logo





Hữu Loan: “Cây gỗ vuông chành chạnh….”

 

Tiêu Dao Bảo Cự

 

Đó là mấy từ trong trích đoạn bài thơ Hữu Loan chép tặng tôi vào sổ tay 17 năm trước, với nét chữ cứng cỏi và cách xuống giòng bậc thang đặc trưng trong thơ ông. Năm đó ông đã 73 tuổi.

 

“…Tôi là cây

                    gỗ

                        vuông

        chành

                    chạnh

                            suốt đời

        đã làm thất bại

        mọi âm mưu

                            đẽo tròn

        để muốn tùy tiện

                    lăn long lóc thế nào

                            thì long lóc

        Chân

                    tính

                            đấy

        hỡi Rìu, Bào

                            Phó – Mộc”

( chuyện Di Tề )

 

Đó là năm ông “tái xuất giang hồ” rời bỏ làng quê giong ruổi về phương nam sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nhà, một nơi đèo heo hút gió ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Trong chuyến đi xuyên Việt năm 1988 của đoàn Hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí - xuất bản và đổi mới thực sự, chúng tôi đã đưa Hữu Loan về lại quê nhà sau gần một năm lang bạt.

 

Lần ấy, chép xong mấy câu thơ, ông chỉ tay vào trang giấy nói với tôi: “Anh thấy đó. Chữ Rìu, Bào và Phó - Mộc viết hoa. Anh biết tôi muốn ám chỉ ai rồi”

 

Dọc đường đất nước trên chuyến đi, ông cũng đọc cho công chúng nghe trong những lần gặp gỡ, bài thơ dài mới nhất của ông, bài “Chuyện tôi về”, một loại bút ký thơ kể về thời gian “ Ba mươi năm không phải chuyện / Một sớm một chiều/ Một ngày tù đã dài như thế kỷ / Ấy là tù giữa chợ….”. Nhưng 30 năm đó, kể từ ngày có vụ án văn nghệ gọi là “Nhân văn - Giai phẩm”, và 17 năm sau đó nữa, chẳng có ai dám viết, nói gì về chuyện của ông dù không ít người biết. Ngay cả sau khi gần đây, có hiện tượng xôn xao dư luận là một công ty đã bỏ ra 100 triệu đồng để mua bản quyền bài thơ nổi tiếng "Mầu tím hoa sim” của ông. Nhân sự việc này trên báo chí có một vài bài viết về ông nhưng tuyệt nhiên không ai nhắc đến 30 năm đó, như thời gian này không hề có trong cuộc đời ông.

 

Một sự im lặng khủng khiếp không chỉ đè nặng lên riêng đời ông mà còn trói tay những người cầm bút và choàng phủ lên cả đời sống dân tộc. Đó là sức mạnh, sức nặng ghê gớm của bạo lực và cường quyền, của nỗi sợ hãi và lòng hèn nhát, là bi kịch của một đất nước tự cho và cũng được phong tặng là đất nước anh hùng.

 

 

 

Nhà thơ Hữu Loan và Tác giả - tháng 3, 2005

 

 

Trong hoàn cảnh đó, Hữu Loan đã chọn riêng cho mình một lối sống, dù nghiệt ngã nhưng đầy bi tráng. Như ông viết trong “ Chuyện tôi về”: “Tôi không làm nhà vì mắc làm người”, “Đi ăn cắp và làm cán bộ là tôi không đi…”. Ông thà đi cuốc đất, đập đá và đẩy xe thồ suốt 30 năm để làm “Cây gỗ vuông chành chạnh” không cho ai lăn long lóc, trong khi bao nhiêu văn nghệ sĩ đồng thời với ông đã tha hồ để cho “tùy tiện bị lăn long lóc thế nào thì long lóc” ngoài đời cũng như trong văn học nghệ thuật.

 

Kể từ lần gặp gỡ đầu tiên, tôi thực lòng ngưỡng mộ “cây gỗ vuông chành chạnh” Hữu Loan nên trong 17 năm qua, dù trải bao nhiêu khó khăn vây khổn, trong tôi vẫn thôi thúc ý muốn gặp ông lần nữa. Tôi vẫn sợ rằng nếu không còn dịp nào gặp lại ông, đối với tôi đó sẽ là niềm ân hận lớn trong đời.

