|
Những người muôn năm cũ
Khi cháy
hết đời
mình, nến sẽ lịm dần, và từ đó, một tia khói sẽ vươn lên, sẽ thoảng một
mùi
hương. Rất nhẹ, rất lành hiền, tựa hồ quên lãng.
Có những cuộc đời như thế.
Có một cuộc đời như thế.
Ngân biết tên ông từ
lâu, như một người tham dự, như một
người làm chứng, làm chứng cho một thời kì, làm chứng cho một lớp người
con
Việt, ở một xứ sở đã để lại cho chúng ta hôm nay dấu ấn không thể tàn
phai, về
máu, về nước mắt, về một cách gào thét, thở than. Bản thân ông và đồng
chí của
ông, trong một nghĩa nào đó, cũng chính là lịch sử.
Ngân quen ông chưa
lâu. Số phận đã chọn ông thành người phù
trợ cho Ngân, trong một khoảng đời cay đắng. Điều ông và Ngân mong muốn
rút cục
không thành. Nhưng Ngân không quên tấm lòng ông, ngây thơ, bao dung và
nhẫn nại
vô cùng tận trước đời sống này.
Ngân gặp ông chỉ một lần. Thời gian
chỉ đủ cho Ngân nói đôi
lời hỏi thăm sức khoẻ của ông và kể về chuyến đi cập rập của mình.
Nhưng đủ để
Ngân giữ mãi trong lòng nỗi bùi ngùi trong buổi sáng Paris
ấy.
Sự sống dường như chỉ
còn là một mạch nước sắp kiệt ở ông.
Làn da nhăn nheo, trắng bợt, giọng nói yếu, nụ cười mong manh, đôi bàn
tay đầy
gân vịn trên thành ghế. Đấy là ông. Ông ngồi đối mặt với bức sơn dầu
ngồn ngộn
hai khối tròn nóng ấm và tươi sáng mà chính ông đã vẽ. Bức tranh thu
toàn bộ sự
sống trong nhà. Còn lại: chỉ là ông và bụi nắng.
Căn hộ của ông ở Paris
giống như một cái bến mà đồng hương từ Việt Nam
qua hay tấp thuyền vào. Đã bao nhiêu người ngày ngày vào ra nơi đó. Đã
bao
nhiêu người ngày ngày ngày đi qua ông để tới với cuộc đời hăm hở ngoài
kia. Có
phút nào, có ai nghĩ đến ông lão đang leo lét sống và đợi. Có ai, một
lần ngồi
lại, nói với ông về Tổ quốc ông yêu? Có ai, một lần hỏi ông về cuộc đời
ông? Có
ai biết vì sao ông lại quyến luyến con người như thế?
Đâu phải vì cô đơn.
Đã hơn một lần Ngân
tưởng ra rằng ông và đồng chí của ông là
người chiến thắng trong cuộc đấu tranh thuở ấy. Nếu thế thì những bài
lịch sử
mà bọn Ngân đã học phải ra sao? Những bài ca cho tuổi măng non ngày ấy
sẽ ra
sao? Và cách xưng hô của một thời đã ra sao, nếu không phải là 'chúng
ta, đồng
chí'? Và liệu có không nỗi ngày Bắc đêm Nam?
Liệu có không máu thịt Việt Nam
trải khắp những cánh rừng già bên mưa bên nắng?
Tất cả chỉ là giả
định. Có cái gì thật vô vọng trong cuộc
chiến đấu mà ông đeo đuổi cho tới lúc tàn hơi. Ngân không nghĩ mình sẽ
bị
thuyết phục bởi lý tưởng của ông. Lớn lên nơi ấy vào thời buổi ấy, nơi
những
gam màu sáng chỉ hội trong bóng cờ và khẩu hiệu tưng bừng, Ngân đã tự
miễn dịch
được rồi trước những lời kêu gọi, sau những tin yêu rồi choáng váng
hoài nghi.
