*


Hiếp dâm tiếng Việt... 

Thư Độc Giả 

Trong Hợp Lưu số 53, trang 57, hai "dịch giả !!!" Nguyễn Quốc Trụ và Nguyễn Tiến Văn đã dịch đoạn văn "Le dur desir du durer" là "Dục vọng cương cứng được trường tồn!!! 

Tôi cho đây là một hành động hiếp dâm tiếng Việt rùng rợn và tàn bạo nhất từ trước tới nay. Hơn nữa, hai "dịch giả" này, qua toàn bài dịch, đã trình bày một thứ tiếng Việt tồi tệ, lủng củng chưa từng thấy. Hai vị này viết tiếng Việt như học sinh ngoại quốc đang lấy lớp "Vietnamese 101". 

Chữ Nghĩa là chuyện của quí Trời cho. Mong Hợp Lưu chịu khó duyệt kỹ bài trước khi đăng. Xin đừng vì chỗ quen biết, nể tình mà cho đăng mấy bài như thế này. Làm như vậy là tội nghiệp Tổ Tiên dữ lắm đó. Xin đội ơn nhiều lắm! 

Chúc Hợp Lưu ..... không phải "bị đăng" mấy bài như thế này nữa. 

Đoàn Đức Chính 

 Nguyễn Tiến Văn trả lời: 

1. Tác giả và dịch giả bao giờ cũng biết ơn người đọc mình, và càng biết ơn những người đọc đóng góp ý kiến. 

2. Câu văn "le dur désir de durer" (trong thư email viết sai là "le dur désir ‘du’ durer"), chúng tôi dịch là "dục vọng cương cứng được trường tồn" sai ở chỗ nào, và xin cho biết nếu sai, phải dịch lại như thế nào? 

3. Ngôn ngữ Việt Nam từ trước, trong đời thường, trong ca dao tục ngữ, trong Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du không hề sợ hãi và giả hình khi nói đến thân xác, tình tự cũng như dục vọng của con người. Thí dụ câu "người ta là hoa của đếch", phổ thông khắp miền Thanh Nghệ Tĩnh, đã bị chép và giảng dậy qua sách giáo khoa là "người ta là hoa của đất". "Đếch", tức âm hạch (clitoris), hay cái mồng đốc ở trên cửa mình người phụ nữ. Câu này bị ghi sai hiểu sai, chính vì sự sợ hãi dục tính và thân xác. Thời tiền chiến, khi Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc sưu tập 8 ngàn bài cho tập "Tục ngữ Phong dao", ông đã giữ nguyên những câu nói truyền miệng của dân gian. Sau này, dưới chế độ Cộng sản, Vũ Ngọc Phan khi biên tập bộ "Tục ngữ ca dao dân ca", đã loại bỏ hết những gì bị coi là tục tằn. Ngay tại phương Tây, tất cả sách giáo khoa và từ điển về ngôn ngữ cũng phải đợi đến sau cuộc cách mạng tính dục giải phóng thân xác và giải phóng phụ nữ của thập niên 1960-70 mới dám ghi nhận những từ như "fuck" (địt, đụ), cunt (lồn). Cho tới năm 1994, bộ "Từ điển tiếng Việt" do Hoàng Phê chủ biên, có lời khen và đề tựa bằng thủ bút của thủ tướng Phạm Văn Đồng, xuất bản tại Hà Nội, vẫn ngang nhiên kiểm duyệt, loại bỏ những từ như lồn, cặc, địt… ra khỏi kho từ ngữ của người Việt. Ngôn ngữ không thể bị hiếp dâm, chỉ có thể bị công an và những phần tử giả trá "thiến" mà thôi. Những từ nôm na, thân mật mà ông bà cha mẹ truyền lại không tội tình gì, và không ai có quyền cấm đoán, hoặc đục bỏ. Chỉ những năm gần đây nhà văn nhà báo Việt Nam mới đủ can đảm để sử dụng toàn bộ tiếng nói của tổ tiên mà không sợ hãi. Những vụ án kiểm duyệt D. H. Lawrence ở Anh, James Joyce, Henry Miller ở Mỹ, cũng như Marquis de Sade, Gustave Flaubert, Charles Baudelaire ở Pháp là những bằng chứng ô nhục của toà án trong lịch sử văn học. Coi những hoạt động bình thường trong sinh lý là hủ hóa, là những dấu vết của cực quyền nhà thờ, hoặc nhà nước mà mọi người đều có bổn phận phải đối kháng. Vào năm 1968, Bộ Thông Tin và Chiêu Hồi kiểm duyệt bản dịch tác phẩm Ngàn Cánh Hạc của Kawabata, cho là khiêu dâm; và năm 1984, khi Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đục bỏ những đoạn làm tình trong tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn của Garcia Marquez, chứng tỏ sự ấu trĩ của giới cầm quyền Việt Nam cả hai miền đối với văn học thế giới và sự thô bạo đối với những tác phẩm đã vinh dự được giải thưởng Nobel văn chương, và được toàn thể loài người yêu quí. 

