*


Những rừng đèn chai đứng dậy trong đêm khuya.
Thơ Kiệt Tấn


kt
Kiệt Tấn & NQT
@
Cầu sông Seine,
Paris, 1999
gau*
**

Hình như trong Cát lầy có một nhân vật tên là Kiệt, quả đúng y thị, tên của tôi. Kiệt là một nhân vật lừng khừng, dật dờ, sống cẩu thả, bê bối - tôi nhớ loáng thoáng. Có bận hỏi tác giả, Kiệt trong Cát lầy có phải phần nào đã đội lốt Kiệt tui ngoài đời chăng? Hoàng Ðế khẽ gật gù phán nhỏ: "Cũng có". Như vậy, vô tình tôi đã được đẩy vào văn học sử, và hết phương trở ra nữa. Than ôi, người ngay mắc nạn! Trời đã hại Sa Vệ! Khiến cho Hạng Võ phải biệt Ngu Cơ rồi tự ý cắt đầu giao cho ông lái đò trên dòng sông định mạng.
Kiệt Tấn

Nhân vật chính của Cát Lầy, tên Trí. Có lần, hỏi, ông cho biết, đúng, khi đặt tên Trí, ông có liên tưởng tới nhân vật làm thịt hụt ông Diệm trên cao nguyên Ban Mê Thuật thuở nào. Hình như Nguyễn Trương Thiên Lý, trong Ván Vài Lật Ngửa, có nhắc tới cú này?
Kiệt là nhân vật trong Một Chủ Nhật Khác. Trùng tên với Kiệt Tấn, trùng thêm vài chi tiết nữa, như du học, về trở lại. Nhưng dậy học Đà Lạt, thì lại giống tác giả. Chi tiết "Et , enfin", lại của một người khác, cũng, như KT, bạn tác giả.
Không hiểu, ngoài Trí ra, còn một nhân vật tên Kiệt, trong Cát Lầy? Chắc không, theo Gấu.
Kiệt ở trong Một Chủ Nhật Khác, khác với Kiệt Tấn ở một chi tiết rất quan trọng, là, anh người Bắc. Đi du học, quen một em, hai người đều tính không trở về, nhưng do bà cụ em đau nặng, em phải trở lại đất nước. Kiệt về vì em và đứa con sắp sinh, chẳng vì một lý do lớn lao nào khác nữa.
Còn một chi tiết quan trọng khác, về Kiệt. Anh đi du học, là do ông bố. Ông này không muốn đứa con chết vì cuộc chiến. Một thương gia người Bắc, rất khôn ngoan, bỏ Miền Bắc ngay sau khi ở hậu phương về Hà Nội, vô Nam lập nghiệp. Ông bố của Kiệt làm Gấu nhớ đến một ông bố của một cô bạn của Gấu. Ông này làm khổ Gấu nhiều lắm! Có vẻ như TTT lấy nhiều chi tiết của ông này, cho ông kia.
Thành thử cái chuyện Kiệt trở về, để sau đó chết lãng nhách, vì bị lầm với một ông VC, nó có nhiều 'ẩn dụ' ở trong đó lắm. Theo Gấu, những nhân vật của TTT đều từ đời sống bước vô văn học, nhưng sau đó, họ đều có những đời sống riêng, khác hoàn toàn nguyên mẫu.
*
-Moi, petite? Oanh cười chút xíu. –Em già khằng mất rồi.
-Non. Ma petite folie….(1)
Chàng nhoẻn miệng. Lần đầu tiên trong buổi sáng, Oanh nhận được nụ cười thân mật của chàng. Nàng trông thấy lại bóng chàng đứng trên bục giảng đường, tia mắt với xa phả hơi ấm áp gần gũi quanh mắt nàng. Nàng trông thấy lại buổi chiều, buổi sáng, buổi tối, từng quãng, từng quãng, rồi đêm, rồi sáng với ánh ngày hè, ánh ngày chợp bão quanh mắt.
Đúng buổi sáng ngày Kiệt bị quật ngã, chàng mới có quyết định đánh bức điện tín cho Oanh. Chàng đội mưa chạy đến Bưu Điện. Cơn sốt đã bập bùng bên lỗ tai như tiếng sấm. Chàng viết bức điện tín, tay run như đuôi con thằn lằn đứt. Chàng viết, chàng nhớ đúng như in chàng đã nói: S.O.S. Au secours. Bớ người ta cứu tôi với. Kiệt. Kiệt nghĩa là hết sạch, chẳng còn gì, chẳng còn tí tẹo nào. Cô nhân viên Bưu Điện vốn quen vì gặp hàng tuần, trợn mắt: Ông không điên chứ ông Kiệt? -Tôi điên chớ, rõ ràng là tôi điên đây thôi. –Ông nhất quyết gửi bức điện này?  -Chớ sao nữa, còn gì nữa. Tôi đang cần tiền, hết tiền tiêu rồi, phải kêu kiểu đó mới có tiền. Kiệt cười hộc. Chàng ra khỏi Ty Bưu Điện chạy xuống hồ lại vòng lên xin rút bức điện lại. Chàng ướt còn hơn buổi sáng đưa Oanh đi. Mưa nhòa hết cảnh vật, nhòa hết cảm xúc, ý nghĩ, và quyết định. Oanh cũng bó tay mà thôi.
-Anh coi thường em quá. Oanh ngăn xúc động, dịu dàng nói.
-Rồi em sẽ hiểu, nên để người ta coi thường mình. Kiệt trở giọng giận dữ. – Mình là cái quái gì. Anh chỉ mong mọi người coi thường anh. Được coi thường, thường hết, dễ sống. Không có ai là ghê gớm, là thiết yếu đối với ai ở đời này. Rỡn chơi vậy. Em hiểu không, nói rỡn vậy mà chơi thôi. Chẳng đáng một đồng bạc cắc. Anh đâu có thiết yếu cho em, mà em đâu có thiết yếu cho anh.
Thanh Tâm Tuyền. Một Chủ Nhật Khác


