Thi Thành Hoàng
Ông tổ của anh rể tôi, Tống Công, là
một sinh viên ăn học bổng của ấp.
Một hôm nằm bệnh, thấy có viên lại cầm văn thư, dắt một con ngựa trán
có đốm trắng đến nói rằng:
-Xin mời ông đi thi.
Ông nói:
-Quan giám khảo chưa đến, sao vội thi được?
Viên lại không nói gì, chỉ thúc đi. Ông bèn cố gượng cưỡi ngựa đi theo,
thấy một con đường rất xa lạ. Đến một tòa nhà thành quách như nơi kinh
đô. Một lát vào giải vũ, cung điện tráng lệ, ngồi trên có hơn mười vị
quan, đều không biết ai, chỉ biết có một vị là Quan Vũ. Dưới thềm bầy
hai đôn hai kỷ trước mình đã có một vị tú tài ngồi trên một đôn. Ông
bèn ngồi bên cạnh. Trên kỷ có đặt bút và giấy. Giây lát có đề thi đưa
xuống, nhìn xem thì có tám chữ: "Nhất nhân, nhị nhân, hữu tâm, vô tâm".
Hai ông làm bài xong, trình lên điện, trong bài văn của ông có câu:
Hữu tâm vi thiện, tuy
thiện bất thưởng
Vô tâm vi ác, tuy ác bất
phạt.
[Làm việc thiện mà có chủ
ý thì không được thưởng,
Làm việc ác mà không có
chủ ý thì không bị phạt].
Các thần đưa nhau xem, khen mãi không thôi, gọi ông lên bảo rằng:
-Ở Hà Nam khuyết một chức Thành Hoàng, ông đáng giữ chức ấy.
Ông hiểu ra, đập đầu khóc mà thưa rằng:
-Được ân sủng ban đâu dám từ, chỉ hiềm một nỗi còn mẹ già bẩy mươi
tuổi, không ai phụng dưỡng. Xin được đến hết tuổi trời lúc ấy lục dụng
sẽ vâng theo.
Trên tòa có một vị vương giả truyền rằng:
-Tra sổ xem người mẹ thọ bao nhiêu?
Có một viên quan lại râu dài, lấy sổ ra xem, rồi bẩm:
-Theo sổ, còn được ở dương gian chín năm nữa.
Trong lúc các quan còn giùng giằng thì Quan Đế nói:
-Không hề gì, cho Trương Sinh thay giữ chức ấy chín năm cũng được.
Một ông nói rằng:
-Đáng lý phải đi nhậm chức ngay. Nay xét có lòng hiếu, cho nghỉ chín
năm. Đến kỳ hạn phải nghe theo lệnh triệu.
Đoạn cũng phủ dụ ông tú tài kia vài lời. Hai ông cúi đầu chào lui
xuống. Tú tài cầm tay Tống đưa đến cánh đồng ngoài ấp, tự giới thiệu là
Trương mỗ ở Trường Sơn, lấy thơ tặng, bài thơ quên cả chỉ nhớ có câu:
Hữu hoa hữu tửu xuân
thường tại,
Vô nguyệt vô đăng dạ tự
sinh
[Sẵn hoa sẵn rượu xuân
còn mãi,
Không nguyệt không đèn
vẫn sáng trưng].
Ông lên ngựa, từ biệt mà về, tới làng chợt như tỉnh mộng. Ông chết đã
ba ngày rồi, bà mẹ bỗng nghe trong quan tài có tiếng rên rỉ, bèn mở ra,
nửa ngày thì nói được. Hỏi đến Trường Sơn thì có Trương sinh chết vào
ngày hôm đó thật.
Chín năm sau quả nhiên bà mẹ chết. Chôn cất xong, ông tắm gội vào nhà
trong cũng mất luôn. Bên nhà vợ, ở trong cửa thành phía tây chợt thấy
ông cưỡi ngựa choàng ngù đỏ, rất đông xe ngựa đi theo, lên nhà trên làm
lễ rồi ra đi. Cả nhà lạ lùng kinh ngạc, không biết rằng đã thành thần
rồi. Chạy đi hỏi thăm trong làng, thì ông đã mất. Chính tay ông có ghi
lại chuyện mình, tiếc rằng sau cơn biến loạn không còn nữa. Đây chỉ là
tóm lược mà thôi
Truyện số 1, tập I, gồm ba tập của
Vọng Chi Nguyễn Trí Viễn & Trần
Văn Từ [nhà xb VHTT 1996]