*
Ghi



















Một chủ nhật khác

Kiệt sống ở ngoại quốc trên mười năm. Mười tám tuổi đỗ tú tài, ông bố vận động cho đi du học. Bố Kiệt, một người thức thời, hồi cư về đến Hà Nội đã bán hết cơ nghiệp mấy đời tạo lập ở Hải Dương, đưa gia đình vào Sàigòn kinh doanh trước năm 54. Kiệt thật tâm không thích đi xa, mẹ chàng cũng không muốn rời đứa con độc nhất của bà. Nhưng cả hai không thể cưỡng ý ông bố. Ông không muốn con trai ông đi lính. Ngày Kiệt đi, hai mẹ con cùng khóc sụt sùi. Là con một nên từ bé đến năm mười tám tuổi (bình yên ở nhà quê đã có thể lấy vợ đẻ con rồi) Kiệt chỉ sống quẩn bên gấu quần mẹ.
Kiệt học cơ khí ở Đức, học Quản Trị ở Mỹ. Việc học hành của chàng tuân theo sự chỉ dẫn của ông bố. Chàng không hề bầy tỏ ý kiến riêng. Kiệt là đứa con chí hiếu. Nếu được tự lựa chọn, chắc Kiệt học Canh Nông và Âm Nhạc. Trong những năm tản cư chạy loạn, chàng thích đời sống rẫy bái. Còn Âm Nhạc là mối đam mê suốt thời thơ ấu mà chàng phải giấu ông bố. Chỉ mẹ biết mà thôi. Nhưng người đàn bà ấy, bình lặng đơn sơ như chiếc bóng bên con, không hiểu gì về những cõi xa xôi ngoài thực tế. Yêu con nhưng sợ chồng, bà không dám chia sẻ mối đam mê của Kiệt. Ngày nhỏ, Kiệt chỉ hát khi nhà vắng bố. Kiệt có một cây kèn harmonica, thường thổi cho mẹ nghe những buổi chiều tối hiu quạnh thui thủi hai mẹ con với nhau.
Ngày Kiệt đang ở Đức, mẹ chàng mất. Chàng chỉ được bố báo tin sau khi chôn cất bà xong xuôi. Ông không muốn chỉ vì những lễ nghi hình thức bắt Kiệt về chịu tang, và dù về cũng chẳng kịp - bà chết vì bệnh cảm mạo mau lẹ, bất ngờ. Kiệt thương mẹ, lòng cảm thấy bất nhẫn, nhưng chàng chẳng có lý lẽ nào để chê trách bố. Ông cũng đau khổ chứ?
Ngày ấy, nơi xứ người, lần đầu trong đời, Kiệt một mình dến quán rượu uống say bí tỉ, khóc mẹ. Cũng lần đầu, trong cơn say, Kiệt thù hận những lo lắng, tính toán quá sáng suốt lạnh lùng của ông bố. Mẹ chàng đã đau khổ những năm chàng ở xa, đau khổ hơn nữa, lúc nhắm mắt lìa đời cũng không được nhìn mặt chàng. Nếu như Kiệt nhất định không chịu rời mẹ, chàng không đi học nước ngoài?
Cánh cửa phòng Kiệt đã kéo khép, bây giờ gió xô hé. Ánh đèn rọi vệt sáng nghiêng trên hành lang.
Kiệt mơ hồ thấy một cánh bướm đen bay lạc vào bóng tối cuối hành lang nơi có những phòng bỏ trống.
Đáng lẽ Kiệt phải tức tốc bay về khi hay tin mẹ mất dù đã trễ muộn. Dù bà chẳng còn có thể nhìn thấy mặt chàng và chàng cũng chẳng còn nhìn thấy mặt bà. Dù chàng có bị giữ lại. Đáng lý chàng phải bay về nôn nả như sau này chàng đã đáp ứng lời gọi của Thùy. Chàng đã không làm, tại sao?
Sau khi mẹ chết Kiệt quyết định vĩnh viễn không về nước. Thùy làm chàng thay đổi quyết định.
Mấy tháng đầu trở lại quê hương, Kiệt lạc mất quá khứ. Đầu mối ràng buộc chàng với quãng đời mười tám năm ở xứ sở là mẹ chàng đã đứt. Chàng đến thăm ông bố. Ông đã lập gia đình, có ba đứa con với bà vợ sau. Hai bố con ngồi với nhau trong phòng khách. Ông mời chàng về ở trong nhà, chàng từ chối. Ông mời chàng lưu lại dùng cơm tối, giới thiệu chàng với vợ con ông và tiễn chân chàng tới tận cổng ngoài, bắt tay từ biệt hẹn tái ngộ. Chàng mời ông đứng chủ hôn lễ của chàng và cảm ơn ông về tất cả những nghi thức phiền toái ông phải làm vì chàng. Kiệt không hiểu tại sao bao nhiêu năm trời chàng đã tuân hành theo ý ông chẳng dám thốt một lời phàn nàn.
Kiệt lạc lõng giữa những kỷ niệm hờ hững của mọi người và những kỷ niệm lác đác le lói nơi chàng. Chàng chẳng tìm thấy bóng chàng đâu cả. Mẹ chàng đã mang theo xuống mồ.
Nếu Kiệt không về ngày ấy, chàng đã qua Phi Châu. Kiệt được tuyển làm chuyên viên trong một tổ chức của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng Kiệt đã về.
Mấy đứa sang cùng chuyến với Kiệt biệt tăm luôn. Chúng sống dễ dàng. Có công ăn việc làm, lấy vợ đẻ con theo nền nếp dân bản xứ chính cống. Có đứa làm nên danh phận, có đứa đóng vai lưu vong. Có đứa lêu bêu khốn khổ. Chẳng đứa nào tơ tưởng đến quê hương, chốn ấy chỉ còn trong kỷ niệm để nhắc nhở khi gặp nhau. Đến một ngày rồi chúng cũng chẳng cần thiết nhắc nhở nữa.
Kiệt nhớ đứa cháu họ như là bạn ở phương trời ấy. Hắn phá ngang sống đời nghệ sĩ. Vẽ tranh, tập sự nghề điện ảnh, làm bài hát, viết truyện trinh thám ký tên đặc Tây. Và chết vì bệnh lao phổi. Kiệt cũng có thể sống một đời như thế, tại sao không? Đó chẳng là cách biệt tích ư?
*
Ông bố của tay Kiệt này, nguyên mẫu ngoài đời, là ông già của BHD.
Ông này, cũng thức thời, bỏ chạy Hà Nội, vào Sài Gòn với sản nghiệp mang theo, cũng tàn nhẫn như mọi ông bố Bắc Kít, nhưng chỉ đến khi BHD ra đi rồi thì Gấu mới nhận ra thông điệp của Em để lại.
Một mình em phải gọi ông ta là Bố, là đủ rồi!

