*




Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ

Tác phẩm là câu chuyện đầy chất tự sự của một nữ nghệ sĩ mê say chìm đắm ánh đèn sân khấu, một người phụ nữ bất hạnh trong chức năng làm mẹ, một người vợ không gặp may trong gia đình, những ganh ghét đố kị trong công việc hàng ngày. Tất cả xoắn xuýt với nhau trong số phận một con người…

Đọc Nguyễn Thị Minh Ngọc, người ta luôn thấy hiển hiện lên rất rõ chất tình, chất dung dị, mà cũng đẫm bi thương và giàu rung cảm, như cái chất của nghệ thuật cải lương mà chị cả đời theo đuổi. Tất cả đã tạo nên nét lạ lẫm hòa quyện trong những sắc màu xưa cũ, tạo ra một nét rất riêng giữa những tác phẩm “hiện đại” ngồn ngộn. 

Giới thiệu đoạn trích:
 

“…Thường các đêm ở Hà Nội, khoảng nửa đêm chúng tôi mới rời rạp hát, đi quẩn quanh những con đường yên ắng, kiếm một chỗ bán phở khuya. Phở Hà Nội có nhiều chi tiết không giống phở Sài Gòn. Tôi không thể nào tả nổi cho Lam và chị Thu nghe nỗi nhớ lạ kỳ của tôi với Sài Gòn, thành phố mà tôi vừa rời, với khán giả tôi, với những nẻo phố khuya tôi về sau giờ diễn, và với chồng tôi, một nửa của tôi đang mong manh sắp vỡ trong kia. 

Có lúc đang nằm ngủ với chị Cúc Thu, nửa đêm tôi bỗng choàng dậy, mượn một kịch bản của chị đang làm với Lam để đọc. Đó là vở “Sống mãi những tháng năm”. Rồi tôi cũng không tài nào đọc được. Tôi thèm đi ra ngoài đường, hoặc tung cửa ra, phóng tới nhà ga, đi một mạch về nhà. Tôi linh cảm đã vuột khỏi tay tôi cái một nửa trong miền Nam kia. Tôi thấy thế gian yên ắng lạ thường. Tôi thấy chị Cúc Thu nằm như xác chết và dường như tôi đã xuất được hồn lơ lửng giữa trời khuya, mặc dù tay chân tôi không còn cục cựa được. Hôm ấy là một ngày cuối tháng âm lịch. Trong suốt thời gian sống chung, vợ chồng tôi luôn có những chu kỳ ngẫu nhiên đến kỳ lạ. Hãn thường dễ thương vô cùng trong những ngày trăng sáng và đâm ra bức bối gây gổ từ những chuyện vặt vào những đêm cuối tháng âm trời đầy sao. 

Sau này, rà lại cùng thời điểm ấy khi tôi đang ở Hà Nội, tôi biết được một bóng ma nữa đã len được vào nhà tôi ở Sài Gòn. Hãn đã không chung thủy với tôi trong cái đêm tôi không tài nào yên giấc được. Và một loại acid tinh thần bắt đầu gặm mòn cuộc sống của tôi nói chung và sinh hoạt nghệ thuật của tôi nói riêng. Tôi biết được điều đó khi tôi vừa đặt chân vào nhà. Hãn ôm cứng lấy tôi và hôn tôi đến nghẹt thở. Sau đó chúng tôi yêu nhau, vội vã một cách bất thường. Tôi là một nữ diễn viên nên sau cái giờ khắc bất thường ấy tôi quay lưng nằm khóc. Chồng tôi biết tôi đã hiểu. Anh ngồi dậy châm thuốc hút, chờ tôi nguôi ngoai phần nào anh mới nói, giọng tâm tình: “Bộ em tưởng anh vui lắm hả? Anh cũng tưởng tượng bao điều. Anh hình dung ra em đã yêu người khác. Có người ở ngoài ấy về, bảo gặp em đi chơi với Quân Lam!...”. Tội nghiệp Lam, anh ấy không biết gì hết. Những cơn say khướt sau đó của Hãn thường đem Lam ra đay nghiến. Còn tôi có thể đoán ra anh đã gục ngã với ai trong số các phụ nữ tới đến nhà chúng tôi xin được làm em gái của anh chị. Từ lúc tôi ở Hà Nội về, Lãm Thúy không đến nhà chúng tôi nữa. Hãn thì khen ngợi đó là một thái độ tự trọng. Tôi thì có thể nghi ngờ tất cả các cô em gái nuôi của chồng tôi, trừ Lãm Thúy. Bởi vì cô gái ấy có một khuôn mặt ngơ ngác như một con thỏ nhồi bông. 

