logo





 

 Nguyễn Quang Hiện
Những luống hoa cải vàng


Thập niên 60-70, Nguyễn Quang Hiện thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí Văn,Vấn Đề cùng góp mặt trong các tuyển tập nhiều tác giả của nhà xuất bản Hoàng Đông Phương do Nguyễn Thị Hoàng chủ trương thời ấy. Những Luống Hoa Cải Vàng là một trong những truyện ngắn của thời kỳ này, đang mai một. Viết xong sau Tết Mậu Thân 1968, nhưng 35 năm sau người đọc vẫn còn tìm thấy khí hậu oi nồng của một tỉnh lỵ Miền Nam, có thể là Biên Hòa, một oi nồng nhiệt đới của không khí thời chiến, lẫn sự cô đơn trống trải bên trong nhân vật. Những Luống Hoa Cải Vàng là một truyện tình diễn ra trong lãng đãng của một Miền Nam tự tìm kiếm giữa chiến tranh, giữa thất vọng và hy vọng.

Hợp Lưu mời độc giả cùng tái khám phá văn phong rất mầu mỡ của Nguyễn Quang Hiện. (LTS)
 

1

Quận lỵ lúc bấy giờ chìm trong cơn say nắng buổi trưa. Tôi cũng ngây ngất như hoàn toàn bị xâm chiếm bởi một thứ ánh nắng rất nồng và bừng bừng như có lửa. Mặt đường nhựa mốc trắng đầy những rác rưởi và phân ngựa. Bức tường vôi bên cạnh một công sở kẻ một khẩu hiệu hoan hô môt vi lãnh tụ, và một khẩu hiệu khác tố cáo trận giặc hiện tại là kết quả của một lý thuyết phi lý. Nét chữ mầu đỏ, nhiều chỗ nước mưa đã làm hoen ố và bụi bám đầy. 

Chàng ngừng lại trước một cửa tiệm mua một gói thuốc lá và một hộp quẹt, tôi đi bên cạnh yên lặng như luôn luôn đồng ý với chàng. Chàng nhường tôi bước qua một quãng đường hẹp: 

“Thôi tới đó không anh ấy chờ.” 

Chàng có hẹn với một người bạn làm gần quận. Ánh nắng như có mùi khét, một vài chiếc xe đò có người lơ thò đầu ra ngoài mời: 

“Thầy hai cô hai về Biên Hòa không, Gòa không ?” 

Bên kia đường, mấy đứa trẻ nhỏ trần truồng đang nô đùa với vòi nước máy chảy tung toé. Tôi thấy như khát nước và cảm thấy có một sự êm ái bình thường, buổi trưa nóng nực và kỳ lạ trong các sinh hoạt muốn căng ra mãi. 

«Thầy Hai cô Hai về Sè-gòn không ?». 

Có lẽ tôi nhận ra sinh hoạt trước mặt bằng hình thù và màu sắc, trong khi đầu óc tư tưởng về những điều khác, những tiếng động lạ tai như tiếng vó ngựa lóc cóc, tiếng búa đập từ xa vang lại như không xâm nhập vào hết các giác quan của tôi.

Một chiếc xe Jeep đậu trước tiệm ăn chàng nói: 

“Có lẽ hắn tới kia rồi”

Chàng mời tôi vào trong khi một người bạn từ phía trong đã giơ tay vẫy. Chàng giới thiệu tôi với người bạn nhà binh, anh bạn vui vẻ:

“Tôi có nghe mấy đứa nhỏ đây nói là học trò của chị. “ 

Chàng kéo ghế cho tôi. Người bạn: 

“À, việc đó không nhận được đâu, tôi hỏi rồi.” 

Hai người bạn cãi với nhau một lát rồi mới kêu đồ uống.

«Vậy thôi chiều nay mình sẽ gặp nhau».

 Sợ câu chuyện làm tôi không hiểu nên hai người quay sang nói chuyện với tôi.

 «Chị Điệp ăn nem ở đây lần nào chưa, ngon có tiếng đó. Tôi làm ở gần đây nên tới ăn hoài, bữa nay mới có dịp được mời chị».

 Hai người ăn uống và nói chuyện, họ thường giục tôi ăn, nhưng tôi chỉ thấy khát nên ăn rất ít. Quán ăn ồn ào với tiếng những người nói chuyện huyên náo, tiếng quạt điện kêu cạch cạch không ngừng, tiếng hầu bàn quát tháo nhau.

