logo






Văn Giá
Áng mây trắng xứ Ðoài: Quang Dũng
 
Sinh ra để làm một kiếp mây

Không hiểu vào cái năm một ngàn chín trăm tám sáu, khi Quang Dũng đang nằm trong bệnh viện, nhà thơ Trần Lê Văn giúp Quang Dũng dựng tập Mây đầu ô, hai ông có kịp bàn bạc gì không về việc đặt tên cho tập thơ? Nghĩa là cho đến ngày hôm nay, khi mà cả đôi bạn thơ này khuất núi, chúng ta vẫn không thể biết được, tên tập thơ do chính Quang Dũng lựa chọn hay do tự ý Trần Lê Văn đặt. Nhưng dù ai đặt cho tập thơ cái tên ấy thì quả là "tay cũng già". Nó mới hợp, mới đúng làm sao con người Quang Dũng, thi nhân Quang Dũng! “Một lời là một vận vào khó nghe”, Mây đầu ô. Vâng, Mây ở đầu ô mây lang thang, Mây ở đầu ô - Hẹn những chân trời xa lạ, Ta mê xanh thẳm - Như cánh chim trời… Mây đầu ô, tôi cứ nghĩ đó là một cái tên đích đáng đến nỗi khó lòng có thể chọn một hình ảnh nào vừa đúng, vừa hợp, vừa hay, vừa đẹp đến thế, dành cho người thơ Quang Dũng. Mây đầu ô là tập thơ riêng duy nhất của ông ra đời, lại đúng vào lúc nhà thơ ngã bệnh (1986). Bài thơ “Mây đầu ô”, cũng là tên tập thơ, được viết năm 1970, khi nhà thơ đã Vào lớp tuổi năm mươi, tuổi tri thiên mệnh. Thực ra, không phải chờ đến lúc ấy mới có mây. Hình ảnh mây đã ám vào số phận thi ca này như một định mệnh, một phán quyết của thượng giới vô hình không thể cưỡng lại được, ngay từ hồi mới bước vào nghiệp thơ. Nhưng lúc đó, làm sao ông có thể hiểu được tiền vận, hậu vận của chính mình. Ông cứ làm một áng mây trắng xứ Ðoài, hồn nhiên lang thang từ làng ra phố, hết phố lên rừng, rồi lại từ rừng về phố. Ðể cho đến một hôm, vào tuổi 50, mới ngộ ra, phận mình y như một áng mây lang thang.

Nói Quang Dũng mang phận mây ngay từ đầu là có cơ sở. Một trong những bài thơ đầu tiên, được coi thành công nhất, tạo dựng ngay lập tức cái tên Quang Dũng giữa làng thơ Việt Nam hồi kháng chiến là bài “Tây Tiến”, viết năm 1948, đã thấy có một cồn mây sừng sững, bị mũi súng chọc thủng hướng lên trời (Heo hút cồn mây súng ngửi trời). Ngay sau đó, hễ mỗi khi có thơ về vùng quê xứ Ðoài chôn rau cắt rốn, thì thể nào cũng lại có áng mây trắng thi ca bay vào:

Tôi nhớ xứ Ðoài mây trắng lắm
(“Mắt người Sơn Tây” - 1949)

Ba Vì tảng trán xanh
Thức với mây đoài trắng xóa
(“Bất Bạt đêm giao quân” - 1968)

Hãy ngẩng lên nhìn chóp Tản Viên
Mây trắng xưa nay về tụ họp
Mây một phương Ðoài về tụ họp
(“Ba Vì đón Bác” - 1969)

Mà chẳng cứ gì xứ Ðoài, những vần thơ viết về mọi miền đất nước cũng nhiều mây lắm:

Ði trong đường mây rắc bụi vàng

Cơn gió bóng mây qua đỉnh Việt
Mà như lau sậy có linh hồn
(“Pha Ðin”)

Nắng nửa sông xa mờ khí núi
Cánh hồng nhạt nhạt mây phiêu lưu
(“Thu” - 1950)

Rồi đến khi viết về phận mình, tự nhiên, mây cũng lại quẩn vào:

Tóc anh đã thành mây trắng
Mắt em dáng thời gian qua
(“Không đề” - 1970)

Mây ở đầu ô mây lang lang
Ôi! chật làm sao
Góc phố phường
(“Mây đầu ô” - 1970)

