*






Đáp lời Hoặc Ngữ
 

Trên diễn đàn bạn Talawas, có một bài viết của Hoặc Ngữ, mà tôi trích đoạn sau đây. Tôi đã viết mail riêng cho tác giả, qua ban chủ trương Talawas, chân thành cám ơn sự chỉ giáo về điều mà ông gọi là "khó coi". Nay xin tường trình cùng độc giả VHNT và Tin Văn.

NQT

"Thông thường, trong các cuộc đàm luận về dịch thuật, người ta thường bảo nhau rằng để bản dịch bớt sai sót, người dịch phải có hiểu biết về văn hoá của quốc gia làm chủ thứ tiếng của văn bản gốc. Chẳng hạn, để dịch nhóm chữ "Extraordinary Fellow", người dịch phải biết rõ các chức năng và trách vụ trong sinh hoạt hàn lâm của các học viện ở Anh quốc, chứ không thể tỉnh khô quăng ra nhóm chữ kỳ quặc "Người Bạn Khác Thường", như Nguyễn Quốc Trụ đã "dịch" ra Việt ngữ chức vụ của George Steiner tại Học Viện Churchill thuộc đại học Cambridge. (Xem bản dịch của Nguyễn Quốc Trụ ở http://www.saomai.org/~tinvan/unicode/pv/pv06_george_steiner.html) Ðọc nhóm chữ "Người Bạn Khác Thường", chắc chắn độc giả Việt Nam trong nước sẽ chẳng đoán nổi ông Steiner làm gì ở Học Viện Churchill. Tôi trộm nghĩ có lẽ nên dịch nhóm chữ "Extraordinary Fellow" thành ra "Viện Sĩ Kiệt Xuất", hay "Viện Sĩ Ưu Việt", chẳng hạn, thì dễ hiểu hơn và chính xác hơn chăng? 

Tuy nhiên, đối với độc giả phổ thông, những sai sót như thế của dịch giả có thể tạm... "thông qua", vì cái ông Steiner gì đó có là "Người Bạn Khác Thường" của học viện gì đó ở Anh quốc thì cũng chẳng sao cả. Vâng, tạm "thông qua", vì không rành văn hoá của nước ngoài thì "nhìn chung" cũng có thể châm chước được (mặc dù đối với giới dịch thuật chuyên nghiệp thì đây là điều không thể khoan thứ)." 

[Cụm từ "Extraordinary Fellow", tôi đã tạm dịch là Nghiên Cứu Sinh, và để trong ngoặc đơn nghĩa đen, vì trộm nghĩ, trong nghĩa đen mang tính khiêm tốn của nó, đã gói trọn, những... nào là Nghiên Cứu Sinh, Viện Sĩ Kiệt Xuất, Ưu Tú... rồi. NQT]

"Nhưng dịch mà không rành văn hoá nước mình là điều thật khó "thông qua". Thật ra, trong các cuộc đàm luận về dịch thuật của chúng ta, tôi cũng chưa nghe ai nhắc đến điều kỳ cục này. Có lẽ vì đó là điều khó có thể xảy ra. Ấy vậy mà nó lại xảy ra mới thật là đau chứ! 

Năm 1997, trong lúc đọc tạp chí Thơ (số 11), tôi tình cờ thấy một bản Việt ngữ của bài thơ "El guardián de los libros" của Borges do Nguyễn Quốc Trụ thực hiện. (Bản dịch này hiện đang được đăng lại trên http://www.saomai.org/~tinvan/unicode/cn/cn06_borges_noi_ve_tho.html). Borges là một tác giả tôi say mê, và bài thơ ấy cũng là một bài thơ tôi đặc biệt yêu thích, vì có lẽ đó là bài duy nhất Borges viết về Trung Hoa. Tôi lập tức đọc bản dịch Việt ngữ. Và tôi... lạnh mình. Ngay từ những câu đầu tiên của bài thơ, Nguyễn Quốc Trụ đã dịch như thế này: 

Người Giữ Những Cuốn Sách 

Sừng sững nơi đây: Những khu vườn, những miếu đền và lý do của những

      miếu đền;

đúng: âm nhạc, đúng: những từ;

hình sáu điểm sáu mươi-bốn; những buổi lễ; chúng là sự uyên thâm độc nhất

ông trời dành cho con người;
...

 

Nguyên tác tiếng Tây Ban Nha của đoạn thơ trên là thế này: 

El guardián de los libros 

Ahí están los jardines, los templos, y la justificación de los templos,

la recta música y las rectas palabras,

los sesenta y cuatro hexagramas,

...