 

Trong chuyến đi xuyên Việt lần thứ hai bằng xe gắn máy năm 2003, tôi đã định đến thăm ông, nhưng rủi thay, khi đến địa đầu tỉnh Thanh Hóa, chỉ còn cách nơi ông ở vài mươi cây số, tôi bị tai nạn phải lên xe đò đi thẳng ra Hà nội, tôi đành để lỡ dịp trong hối tiếc.

 

Đầu năm 2005 này, trong chuyến đi xuyên Việt từ Nam ra Bắc lần thứ 3 bằng nhiều loại phương tiện, tôi nhất quyết đến thăm ông và tôi đã thực hiện được.

 

Trên đường trở về bằng chuyến xe du lịch open tour Hà Nội - Sàigòn, tôi xuống xe ở Ninh Bình, một điểm dừng của open tour này, để tìm gặp lại Hữu Loan. Ninh Bình là tỉnh giáp giới phía Bắc của Thanh Hóa. Tôi hỏi thăm biết huyện Kim Sơn của Ninh Bình, nơi có nhà thờ đá Phát Diệm nổi tiếng, cách thị xã Ninh Bình 30 cây số nằm tiếp giáp với huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, nơi Hữu Loan đang ở. Tôi thuê một xe gắn máy và tự mình tìm đường đi sau khi nghiên cứu bản đồ. 17 năm trước tôi đến nhà ông theo đường quốc lộ 1 từ thị xã Thanh Hóa ra, lần này đi ngược lại từ phía bắc vào, theo một con đường khác.

 

Sau khi đến nhà thờ Phát Diệm, nhà thờ đá xưa nhất và lớn nhất Việt Nam, nơi hết địa phận huyện Kim Sơn, người ta bảo phải đi khoảng 20 cây số nữa mới đến trung tâm huyện Nga Sơn. Tôi chạy theo con đường liên tỉnh lộ nhỏ hẹp, phía Nga Sơn xem ra không trù phú bằng bên Kim Sơn, nơi có những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh, với những đàn vịt trắng xóa bờ kênh và rất nhiều nhà thờ hai bên đường. Tôi vừa đi vừa hỏi thăm đến thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh. Giờ này đã gần trưa, con đường trải nhựa liên xã vắng vẻ. Đến nơi, tôi hỏi thăm mấy em nhỏ học sinh đang chơi la cà trên đường. Các em chỉ cho tôi con đường chạy thẳng đến chân núi, gần đó có chỗ rẽ vào một lối nhỏ đúc bê tông. Tôi thầm nghĩ không lẽ người ta đã thay đổi tư duy, trọng thị nhà thơ nên đã cho làm con đường bê tông ở xóm nhỏ heo hút này. Vào đó hỏi tiếp, mấy người lại nói cho tôi biết nhà ông Hữu Loan ở chỗ nhà lầu hai tầng đang xây bên phải. Hai người nói như thế, làm tôi càng ngạc nhiên vì cách họ nói mấy từ “nhà lầu hai tầng” nghe có vẻ khác lạ, bao hàm sự thán phục như nói về một cái gì phi thường ở thôn xóm không có mấy nhà khang trang này. Tôi lại nghĩ không lẽ Hữu Loan đã được “đổi đời” rồi vì lần trước đến, căn nhà do chính tay ông dựng nên từ xưa vừa bị sập và mấy năm sau đó tôi nghe tin loáng thoáng ông được xây “nhà tình nghĩa” và tài trợ xuất bản tập thơ. Dù sao nếu đươc như thế tôi cũng mừng cho ông.

 

Tôi đã mừng hụt. Nhà Hữu Loan chỉ là căn nhà cũ kỹ phía sau “nhà lầu hai tầng đang xây” mà thôi. Đằng sau cánh cổng sắt hơi tối dưới bóng cây âm u, một phụ nữ đang nằm trên chiếc võng treo ngang qua cổng và hai con chó đen dưới chân nhâu nhâu lên sủa. Chị đứng dậy suỵt chó im và khi tôi hỏi Hữu Loan, chị bảo “ông cháu có nhà”. Chị tự giới thiệu là con dâu của ông. Chị mở cổng đưa chúng tôi vào nhà mời ngồi ở chiếc ghế gỗ vừa vội vàng dọn dẹp căn phòng ngổn ngang bề bộn mọi thứ linh tinh. Chị loay hoay pha trà mời chúng tôi với bộ ấm chén xỉn màu và cho biết Hữu Loan đang ốm. Chị nói thêm bình thường chỉ có hai ông bà ở nhà, mấy hôm nay ông ốm nên chị đến chăm sóc.