Suốt hành trình thơ Quang Dũng, mây đã trở thành một ám ảnh bền bỉ với nhiều biến hóa. Ban đầu, mây là một hình ảnh thực, gắn liền với sông núi quê hương. Về sau, mây dần chuyển hóa thành thân phận cá nhân thi sĩ. Mây là hình ảnh quê hương, không có gì là lạ. Cảm thức văn hóa phương Ðông đã từng coi mây trắng là hình ảnh quê nhà [1] . Nhưng khi Quang Dũng ví phận mình như mây trắng đầu ô với nhiều khao khát được lang thang, ông đã bứt ra khỏi từ trường của truyền thống, để trở thành một sáng tạo độc đáo. Và nhờ thế, hình ảnh mây khi bay vào chân trời biểu tượng đã được mở rộng thêm nhiều tầng nghĩa. Mây, hay chính là hồn thơ Quang Dũng trong hình dáng của mây, đã lang thang phiêu du một chặng liền năm mươi năm có lẻ giữa rộng dài đất nước.


Áng mây trắng mang hình tráng sĩ

Sinh ra giữa thời tao loạn, một trí thức bình thường có quốc sỉ nào cũng đều không chịu nổi ách nô lệ ngoại bang. Thế là, như bao bạn bè cùng trang lứa từ Hà Nội, Quang Dũng xếp bút nghiên lên đường đánh giặc. Lúc đó họ đang còn rất trẻ, mới mười tám đôi mươi. Họ nhìn đời hồn nhiên, giản dị, chẳng tính toán gì. Người lính bước vào cuộc kháng chiến với đầy hùng khí của thời xưa, với ý chí Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Dáng dấp của họ oai phong, lẫm liệt (Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc - Quân xanh màu lá dữ oai hùm), coi cái chết nhẹ tựa lông hồng (áo bào thay chiếu anh về đất). Ngay cả nơi họ đóng quân cũng phảng phất bóng hình đồn trú thuở nào (Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa - Kìa em xiêm áo tự bao giờ - Khèn lên man điệu hồn e ấp - Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ)… Ta cảm thấy như có hùng khí của các cuộc giao tranh thời Chiến quốc vậy.

Các bài thơ về chiến tranh của Quang Dũng, mặc dù không nhiều, đều mang cung cách huyền sử. Bao giờ cũng những đêm trăng suông lạnh, những lúc chuyển quân, những đêm sinh hoạt nơi đồn trú, vừa có cái im ắng đông lại đến ngột thở, lại vừa có cái vui say náo nức, bỡ ngỡ mở ra đến vô bờ:

Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp
Nùn rơm- khói thuốc- bạch đầu quân
Tự vệ xách đèn chai lối xóm
Khuya về chân khỏa vội cầu ao
Nghe tiếng sung rơi miệng chiến hào
Bờ tre cây rơm thôi tịch mịch
Vỡ lá bàng khô bước du kích
(“Những làng đi qua”)

Trống tập trung
Vang vọng bãi Lương Tuyền
Mẹ tiễn qua sông
Bến Mộc gặp trăng lên
(“Bất Bạt đêm giao quân” - 1968)

Âm hưởng và tư thế đẹp, thơ mộng, hùng tráng là thế!

Chân dung người chiến sĩ trong thơ Quang Dũng, cùng với cái ngang tàng, hùng tâm tráng chí, lắm khi lẫm liệt, cũng lại rất mơ mộng, lãng mạn, tài hoa. Nghĩa là có một sự hòa điệu giữa con người tráng sĩ và con người thi sĩ. Như âm dương hài hòa vậy. Cảm thức đối cực này chi phối rất mạnh trong cách tạo dựng hình ảnh thơ theo lối vừa mới tận cùng dương đã lại tận cùng âm, khiến người đọc hết sức bỡ ngỡ và thú vị. Vừa cao tột cùng là thấp tột cùng: Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống; vừa dữ dội tột cùng, đã lại mơ mộng tột cùng: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới - Ðêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm; vừa mới động gắt đã lại tĩnh lặng: Tiếng quát dân quân đầu vọng gác- Nghe tiếng sung rơi miệng chiến hào; vừa mới khốc liệt dữ dội: Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Ðêm đêm Mường hịch cọp trêu người đã lại tình tứ thanh bình: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói- Mai Châu mùa em thơm nếp xôi… Cảm thức đối cực âm dương còn để lại dấu ấn khá rõ cả trong cấu trúc thanh âm (trắc - bằng) giữa các dòng thơ: Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống - Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi, hoặc trong nội bộ câu thơ: Mai Châu mùa em thơm nếp xôi, Trôi dong nước lũ hoa đong đưa… Trong thơ Quang Dũng có vô số những cặp đôi âm dương với nhiều kiểu dáng như vậy. “Vừa hào hùng vừa hào hoa” (chữ của Chu Văn Sơn), tráng sĩ và thi sĩ, cứ thế nở hoa thành những câu thơ tuyệt bút.