4.8.2006
Kiệt Tấn
Tôi có còn cô độc?

 

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư hoàng hạc lâu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu [1]
(Thôi Hiệu)

 

tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường 

Tiếng thơ bi thiết. Nhịp điệu giựt xé. Hình ảnh đột ngột lóe chớp. Rồi mất hút. Phụt tắt. Cảm giác bàng hoàng, nổi gai ốc. 

tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi 

Ba câu thơ vụt xẹt như tầm sét. Giáng xuống. Chấn động. Người làm thơ bị thương. Người đọc thơ cũng bị thương. Thanh Tâm Tuyền lảo đảo. Tôi té xuống. Mặt úp trong vũng nước mưa đang bốc hơi trên mặt đất nhiệt đới. Mưa xuống quê hương. Mưa xuống Sài Gòn. Trời đương mưa. Mưa dữ dội.
 

tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục 

Thôi thôi! Tôi cấu lấy tóc mình giựt giựt. Hai bàn tay úp kín trên hai tai. Không còn muốn nghe nữa. Tôi đang dẫy dụa tuyệt vọng trong ngục tù tình dục do chính tay mình dựng nên, hết biết đường ra, cũng không biết bằng cách nào ra được. Cô đơn cùng cực. Kiệt! Kiệt! Tôi bóp cổ tôi chết gục. Những đôi vú tròn căng nõn nà, những đôi mông trắng tươi ngó ngoáy, những đám cỏ đen mọc trên tam giác no nê đêm đêm bay đầy trời trong mộng mị chập chờn Chí Dị. Tôi chết mất. Không thể nào sống sót nổi. Tôi vừa rời thân thể ngọt bùi của Tuyết, người tình quán nước bên bờ Tiền Giang để bay sang Xứ Tuyết du học. Nhện sa xuống nước nổi phình, kiếu huynh kiếu đệ kiếu người tình tôi lui… Ðêm nằm tơ tưởng tưởng tơ, chiêm bao thấy bậu dậy rờ chiếu không… Một cửa sổ hai ba cửa sổ… Một cái vú hai cái vú ba cái vú… Chết! Tôi chết mất!