Ăn xong người bạn xem đồng hồ:

 “Thôi có lẽ tôi phải về trại vì hôm nay phiên trực, chiều nhé.”

 Ra khỏi quán, anh bạn đội mũ lên đầu bắt tay chàng, nghiêng đầu chào tôi rồi leo lên xe. Anh còn giơ tay một lần nữa rồi mới rú ga đi thẳng.

 «Anh ấy là người ham mạo hiểm, hồi còn đi học tôi phải tới bịnh viện thăm ông ấy mấy lần, và một lần tưởng là biệt tích luôn».

 Chàng ngừng một lát.

 «Điệp đừng để ý đến câu chuyện vừa rồi, họ mời bọn tôi làm giúp cho một tò báo, nhưng anh ấy vừa cho biết không nhận được».

 Tôi cảm thấy như có dịp gần chàng hơn.

 «Mấy người bạn tôi đều có tư tưởng tiến bộ, đều tin rằng có thể tổ chức được tất cả các hoạt động xã hội. Một người bạn tôi viêt vế tương quan xã hội, anh gọi đó là tương quan quyền lợi, chống tương quan quyền lực, như thế no trở nên mệnh đề sơ khởi của hoat động xã hội nhưng Điệp biết không, chàng vui vẻ, anh không biết đặt tay phải của mình vào đâu».

 
“Thầy Hai cô Hai về Sè-gòn  không.”

  Một chiếc xe ngừng lại, hành khách ngồi lố nhố, một vài người quay ra nhìn chúng tôi, một vài người như không để ý tới, như vậy tốt. Người ta đang bàn tán về một tai nạn gần đó, một chiếc xe xút tay bánh nhào xuống ruộng làm một số người bị thương. Xe chạy một lát rồi ngừng lại bên trạm xăng ngoài đồng lấy thêm khách. Các hàng quà đổ xô lại mời chào. Trời thật nắng có gió thổi lồng lộng. Khung cảnh quen thuộc của cánh đồng, những cây cỏ mọc hoang, lạch nước bên cạnh đường với những chùm hoa dài sác sơ vỗ về tôi theo một dòng sông trong. Tôi cảm thấy rõ ràng có đời sống bên dưới một khóm cây mọc xà xà mặt đất kia, đời sống ở dưới đó của một con kiến, một con sâu nhỏ đang ăn búp lá cũng giống như đời sống của tôi trên dòng sông cuộc đời. Nhưng hiện tại có một sự khác biệt nào đó, ví dụ như khung trời hiện tại tôi đang nhìn thấy cũng mở ra ngan ngát thanh khí. Bên tôi khung cảnh tầm thường và sự có mặt của những người khác như chàng phải có một cái gì tôi không phiên dịch ra được trong nỗi nóng nực êm ả của những cơn gió mùa hạ thổi qua khuôn mặt và mái tóc tôi như luồng nước phù sa.

 2

 Thế giới của tôi rất gọn và khô, nhưng nhiều khi cũng có những nét hiền dịu khi bắt gặp trong đầu vài sự nhượng bộ. Lớp học với đám học trò ăn mặc giống nhau nhiều khi tôi không phân biệt rõ, những sấp bài phải chấm, con đường tôi đi về và căn phòng của tôi, với sự bình thản mà tôi được hưởng. Có lẽ như vậy là lạc quan. Nếu không tôi phải nói lên sự yên lặng mà tôi chịu đựng, chịu đựng từng ngày từng tuần từng tháng một với một sự gì dần dần mất ra khỏi tâm hồn tôi và có thể chới với như con thuyền trôi đều tôi cố gắng nhưng không cưỡng lại được, và vì vậy trong tôi lúc nào cũng phảng phất một sự chống đối âm thầm ngay cả những khi tôi cảm thấy một chút hứng khởi trong công việc. Có những định luật khô khan người ta phải tuân theo như chieu theo ý một đứa trẻ để được yên thân hơn, cứ như thế một ngày một tháng một năm tiếp nhau và sẽ chấm dứt ở một nơi nào đó.