Con người tráng sĩ một khi ra đi là bất chấp gian khổ, bất chấp cái chết. Y như câu tuồng cổ: Gian nan là nợ, anh hùng phải vay. Thế nhưng, đi vào chiến trường mà biết đùa với bệnh tật, nguy nan, thậm chí cả cái chết, thì tất cả những đe dọa ấy có gì là đáng sợ nữa. Cái sợ đã bị hóa giải từ gốc. Rất lạ, bước vào chiến tranh mà như thả bước chân phiêu lãng giang hồ. Chiến tranh với những gương mặt tử thần rình rập, đâu phải thích hợp cho cái máu phiêu lưu? Ấy thế mà cứ hăm hở như không vậy:

Thôi nhé miền xuôi! Thôi tạm biệt
Cống chéo - Ðồng Xuân thề một chết
Hàng Gai tay bỏng trục "ba càng"
Ðất cũ Thăng Long người lẫm liệt.

Ðó là những con người yêu nước theo cung cách của lứa tuổi mười tám đôi mươi nhuốm chất Kinh Kha sang Tần thích khách thuở nào. Chẳng có gì thiếu chân thực cả. Ngược lại, nó thể hiện được tư thế trẻ trung, náo nức, cái hùng tâm tráng chí của một thế hệ thanh niên đô thị những năm đầu kháng Pháp. Mùa đông năm bốn sáu, họ đã xếp bút nghiên lên đường chinh chiến. Trong cái nhìn của nhà thơ, họ là những đám mây mang hình tráng sĩ phiêu bồng vào trận mạc. Áng mây Quang Dũng hòa lẫn trong đội hình ấy.


Áng mây sà xuống cõi nhân gian

Trong đời Quang Dũng có một nàng thơ vô cùng đẹp đẽ, đó là "cô gái vuờn ổi" - Em mãi là hai mươi tuổi. Do máu xê dịch giang hỗ viễn xứ, nhà thơ làm khổ người ta, để suốt đời ân hận: Bỏ em anh đi - Ðường hai mươi năm - Dài bao chia ly… Theo nhà thơ Trần Lê Văn, "Quang Dũng có yêu một cô gái vườn ổi vì nhà cô có một vườn ổi thơm nức mùa hoa mùa quả. Cô thuộc một dòng họ quý tộc nhưng lại tân tiến như những cô gái tân tiến kiểu mẫu trong tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn thời ấy (…). Về nhan sắc thì những bức tranh thiếu nữ của Tô Ngọc Vân hiện nay còn để lại có thể cho ta một hình ảnh của cô: dịu dàng, tươi mát, dễ làm cho người ta lâng lâng say. Quang Dũng thanh niên xuất hiện ở vườn ổi, gây chấn động trong tâm hồn cô gái" [2] . Trần Lê Văn cũng cho biết, có lần gặp lại người xưa, Quang Dũng viết ba bài thơ liền, một bài “Vườn ổi”, hai bài “Không đề”. Ðọc bài “Không đề”, lòng không khỏi ngậm ngùi:

Sông ơi! Dài sao
Rộng ơi! Biển cả
Thôi em nước mắt
Ðừng rơi lã chã

Quả là một mối tình đẹp đến mức thành cổ điển, nghĩa là muối mặn gừng cay đấy, nhưng vô cùng thanh khiết, cao quý. Thôi thì chẳng có được nhau trong đời, hãy Giữ trọn tình người cho đẹp. Một mối tình thơ, không gợn tục lụy. Ðó là áng mây trắng tình yêu che mát cho hai tâm hồn cách trở. Trong đời, ai có được một mối tình như Quang Dũng, tôi tin họ sẽ sống đẹp lên, tốt lên nhiều lắm. Ðôi bạn tình ấy, tuy rất xa nhau, nhưng luôn biết vì nhau mà gìn giữ, sống sao cho đẹp, "Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời".