Nhưng gặp ông, thỉnh thoảng nghe tiếng ông qua điện thoại, Ngân lại
ngạc nhiên
thấy mình xúc động. Có cái gì vừa bất khuất vừa bi thảm trong toàn bộ
cách thế
sống của những con người ấy.
Ngân biết mình cũng
không mê văn chương của ông. Ngôn ngữ
ông dùng trong văn chương giống như là di tích vậy. Nhưng chính điều đó
làm
Ngân cảm động. Ông đã giữ cho mình bao nhiêu năm ròng tiếng Việt ấy của
làng
quê nghèo ấy ở thời buổi ấy. Bao nhiêu năm rồi? Ông kể cho Ngân về sáu
mươi năm
thương nhớ quê nhà. Về nỗi đau không bao giờ gặp lại người ruột thịt.
Và ông
khóc. Tiếng khóc vọng từ đầu kia đường dây điện thoại, xuyên qua không
gian đầy
cảm biến tới Ngân chỉ còn là khúc điệu nghẹn ngào của những khoảng
ngừng chết
chóc. Hình ảnh người trai nhà quê Việt Nam
mấy mươi năm về trước lủi thủi lê chổi đi về giữa những tinh sương Paris
trắng rợn lòng bỏng rẫy một nỗi quê nhà có khác gì đâu hình ảnh mà bọn
Ngân
suốt một tuổi học trò đã tưởng là duy nhất.
Khác chăng: ông phải
mượn quê người để kí thác cả cuộc đời
đã sống cho quê hương.
Nhiều năm ròng sống
cho một quê nhà chưa bao giờ được một
lần nhìn lại là bi kịch của bao nhiêu con dân Việt đã tự vãi mình ra
trên thế
giới này? Ngân kinh ngạc vì tưởng tượng của ông về quê hương: một gốc
đa đầu
làng, (đã hẳn), những người đàn bà xắn váy quai cồng gồng gồng gánh
gánh; những
hàm răng đen hồn hậu; bầy trẻ nghèo mới tí tuổi đầu đã phải xốc vác
nuôi thân,
và những con đường làng lầy lội, những mái tranh đã ải, nắng trên sông
xa,
sương khói buồn buồn. Hình dung của ông vừa cũ kỹ vừa sát thực. Chẳng
phải
những cảnh đời đau khổ thuở ấy vẫn còn nguyên đó hay sao? Có khác gì
đâu một
đôi mắt đói, dẫu là trong thời nào. Ông không biết những hồi ức của ông
làm
Ngân đau khổ. Không phải vì cảm thương cho ông. Ông đâu cần điều đó và
Ngân đâu
dám. Nhưng nỗi đau khổ là có thật. Khủng khiếp xiết bao khi đột nhiên
nhận ra
rằng tám mươi năm đời ông không phải là sự kết nối những ngày sống và
những
cùng cực mà người ta vẫn tưởng chép miệng một cái là xong, vì rút cục
thì đã đi
qua, dù sao cũng phải đi qua. Gần một thế kỉ ấy là trùng trùng đau khổ
của mấy
thế hệ Việt Nam,
trong đó có thế hệ Ngân. Một lần nhìn lại đủ để Ngân kinh sợ, khi tưởng
ra rằng
đó có thể vẫn là số kiếp của thế hệ con mình.
"Tại sao anh không
về?'
'Đâu có được về hả em. Người ta...!'
Ông trả lời sau một hồi lâu im lặng.
Tại sao?
Tại sao?
Ngân muốn gào lên chỉ
một câu hỏi ấy. Ngân không thể gào lên
câu hỏi ấy. Tại sao? Tổ quốc đã chẳng độc lập hơn nửa thế kỷ rồi đó
sao? Tổ
quốc đã chẳng thống nhất một phần tư thế kỷ rồi đó sao? Không Tổ quốc
nào cấm
cửa con mình. Một người con như ông, Tổ quốc nào không thương quý.
