Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách
|
VĂN HỌC
Nguyễn Ngọc Tư, "đặc sản" miền Nam
08:55' 06/05/2005 (GMT+7)
TRẦN HỮU DŨNG (Ohio
- USA)
Nếu bạn theo dõi văn
chương Việt Nam mấy năm gần đây, và
nhất là nếu bạn sinh trưởng ở miền Nam, hẳn bạn đã biết Nguyễn Ngọc Tư.
Cô là
một nhà văn nữ, còn trẻ (sinh năm 1977), quê quán ở Cà Mau và hiện vẫn
sống ở
vùng đất Mũi. Năm 2000, tập truyện đầu tay Ngọn Đèn Không Tắt của cô
được giải
Sáng tác văn học tuổi 20 lần II của Hội Nhà văn TP.HCM, và năm 2003 tập
truyện
Giao Thừa của cô cũng được một giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngoài ra
cô còn là một khuôn mặt quen thuộc trên các tạp chí qua nhiều tạp văn,
tạp
bút...
*
Nguyễn Ngọc Tư, ngòi bút trẻ ấy, rõ
ràng đã tạo được một chỗ
đứng khu biệt cho mình. Nhiều người cho rằng cái độc đáo của Nguyễn
Ngọc Tư là
sự chân chất mộc mạc tươm ra từ mỗi truyện cô viết. Đúng, và dưới đây
sẽ nói
thêm. Song, trước hết, cái đầu tiên làm người đọc choáng váng (một cách
thích
thú), là nồng độ phương ngữ miền Nam trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư.
Nếu bạn
là người Nam, và nhất là nếu bạn đã xa quê hương lâu năm, thì chỉ những
chữ mà
Nguyễn Ngọc Tư dùng cũng đủ làm bạn sống lại những ngày thơ ấu xa xôi
ấy. Từ
vựng của Nguyễn Ngọc Tư không quý phái hay độc sáng (như của Mai Ninh
chẳng
hạn) nhưng, đối nghịch, đó là một từ vựng dân dã, lấy thẳng từ cuộc
sống chung
quanh. Sự phong phú của phương ngữ trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là
tích tụ
của một thính giác tinh nhạy và trọn vẹn: nghe và nhớ.
Nhiều người nghĩ rằng, nói chung, văn
chương miền Nam (dù gì
cũng là vùng đất mới) không thể so được với sự chỉnh chu truyền thống
của văn
chương miền Trung, miền Bắc. Nguyễn Ngọc Tư sẽ làm những người đó phải
nghĩ
lại. Đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư, họ sẽ khám phá rằng nếu dùng đúng
chỗ,
trong tay một tác giả cẩn trọng, phương ngữ mộc mạc miền Nam, giọng
điệu dân dã
miền Nam hoàn toàn có khả năng cấu tạo một nhánh văn chương đặc biệt,
không
giống, nhưng chuẩn mực không kém những miền khác. Mỗi truyện viết của
Nguyễn
Ngọc Tư là một bữa ăn văn chương thịnh soạn, dọn bày chu đáo, gồm toàn
đặc sản
miệt vườn, với những vật liệu hảo hạng, tươi sống.
Đàng khác, hiển nhiên, cái bất lợi của
một tác phẩm nhiều
phương ngữ là nó khó được những người không quen với phương ngữ ấy cảm
nhận
hoàn toàn (và tất nhiên còn là thử thách khó hơn cho người muốn chuyển
nó sang
một ngôn ngữ khác). Đối với những độc giả này, tác phẩm ấy chỉ là một
công
trình gợi tò mò, hoặc hấp dẫn vì lý do khác, mà phương ngữ là một
chướng ngại
cảm nhận.
Song, nhìn kỹ, sự hấp dẫn của truyện
Nguyễn Ngọc Tư không
phải ở kho từ vựng miền Nam dồi dào của cô, nhưng ở chỗ sử dụng phương
ngữ tối
đa và đúng chỗ vào những câu chuyện thật “miền Nam”. Đó là miền Nam của
tỉnh
lẻ, của ruộng vườn, và nhất là của sông, của mưa (Dòng Nhớ, Chợ Nổi Cà
Mau -
chút tình sông nuớc, Qua Cầu Nhớ Người, Nhớ Sông, Nước Chảy Mây Trôi).
Đó là
miền Nam
đã
thái bình nhưng vẫn còn dấu chiến tranh - không ở sự điêu tàn vì bom
đạn mà ở
những vết thương trong đời người (Ngọn Đèn Không Tắt, Mối Tình Năm Cũ).