 

Trong khi nói chuyện với chị, chúng tôi quan sát căn phòng và nghe tiếng ho sù sụ ở phòng kế bên, sau khung cửa không có cánh tối om, được che bằng tấm màn vải cũ kỹ.

 

Căn phòng không có trần, đồ đạc không có gì giá trị. Trên tường có treo mấy tấm hình. Một tấm chụp Hữu Loan đứng bên cạnh bức tượng của mình, tác phẩm điêu khắc của Phạm Văn Hạng năm 1990 theo như ghi chú bên dưới. Một tấm chụp lại phác thảo chân dung bà Phạm thị Nhu ( tức bà Hữu Loan) do một họa sĩ nào đó ký tên không rõ vẽ tặng ông. Đặc biệt chiếc bàn thờ đơn sơ, chỉ là một mảnh ván đóng lên tường với mấy bình nhang cắm hoa giấy và vỏ một hộp bánh bằng các tông, phía trên chỉ treo một bức thư pháp viết chữ Tâm bằng Hán tự, nét chữ sắc sảo và cứng cỏi, bên ngoài có nhện giăng và bụi bám.

 

Nói chuyện một lúc, tôi ngỏ ý với chị con dâu muốn vào tận giường thăm Hữu Loan nếu ông ốm nặng thì nghe tiếng dép lệt sệt bước ra. Trước mắt tôi, Hữu Loan không còn phong độ như năm nào. Ông đội chiếc mũ len, quấn khăn quàng, mặc áo khoác bên ngoài áo len trong khi vào nhà nóng, tôi phải cởi áo khoác. Khuôn mặt ông có sắc hồng nhưng không phải nét hồng hào khỏe mạnh. Đôi mắt nhỏ sáng quắc năm xưa đã phần nào mờ mịt. Tôi đứng lên chào và hỏi ông còn nhớ tôi không, ông nhìn tôi ngẫm nghĩ rất lâu không nói gì. Khi tôi nói tên và nhắc lại chuyến đi xuyên Việt năm xưa, ông ôm lấy tôi và nói “ Còn sống để gặp lại nhau là mừng lắm rồi”.

 

Ông mời tôi ngồi xuống ghế. Tôi nói tìm đường vào nhà ông cũng khá vất vả. Ông bảo ai muốn tìm đừng hỏi ngay đến nhà ông vì hỏi như thế chúng nó không chỉ đâu. Chúng nó được lệnh rồi. Tôi ôn lại chuyện xưa nhưng kinh ngạc thấy ông còn nhớ rất ít. Ngay cả bài thơ “Chuyện tôi về” ông tâm đắc ngày ấy và đã đọc hàng chục lần trước công chúng ông cũng quên. Ông bảo tôi đọc cho ông nghe nhưng tôi chỉ thuộc vài câu. Tôi hỏi bản thảo có còn không, ông bảo đã mất hay để đâu ông không nhớ. Bây giờ mắt ông không đọc được chữ nữa, khi cần phải nhờ con cháu đọc.

 

Tuy nhiên những chuyện và những bài thơ xưa hơn ông lại nhớ rất rõ. Ông kể đi kể lại việc một người được giao nhiệm vụ giết ông nhưng mỗi lần sắp ra tay lại không nỡ vì nhớ đến bài thơ ông viết về quê hương anh ta. Chính anh ta đã nói lại với ông chuyện đó và ông đọc bài thơ cho tôi nghe.

Ngồi nói chuyện khá lâu, và vì lúc chạy xe trên đường hơi bị lạnh, cảm thấy thèm thuốc lá, tôi rút bao thuốc xin phép ông hút nhưng ông nghiêm mặt chỉ tay vào tôi nói: "Tôi cấm anh”. Tôi gượng cười cất bao thuốc và nói hiện nay tôi còn nghiện một thứ chưa bỏ được là thuốc lá. Ông nói ngay: “ Cái gì có hại phải bỏ. Có gì mà không bỏ được. Ngay cộng sản là thứ ghê gớm mà tôi còn bỏ được huống gì thuốc lá.”

 

Lát sau, ông bắt đầu ho nhiều hơn và khạc nhổ đờm xuống đất, tôi tỏ ra quan ngại về sức khỏe của ông nhưng ông bảo ông chỉ bị cảm mấy ngày nay thôi. Ngày thường ông vẫn ra ngoài được và thường xuyên tập khí công. Tôi hỏi ông tập theo phương pháp nào và vào lúc nào. Ông bảo ông tập bất cứ lúc nào, kể cả khi ngồi, nằm, đi lại.