Gần như mỗi chuyến đi xa về, Hãn đều khoe bị một cô gái nào đó tấn công. Với một âm hưởng tự kiêu ngầm, anh ra vẻ ngạc nhiên rằng các cô rất đẹp, rất xinh, thậm chí đã có chồng, đang hạnh phúc với chồng nhưng đều tin tưởng rằng rất, rất, rất… hạnh phúc hơn nếu được sống với anh. “Bộ họ không biết anh đã có em sao?”. “Biết, nhưng chính những điều đó kích thích họ hơn vì nghĩ rằng anh phải tuyệt vời lắm mới được em yêu. Họ dư biết tờ hôn thú trong thời buổi này không có giá trị gì dù anh đã nói thẳng với mọi người là anh chỉ yêu có mình em thôi. Chẳng hiểu sao vẫn có nhiều cô lì lợm tuyên bố chấp nhận tình đơn phương và sẳn lòng đợi chờ tới ngày anh bớt yêu em!”. 

Khi những cô bạn gái của chồng tôi đến căn phòng 3m x 4m của chúng tôi, tôi thường bỏ lên sân thượng lầu bảy đứng chơi để chồng tôi thoải mái. Nhiều người tưởng tôi không biết ghen. Ngược lại, tôi yêu chồng tôi tới một mức độ sợ sẽ xảy ra những chuyện không hay nếu tôi không biết nén lòng mình lại. Với lòng tin chồng tuyệt đối, tôi vẫn dặn dò, chỉ cần bao giờ có người yêu mới, anh báo cho em là em trả tự do cho anh ngay. Hãn có vẻ nghi ngờ: “Anh đã từng nghe nhiều bà vợ làm ra vẻ cao thượng, nói những câu tương tự như em với chồng họ. Cho tới chừng đụng chuyện thì chẳng bao giờ họ buông tha các anh chồng khốn khổ…”. Tới chừng đụng chuyện, ai cũng đổ thừa lỗi tại tôi. Phải chi tôi kiếm một nghề khác để đừng sống kiếp mặt trời, mặt trăng với chồng. Khuya tôi về, chồng tôi đã ngủ mê mệt. Sáng chồng tôi dậy sớm thì tôi vẫn còn ngủ say. Nhưng có phải tại tôi không, vì đâu phải cô đào hát nào cũng có một ông chồng có giờ giấc song hành như mơ ước? Và đâu phải cô đào hát nào cũng vỡ vụn hạnh phúc riêng tư? 