 *

 Tập thơ Tôi không còn cô độc, Người Việt xuất bản

1960. Bước sang năm thứ hai đời sinh viên ở Québec, Xứ Tuyết. Tôi thu mình quạnh quẽ trong căn gác trọ nhỏ nhít đường Garnier, gần đại học Laval. Cô đơn nhuộm người tôi vàng xỉn xanh xao. Như trái chanh non héo úa ai bỏ quên trong tủ đá. Rồi bỗng một tối nọ Thanh Tâm Tuyền tới gõ cửa gác trọ, tóc tai bù xù, dưới nách kẹp tập thơ mỏng Tôi không còn cô độc. Mở cửa nắm tay giắt vào, kéo ngồi xuống trên chiếc giường sắt sinh viên hẹp nhỏ ọp ẹp. Người mới bước vô là Khương, một du học sinh Việt Nam vừa bay sang Québec, nhập đại học Laval, cũng như tôi. Khương khoái thơ. Tôi cũng khoái thơ. Tôi khoái Nguyễn Bính, Lỡ bước sang ngang. Khương khoái Thanh Tâm Tuyền, Tôi không còn cô độc. Trao đổi văn nghệ, bắt nhịp cầu tri âm. Và tối đó, tôi khám phá nhà thơ đứng đầu nhóm Sáng Tạo. Những câu thơ chém xuống hừng hực.
 
Thiệt ra không phải đợi đến tối đó tôi mới được đọc thơ Thanh Tâm Tuyền lần đầu. Tôi đã đọc thơ Thanh Tâm Tuyền hồi còn là học trò đệ nhị đệ nhất trung học, chuẩn bị thi Tú một Tú hai. Ðọc lõm bõm trên tạp chí Sáng Tạo nhưng không thấm. Thuở đó tôi chưa từng biết cô đơn là gì. "Khi ấy em còn thơ ngây, đôi mắt chưa vương lệ sầu…" Tôi còn rất hồn nhiên. "Tôi chưa hề cô độc". Có thể nói như vậy. Hồn nhiên? Chưa chắc. "Anh chỉ giỏi tài ba xạo", một bận Tuyết đã chỉnh tôi bằng lời lẽ đó. Trong thời kỳ này, tôi đã có Hoa, người yêu đầu tiên Xóm Bến Ðò Mỹ Tho. Tôi có Ánh, người yêu nữ sinh Cầu Cái Cá Vĩnh Long. Tôi có Tuyết, người tình quán nước bên bờ sông Cổ Chiên ngầu đục phù sa. Tôi đã biết rờ rẫm, biết hun hít mấy người em nhỏ hậu phương, tôi đã biết sục sạo đóa hoa thầm kín trong rạp hát bóng, đã biết vật lộn với em nhỏ bên bờ cỏ đêm trăng, đã biết xâm nhập và cư ngụ trong thân thể mượt ẩm, ấm hỉnh Liêu Trai của nàng. Cô độc sao nổi mà cô độc! Tôi còn đang lẩn quẩn trước hàng ba nhà nàng, còn đang đứng xớ rớ bên cạnh cái hàng rào dâm bụt, nhà nàng ở cạnh nhà tui, cách nhau cái giậu mồng tơi xanh dờn, lẩm cẩm y hịch như sư phụ Nguyễn Bính. Còn xa lắm mới bước được vào lãnh thổ của Thanh Tâm Tuyền, bước được vào vương quốc của Hoàng Ðế Cô Ðộc, nơi đức vua có đủ quyền y để cai trị mọi người bằng… thơ tự do. Còn được gọi diễu là thơ hũ nút bởi phe đối lập. Một bận, trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong xuất hiện một bài thơ hũ nút nhái giọng Hoàng Ðế. Thơ rằng:

 bánh xe đạp quay tròn
xịt khói
trái tim giơ mười ngón tay
thét chết
cô độc! 