 
Buổi trưa nóng bức đi qua trong giấc ngủ như một chuyến xe đò và tôi là một khách lạ đứng nhìn. Thời tiết ong ong như tràn đầy nước lũ. Tôi lại bàn trang điểm qua loa và nghĩ lát nữa tôi sẽ đến chàng, như lời mời. Tôi chưa bao giờ nhận rõ nhan sắc vì tôi thường cho điều đó không quan hệ khi nhận rằng mình là một người bình thường, những lời khen tặng không bao giờ làm tôi tự công nhận. Có một lần chàng nói:

 «Điệp có một vẻ đẹp lạ, có lẽ tôi phải thấy vẻ đẹp ấy trong một ngày có những cơn gió lạ tháng tám, lá cây bưởi lật trắng, hoa xoan phơn phớt tím tả tơi, hoa chanh nở bên bờ tường đá ong lúc bươm bướm bay về thật nhiều”

 
Tôi hơi mắc cở khi nghe chàng nói, nhưng thấy chàng rất thành thật và chàng thật lãng mạn. Tôi ngồi trước gương và trong một lúc không nhận rõ là mình. Có lần tôi nói chuyện với kẻ trong gương:

 «Cô có một sự lầm lẫn lớn lao..»

 «... »

 «Đó là cô quan niệm về hạnh phúc một cách tuyệt đối. Cô chỉ hạnh phúc khi cô hạnh phúc hoàn toàn.»  

 «Đúng thế, kẻ trong gương trả lời, tôi coi đó là mối liên quan duy nhất, nhưng tôi hạnh phúc hoàn trong một lúc nào đó... »

 «Có bao giờ cô nghĩ rằng cô chỉ hạnh phúc hoàn toàn khi một trong hai chúng ta tự nhiên biến mât.»

 Ồ, không  phải vậy, đến đó là ngõ cụt tôi không lý luận thêm được nữa.

 Thế giới của chàng là đây tôi không ngạc nhiên hơn và cũng không nhận ra mình phải ngạc nhiên như thế nào. Thế giới ấy trước mặt tôi không tốt hơn không xấu hơn nhưng tôi nhận thấy như có chút thân mật như đã có chút liên hệ nào với các đồ vật. Tôi chú ý tới bức tranh vẽ hình thiếu nữ của Van Dongen treo trên tường. Tôi rất thích lối vẽ phụ nữ của họa sĩ này, mầu xanh và đỏ thật gắt gao nhưng chịu đựng nhau theo một thứ tình cảm cao khiết lạ lùng, khuôn mặt nàng tròn, đôi môi nhỏ và tròn, chiếc khăn trên đầu mầu đỏ cũng hình tròn, đôi mắt thật lớn và đen thẳm với cái nhìn thật lảnh đạm đối với tôi một khách lạ tới nhà này. Tôi ra phía balcon nhìn xuống dưới. Cách một khu vườn tới con sông, bên kia là mấy bức tường lớn đầu nhà hứng trọn lấy ánh nắng gắt. Mấy cây liễu rũ lá xuống mặt nước sông đang lên cao. Tôi không nghĩ tới một hoàn cảnh nào thích hợp và xao động hiện tại, hình như buổi chiều có tác dụng trùng lại những dây tơ trong tâm hồn tôi, những dây tơ không còn căng hơn duoc nữa, vì tôi đã tát cạn một chiều sâu nào đó trong tôi.

 «Anh có căn phòng thật đẹp. Em nghĩ anh phải lãng mạn lắm !».

 «Anh thích có được những cảm giác biệt lập khi ở trong phòng một mình».

 «Anh đâu có một mình, chẳng có cô này là gì ?».

 Tôi chỉ tay lên bức tranh, và tôi với chàng cùng cười. Có lúc tôi cảm thấy như tôi đang sợ điều gì, như sự hoàn hảo mà tôi đang có là một điều kiện cho sự tự hủy, cũng ví như gọi đó là một hủy thể khi đến một tổng hợp đề. Tôi làm sao dự phóng cho điều đó được, và thấy manh nha một sự luống cuống bên trong như không xếp đặt được các mâu thuẫn đang nổi dậy. Nhưng có lẽ không phải vậy, có một cái gì sai lạc nhưng không biết bắt đầu từ điểm nào khiến tôi cứ bị đẩy đi, thời gian hoàn cảnh và một kẻ dẫn đườøng qủy quyệt nào đưa đường tôi không có cách nào cưỡng lại được.

 Câu đối thoại giữa tôi và chàng nhỏ nhẻ. Chàng pha cho tôi một ly nước cam với đá lạnh, chàng cầm một ly trên tay và mời tôi uống. Bên ngoài ánh sáng như một tấm gương lớn. Có cái gì dìu dặt và dịu dàng như một con suối trong rừng thưa nhưng tôi không cảm thấy an tâm hơn, có tiếng gõ như tiếng gõ từ xa vang lại, quanh đấy chắc có một căn nhà đang kiến trúc, mọi người đang kiến trúc cuộc đời họ va tôi là một người trong đám đông đó.