Nguyễn Quốc Trụ trả lời:

Câu "le dur désir de durer", theo ý tôi, là câu văn-chìa khóa của bài viết. Mở bài, G. Steiner "phang" một câu: "Khi nhìn lại, nhà phê bình thấy cái bóng viên hoạn quan ở ngay sau lưng." Ông như muốn "cảnh cáo" những phê bình gia: coi chừng bị đại nạn như Tư Mã Thiên! Do đó, chúng tôi cố gắng dịch câu "le dur désir de durer" như trên. G. Steiner đã để nguyên câu văn tiếng Pháp, chắc vì ông tin rằng, những độc giả hiểu cả hai ngôn ngữ Anh và Pháp, sẽ nhận ra hàm ý của ông.

 

5. Dịch là phản, như chúng ta đều biết. Nhưng, không thể không dịch, bởi vì như G. Steiner, trong Nhân Văn, đã khẳng định: "… chẳng có tương đương thực sự giữa những ngôn ngữ, mà chỉ có bội phản; nhưng toan tính chuyển dịch là một yêu cầu hoài hoài, nếu bài thơ [được viết ra là để] sống trọn cuộc đời đầy ứ của nó." Phải chi mà Đoàn Đức Chính đưa ra một câu văn dịch khác, thay cho câu của chúng tôi, như vậy là câu văn "le dur désir de durer" lại có thêm một cuộc đời nữa. Ông viết, "… hai dịch giả này, qua toàn bài dịch đã trình bầy một thứ tiếng Việt tồi tệ, lủng củng chưa từng thấy." Ai bị chê, cũng thấy "quê", nhưng ngay sau đó, ông viết tiếp, "Hai vị này viết tiếng Việt như học sinh ngoại quốc đang lấy lớp "Vietnamese 101"; chính câu này của ông làm chúng tôi "ngộ" ra một điều là: nỗi khó khăn của những học sinh ngoại quốc khi học tiếng Việt, cũng chính là nỗi khốn khó của chúng tôi, khi dịch tiếng nước ngoài.

 

"Những cuốn sách lớn được viết bằng một thứ tiếng nước ngoài" (Great books are written in a kind of foreign language. Proust, Contre Sainte-Beuve, Daniel W. Smith và Michael A. Greco dịch qua tiếng Anh). Theo nghĩa đó, bất cứ một bản dịch nào cũng có phần "tồi tệ, lủng củng", nhất là khi đụng tới một hệ tư tưởng khác, thí dụ như hệ tư tưởng Âu Châu, mà G. Steiner là một trong những người đại diện đích thực của nó. Trong một bài viết khác, Steiner khẳng định: "Chẳng có dịch thuật, ngoại trừ dưới điều kiện khủng hoảng tri thức luận". Ngôn ngữ ngoại, mà Proust nói, theo triết gia Gilles Deleuze giải thích, còn là hiệu quả của văn chương đối với ngôn ngữ. Nó mở ra một thứ ngôn ngữ ngoại bên trong một ngôn ngữ… một ‘trở nên-khác’ của ngôn ngữ. G. Deleuze trích dẫn Kafka, khi để cho một nhà vô địch bơi lội nói: "Tôi nói cùng một ngôn ngữ với ông, vậy mà tôi không hiểu dù chỉ một từ ông nói." (I speak the same language as you, and yet I don’t understand a single word you’re saying). 

Về câu "xin đừng vị nể…", xin để nhà văn Khánh Trường thay mặt ban biên tập Hợp Lưu, trả lời. 

Khánh Trường trả lời: 

Từ lúc HL ra đời đến nay, mười một năm, chúng tôi đã cố gắng không để tờ báo rơi vào tình trạng thù tạc, tung hứng, hoặc "bị đăng" bài của các tác giả. Chính vì vậy, HL mất đi một số văn hữu cộng tác. Phàm, hầu hết các nhà văn nhà thơ, thành danh, hoặc nghĩ rằng mình đã thành danh, gửi bài đến các tòa báo, đều mặc nhiên cho rằng các chủ biên phải có bổn phận sử dụng! Riêng HL, từng nhiều lần không làm tròn "bổn phận", khi nhận thấy những bài viết ấy chưa đạt yêu cầu mong muốn. Tôn chỉ của chúng tôi: chỉ đăng những gì xứng đáng đăng. Nếu buộc phải chọn lựa một bài viết tệ của một tên tuổi lớn và một bài viết giá trị của một ngòi bút vô danh, chúng tôi chọn người thứ hai. Trình bày rõ với ông như thế, nhằm mục đích nhấn mạnh, một lần nữa, chủ trương của chúng tôi: chỉ đăng bài do giá trị tự thân của bài, chứ không đăng bài vì "bị đăng", vì "vị nể". 

Thay mặt ban biên tập, cảm ơn góp ý của ông.

 HỢP LƯU