Xịt cười. Không hiểu ất giáp gì hết. Tuy nhiên, thấy ngộ ngộ cho nên còn nhớ tới bây giờ. Cũng như đã nhớ hai câu thơ vỡ lòng, em ơi em ở lại nhà, vườn dâu em đốn thịt gà xé phay của sư phụ mình. Và những câu thơ bá láp khác nữa, chẳng hạn: Ủa ủa giống gì trẹo? Ờ ờ chó mắc lẹo. Ðực vện ngổng đuôi trì, cái vàng cong lưng kéo… Mà càng bá láp lại càng nhớ dai. Trí nhớ con người nó khỉ như vậy đó. 

Tuy nhiên, ngay những năm hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền đã ngoái đầu nhìn lại lịch sử nhân loại mà không khỏi hãi hùng:

toa chở súc vật
bít bưng tức thở
bánh nghiến đường rầy

 chúng nó làm phát xít
chúng nó làm cộng sản
chúng con làm tù nhân 

Và ngay từ những năm 50, hình như nhà thơ đã linh tính tai họa thảm thiết sắp sửa giáng xuống đất nước kể từ tháng Tư 1975:

 mẹ bưng tấm hình úa cũ trước ngực
dò xét từng nét đau khuôn mặt
các anh nhìn cúi đầu
khóc lén
hai hàng rào quá khứ đăm đăm 

chúng nó làm phát xít
chúng nó làm cộng sản
chúng ta làm tù nhân 

Có phải, qua những câu thơ chặt khúc trên, Thanh Tâm Tuyền đã tiên đoán căn phần đày đọa của mình và bạn bè hai mươi năm sau, trong những trại tập trung cải tạo mọc lên như loài nấm độc trên khắp cùng đất nước tả tơi sau 75? 

mưa bay lất phất gió căm căm
đường lầy trơn nhà cửa tối tăm
trốn đâu lũ trẻ mặt lem luốc
co ro đứng xem tù qua thôn 

Và khi làm thân tù đi chém tre đẵn gỗ trên ngàn, một bận bị tuột dốc nhào trên hẻm núi, nhà thơ lại thấy lòng mình thanh thản hơn bao giờ hết: 

duỗi soải chân tay gối trên nứa
ngó trời nhá nhem nghe mưa mau
tưởng chừng thi thể ai thối rữa
hồn viển vông chẳng chút oán sầu 

Giọng thơ không còn uất hận như thuở ban đầu nữa. Tập Thơ ở đâu xa, tác phẩm cuối cùng của Thanh Tâm Tuyền đã xuất hiện im lìm, âm thầm xuất hiện tại Hoa Kỳ năm 1990. Ðể rồi mười sáu năm sau, nhà thơ cũng âm thầm ra đi tại Minnesota, để lại một vết chim bay trên nền trời băng giá giáp ranh Xứ Tuyết, nơi lần đầu tiên tôi khám phá Tôi không còn cô độc, tập thơ đầu tay của cùng một tác giả.

