*







The Name is Bình, Tống Văn Bình

Đỗ Kh.

 Năm tôi lên cấp 2, lớp tôi có 2 nhân vật nổi tiếng nhờ gia thế. Đứa thứ nhất, là con của tướng Linh Quang Viên, bộ trưởng vào cái thời nhất tướng-nhì sư-thứ ba nhà thầu quân đội Mỹ. Những chàng trẻ em thời loạn chúng tôi, thấy cảnh sát đeo súng cũng đã đầy thán phục rồi, nói gì đến ông tướng. Đứa thứ nhì, to béo, hồng hào và phụng phịu, lúc nào cũng chỉnh tề quần Tergal đen áo sơ mi trắng, xách cặp Samsonite da đen (loại cứng mà đại cán vẫn ưa dùng cho đến tận thập niên 90). Tạng cậu, kiểu ông cụ non chững chạc, chỉ có bị đầu gấu ăn hiếp (trường tôi không bắt mặc đồng phục cho nên “học sinh cao bồi mặc áo sơ mi ca-rô / học sinh cao bồi hủ tíu ăn năm ba tô”, ai mà tự trọng không bao giờ mặc áo trắng). Vậy mà bạn này còn được nể hơn là quí tử của tướng Viên. Bộ trưởng cũng là chuyện thường, con của nhà văn mới là danh giá. Đố ai còn biết Lại Bộ Thượng thư hay Hữu Tả Thừa tướng là những vị nào vào thời của Cao Bá Quát, Đoàn Thị Điểm? Thằng bạn cùng lớp này là con của nhà văn, mà nhà văn khét tiếng Người Thứ Tám, tác giả và cha đẻ của Z28, điệp viên lừng lẫy Tống Văn Bình.

 Tôi đã quên tên họ bạn, ngay cả vào lúc đó, vì mọi người đều gọi cậu là Tống Văn Bình! Ông bố, chúng tôi vẫn thường được chiêm ngưỡng dung nhan vào mỗi dịp ông thả con xuống trường hay là đến rước. Ông hơi thấp bé và tròn trĩnh, nhưng không hổ danh nhân vật mà ông đã khai sinh trên giấy. Ông ưa mặc quần tây nhạt đúng thời trang, loại có đai giây lưng cài chéo nút, áo Montagut nhẵn thín, đầu bóng lộn chân đi giày không giây simili Gucci. Ông hút thuốc Jasmin cán vàng nhãn Sobranie, thứ 25 đồng 1 điếu (thuốc lá thường, lúc đó 20 đồng 1 bao) và cái xe con ông lái mới là độc đáo, Fiat 800 coupe 2 cửa rất ít thấy, đối với Sàigòn thì cũng sport không kém cái Ford Mustang GT Cobra của Z28. Chúng tôi phục sát đất, cậu con còn kể là bố nó không đọc sách mà chỉ đọc… Encyclopedia, từ chữ A đến chữ Z. Nhưng tôi ngờ là sách thì ông cũng có đọc, chí ít là đọc truyện James Bond và đọc những điệp vụ không kém kỳ tình bằng tiếng Pháp của Hubert Bonisseur de la Bath, tức OSS117.

