Tôi không lạc quan như Nguyên Ngọc
17:02' 05/12/2005 (GMT+7)
(VietNamNet) - Chúng tôi định viết
mail trả lời ông rằng:
chuyên đề này đã mở ra và cũng đã đóng lại nhưng không có gì nối kết
giữa
chúng, cứ như ngôi làng có cả cổng tiền lẫn cổng hậu nhưng khoảng giữa
chỉ là
khoảnh đất trống vắng, không người...
Lời người biên tập: Khá lâu sau khi
chuyên đề "Tiểu
thuyết Việt Nam đang ở đâu" được khép lại vì lý do những người tham gia
chỉ coi đây là dịp phô trương các quan niệm mà nội hàm của chúng còn
rất mỏng,
rất mờ nhạt, chúng tôi đã nhận được bài viết của nhà phê bình văn học
Vương Trí
Nhàn. Chúng tôi định viết mail trả lời ông rằng: chuyên đề này đã mở ra
và cũng
đã đóng lại nhưng không có gì nối kết giữa chúng, cứ như ngôi làng có
cả cổng
tiền lẫn cổng hậu nhưng khoảng giữa chỉ là khoảnh đất trống vắng, không
người.
Nhưng đọc kỹ bài viết của ông Vương Trí Nhàn, thấy ông thực có lòng có
bề và
cách nhìn nhận, đánh giá về tiểu thuyết cũng như văn giới đương đại của
ông có
nhiều điểm khác biệt (ít nhất chúng cũng bình tĩnh hơn, lạnh hơn) với
những bài
đã đăng trong chuyên đề Tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu, chúng tôi lại
xin được
giới thiệu cùng độc giả...
Tôi không lạc
quan như Nguyên Ngọc
Ban biên tập VietnamNet đã tuyên bố
kết thúc cuộc trao đổi
chung quanh đề tài "Tiểu thuyết VN đang ở đâu?", nhưng sau đây, chúng
tôi xin phép được trở lại với một số vấn đề đã nêu trong cuộc trao đổi
có liên
quan tới tình hình sáng tác và nghiên cứu hiện nay, và dừng lại kỹ hơn
ở phần ý
kiến của nhà văn Nguyên Ngọc:
1/ Dăm bảy
năm nay
khi nghe nhiều cuộc thi tiểu thuyết được phát động, tôi vẫn không tin
là có
hiệu quả, nếu có vài cuốn đọc được chỉ là cầu may, chứ không bao giờ có
một
“mùa màng bội thu “ như người ta mong mỏi. Vì sao? Vì trên phạm vi toàn
thế
giới, từ thế kỷ XX, thời các nhà văn có thể làm ăn theo kiểu mò mẫm đã
qua. Đã
tới lúc mọi tìm tòi phải được nâng lên
thành quan niệm để làm kim chỉ nam hướng dẫn hoạt động. Những cuộc trao
đổi về
quan niệm, như VietnamNet vừa làm là dấu hiệu chúng ta bắt đầu tính
chuyện đi
tìm cái chìa khoá đích thực để giải quyết tình hình. Còn như tình trạng
cuộc
thảo luận bị bỏ dở chỉ cho thấy một thực trạng: muốn là một việc, làm
được hay
không là việc khác hẳn. Phải nói là cảm giác lúng túng này đang thấy rõ
ở nhiều
hoạt động xã hội khác chứ không chỉ trong văn học .
2/ Bài viết xuất sắc nhất và mang
nhiều tâm huyết nhất trong
đợt trao đổi này là của nhà văn Nguyên Ngọc: Còn nhiều người cầm bút
rất có tư
cách. Phải nhận trong bài có hàng loạt điểm gợi mở không có ở các bài
khác:
- Tác giả
sớm đưa ra
một quan niệm về tiểu thuyết, là điểm xuất phát cần thiết mà thiếu nó,
tức có
những cách hiểu khác nhau về tiểu thuyết, người ta sẽ không bàn bạc
được gì với
nhau hết .
- Hơn nữa,
cái quan
niệm Nguyên Ngọc đưa ra và dùng để đối chiếu với tình hình đó là một
quan niệm
hiện đại, chúng ta rất cần học hỏi để tiếp nhận. Nhiệt tình chính trong
nhiều
bài viết của Nguyên Ngọc thời gian gần đây là nhiệt tình khẳng định
rằng văn học
ta đang trong giai đoạn trì trệ và chỉ có cách hiện đại hoá nó, chúng
ta mới
tạo nên một sức bật mới cho văn học, từ đó tạo nên một nền văn học có
ích như
ông quan niệm.
