logo



Mme Ngô

Shostakovich : Cello Concerto in E flat, Op.104

Shostakovich : Cello concerto No.1 in E flat. Op.104

 


 

Mme Ngô

Shostakovich : Cello Concerto in E flat, Op.104

Shostakovich : Cello concerto No.1 in E flat. Op.104

 

* * *

Sau đây là bài Cello Concerto No.1 in E flat Major, Op. 104

Bài này được sáng tác vào mùa hè năm 1959. Trình tấu ra mắt lần đầu tiên vào ngày 4 tháng 10 với tiếng cello của Mstislav Rostropovich cùng dàn Leningrad State Philharmonic Orchestra do Yevgeny Mravinsky điều khiển.

 Trong dĩa nhạc của tui thì Cellist là Heinrich Schiff. Dàn nhạc Bavarian Radio Symphony Orchestra với nhạc trưởng Maxim Shostakovich. Thâu âm tại Munich vào tháng 4 năm 1984. (Maxim, dương cầm thủ kiêm nhạc trưởng, chính là Shostakovich junior không ai khác) Cũng trong bài này ta còn nghe tiếng french horn solo của Johannes Ritzkowsky.

 Trước khi tầm phào tui cũng xin mào đầu thế này : Vì tiếng việt chưa có (hay có mà tui chưa biết) những chữ tương đương của vài terms, dịch ra thì nó dông dài quá xá, vậy nên tui xin phép được dùng tiếng nước ngoài (cái ni trái chánh sách ha!) và xin giải thích trước như sau :

 Lyric : thông thường được hiểu là lời của bản nhạc. Nhạc cổ điển hổng có lời thế nên khi nói một đọan nhạc lyrical chỉ có nghĩa là nhạc điệu của nó êm ái du dương mơ màng đầy thi tánh (tức chất thơ) . Thi sĩ của âm nhạc phải kể tới Schubert, Chopin ... của thời lãng mạn. Trong một đại tác phẩm (concerto, sonata, symphony) thường movement thứ nhì là chỗ để các nhà soạn nhạc nghỉ mệt và ‘làm thơ’ sau khi đã nặn óc tưng bừng với mấy cái themes của movement thứ nhứt.

 Song-like & dance-like : song-like để chỉ âm điệu và dance-like chỉ nhịp điệu. Đoạn nhạc phong phú âm điệu người ta nói nó song-like. Nếu nhịp điệu nó nhanh (thường là ¾) nó vui, người ta nói nó dance-like. Suy ra vậy thì ngó chừng y hình chỉ có nhạc song-like mới lyrical được ha !

 Harmonic & Muted : Trong kỹ thuật kéo đàn, có một cách chơi gọi là harmonic. Khi ấy ngón tay trái của nhạc sĩ vĩ cầm không bấm hẳn xuống nốt ở cần đàn nữa. Ông ta chi đặt hờ nó trên dây, tiếng đàn phát ra sẽ ... trong như tiếng ngọc nửa vời. Ta nói ổng đang dùng kỹ thuật harmonic (đừng lộn harmonic này với hoà âm nha)

Để chận bớt độ vang của tiếng đàn, piano có cái pédal đặc biệt gọi là sourdine, violin cũng vậy, Khi dùng sourdine như thế người ta nói tiếng đàn nó bị ... mute !

 Celeste : là một nhạc cụ thỉnh thoảng được xử dụng. Nó là một cái chuông thiệt nhỏ và ta dùng cái que nhỏ để úynh vào.

 Virtuoso : tài năng xuất chúng, kỹ thuật điêu luyện do học hỏi và luyện tập. Chữ này xuất hiện y hình cùng lúc với Paganini. Vì cha nội nhạc sĩ virtuoso nên phải có những đoạn nhạc virtuosic đầy khó khăn viết ra cho chả trổ ngón nghề. (Nhạc như thế kêu bằng nhạc ... cao kỹ - tui mới 'phát hiện' ra tiếng ni thấy xài được nên xài liền đó nha !!!)

 * * *

 Sau đây là vào chuyện.

Bản cello concerto thứ nhứt có 4 movements dài hơn 27 phút, chia ra như sau :

1.Allegretto 6 : 00

2.Moderato 11 : 03

3.Cadenza 6 : 06

4.Allegro con motto 4 : 28

 (dĩ nhiên thời gian có thể thay đổi chút đỉnh tùy ở từng nhạc trưởng, thế nên tui đã phải thành khẩn kê khai lý lịch cá nhơn cái CD của mình là vì lẽ ấy)

 Bài Concerto này là một trong những tác phẩm trang nghiêm và sâu lắng nội tâm, tiêu biểu của dòng nhạc Shostakovich sau này (khi đã ê chề và bầm dập) Tuy thế ta vẫn còn thấy thấp thoáng cái nhịp điệu sống động thường có trong dòng nhạc của tác giả trước đây.