*

Volkov: Viết về Stravinsky, Auden cho rằng chính cái gọi là tiến hoá tách biệt một nghệ sĩ bậc thầy với thứ cà mèng. Đọc hai bài thơ của một thi sỡi cà mèng, bạn không thể nào nhận ra, bài nào viết trước, bài nào sau. Nói như vậy có nghĩa, khi tới một độ chín nào đó, nhà thơ cà mèng bèn dừng lại, và cứ thế dậm chân tại chỗ. Còn thứ nghệ sĩ lớn lao đếch bao giờ hài lòng với đỉnh trời này, bèn leo lên đỉnh trời cao hơn...

Brodsky: Trời hỡi, bạn nói đúng quá đi mất. Người Nhật nói tới sự mạnh khoẻ trong tiến trình sáng tạo. Khi một nghệ sĩ đạt đến sự trưởng thành, anh ta bèn đổi văn phong, thay cả tên của mình. Hokusai chẳng hạn, có chừng ba chục thời kỳ khác nhau.

Bạn nhìn ra một vô cùng cách biệt giữa Thơ Ở Đâu Xa và những tập thơ trước đó của TTT.

Điều này dễ hiểu, một trước, một sau, Trại Tù.

Nhưng lạ nhất, là sự vô cùng cách biệt, giữa Một Chủ Nhật Khác và những tác phẩm trước đó.

Có lần, một anh bạn cho biết, anh không thích Một Chủ Nhật Khác bằng Bếp Lửa.

Và anh giải thích: không có đám mình trong đó.

Cái anh chàng Kiệt bỏ chạy, rồi vội vàng bò về, vừa kịp để... chết, làm sao lại là một trong đám mình được?

*

Ở đầu truyện có cảnh Kiệt, đang học trong quân trường Thủ Đức, chắc vậy, được ngày phép cuối tuần, thay vì như mọi người, về hú hí với vợ con, chàng bèn nhẩy xe lô, ra bến xe đi một lèo xuống Mỹ Tho, có thể Cai Lậy, kiếm khách sạn ngủ, đêm thèm chết quá, bèn cứa mạch máu tay, sao không chết, bèn lủi thủi về nhà, bị vợ tra vấn quá, phịa chuyện gặp người tình cũ, cả hai đồng ý cùng chết, nhằm trốn tránh ba cuộc: Cuộc đời, cuộc tình, cuộc chiến.

Tới cuối chuyện, cảnh này mới thực sự xẩy ra, như trên cho thấy.

Độc giả tự hỏi: Khi tác giả viết đoạn đầu, liệu ông đã nhìn ra đoạn sau?
*
Lạ, cảnh trên Hai Lúa cũng đã từng trải qua. Ấy là cái chuyện một ngày cuối tuần về Mỹ Tho, Cai Lậy, để kiếm một cô gái, chỉ mới nghe được tên.
Những ngày đó, Sài Gòn chưa hế biết đến chiến tranh.
*
Tôi biết anh còn muốn kể lại, lần đầu tiên anh xuống xe đò, đi lang thang trên con lộ dẫn vào quận lỵ, khi đi ngang cây cầu gỗ, rồi tiếng đạn từ chi khu bắn đi nghe chát chúa bên tai. Đó là lần đầu tiên anh nhận ra chiến tranh có thật, và tất cả những gì anh tưởng tượng về cô bạn đều có thật. Mặt nước sông nhăn nhó để lộ sự giận dữ của thiên nhiên, vẻ gớm ghiếc của số mệnh. Cùng lúc anh nhận ra nỗi đau khổ, sự thông cảm. Sau mặt nạ đầy hăm dọa của dối trá, anh nhận ra một khuôn mặt khác, một cuộc đời khác, đúng không, đúng không?...