Trong cách chọn lựa tình tiết, cốt
truyện, Nguyễn Ngọc Tư đã
trung thành (một cách khó giải thích) với cái “tình tự” Nam bộ của quê
hương
cô. Chỉ những người sống và lớn lên ở một địa phương, thật sự mến yêu
họ hàng
làng xóm của mình, mới thể hiện tình tự với quê hương mình được như
thế. Và,
bởi ở đâu cũng có cái đặc thù, chính tính đặc thù lại là cái phổ quát
nhất. Sự
cá biệt của phương ngữ, khi được sử dụng để diễn đạt những tình tự phổ
quát của
con người, có khả năng vạch ra cái chung của cái riêng.
Câu nói của Vũ Hạnh về kịch miền Nam:
“Sự giản dị, thoải mái và hồn nhiên của kịch miền Nam
đều hướng về đạo nghĩa” (khi ông phê bình Kim Cương), cũng có thể áp
dụng cho
văn xuôi miền Nam.
Nguyển Ngọc Tư rất Nam
như thế đó.
♦
Văn của Nguyễn Ngọc
Tư nghe như nhạc. Nhiều câu trong trẻo
và buồn (nhưng không nghẹn ngào) như một bản vọng cổ hoài lang. Như cô
viết:
“Tự dưng nghe buồn, nghe thất vọng quá trời đất” (Một mái nhà), nhưng
hình như
cô không muốn người khác buồn theo cô. Giọng buồn của Nguyễn Ngọc Tư
không là
tiếng than vãn thì thầm của một người lớn tuổi, nhưng là một lời thốt,
lửng lơ,
đứt ngang, nhưng rất đủ, của một người trẻ bỗng nhiên phát giác những
bất hạnh
của cuộc đời, mà vẫn hi vọng. Văn Nguyễn Ngọc Tư là văn của lời nói.
Cách ngắt
câu của cô là cách ngắt của âm điệu. Cái tài của Nguyễn Ngọc Tư là đem
những
cảnh tượng rất bình thường, khoanh lại, biến nó thành châu báu: “Cãi
qua cãi
lại, hai má con ngã ngửa ra, ủa, hơi đâu mà nói chuyện của người ta”
(Nhà cổ).
Hồ Anh Thái, và vài
người nữa, đã có khen “cách dẫn chuyện
gọn gàng, sự cắt cảnh chuyển lớp chính xác” của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng
chưa thấy
ai nói đến cấu trúc câu của cô. Mới và độc đáo. Lối bắt đầu với chữ
"Mà," rồi một dấu phẩy. Hoặc lối chen vào giữa câu một chi tiết trong
ngoặc đơn: “Hai đứa tôi ngồi đâu đó (chỗ mà ai cũng nhìn thấy) nói
chuyện chơi,
có lúc, chẳng cần nói gì” (Nhà cổ). Hoặc lối dứt câu bằng một thán từ
có âm
bổng: “Sao tự nhiên em qua đây lãng xẹt vậy không biết?” (Lý con sáo
sang sông).
Nhân vật trong truyện
của Nguyễn Ngọc Tư hay khóc, và nhiều
lúc cô khuyến khích nhân vật của mình khóc.
“Mãi dì Thấm không mở
lời nói được, chỉ khóc là khóc, nức nở
ồ ồ, nhìn cảnh mọi người xúc động, hỉ mũi rột rẹt nhưng không ai bước
ra dỗ cho
dì nín. Cho đến khi ông Mười xuất hiện, ông bảo, “mấy chú làm ơn dừng
lại một
chút” rồi cầm cái khăn rằn lau nước mắt cho dì Thấm, dì như trẻ con,
lau khô
rồi nước mắt lại trào ra. Ông Mười vẫn nhẫn nại chậm chiếc khăn lên
khuôn mặt
chớm già của dì, không nói gì hết, khuôn mặt bì sì của ông hơi dúm lại,
dường
như ông cũng đau lắm, xót lắm” (Mối tình năm cũ).
Hay là:
“Nhưng không phải
buồn Phương lấy vợ, tôi buồn là vì chiều
nay, Nhân Phủ đã sụp đổ trong lòng.
Rồi họ, và cả má tôi
đều bảo tôi khóc đi.” (Nhà cổ)
Nhưng, để ý: cái khóc
của Nguyễn Ngọc Tư là vì thương yêu,
không vì oán giận. Không phải là cái khóc nghẹn ngào, day dứt, ủ rũ.
Đây là cái
khóc ào ào như cơn mưa miền Nam, và người đọc biết (hay mong mỏi) chỉ
khoảnh
khác thì mưa sẽ tạnh, nắng sẽ lên và nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư sẽ
quẹt nước
mắt xông vai trở lại cuộc sống bận rộn của mình.