 Tôi nhìn chàng, nhưng chốc lát hình như trước tôi là một người khác tôi không nhận diện được, hình như tất cả thuộc về một vũ trụ nhỏ bé này cũng ví như tôi đang ở trung tâm điểm một vùng ánh sáng và hơi ấm, khi tôi ra xa hơn thì càng lạnh và càng tối tăm, nhưng tôi không biết từ điểm nào khiến tôi nhận ra được đó là trung tâm. Tôi ngạc nhiên và cảm thấy rất gần gủi và xa vời một thế giới tôi đang xâm nhập bằng hết quyền hạn và khả năng của một sinh vật. Ý nghĩa đó quá đáng nhưng tại sao, hình như cứ bước lại gần hơn một bước trong vùng ánh sang, tôi lại cảm thấy như đau xót và tan vỡ một cái gì trong tâm hồn. Như một trời sao lúc ấy rụng lả tả xuống quãng không gian vô tận. Những ngôi sao trong tâm hồn tôi rụng dần xuống và mất tích phải không, trong tâm hồn của một sinh vật mảnh dẻ và nhạy cảm như tôi có bao nhiêu triệu ngôi sao. Chàng khẽ cúi xuống chạm vào trán tôi, cử chỉ ấy thật dịu dàng, hình như anh là người tình muôn đời của em, anh đang thi hành một quyền hạn phải không, rồi sao, rồi sao. Khí hậu tràn lan một thứ hương thơm mùa gặt,

 «Em sợ không, Điệp sợ không ?».

 Chàng nhắc lại, tôi khẽ nói:

 «Em không biết».

 Chàng tựa lưng vào khung cửa, tôi đứng nhìn phía trước, chàng vuốt tóc tôi định nói điều gì nhưng lại thôi, một lát chàng mỉm cười:

 “Điệp có gương mặt thật êm “.

 Co lẽ sự u ẩn của khuôn mặt tôi như tạo thêm cho tình yêu một sự yên lặng sôi độïng, như một sự va chạm giữa hai thứ kim khí chắc và cứng,

 «Anh đếm đến mười anh sẽ hôn Điệp đó».

 Chàng nói như vậy, tôi nghe mơ hồ không rõ, tôi thấy hình như đó là lời nói của thống khổ hay siêu thoát quá đáng, và hai trạng thái đó gặp nhau ,khiến tôi không nhận ra nữa, và tôi cảm thấy nóng bừng nơi má. Tôi khẽ cúi đầu nói,

 ‘”Không, không anh.. “

 “Một..” Tại sao vậy, giữa anh và tình yêu và đời sống và cái chết có liên quan nào, sao em nhận ra không rõ khuôn mặt anh và khuôn mặt mình.

 “Hai”,  không đừng anh, tôi quay đi một chút. Có phải em đang tiến tới vùng hạnh phúc không, tại sao như trong lòng em một sự rạn nứt dang thành hình, và vì đó em đi những bước run rẩy.

 “Ba..”, tại sao em thấy rã rời,như chính các sinh vật trong người em muốn rời ra và từ chủ từng mảnh, Có một sự phân chia ra hàng ngàn cô Kim Điệp và mỗi cô đều mang đặc tính và yếu tính của em. 

 “Bốn..”, anh, tại sao em không muốn bước tới nữa, hình như có những mũi dáo nhọn tủa ra em khẽ động đậy cũng đau sót, và cả bầu trời vẫn vũ rền vang những khuôn mặt các thiên thần.

 “Năm..”, tôi nấp vào vai chàng và cảm thấy nơi cổ cũng nóng bừng.

 “Sáu..”. Hay chúng ta cùng tự sát, hay có một cái gì giống nhau nhưng xung đột nhau đứng bên cạnh nhau, nhưng thế nao cũng hủy diệt nhau, như mầu đen với mầu đỏ,

 “Bảy..”, chàng vẫn nói với nét mặt như mỉm cười. Tôi xúc động, tay chàng để sau lưng tôi, tôi sát thêm vào vai chàng hơn nữa như muốn che giấu sự bối rối,

 “Tám..”, chàng áp mặt vào tôi khi tôi đang lẩn tránh và chàng tìm môi tôi.

 “Chín..” . “Anh, anh..” .  “Mười... 