Tại
sao?
Tại sao?
'Mấy
năm trước họ bảo
anh là có thể về. Nhưng già yếu quá rồi, đường xa...' Tiếng ông khẽ
khàng qua
đường dây điện thoại.
'Người
ta...Họ...'
Giọng
ông bình thản
quá. Còn có bao người như ông?
Ông nội của Ngân nằm
lại ở môt góc rừng Việt Bắc. Khi toàn
quốc kháng chiến, ông dặn bà đưa bốn con dại về quê nương tựa họ hàng.
Bố, đang
thảnh thơi đi học, phải sáng sáng cắp sách vở cùng thúng xôi lang thang
các
phố, thay cha giúp mẹ nuôi em. Còn ông, quần nâu túm ống, hì hục khuân
vác máy
móc đưa lên Việt Bắc. Bố kể buổi nắng và gió lạnh, bố cắp thúng xôi còn
lưng
lưng qua đó ngóng, gặp ông trong đoàn quân đang tập hợp chuẩn bị ra đi.
Niềm tự
hào làm cổ cậu bé học trò mười hai tuổi nghẹn lại không gọi người cha
thành
tiếng được. Ông nhìn thấy bố, rời hàng quân chạy qua phố, đỡ thúng xôi
đặt
xuống vỉa hè, vét đưa anh em mỗi người một gói, rồi lần túi đưa nốt cho
con mấy
đồng bạc lẻ, nắn hai bả vai gầy của đứa con còn chưa vỡ giọng, dặn nói
với mẹ
đưa em về quê ngay. Rồi ông đi. Không bao giờ về lại. Chưa bao giờ Ngân
thấu
hết những âm vang trong tiếng gọi đã giục ông đi ngày ấy, dẫu vợ yếu và
con dại
còn vướng lại giữa thành phố sắp bỏ ngỏ. Người vệ quốc trong đoàn quân
chân đất
quần nâu đó khi còn làm lính thợ đã một lần tưởng phải xuống tàu, qua
Pháp. Nếu
ông đi? Thì biết đâu ông chẳng đã sống một cuộc đời tranh đấu âm thầm
và quyết
liệt như người lính thợ năm xưa, người cộng sản không hợp thời vừa gửi
vào gió Paris
hơi thở chót. Rất nhiều năm sau này, rời nơi sơ tán trở lại trường xưa,
bao
nhiêu chiều Ngân đã cắp sách đi lại con đường xưa của bố và ông, bao
nhiêu
chiều Ngân đã dừng lại ở cổng nhà máy ấy, cúi nhìn những tấm đá xanh
vạm vỡ và
bóng lên như nước ở quãng phố ấy, cố gắng tưởng tượng người ông chưa
bao giờ
biết mặt phong phanh trong bộ áo quần nâu, cố gắng tưởng tượng Hà Nội
mùa đông
xưa rạo rực bước chân âm thầm quyết liệt của những người dân một niềm
quyết tử.
Cho Tổ quốc quyết sinh. Ông mất, không bao giờ tìm thấy mộ. Ngày cải
cách ruộng
đất, cả nhà dân Hà Nội tản cư không ruộng không vườn nhưng vẫn lao đao
vì lời
vu dữ, rằng ông đi lính cho Pháp, rằng ông là việt gian bị ám sát ở
thành. Bà,
gồng tấm thân gầy yếu cho đàn con đang vừa phẫn uất vừa hoang mang hãi
hùng
nương vào, nhất quyết đòi lại cho chồng một lời chứng đã chết vì Tổ
quốc. Lời
chứng ấy, bao nhiêu năm sau mới tới với cả nhà, qua tấm bằng Tổ quốc
ghi công,
mà trong đó tên ông bị viết sai. Bà, rằm tháng bảy, thở một hơi dài:
'Không sao
cả. Nếu chỉ cầu sống, ông đã không đi kháng chiến. Vậy có sống lại,
chắc ông
cũng chả đòi gì. Chỉ tội cho ông, chết chả biết ngày nào mà làm giỗ giờ
phải về
cùng ma đói'. Rồi bà khóc. Rằm tháng bảy năm nào cũng khóc. Suốt nửa
thế kỷ. Từ
thuở ngoài ba mươi. Cho tới ngày xuôi tay.