Chính vì Nguyễn Ngọc
Tư còn trẻ, cô nhìn cuộc sống bằng cặp
mắt trong sáng (khác với lạc quan) và trung thực. Cô không giả vờ dằn
vặt nội
tâm như nhiều nhà văn (không chỉ ở Việt Nam)
ham đòi thời thượng. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư không ngây thơ “chuyện đời”.
Cô nhìn,
cô nghe, cô biết hết. Nguyễn Ngọc Tư là một chứng nhân trung thực và
tinh nhạy.
Không phải chứng nhân cho những vụ việc hung hăng, thô bạo, nhưng cho
những
mảnh đời đơn dị, bình thường. (Truyện Nguyễn Ngọc Tư không có người lừa
đảo,
không có kẻ sát nhân. Có lẽ trong truyện của cô cái tội lớn nhất là
tội...
ngoại tình!). Nếu lúc gần đây truyện của Nguyễn Ngọc Tư có “buồn” hơn,
ấy không
phải vì mắt cô đã nhạt đi màu hồng (hãy mong thế), nhưng vì tầm nhìn
của cô nó
xa hơn và, trong quãng không gian mở rộng đó, cô thấy thêm những chuyện
đời
dang dở. Cô không buồn hơn, nhưng lọt vào mắt cô là những mảng đời buồn
hơn.
Nhưng đừng tưởng
Ngưyễn Ngọc Tư là người hời hợt. Quả vậy,
những truyện – nhất là những truyện sau này – đều là về những mối tình
không
trọn. Chẳng phải đổ vỡ, nhưng không trọn. Những mối tình đó không phải
chỉ của
người già, mà còn là những mối tình của thế hệ cô (Ngổn Ngang) – hay
thứ tự
phải ngược lại? Nhìn cho kỹ, sự dang dở đó không phải lỗi của ai.
Nguyễn Ngọc
Tư chấp nhận nhưng không than oán, mà cũng không ra vẻ cứng rắn kiểu
anh hùng
rơm.
Những cặp “tình nhân”
(tạm gọi) trong truyện của Nguyễn Ngọc
Tư không bao giờ hôn nhau (như cô sẽ hỏi: ai làm chuyện kỳ vậy?). Nhiều
lắm,
thì chỉ như: “Quí mặc áo đứt mất tiêu cái nút trên, lồ lộ ra mảng ngực
ráp
nắng. Trong Đậm nhiều khi dậy lên một cái gì rưng rức khó tả, chỉ mong
nép đầu
vào đó để quên nhọc nhằn, để quên nỗi cô độc lùi lũi trong đời”. (Giao
Thừa)
Hay là:
“Nó ngồi sau lưng
thầy... mà lòng nghe dịu ngọt lạ thường,
chợt nghe thèm đến rớt nước mắt được nép mặt vào lưng, được choàng tay
ôm eo
thầy”. (Nước Chảy Mây Trôi)
Phần nào, sự chuyên
biệt của Nguyễn Ngọc Tư vào những truyện
loại này có thể làm người đọc lo ngại. Chằng lẽ nghiệp văn của cô sẽ
khoanh
trong thể loại những mối tình không trọn, những ký sự đồng quê? Quả là
Nguyễn
Ngọc Tư có tài thiên phú, cô viết rất nhanh, rất khoẻ (trong vòng ba
năm đã ra
bốn tập truyện ngắn). Nhưng cái đáng lo là chỗ đó. Người ta bắt đầu
thấy quá
quen thuộc với truyện của cô. Chúng na ná như nhau, và dù rằng mỗi
truyện vẫn
đáng đọc, vẫn cho người đọc những giờ phút thú vị, nhưng sao ấy, chúng
không
còn để lại cái ấn tượng sâu đậm của những truyện mấy năm đầu. Đến lúc
nào đó,
nhà văn không thể chỉ sử dụng cái thiên bẩm của mình. Nhà văn phải đổ
mồ hôi,
xót con mắt, lã ngón tay (hay cho độc giả cảm tưởng ấy). Sự quanh quẩn
trong
những không gian, hoàn cảnh quen thuộc có thể là cái chớp đèn vàng
(nhưng chưa
đỏ) trên con đường văn chương của Nguyễn Ngọc Tư.
♦
Nhiều người so sánh
cô với Sơn Nam.