 Chàng nói

 «Em sung sướng hoàn toàn không»

 Tôi không trả lời được, chàng hôn nhẹ trên trán tôi

 «Anh muốn như vậy, em hiểu không»

 Chàng bỏ tôi ra rồi cùng nhìn ra phía ngoài, em hạnh phúc hoàn toàn, nhưng nơi em không bao giờ có hoàn toàn, cho nên làm sao em có được sự hoàn toàn khi không có ý niệm về sự hoàn toàn một cách hoàn toàn, anh thấy không em bối rối trước hạnh phúc mất rồi.

 Tôi từ giã chàng, lúc ấy chiều đã dịu hẳn xuống, tôi phải tới trường sơ đón em tôi về, có lẽ tôi sẽ đưa nó đi ăn kem như nó vẫn ao ước, ý nghĩ đó làm tôi dễ chịu hơn.

 Chiếc cổng sắt khép kín và cao, tôi đi vào trong theo cửa bên, trong sân vắng hoe một vài bà sơ đi lại, góc kia mấy đứa nhỏ đang tụ tập bên người thân.

 «Chị Điệp, chị Điệp..»

 Em tôi từ xa chạy vội lại. Tôi cúi xuống ôm lấy vai nó, vẻ trong sáng trong dáng điệu y phục và đôi mắt của nó như an ủi tôi và sự thực khiến tôi muốn chia sẻ.

 «Sao em đợi chị lâu thế, chị cho em đi phố nghe ..»

 Tôi gật đầu cười như đồng ý,

 «Để chị nói với các sơ».

 Một bà quen lại nói chuyện với tôi. Bà ta còn trẻ nét mặt bầu bĩnh, tôi thấy bà, không xấu vì nước da trắng và nét mặt dịu dàng chịu dựng, lần ngực đã bị bó chặt.

 «Ma soeur, kỳ Pâques này có cho các em đi chơi đâu không ?».

 «Chắc là có, nhưng cũng gần thôi chứ không đi xa như năm rồi».

 Chúng tôi nói chuyện với nhau trong những phạm vi nhất định. Thế giới và hạnh phúc của bà có gì khác biệt, tôi không trả lời được về giá trị căn bản của điều kiện hạnh phúc giữa tôi và bà. Cũng như hai người đứng đối diện nhau, khoảng cách phía giữa là cái hố sâu thượng đế, cái chết, hạnh phúc, chúng tôi cùng tiến dần từng bước tới đó và sẽ gặp gỡ. Có thể tôi và bà sẽ cùng hủy diệt trước khi tới đó, những vì sao sẽ rụng sạch xuống trần, kinh đô ở đâu xa và biến mất thành hoang vu khi tới nơi như nụ cười tôi còn vĩnh viễn trên giòng sông.

 Tôi đưa em tôi lên phố ăn kem và mua cho nó một gói đồ chơi. Sinh hoạt trên hè phố vẫn bừng bừng từng sợi cố gắng, nhiều lần tôi bắt gặp những bề mặt thật trang điểm và thanh thoát, nhiều khi những sự vận động bên trong và hình thức bên ngoài lầm lì như vẫn còn chứng tỏ một sự kiêu hãnh nào đó. Và đời sống trước tôi đó, ánh sáng xanh đỏ của đèn phố vừa bật lên, với những nỗ lực của con người tiếp diễn trong hoàn cảnh riêng tư và cộng đồng, những cửa hiệu xinh xắn bày biện, các khối nhà cao, gốc cây bên đường, hè phố, cột đèn những khuôn mặt nào đó của bà sơ của chàng và của chinh tôi hiện ra như một lời ru mới, lời ru từ máy phóng thanh đâu đây.

 Tôi gọi xe đưa em tôi về với một ý nghĩ vừa nẩy sinh:

 «Đi tu là hiểu nhầm cuộc đời» 

 Trong giây phút thanh thoát tôi bất chợt thấy tôi ở một nơi khác, một nơi quen thuộc nào đó với những luống hoa cải lấm tấm nở vàng, đất mầu bên dưới nuôi dưỡng (không rực rỡ như bên trên nhưng chính vì thế mà đời sống được tiếp tục), bầu trời lạnh cánh đồng lúa chín tháng mười, tiếng còi tàu và thân thể tôi như hòa tan trong vùng thinh không đầy sao trơì.

 Nguyễn Quang Hiện

Sàigòn 1968

 Ghi chú: Truyện ngắn do tác giả gửi, có sửa chữa, so với bản in trên HL
Tin Văn