Thư gửi ông Sơn Nam
Tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư
Nhà Quê nhiều lần làm con giận lắm,
ông à. Con mua táo về,
táo Mỹ nghen, mắc tiền lắm, Nhà Quê cắn xong một miếng, nhấm nhẳn, ăn
thua...
mộng dừa, con ức không chịu nổi vì đã bị phụ lòng còn bị giũa một trận
te tua,
tội phí tiền mua mấy thứ không ngon lành gì. Con bị sốc đâu cũng năm ba
lần như
vậy, tặng măng cụt Nhà Quê nói ăn cũng không hơn... mãng cầu gai, còn
sầu riêng
thì bị quăng ngay ra cửa, vì cái mùi... thúi chịu hổng nổi.
Con thấy tổn thương ghê gớm. Nhà Quê
mà ông và con yêu mến
cũng có điều đáng phàn nàn, không chịu tiếp nhận cái mới gì cả, đôi lúc
còn cực
đoan nữa. Nhà Quê ít chịu mở ti vi coi thời sự, đã qua thời dùng bình
ắc quy
nhưng Nhà Quê đợi tới cải lương (hay phim) mới chịu bật ti vi. Nên hiểu
biết
của Nhà Quê không vượt ra khỏi cái xóm đó, con kinh đó, bờ chuối, bờ
dừa đó.
Sách báo thì chỉ được mấy lão nông đảng viên về hưu để mắt tới, tầm 30-
40 rảnh
thì nhậu thôi, cầm tờ báo lên than buồn ngủ quá trời. Những kiến thức,
những
thông tin của thế giới bao la này nhiều khi bị cắt xén ra từng mẩu
bằng... bàn
tay, lúc ngồi soi bóng nước trong cầu cá tra, buồn tình mới săm soi vài
chữ.
Vậy nên những chuyện đồng cốt thầy bà
thì miễn bàn, Nhà Quê
mê vô kể. Ai đó cắt lưỡi lấy máu để gỡ bùa, ai đó chữa bệnh ung thư
bằng nước
lạnh, ai đó lấy ếm trên nóc nhà tóe lửa, ai đó được bà cậu (tại sao bà
mà là
cậu được ta?!) nhập vào, bứt cọng tóc của thân chủ mà biết được quá khứ
vị lai,
sáng mai đi hướng nào mới tốt; ai đó một bữa đi nhậu về té sông, lội
lên không
biết bị người cõi nào nhập mà ho một cái, kẻ thù lăn ra chết. Sợ thiệt!
Nhà Quê
chịu khó chèo lắm, mỗi khi nghe đồn đãi có đồng cốt nào đó mới lập bàn
thờ,
tưng bừng như đi hội. Lúc đi tìm giống lúa mới, hay tham quan các mô
hình canh
tác cũng không hào hứng, đông đủ vậy.
Con có ghét gì Nhà Quê đâu, con thương
còn không hết. Vì
thương nên con mới bực mình. Hồi đó có câu “dân như mắt khóm”. Trái
khóm, ông
cũng biết, quá chừng mắt. Nhưng bây giờ những con mắt đó đã nhắm lại
rồi, không
hiểu tại sao. Nhà Quê hay bị nhằn kiểu vầy, mấy ông Nhà nước làm sao
chứ để số
đề hoành hành quá, mấy ông Nhà nước tính làm sao chứ nò đó trên sông
nhiều quá,
có bữa không biết đường chạy xuồng. Vụ số đề, rốt cuộc ai chơi? Nhà Quê
chơi.
Ai làm thầu? Nhà Quê luôn. Biết tỏng tòng tong đường dây mua bán, biết
luôn kẻ
mua người bán, nhưng Nhà Quê vẫn thấy việc dẹp bỏ nó không phải của
mình. Và
những cái nò đó chằng chịt trên sông cũng vậy, và những trò đồng cốt
lường gạt
cũng vậy... chúng được tồn tại, nuôi nấng, chiều chuộng ngay trong lòng
Nhà
Quê.
Con biết cái thư này làm ông buồn, ông
nghi hoặc, Nhà Quê
làm gì đến nỗi, dù gì, cũng còn phần hồn vía giản dị, trong trẻo. Dạ
còn, hào
sảng còn, chơi hết mình còn, hồn hậu còn, nhưng cũng giống như bức
tường xây
lâu ngày, vôi vữa bắt đầu rơi ra từng mảng nhỏ, Nhà Quê bây giờ đi đám
giỗ cũng
bằng tiền, cũng ghi sổ để tới đám giỗ nhà khác coi người ta đi bao
nhiêu mình
đi lại bấy nhiêu. Trai gái không biết làm gì nên lấy nhau sớm, có đứa
mười sáu
tuổi đã bồng con nèo nẹo. Có xóm, vợ nhậu vô rượt đánh... chồng te tua.
Sổ đỏ
nằm ở ngân hàng, nhưng có thừa ra chút tiền, đi sắm dàn karaoke về ca
cho đã,
chứ đằng xóm người ta sắm hết rồi, mình không có, cũng kỳ.
Bữa nay con méc mấy chuyện này với
ông, Nhà Quê hay được,
lại giận, nói chân con còn dính phèn mà đã day qua nói xấu quê hương xứ
sở
mình. Con lại được đội thêm cái nón nữa, dù con không muốn, con đủ đen
rồi,
muốn làm hảo hán đầu đội trời chân đạp đất.
Thôi, con dừng bút, chừng nào nhớ ra
cái gì, con lại viết
thư cho ông. Biết đâu chừng, thư sau, con sẽ kể một chuyện dễ thương
của Nhà
Quê để chứng minh là con yêu Nhà Quê, như ông.
Nguồn