Nhưng cõi nhân gian này không phải chỉ có toàn những điều tốt đẹp. Do thời tiết chính trị một thời, những câu thơ đẹp vô tội, vô cùng hiền lành, tình tứ, cũng bị quy là tiêu cực. Thí dụ: Ðêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Bài “Lính râu ria” cũng chịu chung số phận. Bài thơ tả anh lính xa nhà, một hôm ra quán hàng, gặp chị chủ quán vừa ôm con nhỏ vừa bán hàng, người lính bế đứa bé giùm, lòng tràn ngập yêu thương, bỗng chạnh nhớ vợ con mình. Thế rồi người lính mua một chút rượu để giải sầu:

Chị ơi! Ly rượu nhỏ
Rượu nhỏ một ly thôi
Một ly cho đỏ mặt
Cho lên hương cuộc đời

Còn hình ảnh cô bán quán thì:

Khi anh đã về xa
Chị dọn hàng đi ngủ
Chép miệng trong hơi chăn
Chị buồn chi không rõ.

Bước vào cuộc kháng chiến, cái gì cũng cần mạch lạc, đơn giản, càng đơn giản càng tốt. Ngày ấy nó thế! Người ta khoanh những vùng kiêng kỵ như tình yêu, nỗi buồn, cái chết, những khoái thú cá nhân… Mà thơ Quang Dũng lại đi vào những tâm hồn tinh tế, thăm thẳm, phức tạp. Thế là, từ bấy trở đi, suốt đời ông bị nghi kỵ, được dùng đấy nhưng không bao giờ được tin, bởi người ta không tin một người quen hưởng thụ, tiểu tư sản như vậy! Ðã thế lại còn có một thời gian lần mò sang tận Trung Quốc, rồi mang cái dớp Quốc dân đảng nữa chứ [3] . Ðến khổ. Thật là tình ngay lý gian. Tai bay vạ gió. Kêu ai cho thấu? Cũng là tại cái phận mây trắng cả. Chả biết tự vệ là thế nào. Chỉ biết phiêu du và thả thơ vào giữa mây trời.

Nhà văn Thanh Châu, năm nay cụ đã 94 tuổi ta, cũng là chỗ bạn thân của Quang Dũng, có lần kể cho tôi nghe một câu chuyện tôi không bao giờ quên được. Số là ngày ấy, các gia đình viên chức đều phải có sổ gạo, tức là sổ cấp cho từng hộ gia đình để đi mua gạo theo tiêu chuẩn nhà nước hàng tháng. Người ta gìn giữ sổ gạo cẩn trọng hơn cả giữ vàng. Vì lý do nào đó mà chẳng may mất sổ gạo thì thật là tai họa, rất lâu mới có thể làm lại được bởi tệ giấy tờ, tệ quan liêu "hành là chính", và như thế, có thể phải đi chạy gạo, vay ăn từng bữa (cái bi kịch này được đúc trong một câu tục ngữ đến nay vẫn nhiều người còn nhớ: Mặt nghệt như mất sổ gạo). Gia đình nào cũng thiếu thốn, cũng cần sổ gạo, nên dù thương bạn đến mấy cũng chẳng có mà cho vay mãi. Người mất đành đi mua gạo chui, đắt đỏ hơn vàng. Ấy thế mà Quang Dũng, do tính đãng trí, có lần đã đánh mất sổ gạo. Thật là họa vô đơn chí. Mất sổ gạo thì đành ăn ít đi, vay giật tạm, rồi tìm cách làm lại sổ. Thôi thì bao gánh nặng áo cơm, vốn đã cơ hàn, dồn vào người vợ. Bà phải gồng lên, kiếm tiền nuôi chồng và 3 đứa con nay đau mai ốm. Quang Dũng đau khổ, thương vợ nhưng không có cách nào giúp. Ngày ấy người ta nhìn thấy ông, người cao lênh khênh, tóc trắng bồng bềnh, đẹp lão không để đâu cho hết, hôm nào cũng vậy, khoác trên lưng một cái bao tải to, từ công viên bước ra, trong tư thế chui chúi lao về phía trước, lặng lẽ trên đường trở về nhà lúc chừng sáu giờ sáng. Hóa ra ông đi bộ dưỡng sinh ngoài công viên, rồi tranh thủ quét lá khô mang về đun, để đỡ tiền mua chất đốt. Ông làm thế như nhằm chuộc lỗi với vợ con, như một sự trừng phạt chính mình. Người tráng sĩ năm xưa giờ rụng kiếm, gẫy cung, trông như một tiều phu u uất. Thương thay!