 Nếu OSS117 là một phó sản của 007 dành cho khu vực Pháp thoại thì Z28 là một phó sản của OSS117 dành cho độc giả tiếng Việt. Tuy vậy, đây là một thành tựu lớn của nền văn học giải trí, không kém phần quan trọng so với truyện võ hiệp. Chẳng phải vì tôi ghen tỵ vì tôi không được ngồi chung lớp với con của Kim Dung, nhưng Người Thứ Tám đã có công Việt hoá cẩn thận một nhân vật phớt tỉnh như Bond, mặn nồng như Bath, Nhu đạo Huyền đai Đệ ngũ đẳng, trong đêm 30 mà mắt vẫn sáng như là thiếu tá Bob Morane. Tống Văn Bình đương nhiên là lại sát gái, nhưng cú atémi của chàng mềm mại, để cho những thiếu nữ hương sắc tuyệt vời nằm quằn quại từ Bangkok đến Paris. Lệnh Hồ công tử hay Đoàn Dự trước và sau gì cũng vẫn là… Tàu, nói xin lỗi nhe, Văn Bình tuy họ Tống nhưng mới làm rạng rỡ dân tộc Việt. Xếp của chàng, không hương xa mà di chuyển bằng Daimler Limo Anh Cát Lợi như là “M”. Ông Hoàng dùng cái xe con không thể nào Việt Nam hơn là cái taxi con cóc Renault 4, tuy máy có xoáy xi-lanh đặc biệt để đạt vận tốc 200 km/giờ! Nhưng tại sao tôi lại lẩn thẩn về thời lớp 6 khi bài viết này để bàn như đã có hứa, về cách Quỳnh Thi hoán chuyển tựa bài thơ Bùi Chát thành “C.L.Q.”. Tính cách kỳ bí của nó, tôi cho là độc đáo, khiến liên tưởng ngay đến bạn cũ trường xưa đã tả ở trên. Thông thường, để tránh tục, người ta dùng lối viết tắt kèm theo ba chấm, như “con c...” hay “cái l...”. Những từ văng tục, người viết kép “Đ.M.” là hết đất, ít khi nào tắt đến 3 chữ, chẳng hạn “C.L.B.” (xin hiểu là Câu Lạc Bộ, tức Club, chứ không phải là C.L... Bè!). Để chỉ bộ phận không được coi là quý phái trên cơ thể (dĩ nhiên, quý phái hay không tuỳ người... đối diện) người ta cũng không dùng “C.L.” hay là “C.C.”, thí dụ ở đây “C.L.Què”. Một cách khác, là nói trại khi huý kị (còn được áp dụng vào trường hợp tên cúng cơm của ông bà cha mẹ hay là thiên tử, bề trên, hoàng đế). Trong trường hợp chúng ta là, thí dụ “Cái Lìn”. Có ăn học thì dịch sang Hán tự, “Cái Âm Hộ” (nhưng nói nhanh có thể nghe nhầm thành “Cái Hâm Mộ”), hay tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng La Tinh. Trong quân đội miền Nam trước kia, để lịch sự thì dùng mã truyền tin Hoa kỳ, gọi là “Cái Lima”. Mã truyền tin Việt* thì phải gọi là “Cái Lê Lai” nhưng như thế lại đâm đưa lầm sang vấn đề cứu chúa? Động não để mỹ miều hoa gấm thì phóng tác (kiểu Hoàng Hải Thuỷ “Ông Mãnh Súng Vàng”) thành “Quân Anh đổ bộ”, “Cái mu mắc võng” hay là “Máu nhuộm bãi Thượng hải”. Nhưng tất cả các cách vừa kể đều không ổn, Bùi Chát đã có một tựa bài thơ thật là độc, và để tránh nó Quỳnh Thi lại còn một cách gọi độc hơn.

 “C.L.Q.” như đã được Quỳnh Thi dùng, không đi thẳng mà cũng không đi xéo, mang sự việc và sự vật này sang một bình diện khác. Đã đành, chẳng bình diện nào hơn bình diện nào cả nhưng ở đây Quỳnh Thi không bẻ lái, không rẽ sang một ngã khác mà bưng nguyên đặt sang một bình diện song song. Nghĩa là như 2 đường… thẳng, sẽ không bao giờ gặp. Như trong sự tích... bánh dầy, bánh chưng (!) chẳng hạn, thì cái bánh dầy bánh chưng của Bùi Chát đã được Quỳnh Thi biến thành đất, thành trời. Chỉ một cái hất hàm bằng 3 dấu chấm, Quỳnh Thi đã dựng ngược lại Bùi Chát đang chúi mũi. Chữ với nghĩa, theo tôi, cũng chỉ có thể đến như vậy.

 Văn chương, thi ca quả thực vô thường. Đại tá Văn Bình không còn và không phải là Commander Bond, mỗi kẻ để một dấu ấn (son?) riêng nơi người đọc. Mai hậu và 300 năm sau, khi nhắc đến hiện tượng “Nàng về nay đã cụt chân / Máu đào đã thấm lên thây bao nhiêu... bông gòn” này, ai là kẻ sẽ khóc Quỳnh Thi và ai là người sẽ thương Bùi Chát? 

* C.L.Q. “Charlie/Lima/Quebec” hay “Cải Cách/Lê Lai/Quả Quyết”, mã số truyền tin.

[Trích Tạp Chí Thơ]