Nhưng Sơn Nam
là người viết ký sự giỏi, hầu như là nhà nghiên cứu, nhà dân giả học
chuyên
nghiệp. Nguyễn Ngọc Tư không như vậy, cô là nhà văn chuyên môn. Những
cây bút
khác ở miền Nam
liền trước Nguyễn Ngọc Tư (như Lê Văn Thảo, Nguyễn Quang Sáng) là thế
hệ của
chiến tranh dành độc lập. Tuy Nguyễn Ngọc Tư không phải mang nhiệm vụ
đó nữa,
quá khứ ấy được cô đưa vào truyện một cách rất tự nhiên (Mối Tình Năm
Cũ, Ngọn
Đèn Không Tắt). Có lẽ Nguyễn Ngọc Tư không biết là chính cái trẻ của
cô, cái
tính “tỉnh nhỏ” của cô đã cho cô một lợi thế rất lớn. Đó là cô không bị
hành
trang của thế hệ trước làm nặng vai, hay bị ảnh hưởng của những người
đi trước
(trong thư riêng gởi một độc giả, Nguyễn Ngọc Tư cho biết chưa từng đọc
Võ Phiến,
chẳng hạn).
Một đặc điểm của
Nguyễn Ngọc Tư là hình như cô đã chớm thấy
sự khác biệt giữa cô – như một nhà văn – và những người khác (chẳng hạn
như
trong Một Mái Nhà, Nguyệt - Người Bạn Không Biết Viết Văn). Đây là một
điềm tốt
nhưng cũng là một dấu hiệu nguy hiểm. Tốt vì cô ý thức trách nhiệm
(trong chừng
mực nào đó) của mình, nhưng nguy hiểm vì nó có thể gây một tự giác quá
độ về
chỗ đứng của cô – như một nhà văn – đối với xã hội. Nhà văn, theo tôi
nghĩ, vừa
phải đứng trong vừa phải đứng ngoài dòng cuộc sống. Song Nguyễn Ngọc Tư
lại có
vẻ thành thật tiếc nuối cuộc sống bình dị của những người không viết
văn. Đặt
vấn đề cách khác, những nhà văn trẻ Việt Nam như Nguyễn Ngọc Tư, từ
trước đến
giờ vẫn sống với cái bẩm sinh của mình, sẽ ra sao khi biết được nhiều
hơn về
văn đàn (thế giới), khi ý thức hơn “nghề văn” của nhà văn? Đó là những
câu hỏi
lớn, định đoạt chỗ đứng tương lai của nhà văn đó trong khu vườn văn
học.
Một cái “bệnh” của
những người viết trẻ bây giờ là mặc cảm
(hay đua đòi) phải dùng một bút pháp mới, mô tả xã hội tân thời (thường
được
xem như đồng nghĩa với lối sống thị thành), đôi khi phải làm ra vẻ biết
nhiều,
học rộng. Nguyễn Ngọc Tư không cần “làm dáng” kiểu ấy. Cái mới trong
văn Nguyễn
Ngọc Tư chính là cái cũ, cái lạ ở cô là tài khui mở những sinh hoạt
thân thuộc
trước mắt. Nguyễn Ngọc Tư không “vén màn” cho người đọc thấy cái chưa
từng
thấy, cô không dẫn dắt ta khám phá những ngõ ngách của nội tâm mà ta
chưa từng
biết (một điều cũng rất cần, nhưng để những nhà văn khác). Cô chỉ đưa
ra một
tấm gương rất trong, thật sáng, để chúng ta nhìn thấy những sinh hoạt,
tình tự
rất thường. Và qua đó, lạ thay, như một tiếng đàn cộng hưởng, ta khám
phá cái
phong phú của chính đời ta.
Tuổi trẻ của Nguyễn
Ngọc Tư làm người đọc vừa mong đợi, vừa
âu lo. Mong rằng tài năng của cô sẽ chín ra, sẽ lớn thêm. Nhưng lo
rằng, với
tuổi đời, giọng văn tươi mát đó sẽ không còn thích hơp với những đề tài
có gam
màu sậm hơn. (Nhưng khoảng cách hai năm, từ Ngọn Đèn Chưa Tắt sang Giao
Thừa,
sự tiến bộ của cô – đúng ra là sự thích ứng với kinh nghiệm sống của
cô, buồn
hơn, thâm thúy hơn – làm người đọc hi vọng).
Chúng ta mong sự
trưởng thành của Nguyễn Ngọc Tư sẽ là sự
trưởng thành của thế hệ trẻ Việt Nam.
Ta mong cô sẽ tiếp tục là một người ghi chép chân thật những chuyển
biến của
đời sống dân tộc. Nếu cô làm được điều đó thì chúng ta thật cám ơn cô.
Tài năng
của cô đúng là thiên phú. Nguyễn Ngọc Tư là một "đặc sản" của miền Nam.
T.H.D
Department of Economics
Wright
State University
Ohio
- USA
[Trích Người Viển Xứ online. Độc giả Tin Văn có thể đọc thêm trang NNT
do chính THD thực hiện, trên Tin Văn]
|