 

Hỏi thăm về gia đình, ông cho biết ông có 10 người con, 30 cháu và tỏ ra không vui vì hoàn cảnh con cháu. Người con đầu thông minh, thuộc loại học giỏi nhất tỉnh nhưng thời đó vì chuyện của ông, anh không được vào đại học. Đến nay chỉ có người con trai út tốt nghiệp kiến trúc sư đang làm việc ở Hà Nội, còn những người khác đều lập gia đình, làm ruộng, làm nghề và ở quanh quẩn gần đó.

Về nguồn sống của ông bà, ông bảo thu nhập chính của ông là tiền bán củi. Củi ở đây là cọng và lá dừa khô của hơn chục cây dừa rất cao do chính ông trồng từ xưa. Vùng này người ta chuộng thứ củi dừa vì có sẵn trong vườn và cháy tốt.

 

Bà Hữu Loan đi đâu về, nghe cô con dâu báo, vội lên chào khách. Gặp tôi bà nhớ ra ngay. Có lẽ tôi gây ấn tượng cho bà vì lần trước chúng tôi đã giúp đưa ông về sau khi ông “bỏ nhà ra đi” cả năm trời. Lần đó tôi đã khen bà mặc áo tím đẹp khi Hữu Loan giới thiệu bà với chúng tôi lúc gặp bà ngồi bán hàng trên đầu cầu. Tôi cũng đã hỏi bà có phải vì Hữu Loan thích mầu tím nên bà mặc áo tím không. ( Dĩ nhiên bà là vợ sau của Hữu Loan vì người vợ đầu của ông, mới “cưới nhau xong là đi”, “nhưng không chết người trai khói lửa / Mà chết người em gái nhỏ hậu phương” đã gây xúc động cho Hữu Loan viết nên bài thơ “ Mầu tím hoa sim” bất hủ).

 

Bà Hữu Loan bây giờ đã hơn 70 tuổi nhưng bề ngoài trông có vẻ còn khỏe mạnh dù bà bảo cũng đang bị nhiều bệnh mãn tính. Bà mời tôi ở lại dùng cơm. Lúc đó đã quá trưa, gần xế chiều, tôi hơi ái ngại và cũng sợ về muộn vì còn phải đi đường xa nên xin cáo từ. Bà bảo không lẽ khách từ trong nam ra thăm mà không mời được bữa cơm, hơn nữa nhà cũng chưa ăn trưa, thức ăn có sẵn, chỉ nấu quàng nồi cơm là xong. Tôi đành nán lại.

 

Bữa ăn bà đãi chúng tôi quả có nhiều món có sẵn mà bà dự trữ để ăn dần. Cá kho, canh rau nấu với thịt heo, tép kho ăn ghém với khế chua hái trong vườn, lại thêm món trứng tráng. Hình như tất cả các thứ dự trữ bà đều mang ra mời khách. Chúng tôi vừa ăn vừa phải luôn tay xua đàn ruồi bay vù vù chung quanh. Hữu Loan chỉ ăn được lưng hai bát cơm.

 

Trong khi ăn bà nói chuyện vui. Bà kể dạo ông đi nam, ông viết thư về bảo có mấy cô còn trẻ mê ông muốn lấy ông, làm vợ bé, ông còn dám bảo “có lẽ cũng phải lấy thôi.” Nghe nhắc đến chuyện đó mắt Hữu Loan ánh lên nét tinh quái và ông mỉm cười nói: “Vì thế tôi mới gọi bà là Thiến Thư. Thiến Thư chứ không phải Hoạn Thư”. Chúng tôi đều cười xòa.

 

Dạo đó hình như bà cũng có ghen thật. Tôi nghe nói bà đã xé mấy bức ảnh ông chụp chung với mấy cô gái trẻ. Bây giờ ông đã 90 tuổi, bà hơn 70, nhưng nhắc đến chuyện tình yêu, ghen tuông, hai ông bà vẫn còn xúc cảm, tuy trong một trạng thái khác. Đúng là chuyện không tuổi và của muôn đời.