- Ngoài
quan niệm,
bài của Nguyên Ngọc đặc biệt đáng quý ở mong muốn bao quát tình hình
văn học
đương thời và muốn hướng dẫn nó, gợi ý cho nó một hướng phát triển.
3/ Tuy
nhiên ở Nguyên
Ngọc cũng đã thấy bộc lộ hàng loạt nhược điểm, một là quan niệm chưa rõ
ràng,
hai là thực tế sáng tác được đưa vào liên hệ cho quan niệm lại bị khái
quát sai
lệch và thứ ba là một sự tự tin rằng mình độc quyền chân lý dễ gây phản
cảm.
Về điểm thứ nhất: Trong khi rất có ý
thức về sự cần thiết
phải có một quan niệm thì tiếc thay quan niệm về tiểu thuyết được ông
trình bày
cũng chưa có gì rõ ràng. Vấn đề không phải là sự phân biệt giữa tiểu
thuyết và
truyện ngắn truyện vừa, mà vấn đề là ở chỗ tìm xem trong lối khái quát
đời
sống, tiểu thuyết có gì khác với các hình thái tư tưởng khác. Theo
nghĩa này,
những luận điểm mà Nguyên Ngọc nhắc lại từ Kundera như “ nghệ thuật về
sự bất
định của cuộc đời, sự phi chân lý độc tôn “ về “cuộc dò tìm mãi mãi cái
mới bất
định vô tận của số kiếp con người “ đâu phải là độc quyền của tiểu
thuyết kể cả
tiểu thuyết hiện đại. Đúng hơn, phải nói nó là đặc điểm của tư duy hiện
đại nói
chung; ảnh hưởng vào tiểu thuyết ra sao, cần phải được nói rõ hơn.
Về điểm
thứ hai: Nhiều người vốn trông đợi ở Nguyên Ngọc
đoạn ông điểm qua tình hình sáng tác hiện thời. Tiếc thay, theo tôi đây
là đoạn
đáng thất vọng. Trong một bài viết có ý muốn khái quát định hướng cho
cả một
nền văn học mà tác giả lại khá tuỳ tiện trong việc kể tên các nhà tiểu
thuyết
(về bản danh sách này, bài Trao đổi cùng nhà văn Nguyên Ngọc của Thuận
đã có
những nhận xét khá xác đáng). Nói một cách chặt chẽ thì, Nguyên Ngọc
chưa
nghiêm túc tìm cách trả lời cho câu hỏi tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu.
Không chỉ khái quát
về tình hình tiểu thuyết mà ở đoạn cuối
bài viết "Còn nhiều người cầm bút rất có tư cách, Nguyên Ngọc cũng muốn
đưa ra khái quát về tình hình văn học đương thời, nhất là những gì liên
quan
đến các nhà văn (bản thân tiêu đề chung của bài báo đó xác định cái
tham vọng
ấy của ông). Tôi cho rằng đoạn này cũng có phần hồ đồ và lầm lẫn. Bởi
nói tới
tư cách của một người cầm bút, trước hết phải nói đến chất lượng sáng
tác, muốn
đánh giá họ hãy căn cứ vào sáng tác - chứ còn mọi ý đồ mọi lời tuyên bố
đều vô
nghĩa. Thế mà sáng tác của chúng ta thì đang ấm ách trì trệ; một vài
cây bút
được đề cao chẳng qua chỉ là “ chọc”thẳng vào cái bực bội nặng nề trong
tâm lý
đại chúng; nhìn rộng ra thấy không ít nhà văn khi xuất hiện đầy hứa
hẹn, viết
được một hai cuốn rồi cũng xuống tay và bỏ nghề luôn.Thế thì biết nói
gì với
nhau bây giờ?!. Đấy là xét trên nguyên tắc. Còn trong thực tế, nhìn
thẳng vào
giới nhà văn hiện thời, phải nhận số có tư cách thực sự cũng không bao
lăm;
nhiều người chỉ nói miệng, tát nước theo mưa kiếm danh, chứ chẳng để
tâm làm
việc mà cũng chẳng có lòng có bề gì với đời sống; hoặc có lòng nhưng
lại không
có hiểu biết tương xứng và không hiện thực hoá được thiện chí của mình.
4/ Tôi
muốn dành một
phần riêng để nói về nhược điểm thứ ba trong "Còn nhiều người cầm bút
rất
có tư cách", tức là thử tìm hiểu tại sao bài viết lại gây ra phản cảm,
ở
một số người như Thuận và một số người khác, trong đó có tôi.
