:::Quỳnh Giao :::
Vòng Tay
Bát Ngát Thanh Tâm
Tuyền
Nhà thơ Nguyên Sa là ông thầy Trần
Bích Lan duyên dáng, dạy
triết mà khiến học trò mê thơ. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền là ông thầy Dzư
Văn Tâm
khắc khổ, dạy Việt văn mà như là dạy triết.
Vào lớp, Thanh Tâm Tuyền ngửng lên
trời, dạy văn cho lũ học
trò mà như đối thoại với Thượng Ðế. Cái chất duy nhất rất người của ông
là mười
đầu ngón tay vàng những khói thuốc. Chúng tôi học ông được sáu tháng
thì thầy
xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung. Ông nhập ngũ và thày Võ Thu Tịnh
dạy
thay...
Suốt tuần qua, từ khi nghe tin Thanh
Tâm Tuyền đã ra đi, mọi
người đều nhắc đến kỷ niệm của mình với nhà thơ. Kỷ niệm trực tiếp của
Quỳnh
Giao thì chỉ có vậy. Nhưng gián tiếp lại đầy ắp qua những vần thơ được
phổ nhạc
của ông. Dễ hát dễ nhớ thì có Dạ “Tâm” Khúc của Phạm Ðình Chương, khó
hát hơn
và đậm đặc chất Thanh Tâm Tuyền là Lệ Ðá Xanh do Cung Tiến phổ nhạc.
Thanh Tâm Tuyền có thể làm thơ cổ luật
hay thơ mới bảy chữ
như trẻ em đánh đàn theo Methode Rose, dễ như ăn kẹo ăn bánh. Nhưng ông
là
người khó và khổ nên làm mới thơ mới với những rung động mà một nhạc sĩ
hay họa
sĩ có thể cảm được, chứ người khác thì thấy ù tai hoa mắt, đọc đi đọc
lại, may
ra có ngày bừng hiểu. Sau ngày được giải phóng nên đi tù, ông trở lại
lối thơ
có vần có điệu, như một ông già trở về quê cũ sau một tuổi trẻ giang hồ
đập
phá...
Thơ Thanh Tâm Tuyền phải được đặt
trong vị trí “di cư” và
“chiến tranh” của một thành phố mở ra thế giới bên ngoài là Sài Gòn.
Không có
hoàn cảnh hay khung cảnh ấy, người ta khó cảm hay yêu thơ của ông.
Nhưng thơ
của ông không chỉ là khung cảnh ấy, đánh giá một họa phẩm từ bức khung
là cái
tội. Thơ của ông được thai nghén trong hoàn cảnh chinh chiến nhưng vươn
khỏi
hoàn cảnh để xoay ngược về làm đẹp cho hoàn cảnh và nhờ đó tồn tại mãi
khi
những điều kiện cũ không còn nữa.
Sài Gòn thời chiến tranh, với đạn bom
ầm ì trong đêm và lính
Mỹ ồn ào ban ngày vẫn là một thủ đô văn hóa và trung tâm văn nghệ tỏa
sáng
chính là nhờ lớp văn nghệ sĩ như Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Doãn Quốc
Sỹ, Mai
Thảo, Hoài Bắc, Thanh Nam, v.v... Ðêm Màu Hồng là nơi giải trí thanh
lịch mà
cũng là tên một ca khúc lấy ý thơ từ Thanh Tâm Tuyền. Sài Gòn có một
chút Paris
cũng do Dạ Khúc của
Thanh Tâm Tuyền.
Ngay trong chiến tranh, chúng ta vẫn
là người văn minh là
nhờ phong thái nghệ thuật ấy, nhờ những vần thơ đã được âm nhạc chắp
cánh cho
bay bổng ra khỏi cảnh thê lương chết chóc. Viết đến đây, Quỳnh Giao
bỗng thấy
bàng hoàng. Thơ Thanh Tâm Tuyền nổi tiếng dữ dội khi chiến tranh đã lên
đến tột
đỉnh tàn phá, nhưng đọc lại thì không có một lời về đạn bom. Là một sĩ
quan
trong quân đội, ông không quay lưng lại chiến tranh. Ông chỉ nhìn xa
hơn, cao
hơn. Ngày xưa, có lẽ thầy Tâm dạy học cũng như vậy.