 *

  Nhìn lại công trình của nhóm Sáng Tạo, sự đóng góp đáng kể nhứt của nhóm này vào nền văn học Việt Nam, theo tôi, là thơ của Thanh Tâm Tuyền, về hình thể cũng như cách diễn đạt. Một công trình sáng tạo đúng nghĩa. Nhận định này rất chủ quan, dĩ nhiên. Hồi Võ Phiến sang chơi Paris và đóng đô tại nhà tôi ở Bagnolet, có bận tôi hỏi, theo ông, Thanh Tâm Tuyền là một nhà thơ hay nhà văn. Võ Phiến đã đáp không do dự: là một nhà văn. Kế Thanh Tâm Tuyền, sự đóng góp đáng kể khác của nhóm Sáng Tạo cũng lại là thơ: thơ của Tô Thùy Yên. Lại chủ quan nữa đó, cha nội! Tuy nhiên, về hình thức, thơ của Tô Thùy Yên không hoàn toàn phá thể. Mới gần đây, cõi thơ này (tiếng của Cung Tiến để ám chỉ ba cõi thơ tập trung ở Minnesota: Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng) có bay sang Paris chơi và ngụ nhà tôi ít bữa. Tôi có bày tỏ nhận định vừa nói của mình và Tô Thùy Yên cũng đã gật đầu tán đồng. Còn về mặt văn xuôi, sự đóng góp của nhóm Sáng Tạo không được đặc sắc gì cho lắm. Văn xuôi à? Thì cũng có cái mới thiệt đó, nhưng nếu hỏi tác phẩm văn xuôi nào tiêu biểu cho nhóm Sáng Tạo thì tôi không / chưa kể được tên tác phẩm nào. Truyện của Thanh Tâm Tuyền hồi còn trẻ tôi cũng thích. Thích nhiều là truyện Ung thư, nhưng rủi thay tác giả đang viết chợt bỏ dở nửa chừng. Có bận tôi hỏi vì sao bỏ dở, Hoàng Ðế Cô Ðộc trả lời là tại hết hứng, thấy truyện bế tắc. Ðược biết sau này Ung thư đã hóa kiếp thành Cát lầy. Hình như trong Cát lầy có một nhân vật tên là Kiệt, quả đúng y thị, tên của tôi. Kiệt là một nhân vật lừng khừng, dật dờ, sống cẩu thả, bê bối - tôi nhớ loáng thoáng. Có bận hỏi tác giả, Kiệt trong Cát lầy có phải phần nào đã đội lốt Kiệt tui ngoài đời chăng? Hoàng Ðế khẽ gật gù phán nhỏ: "Cũng có". Như vậy, vô tình tôi đã được đẩy vào văn học sử, và hết phương trở ra nữa. Than ôi, người ngay mắc nạn! Trời đã hại Sa Vệ! Khiến cho Hạng Võ phải biệt Ngu Cơ rồi tự ý cắt đầu giao cho ông lái đò trên dòng sông định mạng. 

Tôi vốn đã không ưa văn học sử gì cho lắm. Hồi còn ở Việt Nam, năm 1966, Sáng Tạo có đứng tên in cho tôi tập thơ đầu tay Ðiệp khúc tình yêu và trái phá. Ðể rồi sau đó tôi quăng bút, quay sang làm thơ hiện thực (lẫn thực hiện): thơ Bia ôm và trái cóc. Mãi cho tới hai chục năm sau, phần Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên thì đi tù cải tạo mút chỉ ở Việt Bắc, còn riêng tôi thì lêu bêu trôi dạt sang Paris. Lúc đó, nơi xứ lạ quê người không có bia ôm nên rất huởn thì giờ để mà cà nhổng chống xâm lăng, tôi bèn lượm bút lên và tiếp tục mần văn nghệ, bỏ thơ viết truyện, lần lượt ra mắt bà con Nụ cười tre trúc, Thương nàng bấy nhiêu, Lớp lớp phù sa... Sực nhớ lại sáu mươi bốn năm trước đây, nhân dịp Xuân Tha Hương, Nguyễn Bính sư phụ tôi đã xủ một quẻ tại Huế năm 1942 và tiên đoán thời tiết không khá mấy của bọn cầm bút: 

Ai bảo mắc vào duyên bút mực
Suốt đời mang lấy số long đong
Người ta đi lấy giàu sang cả
Mình chỉ mơ toàn chuyện viển vông
Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết
Một mình em vẫn cứ tay không... 

