*





TỪ SƯƠNG MAI ĐẾN THIÊN THẠCH

Nguyễn Lương Vỵ

 

    Rung cảm về cái Đẹp đối với một nghệ sĩ là một cuộc truy tìm liên tục và bất tận. Tất nhiên, đó là Cái Đẹp Lý Tưởng mà chính người nghệ sĩ phải trải nghiệm, thẩm thấu suốt chặng đường sáng tạo của mình. Mỗi tác phẩm là một cuộc truy tìm khác nhau, đầy thách thức khốc liệt cho khát vọng chạm tay tới Cái Đẹp Lý Tưởng đó, đôi khi, vẫn mãi là những nét lung linh, mờ ảo trong trí tưởng. Ảo mà Thực, Thực mà Ảo. Im lặng mà Sấm Sét, Sấm Sét mà Im Lặng. Phải chăng, đó là sức cuốn hút mãnh liệt của nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng?

    Gần bốn mươi năm truy tìm trong sắc màu, trên hai mươi cuộc triển lãm (chung và riêng), họa sĩ Nguyễn Đình Thuần đã vạch được lộ trình đầy hào hứng của mình. Khởi đầu bằng những bức tranh hình thể lãng mạn pha lẫn trừu tượng, gần đây, tranh của anh chuyển sang những mảng màu ấm nhưng rất dương tính, dội lại tiếng vang bất ngờ trong đôi mắt người xem.

    Khoảng giữa năm 2003, khi vừa đặt chân đến Calif. thăm anh, tôi thật sự bị cuốn hút trước bức tranh “Sương Mai” (vẽ năm 2001) của họa sĩ. Toàn bộ không gian bức tranh khổ lớn được phủ hai bên lớp xanh dương đậm rồi sáng dần trong khoảng giữa, hơi sương “thở” ra trong màu xanh nhạt, đúng hơn là mây và sương cùng “thở” trong buổi đầu ngày (?!). Không gian bức tranh hình như có tiếng vang trong những cụm sắc vàng nhỏ, rất tươi, rất lung linh, cựa mình bên những sắc đỏ tươi phản chiếu của ánh dương (?!) dường như đang nằm giữa đáy trời (hay đáy vực?!). Ánh dương nhòe ra rồi tụ lại trong đóa hoa vàng lấp lánh sương mai? Bức tranh và họa sĩ không trả lời, chỉ có tôi là người xem đang bị hút vào một khoảnh khắc sương mai xuất thần đó. Sắc xanh trầm mặc và thanh thản, sắc vàng ánh lên, tươi tỉnh giữa hai bờ vực. Bức tranh cuốn hút tôi bởi sự tĩnh tịch lúc thoáng nhìn, càng nhìn lâu, sắc màu càng lay động. Sương mai đang vẫy gọi! Hình như có điều chi rưng rưng trong sắc vàng kia đang ánh lên một giọng nói, một tiếng kêu thầm trong Cõi Người?! Phải chăng, tính biểu tượng trong hội họa và thi ca có chỗ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu? Hỏi để mà hỏi hay để tìm nhịp cộng hưởng cùng với họa sĩ và với tác phẩm? Mỹ cảm, không phải bỗng dưng mà “ngộ” được. Họa sĩ - Tác phẩm - Người thưởng lãm, phải chăng có sự cảm ứng và chia xẻ từ rất lâu trong vô thức? Điều đáng nói ở đây là làm sao để có được một sự đồng thuận về mỹ cảm giữa nghệ sĩ và người thưởng lãm.

    Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm tranh vào đầu tháng 5/2007 (chung với họa sĩ Đinh Cường), họa sĩ Nguyễn Đình Thuần đã thực hiện hàng chục tác phẩm mới. Hình như đây là một cuộc truy tìm sắc màu đầy biểu tượng, trầm tĩnh nhưng không thiếu chất dương tính vốn có đang được nén lại và bùng vỡ trong tranh? Bức tranh “Thiên Thạch”, một trong những tác phẩm mà anh đã dồn tâm lực khá nhiều đã nói lên đều đó. Một không gian và một bố cục khá lạ. Những hình khối gọi là thiên thạch quyện vào nhau với những mảng màu khỏe mạnh, gấp gãy, rực sáng, ép vào nhau, chạy dài giữa khung tranh, nổi bật lên trên nền trời xanh nhạt, tất cả hình như đang cuộn vào và bùng vỡ ra trong sắc vàng của khối thiên thạch nằm cạnh bên phải của khung tranh với kích cỡ lớn hơn, hình như đang muốn òa vỡ, trào ra với nét cọ mạnh nhưng không bạo liệt. Hình như có tiếng va chạm của tịch mịch, của hư không hay chính là tiếng dội lại từ tâm cảnh của chính tác giả từ rất lâu trong cõi trầm tư với sắc màu? Tính biểu tượng của “Thiên Thạch” hình như bàng bạc trong loạt tranh gần đây của Nguyễn Đình Thuần vì hình như cảm hứng của anh vẫn chưa dứt trong cơn chấn động ngẫu nhiên kia. Tất nhiên, cuộc truy tìm Cái Đẹp của anh chưa kết thúc, nhưng điều đáng nói, độ rung cảm trong tác phẩm của anh ngày càng lắng đọng và quyết liệt hơn.

    Cuộc truy tìm Cái Đẹp cũng chính là cuộc truy tìm bản ngã. Một thách thức nhưng cũng chính là luật chơi của nghệ thuật. Mỗi một tác phẩm là một cuộc truy tìm và tra vấn chính mình. Với hội họa, ngôn ngữ của Cái Đẹp chính là sự ảo diệu của sắc màu, vọng lên tiếng nói cảm ứng với chính tác giả và với người xem tranh thông qua hình thể, bố cục và sắc màu biểu hiện. Sáng tạo nghệ thuật, suy cho cùng là một cuộc hành trình đầy thách thức và hiểm nguy, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự hàm dưỡng về trí tuệ, tài năng để có đủ đởm lược trong suốt hành trình sáng tạo của mình.

    Từ “Sương Mai” đến “Thiên Thạch”, vẫn là những mảng màu rất quen thuộc của Nguyễn Đình Thuần, nhưng chất trí tuệ, chất suy tưởng mới trong nét cọ của anh đã cho tôi một niềm rung cảm lý thú. “Sương Mai” Tĩnh mà Động, “Thiên Thach” Động mà Tĩnh. Độc thoại trở thành song thoại, giao lưu với khách thể, với người xem. Phải chăng, nét cọ của phương Tây đã bắt đầu cộng hưởng với thần hồn của phương Đông? Xem “Thiên Thạch” của Nguyễn Đình Thuần, tôi đọc được nơi đây những nổi niềm ray rức, dằn xé, những khát vọng vừa muốn nén lại, vừa muốn bức phá trong tâm cảnh của họa sĩ. Có thể mạo muội bày tỏ cảm tưởng với tư cách là một người xem tranh, rằng: “Thiên Thạch” đã bày tỏ được cuộc truy tìm của Nguyễn Đình Thuần vẫn còn độ sung sức, mới và lạ hơn trước. Hy vọng rằng, anh sẽ tiếp tục cuộc truy tìm đầy ngoạn mục, luôn tra vấn với chính mình để ngày càng tiến gần đến cuộc hôn phối tưng bừng của Trí và Huệ, bằng những cuộc mạo hiểm mới, trong ngôn ngữ biểu tượng kỳ ảo của sắc màu hội họa.

 

3/2007