*





THỜI SỰ

Những phút cuối cùng của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn

SGGP:: Cập nhật ngày 20/09/2006 lúc 23:38'(GMT+7)

Bà ngồi đọc cho ông nghe những bức thư của bạn bè khắp nơi trên thế giới gửi về thăm ông khi nghe tin ông ốm nặng. Hôm nay bà đọc đến bức thư của người bạn Mỹ, mà thuở ông còn học ở trường báo chí ở quận Cam - California, ông đã ở trong nhà và họ coi ông là người trong gia đình.

Bà đọc bằng một thứ tiếng Anh nghe cứng cáp của người đứng tuổi dù xưa kia bà rất giỏi tiếng Anh và có khi ông còn giải thích cho bà những từ khó mà bà không hiểu. 

Bây giờ dù đã già nhưng phát âm rất chuẩn, mỗi từ tiếng Anh phát ra chắc chắn. Bà đọc tới đâu nước mắt chảy quanh tới đó. Thỉnh thoảng bà dừng lại và ghé sát tai ông hỏi nhỏ: Anh có nghe được không? Ông khẽ gật đầu, nước từ trong khóe mắt đục nhờ của ông lại chảy ra. 

Tất cả y tá, bác sĩ, hộ lý đều đứng nhìn. Thỉnh thoảng có người lén lau nước mắt. Họ nói với nhau hãy yên lặng để bà đọc cho ông nghe... 

Lúc ông nhắm mắt lại, những dây nhợ chằng chịt trên người ông nối với nhiều máy móc phát ra âm thanh nghe rột rột. Bà vội đứng dậy đi ra ngoài, nhường chỗ cho các bác sĩ. 

Công việc của họ là thông phổi để ông dễ thở hơn một chút, nhưng rồi ông lại chuyển vào giai đoạn lúc tỉnh lúc mê, ông gọi bà thều thào mê sảng: “Em ơi chúng đang tra tấn anh, chúng bỏ đá vào miệng anh, mệnh chung của anh sắp đến rồi, em và các con đừng xa anh nhé...”. 

Bà nắm chặt tay ông. Các bác sĩ yêu cầu bà đi ra ngoài. Các con của bà đứng nhìn ông qua ô cửa kính. Họ đều khóc và cố gắng như muốn chia sẻ đau đớn thể xác cùng ông. 

Bà quay sang nói với tôi - vẫn đứng đây từ nãy giờ bất động: Ông ấy khổ suốt cả một giai đoạn dài căng thẳng. Bây giờ đã đau thể xác thế này mà tâm hồn cũng không được thanh thản. Bao nhiêu dồn nén chỗ góc khuất đã trải qua trong nguy nan căng thẳng nay trong vô thức trào ra. Bà bật khóc, tôi nắm chặt tay bà. 

Các bác sĩ bảo chuẩn bị chọc phổi để hút dịch ra, cả phòng cấp cứu hồi sức của Bệnh viện Quân y 175 được huy động. Tôi dìu bà ra hành lang ngồi, đúng lúc đó bác sĩ Sơn và bác sĩ Việt trưởng, phó khoa đều lao vào. Tôi đứng dậy hỏi nhanh bác sĩ: Tình trạng ông Ẩn thế nào? Bác sĩ Sơn khoát tay ra hiệu và nói nhanh: Xấu lắm không tiên liệu trước được gì đâu. Tôi ngồi xuống bên bà và không biết phải nói gì để an ủi, bà bảo tôi: “Cháu muốn quay phim hả? Thì chuẩn bị đi mai có các chuyên gia của thành phố xuống hội chẩn cho chú đấy”.

Bà biết tôi đang làm bộ phim tài liệu 10 tập về ông và những đồng đội của ông, nhưng trong suốt một thời gian dài tình trạng sức khỏe của ông luôn trong điều kiện rất xấu và phải thở bằng oxy. 

 Lúc hơi khỏe là ông lại tiếp khách - khách khứa ra vào nhà ông liên tục, người từ Mỹ về sau bao năm tìm gặp ông, ban bè đồng đội nghe ông bệnh tật đến thăm và cả những người khách nước ngoài đã hẹn giờ trước từ rất lâu qua e-mail từ bên Mỹ, Pháp... Vậy nên nhiều khi tôi luôn là người thiệt thòi. 

Có hôm dù hẹn trước nhưng khi bầu đoàn thê tử máy móc kéo nhau đến thì ông rất mệt và đang thở oxy nên lại dắt díu nhau về, vì vậy nhiều lúc khỏe lại đôi chút, ông hình như hối hận vì không quan tâm đến tôi nên điện thoại cho tôi bảo đến ngay ông giải thích cho một sự kiện gì đó coi chừng không hiểu rõ nói người ta cười cho... Tôi nói với ông rằng bọn trẻ chúng tôi dù cố gắng cách nào, nghe xong tẩu hỏa nhập ma không hiểu gì cả. 