Câu chuyện vui không làm tôi bớt cảm giác phiền muộn trong lòng khi nghĩ về hoàn cảnh Hữu Loan hiện nay. Dĩ nhiên sinh - lão - bệnh - tử là chuyện tất yếu của đời người. Nhưng hình ảnh một ông gìa ốm yếu ho hen, lẩn quẩn trong căn nhà cũ kỹ với người vợ tuổi đã cao, cũng nhiều bệnh tật, có cái gì làm tôi cám cảnh. Hơn nữa, người đó lại là Hữu Loan.

 

Lẽ ra ông đã có một cuộc sống khác. Một nhà thơ tài hoa, một trí thức, một chiến sĩ cách mạng dày dạn, từ thời khởi nghĩa chống Pháp giành chính quyền mới hơn 20 tuổi đã phụ trách 4 ty của tỉnh, một cán bộ tuyên huấn sư đoàn xuất sắc… đúng ra phải có vị trí xứng đáng và cuộc sống tốt hơn so với bao nhiêu người bất tài đang nắm giữ chức quyền và sống xa hoa phung phí hiện nay.

 

Tôi nghĩ thực ra chính ông đã chọn cuộc sống này từ khi làm bài thơ “ Mầu tím hoa sim” và tham gia “ Nhân văn- Giai phẩm”, sau đó tự ý bỏ về quê nhà. Trong khi người ta lên án tư tưởng tiểu tư sản ủy mị thì ông làm bài thơ khóc người vợ trẻ lúc từ chiến trường trở về phải ngồi bên "ngôi mộ đầy bóng tối với chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương tàn lạnh vây quanh" của người con gái vắn số không kịp chờ ông. Ông không thể “giữ lập trường”, nén đau thương, xúc cảm của mình theo chỉ thị của lãnh đạo. Con người không phải là gỗ đá, không phải là súc vật phản xạ có điều kiện. Nhà thơ chân chính càng không thể chỉ nặn ra những tác phẩm theo đơn đặt hàng hay những bài tuyên truyền sáo rỗng dối trá dù là theo “yêu cầu của cách mạng” đi chăng nữa. Chính vì thế sau khi viết “Mầu tím hoa sim”, ông bị kiểm điểm, bài thơ bị cấm phổ biến công khai nhưng lại được chính các chiến sĩ chép tay lén lút, đọc thầm cho nhau nghe, và sau đó vượt không gian, thời gian đi vào lòng người để trở thành một trong những bài thơ tình bất hủ của thi ca Việt Nam.

 

Cùng với các văn nghệ sĩ trong nhóm “ Nhân văn – Giai phẩm”, Hữu Loan đã dùng ngòi bút để lột trần, lên án cái ác núp dưới bất cứ thứ nhân danh, chiêu bài nào. "Nhân văn- Giai phẩm” là sự lựa chọn quyết liệt của những người làm văn học nghệ thuật chân chính với tinh thần “ Lời mẹ dặn” của Phùng Quán “Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét”. Đó là đỉnh cao của văn học nghệ thuật, cũng là đỉnh cao của trí tuệ và nhân cách. Đỉnh cao đó tất yếu bị phá đổ, vùi dập khi quyền bính được xây dựng bằng bạo lực và dối trá. Sự lựa chọn đó là một lựa chọn sinh tử và đã phải trả gía đắt, đắt bằng sự khốn cùng của đời người, bằng một vết nhơ lớn trong lịch sử dân tộc.

 

Khi tôi hỏi về chữ Tâm treo trên bàn thờ, Hữu Loan bảo chính tay ông viết và suốt đời ông chỉ thờ một chữ Tâm.

 

Tôi chợt nhớ đến những điều ông nói trong chuyến đi xuyên Việt năm xưa mà tôi đã ghi lại trong bút ký “ Hành trình cuối đông”[*]

 

“Cái tâm mới là điều quan trọng trong văn học. “ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Sai lầm của chế độ là đã đề cao giai cấp tính, đến chỉ còn đẳng cấp thống trị. Giai cấp tính không bằng nhân đạo tính".

Với cái tâm trong sáng của mình, Hữu Loan đã thấu suốt tình hình đất nước và có những nhận định sắc bén:

 

“ Đất nước ta là nơi nói giỏi nhất nhưng làm sai nhiều nhất, người sai lầm ít thì bị tội nặng, không được sửa sai, như bác sĩ làm chết người, lái xe gây tai nạn bị lấy bằng, đi tù, còn những người làm sai nhiều, giết nhiều người, làm hại làm khổ hàng triệu người thì lại được sửa sai, nói dễ dàng “sai thì sửa”.