Sư phụ tôi đã rên rỉ như vậy đó với người chị yêu dấu của mình ở xứ Hà Ðông (vốn đầy dẫy sư tử cái) xa tít mù xa ngoài Phương Bắc. Chị Trúc bạc phận trong Lỡ bước sang ngang. Hồi đó chưa có xa lộ không đèn, chưa có xe lửa cao tốc, chưa có Boeing 747. Bó tay. Bó giò. Rên là phải!
 
*

 Cảo thơm lần giở trước đèn...

 Ðiểm lại thời gian hơn mười năm chiến tranh sau cùng ở Việt Nam, những lần tôi gặp gỡ Thanh Tâm Tuyền đếm được trên năm đầu ngón tay. Kỷ niệm? Thì cũng có, gọi là... Và cũng đếm được trên năm đầu ngón chưn. Lần đầu tiên gặp nhau ở đâu không nhớ. Chỉ nhớ chàng có cái quai hàm vuông vức cương nghị, lông mày rậm, cái nhìn thẳng sâu, giọng nói miền Bắc, không giọng Hà Nội, mà là giọng lảo nhảo quê quê dân dã, dễ thương, dễ gần gũi. Tuy nhiên, vừa mới gặp nhau lần đầu mà đã có chạm súng lẻ tẻ, cũng như lần đầu với Mai Thảo. Tuy chàng làm thơ tự do, rất mới, rất phá thể, nhưng quan niệm của Thanh Tâm Tuyền về các vấn đề thường nhật, nhứt là đối với gia đình thì lại rất là cổ điển, rất là truyền thống, rất là tôn ti trật tự, với đầy đủ đèn xanh đèn đỏ hẳn hòi. Chung chung, là một con người sống rất ư là bình dị. Có thể tôi lầm lẫn vì ít khi tiếp xúc. Ðành bói mò. Cùng cắm dùi chung một cứ địa Gia Ðịnh, tôi ở Hàng Xanh, Thanh Tâm Tuyền ở Bà Chiểu, cách nhau một cái cầu bê tông nhỏ. Ðâu có đường về nhà em xa lắm anh ơi! Chàng có đến nhà tôi hôm in xong tập thơ. Tôi có xâm nhập lãnh thổ của Hoàng Ðế trong ngôi nhà cao cẳng (hình như vậy) để ngồi nhậu lai rai coi anh em cầm bút nhà ta kéo xì phé. Trong số có Trần Lê Nguyễn, người lè phè dễ thương, mê cờ bạc số một. 

Tôi có một số bạn thường đi chơi chung của tôi. Những tay nhậu mút mùa, đi thăm mấy em Kiều dài dài, những ông chồng không xứng đáng. Sớm Ðào trưa Lý đêm Hồng Phấn. Tuyết Hạnh sương Quỳnh máu Ðỗ Quyên. Thanh Tâm Tuyền có những người bạn để đi la cà riêng của mình. Những Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Phạm Ðình Chương... Vì hai chàng trai nước Việt đều có bạn riêng nên kỷ niệm chung hơi hiếm. 

Thanh Tâm Tuyền không có tiếng là tay nhậu cừ khôi. Cũng không "rằng nghe nổi tiếng cầm đồ". Không vũ nữ sexy, không bia ôm lả lướt, không xướng ca vô loại. Theo truyền thuyết, hồi theo học khóa sĩ quan ở Thủ Ðức, có một đêm xỉn quá xỉn nên Hoàng Ðế bèn đốt lửa thiêng kêu gọi chư hầu tới cứu viện, đoạn cởi truồng chạy nhồng nhổng trong quân trường. Tuy nhiên sự cố này cũng chỉ là truyền thuyết, không có hình ảnh gì để chứng minh với hậu thế. Có thể đó là mưu tối nhằm bôi nhọ để Hoàng Ðế không còn cách nào ra tranh cử tổng thống với ông Hoàng Ðã Nhứt (tức ông Hoàng...) nước ta thời Thiệu trị Kỳ nhông. 