Trong nhiều phát biểu
gần đây trên báo chí trong và ngoài
nước, Nguyên Ngọc từng trở đi trở lại với cái ý rằng ở ta hiện đại hoá
mà ông
muốn chúng ta đi theo bắt đầu từ Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh. Bề nào
mà xét
thì ý kiến này cũng không thể chấp nhận được. Thế còn những Vũ Trọng
Phụng,
Nguyễn Tuân trước đó hoặc về sau này Nguyễn Khải thì sao? Theo chỗ tôi
nhớ,
Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Ngọc Tấn tác giả Trăng sáng và Đôi bạn chứ
không phải
Nguyễn Thi) hồi viết Im lặng cũng có tư duy khá hiện đại. Lấy một ví dụ
nữa.
Những năm Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp viết tốt nhất cũng là thời gian
Tô Hoài
cho in Cát bụi, chân ai , một cuốn gọi là hồi ký cũng được mà là tiểu
thuyết
cũng được, và đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn của tiểu thuyết mà Nguyên Ngọc
đưa ra.
Thế thì tại sao trong đầu Nguyên Ngọc hình như chỉ có hai nhà văn nói
trên? Tôi
tự cắt nghĩa cho mình thế này: việc hình thành tài năng của hai nhà văn
Bảo
Ninh và Nguyễn Huy Thiệp hồi ấy có gắn với nhiều đóng góp của Nguyên
Ngọc cho
đời sống văn học, vì thế sự kiên trì nói trên của tác giả Đất nước đứng
lên là
có thể hiểu được. Song tôi cho rằng không nên đặt tình cảm lên trên sự
thực
khách quan như vậy.
Có điều lạ mặc dù rất
mê Kundera và không bỏ lỡ bất cứ dịp
nào có thể tuyên truyền cho các quan niệm của Kundera song trong thực
tế suy
nghĩ của mình, Nguyên Ngọc lại đi ngược quan niệm mà nhà văn Pháp gốc
Tiệp này
khởi xướng. Tôi nói thế bởi vì (không biết có bạn đọc nào chia sẻ với
tôi
không) đọc Nguyên Ngọc trong lý luận luôn luôn cảm thấy ông quá tự tin,
quá độc
đoán, và trong khi đề cao quan niệm có nhiều chân lý thì ông lại cho
thấy ông
chỉ muốn bạn đọc tin một chân lý duy nhất là cái chân lý mà ông đã dày
công
nghiên cứu giới thiệu.
5/ Tôi
tạm hình dung
ra chúng ta đang có một không gian tiểu thuyết như thế này: cái cũ đã
quá thoái
hoá mòn mỏi mà cái mới chưa tới; phần lớn nhà văn làm việc trong mò mẫm
thiếu
lý luận và không sẵn sàng tiếp nhận lý luận; những quan niệm nước ngoài
đưa vào
thường không được chúng ta hiểu thấu và rất khó có cơ hội vận dụng;
người khao
khát đổi mới có thể có, nhưng người biết đổi mới một cách thực sự không
có,
chưa có; chúng ta còn rất thiếu những nhân cách văn học lớn, những cây
bút đầu
đàn dẫn đường …
Đấy là những điều còn lại trong tôi từ
cuộc trao đổi trên
VietnamNet nói chung và bài của nhà văn Nguyên Ngọc nói riêng .
Về tình hình chung, tôi bi quan chứ
không lạc quan như
Nguyên Ngọc.
Biết rằng tiểu thuyết của mình còn ít,
và người Việt mình
(chứ không phải chỉ các nhà văn) vốn thích làm hơn thích nghĩ, nhưng
tôi vẫn
cho rằng nay là lúc các nhà văn nên bớt viết để nghĩ nhiều hơn về tiểu
thuyết.
Nhất là xã hội nên lo nuôi lấy vài người chuyên đi vào tìm hiểu giới
thiệu lý
luận cũng như thực tế sáng tác tiểu thuyết ở nước ngoài. Bảo nhau thành
khẩn
học hỏi kiên trì làm một thời gian, rồi may ra dăm mười năm nữa, chúng
ta mới
theo kịp sự phát triển của tiểu thuyết trên thế giới.
Đề nghị của tôi: cần khởi động lại
cuộc trao đổi về tiểu
thuyết (tôi không muốn dùng chữ hâm lại vì nó gợi cảm giác gượng gạo và
không
thấy rằng chúng ta cần làm tốt hơn những gì chúng ta đã làm).
*
Vương Trí Nhàn
Vietnamnet