 1st movement mở đầu với 4 nốt nhạc TA-TÀ-TÁ-TA, tạm gọi là mẫu mực. Bốn nốt mẫu mực này cũng được dùng để cấu tạo nhạc đề thứ nhứt (1st theme) và rồi nó sẽ tới lui hoài trong suốt toàn tác phẩm (hổng cần để ý cũng thấy hà)

 ... (Shostakovich thích dùng nốt nhạc để tạo biểu tượng riêng. Chẳng hạn bài 1st Violin Concerto, ông viết 4 nốt nhạc mẫu mực D-E flat-C-B trong 2nd movement. 4 chữ này đối chiếu sang Đức ngữ thành DSCH tức chính là tên ông Dmitri Shostakovich viết tắt. Không hiểu 4 nốt nhạc mẫu trong cello concerto này có biểu tượng chi không ???)...

 Suốt hết nhạc đề thứ nhứt, tiếng cello như chạy theo một hình cung, lên cao từ từ tới cực điểm rồi dần dần nhỏ lại. Vào phút 1 : 30, nhạc đề thứ hai được cất lên trên một nền nhạc song-like, cũng lên cao từ từ và cũng sau đó dần dần nhỏ lại.

 2nd movement, trái ngược hẳn với 1st movement, mở đầu êm ả và đầy thi tính lyrical, Tiếng cello trỗi lên với âm điệu thiệt đẹp và thiệt rộng. Ở đây ta lại nghe thoảng qua nhạc đề song-like thứ nhì, rồi nhạc ngày càng mạnh cho tới cực điểm

Ở phút 8 : 26 tiếng horn trổi lên (trời ạ, ác liệt lắm) để đưa dòng nhạc vào coda, lúc này cello chơi những nốt nhạc cao bằng kỹ thuật harmonic (100% harmonic) với phần nhạc nền của muted violins, rồi có thêm vài tiếng chuông (celeste) và tiếng đàn trầm (double bass) . Tuyệt diệu !

 3r movement tiếp theo ngay (không nghỉ) Đây là một cadenza kéo dài. Thông thường cadenza chỉ là phần để solist trổ hết ngón nghề. Tiếng chuyên môn kêu bằng virtuosic. Ở đây cũng như ở 1st Violin Concerto, cadenza đã được tác giả nâng cao phẩm chất bằng một cấu trúc quan trọng hơn, cấu trúc này chạy lòng vòng từ lyrical của dòng nhạc chậm, chuyển dần sang virtuosic, rồi sang bốn nốt mẫu mực của 1st movement (như đãnói trước)

 4th Movement : Phần kết finale là một rondo thiệt vững chắc, nghe thấp thoáng theme 2 rồi thấp thoáng theme 1. Rồi các themes từ từ xuất hiện rõ nét dần . Sau cùng một đoạn nhạc mạnh đã được dùng để kết thúc tác phẩm.

 A..a.. a.. a.. amen !

(Muốn nghe thêm bài Violin Concerto của chả nữa hôn, tiện thể nói luôn rồi ... bế mạc ?)

 
* * *

 Trước khi tạm biệt tui xin hỏi một câu thiệt lòng : Nhảy xổ vô tào lao kiểu này có thích hạp đại chúng hông ta ?? Một groupe 4-5 người ngồi tán láo với nhau thì thiệt tui thấy cũng ái ngại. Tại sao chúng ta không bài bản từ từ tránh vụ đốt giai đoạn ???

 Bề chi ông Xếp Xì mong muốn topic nhạc này đừng tàn lụi. Vì rằng the more the merrier, tui sợ rằng nói năng như vầy thì sẽ có màn xập tiệm sớm !!! Viết bài này xong tui sanh lòng lưỡng lự, hổng muốn tán dóc về cái bài violin concerto của Beethoven nữa Xì à !!! Còn hai bài trumpet của Xếp thì dĩ nhiên là nghe hổng được như thường lệ, huhu !!

 Kính chào đoàn kết dưới ánh sáng Shostakovich !

Madame Ngô.

2004/07/31.

 [Trích Đặc Trưng online]