Cũng kỳ lạ thay, con người ấy vẫn vô cùng yêu tin và tha thiết với cuộc đời. Vẫn cứ nhìn ra và động lòng cái cảnh:

Bên kia cửa sổ
Cô gái chưa chồng
Vừa tiễn người yêu
Lại lên giọng hát
"Người yêu say đắm hơn hoa mùa xuân"
Cũng như bao lần
Tiếng hát làm tôi rạo rực
Bâng khuâng thấy nhiều ước mộng
Và thấy đẹp làm sao
Cuộc đời to rộng…

Không một bầm dập nào, một dung tục nào có thể làm suy suyển lòng yêu, lòng mê say cuộc sống của Quang Dũng. Ông vẫn làm một áng mây ôm ấp tình yêu và khung cảnh đời thường. Vẫn là Mây ở đầu ô lang thang, và vẫn khát vọng Hẹn những chân trời xa lạ. Không gì có thể làm cho con người thôi khát vọng. Ở người nghệ sĩ lớn như Quang Dũng còn là những khát vọng đẹp và lớn.


Mây trắng về trời

Ai rồi cũng đến lúc phải lìa cõi sống. Ðám mây trắng xứ Ðoài chẳng may gặp cơn bạo bệnh. Tráng sĩ nằm trong bệnh viện, râu tóc, áo sống một màu trắng tinh, ngỡ tưởng đám mây trắng sà vào phòng bất chợt. Mấy tháng đầu ông không nói được. Chỉ nhìn vợ con, bạn bè và khóc. Mấy tháng sau, ông lại chỉ cười, cái cười trẻ thơ, hài đồng, tinh khôi vô kể. Rồi đến một lần, ông đưa đôi mắt dịu dàng nhìn vợ con lần cuối, xong ông dừng lại ở gương mặt người bạn thơ thân thiết Trần Lê Văn, tự nhiên ông nói được hai tiếng: "ông Văn!" nói xong liền tắt thở. Ông đã ra đi vĩnh viễn. Hồn thi nhân đã thành áng mây trắng thoát xác về trời. Ðiều kỳ lạ là, ánh nhìn cuối cùng của ông dừng ở gương mặt bạn thơ. Có phải ông đã không quên đem theo về cõi vĩnh hằng một thế giới thơ ca, một nghiệp chướng thơ ca mà ông không thể dứt, mà ông đã từng hạnh phúc, khổ đau, hứng chịu nhiều hệ lụy vì nó. Mà cũng chưa chắc. Một con người đãng trí, chưa từng có ý thức vun quén, tạo dựng cho mình cái gọi là sự nghiệp bao giờ, thế thì khi về cõi bên kia, chắc gì ông đã nhớ mang theo thơ phú đi cùng! Có thể nói, trong nền thi ca Việt Nam hiện đại, ít có người nghệ sĩ nào làm nghệ thuật một cách vô tư, siêu thoát, "tiên thi" đến thế. Bao nhiêu thơ phú, tranh vẽ, bài hát mà ông sáng tác cứ vương vãi tận đẩu đâu, không bao giờ nhớ, không bao giờ có ý sưu tập lại. Ðến nỗi, khi nhà thơ Trần Lê Văn đứng ra làm cho tập thơ riêng và cái tuyển, ông đi lục tìm, gom nhặt như tìm di cảo của người đã khuất (Xem “Lời giới thiệu” trong Tuyển tập Quang Dũng, Sđd). Cứ lãng đãng mây trời như thế mà lại thành sự nghiệp. Ngược lại, có những người cứ chăm chắm xây xây đắp đắp, tô son điểm phấn cho mình mà đâu có vị trí gì. Nhìn bằng con mắt nghề nghiệp, dẫu sao ông cũng là người sung sướng. Không thể nói là đã có một sự nghiệp bề thế, số lượng văn phẩm không nhiều, ấy thế mà Quang Dũng vẫn có một chỗ đứng chắc nịch trong nền thơ ca hiện đại. Tình thơ và tài thơ quyết định tất cả. Chẳng biết những ý nghĩ cuối cùng của thi nhân là gì, nhưng có lẽ điều này là có thực: ông tiếc cõi sống, tiếc cõi thơ, tiếc không còn được làm áng mây trắng bay giữa nhân quần cùng đất nước, tiếc phải vĩnh viễn xa lìa hết thảy. Tôi tin rằng, nếu ở thế giới bên kia được làm lại từ đầu, Quang Dũng lại chọn làm người thơ, làm nghệ sĩ. Không thể khác.

Quang Dũng là người thích đi, say đi, hễ có dịp là đi, thời gian xa nhà nhiều hơn những lúc ở nhà. Có những đận ốm đau, ông vẫn rời nhà vào tận Lâm Ðồng, nơi cô con gái dạy học, mà vào đến hai lần. Lời bài hát trong nhạc phẩm Ba Vì của Quang Dũng có câu:

Giang hồ ngừng bước nhớ nhung Ba Vì ơi

Trần Lê Văn kể: "Cái máu giang hồ của nhà thơ chuyển sang cả ‘những chiếc ngựa bờm dài’":

Hất đầu lắc nhạc
Hí lên từng hồi
Phất đuôi mừng khởi hành"
(Xem “Lời giới thiệu” trong Tuyển tập Quang Dũng, Sđd).

Sau này Quang Dũng có viết khá nhiều truyện ký in thành các tập: Nhà đồi, Làng đồi đánh giặc, Một chặng đường Cao Bắc…, trong đó có những áng văn rất đẹp, đẹp như những bài thơ: “Hoa lại vàng tháng Chạp”, “Quê trung du”, “Nhà đồi”, “Mùa quả cọ”… Ở văn xuôi, vẫn hiện lên một Quang Dũng nhất quán: ham đi, đi để thỏa lòng yêu vô bờ đối với con người và cuộc sống. Toàn những truyện nhớ nhung ân nghĩa cả. Nổi lên một vùng đồi, nơi đó có những người nông dân chân lấm tay bùn, nhưng tấm lòng vô cùng đôn hậu, yêu quý bộ đội, yêu quý con người. Nơi đó có những ngô luộc, lạc luộc, cá kho gừng, cơm nếp, rượu gạo, nương chè, nhà tre mái rạ, tường đất đá ong, giàn mướp, giếng đồi… và cả cái thổ âm không có thanh huyền không thể nào lẫn, không thể nào quên được của một vùng Ba Vì nồng hậu. Ðấy, sống ở giữa một nơi Ôi chật làm sao - Góc phố phường, con người vốn khoáng hoạt ấy không chịu nổi, cứ lại đi về một vùng quê tuổi thơ bên dòng sông Ðáy, nơi ấy có Ðôi mắt người Sơn Tây - U ẩn chiều lưu lạc - Buồn viễn xứ khôn khuây; có Mắt em như giếng nước thôn làng; nơi những năm bom đạn, Quang Dũng đã cất lên lòng yêu da diết, yêu đến xót đau:

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Mã chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Ôi, cái vùng quê thanh bình, óng ả, thơm tho biết bao. Thơ Quang Dũng có rất nhiều địa danh, bởi hễ cứ đi đến đâu là gắn bó ở đấy, nhớ nhung về đấy, là quê hương mãi đấy. “Tây Tiến”, “Những làng đi qua” là vậy. Nhưng các địa danh nhiều nhất vẫn là vùng xứ Ðoài mây trắng quê hương. Nào là Bất Bạt, Bương Cấn, Sài Sơn, Phủ Quốc, Ba Vì, sông Ðáy, Tích Giang, Vật Lại… Nhà thơ có tài chuyển hóa những địa danh bình thường, quê kiểng như mọi vùng quê khác, thành những tên thơ. Một không gian xứ Ðoài nghèo khó mà nhân hậu, qua Quang Dũng, thành một không gian thơ tình tứ, quyến luyến vô cùng. Phải có tâm hồn lớn, một tài thơ lớn, mới có thể nhào nặn những chất liệu thô ráp của đời sống thành chất liệu thơ ca. Ðiều này không phải nhà thơ nào cũng muốn là được. Những cái tên vùng, tên đất trong thơ Quang Dũng là những hóa thân từ một tên chung: Ðất Nước.

