logo





Quách Tường tiểu muội

 
Không hiểu sao những nhân vật như Hoàng Dung và Triệu Mẫn lại hoàn toàn không để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc nào, dù có thể họ đã làm say mê nhiều thế hệ độc giả. Đôi phen tôi muốn cầm bút viết về Hoàng Dung, theo lời đề nghị của một số bạn đọc, nhưng không tài nào viết nổi. Dường như luôn có một cái gì đó đè lên ngọn bút khiến cho cảm hứng cạn nguồn ngay từ dòng chữ đầu tiên. Người phụ nữ xinh đẹp dĩ nhiên là vưu vật của tạo hóa, nhưng tôi cho rằng một người phụ nữ vừa tài hoa vừa xinh đẹp, lại vừa thủ đoạn và mưu mẹo tinh quái, như Hoàng Dung và Triệu Mẫn, thì họ không còn là vưu vật nữa mà chỉ là sự sai lầm của hóa công! 

Người phương Tây thường bảo “Do not be too smart!” (Đừng có tinh ranh quá!). Người phụ nữ đã xinh đẹp mà lại tinh ranh quá sẽ là hiểm họa. Họ hưởng quá nhiều từ hóa công, và khi họ đem những quà tặng quá đỗi hào phóng đó của hóa công để làm thành lợi khí trong những mưu mẹo thủ đoạn nhằm thủ lợi cho mình, thì điều đó chắc chắn sẽ bào mòn dần đi lòng vị tha đẹp đẽ của phụ nữ. Tâm hồn họ sẽ trở nên khô cằn và đầy nghi kỵ. Hoàng Dung luôn ngờ vực và đề phòng Dương Quá, cho rằng chàng ta là một tên xảo quyệt nguy hiểm như Dương Khang; chỉ đến ngày sinh nhật của Quách Tương thì người đàn bà tài sắc vẹn toàn, quá đỗi vẹn toàn này mới nhận ra được một điều mà cái tâm đôn hậu của Quách Tĩnh đã cảm nhận từ lâu. Cái đầu đầy sự thông minh của lý tính như Hoàng Dung sẽ khó lòng tiếp cận và cảm nhận được vẻ đẹp thuần nhiên trong tâm hồn. Có lẽ Kim Dung đã giúp hóa công sửa lại sai lầm khi để Hoàng Dung sinh ra hai chị em Quách Phù và Quách Tương. 

Giai thoại văn học Anh kể rằng có một phụ nữ xinh đẹp đến gặp văn hào G.Bernard Shaw và đề nghị muốn có với ông một đứa con, với lý do: “Đứa bé sẽ tuyệt vời biết ngần nào nếu như nó có khuôn mặt của em và bộ óc của anh”. Nhà văn hài hước nổi tiếng thế giới này đã từ chối bằng một câu trả lời hóm hỉnh: “Tôi lại e rằng cuộc đời nó sẽ là bi kịch nếu như nó mang khuôn mặt của tôi và bộ óc của cô!”. “Sản phẩm” mà nhà văn muốn nói đến, qua câu chuyện hài hước trên, như là một biểu tượng di truyền những mặt hạn chế của cha mẹ, lại có thực trong tác phẩm của Kim Dung, qua nhân vật Quách Phù.

 Đã có một hai bài viết về Quách Phù, nhưng dường như chưa có ai viết về Quách Tương, trong khi chính cô bé này mới là nhân vật nữ sảng khoái đệ nhất võ lâm. Sống ở đời chỉ để lai rai khoái hoạt thì trong các nhân vật chính của Kim Dung, nam có lẽ chỉ có mỗi một Lệnh Hồ Xung, và nữ chỉ có mỗi một Quách Tương. Trong khi Quách Phù quá đỗi phù phiếm hời hợt, giống như một “con gà công nghiệp” đúng với cái tên “Phù”, thì Quách Tương lại hào sảng đáng yêu biết bao. Có lẽ do khi vừa lọt lòng, cô bé “Tiểu đông tà” này đã phải gặp nhiều cảnh hung hiểm kỳ lạ, bị nữ ma đầu Lý Mạc Sầu bắt đi, lại được Dương Quá cứu thoát, lại phải uống sữa beo để sống nên tính tình mười phần cổ quái, khác hẳn cô chị nhạt nhẽo, vừa ngu đần vừa đỏng đảnh.