Ngân tin lời bà.
Nhưng Ngân đã bao lần tự hỏi ông đã nghĩ gì
khi ông bị thương nặng rồi nằm lại vĩnh viễn ở góc rừng ấy, ở tuổi bốn
mươi,
như chồng Ngân bây giờ. Ông có nhớ một thành phố mà ở đó ông đã lớn
lên, đã lấy
vợ sinh con, đã sống một kiếp âm thầm nhưng bình an cùng với nó và đã
đột nhiên
hiểu ra rằng nó có thể thuộc về mình? Ông có nhớ chăng buổi lên đường
theo
tiếng gọi của sông núi? Ông có nghĩ tới một làng quê đang bao bọc và
rẫy bỏ vợ
con mình? Ông có nghĩ tới một cuộc sống khác ông mong mỏi cho con mình?
Và ông
có biết...
...Và ông lão vừa khuất bóng ở Paris?
Với ông, cái gì là hình ảnh cuối về cuộc đời đã qua hiện lại trong trí
phút tàn
hơi? Những năm dài sống âm thầm ở Paris
sau những buổi dấn thân? Hay chính là những ngày trẻ trai tranh đấu?
Gương mặt
đồng chí một đời? Vợ và con? Con đường xưa về làng xưa và mờ nhân ảnh
bao người
ruột thịt đã chết đói nửa thế kỉ trước mà ông đã từng khóc với Ngân là
ông rất
khó hình dung lại?
Ngân
đã nhắc mình
đừng nhớ nữa, đừng nhớ nỗi bùi ngùi ấy nữa. Nhưng không thể. Không thể
nào xóa
nổi hình ảnh ông lão đồng hương ngồi trong bóng sáng Paris,
giữa căn hộ ở tít cao một ngôi nhà lớn. Không thể xóa nổi hình dung dấu
bàn tay
đứa con hai tuổi của chị để lại trên lớp bụi quanh ông lúc lẫm chẫm
bước trong
phòng. Ông đã ngồi như thế bao lâu rồi, đã cô độc cùng trí nhớ của
mình, dẫu có
bao người lao xao vào ra nơi đó. Mỗi bình minh. Mỗi ban trưa. Mỗi hoàng
hôn.
Mỗi đêm dài khó ngủ. Ngôi nhà chon von như một ngọn núi mà ông không
thể nào tự
lần xuống được nữa, để đến với ngoài kia hừng hực vô tư lự Paris.
Đêm. Núi. Mưa. Nỗi sầu cố quốc. Bao nhiêu lần ông đã sống cảm giác ấy
trong
cuộc đời dằng dặc biến cố của mình?
'Vẫn
biết chết rồi là
hết chuyện - Chín châu chưa chút được sum vầy - Ngày nào thu lại miền
trung thổ
- Cúng bố đừng quên khấn bố hay...' (*)
...Có
một nỗi sầu
biên tái như thế rầm rì vọng lại từ xưa, xưa lắm, xa, xa lắm. Vì Tổ
quốc không
còn. Hiểu được! Ông, thế kỉ này, cũng một niềm xứ sở. Biết khấn ông như
thế
nào, nếu có thể thắp cho ông một nén hương. Ngân chạnh lòng. Tàn tro
một nắm...
Vẫn biết chết rồi là hết chuyện! Mà
sao...
Chú
thích:
*. Thơ Sầm
Tham
(Trung quốc)
Trích Gió tự thời khuất mặt
Lê Minh Hà
|