Thanh Tâm Tuyền viết thơ tình không
một chút trữ tình như
thế hệ đi trước. Giữa tiếng đại bác, ông nghe thấy “tiếng kèn hát mãi
than van”
và nhìn thấy “điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng”. Ông làm thơ như một
họa sĩ
siêu thực “tìm cánh tay nước biển - con ngựa buồn - lửa trốn con
ngươi”, như
một nhà luân lý “vục xuống nhục nhằn tổ quốc - nhìn gót giày miệng uống
tro
than”. Ông viết văn cũng vậy.
Không khí bức bí ngột ngạt của Bếp Lửa
hay Một Chủ Nhật Khác
cũng quan trọng như cốt truyện, và còn để lại dư vị buồn thảm khi mình
đã quên
bẵng cốt truyện. Thơ và văn của ông có nhiều não tính, tràn đầy những
trúc trắc
làm mình phát bực. Nhưng vượt qua được những thác ghềnh sỏi đá ấy - chữ
của Mai
Thảo - người đọc lại nhìn ra được cái hợp lý hiền hòa nằm sâu bên dưới
những
phi lý của vần điệu, của đời sống.
Quỳnh Giao cảm nhận được điều này từ
một cái may, là người
trình bày các ca khúc xuất phát từ thơ Thanh Tâm Tuyền, từ những vần
điệu thời
Sáng Tạo đến Vang Vang Trời Vào Xuân thời Trần Kha sau những năm tù
đày.
Thơ Thanh Tâm Tuyền thì không thể ngâm
mà nên đọc và càng
nên hát. Trí tuệ trong thơ ông gợi hứng cho Phạm Ðình Chương hay Cung
Tiến,
nhịp điệu rất trẻ và rất mới trong thơ ông càng khiến ca khúc phổ nhạc
có tiết
tấu riêng và trở thành những ca khúc nghệ thuật. Nếu cần nói với người
ngoại
quốc một chút tinh hoa văn học nghệ thuật của miền Nam trong 21 năm tự
do, có
lẽ ta nên giới thiệu Bài Ngợi Ca Tình Yêu, một tác phẩm tuyệt vời về
nhịp điệu
của Phạm Ðình Chương, trích từ bài thơ rất dài cùng tên của Thanh Tâm
Tuyền. Và
Lệ Ðá Xanh được Cung Tiến phổ nhạc với rất nhiều chuyển đoạn và chuyển
cung tài
tình, độc đáo, khiến Phạm Ðình Chương thích thú đến độ lấy hẳn một câu
nhạc của
bài hát này để kết thúc tác phẩm Nửa Hồn Thương Ðau...
Ðiều đáng tiếc là các ca khúc Cung
Tiến phổ thơ Thanh Tâm
Tuyền sau thời tù đày là loại kén người hát, với giai điệu đòi hỏi
những luyến
láy uyển chuyển có trình độ nhạc lý khá cao của người hát. Các ca khúc
này có
thể mai một dần. Từ loại rong ca kiểu ballade dễ hát với một cây đàn
thùng đến
loại nhạc Vang Vang Trời Vào Xuân, chúng ta đã đi một bước quá xa nên
bỏ rơi
nhiều người thưởng ngoạn.
Nếu có những sinh hoạt tưởng niệm
Thanh Tâm Tuyền, người ta
nên cố gắng giới thiệu cả các ca khúc phổ thơ ông viết trong cảnh tù
đày ở miền
Bắc dưới bút hiệu Trần Kha...
Sau khi
Anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
Khuôn mặt vỡ tan như cẩm thạch
chính ông đã ngã trên núi khi đi vác
nứa ở Yên Báy, mà vẫn
làm thơ, phơi phới:
Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thên trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu.
Thơ Thanh Tâm Tuyền vượt khỏi hoàn
cảnh và là vòng tay bát
ngát ôm được những nỗi đau của nhân thế, ở mọi nơi, mọi thời.
Nguồn