó, tôi chợt nhớ đến một buổi tối ở nhà T. Lúc đó T. đang ngủ. Nàng ngồi choàng dậy, thảng thốt nói: "Không, ai dậy anh làm vậy?" Tôi cười gượng gạo: "Đó chỉ là khám phá bản thân, khám phá thân thể em và anh." Tôi nói gần như thét với đứa con gái: "Cởi quần áo ra!", sự hổ thẹn theo tôi tới tận lúc đó...."

  Ôi chao, cái thời mới lớn.... Bà cụ bạn Cụ Chất, mới đây thôi, trong lần Gấu điện thoại qua Mỹ hỏi thăm, còn nhắc, nhớ ngày nào tính bê tượng Đức Bà về trước căn nhà ở đường Cao Thắng...

 Để sáng chúa nhật, cô con gái của  Cụ đỡ phải mất công ra tận Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn...

  NQT

  (1) Tờ Mùa Lúa Mới, là của Nha Thông Tin Trung Phần, do Thu Tâm (tức Võ Thu Tịnh, giám đốc nha thông tin Trung Việt lúc ấy) làm chủ nhiệm, Đỗ Tấn làm thư ký tòa soạn. Khổ nhỏ... không đến trăm trang, in ngay tại nha Thông Tin bằng một máy cổ lỗ...

 (Trích Võ Phiến:Văn Học Miền Nam, Tổng Quan). Trong bài tựa, VHMN. TQ,  Võ Phiến viết:

 ..... Tập sách này được hoàn tất là do sự giúp đỡ tài chánh của Ủy Ban Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội...

 Không hiểu, Ủy Ban này  là của Mỹ (đại học, hay tư nhân)? Và nếu của Mỹ, tên tiếng Anh của nó?  Hay của Văn Học Hải Ngoại...? NQT

  (2) Trong bài viết [về nhà văn Hòa Lan], Marcellus Emants: A Posthumous Confession [in trong Stranger Shores, nhà xb Viking, NY, 2001], Coetzee cho rằng, nhận xét của Emants, trong một tiểu luận về Turgenev, cũng có thể áp dụng cho chính ông ta [và với tôi, cho Võ Phiến]: Khi còn trẻ [Emants viết], chúng ta tạo ra một lý tưởng kỳ quái về một cái tôi mà chúng ta mong muốn là [cái tôi đó]. Nhưng cuộc đời của chúng ta, với những kiểu cọ của nó, khốn thay, được xác định không phải bởi lý tưởng, mà là bởi những sức mạnh vô thức ở bên trong chúng ta. Chính những sức mạnh vô thức này thúc đẩy chúng ta hành động, và chính những hành động này, sau cùng làm bật ra cái con người mà chúng ta thực sự là. Cái sự cố gắng vô ích, làm sao cho lý tưởng ăn khớp với những sức mạnh vô thức kia, làm chúng ta vỡ mộng, và đau, đau lắm. Nỗi đau càng nhức nhối, khi chúng ta nhận ra, cái hố thẳm không thể vượt qua, giữa lý tưởng và cái tôi thực sự.

 Áp dụng vào trường hợp Võ Phiến, tôi nghĩ, việc ông theo CS là nhằm lấy tập thể hủy diệt cái tôi - một cái tôi bịnh hoạn, thí dụ như nhân vật mang dấu bàn chân của vợ ghi lên ruộng, ở ngoài đồng, về nhà thờ... Và khi thất bại, trở về thành, ông hủy diệt cái tôi đó, bằng cách viết ra, theo nghĩa: viết tức là chữa trị, chữa trị bằng cách phơi bày...

  Emants được coi là nhà văn thuộc trường phái những nhà văn "Tự Nhiên" (Naturalists), bởi vì ông (như anh em nhà Goncourt) quan tâm tới cuộc sống dục tính che giấu của giới trưởng giả, và (như Zola), ông dùng ngôn ngữ của những khoa học mới về di truyền, dòng dõi, và tâm lý trị liệu, để giải thích những động cơ của con người, nhưng vẫn theo Coetzee, trong khi những nhà văn Tự Nhiên viết loại tiểu thuyết kinh nghiệm (roman expérimental), dựa vào những "data", Emants tới với những chất liệu của ông bằng con đường của hồi nhớ, cơ may, và introspection (xem xét nội tâm) [tương tự Võ Phiến], những người đi trước ông thuộc những nhà văn hiện thực Âu Châu, đặc biệt là Flaubert và Turgenev.

NQT