Không xướng ca vô loại? Ấy vậy mà một chiều nọ, trong một phòng trà thời trang ở Sài Gòn, đã có lần Hoàng Ðế bước lên sân khấu và cầm micrô lên mà rỉ rả một bài tình ca rất ư là lả lướt. Khó tin nhưng mà có thiệt! Có nhân chứng và nạn nhân thời cuộc làm chứng trước tòa. Ðó là lần tổ chức bán đấu giá tranh để lấy tiền giúp Vũ Hoàng Chương trị bệnh. Ở đâu? Ở phòng trà Khánh Ly đường Tự Do. Tay nào đã lôi kéo tôi tới đó tôi không nhớ. Có Mạnh Thường Quân nào mua tranh hay không tôi cũng không nhớ. Khi tới phòng trà, tôi đã xiêu vẹo ba ngù. Tôi ngất ngưởng nghe nhạc như người điếc không sợ súng. Rồi thình lình Hoàng Ðế giáng lâm. Tay nắm tay Phạm Ðình Chương, hai ta bèn song ca Mộng Dưới Hoa do Phạm sĩ phổ nhạc, thơ Ðinh Hùng. Hoàng Ðế thơ tự do mà hát thơ bảy chữ có vần thì phải biết! Tôi ngồi khép nép, run như run thần tử thấy long nhan. Rồi việc gì phải đến đã đến. Hoàng Ðế cất tiếng vỗ an bá tánh:

"Chưa gặp anh em đã có bầu, với chàng trai trẻ đẹp như trâu..." 

Bủn rủn! Dĩ nhiên Hoàng Ðế không hát nhảm nhí như vậy. Cũng không "tôi hét tên tôi cho nguôi giận: thanh tâm tuyền! Tôi gào tên tôi thảm thiết: thanh tâm tuyền!". Cõi thơ tự do cất tiếng hát rất là trữ tình, rất là ru em: "Chưa gặp em anh vẫn nghĩ rằng, có nàng thiếu nữ đẹp như trăng..." Có thế chứ! Ðứng trên sân khấu bằng phẳng vững chắc mà Hoàng Ðế cũng lắc lư con tàu đi trên hai chưn không thua gì tôi. Ca sĩ mầm non lim dim hát tiếp: "Tóc xanh lả bóng dừa hoang dại. Âu yếm nhìn tôi không nói năng..." Em gái hậu phương nào mà nghe lọt lỗ tai giọng ca truyền cảm của Hoàng Ðế thì ắt phải rụng rún là cái chắc! Cuộc bán đấu giá chưa tan mà tôi đã tự động giã từ cuộc chiến. Chuyếnh choáng bước ra đường nhựa đứng xớ rớ chưa biết làm cách nào để mà xuôi thuyền về Bến Ngự cho được. May quá! Bỗng một anh chàng cao lớn bô trai từ đâu xáp tới kéo tay tôi rủ rê: Nguyễn Xuân Hoàng! Hoàng Tử rủ tôi vô Brodard giải lao. Ừ, vô thì vô, sợ ai. Tôi gọi cái bia lạnh. Hoàng Tử một ly bia không có bọt, màu trắng đục bỏ đường có ống hút. Hình như lúc đó Hoàng coi tờ Văn, Nguyễn Ðình Vượng chủ trương. Và cũng hình như chàng vừa viết xong một truyện ngắn bảo đảm mới rất mới: “Người đàn ông đội nón ngồi trên chiếc ghế bành”. Thời đó, phong trào Tiểu Thuyết Mới đang thịnh hành. Tôi thì chẳng tiểu thuyết mới, chẳng tiểu thuyết cũ gì hết ráo. Chỉ chủ trương thơ hiện thực bia ôm và trái cóc là ăn chắc (mặc bền). Ngày đêm miệt mài, đi thực tế cho biết lòng dân - và bụng dạ ngoắt ngoéo của đàn bà (ấm cha chả là ấm!) 
*