Tự Truyện
*

Joseph Brodsky lại đưa ra một lời giải thích khác, khi được hỏi, tại sao thiếu vắng cái gọi là "cảm xúc nói ra lời hung bạo" (biểu hiện bạo động của cảm xúc, violent expression of emotion), trong thơ của những nghệ sĩ phổ cập, đại chúng, như Pushkin, Mozart, thí dụ vậy.

"Không có biểu hiện hung bạo của cảm xúc ở Mozart, bởi vì ông vượt lên trên cõi đó."

-Nhưng như vậy là thi sĩ muốn nhắm tới một thứ thơ "trung tính", vượt lên trên mọi cảm xúc?"

Nhà thơ trả lời, đây là vấn đề thời gian. "Cội nguồn của âm điệu [của thơ], là thời gian. Bạn chắc còn nhớ, tôi đã từng nói, bất cứ một bài thơ đều là thời gian được sắp xếp lại?… "Thời gian nói với từng cá nhân chúng ta bằng những giọng điệu thay đổi. Thời gian có giọng trầm bổng của riêng nó…"

Thời gian có giọng trầm bổng của riêng nó.

Điều này giải thích những dòng thơ "thiền" trong Thơ Ở Đâu Xa với những dòng thơ trước đó của Thanh Tâm Tuyền.
*
Khủng khiếp thay là trí tưởng tượng của Gấu! Vừa nghe đánh ầm một tiếng, quả pháo đầu tiên từ chi khu bắn đi làm mặt nước sông run lên bần bật, thì cái đầu của Gấu cũng ngộ ra là, mình yêu cô bạn, phải như thế, đúng như thế, nếu không làm sao có chấn động khủng khiếp đến như thế, vào đúng lúc đó ?
Nhưng có thể, cảnh phiên chợ vội vàng thu vén, chờ đêm xuống, giao lại cho VC, đã khiến cho tình cảnh thê thảm thêm lên chăng?

Ui chao, bao nhiêu nằm trời, vậy mà đọc Rừng Tràm một cái, là đồng loạt hiện về, phiên chợ chiều Cai Lậy, cây cầu gỗ, mặt nước sông…
*
Nhưng đâu chỉ riêng Gấu... khùng. Pamuk cũng khùng như vậy, và giải thích cho cái sự khùng điên của mình, bằng cách lấy một câu của Proust làm đề từ cho cuốn Lâu Đài Trắng của ông:
To imagine that a person who intrigues us has access to a way of life unknown and all the more attractive for its mystery, to believe that we will begin to live only through the love of that person - what else is this but the birth of great passion?
Marcel Proust, from the mistranslation of Y.K. Karaosmanoglu
Phiên chợ chiều vội vàng thu vén, cây cầu gỗ, tiếng đại bác bắn đi, mặt nước sông nhăn nhó.... là cái chi chi, nếu không phải là sự ra đời của một đam mê lớn: Cô bạn của Gấu?

,*


Đà Lạt

Một Chủ Nhật Khác: Cuốn tiểu thuyết duy nhất, đầu tiên, và có thể, cuối cùng của Thanh Tâm Tuyền?
Trường hợp MCNK làm nhớ tới Những Kẻ Làm Bạc Giả của Gide. Cũng một cuốn tiểu thuyết duy nhất của một nhà văn với hầm bà làng tác phẩm.
"Không có bạn, liệu tôi viết nổi cuốn sách này không? Tôi nghi ngờ điều đó, bởi vậy xin tặng bạn cuốn sách này."
Đó là lời đề tặng, trên bản thảo cuốn Những Kẻ làm Bạc Giả, của André Gide.
Khi được xb, lời đề tặng ngắn gọn hơn, nhưng giật gân hơn: “Tặng Roger Martin du Gard cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi”.
Có giai thoại, Gide viết tác phẩm trên, khi bị Martin du Gard chê, bạn đếch biết viết tiểu thuyết.
*
Ở một trong những chương đầu Một Chủ Nhật Khác, tác giả mô tả giáo sư Kiệt.

-Succès fou. [Thành công như điên], Duy phụ họa - Giáo sư Kiệt có một vẻ đẹp "tàn nhẫn", "đầy đực tính" không tưởng nổi. Tôi đã từng nghe một cô sinh viên phê bình. Nguyên văn đấy.
Nhưng suốt cả cuốn truyện, anh chàng xuội lơ.

Lần đầu đi với em Oanh, mồ hôi đầy tay, đổ cho bịnh khỉ gì đó, [Em có hiểu tại sao chân anh run, đó là tại anh bị bệnh tê thấp. Khúc Thụy Du, Du Tử Lê]. Lần vợ lên thăm, cứ trơ ra, ỳ ra!