Ông cười hiền khô và bảo rằng nhiều khi lịch sử còn trật lất mà, ông không đồng ý cho tụi tôi làm phim về ông - ông nói các nước tiên tiến làm mấy đề tài này còn rất khó huống gì ở nước mình còn khó hơn rất nhiều, không phải đơn giản đâu.

 Càng ngày tôi càng rất lo âu vì sức khỏe ông tệ đi mà thời gian cho phép làm phim cũng không còn nhiều. Thói quen làm phim truyền thống của ta là không làm từ lúc nhân vật còn khỏe mà làm xong phim thì nhân vật cũng ra đi luôn.

 Trong suốt 2 năm trời, mặc dù khẩn trương cố gắng tới mức nào, 1 năm quay tư liệu và 1 năm chính thức quay các tập, tôi cũng không thể làm được, bởi hầu hết các nhân vật liên quan đến bộ phim đều tuổi đã lớn hoặc đang nằm bệnh viện.

 Có đến trên dưới 10 lần chúng tôi đến điểm quay nhưng rồi lại vác máy về vì nhiều lý do. Bệnh của ông là liệt tế bào phổi do thời trẻ hút thuốc quá nhiều. Có lần trò chuyện, ông nói với tôi, nghe nói thằng Mỹ nó mới có thuốc thử nghiệm chưa dám cho dùng công khai, nó cho mình dùng thử, chết mình chịu mà nói vậy chứ biết bao giờ tới được Việt Nam.

 Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Khoa hồi sức cấp cứu nói với tôi: Chú Ẩn nhập viện cho đến hôm nay là chẵn 50 ngày. Những ngày đầu vào viện, chú rất bản lãnh và kiên cường chống đỡ lại bệnh tật. Chú bảo làm cho tôi dễ thở một chút rồi cho tôi về nhà. Bác sĩ Sơn bảo: Chú vào đây nhiều lần nhưng lần này là lần thứ hai nặng nhất. Các y tá và bác sĩ trong bệnh viện rất quý chú bởi tính chú rất hài hước và đặc biệt là rất tình cảm. Có lần, chú tâm sự tôi có rất nhiều bạn bè ở Mỹ. Tôi sẽ tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ bệnh viện vì chú thấy trang thiết bị của bệnh viện quá cũ kỹ.

  Mong ước của bác sĩ Sơn là đến một ngày nào đó được cùng ông Ẩn trở lại quán cà phê Givral - trung tâm báo chí thời trước, để cùng ông uống một ly cà phê đậm đặc và nói chuyện phiếm theo đúng kiểu của những tay báo chí thời trước.

 Còn bác sĩ Việt thì nói với tôi: Anh em bác sĩ ở đây có khổ một tí cũng có sao đâu. Chẳng lẽ chú làm được bao nhiêu việc cho đất nước còn mình chỉ mới vất vả một tí thế này mà đã than khổ rồi sao... Rất nhiều chuyên gia hàng đầu về bệnh phổi đã được mời đến để hội chẩn và tìm phương pháp điều trị cho ông. Họ giải thích về bệnh tình của ông với vợ ông, bà Thu Nhàn, và chia sẻ với gia đình ông giờ phút nguy nan này.

 11 giờ 20 phút sáng qua (ngày 20-9-2006) ông trút hơi thở cuối cùng. Gia đình, người thân và đồng đội đã có mặt ở bên ông cũng như họ đã từng chia sẻ cùng ông những năm tháng gian lao khốc liệt của cuộc chiến tranh và những ngày gian khó xây dựng đất nước hôm nay.

 Riêng tôi khi thực hiện bộ phim tài liệu về ông, đi qua rất nhiều những vùng miền của Tổ quốc – nơi lịch sử ghi dấu chiến công trên những địa danh, tôi thêm thấm hiểu giá trị của những cống hiến mà ông đã âm thầm đóng góp trong suốt 25 năm qua hai cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc mà không phải tất cả chúng ta ai cũng hiểu được. Nhà tình báo chiến lược – Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Xuân Ẩn cũng như nhiều vị anh hùng tình báo khác, Tổ quốc ghi công họ, nhân dân Việt Nam biết ơn họ, nhưng tên họ vẫn mãi là huyền thoại.

 Đạo diễn LÊ PHONG LAN

 Vĩnh biệt Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn

 Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn (tức Hai Trung) sinh ngày 12-9-1927 tại Biên Hòa. Từ năm 1949-1950 đã tham gia phong trào học sinh – sinh viên ở Sài Gòn và đỉnh cao là phong trào Trần Văn Ơn. Oâng được chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyển vào chiến khu D từ năm 1952 và sau đó một năm, trở thành đảng viên Cộng sản. Do bắt đầu có sự dính líu sâu sắc của Mỹ bước vào chiến tranh Việt Nam, Đảng đã cử Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học báo chí tại California trong hai năm (1957-1959) và là người Việt Nam đầu tiên sang học báo chí tại quận Cam.