 Cảnh ba chị em Quách Phù, Quách Tương và Quách Phá Lỗ ghé vào quán rượu ven đường đã làm nổi bật nét tương phản sâu sắc giữa hai chị em. Trong khi cô chị Quách Phù luôn muốn giữ phong cách lạnh lùng khinh khỉnh của một “đại gia chi nữ” giữa đám “phàm phu tục từ” trog một quán rượu bình dân, thì cô em Quách Tương lại hào sảng cởi cành thoa ngọc đem cầm cho chủ quán để đãi tất cả thực khác xa lạ uống rượu giữa trời tuyết đổ. Thử tưởng tượng khi đang rong ruổi giữa một buổi chiều đông lạnh giá, bạn ghé vào một quán nhỏ bên đường để uống vài ly rượu cho ấm bụng, mà chỉ dám uống dè chừng vì túi tiền không cho phép. Bỗng trong đám thực khách có một cô bé xinh đẹp đứng lên cầm cành thoa đưa cho chủ quán đổi thành rượu để đãi bạn cùng moị người có mặt, xin mọi người hãy uống thoải mái để cùng vui, và cùng xua đi cái giá buốt của buổi chiều đông! Thử hỏi có gì trên đời thống khoái hơn thế, và có ly rượu nào ngon hơn, ấm lòng hơn thế? Chỉ một chi tiết đó đã quá xứng đáng để mọi anh hùng hào kiệt lẫn bọn tửu đồ trong thiên hạ nối đuôi nhau tới xin kết giao với cô bé thành Tương Dương!

 Khi bình tác phẩm Tây Sương ký của Vương Thực Phủ, Kim Thánh Thán nêu ra 33 điều thống khoái trong đời, trong có điều thứ hai rất cảm động mà mọi người vợ trên đời đều nên “khắc cốt minh tâm”(!):

“Người bạn xa mười năm, thình lình đến vào chiều hôm. Mở cửa chào nhau xong, chẳng kịp hỏi đi thuyền hay đi bộ, cũng chẳng kịp mời ngồi ghế hay ngồi giường!... Hàn huyên qua loa, liền chạy mau vào nhà trong, sẽ hỏi mẹ đĩ: “Mình có được như bà Đông Pha, sẵn có rượu để dành không?” Mẹ đĩ tươi cười, rút cành trâm vàng đưa cho… Tính ra có thể thết khách được ba ngày… Chẳng cũng sướng sao?” (Mái tây, Nhượng Tống dịch, NXB Tân Việt, 1960, tr.313).

 Đó quả là điều thống khoái trên đời cho những đức ông chồng có tính quảng giao và là niềm tự hào của những bà vợ hiền suốt kim cổ đông tây!

 Đem cành trâm vàng trên đầu đưa chồng đem bán để đãi bạn hiền, điều đó dù cực kỳ tuyệt diệu và thực khó đối với phụ nữ trên đời, nhưng dù sao cũng còn có chút giới hạn. Đó là đãi bạn. Mà lại là bạn cố tri mười năm gặp gỡ. Đằng này cô bé Quách Tương lại đem cành thoa cực quý đổi rượu để đãi những người không hề quen biết chỉ để vui, và để truyền cái vui đó đến người khác trong quán rượu, thì cái tâm đó e rằng còn vượt quá cái tâm chiều chồng của vị hiền thê kia nữa.

 Nhà văn Mai Thảo kể rằng có lần gặp Bùi Giáng đi lang thang qua tòa soạn, bèn kéo nhà thơ này vào và xin vài bài thơ để kịp in số đặc biệt về ông. Họ Bùi bèn xin một chai bia rồi ngồi làm liền một mạch mấy chục bài thơ ngay tại chỗ, mà bài nào cũng là tuyệt bút. Trước sự kinh ngạc của nhà văn Mai Thảo, Bùi Giáng chỉ mỉm cười: “Vui thôi mà!” rồi mang khăn gói tiếp tục lang thang. Đó cũng chính là cái “Vui thôi mà!” của cô bé Quách Tương trong quán rượu. Một người dùng thơ giữa đời, một ngừoi dùng cành thoa ngọc trong truyện, những việc làm ngẫu hứng đó tôi cho rằng có chỗ giống như cái tâm “vô công dung hạnh” của Phật giáo. Làm một việc với cái tâm rỗng không. Tâm vô sở trụ. Vui thôi mà!