Tôi rất không muốn nói với ai về Lãm Thúy, bởi vì sẽ dễ có một lời không đúng với cô ta. Nói về cô ta tệ quá, mọi người sẽ cho là tôi bôi xấu tình địch, còn nếu ca ngợi Thúy hay chê trách, dồn lỗi vào tôi hoặc chồng tôi, rồi cũng chẳng ai tin. Người ta sẽ cho tôi đạo đức giả, tôi diễn trò, tôi ra vẻ cao thượng… như chồng tôi và Lãm Thúy vẫn thường nói với nhau. Lãm Thúy! Cái tên đó hoàn toàn tôi không muốn nhắc tới. Con người đó tôi hoàn toàn không muốn nhớ về. Mặc dù cô đã gieo trong tôi những đau đớn tột cùng. Nhưng tôi không phủ nhận, có những lúc tôi thấy thương xót cô ta, chỉ trách thầm chồng mình. Cũng có lúc tôi muốn được ngỏ lời cám ơn cô ta đã thay tôi chăm sóc Hãn, trong những thời điểm mà tôi không gồng gánh nổi Ngày đầu tiên tới nhà chúng tôi, cô ta cũng như các cô bạn gái khác của chồng tôi, đều đề nghị: “Xin cho em được làm em gái của anh chị…”. Hơi khác những cô gái kia, Lãm Thúy trang điểm và ăn mặc vừa phải. Tới thăm chúng tôi, cô cứ xin được vào bếp phụ chị một tay. Cô nấu nướng tương đối khéo, ít ra là khéo hơn tôi. Ngày chủ nhật cô thường xin đi chợ thay để làm một món ăn đặc biệt nào đó. Chủ nhật lại là ngày mà vợ chồng tôi ít có giờ sống riêng với nhau nhất. Tôi phải diễn hai suất để thứ hai nghỉ bù. Đêm diễn thứ bảy níu giấc sáng tôi trễ tràng, tôi thường buông xuôi cho Lãm Thúy nấu. Chín giờ sáng dậy, loay hoay đã đến giờ ăn trưa rồi chuẩn bị đi diễn. Nếu là điểm diễn xa tôi còn phải đi liền, không được ngả lưng sau khi ăn. Chiều ăn nhẹ tại rạp để tối diễn tiếp rồi khuya về… 

Thời gian Lãm Thúy đến kết thân với gia đình tôi cũng là lúc tôi được chính thức đẩy lên vị thế đào chánh của gánh Thanh Xuân. Nói làm sao cho mọi người hiểu đây, tôi không vui chút nào khi bước lên hàng đào chánh. Như mọi đồ đạc đều có giá riêng của nó, tôi sớm biết rằng tôi sẽ phải trả một cái giá không rẻ đâu cho cái ảo danh này. Làm đào nhì, đào ba còn hy vọng hết vai sớm chớ đào kép chính bao giờ cũng ở tới tận cùng. Quân Lam đã từng có nhiều vở kịch hay nhưng bị khán giả tẩy chay vì anh đã dám cho nhân vật nữ chánh chết ngay ở màn hai hay đến nửa vở mới xuất hiện. Biết thì biết vậy nhưng tôi vẫn không thể từ chối khi cả đoàn đều mong tôi nhận lời. 

Tôi đã trở thành một cô đào chánh không giống bất cứ cô đào chánh của bất cứ gánh cải lương nào. Tôi không có người cố vấn về nhiều mặt để thỏa thuận giá cả, để nhờ soạn giả viết vai cho, để trả lời giúp những câu hỏi cắc cớ của báo chí. Tôi không một người theo phụ việc để ủi áo quần, làm tóc, làm móng tay, chăm sóc nước uống. Những món nữ trang hết sức đắt tiền - dù là đồ giả - được tôi để vung vãi trên bàn phấn và chỗ thay đồ, không cần người đi tom góp cất giùm. Tôi đến với nghề bằng tấm lòng thành và một thái độ sòng phẳng rõ ràng. Với chút ít khả năng, khá nhiều lòng yêu nghề, tôi tin đây là một trong những nghề nghiệp tương đối trong sạch mà mình có thể theo để mưu sinh và mong rằng nghề cũng chẳng phụ mình. Tôi sống với chồng tôi và bạn bè cũng với tấm lòng thành ấy, cứ nghĩ mình hết dạ yêu chồng là đủ. Nhưng rồi mọi việc chung quanh đã cho tôi thấy, đơn độc một lòng thành sẽ không đủ sống trong cõi đời này. Điều này lẽ ra tôi đã phải học lâu rồi từ câu chuyện của Trần Trịnh Tú chứ không phải đợi đến lúc Hãn và Lãm Thúy dạy cho tôi. 