 Tốt nghiệp về nước, ông làm việc cho báo Time tại Sài Gòn từ năm 1969 đến tận ngày giải phóng đất nước 1975. Hành nghề trở thành nhà báo chuyên nghiệp, từng làm việc cho nhiều hãng tin phương Tây như Reuters, The New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor. Nghề nghiệp giỏi, lại trung thực, sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp khiến ông Ẩn trở thành người được báo giới phương Tây cảm phục, kính trọng và yêu mến. Ngay cả khi biết ông không chỉ làm nhà báo bình thường, mà còn là một nhà tình báo của Việt Nam, giới báo chí, nhà văn, nhà nghiên cứu phương Tây vẫn luôn yêu kính, cảm phục, đánh giá cao lòng yêu nước, tính nhân văn, con người đáng kính trọng Phạm Xuân Ẩn.

 Báo chí trong nước và nước ngoài viết rất nhiều về ông, nhà văn Pháp Pomonti cũng xuất bản cuốn sách viết về Phạm Xuân Ẩn ấn hành đầu năm 2006. Giáo sư chính trị, nhà nghiên cứu Mỹ có nhiều tác phẩm về Việt Nam – Larry Berman cũng đang hoàn thành một tác phẩm nữa về Phạm Xuân Ẩn, ấn hành vào đầu năm 2007 tới. Nhà văn Nguyễn Khải cũng lấy nguyên mẫu Phạm Xuân Ẩn để làm nhân vật của mình trong hai cuốn tiểu thuyết.

 Là nhà tình báo chiến lược trong vai trò nhà báo xuất sắc, ông quan hệ rất rộng. Một nhà lý luận Mỹ nhận xét: “Ở tòa báo Times, Ẩn là người khôn khéo. Ẩn luôn được giao nhiệm vụ thuyết trình cho nhóm phóng viên mới tới. Và cũng chính anh ta là người gỡ mối cho những vấn đề chính trị rối mù của chính giới Việt Nam lúc đó. Anh là người cởi mở, dấn thân và có óc hài hước, luôn luôn được niềm nở tiếp đón trong các giới quân sự và ngoại giao Việt – Mỹ và cũng là một trong số rất ít ký giả Việt được cho phép tham dự các buổi thuyết trình hạn chế của phái bộ Mỹ”.

 Với uy tín lớn như thế, Phạm Xuân Ẩn đã hoàn thành nhiệm vụ tình báo chiến lược một cách xuất sắc. Lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cùng với một lực lượng tình báo yêu nước, can đảm, đã tạo mọi điều kiện để ông làm nhiệm vụ. Ông hoạt động đơn tuyến, sáng tạo. Đồng chí Mười Thương, Mai Chí Thọ và các lãnh đạo, chiến sĩ cụm H63 đánh giá cao tài năng, sự can đảm và trung thành của Phạm Xuân Ẩn. Ông đã cung cấp nhiều tin tình báo quan trọng vào bậc nhất để chúng ta có nhiều chiến thắng lẫy lừng trong chiến tranh. Ông được nhiều tặng thưởng huân chương cao quý và năm 1976 được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 Suốt cả cuộc đời 80 năm, hầu hết ông sống và hoạt động ở Sài Gòn, “lặn” sâu tới mức mãi đến vài năm gần đây, năm 2000 – các cựu học sinh của hai trường trung học quan trọng nhất thời đó là Marie Curie và Chasseloup Laubat kỷ niệm 50 năm ngày 9-1, ông mới kể với họ kỷ niệm tham gia cuộc biểu tình ngày 9-1-1950. ông Phạm Xuân Ẩn có mặt trong tấm hình lịch sử của phong trào Trần Văn Ơn, trong đó ông chính là chàng trai cầm băng rôn mang dòng chữ “Toàn thể học sinh Nam Việt” đi đầu. May mắn sao, suốt thời kỳ hoạt động tình báo sau này, kẻ địch không phát hiện ra tấm hình ấy.

 Sài Gòn là thành phố gắn bó cuộc đời ông từ khi là một chú bé 10 tuổi mê chơi thường vào Sở Thú học làm Tarzan leo lên rễ cây đa, cho tới khi trở thành nhà tình báo hàng ngày lái chiếc ô tô Renault đi hành nghề, lấy tin tức. Sài Gòn cũng là nơi ông đêm đêm ngồi làm tài liệu gửi ra chiến khu, cũng là nơi chứng kiến cảnh Sài Gòn sụp đổ...

 Hôm nay, Sài Gòn đã chia tay người con của mình. Hay nói đúng hơn, Sài Gòn và người thân yêu, đồng đội của ông đã đưa ông vào lòng Sài Gòn để mãi mãi nhớ thương người con bình dị và huyền thoại của mình. Ông vẫn mãi ở cùng Sài Gòn - TPHCM.  

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI