Nước chảy về đâu
Tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư
Chào nhau lúc thị trấn lên đèn, một
mình em trở về thành phố.
Bốn mươi cây số. Bạn ái ngại cho đứa con gái đường xa vạn dặm, một
mình, trong
đêm tối…
Em nói em lang thang hoài, quen rồi,
không sao đâu. Nhưng
nói thẳng ra, em thích lênh đênh trên đường một mình như thế này thì
hóa ra
quái dị trong mắt của người ta. Bởi cô đơn chẳng phải là nỗi khiếp sợ
của người
đời sao?
Cứ một năm vài ba đợt
em phải tham gia đoàn công tác đi
huyện, mỗi đợt kéo dài bốn, năm ngày. Sớm đi, chiều về. Cực chẳng đã,
mưa quá,
hay nắng quá, hay khúc đường hiểm trở nhiều ổ voi ổ gà quá, em mới chui
vào xe
ô tô của mấy ông trong đoàn. Em nói em say xe, nên không thích. Sau đó
mọi
người phát hiện ra em chưa bao giờ say bởi bất cứ gì, (kể cả say
người), em
đành nói em không quá giang để rồi chờ đợi mệt mỏi, tự dưng không quyết
định
được chuyện đi ở, tự dưng để người khác giữ chân mình, em không thích.
Người
trong đoàn không nói gì, nhưng tia nhìn hơi khó chịu, hơi mỉa mai,
“người ta
nhà văn, nên phải ngạo mạn, lập dị như vầy…”. Em buồn cười, lên xe máy
đi tuốt.
Bởi có nói đến Tết
thì chẳng ai hiểu được, một mình trên
đường là nỗi cô đơn tuyệt vời nhất. Bồng bềnh. Phiêu diêu. Cảm giác
không ai
theo kịp mình, thấy mình như con bướm cứ chập chờn, chập chờn, không ai
nắm bắt
được. Vậy là không cần diễn, không cần đối phó, vậy là gương mặt cứ mềm
ra,
ngây ngây, vậy là ý nghĩ mông mênh, vu vơ không ra đầu cuối, đang nhớ
người
này, sực nhớ người kia, đang nghĩ tới màu tím của những bông dừa cạn
bên đường
thì cái vệt xanh của vạt cỏ ống phớt qua, kéo theo những bông lau già
bạc phơ
phất.
Đây mới là mình. Cái
cảm giác đó em chỉ có khi… ngủ. Nhưng
vì ngủ sâu nên không ý thức được, không ngây ngất, vui sướng được. Cảm
giác đó
cũng đôi khi xuất hiện lúc em chen chúc giữa cái chợ đông người. Người
lúc
nhúc, nhưng ai nấy đều phải bươn tới, phải tất bật, phải giữ cái túi
mình đề
phòng bọn bất lương, phải cãi cọ đôi co để giằng lại chút tiền nhỏ
nhoi. Chẳng
ai nhìn lâu vào một cái gì, mắt họ lướt đi trên những món hàng đẹp đẽ,
và em
được tự do.
Nhưng ở đó, em không
có được ngọn gió này, bờ cỏ này, vạt
năn cháy nắng, cánh đồng hoang vắng, đìu hiu kia. Theo vòng bánh xe
quay, ý
nghĩ của em cũng trôi theo, đến nỗi em còn không theo kịp mình. Những
cây lức
trổ bông trắng xoá bên đường, cái cây quỷ này hồi nhỏ má hay đâm với
muối để bó
chân mình. Một hàng cây so đũa đang mùa ra trái, mấy chị lỡ thời chắc
chạnh
lòng, trời ơi, so đũa còn có đôi, huống chi… Một khúc cây nhỏ treo cái
chai
nhựa tòn ten trước một quán hàng nhỏ, ui trời, đây chắc là “biển hiệu”
bán
xăng, bà con mình nhiều khi cũng quá trời sáng tạo, treo bẹo cả trên
bờ. Và con
heo dơ èm ủi đất bên sông, cái xuồng ngập lé đé trong nước, những đứa
trẻ tha
thểu ngoài sân, bắt chuồn chuồn, cái panô vô “khu dân cư văn hóa”,
những người
đàn ộng chạy xe ôm chờ khách cháy da dưới nắng, người con gái đội rổ
rau nước
còn chảy ròng ròng đẫm vai, tổ chim trên lủng lẳng trên đường dây điện
rối…
những hình ảnh xui mình vừa nghĩ ngược về tuổi ấu thơ lại ngẩn ngơ
chuyện hiện
tại, chuyện tương lai của… đất nước, chuyện người với người, chuyện bữa
cơm
trong nhà người, chiều nay…
Và trong đêm tối mịt
mùng đêm nay, những con đường cũng
không vì thế mà mất đi vẻ biến ảo, lung linh. Em không vì cây cỏ bên
đường chìm
vào đêm mà thôi nghĩ. Bởi đêm không sao giấu che được sự không công
bằng (mà
dưới ánh sáng ban ngày, cái - sự - không này bày đầy ra), ở ánh đèn nhỏ
le lói
trong nhà này và rực rỡ chói lóa trong nhà khác; ở chăn chiếu rách nhà
này và
chăn nệm ấm ở nhà khác; ở những xóm nghèo chìm lặng như thuở hồng hoang
và
những khúc chợ đầy tiếng chạm cốc lanh canh lẫn trong tiếng karaoke
vống lên
trong tối. Nghĩ chán về sự công bằng (vốn không bao giờ có), em day
sang những
vì sao trên trời, vệt đèn pha của người đồng hành, những cô gái đứng
bên vệ
đường thẹn thò chờ người yêu tới, mùi cỏ đêm ngai ngái, gió đêm trong
trẻo, mát
lành… Tất cả những thứ đó em thường nghe thấy, nhưng trong cái thế bị
nhìn,
trong lúc đang đối phó, và cho dù em tự nhủ mình đang sống rất thật với
lòng,
nhưng mặt vẫn kênh lên, mắt vẫn tỉnh bơ, nên cảm giác với chung quanh
cũng ráo
tạnh. Bây giờ, chỉ một mình trôi đi, thấy mọi thứ cùng mông lung với
mình, đẹp
mà lạ, như mới gặp lần đầu, ngọt lành, mộng mị.
Sông dường như vẫn
thường trôi như vậy.
Bạn gọi điện thoại,
hỏi, về tới đâu rồi? Em ngơ ngác, không
biết bạn ơi. Bạn nhằn trong điện thoại, trời đất, đi tới đâu cũng không
biết
nữa, đầu óc để đâu. Em cười, và nghĩ, cho tôi làm nước chảy chút nữa
đi, làm
ơn.
Và nước thì đâu thèm
quan tâm mình chảy về đâu…
Nguồn