Ngày chính thức biết chồng ngoại tình, tôi hốt nhiên trở thành một con người khác. Tôi suýt mất hẳn tôi. Hôm ấy rạp bị cúp điện đột xuất, không thương lượng với nhà đèn được, đoàn phải trả vé. Đó là một việc mà không bao giờ đoàn Thanh Xuân làm, nên có lẽ Hãn và Lãm Thúy không ngờ tới. Xích lô thả tôi ở cổng khu nhà tập thể. Nét hớn hở của tôi bỗng khựng lại trước khuôn mặt hốt hoảng bất ngờ của người bảo vệ. Anh ta lấm lét liếc qua chiếc xe quen thuộc của Lãm Thúy. Tôi linh cảm đang có một chuyện gì đó, đã là bình thường với tất cả những người ở chung cư này nhưng sẽ là mới mẻ với tôi. Tôi chạy như bay trên những bậc thang tối, suýt va phải những người lớn và trẻ con đang ngược chiều đi xuống để rồi đứng thở mệt nhọc trước cái tổ ấm bé nhỏ của mình. Hơn lúc nào hết, tôi biết định mệnh đã gọi mình. Tôi đứng đó và cảm giác mình đang đóng một vai trên sân khấu. Vai của người vợ trước cánh cửa sự thật mà chỉ cần đưa tay chạm nhẹ tôi sẽ đụng vào. Hàng xóm đứng lố nhố sau lưng chờ đợi y như khán giả có mua vé giương mắt ngó coi. Tôi gõ nhẹ... Im lặng. Tôi gõ mạnh dần… Im lặng… Khán giả càng lúc càng đông hơn… Dường như có một con người nào khác nhập vào tôi. Tôi nói khẽ qua khe cửa với chồng: “Nè Hãn, em đang giữ trong người một ổ khóa… Nếu anh không mở, có lẽ em đành phải khóa phòng lại…”. 

Chiếc ổ khóa tự nhiên nằm trong xắc tay của một cô đào hát, như là có quỷ bỏ vào, đã được tôi dùng để khóa cái tổ ấm của tôi lại như đã hứa. Hãn dộng cửa ầm ầm!. “Mở ra! Bội Châu, nếu không, coi như mọi chuyện giữa anh và em đã cắt đứt”. Tiếng khóc bên trong của Lãm Thúy. Những người hàng xóm kéo tới đông hơn. Tôi bỏ lên lầu bảy. Ờ, thì cắt đứt! Tôi bỗng thấy không tha thiết nữa với mọi sự. Gia đình và xã hội. Sự sống và cái chết… Dưới kia xe cộ dập dìu… Thành phố lấp lánh những ô cửa sáng đèn. Và những hốc tối bí ẩn như tâm hồn con người. Tôi cũng có những hốc tối bí ẩn của riêng mình. Dưới mắt nhiều người, và nhất là Hãn, có lẽ tôi là một người phụ nữ cư xử không khôn khéo khi hạnh phúc bị mất cắp. Tôi leo ra ngoài gờ tường ngăn cách sân thượng của chung cư và khoảng không bên ngoài. Tôi mệt rã ngồi lên khoảng cách giữa sống và chết… Rồi có lẽ cái nghề diễn viên chuyên phân tích tâm lý đã cứu sống tôi. Khi gió thốc lồng lộng vào mặt tôi, tôi chợt hỏi mình, gặp những tình huống như thế này, những nhân vật của mình sẽ xử sự như thế nào? Ừ, cứ cho là họ sẽ tự tử đi, nhưng họ sẽ khó có điều kiện được chết trong một môi trường thoáng rộng như thế này trên sân diễn. Có chăng là ở xi - nê. Còn ở sân khấu, chết kiểu lao vào khoảng không như thế này chỉ là những lời kể lại. Tôi nhớ lại những lúc tôi diễn cảnh “tam ban triều điển”, giải lụa, lọ thuốc độc và con dao, ba món được chọn một. Những lúc ấy cả nhân vật lẫn tôi đều muốn hét lên: “Không! Tôi không muốn chết!”. Dù thế nào tôi cũng yêu vô cùng sự sống…” 
(Trích “Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ”, tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc)

 Sách đã được PN mua bản quyền