Lại một lần, "theo gót chân giang hồ", Quang Dũng có một đêm trên đất Bạch Hạc - Việt Trì. Chẳng biết gặp gỡ những gì, khói sương Liêu Trai mộng mị thế nào, mà ông để lại một bài thơ rất đẹp. Xin chép ra đây để bạn đọc cùng thưởng lãm, cũng như là thay lời kết cho bài viết này:


Ðêm Bạch Hạc [4]

Có những chiếc giường lạ
Nhìn ra mảnh sân nào
Nửa đêm chợt thức giấc
Thấy ta nằm ở đâu

Như cánh chim mỏi cánh
Lạc vào rừng không quen
Không chọn cành ngủ đỗ
Nào mong gì ấm êm

Ðêm nay đêm Bạch Hạc
Ta tạt vào nhà ai
Nghe sông Lô cuộn nước
Dềnh lên suốt đêm dài

Sớm mai rồi tiễn biệt
Tóc đẹp nhường bâng khuâng
Một đêm dài để nhớ
Những người xa vô cùng

Mái nhà đêm Bạch Hạc
Có nhớ người đi không
(Việt Bắc, 1967)

Ðã mang kiếp thi nhân, mỗi lần lang thang chân trời góc bể mà bắt được một bài thơ đẹp đến nhường này thì khối người thèm muốn mà không có. Lần này thì áng mây trắng xứ Ðoài Quang Dũng bị bắt quả tang: một mái tóc đẹp nào đấy níu áng mây đậu lại. Chẳng qua cũng một nòi tình. Cái gien tình xứ Ðoài có tính di truyền đã từ Tản Ðà chảy mạnh mẽ trong hồn Quang Dũng.

Giờ này, áng mây trắng xứ Ðoài Quang Dũng vẫn lãng đãng ngang trời, phủ một bóng mát lớn xuống nền thơ Việt Nam hiện đại.

Tết mùng Năm tháng Năm Ất Dậu

© 2005 talawas


[1]Mây trắng, mây Hàng được hiểu là cha mẹ, quê nhà. "Theo Ðường thư, Ðịch Nhân Kiệt làm quan ở Tinh Châu, một hôm lên núi Thái Hàng du ngoạn, ngắm nhìn làn mây trắng ở xa, nói với người đi theo rằng: Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trăng đó!" (Ðặng Ðức Siêu, Ngữ liệu văn học, Nxb GD, 1999).
[2]Xem Tuyển tập Quang Dũng, Trần Lê Văn sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu, Nxb Văn học, 2000.
[3]Theo tài liệu của nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Ðăng Mạnh, dẫn lời Ðỗ Chu cho biết về cái máu giang hồ của Quang Dũng: "Rồi lại mê cách mạng, thích làm cách mạng. Nhưng không biết cách mạng ở đâu. Nghe đồn cách mạng ở bên Tàu, bèn lần mò sang. Không may gặp phải đám Quốc dân đảng đóng trụ sở hẳn hoi. Thế là đi theo. Ở với họ một thời gian, thấy sinh hoạt chẳng có vẻ cách mạng gì cả lại quay trở về nước. Sau đó theo bộ đội ta đánh giặc. Chiến đấu cũng dũng cảm lắm. Người ta bèn tính kết nạp vào Ðảng. Ông ấy khai lý lịch là đã ăn ở một thời gian với Quốc dân đảng. Thế là hỏng và cái lý lịch tai hại ấy cứ theo đuổi ông ấy mãi về sau này…" (Trích từ bài “Quang Dũng người thơ”, in trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại- chân dung và phong cách, Nxb TPHCM, 2000).
[4]Bài thơ này chưa có trong bất cứ một tuyển nào của Quang Dũng. Tôi chép lại bài thơ này từ sổ tay tư liệu của nhà thơ Châu Hồng Thủy vào quãng năm 90 của thế kỷ 20, khi anh đang theo học ở Trường viết văn Nguyễn Du để chuẩn bị sang học Trường viết văn M.Gork i- Liên Xô cũ.