 Bạc Liêu là xứ quê mùa, dưới sông cá chốt trên bờ Tiều Châu. Tôi vốn người miệt Hậu Giang bần chua nước mặn nên rất thiệt thà chơn chất, nhứt là đối với nữ phái tay yếu chưn mềm (mà có thể vật chết anh hùng mạnh cùi cụi trong vòng năm phút như chơi). Vì chưng thiệt thà nên điều gì có ngó thấy tận mắt thì tôi mới tin. “Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ”, lấy câu này làm châm ngôn ở đời. Cũng bởi lẽ đó nên đối với Kiệt tui, Thanh Tâm Tuyền chưa chết. Không thấy tẩm liệm, không thấy chôn cất thì đối với tôi là chưa chết. “No see die, no die!”. Dịch nôm tiếng Việt: nô xi đai, nô đai. Cũng như má tôi, cũng như ba tôi. Ba má tôi vẫn còn sống đủ cặp Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết trong tâm tưởng của tôi. Cũng như Vũ Khắc Khoan, cũng như Phạm Ðình Chương, cũng như Mai Thảo, cũng như Thanh Nam, cũng như Ngọc Dũng. Trong trí mình, tôi chưa hề cử hành tang lễ cho một ai hết, tôi chưa hề làm đám ma cho một ai hết.

 Tôi không còn cô độc! Khi gào lên như vậy, Hoàng Ðế có chắc không? Trong những đêm đen đặc mịt mù tù đày ở Bắc Việt, có khi nào nhà thơ mò mẫm đá lạnh dưới lưng mà rùng mình trong quạnh quẽ? Tôi biết những người khóc lẻ loi, không nguôi một phút. Ðau đớn! Lệ là những viên đá xanh. Hoặc những hôm trời bão tuyết tầm tã ở Minnesota, ngồi rất một mình bên ly rượu dở dang, Thanh Tâm Tuyền có rùng mình ớn lạnh nói nhỏ một mình trong đầu: “Tôi vẫn còn cô độc!”. Ngó xuống ly rượu lạnh lẽo, bỗng chợt thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mơ. Xa lắm rồi em người mỗi ngả…

 Nhưng bây giờ thì Thanh Tâm Tuyền đã có thể quả quyết: “Tôi không còn cô độc!”. Bởi lẽ bây giờ Thanh Tâm Tuyền đã có vĩnh viễn bên cạnh mình để mà khề khà chén chú chén anh những Vũ Khắc Khoan, những Mai Thảo, Phạm Ðình Chương, Thanh Nam, Ngọc Dũng. Chỉ xin đứt Hoàng Ðế một điều là Người chớ có cai trị mọi người bằng thơ tự ro của Người. Nếu được như vậy thì mai kia mốt nọ sẽ có thêm Thái Tuấn, Duy Thanh, Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên, Kiệt Tấn tới nhập bọn cho thêm xôm tụ, rậm đám. Tha hồ mà đập bồn đập bát! Ðọc tới đây chắc Thanh Tâm Tuyền cũng đành phải ngậm cười nơi chín suối.

  *

 Ngàn năm, ngàn năm… Bạch vân thiên tải không du du. Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản…

 Bagnolet / Pháp, tháng Ba 2006

 (Trong bài này, thơ Thanh Tâm Tuyền trích từ các bài: “Phục sinh”, “Tù binh”, “Lệ đá xanh”, “Chiều cuối năm qua xóm nghèo”, “Ngã trên núi khi đi vác nứa”. Thơ trích khác là của Nguyễn Bính, Ðinh Hùng, Quang Dũng, Thôi Hiệu.)

--------------------------------------------------------------------------------

[1]Người xưa cỡi hạc đến nơi đâu
Hoàng Hạc còn đây một mái lầu
Chiều tối trông vời đâu cố quận?
Trên sông khói sóng giục ai sầu
Trần Trọng San dịch

 Nguồn: Báo VĂN số đôi 113-114, tháng 05 & 06.2006

 [Trích từ talawas]