 Lễ sinh nhật của cô bé Quách Tuơng có lẽ là cảnh tượng lạ lùng và hứng thú nhất trong bộ Thần điêu hiệp lữ. Trong khi bên ngoài đại hội quần hào đang diễn ra sôi nổi thì trong căn phòng nhỏ của mình, một cô bé mười mấy tuổi đầu lại ngồi uống rượu, cười nói đắc ý với biết bao kỳ nhân dị sĩ ẩn cư trên chốn giang hồ. Cảnh tượng đó khiến Hoàng Dung ngẩn cả người nhưng lại khiến nguời đọc cực kỳ thống khoái, chỉ muốn xin ngồi vào bàn để nâng chén mừng ngày sinh nhật cô Quách Tương tiểu muội.

 Đành rằng những người này đều theo lời mời của Dương Quá mà đến mừng sinh nhật cô, nhưng thử hỏi người tay quái kiệt chọc trời khuấy nước như Tuyệt hộ thủ Thánh Nhân sư thái hay Chuyển luân vương Trương Nhất Manh làm gì có thể ngồi uống rượu vui vẻ với một cô nhóc theo thể điệu “bình bối luận giao”, nếu như họ gặp phải một cô nương phù phiếm và nhạt nhẽo kiểu Quách Phù? 

 Phàm đạo kết giao trong thiên hạ, gặp nhau lần đầu, chỉ cần nửa câu nói hay một ngụm rượu thôi cũng đủ để xác định người đó đáng là bạn hay không. Mà là bạn để uống rượu lại càng khó. Đã uống rượu là phải nói chuyện. Tửu nhập ngôn xuất mà. Trong những cuộc gặp gỡ lần đầu đó, nếu có rượu ngon thì dĩ nhiên là điều thống khoái, nhưng khi câu chuyện đã thực sự vui thì rượu có nhạt một chút cũng không sao, niềm vui sẽ truyền hơi ấm vào để làm chén rượu nhạt thêm nồng; chỉ có người nhạt mới khiến cho rượu và câu chuyện nhạt theo. Mà uống rượu với người nhạt thì chán lắm. Lúc đó thì mọi loại rượu thượng hảo hạng trong thiên hạ có uống vào cũng đều nhạt hơn rượu gạo nước ba! Chỉ trong quan hệ làm ăn trong xã hội, con người mới chấp nhận uống rượu cùng người nhạt (mà những kẻ đã mê tiền thì phải là người nhạt!), để tìm cách moi được số tiền không nhạt đằng sau con người nhạt, chứ những tay quái kiệt giang hồ có cần gì đến bọn tục sĩ kia?

 Trong bài “Tây Thi: từ Lý Bạch đến Kim Dung”, tôi có nói rằng trong tác phẩm Việt nữ kiếm, Kim Dung đã nối tiếp cung bậc Ô thê khúc của Lý Bạch để cực tả dung nhan tuyệt thế của Tây Thi bằng sự sững sờ của cô bé chăn dê A Thanh, chứ không tả trực tiếp sắc đẹp của người con gái đất Việt. Trong Thần điêu hiệp lữ, Kim Dung cũng dùng bút pháp đó để cực tả tính cách hào sảng đáng yêu của cô bé Quách Tương bằng cách tả cảnh Hoàng Dung đứng lén nhìn cô con gái mới mười mấy tuổi đầu của mình uống rượu cực kỳ hào hứng cùng các nhân vật võ lâm mới gặp lần đầu tiên trong ngày sinh nhật. Vui thôi mà!

 Sau những ngày tháng phiêu bạt giang hồ tìm Dương Quá trong vô vọng, Quách Tương xuống tóc đi tu để sang lập nên phái Nga My. Điều đó quả là một thiệt thòi quá lớn cho bọn hào sĩ võ lâm, nhưng cũng là lẽ tất nhiên, bởi thử hỏi trong đám mày râu, có ai xứng đáng với cô gái đáng yêu đó? Trừ nhân vật Dương Quá mà cô thầm yêu thì trong cõi giang hồ họa chăng chỉ có Lệnh Hồ Xung!

 Đọc xong Thần điêu hiệp lữ, chúng ta chỉ muốn dẫn Quách Tương đến gặp Kim Thánh Thán để xin nhà phê bình hãn hữu cổ kim này thêm vào lời bàn của ông điều thống khoái thứ 34:

“Có được một tiểu muội như Quách Tương để cùng nhau rong chơi và “Lai rai chén rượu giang hồ”, chẳng cũng sướng sao?”.

 Huỳnh Ngọc Chiến