*





Phỏng vấn Trịnh Công Sơn

của Văn nghệ Quân đội  

Quốc Hưng thực hiện

- Trong các nhạc sĩ nổi danh, thưa anh Trịnh Công Sơn, anh là thi sĩ của âm nhạc hay âm nhạc của thi ca? Vì sao anh viết được lời ca mà ngay cả một thi sĩ tài danh nhất cũng phải nể phục? Có phải anh là người đầu tiên ở Việt nam đã xóa nhòa ranh giới giữa thi ca và âm nhạc?

- Có lẽ đã từ lâu lắm rồi tôi hoàn toàn quên lãng cái biên giới giữa các bộ môn nghệ thuật và văn học. Tôi đã làm tất cả những điều ấy với một sự đãng trí rất hồn nhiên. Gần như tôi không còn bận tâm về những khái niệm, về những phạm trù. Có lúc dường như tôi đã lẫn lộn tôi giữa con người đang làm việc này và con người đang làm việc kia. Có thể nói rõ hơn là tất cả những gì tôi đã làm bấy lâu nay tưởng như là nhiều công việc khác nhau nhưng thật ra chỉ là một. Và như vậy cũng có nghĩa là người đời muốn định nghĩa tôi như thế nào cũng được. Tôi vui lòng và cám ơn tất cả mọi thứ tên gọi. Cũng có thêm điều này rất cần nói với tất cả bạn bè anh em là tôi không bao giờ có ý định làm một điều gì khác thường cả. Có lẽ cũng giống như con chim sinh ra để hót, hoặc như người thợ nề thợ hồ thì xây lên một chốn trú ngụ cho con người tránh nắng tránh mưa vậy thôi. Tôi nghĩ rằng, nếu không có gì phiền, thì cũng nên đơn giản hóa vấn đề văn nghệ này đi cho đời đỡ phức tạp. Mục đích đầu tiên và sau cùng của nghệ thuật và văn học, theo tôi là mang đến cái hay cái đẹp cho đời người. Tự thân nó không có mầm mống của một mưu toan nào cả. Hãy cho nó thanh thản tự do và mãi mãi là hiện thân của điều thiện của cái đẹp. 

- Anh là một người Huế, vì sao ca khúc "Mùa thu Hà Nội" của anh lại Hà Nội đến thế ? 

- Hình như định mệnh buộc tôi chỉ có những mối tình với người Hà Nội. Từ đó tôi thường nghĩ về Hà Nội rất nhiều. Nếu sau 1975 tôi được phép ra Hà Nội ngay, có lẽ tôi sẽ viết được nhiều bài về Hà Nội hơn nữa. Mãi đến năm 1977 mới được đi. Nguồn cảm hứng của ngày hội ngộ như mơ bước trong bài "Tôi sẽ đi thăm" bỗng như bị một nhát dao cắt lìa đi. Tiếc quá. Nhưng rồi 1984 tôi được ở với mùa thu Hà Nội gần hai tháng. Suốt ngày nằm thơ thẩn ở bãi cỏ bên Hồ Tây. Thế là bài "Nhớ mùa thu Hà Nội" ra đời. Ra đời với một số phận không may mắn. Nghĩa là bài hát được thu xong bị cấm phổ biến cho đến vài năm gần đây mới được trả lại tự do để cho mọi người nghe. Tuy nhiên bài hát vẫn bị cắt đi cái phần coda mà tôi thích: "Nhớ đến một người để nhớ mọi người". Khi bạn yêu một người nào đó ở một xứ sở xa lạ thì lập tức nơi chốn đó sẽ trở thành quê hương của bạn ngay điều đó đơn giản quá mà một vài người có thẩm quyền cứ muốn hiểu khác đi. Cũng đáng buồn thật. 

- Những người lính rất thích bài "Huyền thoại mẹ" của anh. Xin anh cho biết đôi nét về nguồn cảm xúc và xuất xứ bài ca này. 

- Tôi viết bài "Huyền thoại mẹ". Bài hát viết từ nhiều nguồn cảm hứng. Dạo tôi ra Quảng Bình được nhìn bức ảnh mẹ Suốt tóc bay ngang trời chống thuyền qua sông giữa bom đạn rồi kết hợp với những thực tế cùng những câu chuyện nghe được, tôi nghĩ đến mẹ và tôi viết. Mẹ tôi về lòng dũng cảm và lòng thương con thì là duy nhất trong cuộc đời này.

 - Hầu hết những người lính trẻ vẫn còn độc thân như anh, xin anh cho biết mối quan hệ giữa âm nhạc của anh và tình yêu dĩ nhiên là tình yêu đôi lứa ? Anh nghĩ gì về tình yêu, về sự bất tử và cái chết ?

 - Nếu vì một lí do nào đó mà tôi mất hẳn chức năng biết yêu, và mất tình yêu có lẽ bây giờ tôi không trở thành người viết tình ca. Cái may ở đời là được yêu và đôi khi cái may ở đời cũng là bị phụ tình. Với tôi, trong tình yêu không có sự bất tử. Người ta chỉ muốn lãng mạn hóa nó đó thôi. Cái thời kỳ ấy, có nghĩa là thời kỳ hiểu nhầm ấy đã mất tăm mất tích rồi. Tuy vậy trong sự bất tử có thể có tình yêu. Ðây là một sự lãng mạn mới, âm thầm, kín đáo hơn nhưng mà cũng đáng yêu hơn. Cái chết là một điều đáng gờm nhưng không ai tránh khỏi được. Ðể có được một sức mạnh chống lại nó thì hãy yêu và hãy biết yêu như thế nào đó để cái chết chỉ còn là một tồn tại viển vông, chẳng cần thiết.

 - Có phải anh vừa tìm ra giai điệu mới trong hội họa của mình ? Xin cho anh cho biết mối quan hệ giữa âm nhạc của anh và hội họa của anh ?

 - Như tôi nói ở trên, tôi đang ở trong một trạng thái là không còn biết phân biệt nữa. Tâm hồn tôi đang như là một ngôi nhà mà hội họa, âm nhạc, và thi ca chỉ là thời tiết mùa màng đổi thay của một sự sống đang trú ngụ trong đó.

- Xin anh cho biết dự định sắp tới của anh ? 

 - Sắp tới tôi phải làm việc nhiều hơn để lẩn trốn sự ám ảnh về cái chết.