 

“Người nói thật cũng bị trừng trị. Tôi cũng bị trừng trị vì tôi viết văn là nói thật. Có người hỏi động cơ viết văn của tôi là gì, tôi trả lời động cơ viết văn của tôi là thích chửi vua. Ít ai dám chửi vua nhưng vua sai thì nhà văn có quyền chửi.”

 

Vào thời điểm đó, Hữu Loan nhấn mạnh về sứ mạng của nhà văn:

 

“ Bây giờ nhà văn chỉ cần làm thư ký của thời đại là đã lớn lắm rồi. Hiện thực nỗi đau của nhân dân rất vĩ đại. Vấn đề không phải có lớn không mà là có dám lớn không.”

 

Dám nói thật và động cơ viết văn “thích chửi vua” chính là sứ mạng, nhân cách và bản lĩnh của người cầm bút trong những thể chế hay giai đọan lịch sử mà sự sai lầm và độc đóan lên ngôi thống trị. Đó cũng là “định mệnh” của nhà văn chân chính. Định mệnh của những người đã lựa chọn cuộc chiến đấu không cân sức:

 

“Chuyện Hữu Loan là chuyện

Một vạn chín trăm năm mươi ngày gấp hơn

mười lần chuyện Ba Tư

vô cùng căng thẳng

Giữa hai bên

một bên là chính quyền có

đủ thứ nhân dân

quân đội nhân dân

tòa án nhân dân

nhà tù nhân dân

và nhất là

cuồng tín nhân dân

thứ bản năng ăn sống

nuốt tươi

ăn lông ở lỗ nguyên thủy

được huy động đến

tột cùng

sẳn sàng hủy

cũng như tự hủy

một bên nữa là

một người tay không

với nguyện vọng

vô cùng thiết tha

được làm người lương thiện

nói thẳng

nói thật

bọn ác

bọn bịp

thì chỉ tên vạch mặt

người nhân thì

xin thờ

như Thuấn Nghiêu”

( Chuyện tôi về )

 

Cuộc sống của Hữu Loan thời kỳ đêm dài 30 năm đúng là “vô cùng căng thẳng”, đặc biệt khi “cuồng tín nhân dân” còn bị nhồi sọ và kích động bởi bộ máy tuyên truyền hùng hậu.

Thời kỳ đó đã qua và hiện nay những nhà văn chân chính như Hữu Loan không cô độc nữa, dù cũng còn phải chịu đựng không ít khó khăn trù dập. Trung thực và dũng cảm vẫn là điều không thể thiếu khi nhà văn muốn nói lên sự thật.

 

Riêng Hữu Loan, ông đã giữ vững sự lựa chọn đó đến cuối đời. Theo tôi biết, nếu không lầm, sau thời kỳ đổi mới, Hữu Loan là người duy nhất không làm đơn xin khôi phục hội tịch Hội Nhà văn Việt Nam.[*] Cuộc sống của ông cho đến tận hôm nay, dù trải qua bao nhiêu gian nan khốn cùng, đó vẫn là một cuộc sống làm người tử tế đúng nghĩa. Hơn nữa đó còn là một cuộc đời bi tráng rực rỡ, lấp lánh niềm đau và khí phách như những bài thơ của chính ông.

 

Hôm trước ở Hà Nội, tôi nghe nói con trai út của ông định sắp tới sẽ tổ chức thượng thọ 90 tuổi cho ông với mục đích để bạn bè trong nam ngoài bắc có dịp gặp ông một lần trước khi ông quá gìa yếu. Tôi may mắn đã được gặp lại ông trước dịp này.

 

Cuộc đời Hữu Loan chính là một tượng đài của nhân cách, lòng trung thực và khí phách anh hùng. Tượng đài đó có thể biểu trưng bằng “cây gỗ vuông chành chạnh” và một chữ Tâm. Người xưa nói “ Dụng nhân như dụng mộc”. Cây gỗ vuông này thời đại của ông không dùng nhưng lịch sử sẽ dựng lên thành một tượng đài, cũng là một loại bút “ tả thanh thiên” lồng lộng giữa đất trời.

 

Tháng 6 năm 2005

TDBC

 

[*] Ghi chú: Xem them Hành trình cuối đông, bút ký Tiêu Dao Bảo Cự, Nhà xuất bản Văn nghệ, 1998. Phần Phụ lục của bút ký này có đăng tòan văn bài thơ "Chuyện tôi về" của Hữu Loan.

[Trích Đàn Chim Việt]