 Tạm bỏ qua mấy chỗ chướng mắt nho nhỏ như những dấu hai chấm vô nghĩa, chẳng hạn; hay như nhóm chữ "la recta música y las rectas palabras" (trong bản Anh ngữ là "exact music and exact words"), mà Nguyễn Quốc Trụ dịch thành "đúng: âm nhạc, đúng: những từ" (sao không dịch là "chính nhạc và chính ngôn"?); tôi xin thú thật rằng tôi... nín thở khi thấy nhóm chữ "los sesenta y cuatro hexagramas" (trong bản Anh ngữ là "the sixty-four hexagrams") bị ông dịch thành "hình sáu điểm sáu mươi-bốn". 

Bài thơ này nằm trong một bài phỏng vấn Borges, do Di Giovanni thực hiện. Như thế, Nguyễn Quốc Trụ hiển nhiên đã dịch từ bản tiếng Anh. Theo như diễn biến của cuộc phỏng vấn đó, sau khi nghe Di Giovanni đọc hai câu "exact music and exact words, / the sixty-four hexagrams", Borges đã ngắt lời và giải thích rất rõ ràng ý đồ của mình. Thử đọc lại bản dịch của Nguyễn Quốc Trụ ở đoạn này: 

Di Giovanni:

Exact music and exact words;

the sixty-four hexagrams... 

Borges: Tôi đang nghĩ đến The Book of Changes, hay I Ching, và những hình sáu điểm... 

Như thế, Borges cho biết rõ rằng ông viết hai câu thơ trên khi đang nghĩ đến Kinh Dịch. Tôi ngờ rằng Nguyễn Quốc Trụ không biết "The Book of Changes", hay "I Ching", tức là Kinh Dịch, và có lẽ ông cũng chưa hề đọc Kinh Dịch hay bất cứ sách nào về Kinh Dịch, nên ông mới bạo gan sáng tác một nhóm chữ vô nghĩa là "hình sáu điểm sáu mươi-bốn" để dịch nhóm chữ "the sixty-four hexagrams". 

Ở đây, tạm bỏ qua hiểu biết căn bản về Kinh Dịch, chỉ riêng việc chuyển ngữ trực tiếp đã vấp phải sai lầm trầm trọng. Tệ lắm cũng phải dịch "the sixty-four hexagrams" thành "sáu mươi bốn hình sáu điểm" cho đúng văn phạm, chứ sao lại thành "hình sáu điểm sáu mươi bốn"? Mà người dịch "thật rành rẽ tiếng Việt" thì sao lại có cú pháp lạ lùng như thế! 

Thật ra, có lẽ đa số người Việt có hiểu biết căn bản về văn hóa Ðông Á đều hiểu ngay "the sixty-four hexagrams" là "lục thập tứ quái", hay dễ hiểu hơn, là "sáu mươi tư quẻ sáu vạch". Từ "sáu mươi tư quẻ sáu vạch" ở Ðông Á, chạy sang tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh thành "los sesenta y cuatro hexagramas" và "the sixty-four hexagrams", thì chẳng có gì rắc rối. Ðến khi nó chạy ngược về tiếng Việt, qua trung gian dịch thuật của Nguyễn Quốc Trụ, thì thành... sấm: "hình sáu điểm sáu mươi bốn". Ðố ai hiểu đó là cái gì nữa?"
HN
*

Về Borges, bài dịch của tôi, lần đầu đăng trên tạp chí Thơ (1997, hình như vậy), sau đăng lại trên VHNT. Từ đó, bao nhiêu nước chảy qua cầu, tôi đã được hơn một người bạn khác thường, hay nói rõ hơn, những độc giả thân mến, chỉ ra sai sót, nhưng vẫn quên, khi update trang Tin Văn. 

Tôi ra được ngoài này, là năm 1994. Trước đó, tôi chưa hề làm quen, hoặc có ý định sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ dịch thuật. Có thể nói, những bài dịch vào thời điểm 1997 là những bài tập non nớt, đầu tay của một người chợt nhận ra phần số những ngày chót đời của mình. Thành thử đầy sai sót. Tôi đã có ý định, sẽ dịch lại chúng, nhưng do lu bu update trang Tin Văn, nên chưa có thời giờ... Vả chăng, khi coi "rành rẽ tiếng Việt" như là điều kiện tiên quyết trong dịch thuật, tôi không hề tự nhận là một trong số những người thật rành rẽ tiếng mẹ đẻ. 

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn sự chỉ giáo của tác giả Hoặc Ngữ. Mặc dù bài viết không được "nhẹ nhàng", nhưng chính nhờ vậy mà tôi có dịp tâm sự cùng độc giả VHNT và Tin Văn. 

NQT